Khách mời văn hóa

Cải cách thể chế để hạn chế suy thoái đạo đức xã hội

Trong thời gian gần đây, sự thờ ơ của nhiều người với cuộc sống cộng đồng, với sự phát triển của xã hội đã khiến nhiều người tâm huyết với đất nước bày tỏ sự bức xúc và lo lắng. Sự xung đột giữa lợi ích cá nhânvà lợi ích cộng đồng đang trở nên gay gắt. Cùng với đó là sự sụt giảm tinh thần tích cực vì lợi ích chung khiến đời sống cộng đồng trở nên lỏng lẻo, thiếu gắn kết, xã hội cũng trở nên rời rạc hơn. Đó là những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức xã hội khiến nhiều người lo ngại cho tương lai của đất nước. VHNA đã có buổi trao đổi với PGS.TS Hoàng Thị Thơ, nguyên trưởng phòng Triết học Phương Đông, Viện Triết học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung buổi trao đổi này như là góp thêm một ý kiến nhỏ cho một vấn đề nóng của xã hội.

PV:  Thưa bà, tôi có cảm giác cộng đồng xã hội người Việt ta bây giờ khác trước nhiều quá, như là bị bẻ vụn ra, thiếu chất kết dính, thiếu trách nhiệm với nhau…Bà có cảm thấy điều đó không?

PGS.TS Hoàng Thị Thơ (HTT): Thực ra trước đây xã hội cũng rời rạc như vậy, nó chưa bao giờ là một thể thống nhất cả. Nó xù xì và phức tạp, được liên kết một cách tương đối với nhau bởi nhiều giá trị khác nhau trong xã hội. Cơ sở kết dính của xã hội hiện nay là quyền lợi, lợi ích chứ không chỉ có đạo đức xã hội. Nhưng hiện tại, xã hội có quá nhiều vấn đề bức xúc nên người ta có cảm giác nó bị vỡ vụn. Sự vỡ vụn đó không hẳn chỉ do các truyền thống văn hóa bị đứt gãy hay bị vứt bỏ. Ở đâu đó, khi đụng chạm đến văn hóa truyền thống, tinh thần cộng đồng của con người vẫn trỗi dậy. Chỉ là cần có sự xúc tác đúng thì những tinh thần này sống lại. Mặt khác, con người hiện tại có nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều sự lựa chọn hơn nên họ không theo đuổi một mục tiêu duy nhất, thậm chí khi mục tiêu có nguy cơ không đạt được họ sẵn sàng bỏ để chuyển sang mục tiêu khác. Xã hội trở nên đa dạng hơn, đa chiều và phức tạp hơn, không có một véc tơ nào là chủ đạo. Nó không còn được định hưởng bởi những hệ tư tưởng, hay lý tưởng mà cả xã hội đi theo, nên những nhận định về giá trị cũng đa dạng. Nói vậy để thấy, trước đây xã hội cũng có sự vỡ vụn và thiếu trách nhiệm, nhưng hiện tại cái xấu cái ác phổ biến hơn và được lan truyền nhanh chóng với các kênh thông tin hiện đại nên dễ gây cho người ta nhiều bức xúc lo lắng hơn.

PV:  Hình như trong đời sống xã hội bây giờ không chỉ số người quan tâm đến nhau, đến đồng bào ít hơn mà sự quan tâm đến việc nước cũng ít hơn trước. Họ vô cảm không chỉ với đồng bào mà cả với việc làng, việc nước. Quan sát này có chính xác không, thưa bà?

