Khách mời văn hóa

Mỹ thuật Việt Nam có gì mới?

Mỗi dân tộc có truyền thống mỹ thuật riêng của mình và nó luôn vận động theo đời sống của cộng đồng, lúc nhanh, lúc chậm. Nhận diện đúng nó là điều không dễ; Nhưng cần thiết cho hành trình sắp tới.

Sau đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với Lý Đợi - nhà nghiên cứu/giám tuyển mỹ thuật đang “đắt khách” đối với các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước.

 

                                                Lý Đợi. Ảnh: Thục Linh

Theo anh mỹ thuật Việt Nam hiện nay với trước đây có gì mới và khác?

- Về nội tại thì hiện nay mỹ thuật VN có thêm các loại hình mới như nghệ thuật ý niệm, nghệ thuật trực tuyến và nghệ thuật từ trí tuệ nhân tạo. Còn về thị trường, có lẽ chưa bao giờ - nếu kể từ khi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời đến nay - “người Việt lại dùng mỹ thuật VN nhiều như hiện nay. Suốt thế kỷ 20, ở khía cạnh thị trường, mỹ thuật hiện đại VN do quốc tế định nghĩa, mua bán, dẫn dắt. Bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, tình hình đã khác, khi người Việt trong nước đã dần dần dành lại quyền định nghĩa, mua bán, dẫn dắt thị trường.

Khoảng 5 năm trở lại đây, phải đến 75% cục diện thị trường mỹ thuật VN do người Việt nắm giữ. Các mô hình như đấu giá, mua đổi, định giá, thẩm định… đã dần lộ diện và kiện toàn song hành với các định chế tài chính, bảo hiểm, pháp lý khác. Ví dụ vài ngân hàng hiện nay đã xem bộ sưu tập tranh là một hạng mục có thể cầm cố, thế chấp.

Tác phẩm Vỡ mộng (lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) từng đấu hơn 1,1 triệu USD (hơn 27 tỷ đồng),

tác phẩm cao giá nhất của Tô Ngọc Vân trên thị trường công khai.

Mới nhất là gì?

- Mới nhất trong bề nổi thị trường có lẽ là những tác phẩm giá đỉnh nhất đã do người Việt nắm giữ. Trong khoảng 20 tác phẩm có giá bán công khai trên dưới 1 triệu USD, người Việt trong nước đã sở hữu trên 10 tác phẩm, vẫn đang tiếp tục đấu giá hoặc lùng mua. Những tác giả đương đại đắt giá như Lê Kinh Tài, Bùi Hữu Hùng, Phạm An Hải, Lê Quảng Hà… cũng đã bán các tác phẩm tiêu biểu cho người Việt.

Một khía cạnh nữa, đó là các nhà sưu tập thuộc thế hệ thứ 5, chủ yếu sinh thập niên 1970 trở về sau, với kiến thức Tây học, kinh tế tự thân, kinh nghiệm quốc tế đủ đầy… đã biết cách chi tiêu hợp lý cho mua sắm tác phẩm mỹ thuật VN.

-	(Giai phong) Tác phẩm Giải phóng (sơn dầu kết hợp vật liệu, 200cm x 500cm, 2015) của Lê Kinh Tài hiện có giá bán hơn 450.000 USD (hơn 10 tỷ đồng)

Tác phẩm Giải phóng (sơn dầu kết hợp vật liệu, 200cm x 500cm, 2015)

của Lê Kinh Tài hiện có giá bán hơn 450.000 USD (hơn 10 tỷ đồng).  

Anh đánh giá thế nào về thế hệ nghệ sỹ trẻ? Và tác phẩm của họ?

- Chưa bao giờ mỹ thuật VN đa dạng như hiện nay, nơi có đông đảo nghệ sĩ trẻ đang tự khẳng định mình bằng nhiều vật liệu, chất liệu, ngôn ngữ và trường phái. Trước đây mỹ thuật VN có hiện tượng “cây đa cây đề”, “chiếu trên chiếu dưới”, bây giờ đã cạnh tranh dân chủ và khốc liệt hơn, đặc biệt trên thị trường và trên mạng. Tranh một danh họa đã mất chưa chắc cao giá và bán chạy hơn một họa sĩ đương thời, đó là điều mà trước đây mỹ thuật VN chưa hề xảy ra, bây giờ khá phổ biến.

