Cuộc sống quanh ta

Để giới trẻ yêu và đến với âm nhạc dân tộc

[Suy nghĩ sau Hội thảo Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay]

Hội thảo Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp với Sở VHTT& DL Nghệ An tổ chức đầu năm 2016 đã để lại trong lòng người tham dự không ít trăn trở, suy nghĩ. Một trong những vấn đề đó là các ý kiến lên án âm nhạc ngoại lai và sự thờ ơ của bộ phận không nhỏ giới trẻ đối với âm nhạc dân tộc.

Trong hội thảo, các nghệ sỹ, nhà nghiên cứu đã lên án và chỉ trích rất mạnh mẽ hiện tượng giới trẻ chạy theo dòng nhạc ngoại lai, thị trường. GS Hoàng Chương đánh giá: “Truyền hình cũng có tội trong việc truyền bá nghệ thuật mang tính thương mại, phổ biến cái gọi là “Âm nhạc hiện đại”, “Âm nhạc trẻ” mà trong đó đa số ca khúc nội dung thì chỉ có những lời yêu đương sáo rỗng, vô bổ còn hình thức thì lai căng, phi dân tộc.”….Ông đi đến nhận định “Vì nhận thức sai về âm nhạc dân tộc là cổ lỗ, lỗi thời mà vô tình tiếp nhận những dòng nhạc ngoại lai xa lạ, hoặc Tây hóa những giai điệu dân gian, dân tộc vốn rất quen thuộc với con người Việt Nam.”  Trong bài tham luận của GS.TS Hồ Sĩ Vịnh lại chỉ ra “Đề tài các ca khúc của nhạc trẻ rấy nghèo và đang bị đóng băng. Nói nghèo vì chúng quanh đi quẩn lại chỉ là “tình yêu” lứa đôi, nhưng ủy mị, sầu thảm, vội vàng […] Còn nói đóng băng vì đề tài không được “mở”, quẩn quanh vẫn mấy cái động tác yêu đương tầm thường, do tình yêu không có định hướng, không có động lực, lạm dụng tình yêu thiêng liêng mà trái tim thì vô cảm.” …

Những nhận định đó là có cơ sở và phần nào nói lên thực trạng đáng buồn hiện nay song có lẽ cần có một cái nhìn kĩ càng và sâu sắc hơn về thực trạng, về nguyên nhân vấn đề.

Bởi đâu có sự thờ ơ?

Xét cho cùng, người ta đến với âm nhạc vô tư lắm. Đó là con đường của trái tim.Con người đến với âm nhạc khi buồn, khi vui bởi nó có thể nói hộ tình cảm, tiếng lòng cho họ. Vì thế lên án hay phán xét ai đến với âm nhạc (dù hay hay dở) cũng là điều thật là khó và cũng chẳng hay ho gì. Đã bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi vì sao những ca khúc “nhạc trẻ” lại được giới trẻ yêu thích hơn? Chúng ta đã đi sâu vào mặt tâm lý để phân tích nguyên nhân? Qủa thực nhiều bài hát hiện nay thể hiện tình yêu hời hợt, ngôn từ đơn giản, không có tính nghệ thuật song nó lại phản ánh đúng tâm lý của một bộ phận giới trẻ nên họ thích. Ta không thể bắt ép họ phải nghe, sáng tác những ca khúc mà ở đó họ không thể hiện được tiếng nói lòng mình. Mỗi cá nhân có một thế giới quan, một tiêu chuẩn thẩm mỹ, sở thích khác nhau. Người thích nhạc buồn, người thích sôi động. Người cho giọng cao là hay, người lại mê giọng trầm, ấm,..Nó muôn hình muôn vẻ như cuộc sống vậy. Cũng chính cách đó, âm nhạc sống cùng chúng ta, mang hơi thở của dân tộc và thời đại.

Việc sáng tác ca khúc mới dựa trên làn điệu dân ca, hòa âm phối khí làm mới các tác phẩm truyền thống cũng là một điều hay chứ không đáng để lên án bởi văn hóa, nghệ thuật phải luôn không ngừng sáng tạo, tiếp thu cái mới. Nếu bằng cách đó chúng ta có thể mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với giới trẻ, với bè bạn quốc tế và lưu giữ nó phù hợp với cuộc sống đương đại thì tại sao lại không thể?