HTT: Tôi nghĩ hiện nay, sự quan tâm của nhiều người Việt đang chuyển dịch sang một hướng khác. Người ta có thể không quan tâm nhiều đến việc chung nhưng lại rất đầu tư cho việc riêng, việc gia đình. Tức là người ta đang đặt sự quan tâm cho lợi ích của bản thân, gia đình lên trên lợi ích của đất nước, của cộng đồng. Một người giàu có, nhờ kiếm sống ở thành phố hoặc ở nước ngoài thường mang tiền về quê đầu tư xây dựng cho gia đình mình, sau đó xây dựng những nhà thờ, nghĩa trang của dòng họ mình rất to đẹp. Nhưng họ lại không quan tâm đến làng xóm, cộng đồng là cái chung mà gia đình, dòng họ đang sinh sống trong đó. Đó là một mối nguy hại cho sự phát triển của đất nước. Khi mà những người có quyền lực, những người làm quan chỉ nghĩ đến cái lợi riêng cho gia đình mình, ít chăm lo cho việc làng, việc nước thì xã hội sẽ rối loạn. Có lẽ đây cũng là một hệ lụy về đạo đức do tình trạng chiến tranh gây ra. Trong chiến tranh, chúng ta nêu cao những giá trị của việc chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất nước mà ít quan tâm đến giáo dục nhân phẩm cho con người. Sau này là những căn bệnh thành tích, chay đua khen thưởng với nhau, khiến cho những giá trị nhân phẩm trở nên xa lạ với con người hơn. Đáng ra sau chiến thắng Mỹ và tái thống nhất đất nước, phải bắt đầu ngay với việc xây dưng những giá trị nhân phẩm như trung thực, yêu lao động, sống tử tế với mọi người… chứ không phải là những danh hiệu để làm hành trang cho cuộc đời.

PV:  Có quá lắm không khi nói người bây giờ không có khí phách như các thế hệ cha anh, thậm chí có người còn nặng nề nói rằng là hèn?

HTT: Xã hội nào cũng có người hèn, hay nói cách khác là không phải khi nào con người cũng  luôn luôn có khí phách. Với thế hệ cha ông ta cũng vậy. Có điều hiện nay tình trạng này phổ biến hơn, biểu hiện đa dạng hơn và có phần tinh vi hơn để “dấu cái hèn” đi bằng những ngôn từ đẹp hơn. Nói là hèn còn nhẹ, phải gọi là đểu! Có rất nhiều người biết rõ các đối tượng, các hành vi vi phạm nhưng không phê phán cái xấu, không dám đứng lên đấu tranh chống lại cái ác. Và rất nhiều người đang lợi dụng những cái xấu, những hành vi phạm luật để trục lợi cho riêng mình. Trong một địa bàn, công an có thể biết rõ những đối tượng nào đang vi phạm phát luật nhưng không bắt, thậm chí còn thông đồng ăn chia theo; có cán bộ biết con, em cấp dưới vi phạm luật nhưng bỏ qua… Những điều đó làm cho con người ta mất niềm tin và quay lại sống thờ ơ với nhau trong xã hội. Một xã hội mà cái xấu, cái ác được dung dưỡng còn cái tốt không được bồi bổ, đề cao thì con người sẽ ngày càng hèn yếu đi và thờ ơ với nhau hơn.

PV: Có thể cắt nghĩa nguyên nhân của hiện tượng này như thế nào, thưa bà?

HTT: Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là sự chệch hướng giá trị cơ bản. Khi tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta đã không nghĩ thấu đáo đến những giá trị gì tốt nhất cho dân tộc sau khi giành được độc lập. Trước đây, khi chiến tranh, cần huy động lực lượng công nhân, nông dân để đánh giặc, chúng ta vẫn nói công nhân là giai cấp lãnh đạo, công nông liên minh là nòng cốt của cách mạng. Nhưng hết chiến tranh, giai cấp công nhân có thành lực lượng lãnh đạo, công nông liên minh có còn là nòng cốt của cách mạng hay không? Và như vậy, giáo dục giá trị cũng phải thay đổi, bởi trong mắt những người thuộc tầng lớp thượng và trung lưu thì những người công nhân và những người nhà quê (nông dân) không được quý trọng, và chắc chắn không có cái gọi họ là giai cấp lãnh đạo. Một người lao động trí óc cũng chưa hẳn coi trọng người công nhân lao động chân tay. Như vậy, những giá trị lớn được định hướng hầu như lại trái ngược với thực tế cuộc sống. Hy sinh, tranh đấu cho lợi ích chung của dân tộc là một định hướng giá trị lớn trước đây, nhưng từ khi đất nước độc lập,, thống nhất, cần phải thay đổi thành giá trị của việc đấu tranh với cái xấu, cái ác với sự sai trái làm định hướng cơ bản cho việc hun đúc nhân phẩm và tinh thần cộng đồng của mỗi con người thì lại không được coi trọng. Sự chệch hướng trong việc xác định các giá trị cơ bản của con người đã kéo theo hàng loạt sự suy thoái về mọi mặt làm cho con người thiếu những giá trị đạo đức nhân phẩm và sống thờ ơ với chính cộng đồng, đồng loại.