Thời đại nào cũng vậy thôi, “nhân tài như lá mùa thu”, dù đông đảo như “nấm mọc sau mưa” là vậy, nhưng để trở thành tên tuổi lớn, để đi vào lịch sử thì mỹ thuật VN hiện nay cũng chỉ hy vọng có chừng 3-5% tác giả làm được mà thôi. Nhiều nghệ sĩ từ trẻ đã khước từ việc đi vào lịch sử, nên chọn các con đường dễ dàng để sáng tác, chọn đề tài bán được, để sống ổn sống vui với hiện tại. Nhiều tác giả, vì muốn kiếm nhiều tiền, chấp nhận chạy theo thị hiếu dễ dãi, sẵn sàng bán linh hồn. Nhưng bù lại, số ít tác giả kiên định đi trên lối hẹp bằng các tìm tòi, thể nghiệm và đổi mới.

Có hiện tượng trung tâm ngoại biên trong mỹ thuật VN hiện nay không và bản đồ mỹ thuật đó có thể hình dung như thế nào? Đâu là trung tâm? Vì sao?

Lĩnh vực nào cũng sẽ có trung tâm - ngoại biên chứ không chỉ là mỹ thuật. Tôi chắc chắn thế.

Gần đây Đà Nẵng mới bắt đầu có vài người mua tác phẩm mỹ thuật VN đương đại, thì về mặt thị trường, Đà Nẵng chẳng là gì nếu so với Huế, Hải Phòng, Đà Lạt, chứ đừng nói đến TP.HCM, Hà Nội. Xét về quy mô và cấu trúc nền mỹ thuật, rõ ràng Hà Nội, TP.HCM, Huế sẽ có trung tâm hơn mấy chục tỉnh thành còn lại. Không có trường dạy, không có trung tâm trưng bày, trao đổi, mua bán, ít nhà sưu tập, phê bình… thì làm sao dám nhận là trung tâm cho được.

Có mỹ thuật tỉnh lẻ không? Vì sao vậy?

Tỉnh lẻ về mặt địa lý thì ngày càng được rút ngắn, nhưng về mặt tâm lý thì vẫn còn khá phổ biến. Tại sao đa số các tác giả sống ở tỉnh xa thường sáng tác rất ít, thường ít triển lãm cá nhân, đơn giản vì họ thiếu động lực, thiếu sự đồng cảm, chia sẻ… Nhiều người sẵn sàng xây cái nhà vài chục tỷ đồng, uống chai rượu vài chục triệu đồng, nhưng chỉ treo tranh in, tranh bờ hồ vài trăm ngàn đồng, thì các tác giả chia sẻ với ai. Nhưng đây cũng là quy luật thôi, như ông bà ta nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, sau biệt thự, xe hơi, thời trang, ăn nhậu, trai gái… thì mới tới tranh pháo, sưu tập. Nhiều người mới đang giai đoạn ăn nhậu, trai gái, không chơi nghệ thuật, không sưu tập cũng là bình thường thôi.

Nếu đặt mỹ thuật VN đương đại trong bối cảnh, hay là bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật thế giới thì có thể hình dung chúng ta ở vị trí nào trong bố cục đó? Và màu sắc nữa, có gì khác và nổi lên không?

Thế giới thì rộng quá, khó bao quát, nếu đặt trong bối cảnh Đông Dương ngày trước, của Đông Nam Á bây giờ, mỹ thuật và mỹ thuật VN đương đại thuộc hạng trung bình khá, vài trường hợp như Lê Phổ, Lê Kinh Tài… có thể xếp vào tốp đầu của thị trường. Nếu GDP bình quân đầu người của Việt Nam xếp thứ 6 trong khối ASEAN, thì mỹ thuật VNcó lẽ xếp thứ 5 hoặc thứ 4.

Tôi đồng cảm với nhận định của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Xuyên suốt lịch sử mỹ thuật Việt Nam luôn có những giá trị nhân văn không đâu có, không giống ai, đáng tự hào, có vị trí trong bản đồ, lịch sử nghệ thuật thế giới. Thí dụ gốm Lý - Trần - Mạc, tượng đá Champa, điêu khắc gỗ đình chùa thế kỷ 16-19, trang trí thế kỷ 19, tranh mỹ thuật Đông Dương nửa đầu thế kỷ 20, nghệ thuật hiện thực XHCN giữa thế kỷ 20, nghệ thuật thời Đổi mới cuối thế kỷ 20…”. Và xin bổ sung thêm, đó là sự nổi lên của thị trường nội địa, sự bài bản, có hiểu biết của thế hệ sưu tập mới.

Em bé cho chim ăn

(Em be cho chim an) Dù giá đấu cuối cùng hơn 853.000 USD (hơn 19,6 tỷ đồng), chưa thuế và lệ phí,

bảo hiểm,nhưng một nhà sưu tập Việt Nam đã quyết tâm hồi cố hương tác phẩm Em bé cho chim ăn (mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931) của Nguyễn Phan Chánh.

