Người xứ Nghệ

Hoàng Trần Cương - người hóa giải những nỗi niềm, khát vọng

Với một tay nghề già dặn, thơ Hoàng Trần Cương là thứ phù sa kết đọng mang nét tổng kết cuộc đời sau những năm tháng vật lộn gian nan. Như một tấm gương lồi, nhà thơ đã phản ánh được những vấn đề chân thật và bản chất nhất có tính đặc thù của thời đại ta đang sống. Soi vào dòng thơ Hoàng Trần Cương ta thấy bóng dáng mình thấp thoáng nổi chìm. Nhà thơ đã cảnh báo: sống đâu phải dễ, phải kiên cường lắm mới mong sống sót ở đời.



Trầm tích và tập thơ Quà tặng của của thế kỷ của Hoàng Trần Cương là những thi phẩm có giá trị được kết tinh bằng máu huyết của một thi nhân tạo nên khí cốt tầm vóc thi bá. Văn học Việt Nam hiện đại ghi thêm một tên tuổi mới sáng giá về trường ca :Hoàng Trần Cương! Tr
ầm tích  là bản trường ca về cuộc sống, bài ca về số phận con người mang ý nghĩa nhân văn bởi nó đã khêu gợi và truyền lửa cho ta hành động. Thơ Hoàng Trần Cương là quyển cách trí, là sách học làm người bằng thơ hướng cho con người một thế đi, dáng đứng.

Sau chiến tranh thơ ta đang có xu hướng khai thác đời tư và những mảnh đời vụn vặt, nhàn tản thì Hoàng Trần Cương đã dám xông thẳng vào những vấn đề thế sự gai góc nóng bỏng của xã hội hôm qua và hôm nay để hướng tới ngày mai tươi sáng với cái nhìn sắc bén, tổng lực cất lên tiếng nói mạnh bạo có trọng lượng, đầy ma lực nghệ thuật. Trầm tích là thiên trường ca có lẽ là hay nhất trong các trường ca hay của nửa cuối thế kỷ XX đầy giông bão, máu lửa.
 
Hoàng Trần Cương (*) có hai câu thơ đọc rất thú:
            Cho lưng trời nắng thất thanh
            Để hoàng hôn mải loanh quanh với chiều
                                                (Hoàng hôn xanh)

Có lẽ thơ Hoàng Trần Cương hấp dẫn bạn đọc bắt đầu từ chỗ này đây: mật độ những câu thơ hay như vậy cứ mọc lên dày đặc trong thi phẩm của anh. Ta có thể nhặt thêm:

            Anh gạt mù sa ra vớt nắng
            Vô tình trăng nhú đầu tay
                                   
(Đêm Tây Nguyên)
           
           Tháng Năm chín tháng Mười vàng
                                                                  Em như gạo tám bàng hoàng rượu tăm
                                                                                                           (Đá dăm)
           
 Trái tim nói bằng lời của mắt
            Đêm âm thầm vùi nắng vào trăng
                                                (Trái tim đêm)
           
Gió tha mưa ướt đẫm phố phường
            Nắng láu táu đưa mùa hè đến sớm
            Mùa thu đành lãng đãng theo sương
                                                (Cảm)
           
Có phải trái tim nằm lệch một bên
            Nên thương nhớ thường nghiêng về một phía?
                                                (Nhớ từ biển)
           
Gió bỗng rộm vàng thơm mùi nắng

            Mây trắng tuôn về loãng hoàng hôn
                                                (Hơi ấm ban ngày)
           
Mỗi ban mai cỏ lại xanh ngơ ngác

                                                (Chân dung)
           
Tháng năm vèo qua rát cả ráng chiều

                                                (Hoàng hôn màu gấc)
           
Trăng đầu tháng đỏ ngầu

            Như cái bã trầu ai nhè ngang đỉnh núi
                                                (Thóc giống - Trầm tích)
           
Tiếng ve rẽ cơn mưa đưa nắng vào hè

                                                (Những viên đá lẻ - Trầm tích)
           
 Không dụ nổi cơn mưa
            Cho buổi chiều bớt cạn
                                                (Nỗi nhớ ngày thường)
           
 Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

            Chuốt ruột mình thành giải lụa sông Lam
                                                (Miền Trung - Trầm Tích)

Quả là không có một vật nào trong trời đất là không chứa sẵn thơ khi người thơ biết mở mắt xanh ra với nó.

