Nhìn ra thế giới

Một mảng nông thôn Trung Quốc

Một bản ghi chép của một người quê ở tỉnh Hồ Nam, nhân dịp về thăm quê, rỗi rãi, ghi lại thực trạng quê hương với tựa đề “Tan vỡ rồi ! Hiện trạng nông thôn Đại lục không chỉ hỗn loạn về tính dục” đăng tải trên mạng “Thiên hy sách luận” (Bàn về Sách Thiên Hy - trời sáng) ngày 04/01/2016. Nội dung như sau :

Hạ tuần tháng 7 năm 2015, tôi về quê cũ Hồ Nam thăm ông già tôi. Trước sau vừa đúng một tuần lễ, trời nắng nóng, mỗi ngày ngồi rỗi ở nhà ngắm trời đất. Xen vào có người đến buôn chuyện, tận dụng biến người khách đến thăm thành đối tượng phỏng vấn, thường là kéo dài mấy tiếng đồng hồ; thi thoảng cũng sang nhà hàng xóm chơi và cũng coi là một cuộc điều tra tìm hiểu. Mỗi ngày lược ghi lại. Sau khi về thành phố Vô Tích, dựa vào các bản lược ghi và chỉnh lý lại, coi là tán ký về quê.      

1) Người đi tan tác.

Thôn của tôi là một thôn tự nhiên tương đối độc lập. Trong trí nhớ của tôi, ở đây từng là nơi dân cư đông đúc, đủ loại ngành nghề, người già có nơi an dưỡng, trẻ nhỏ có chỗ vui chơi, tuy đời sống vật chất còn rất khó khăn, nhưng khi vừa mới thực hiện chế độ khoán sản phẩm, mọi người đều tràn đầy hy vọng, cho rằng ngày tươi đẹp đang ở trước mắt. Con người là sống trong hy vọng, hy vọng làm cho tinh thần con người bừng tỏa, vào công việc, khí thế hết mình, cho rằng tiền đồ sáng sủa, niềm hạnh phúc cũng được dâng cao. Lần về quê này, những điều cảm nhận được ở thôn, hầu như không có được cái không khí tràn đầy hy vọng, ngược lại đâu đâu cũng lộ vẻ u sầu, mặc dầu đời sống vật chất đã nâng cao lên nhiều, nhưng niềm hạnh phúc chẳng thấy mãnh liệt, nhất là triển vọng tương lai, cái mà bao trùm lên đầu mọi người phần lớn là những đám mây mù không xác định.

Được các người già trợ giúp, chúng tôi hồi tưởng lại tình hình dân cư 30 năm về trước. Khoảng năm 1985, không lâu sau khi giao sản xuất về hộ, dân trong thôn có 132 người, trong đó, tỷ lệ ba thế hệ lão trung thanh là hợp lý, nhất là thế hệ thanh niên, chiếm tỷ lệ gần như một nửa giang sơn, cho nên lúc đó cảm thấy tương lai sáng sủa vô hạn. (thôn tự nhiên nằm trong thôn hành chính với gần 1.000 dân của cả thôn.) Còn dân số hiện nay, theo số ruộng đất hiện có trong thôn để tính, loại trừ số người qua con đường vào đại học cao đẳng đã sống ổn định ở thành phố, là 126 người, nhưng số thực sự sinh sống lâu dài ở trong thôn chỉ có 54 người., mà trong 54 người này cơ bản là người già và trẻ nhỏ. Nếu chỉ tình người lớn, thì tuổi bình quân của người lớn trong thôn đều trên 60 tuổi, tức là cơ bản đều là người già, ít ra là những người có tuổi không thích hợp đi kiếm công việc ở ngoài. Còn 72 người khác, phần lớn đều đi kiếm việc làm ở Quảng Đông, Thượng Hải, Thiên Tân. Ngoài ra, có hai gia đình nhà ở gần thị trấn, làm buôn bán, một gia đình gần như là nhân viên nhà nước, thoát ly hẳn khỏi thôn, nhưng vẫn còn ruộng đất ở thôn, hưởng trợ cấp trực tiếp của nhà nước; còn có một gia đình nữa ở ổn định tại Hà Nam, đã không về lại thôn, nhưng cũng đang tính toán về lại thôn, vì gia đình này có góp vốn làm hệ thống đưa nước máy về thôn. (Còn có hai gia đình nữa mãi mãi an cư ở thành phố.)

Người già và trẻ nhỏ giữ lấy thôn, mọi người chẳng thể nói đến có hy vọng gì để mà mong đợi. Già một đời, cho dù không thể khác được, cũng quen với mảnh đất của mình rồi; lúc trẻ, chẳng qua là tạm thời ký thác nơi đây rồi, đợi đến 15, 16 tuổi cũng đã bắt đầu “bay đông nam” (ý nói đi làm ở phía đông nam như Quảng Đông, Thâm Quyến …) Người đi ra ngoài, có người đặt hy vọng trở về nhà dưỡng lão, cho nên chung là đều lợi dụng tích cóp trong nhiều năm, xây ngôi nhà ở thôn; còn có bộ phận, nhất là thế hệ sau 80, đến ý định về nhà dưỡng lão cũng không có, lợi dụng tích lũy của mấy thế hệ, mua một chỗ ở nho nhỏ ở thành phố huyện, thậm chí ngay tại thị trấn mình, có người chỉ có thể ở nhà thuê giá rẻ 30 năm. Dưới quê, đúng là không còn cảnh mang áo bông về quê nữa. (Trước đây, mỗi lần về quê chỉ là một bao tải chất đầy quần áo bông, chăn bông).

2) Đồng ruộng sắp hoang vu.

Do sức lao động có hạn, phương thức cày cấy trong thôn, đã có thay đổi lớn trong những năm gần đây : ruộng nước biến thành ruộng cạn. Gieo cấy, gặt hái, chẳng còn mấy lao động để làm, mướn người cày giúp ruộng nước hoặc gieo cấy, một ngày trả tiền công cho họ 120 đến 150 nhân dân tệ (khoảng 20 ~ 30 usd), nhưng không dễ mướn được người thích hợp, vì thế mà chuyển dần sang trồng ngô, diện tích cấy lúa chỉ còn 1/10 diện tích ruộng nước. Hỏi đến vấn đề ăn, đều nói sau một vụ lúa, có thể đủ ăn 2 năm thậm chí 3 năm, khi thiếu có thể lên thị trấn mua thêm một ít là đủ. Rõ ràng, dân số giảm, vấn đề ăn lại càng dễ giải quyết.

Về phương thức trồng tỉa ruộng cạn, toàn bộ đã dựa vào thuốc diệt cỏ và nông dược. Trước kia đều phải cày đất, cuốc cỏ, bây giờ không cần, nhưng cày bừa theo kiểu này liên tục nhiều năm đất bị thoái hóa, kết vón, hoa màu dễ bị các loại bệnh héo chết tự nhiên, giảm sút sản lượng. Các người già đều tự chế diễu, đây đâu phải là làm ruộng ! ? Họ đều hiểu rõ không thể tiếp tục mãi kiểu này, nhưng không có sức lao động, biết làm cách nào?