Đưa các bạn trẻ đến với âm nhạc dân tộc, để họ yêu và say mê với những làn điệu truyền thống không có nghĩa là bắt họ thờ ơ với âm nhạc quốc tế hay lên án khi họ nghe nhiều thể loại này bởi lẽ cái hay của âm nhạc chính là phá bỏ mọi giới hạn về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý để đưa con người ta đến gần nhau, cùng hướng đến cái đẹp.Không hẳn nghe nhiều nhạc nước ngoài là thờ ơ với nhạc dân tộc và cũng không hẳn vì cho rằng âm nhạc dân tộc là lỗi thời mà giới trẻ tìm đến với nhạc phương Tây. Muốn có kết luận thấu đáo chắc hẳn cần mở một cuộc điều tra xã hội học về mức độ quan tâm của giới trẻ đối với các thể loại âm nhạc. Khi hỏi nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tại sao tình trạng đáng báo động như vậy song chúng ta lại chưa tiến hành cuộc điều tra đó, bà cho hay: “Hãy hỏi các nhà quản lý văn hóa. Tại sao họ không mở cuộc điều tra?”. Bà cũng chia sẻ phía trung tâm của mình rất muốn tiến hành song không có kinh phí. Nếu được hỗ trợ chắc chắn sẽ không ngần ngại thực hiện. Vậy là do những vấn đề về kinh phí, chúng ta cứ bỏ ngỏ những việc cần làm và rồi chỉ có thể ngồi phán xét qua những gì mình thấy, mình nghĩ!

Thế cho nên báo động tình trạng xa rời âm nhạc dân tộc, chuộng những dòng nhạc ít tính thẩm mỹ là đúng song phải phân tích hết sức thấu đáo, bằng lý trí và bằng cả trái tim. Các em yêu thích những bài hát ca từ ngô nghê, giai điệu đơn giản bởi vì đâu? Bởi họ chưa được trang bị nền tảng kiến thức âm nhạc, chưa được định hướng về giá trị thẩm mỹ. Trước thực trạng đó, chúng ta phải báo động chứ không nên chỉ trích bởi xét cho cùng lỗi không phải ở các em. Lỗi đó, trách nhiệm đó thuộc về chúng ta, về những người có thẩm quyền, có chuyên môn. Chúng ta đã không truyền dạy, không định hướng cho các em và rồi giờ đây chúng ta chỉ trích, lên án họ như những đối tượng thiếu văn hóa, phản văn hóa, làm xấu đi hình ảnh dân tộc! Phải chăng sự thờ ơ hôm nay của một bộ phận không nhỏ giới trẻ đối với âm nhạc dân tộc chính là sự phản chiếu thờ ơ của chúng ta đối với việc bồi đắp, định hướng giá trị thẩm mỹ; giáo dục đạo đức; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho giới trẻ?!

Hãy để tình yêu đến tự nhiên!

Muốn cho các thế hệ trẻ đến với âm nhạc truyền thống thì phải để các em được tiếp cận, hiểu và yêu nó. Hiểu và yêu ấy phải được nuôi dưỡng từ ban đầu, không thể vội vàng, không thể ép buộc. Tôn vinh giá trị âm nhạc dân tộc không có nghĩa là phủ nhận, là ngăn cản người đến với những dòng âm nhạc khác. Nó cũng tương tự như tình yêu đôi lứa vậy. Ta không thể ép ai đó yêu một người hoàn toàn xa lạ, không thể ép họ yêu khi không có rung động dẫu rằng người đó rất tốt. Ta cũng không thể khiến cho một cô gái chuyển hướng yêu chàng trai khác bằng cách chê bai, bôi xấu chàng trai cô ấy đang say đắm.

Anh Lê Thanh Phong, chủ nhiệm CLB UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội chia sẻ: “Cuộc sống vốn có nhiều điều phải lo rồi nên hãy để người được đến với âm nhạc bằng tình yêu trước. Đối với dân ca, để yêu phải hiểu và được tiếp cận. Không nên bắt buộc phải nghe, thuộc dân ca.” Với tư cách là một người trẻ anh cũng cho hay ý kiến của các đại biểu thể hiện sự lo lắng, quan tâm của thế hệ đi trước và là động lực để những người trẻ như anh tiếp tục công việc của mình.

Ông Trịnh Công Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài chòi và hát Hố Quảng Ngãi chia sẻ: sau chương trình dạy hát dân ca cho các học sinh THCS tại Phú Yên ông nhận thấy các em rất yêu dân ca. Chỉ sau một tháng được đến lớp học, không chỉ các em mà phụ huynh đưa con đi cũng rất mê.