Còn bài hay? Cũng khá nhiều. Ta có thể nếm chất thơ nguyên chất trong Cảm, Hơi ấm ban ngày, Vô tình, chất ký họa gọn sắc trong Đêm Tây Nguyên, Làng; bút pháp dịu ngọt kiệm lời trong Trái tim đêm, đậm đà chất dân dã trong Đá dăm, Hoàng hôn xanh, những tiểu kết sắc gọn ở Dấu vết tháng ngày, chất biểu tượng trong Núi, cách lập tứ vững chãi trong Cầu ao, Miền Trung...

*
Là người lính, Hoàng Trần Cương đã lặn lội trong máu lửa khắp các chiến trường vì lẽ tồn vong của Tổ quốc để kiếm tìm lẽ sống làm hành trang cho đời. Khi kết thúc chiến tranh, trở về làng quê yêu dấu nơi trái tim anh thường trực cư trú thì bỗng tìm ra được nó. Vây giữa yêu thương tổ ấm gia đình - mầm mống của tình yêu tổ quốc và các nhân đức xã hội khác, mang một tâm hồn cao cả, Hoàng Trần Cương đã xem quê hương là tất cả và trên hết. Anh đã bạc đầu trước những thăng trầm biến đổi của quê hương.

            Nơi nguyện ước tổ tiên về trên mỗi trang gia phả
            Nơi những vật thiêng vùi mình trong đất đá
            Nơi những câu ca không nhám bụi tháng ngày
            Giọt nước nào cũng háo hức biển khơi
            Giọt nước nào cũng lao xao tiếng vọng
            Tôi lớn lên giữa ngày trong tháng đục
            Cùng dòng sông mắc nợ phù sa
                                                (Cật tre - Trầm tích)

Hoàng Trần Cương yêu quê đến oặn lòng mới có cái nhìn đằm thắm, tinh tường:
            Lặng lẽ phù sa trôi giữa đôi bờ co thắt
            Hạt bụi nào làm nhặm bóng tháng năm?
                                                (Đất)

với cảm nhận khám phá, từng trải:
Hình như sông cũng nằm mơ
Nửa đêm sóng cười trắng xóa
Hình như bến bờ đau đẻ
Khuya khoắt đất vật ùm ùm.

                                                (Trầm tích)
Cả cái vất vưởng của kẻ thiếu cố hương:
·         Xa nhà đến cả gió
Cũng lần hồi lang thang

                                                      (Bóng cỏ)

Và với cái nhìn gân guốc bằng cặp mắt nông dân:
·         Hôm nắng nỏ thì trời không thả gió
            Bữa mưa giầm bão lại xổng vào đêm
                                                (Gió)
Chính quê nhà – nơi đất cằn sỏi đá, nhà tranh vách đất, con người lam lũ nhếch nhác, hoang tàn vì bom đạn, quặn thắt bởi khúc ruột miền Trung bỏng rát gió Lào với mưa nắng thất thường đã đứng lên làm những cuộc cách mạng long trời trong chiến tranh giữ nước bi hùng và vật lộn gian nan với thiên tai để tạo dựng cuộc sống mới. Chính quê hương ấy đã rèn đúc nên một Hoàng Trần Cương - nhà thơ chiến sĩ với những cảm nhận run rẩy tinh tế từ trong bộn bề kỷ niệm:

            Lại về với con
            Cái nhớ chẳng chịu già
            Thanh thản đồng quê mùa gặt hái
            Rơm vàng đơm nắng trên đê
            Rơm vàng nhảy lò cò với cỏ
            Rơm vàng nguýt lườm lũ nhỏ
            Cơm mới nức thơm cười trắng vung nồi
            Lại về với con mùa tằm ăn rỗi
            Nong kén vàng rủ nắng vào đêm
            Tiếng xa quay ươm tơ vào giấc ngủ
            Tiếng bãi dâu rũ nước đợi trăng ngần.
                                    (Hoàng hôn màu cỏ - Trầm tích)