Hoặc trồng chè, trồng cây có dầu, với phương thức giản đơn để trồng đất khô, cũng lực bất tòng tâm, đành trồng chè, trồng cây só dầu vừa là ít lao động hơn, vừa để tỏ ra mảnh đất này còn có chủ, không thể biến thành bãi chăn thả trâu bò của mọi người. Nhưng cũng không kịp tính toán sản phẩm chè có thu hái được, bán ra được hay không, hoặc trồng các cây kinh tế khác cũng không thể làm, mà chỉ là để giữ đất, người khác không thể chiếm dụng.

Cây cối xung quanh ruộng bắt đầu lấn ruộng. Người ngày càng ít, nuôi lợn bây giờ là ăn bột thức ăn, không cần củi đun, thậm chí nấu cơm cũng đều dùng bếp khí metal, vật liệu xây dựng cũng không dùng đến, vì cao trào xây nhà cửa đã qua. Cây cối quanh ruộng tùy ý mọc lên, đất ruộng dần dần thành từng đốm cây rừng, hoa màu không còn đủ ánh sáng quang hợp, các loại động vật lớn nhỏ trong rừng cây bắt đầu tranh cái ăn với người, nhỏ là chuột, chim, lớn là lợn rừng, từng đàn xâm chiếm phá hại.

Hiện nay còn có dân cư thôn thuộc thế hệ già trước nắm giữ. Phát triển về sau, có thể đoán định là, số trẻ không còn biết làm ruộng nữa, sự giành giật ruộng đất giữa tự nhiên với con người, sẽ bị kết thúc bởi chiến thắng của tự nhiên. Đương nhiên, người lùi, rừng tiến, vị tất không là điều tốt, nhưng suy thoái của thôn xóm, sẽ là xu thế không thể tránh khỏi.

3) Thế hệ già ngày càng điêu linh.

Sau cải cách mở cửa, nhất là thế hệ thời kỳ đầu thực hiện chế độ khoán, lúc đó cơ bản đều là ba mươi mấy, bốn mươi mấy tuổi, đến nay đều là người 70 ngoài. Thế hệ người này, rất sớm đã trải qua thời đại tập thể lớn, lao động lam lũ còn chưa thu được gì, nửa no nửa đói qua ngày, đông con cái lại càng vất vả; về sau đã trải qua cải cách và chế độ khoán ruộng cho hộ, cảm thấy lao động của mình được báo đáp trực tiếp, rất được bảo đảm, chai tay chai chân, dậy sớm thức khuya, dốc toàn lực cho giấc mơ giàu có của mình. Cho nên, thế hệ này là thế hệ người gian khổ, cần lao nhất.

Lao động quen rồi, trở thành một thói quen, một thứ nếp sống, nếp sống của thói quen lâu dài, là khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Người già trên 60, 70 tuổi trong thôn, rất ít ngồi trong nhà hưởng phúc, chỉ cần còn chút ít sức lực cuối cùng, đều kiên trì làm việc, cho rằng cả ngày ngồi rỗi là một thứ tội lỗi. Thế hệ con cái để thế hệ cháu ở lại quê nhà, thế hệ ông bà lại làm lại một lần nữa thế hệ cha mẹ, chăm sóc trẻ nhỏ hai ba tuổi còn dính phân nước đái. Tiếp đến là đưa đi vườn trẻ, đi về đến 3, 4 cây số đường núi, bất kể rét nắng, ngày hai lần đi về. Đợi lớn hơn chút, lên thị trấn học, các bà lại hợp chung thuê căn phòng nhỏ, gọi là ở kèm học, hơn nữa, đưa cháu vào trường xong là đi tìm bất cứ việc phụ gì để làm, chỉ cần kiếm được mấy đồng, việc gì cũng làm. Hoa màu trong thôn, cũng do những người già này làm ra, một cụ bà trên 70 tuổi đơn độc, gieo tỉa 10 kg hạt giống ngô diện tích, cũng không phải là chuyện hiếm.

Sức lực có hạn, sinh mệnh cũng có hạn, tiếp nối các thế hệ 2, 3 bắt đầu điêu linh. Phần lớn họ đều lao động đến phút chót, cũng là đến lúc xuôi tay về trời. Nằm lâu trên giường là ít có, đại thể là đối với người cần cù lao động mà nói, không thể lao động tiếp được nữa, cũng tự thấy là đã đi đến cuối đường rồi, thậm chí còn tỏ thái độ từ chối nằm viện, cho là lãng phí tiền. Càng có số ít người già, không có con cháu chăm sóc, hoặc chất lượng chăm sóc quá kém, dứt khoát tự ra đi cho xong ! Ai bảo nông dân không lý tính ? Người thành phố, chỉ vì để kéo dài thêm mấy ngày sự sống, không tiếc chi phí điều trị cao ngất, mà thường cũng chỉ duy trì được ít thời gian sự sống với chất lượng quá tồi. Nhưng lý tính này của người già nông thôn, lại làm người ta khó tiếp nhận về tình cảm, tuy rằng, đứng trên lập trường của họ, có thể nói là lý tính, hoặc giả là sự lựa chọn bất đắc dĩ, nhưng với người bên ngoài vẫn là thương tiếc họ. Từng nấm từng nấm mồ mới xuất hiện, trực quan chứng kiến một thế hệ người đã trở thành quá khứ. Họ một đời lam lũ tại nơi đây, cuối cùng phát hiện không có người tiếp nối sau lưng mình, ruộng vườn tự mình gian khổ khai phá ra, đang bị cây cỏ um tùm nuốt dần. Gia viên lý tưởng trong tim họ, không còn là xứ sở của thế hệ sau ngó tới, thậm chí có số ngôi mộ khó có người đến thắp một nén nhang lên đầu ngôi mộ.

4) Thế hệ thứ nhất những người đi làm công bên ngoài sắp về lại quê hương.

Nói chuyện với một bác trung niên 46 tuổi trong thôn, bác kể với tôi, năm nay ăn tết xong không muốn đi ra ngoài kiếm việc nữa, nhưng ở nhà bận rộn một thời gian, lại thấy vẫn là rất khó kiếm tiền, thế nên lại miễn cưỡng đi ra ngoài tìm việc, vẫn là đi Thâm Quyến, nhưng lại thấy công việc không dễ tìm, tuổi cao dần, kỹ thuật có hạn, thế là chỉ có thể tìm được việc vừa khổ vừa mệt mà tiền lương lại thấp, mấy bữa trước trời quá nóng, lại vội vội vàng vàng chạy về nhà, có lẽ không đi nữa.