PV: Trong cuộc sống bây giờ rất hay bắt gặp những câu nói “sợ lắm!” của rất nhiều người thuộc nhiều hạng người khác nhau. Người ta sợ đủ thứ. Sợ bị coi khinh. Sợ bị hắt hủi. Sợ chê nghèo. Sợ đánh đập. Sợ trù úm. Sợ chụp mũ… Phải chăng lòng tốt, sự trung thực và cả tinh thần cộng đồng nữa đã bị những nỗi sợ hãi ám ảnh, và, vì vậy mà mất đi sự tự tin, cái bản ngã phải tự thu về, không dám bộc lộ?

HTT: Trong một xã hội lành mạnh, một người làm việc xấu, việc ác sẽ bị cả cộng đồng lên án và trừng phạt, điều đó khiến cho người ta sợ cái xấu, cái ác. Và ngược lại, làm một việc thiện được cả cộng đồng ủng hộ, tôn vinh và giá trị của người đó được nâng cao. Còn ở xã hội Việt Nam hiện tại, sự tôn vinh cho những việc tốt chưa lấn át được sự sợ hãi cái xấu, cái ác. Con người đang run sợ trước những kẻ xấu do thiếu sự ủng hộ của cả cộng đồng. Một người tốt đứng ra để chống lại một kẻ xấu sẽ khó khăn, nhưng khi cả cộng đồng lên tiếng thì kẻ xấu sẽ sợ hãi. Người tốt vẫn còn nhiều, nhưng người xấu nhiều hơn và phần lớn mọi người thờ ơ thì cái xấu sẽ lên ngôi. Đặc biệt, thực thi pháp luật không nghiêm minh làm cho kẻ xấu có điều kiện lấn lướt hơn. Pháp luật trừng trị người xấu không nghiêm, và không bảo vệ được người tốt, không bảo vệ được người lên tiếng đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác khiến cho đa số hoang mang và mất niềm tin. Khi lên tiếng đấu tranh chống lại cái xấu mà không những không  được bảo vệ, mà có khi còn mang vạ vào thân và cho gia đình thì người ta sẽ sợ cái xấu, cái ác và sẽ sống thờ ơ cho an toàn.

PV: Thưa bà, một chiều hướng khác, trong xã hội, số người sống thực dụng thái quá đến mức tham lam, tàn nhẫn, vô trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia dân tộc như vụ “tiếp nhận” rác thải của ông giám đốc công ty môi trường thị xã Kỳ Anh, hay là phá rừng, xả nước thủy điện… là một ví dụ. “Tính biện chứng”, hay là mối liên hệ giữa hai hiện tượng này của đời sống xã hội là gì, thưa bà?

HTT: Khi luật pháp không nghiêm minh, khi cái xấu không bị phê phán, cái ác không bị trừng trị thích đáng và cái tốt không được động viên, khích lệ đúng mức thì tính tham lam, dã thú trong con người trỗi dậy. Những người có cơ hội sẽ tìm cách để mưu cầu lợi ích cá nhân, còn những người không có cơ hội sẽ thờ ơ, không dám đấu tranh chống lại, còn những người tốt muốn đấu tranh dễ bị cô lập. Đó là mối quan hệ đối lập, khi cái tốt được bảo vệ và khích lệ thì cái xấu sẽ giảm xuống còn khi cái xấu được dung dưỡng thì cái tốt sẽ mai một và phai nhạt dần. Nói vậy để hiểu rằng trong mỗi con người luôn tiềm ẩn cả thiện tính và cả ác tính. Khi xã hội lành mạnh, pháp luật nghiêm minh thì thiện tính của con người phát triển, và ngược lại sẽ là điều kiện để lòng tham lên ngôi. Những vụ việc anh vừa nói là hệ quả của việc những người có quyền, biết luật nhưng lại phạm luật, bởi vì chính luật pháp không nghiêm nên làm cho lòng tham lam của họ trỗi dậy. Nếu có chế độ trừng phạt nghiêm minh, lần át, răn đe được lòng tham của họ thì khi định hành động xấu, ác họ sẽ phải suy nghĩ đến cái giá phải trả của mình trước pháp luật. Có lẽ nhờ vậy họ sẽ không dám làm thế.