Quê nhà, nơi có chuyện cổ tích của bà, những lời dặn dò của mẹ, lời răn của cha, có cây đa bến nước, con đò, dòng Lam xanh, những mái tranh nghèo, vườn cau, “chum tương, chĩnh cà, vại nhút”, có ngôi chùa cổ “một thời ông bụt cũng bỏ làng đi hành khất”, có gốc gạo thiêng làm trai gái làng sờ sợ khi qua đó, có quỷ Cố Bợ ranh mãnh, có lúa khoai, có bãi ngô non, có chiều tà, hoàng hôn xanh, có vầng trăng khuyết, cỏ. Mảnh đất đó có những người nông dân củ mi cù mì “Thường mượn khói thuốc lào chườm nỗi xót xa”, họ yêu ghét rạch ròi kiên định, họ làm lụng đồng áng một nắng hai sương “Trầm mình trong đói khổ - vẫn thả hồn gió bay” Đó là nơi ấp ủ tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn cưu mang đùm bọc lẫn nhau... Ôi cái làng Đặng cố hương ốc đảo xanh tươi, có đập Ba Ra tung nước cười trắng xóa ban ngày và rì rầm tâm sự cùng ai đó thâu đêm.

            Con không tin mảnh đất này rụi rọ
            Ai đi ra cũng chẳng muốn quay về
            Có một mảnh đời con trong đống rác
            Xin mẹ cho con bới tìm
                                    (Đá đỏ - Trầm tích)
Tìm gì ? Hoàng Trần Cương toàn tìm được vàng ròng, tìm được thơ đích thực.
Cái làng nhỏ quê anh - một chấm xanh bé xíu thao thức bên trời trên bản đồ nước Việt. Nơi anh vừa mở mắt chào đời “gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu”, rồi liền quẳng anh trụi trần vào lam lũ “đói khát chen nhau gầy rạc lời ru - Nuốt lống ngày vui có giấc mơ năm ngoái”, đời sống cơ cực đến nỗi “Đắng cay lắng vào trái ớt lúc còn xanh”; nơi thiên nhiên thật khắc nghiệt “chiều quê ráng nhuộm màu nước lũ - Mưa xói đỉnh đầu - Nước chảy đứt đuôi rắn”; nơi đó có “Tiếng học bài nóng ran xóm nhỏ - Tiếng gọi đò méo cả bến sông”; nơi có cảnh dời làng hãi hùng xóa nát cả cảnh quan làng xã được vun đắp từ bao đời “Thôn dưới làng trên nhà cửa tuột trần - Xua nhau lên núi”; nơi “Nắng ho gà nên chiều tà đến tội’; nơi “Gió quên lượm giọt mồ hôi để da tóc mẹ mồi”; nơi “xanh nghiêng đêm - thắm lệch ngày”; nơi “Tiếng mõ trâu chùng cả dáng chiều”; nơi “ngửa mặt vấp ngày - Mở mắt vấp đêm”; nơi “Ngày lủi vào tiếng cuốc thất thanh”; nơi “Cơn đói hé mắt nhìn qua lớp da nhăn - Lùa cả niềm vui rụng quăn đuôi tóc”; nơi có cảnh “Trời tròn thế mà nắng chiều lặc đói”; nơi “mưa quây khú cả nắng vàng”; nơi có cảnh địa ngục đào đá đỏ "Người đội lốt ma - ma lột thành người"; nơi "bạc mặt vì quê hương", nơi "giấu nghèo như giấu nhục"; nơi “Ròng rong mùa chinh chiến - Bờ tre còm rướn sức trổ mầm non”; nơi “Giật mình súng đã tràn tay - Bàng hoàng biết tuổi thơ không về nữa”; nơi để nghĩ về “Những nấm mộ quặn rừng già hoang dại”; nơi “Quá khứ ngủ vùi trong đất’; nơi “Những khát vọng niêm phong vào trầm tích”; nơi “Thế kỷ này vẫn lắm quỷ nhiều ma”, nên đời sống người dân còn cay cực “Khuôn mặt nào cũng ngơ ngác đăm chiêu - Mấy đồng lương vá làm sao kín tháng”; cho đến cả thị thành cũng “Phố dài tái nhợt lo âu... Chua cả hè đường sấu rụng”; nơi “Nỗi đau là khoảng tối xăm vào ánh sáng’; nơi để lắng lòng tưởng niệm đồng đội đã hy sinh “Đất Quảng Trị ghì vào mình những chùm thơ chưa kịp hái - Những nỗi niềm đang ráo riết xanh”; nơi “Những buồn vui không giới hạn kiếp người”...