Đây là một người ở trong trạng thái nửa chừng, đắn đo ở lại nhà hay tiếp tục đi ra tìm việc làm, cả hai phía ở đi đều cảm thấy khó, đều chẳng có mấy tốt hơn. Kỳ thực, đây chính là kết cục cuối cùng của những người đi làm bên ngoài thế hệ I, tinh lực và tài trí thông minh thời trai trẻ đã cống hiến cho thành phố, tựa như cây mía, bị thành phố sau một hồi ngấu nghiến, nước mía mát ngọt để lại thành phố, còn bã khô này, cuối cùng khó giữ lại thành phố, đại bộ phận đều quay về mảnh đất đã sinh dưỡng họ. Tuổi tác của họ hiện vào khoảng 45, 55, bởi vì thời đại của thế hệ này, giáo dục đại học còn là giáo dục tinh anh, theo mức chuẩn vào đại học hiện nay, phần lớn trong họ đều có thể vào đại học, cho nên, trong những người này, không phải hiếm những người có tài trí thông minh, nhưng thời đại đùa người, họ không phải thu được bao nhiêu thành công, cho dù có được, cũng chỉ như hạt cát hạt bụi.

không có thép, không có cột trụ, miễn là không bị động đát, gió bão lớn phá sập, thì vẫn ở được mấy chục năm. Ruộng đất tuy không ít, nhưng không mấy hấp dẫn đối với thế hệ này, từ trước đã dặn người già trong nhà giúp trồng các cây kinh tế như chè, ý là sau khi về lại quê chuyển sang trồng ngô. Thế hệ trước họ, coi ruộng đất là của quí, thậm chí gây chuyện tranh chấp với hàng xóm, đến thế hệ họ, coi ruộng đất cũng chẳng là gì quan trọng, đến thế hệ sau họ, càng không thèm để mắt tới thứ này.

Hãy tưởng tượng xem, thế hệ già đã tàn héo, thế hệ này về lại quê, không còn hứng thú làm ruộng, thế hệ tiếp sau sẽ không tính toán về quê, sẽ là một cảnh tượng thôn xóm như thế nào đây ? Hay vẫn là như hiện nay, lại kéo thế hệ cháu của họ, tiếp tục gian khổ kiếm sống ? không có được sức bền chịu đựng gian khổ như thế, thế hệ con cái của họ có thể nuôi dưỡng họ ? Từ xu thế hiện nay để xét, là không thể làm được, vì khiếm khuyết của giáo dục, thế hệ người này không muốn về quê, kỳ thực cũng rất khó đứng chân tại thành phố, từ bản thân những người trẻ này mua nhà giá rẻ ở thị trấn, chẳng thấy được ở họ năng lực nuôi dưỡng con cái họ và cha mẹ mình.

5) Tiền đồ của người đi làm bên ngoài thế hệ II chắc gì sáng sủa hơn.

Chúng ta cứ như kiểu tôn giáo đem hy vọng ký thác vào thế hệ sau, đối với thế hệ trẻ đã bắt đầu lục tục đi ra ngoài kiếm việc, liệu có xanh hơn lam và thắng được lam ? Kỳ thực điều này quyết định ở tình trạng giáo dục của họ và tinh thần của bản thân họ, đương nhiên còn có cơ hội của môi trường lớn. Từ một số thanh niên (sinh vào thập kỷ 90 và sau đó) của thôn để xét, tuy tình hình có khác nhau, nhưng chung mà nói, tiền đồ hầu như không sáng sủa lắm.

Trước hết là chịu sự giáo dục không tốt. Phần lớn thanh niên trong thôn hiện nay, cha mẹ đều đi làm ở bên ngoài, do ông bà nội ngoại nuôi mà lớn lên, với giáo dục cách thế hệ. Tuy về vật chất được bảo đảm cơ bản, nhưng học hành phần nhiều là hoang sơ, thế hệ ông bà về cơ bản là không có mối liên hệ với nhà trường, càng không thể nói đến việc phối hợp chặt chẽ gia đình với nhà trường. Thế nên đa số không thể tốt nghiệp trung học, số ít tốt nghiệp chỉ có thể vào học trường kỹ thuật nghề. Hơn nữa, lại là những trẻ nông thôn miền núi, vừa đến thành phố huyện, đã là một thế giới lớn, là chỉ biết có chơi, chỉ có liên hệ với bố mẹ làm việc bên ngoài để có sinh hoạt phí, chân tay cũng bắt đầu to lớn lên, khi không thể đáp ứng cuộc sống phô trương của chúng, là chúng bỏ việc học, hoặc lang thang vào mọi nơi, hoặc đến thành phố bên ngoài kiếm việc làm.

Hai là không còn có tinh thần chịu đựng gian khổ. Nếu nói những người đi làm thế hệ I, một mặt là còn chịu đựng gian khổ, tiết kiệm, còn những người thế hệ II, đã khó thấy được những phẩm chất tốt đẹp này trong con người họ, họ cho rằng đầy là một thứ ngốc. Chung qui, chúng chưa từng trải qua những ngày gian khổ như thế hệ cha mẹ chúng đã trải qua. Nhưng sự giáo dục và kinh qua của chúng đã quyết định không thể nhẹ nhàng kiếm tiền, thu nhập đáp ứng chi tiêu đã khó, càng không thể có tích lũy. Còn đối với đời sống ở quê, thế nào cũng không quen được, tâm đã định không còn về quê cày ruộng, trên thực tế cũng hoàn toàn không có kinh nghiệm làm ruộng, thế nên lấy cớ là tìm bạn, kết hôn, ép buộc cha mẹ thậm chí ông bà tích cóp cho chúng, mua cho chúng căn phòng ở thị trấn, thậm chí ở thành phố huyện, cho rằng như thế là thành người thành phố. Đem chút ít nguồn lực có được ở nông thôn, dốc hết vào xây dựng thành phố, bản thân không có nguồn kinh tế cung cấp, sau khi lên ở nhà lầu, sẽ lấy gì mà sống ?

Bọn chúng là nhóm người không ổn định, loay hoay giữa thành thị và nông thôn. Nếu như nói, những người đi làm công thế hệ I, cuối cùng sẽ về quê, vậy thì, thế hệ II những người đi làm công sẽ là một thế hệ vừa không thể vào thành phố, lại không về lại được nông thôn. Tuy là thế hệ này cũng sẽ phân hóa, số tích cực sẽ dần dần hòa nhập vào thành phố, số tiêu cực sẽ lùi về nông thôn, nhưng chủ lưu vẫn là chập chờn giữa thành phố và nông thôn, chúng là một quần thể không ổn định. Cứ nhìn vào số thanh niên trong thôn có thể thấy, có số đã thành hỗn tạp, có số xoay xở mở quán, cuối cùng cũng chẳng thành. Còn sự trả giá của số đứa hỗn tạp và thất bại, đều cần đến thôn xóm gánh chịu. Nói thẳng  ra là, bên ngoài không có gì để sống, vẫn là tìm bố mẹ, thậm chí ông bà mình khóc lóc cứu trợ. Nói xa ra là, những đứa này du thủ du thực, rong chới nơi thị trấn, hoặc là người mở quán, chạy xe, vẫn là kiếm tiền trong túi của người già dưới thôn, thậm chí không loại trừ cách gì, lừa đảo người già chân thật ở quê để chẹn lấy thành quả lao động nhỏ nhoi của họ. Như có đứa tự giả danh là học sinh sắp vào đại học, đi bán mật ong mỗi bình chỉ độ 40 đồng, lừa bán 150 đồng. Đủ loại sản phẩm kém chất lượng đổ về nông thôn, cũng là kết quả của những con em này báo đáp lại cho quê hương !

Xu thế chung là, dân số nông thôn quay về ngày càng ít, chủ trương của Phí Hiếu Thông là vòng tuần hoàn lá rụng về cội, mãi mãi không thể có. Số ít người ưu tú thông qua con đường vào đại học, một đi không trở lại. Thế hệ trẻ, tuy vào thành phố khó, vẫn là miễn cưỡng trụ lại thành phố, không muốn về lại thôn. Phát triển nông thôn không có người tiếp nối, thôn xóm không người chỉ có suy bại, chỉ có quay về lại tự nhiên.