Thế đấy, tình yêu với âm nhạc đến một cách tự nhiên và bởi thế nó sống, mãnh liệt và lâu dài.

Để giới trẻ hiểu và yêu Ví, Giặm

Tại cuộc hội thảo, ông Hồ Đức Phớc, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An đã nhấn mạnh: “Phải làm thế nào để lan tỏa Ví, Giặm trong cuộc sống của người dân chứ không chỉ nghệ sỹ.” Muốn làm được điều đó, thiết nghĩ, không có cách nào khác là phải để người dân, đặc biệt là lớp trẻ được tiếp cận, hiểu và yêu Ví, Giặm. Điều đó đồng nghĩa với việc phải liên tục bồi đắp, trao truyền qua các thế hệ. Hiện nay chúng ta đã tích cực trong việc dạy dân ca trên truyền hình, đưa dân ca vào trường học, tổ chức hội thi, hội diễn Ví, Giặm, thành lập các câu lạc bộ,..song hiệu quả chưa cao. Đó là bởi nhiều nơi còn tiến hành một cách hình thức, miễn cưỡng.

Một trong những mô hình bảo tồn, phát huy giá trị Ví, Giăm hiệu quả của các bạn trẻ hiện nay là CLB UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội. Ở đây có hàng trăm sinh viên đến từ 6 trường đại học trên địa bản tham gia. Các em được trải nghiệm, tiếp cận với dân ca Ví, Giặm một cách sinh động thông qua những buối sinh hoạt. Các thành viên không chỉ đến và hát những  làn điệu một cách đơn thuần mà còn chuẩn bị kĩ càng trang phục, dàn dựng các màn diễn, tái hiện lại môi trương diễn xướng trước đây, chia sẻ các kiến thức về Ví và Giặm. Hiện nay CLB còn được cấp phép đi biểu diễn. Anh Lê Thanh Phong, chủ nhiệm CLB chia sẻ: cần thiết phải sáng tác các làn điệu mới, mang hơi thở cuộc sống đương đại, lồng ghép các làn điệu một cách sinh động. Đặc biệt nên để các CLB Ví, giặm được giao lưu với nhau và giao lưu với tỉnh khác để vừa quảng bá Ví, giặm vừa giúp các thành viên hiểu biết thêm về các làn điệu dân ca của nhiều vùng miền. Điều đó sẽ giúp cho các thành viên CLB, nhất là giới trẻ thích thú hơn khi tham gia. Từ đó họ thêm yêu và gắn bó với dân ca Ví, Giặm cũng như với quê hương mình.

Hội thảo cũng bàn nhiều đến việc phải có luật, có những quy định mang tính bắt buộc để các thế hệ được học, biết và yêu âm nhạc truyền thống hơn; để những giá trị tốt đẹp đó không bị mai một song thiết nghĩ vấn đề này cũng cần hết sức cẩn trọng. Những quy định về trợ cấp cho nghệ sỹ, nghệ nhân, cho người có đóng góp đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca; quy định về cách thức, chương trình giảng dạy trong trường học; quy định về khai thác giá trị Ví, Giặm là phải có song cần tránh tiến tới bắt buộc mọi người phải biết, thuộc dân ca hay quy định mọi cuộc vui, hội diễn đều phải có dân ca Ví, giặm…Làm như thế lắm khi tác dụng sẽ ngược lại bởi khi đến với điều gì đó không bằng sự yêu thích thì dễ gây tâm lý khó chịu.

Điều quan trọng hơn cả là chúng ta hãy để tình yêu với âm nhạc dân tộc tự nó thấm vào hồn các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Hãy để các em yêu nó theo cách của mình bởi đâu phải cứ luôn ồn ào, luôn nói yêu mới thực là yêu. Đừng lên án hay chỉ trích vì các em nghe nhạc trẻ, nhạc nước ngoài hoặc một dòng nhạc nào đó không phải dân ca. Các em có quyền yêu mến tất cả. Trách nhiệm của chúng ta là phải quảng bá, truyền đạt làm sao để các em cũng yêu mến âm nhạc dân tộc như thế và hơn thế; để âm nhạc dân tộc sống và chảy trong huyết quản các em như tình yêu với tổ tiên, quê hương, nguồn cội; để sau tất cả những cái mới, những ồn ào, họ luôn muốn tìm về như tìm về sự bình yên, sâu lắng nhất của tâm hồn. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450314

Hôm nay

254

Hôm qua

2292

Tuần này

21859

Tháng này

216573

Tháng qua

120141

Tất cả

114450314