PV: Làm thế nào để mỗi người và các cộng đồng từ nhỏ đến lớn có cuộc sống tự tin hơn, cởi mở hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn, bớt vô cảm, bớt tham lam hơn?

HTT: Tôi nghĩ xã hội nào cũng có những chuyện như vậy cả, không riêng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những chuyện này diễn ra quá phổ biến khiến cho những người tâm huyết phải bức xúc. Hệ giá trị đã thay đổi nhưng những chính sách, định hướng giá trị vẫn cố bám vào những thứ đã quá cũ kỹ làm cho tình trạng chệch hướng giá trị ngày càng xa. Cần phải có sự thay đổi trong định hướng lại giá trị cơ bản của con người, của xã hội cho phù hợp với tình hình hiện tại. Một việc quan trọng nữa là phải tạo ra được thể chế pháp lý bảo vệ được những người đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, đồng hành với nó tất nhiên là xử phạt nặng những sai phạm cố ý mà gây hậu quả nghiêm trọng. Những vụ việc chúng ta vừa chứng kiến, nếu như lập được các đường dây nóng để người dân tham gia giám sát, bảo vệ an ninh xã hội, bảo vệ môi trường thì chắc sẽ khác. Có thể cũng đã có đường dây nóng, nhưng vấn đề là phải phổ biến cho tới mọi người dân. Nên học cách mà các công ty khoan cắt bê tông treo, dán số điện thoại của họ ở khắp mọi ngõ ngách. Tức là làm sao để người dân có thể tìm thấy ngay số điện thoại đường dây nóng để gọi khi phát hiện vấn đề. Và khi người dân liên hệ, thông báo có dấu hiệu vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh, và nên có phản hồi cho người dân, đồng thời cần có cơ chế bảo vệ những người cung cấp thông tin trước sự đe dọa của những kẻ vi phạm bị tố cáo. Phải tăng cường giáo dục quyền lợi và nghĩa vụ cho người dân trong việc chống lại cái xấu, cái ác, tạo hành lang pháp lý cũng như thể chế chính sách để phát huy tinh thần cộng đồng của mỗi con người trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, chống lại lòng tham.

PV: Thể chế xã hội, cách quản trị xã hội có vai trò như thế nào trước tình trạng này?

HTT: Thể chế xã hội hay quản trị xã hội đều phải dựa vào cộng đồng và phải do cộng đồng cùng xây dựng nên. Không một cá nhân nào tự xây dựng hay tự thay đổi thế chế được. Thể chế có thể đảm bảo sự vận động của xã hội, nhưng khi nó không phù hợp thì cũng cản trở lại sự phát triển của xã hội. Như đã nói ở trên, khi thể chế xã hội lành mạnh, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật thì xã hội có kỷ cương, cái xấu, cái ác sẽ phải run sợ không dám hoành hành, còn cái tốt được tôn vinh, được đảm bảo phát triển. Còn khi thể chế có vấn đề, pháp luật không được thực thi nghiêm minh thì cái xấu được dung dưỡng và phát triển còn cái tốt thì bị lấn át. Những tình trạng chúng ta đang bàn đến là hệ quả của nhiều sai làm chệch hướng, trong đó có vấn đề thể chế đã không đảm bảo, không phát huy được vai trò quản lý xã hội dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

PV:  Vậy liệu rằng cải cách thể chế có phải là một điều kiện hàng đầu, là chìa khóa  để làm thay đổi đạo đức xã hội?