Sự thật duy nhất nhói lòng chứa trong Trầm tích là nỗi khổ đau và niềm tự hào của nhà thơ về con người và đất quê hương. Hoàng Trần Cương không vội vã giở qua cuốn sách đời, anh khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ. Hoàng Trần Cương nung nấu nghiền ngẫm từng câu thơ từng đoạn thơ, thuộc nằm lòng, sửa tới sửa lui, cày nát trên cánh đồng thơ, gieo vãi thật nhọc nhằn, hào sảng và chua chát đến hàng chục năm trời “Đến câu hát cũng hai lần sàng lại – Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm”. Anh thích rèn dũa tâm hồn mình hơn là trang trí nó.
Tác giả đã ghi lại được một chuyện tìn éo le sau chiến tranh thật buốt:
·         Có người lính mãn thời trai trẻ
Người yêu
giờ đã lấy chồng
Con búp bê mở mắt tròn xoe
Suốt ngày khóc trên tay con của người yêu cũ.
Nhà thơ phô, phô đến kiệt cùng nỗi khốn đốn đói nghèo:
·         Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh
Dằng đặc làng quê thưa thắt
Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
Tảng cháy cạy đi rồi
Còn hằn vết móng tay
cày lên
Sưng cả đáy nồi
Anh đắng lòng tìm lại những trang sử đầy máu và lửa, nhằm cảnh tỉnh cuộc sống:
·         Cạnh đá sắc còn nguyên vết chém
Nghèo khó cắn xé nhau
Con đi qua những địa tầng mưng máu
Gặp những hình nhân rỗng tim
Gặp những vương triều xô nghiêng chính sử
Bây giờ hoai rữa hư không
Hoàng Trần Cương có những suy nghĩ rất riêng tư chín đằm, trăn trở:
·         Mỗi ngày tôi để lại
Vài giọt nắng trong mắt người thương nhớ
Giọt mồ hôi rơi cuối buổi chiều
Sợi tóc bạc hai đứa nhìn tiếc nuối
Đôi nét buồn thổi lạnh mặt người yêu.
·         …Mỗi ngày tôi để lại một vạt lo toan một niềm khắc khoải
Nơi lưỡi cày vừa mới đi qua
Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi
Trăng lại treo lơ lửng trước hiên nhà.
                                                (Dấu vết tháng ngày)
Mặc dù khuôn mặt lính còn hốc hác, thi sĩ của chúng ta vẫn cứ luôn đắm đuối nỗi yêu đương luôn trỗi dậy giữa đời thường:
·                     Chiều tươi màu áo người qua phố
Thoáng dáng em về thơm lá non

                                           (Chiều xanh)

Thường thì niềm vui lớn, nỗi khổ đau lớn đều câm lặng, ít cất thành lời. Hoàng Trần Cương đã tận tâm giải tỏa nỗi ưu phiền của mình cũng chính là để hóa giải những ưu phiền của đồng loại. Không có những than phiền vặt vãnh, nỗi khổ đau chất chứa lâu ngày phải bật lên thành tiếng.

Thơ và trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương giống như bộ hồ sơ của vị thẩm phán, một phổ hệ gia tộc, một tiểu sử tính cách được tích góp viết hằng ngày, được phân tích đánh giá theo chiều hướng xã hội học và đạo đức học. Có khi nó còn là một tiếng kêu thương, một lời ca tụng, một câu hỏi nhói buốt hay một chuỗi những lời đáp dang dở không lời.

Điểm xuất phát cho những hồi tưởng của Hoàng Trần Cương là từ góc nhìn gai góc, đau thương. Bao cay đắng ngọt bùi của đời người lặn ngụp vào lòng rồi tích tụ xuống đáy sâu tâm tưởng. Ký ức ấy có dịp là òa ra lai láng.

            Quay lại tìm trời đã nín thinh
            Quay lại tìm ta không còn là ta nữa
                                    (Bóng đa làng - Trầm tích)

Nhà thơ đã cho ta sống lại những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn, trong ngần những kỷ niệm buồn đau để vươn lên tầm cao cuộc sống.
 