Gần đây tranh của các họa sĩ VN đã ngày càng có giá hơn trong các phiên đấu giá ở nước ngoài, trong đó có nhiều tác giả thuộc thế hệ “Mỹ thuật Đông Dương”. Ông lý giải thế nào về sự lên giá này?

Trên thế giới, tranh là nhân tạo đắt giá bậc nhất, hơn cả một phi thuyền, một lâu đài, một máy bay… Trong khi xét cho cùng, tranh hoàn toàn vô dụng, suốt đời không sở hữu một bức tranh nào, hoặc toàn khu chung cư không treo bức tranh nào, cũng đâu có sao. Nhưng như Trang Tử đã luận, đi tận cùng hữu dụng là vô dụng và ngược lại, “tiền nhiều để làm gì” nếu không mua tranh. Rõ ràng, tranh có thể sở hữu cả ngàn bức cũng không phiền, nhưng siêu xe trăm chiếc, máy bay chục chiếc đã rất phiền từ việc đăng ký, kho bãi, người lái… Theo Wealth Report, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người siêu giàu và có 25.812 triệu phú USD. Nhiều người trong số này đang tìm kiếm vật thay thế cho tiền bạc, mà tranh là một lựa chọn hoàn hảo, vì khi đụng chuyện, cuốn bỏ ống cầm đi đâu cũng được. Nhiều người Việt hiện nay đang tham gia các phiên đấu quốc tế, đổ tiền mua tranh và các bộ sưu tập xa xỉ rồi ký gởi ở nhiều quốc gia mà họ có thẻ xanh hoặc quốc tịch.

Liệu điều đó có ích như thế nào với mỹ thuật VN hiện tại?

“Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, đồng tiền thời nào cũng có sức mạnh và ảnh hưởng to lớn, cả về mặt tích cực và tiêu cực. Suốt mùa Covid -19 vừa qua, trong 7 ngành nghệ thuật căn bản, mỹ thuật VN đã khá nổi trội trong việc bán tranh làm từ thiện, nên địa vị của nhiều họa sĩ đã thay đổi trong mắt nhìn của người dân. Những nhà văn, họa sĩ thành công về mặt tài chính cũng là nguồn cảm hứng cho xã hội, trở thành ước mơ, chọn lựa của học sinh. Một diễn đàn trực tuyến do báo Thanh niên tổ chức hôm 16/3/2021 đã cho thấy năm nay thí sinh chọn đầu vào các khối ngành kỹ thuật, thiết kế, mỹ thuật, kiến trúc là thu hút nhất. Trước đây người Việt hay nói “nhà văn, nhà báo, nhà giáo…, nhà nghèo”, cuộc sống hiện nay chứng minh ngược lại, nhà gì không quan trọng, miễn có tài năng, nổi tiếng và đủ may mắn là ngon lành. Chính các phiên đấu giá và giao dịch hàng triệu USD, cũng như chính hình ảnh hàng trăm họa sĩ tỷ phú đang hiện diện trong đời sống đã thành nguồn cảm hứng, động lực và niềm tin cho giới trẻ trong việc chọn nghề nghiệp cho tương lai.  

Ông đánh giá thế nào về thị trường tranh/Mỹ thuật VN hiện nay? Liệu có khả quan hơn trong thời gian tới? Vì sao?

Từ năm 2010 đến nay, thị trường tranh/mỹ thuật nội địa VN phát triển năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả với năm Covid-19 thì thị trường mỹ thuật thế giới và VN vẫn tăng trưởng, bởi dường như Covid-19 tác động nhiều tới gian tầng trung lưu, làm công ăn lương, dịch vụ, chứ ít tác động đến tầng lớp siêu nghèo và siêu giàu. Giới mua tranh và sưu tập thường thuộc nhóm giàu và siêu giàu, hoặc là nhóm ít bị tác động trực tiếp bởi những chuyện như Covid-19.Nếu không có gì thay đổi, những bức tranh có giá bán trên 1 triệu USD của các tác giả còn sống sẽ xuất hiện phổ biến tại Việt Nam trong khoảng 5-7 năm tới.

Ý cuối cùng, theo ông, để phát triển, mỹ thuật VN, những người sáng tạo mỹ thuật cần có những gì, cần làm gì?

Cần chuyên tâm nhiều hơn, ai sáng tạo thì cứ sáng tạo, ai nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, ai mua bán thì cứ mua bán…, nói chung cần làm cho tới nơi tới chốn. Bởi nhìn chung, mỹ thuật VN đã đủ lực lượng và đã bước qua tuổi dậy thì thành công, giờ chỉ còn làm sao để trưởng thành hơn và chuyên tâm hơn mà thôi.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441614

Hôm nay

214

Hôm qua

2317

Tuần này

21518

Tháng này

216788

Tháng qua

112676

Tất cả

114441614