HTT: Tôi nghĩ cần phải làm nhiều việc cùng lúc để chống lại sự suy thoái đạo đức xã hội. Cùng với việc định hướng lại giá trị, cải cách thể chế cũng là một việc quan trọng trong việc thay đổi, lành mạnh hóa tình trạng suy đồi đạo đức xã hội. Nhưng đó là một điều kiện chứ không quyết định được tất cả. Cái quan trọng là cải cách thể chế để kéo theo những vấn đề khác đi theo hướng tốt hơn. Trong lịch sử có hai trường phái về quản trị xã hội là Pháp trị và Đức trị. Cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định tuyệt đối cái nào tốt hơn, nhưng xã hội phát triển thì pháp luật phải nghiêm minh vào đạo đức phải được coi trọng. Chúng ta cũng phải cải cách thể chế trên tinh thần đó, nghĩa là hài hòa giữa pháp trị và đức trị, hay nói như ngày xưa là hài hòa giữa Vương Đạo và Bá Đạo, mà xét về thực chất là giữ được sự hài hòa Âm – Dương, có như thế thì con người và xã hội mới có thể sinh tồn và phát triển bền vững được.

PV: Thực ra các hiện tượng trên cũng chính là các hiện tượng, các vấn đề văn hóa. Thế nhưng, ở đây, nếu quan niệm văn hóa như là một công cụ giáo hóa, thì theo bà, văn hóa phải thể hiện vai trò, chức năng đó của mình như thế nào?

HTT: Văn hóa có chức năng giáo hóa. Nhưng ở đây tôi lại muốn nhấn mạnh đến chức năng dự báo, thể hiện các vấn đề xã hội của văn hóa. Đạo đức xã hội là một biểu hiện của nền văn hóa và nó quan hệ chặt chẽ với hệ tư tưởng, hệ thống chính trị. Ai nắm hệ tư tưởng, lãnh đạo hệ thống chính trị và đảm bảo lợi ích cho ai là những nhân tố tác động đến đạo đức xã hội. Hay nói cách khác, đạo đức xã hội là hệ giá trị để duy trì và đảm bảo sự ổn định của xã hội. Khi đạo đức xã hội bị suy thoái là biểu hiện cho thấy hệ thống chính trị, hệ tư tưởng và định hướng giá trị đang có vấn đề. Vậy nên khi muốn cải thiện, chống suy thoái đạo đức xã hội thì phải nhìn nhận lại cả hệ thống này. Giá trị đạo đức trong cuộc sống vẫn tự vận động và thay đổi và pháp luật cũng cần thay đổi cho tương xứng. Mặt khác, văn hóa hiện nay là văn hóa thị trường, và cần nhìn nhận ở góc độ như vậy để suy xét các vấn đề khác. Văn hóa thị trường đang tác động đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, tác động đến cả trẻ em lẫn người già, từ thành thị đến nông thôn, từ ngoài xã hội đến trong nhà trường và cả trong gia đình. Những thay đổi đó cần được nhìn nhận nghiêm túc trước khi phê phán. Bởi nếu không nắm rõ mà phê phán thì dễ sa vào chủ quan duy ý chí và áp đặt lên lớp trẻ.

PV:   Nhưng vấn đề quan trọng là văn hóa phải hiện hữu bằng các phẩm chất trong mỗi con người, trong các cộng đồng, trong mỗi chính sách của nhà cầm quyền. Để có được điều đó, tất cả đều phải bằng con đường giáo dục, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục gia đình… Thế nhưng, giáo dục của chúng ta đang có vấn đề, ở cả ba môi trường. Xin bà cho biết quan điểm của mình về giáo dục đạo đức, nhất là trong trường học, trong bối cảnh hiện nay?