6) Lương phong mỹ tục bị xói mòn.

Trong xã hội nông thôn truyền thống, dân cư hầu như không có tính lưu động, mọi người sống ở đây, lớn lên ở đây, già ở đây, hình thành xã hội hương thổ (đất làng) mà ông Phí Hiếu Thông nói đến. Tuy nhiên vật chất không đủ giàu có, nhưng xã hội có trật tự, người với người, gia đình với gia đình, tuy cũng có sinh chuyện, nhưng phần lớn thời gian đều trong trạng thái chuyển động tốt đẹp. Nói cho cùng, trong cái xã hội người quen này, kẻ xấu không có mấy cơ hội dễ để kiếm chác, có tiếng không tốt cũng thường không được người đón nhận. Trong sự cân bằng này, lương phong mỹ tục trở thành một thứ nguồn lực xã hội quan trọng, làm cho sự sắp đặt cuộc sống hương thôn có được trất tự tự nhiên, cũng làm cho cuộc sống mọi người giàu ý nghĩa, đối với tương lai có niềm tin chắc chắn trong lòng. Còn nông thôn hiện nay, lại luôn thay đổi rất lớn, lương phong mỹ tục trước đây, nếu không còn có một số người già giữ gìn, có thể coi là đã trôi tuột sạch trơn.

Đạo hiếu đáng lo ngại.Một hôm ngồi nói chuyện với một bà cụ sống một mình, nói đến sự hiếu thuận của con cái, bà không cầm được nước mắt, bà nói một hơi rất nhiều : Tôi một mình ngập đầu khó nhọc trồng rồi lại thu hoạch, có được mấy trăm kg ngô, lại mua thức ăn trộn với ngô đó nuôi lợn, một năm kiếm được hơn chục ngàn tệ, tiền đều gửi chỗ con gái, nó dùng tiền của tôi để trả nợ, nhưng nói là sau sẽ trả lại tôi. Thằng lớn sau khi về, rặt không đưa cho tôi thứ gì, tuy về danh nghĩa nó chịu trách nhiệm chăm sóc tôi, hễ về đến nhà là tra khảo tiền tôi để đâu rồi, động một tý là đòi mượn tiền tôi, tôi đành cho nó mượn một số, nhưng không thể đáp ứng yêu cầu của chúng, cho rằng tôi đã thiên lệch, đưa tiền cho các em của nó. Dâu con mẹ chồng cứ cãi nhau, hễ về đến nhà là lục lọi mọi nơi. Đúng mà, chúng nó là có tiền, tự nhận thầu công trình ở bên ngoài, chỉ riêng máy móc công trình đã bỏ ra bao nhiêu vạn tệ, đâu phải không có tiền. Nhưng cứ về nhà là tìm tôi để mượn tiền, lại mang thịt khô đi ăn. Ở nông thôn, giữa thế hệ già với thế hệ sau của họ, đúng là đang có khoảng cách về không gian, muốn hết lòng hiếu đạo, cơ bản không thể nói đến, người già đều tự nuôi lấy mình, cho dù đã ngoài tám chục. Nếu có thể quên đi những chuyện gian khổ, đối với người già mà nói, cũng chẳng phải là việc khó, đáng tiếc là, thế hệ con cái vẫn tâm niệm không quên một chút tài sản đó của cha mẹ, vẫn cứ cho rằng ít nhất mình cũng được chia một phần trong đó, chứ không hề tự hỏi mình đã làm được gì cho người già. Càng có người quá đáng hơn, ngôi nhà mới vừa cất lên, không muốn người già cùng ở với mình, cho là không sạch sẽ, xây một căn nhỏ bên cạnh, coi là nơi ngã thân của cha mẹ, người già có lúc bước dạo vào phòng chính, còn bị con dâu mắng, thậm chí con giơ chân đá, lý do là giây ra dấu chân cả nhà ! Tham gia tang lễ ở nông thôn, thấy con cái trước sau quan tài, nhưng không có lấy bộ mặt buồn thương, chỉ coi một việc bình thường để làm mà thôi.

Quan hệ trai gái hỗn loạn.Trong xã hội hương thổ trước đây, trai gái cách biệt, giữa vợ chồng tuy không có tình ái lãng mãn bao nhiêu để nói, nhưng quan hệ đôi bên có giới hạn, là rất bình thường. Nhưng trong thôn xóm hiện nay, từ trong nói chuyện có thể biết được, các trung thanh niên, quan hệ giữa trai gái đã rất hỗn loạn. Trai gái trung niên, do dân cư lưu động, vợ chồng mỗi người một phương trời, đã rất phổ biến. Nhưng một số người ở lại, tuy sợ đồn tiếng của người trong thôn, vẫn không muốn làm khó mình, cứ cặp đôi với nhau không ít. Càng có kẻ tệ hại hơn, bộ phận gái trung niên có chút nhan sắc dư thừa có hạn, vẫn coi là nguồn lực của mình, khiến một số chàng trai vây quanh. Còn một số đi làm bên ngoài, thiếu vắng cái sợ tiếng nói của người trong xã hội hương thổ, càng là tùy tiện. Còn mấy cậu trẻ nhỏ, vì từ nhỏ bố mẹ đi làm bên ngoài, giáo dục thất thường, về quan hệ hai giới, cũng khó kiện toàn, 16, 17 tuổi đã tự bỏ đi, qua mấy ngày lăn lộn bên ngoài không được lại quay về.  

Mới 16, 17 tuổi đầu đã sẩy thai, thậm chí ba lần bảy lượt vẫn chưa chịu dừng, còn thằng con trai lại là đứa khác. Trong biến thiên dữ dội, sự ứng phó không phù hợp của một xóm thôn phẳng lặng, không tránh khỏi cóa số hỗn lọan. Quả đắng này buộc họ phải tự  mình dần dần nhai lấy.

Hôn nhân không bền.Một mặt như trên đã nói, vấn đề quan hệ hai giới ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng hôn nhân, hoặc âu cũng là nhân quả của nhau. Một mặt, chủ yếu chịu ảnh hưởng của trào lưu kim tiền trên hết hiện nay, trong con mắt kim tiền nhiều lên, tình càm giảm xuống, cộng thêm bản thân ở trong môi trường 5 màu 7 sắc của thành phố biến ảo khó lường, càng làm mơ hồ tầm nhìn của các chàng trai cô gái. Mấy đứa trẻ trong thôn chưa đầy tuổi, mẹ đã ra đi, mà nguyên nhân chủ yếu là không chịu nổi cuộc sồng nghèo khó; còn vì mẹ của chúng đều là một cô gái xứ khác, bị cha của chúng nhất thời quen biết khi cũng đi làm ở bên ngoài. Còn nay, cha của chúng lại đã thay mấy lần mẹ của chúng rồi.

7) Cây hiện đại hóa cũng kết ra quả đắng.