HTT: Tôi thấy giáo dục đạo đức trong nhà trường đã và đang thất bại. Nên nhìn thẳng vào sự thật này. Chính các học sinh cũng đã nhận thức ra được những trò lố và cả sự giả dối trong trường học khi chúng biết những chuyện như bạn nó mua điểm, hay giáo viên vì thành tích mà thay đổi kết quả thực học của chúng. Có những học sinh đã dám phản đối lại việc cô thầy đã giúp đỡ nó dối trá để theo đuổi thành tích, song chúng đã không được khen còn bị trù úm. Bệnh thành tích trong trường học cùng những suy thoái đạo đức của chính những người giáo viên - tức người làm công tác giáo dục và đại diện cho sự mẫu mực về nhân phẩm trong nhà trường đã ảnh hưởng rất xấu đến sự hình thành nhân phẩm của học trò – sản phẩm của ngành giáo dục. Chẳng hạn, nhà trường có thể nói rằng cấm học trò nhuộm tóc, sơn móng tay, đi guốc cao, mặc váy ngắn, hút thuốc,… nhưng chính cô thầy giáo lại làm tất cả những điều đó ngay trong nhà trường, trước mặt các học sinh. Những lời thầy cô nói với học sinh và những việc thầy cô làm hoàn toàn khác xa nhau thì sau khi ra trường học sinh lại quay lưng lại với chính ngôi trường của mình. Điều đó làm cho quan hệ thầy - trò, một quan hệ rất được coi trọng trong đạo đức xã hội bị đứt gãy. Trước đây, thầy cô giáo là những tấm gương cho học trò và luôn được học trò kính trọng, còn hiện tại số này rất ít. Cùng với lối dạy sáo rỗng, đời sống thiếu lý tưởng, không chống lại được những tác động tiêu cực từ thị trường càng khiến nền giáo dục nhà trường đi xuống. Bên cạnh đó, giáo dục xã hội có nhiều vấn đề không được lành mạnh. Giá trị bị đảo lộn, người làm đúng thì bị phê phán, còn sai tập thể thì được chấp nhận, cái tốt cái xấu lẫn lộn, truyền thông ăn theo và giả dối, vị lợi … khiến cho lớp trẻ thêm suy thoái, nói cách khác là hoang mang,, lung túng. Giáo dục gia đình cũng có nhiều vấn đề, khi chính bố mẹ cũng lung túng, chấp nhận chạy cho con theo thành tích học tập. Một đứa trẻ khi hỏi là mẹ đã đưa phong bì cho cô giáo chưa thì tất nhiên nên hiểu là đã có sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mầm non của đất nước theo chiều hướng rất tiêu cực. Đây là báo động đỏ về thất bại của nền giáo dục.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo bà chúng ta cần làm những gì để cải thiện, xây dựng nền đạo đức xã hội tốt hơn, làm cho con người sống vì cộng đồng hơn và làm cho cộng đồng sống ổn định, yên tâm hơn?

HTT: Đạo đức xã hội hiện nay có mấy vấn nạnlớn là bất cập, lệch lạc và suy thoái. Chúng ta phải nhận thức rõ về ba vấn nạn này để tìm ra con đường giải quyết. Bất cập ở chỗ thiếu những định hướng giá trị cơ bản nhưng thừa các ngôn từ sáo rỗng;thiếu đạo đức thật thừa đạo đức giả. Lệch lạc ở chỗ chúng ta không có những chuẩn mựcổn định, không theo truyền thống cũng chẳng theo hiện đại, không theo quốc tế cũng chẳng phải trong nước. Và suy thoái đạo đức ăn sâu vào đến các cá nhân ở các tầng lớp, từ lãnh đạo tham nhũng đến người dân buôn gian bán lận, như tiêm thuốc độc vào thực phẩm, dùng hóa chất độc hại vào sản phẩm… Để hạn chế những tệ nạn này, cần phải đấy mạnh cải cách, đổi mới thể chế, định hướng giá trị phù hợp. Bên cạnh đó là đấu tranh chống lại thói đạo đức giả, vô trách nhiệm, hạn chế sự nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ của giới trẻ. Phải cải cách toàn diện đất nước từ thể chế, giáo dục đến việc sử dụng con người, từ đó làm nền tảng xây dựng nền đạo đức trong lành hơn cho dân tộcvà cho cả nhân loại.

PV: Xin cảm ơn bà rất nhiều.

Phan Văn Thắng & Bùi Hào thực hiện

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445654

Hôm nay

2154

Hôm qua

2237

Tuần này

21263

Tháng này

211913

Tháng qua

120141

Tất cả

114445654