Hiện đại hóa đã đem lại cho con người tiện lợi rất nhiều, đã cải thiện phúc lợi của mọi người, nhất là ở thành phố, ở ven biển đông nam, chiều sâu ảnh hưởng của công nghệ khoa học hiện đại đối với đời sống con người, bất luận hình dung như thế nào đều không quá. Ở nông thôn miền núi Đại lục, trình độ văn hóa tri thức của con người, chưa theo kịp nhịp độ tiến bộ khoa học công nghệ. Trong quá trình thích ứng với hiện đại hóa, không tránh khỏi tiến thoái thiếu căn cứ. Trong thôn, chúng tôi thấy hiện đại hóa có rất nhiều ảnh hưởng mặt trái đối với họ. Chỉ một thôn bé nhỏ, đã hưởng đủ quá nhiều quả đắng của hiện đại hóa. (Nhìn hậu quả chính diện của hiện đại hóa là rất dễ thấy, ở đây không trình bày, người viết không phải chỉ cho rằng hiện đại hóa chỉ có hậu quả mặt trái.)

Rác thải khó xử lý. Với đà xuất hiện lượng lớn sản phẩm chất dẻo, sản phẩm thủy tinh, trước đây với phương thức tuần hoàn tự nhiên đối với rác sinh hoạt cũng đã khó có hiệu quả. Trong quá trình tuần hoàn, đã xuất hiện rất nhiều những vật dư thừa không cách gì tiêu giải. Như lượng lớn chất tẩy sạch, bột giặt áo, nước trực tiếp thải vào môi trường tự nhiên, các loại bình nông dược, bình rượu, bình nước uống, cùng với một số thứ mà tự nhiên không thể phân giải, đều vất vào môi trường tự nhiên. Không xa xung quanh từng nhà từng hộ đều có nơi khá tập trung vứt những thứ này. Còn ở vùng núi, nơi địa hình cao thấp, nơi vất các thứ này có thể lại là nơi đầu nguồn nước của những gia đình khác, ảnh hưởng rất lớn, rất dễ thấy. Các loại rác thải khác cũng bắt đầu xuất hiện tập trung, như với đà mở rộng ngành chăn nuôi, thậm chí cá biệt qui mô hóa, tạo ra lượng lớn chất thải động vật, chưa qua xử lý, trực tiếp thải ra tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước vùng xung quanh. Một hộ chăn nuôi trong thôn, là đã ô nhiễm nguồn nước của thôn phía dưới địa thế thấp hơn, vì thế thưa kiện triền miên, trên dưới không yên.

Sự cố giao thông liên tiếp. Là thôn miền núi, địa thế dốc lớn lại quanh co, đường sá dân tự thiết kế, tự làm, mặt đường gồ ghề, chỉ phù hợp cho xe ngựa, xe thô sơ đi. Nhưng dân mua xe môtô 3 bánh về tùy tiện cải tạo thành xe chở khách chở hàng. Người lái cũng chẳng học hành luật lệ giao thông, chẳng hạn chế tư cách sử dụng xe, ai thích và có tiền thi mua xe về chạy. Chỉ một thôn nhỏ như vậy, mà trong 5 năm đã xẩy ra nhiều vụ tai nạn, lật xe, đụng người, xe hỏng, người bị thương, bị chết, đổ hàng, v.v… Xã hội đi lên hiện đại hóa, cơ giới hóa, nay không thể quay lại tình trạng gùi hàng trên lưng hay gánh trên đôi vai, đi bộ cả chục cây số lên phố huyện bán mua hàng. Nhưng lại không thể để dân tự do, tự phát, bất chấp điều kiện cụ thể như vậy. Tình trạng này, chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu. Mọi thiệt hại đều đổ lên đầu dân gánh chịu

Vấn đề sức khỏe tinh thần của người đi làm bên ngoài. Thôn này đã có 3 chị đi làm bên ngoài đã xuất hiện bệnh tinh thần nghiêm trọng. Theo dân trong thôn kể lại, do áp lực tình cảm, nghi ngờ chồng đi làm bên ngoài bị cô gái khác dụ dỗ lôi kéo chồng, từ đó hễ gặp người phụ nữ nào là vô cớ chửi rủa, thậm chí cầm dao đuổi đánh, gây mất trật tự an ninh nông thôn, làm đảo lộn cuộc sống gia đình, lại phải thường xuyên vào viện, phải có người đi theo phục dịch, chi phí tốn kém, đi làm chẳng kiếm được mấy tiền lại mang họa , đã nghèo lại càng nghèo. Trường hợp 3 chị này không phải là cá biệt ở nông thôn.

Sống trong môi trường nông thôn yên lặng, chẳng có tranh chấp gì lớn, cuộc sống mọi người mọi nhà quanh năm cơ bản ổn định. Nay đi ra ngoài, vào thành phố kiếm việc làm, là đi vào một thế giới khác lạ, ồn ào, nhộn nhịp, mọi thứ, mọi việc, mọi con người biến hóa chóng mặt khó lường, chẳng biết đâu là thật là giả. Trong khi điều kiện làm việc ngày 10, 12 giờ, chỗ ăn ở tạm bợ, chồng vợ con cái, mỗi người mỗi nơi kéo dài năm này qua năm khác. Với môi trường như vậy không phải ai cũng thích nghi, nhất là đối với người phụ nữ. Người đông như vậy mà vẫn cảm thấy cô đơn, lẻ loi, xa lạ, lạnh lẽo, mất niềm tin, thiếu chỗ dựa, thiếu sự đùm bọc yêu thương ấm áp, trở thành áp lực tinh thần tình cảm quá nặng nề, quá sức chịu đựng. Chỉ cần một thông tin dữ (dù thực hay hư) can hệ đến người thân, là dễ bị sốc, bị đổ gục, mất thăng bằng về tinh thần, không giải tỏa kịp thời, là dẫn đến tổn thương tâm thần, thần kinh như 3 chị ở thôn này. Đây là một vấn đề đặt ra cho xã hội, cho nhà nước, cho các tổ chức xã hội, tổ chức sử dụng lao động, cho địa phương có người đi làm bên ngoài, v.v… cần nghiên cứu có hình thức, điều kiện thích hợp về hỗ trợ bảo đảm sức khỏe tinh thần cho họ. Thậm chí không ai để ý quan tâm đến họ, coi như không có quần thể này trong xã hội, chưa nói đến thấy rõ sự hy sinh cống hiến mồ hôi, nước mắt, tinh thần, thể xác của họ đối với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trong thực tế hàng ngày hiện nay.

Thương nghiệp hóa, tiền tệ hóa thẩm thấu vào mọi ngóc ngách đời sống. Trước đây đổi công tương trợ nhau, nay trở thành thuê mướn trả tiền công trực tiếp, thu phí theo ngày, không chút hàm hồ; trước đây đi thăm người thân, bạn bè, mang một ít lễ phẩm do tự mình làm ra (cây nhà lá vườn) hoặc ra cửa hàng lựa chọn ưng ý mua, nay nhất loạt trực tiếp đưa phong bì. Phong bì đã trở thành một thứ tình người. Ngày nay, không chỉ những cuộc tụ tập bạn bè thân thiết vui chơi nhẹ nhàng ít đi, ngược lại trở thành gánh nặng, mỗi người đều tự ghi nhớ trong lòng nợ những ai bao nhiêu, hoặc những ai nợ mình bao nhiêu. Trong tình hình tập tục địa táng chưa cải, trước đây những người xung quanh cùng đến hiện trường, cùng xúm vào tổ chức thành đội hình khênh linh cữu người quá cố một cách ung dung nhẹ nhàng mà tràn đầy thương cả. Nay đều lo lắng làm sao khiêng nổi cỗ quan tài nặng chịch này lên núi, thi nhân viên dịch vụ chuyên nghiệp về việc này đã xuất hiện, trao tiền xong việc, mua bán mà vậy. Khi mà mọi thứ đều tiền tệ hóa, cũng là lúc đánh mất tình người và sự đồng thuận xã hội trước đây.

Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống mất dần. Nông thôn trước đây, trong quá trình ứng phó thiếu thốn vật chất, đã tích lũy rất nhiều kỹ năng nghệ thuật. Những kỹ năng này vừa là tiết kiệm rất nhiều vật chất, vừa tạo ra lượng lớn tác phẩm nghệ thuật. Nhưng trong thời đại đầy đủ sản phẩm công nghiệp, những thứ này đều không còn nữa, hoặc ít nhất cũng mất dần. Dụng cụ bằng tre trúc tinh xảo trước đây, bàn ghế  bằng đá mài mộc mạc, ghế tựa ghế đẩu, v.v… không dùng đến bất kỳ đinh sắt, keo dán nào, đều dần dần bị một số người gọi là sưu tập nông trang xung quanh thành phố huyện lấy đi, trưng bày ở các tiệm quán, để thực khách xem xem, ý là đã đưa vào Viện bảo tàng. Thay vào đó, hàng loạt đều là chế phẩm chất sắt, chất nhựa thô ráp không cách gì hóa giải tự nhiên, thậm chí bàn ăn của nhiều gia đình, trực tiếp lấy một miếng gạch nền nhà lớn làm mặt bàn, nói là trơn bóng dễ lau. Trước đây những việc vui hỷ, đều do một nhóm người hạ cây to trong thôn xuống, làm ra một loạt bàn ăn, tuy là vật liệu gỗ bản địa, nhưng lại vừa đẹp vừa thơm mùi gỗ, vuông vắn 4x4 bày 16 bát ăn một bàn gọn đẹp, cũng tiên tán đâu cả không còn nữa. Nay lấy thô kệch thay tinh tế, cuối cùng, là một thứ tiến bộ hay thụt lùi ? Thường cứ phê phán văn hóa phương tây bá quyền, nhưng lại quên văn hóa truyền thống cơ sở nhất đang tự hủy diệt.

8) Dưới cơ sở liệu có còn hành chính ?

Theo hệ thống hành chính hiện nay, Ủy ban Dân thôn là tổ chức tự trị của dân thôn, không tính là một cấp đơn vị hành chính, nhưng trên thực tế lại tồn tại một khái niệm thôn hành chính, thường là mấy thôn tự nhiên hợp vào trong một thôn hành chính, có sự vụ gì đối với trên và đối với dưới, vẫn còn lấy đơn vị Ủy ban thôn hành chính để tổ chức. Vậy thì hiện nay, thôn xóm chúng ta rốt cuộc có những tự trị gì ? và có những hành chính gì từ trên đến dưới ? Hai phía gắn kết thế nào ? Chính sách của nhà nước cuối cùng đưa vào dân thôn như thế nào, hệ thống huyết quản cuối cùng này của hành chính liệu có thông suốt ?

Tự trị và hành chính có tính tượng trưng : Tình hình qua tìm hiểu trong thôn là, vai trò tự trị của Ủy ban thôn, chỉ thể hiện khi trong dân thôn xẩy ra tranh chấp, có thể có người sẽ đến Ủy ban thôn để đưa ra cái lý, nhưng quan hệ xa gần không như nhau giữa người của Ủy ban thôn với dân thôn khác nhau, khi Ủy ban thôn phán quyết, cho dù có phán quyết công bằng, vẫn hoặc nhiều hoặc ít có hiện tượng thiên lệch, các bên đương sự cũng thường cho rằng có sự thiên lệch. Đối với tín nhiệm của Ủy ban thôn, một nửa chỉ tồn tại ở phía quan hệ càng gần, thường không dễ đạt được phương án hai bên tranh chấp có thể chấp nhận, cho nên trên thực tế, vai trò điều tiết đã làm của Ủy ban thôn vẫn là hạn chế. Kết quả là, chung là Ủy ban thôn cũng không muốn đứng ra điều giải tranh chấp. Còn hành chính, đại khái là chỉ tồn tại ở các việc đại loại như xác định danh sách bảo hiểm thấp. Có thể nói cơ bản không có hành chính để nói, khác rất nhiều so với nhiều năm trước, khi còn cần đôn đốc nộp thuế nông nghiệp, trích khoản để lại, còn nữa nộp lên trên. Như vậy, từ ý nghĩa tích cực để hiểu, dân thôn là hoàn toàn tự do, không bị can thiệp (ví như trong thôn có con gái gả chồng, nhà gái sinh vượt kế hoạch, mà không bị ai sách nhiễu), từ ý nghĩa tiêu cực mà nói, dân thôn là hoàn toàn tự sinh tự diệt, nghèo giàu, mạnh yếu, thông dốt, nhiều ít, đều thả cho phép tắc tự nhiên chi phối.

Ủy ban thôn chia rẽ : giữa mấy thành viên Ủy ban thôn, vốn cũng tồn tại mâu thuẫn khó điều hòa, nhất là giữa Bí thư với Chủ nhiệm thôn, mỗi bên thành một phe. Hễ việc gì đó mà đối phương ủng hộ, thì tôi phản đối, thế như lửa với nước, toàn là coi thường những đòi hỏi bức thiết của bản thân dân thôn. Bí thư lấy thân thuộc bên mẹ bên cha của mình đều là cư dân bản thôn, phạm vi thân thuộc khá rộng, thế lực có được không nhỏ. Còn Chủ nhiệm thôn cũng dựa vào ưu thế phạm vi thân thuộc không kém rộng khắp, để có được vị trí này. Cho nên, tuy hành chính không nhiều, nhưng hễ đụng đến dù là tiểu lợi, đều phân ra hai mặt trận, hai phía không thể vượt qua. Một ví dụ điển hình, khi tu sửa con đường nhỏ đi thông đến một thôn tự nhiên, vì công trình do Chủ nhiệm thôn đứng ra tổ chức thực hiện, phe Bí thư xuất hiện “hộ cái đinh” nằm ỳ ra đó, đường không thể đi qua, cuối cùng phải ra tay đánh mạnh, cưỡng chế thông qua mà kết thúc. Ở hương thôn, giữa gia tộc với việc thôn, khó tránh xuất hiện kiểu xung đột không vui như thế, nhưng làm thế nào để vượt qua cục bộ gia tộc, lấy việc thôn để làm, đang là vấn đề không nhỏ.

Coi thường dân sinh : Như đã nói ở trên, hành chính có tính tượng trưng, dẫn đến tự sinh tự diệt của dân thôn. Chỉ con đường đi mà nói, vẫn là từ thập kỷ 70 thế kỷ trước, do nhà nước tổ chức tu sửa, có một con đường từ giữa thôn xuyên qua, nhưng các thôn tự nhiên, vẫn không cởi thoát được cảnh vai gánh lưng gùi. Cho đến đầu thế kỷ này, các cụ thế hệ già các thôn không còn gánh gùi được nữa, tự phát tổ chức làm con đường chung giản đơn, trẻ già nam nữ cùng xúm vào làm, lấy công một vụ đông, miễn cưỡng cũng có được con đường. Nhưng ở miền núi mưa xuống, đường bị sụt lở, vẫn khó đi, xe tải lớn khó vào, xe 3 bánh thì nhảy như cào cào. Công trình tự phát này, chẳng có bất kỳ hiệp trợ nào từ thôn hành chính. Trong bối cảnh lớn, cứng hóa đường nông thôn toàn quốc, là có thể do thôn đứng ra, nhận được nguồn kinh phí tương ứng để làm đường xi măng, nhưng vẫn không có người đứng ra chủ trì tổ chức làm. Đương nhiên, thành viên Ủy ban thôn, đều ở cạnh đường đã làm trước đây, không có nhu cầu bức thiết như người dân, coi như đứng ngoài cuộc.

Kẻ dưới nhất tranh lợi với dân : nếu như chỉ là để dân tự sinh tự diệt, cũng có thể coi là một kiểu không làm mà lại trị. Nhưng hiện thực lại là, Ủy ban thôn lợi dụng quyền lực chỉ có trong tay mình, còn có thế để tranh lợi với dân. Như một thành viên Ủy ban thôn của thôn này, tự minh muốn đến con sông bên cạnh thôn tự nhiên khác mở bãi khai thác cát sỏi, liền động viên thôn tự nhiên đó góp vốn làm đường xi măng, tức phủ xi măng lên nền con đường đất lúc đầu đó. Động viên mọi người xuất công, xuất lực, xuất tiền, đối với mấy nhà khá giả hơn tý, áp dụng phương thức tài trợ, cho vay để anh ta nắm và chi phối. Kết quả cuối cùng là con đường của cá nhân anh ta đã thông đến bờ sông, đường xi măng chỉ xuất phát từ công lộ chính, chỉ làm mấy trăm mét tượng trưng. Dân thôn lúc đầu cứ nghĩ Ủy ban thôn làm cho dân, cuối cùng mới rõ ra mục đích là đến bãi khai thác cát sỏi. Vị Ủy ban thôn này lợi dụng đường đã thông, để xe tải đi chở cát thu tiền, rất nhanh sau đó nhà lầu của anh ta cũng đã cất lên.

Con đường hành chính cấp thôn ở phương nào ? Bạn học của tôi thời học trung học, khỏe mạnh, tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ văn hóa như thế so với ở thôn là khá cao, đã là đảng viên, hai năm trong Ủy ban thôn, nhưng cuối cùng vẫn là đi làm công ở Quảng Đông. Hỏi Ủy ban cũ của anh ta, họ nói là anh ta chỉ làm được ít việc vặt, chẳng làm được việc gì nên chuyện. Còn hoàn cảnh gia tộc anh ta, là rất hàn vi, cha mẹ hai bên không có mấy thân thuộc, đây phải chăng là không có cơ sở quần chúng ?            

Lại có một người dân khác đã 40 tuổi ở cái thôn nhỏ bé này, là người chính phái, thích giúp đỡ hàng xóm, nói năng không tồi, tự mình cần kiệm tề gia, cuộc sống hàng ngày không đến nỗi. Nghe nói gần đây đang vào đảng, trong thôn mỗi người nói mỗi khác. Có người nói ông ta sẽ “tiếp ban”, ý là có thể là đại loại như Bí thư thôn hành chính, còn “cơ sở quần chúng” của ông này cũng chỉ là bình thường chung thôi. Cứ lấy người đã tốt nghiệp trung học phổ thông nói trên để xem, thì trường hợp ông này chưa chắc sẽ đạt được ý nguyện.

Trong tình hình ai lo nhà nấy, chẳng có ai nghĩ đến việc phát triển chung của thôn nên thế nào, thôn như một đĩa cát rời, trong đĩa cát rời khó mà sản sinh ra được một lãnh tụ dân thôn thực sự. Bất cứ là hành cái chính của quốc gia hay tổ chức tự trị của một thôn thôi, cũng đều thành vấn đề đang đặt ra.

9) Hương thổ liệu còn có thể xây dựng lại ?

Từ rất sớm 70 năm về trước, ông Phí Hiếu Thông đã nêu lên vấn đề xây dựng lại hương thổ, cho rằng lúc đó, hương thổ đang bị làn sóng thành thị hóa quét xóa. Mọi nguồn lực đều bị đào xới chở đi như khai khoáng, hương thôn suy bại, không thể tiếp tục tồn tại. Kỳ thực, hương thôn đã suy bại thực sự rồi. Uy lực lớn lao của thành thị hóa đến nay mới lộ rõ không giảm bớt. Hương thôn ngày nay đã suy bại thực sự, mà đòi hỏi xây dựng lại, xem xét kỹ, liệu còn có thể xây dựng lại được chăng?

Thành thị nông thôn cộng sinh nên là phương hướng cơ bản. Trong thời đại toàn cầu hóa, ít ra trong nước đã dần dần hình thành một thị trường thống nhất, lại với ý vị truy tìm phong cách điền viên lãng mãn, là khó làm được. Trong phát triển, rốt cuộc quan hệ thành thị nông thôn là bổ sung cho nhau hay là hy sinh hương thôn cho phồn vinh thành thị. Từ những năm rất sớm Phí Hiếu Thông đã từng nhiều lần thảo luận, kết luận của ông là quá trình thành thị hóa của Trung Quốc là hy sinh hương thôn cho phồn vinh thành thị, hơn nữa, như thế này cuối cùng dẫn đến suy bại, tan hoang hương thôn, cho đến phồn vinh của thành thị cuối cùng cũng sẽ không đi xa được. Qua mắt thấy tai nghe ở dưới thôn của bản thân chúng tôi, qua một số ngôn luận chuyên gia chuyên nghiên cứu vấn đề nông thôn, chúng tôi biết được, suy bại của hương thôn đúng là một xu thế, hơn nữa ngày càng nghiêm trọng, mà nguyên nhân then chốt trong đó là nguồn lực các loại của hương thôn (nhất là nhân tài) không ngừng chảy vào thành phố, còn quay về lại nông thôn, tuy có, nhưng cách xa rất nhiều so với chảy đi, cứ kéo dài như cũ, sẽ dẫn đến cục diện hy sinh hương thôn cho phồn vinh thành thị. Tuy nhiên chúng ta có thể thông qua phát triển công nghiệp, lợi dụng ngoại hối để mua sản phẩm nông nghiệp nước ngoài về, nhất là xu thế này đã ngày càng hỉện rõ. Nhưng với một nước lớn về dân số, tự cung cấp sản phẩm nông nghiệp, nên là một vấn đề hết sức quan trọng. Cho nên phát triển hương thôn, hầu như không thể để nó tự suy bại tiếp. Dân thôn hiện nay, lương thực không đủ còn có thể ra chợ mua ít về bổ sung, nhưng cứ để mặc nó tự phát, tương lai liệu còn có thể với giá cả có thể chịu được để mua về không ? Hoặc là lại lùi một bước, cuối cùng đều thành thị hóa, cho dù không tính đến phồn vinh hay khô héo của hương thôn, thì cũng đòi hỏi dân cư hương thôn đều có thể thích ứng được, ổn định được thật tốt ở thành thị, không dẫn đến tình trạng nông dân đổ dồn vào thành phố, hình thành những hang động dân nghèo rộng lớn, vấn đề xã hội càng thêm nổi cộm. Còn xu thế trước mắt của chúng ta, đúng là có lượng lớn nhân khẩu ở vào tình thế trớ trêu giữa thành phố với nông thôn. Cho nên, sự bổ sung cho nhau của phát triển thành thị nông thôn, cộng sinh của thành thị nông thôn, nên vẫn là phương hướng cơ bản của phát triển.

Cộng sinh thành thị nông thôn yêu cầu sự tuần hoàn nguồn lực là cân bằng. Nguồn lực một mặt là mặt vật chất, mặt khác là mặt dân số (hoặc nhân tài). Thời đại du mục, đó là thời đại nhân khẩu đuổi theo nguồn lực vật chất. Nhưng đó ít nhiều còn có một số có tính chủ động, còn hiện nay của chúng ta, thế hệ trẻ ra ngoài kiếm việc, trở thành một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Bởi vì chỉ có vào thành phố mới có thể kiếm được ít tiền. Từ ý nghĩa này mà xét, vẫn là nhân khẩu đuổi theo nguồn lực vật chất. Nhân khẩu càng chảy ra ngoài, nhất là chảy ra ngoài nhân tài ưu tú, càng dẫn đến mất cân bằng giữa thành thị nông thôn. Còn nguồn lực vật chất là lưu động theo nhân khẩu, thế nên đã xuất hiện xu thế vật chất đi theo nhân khẩu mà chảy đi. Chẳng phải đã có rất nhiều nông dân, trăm gian vạn khổ để bồi đắp cho một sinh viên đại học, kết quả con cái tốt nghiệp đại học rồi, ở lại thành phố, còn đòi hỏi cha mẹ tằn tiện ăn tiêu, gom góp tiền để mua nhà cho nó đó sao ? Hoặc là lùi lại với yêu cầu thứ hai, như trên đã nói, trên thị trấn hoặc thành phố huyện cũng phải mua cái nhà giá rẻ kém chất lượng ? Đây là người và vật cùng chảy vào thành phố, đúng là ứng với câu nói của Phí Hiếu Thông “giữa các thôn đưa con em đi ra học tập, kết quả đến con người cũng không thu về lại được”. Không chì sinh viên đại học sẽ không về lại, ngay như thầy cô giáo hiện đang dạy ở hương thôn, bác sĩ hương thôn, cũng nghĩ mọi cách để lên phố huyện, thậm chí đến thành phố càng lớn. Với tình trạng như nước lũ tràn quét thế này, ruộng vườn hương thôn liệu không ngày càng nghèo kiệt đi, mới lạ ?

Điều mấu chốt của coi trọng địa phương là giữ lại nhân tài hương thôn. Diễn biến đến cục diện ngày hôm nay, hầu như đều là tác dụng của thị trường. Đúng vậy, không thể phủ nhận vai trò to lớn của thị trường về bố trí lại nguồn lực, cũng không thể phủ nhận tính hợp lý của nó. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn thấy, chúng ta từ thể chế chính thức đến tâm lý xã hội chung, đều chỉ nhấn mạnh vai trò của trụ cột chính. Từ phát triển vùng để nói, thành phố chia ra các tầng cấp khác nhau, từ tuyến một đến tuyến ba tuyến bốn, cuối cùng bất phân khinh trọng là hương thôn. Ngược lại, nhân khẩu lại chảy ngược lên thành phố tầng nấc cao, ở thành phố nhỏ đều không đủ khí thế mạnh, càng không cần bàn đến hương thôn làm gì. Nói trắng ra, hương thôn là không có cơ hội, không có địa vị, không có hy vọng, mà điều này không chỉ là quyết định của thị trường. Tuy nhiên dùng phương thức con người can thiệp để cứu vãn hương thôn, vị tất đã là biện pháp tốt nhất. Nhưng thay đổi việc không coi trọng đối với địa phương của chúng ta, khôi phục trở lại con đường cùng coi trọng cả thành thị và hương thôn, mức độ thấp nhất là không hy sinh hương thôn để phồn vinh thành phố, sẽ là cần thiết. Điều này đòi hỏi bác sĩ, thầy giáo hương thôn cho đến mọi nhân khẩu hương thôn, đều có cơ hội tại bản địa có được một cuộc sống có thể diện, được người tôn trọng. Còn cơ hội là đến từ sắp xếp chế độ, một mặt, muốn để nhân tài tình nguyện xuống cơ sở, thì mặt khác, cần có một thứ cơ chế để nhân tài ưu tú đang làm việc tại thành phố lớn, có cơ hội cống hiến cho quê hương. Như ở một số nơi có một số tổ chức hội hương hiền địa phương, đáng được tham khảo học hỏi. Chỉ có mọi người để mắt tới địa phương, từ địa phư\ơng là có thể tìm được nơi an thân lập nghiệp, chứ không nhất thiết phải đến trung tâm (thị trấn, phố huyện, thành phố tỉnh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, v.v…) mới có thể được chấp nhận, phân bố nhân tài mới có thể theo hướng tương đối cân bằng.

Lấy đại diện dân ý thực sự để đại diện địa phương. Dưới tiền đề nguồn lực không một chiều chảy vào thành phố, lấy đại biểu thực sự đại diện ý nguyện của dân để đại diện địa phương, làm cho sự nghiệp địa phương có thể  có được thúc đẩy. Kỳ thực, đòi hỏi nhất của nông thôn hiện nay là cần có các loại hợp tác. Rất nhiều sự nghiệp đều đòi hỏi nhân sĩ có đủ kiến thức và kinh nghiệm đến thúc đẩy. Ví như giáo dục, chữa bệnh, dưỡng lão, v.v…, nếu cứ tiếp tục như cách hiện nay, sẽ ngày càng tồi tệ. Đương nhiên, sự coi trọng từ trên xuống dưới, bù đắp trở lại nguồn lực vật chất, cũng là cần thiết. Báo chí hôm nay đưa tin một sự thực gần chục ngàn cán bộ cơ quan tỉnh Sơn Tây về thôn đảm nhận Bí thư  thôn, cũng đủ nói rõ ở cơ sở thiếu lực tổ chức, vận hành không trôi chảy. Nhưng sự quan tâm từ trên xuống dưới, nói cho cùng vẫn là một thứ ngoại lực. Chỉ có phát huy đầy đủ tính tích cực của bản địa, mới thực sự thoát khỏi vòng khốn khổ suy bại. Chung mà nói, sức mạnh của từ trên xuống dưới, khó nhắm trúng đòi hỏi thực sự của dân. Còn người dân biết rõ nhu cầu thực sự của mình, nhưng lại không biết làm thế nào để thực hiện những nhu cầu này. Khi người dân nhận thức rõ phấn đấu là cho mình, thường là rất tích cực, lực dốc ra rất mạnh. Với là sức mạnh từ trên xuống dưới chính là ở chỗ biết khai thác, phối hợp tốt thứ sức mạnh này từ trên xuống dưới, với một câu, tôn trọng đầy đủ ý nguyện của dân./.

Nguồn:Thiên Hy Sách luận, đăng tải ngày 04/01/2016

Chuyển ngữ : Khắc Trung

                                                                                       

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522616

Hôm nay

2148

Hôm qua

2325

Tuần này

21390

Tháng này

220555

Tháng qua

121009

Tất cả

114522616