Làm thơ mà không có một đòn xeo chủ quan thúc đẩy mãnh liệt xuất phát từ một tư tưởng nổi bật của thời đại làm khởi điểm thì khó lay động được hồn người. Khi sự vong ân bội nghĩa của người đời đang diễn ra ở khắp đó đây thì Hoàng Trần Cương là người sống bằng ân sâu nghĩa cả. Với anh, ân nghĩa là một gánh nặng phải gánh. Anh nói về ân nghĩa như là một thứ trí nhớ của lương tri, một món nợ không bao giờ trả xong. Tích trữ ân nghĩa là một việc làm phúc đức. Anh đem lòng bao dung của mình bao dung kẻ khác. Anh lấy việc đền ơn đáp nghĩa làm niềm vui sống. Không hề than thở hay phàn nàn, những khổ ải đã làm cho lòng người bớt oán hờn. Hoàng Trần Cương đã tưới tình thương và đức độ xuống hận thù do kẻ ác gieo cho người thân của anh. Lòng nhân từ, đức vị tha đã nâng con người lên, tiếp thêm cho nhà thơ một năng lượng mới. Đó là cách trả và cũng là cách chữa lành các vết thương của mình.

Những trang đẹp nhất, rung cảm nhất trong Trầm tích Hoàng Trần Cương trân trọng viết dành cho bà và mẹ với tất cả ân tình máu thịt.

Bà là bà tiên hiền hậu, là cây cao bóng cả che mát đời anh. Trong bà là cả một kho tàng văn hóa dân gian “Câu ví dặm gầy nhom thì thào như người mới ốm - Từ trong cái đãy nâu sồng thắt ngang sau lưng bà tối tối lại bò ra” truyền sức sống cội nguồn sang cho cháu. Những câu thơ dung dị không dễ ai cũng viết được:

            Tuổi thơ tôi đi qua
            Trong nắng mưa lấn bấn
            Trong dáng bà đã lấm bóng hoàng hôn
            Những khi bà ốm
            Giàn trầu không đầu hồi bỗng dưng trụi lá
            Mùi hương bay váng vất cả chiều
            Gió mang lá trầu vàng đặt vào manh chiếu
            Ngoài sân
            Một mình cây cau dầm trong sương muối
            Âm thầm cúi đầu
            Giấu bóng vào hiên
            Đợi chừng nửa đêm khi bà tỉnh giấc
            Mây buông mảnh trăng liềm
            Ánh trăng nâng bóng cau non mớm đặt vào mép chõng
            Bỏm bẻm miếng trầu
            Rón rén thức mùi hương
                                    (Đất mật - chương 2 Trầm tích)

Người mẹ của Hoàng Trần Cương là một người mẹ giàu lạc quan. Bà tất tả ngược xuối, tay cắm chân vầy trong bùn ruộng cấy cày gặt hái “Gió thốc vào dáng mẹ bạt theo mưa”. Bà tảo tần “Sấp mặt ngồi cuối chợ - Nhặt về những đồng xu bạc phếch đất bùn”. Với “đôi chân trần tóe máu tươi” bà quảy đầu con đầu hàng “Gò lưng giữ cho cân đòn gánh - Chỉ sợ con lật người là đổ mất ngày mai”. Bà tằn tiện, căn cơ “Cái nón mê mẹ đội nửa đời người - Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút”. Bà xắn váy quai cồng lo toan từng bữa ăn với “vàng khè màu ngô dặt”, với “đĩa rau lang cao như tầng núi xám” cho một gia đình đông con thiếu ăn quanh năm. Bà gạt nước mắt, giấu tiếng thở dài trước mặt con cái “Mẹ chan tiếng cười chạy vòng quanh mâm”. Bà đem cái can trường ra trụ với cuộc đời cơ cực:

            Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười
            Trên gương mặt bầy con ngày giáp hạt
                                    (Những viên đá lẻ - Trầm tích)

Người mẹ của Hoàng Trần Cương là một người đàn bà kiên nghị, biết cách dạy con sống:

            Ngậm đắng nuốt cay
            Không vay mượn tiếng cười
            Mẹ dặn con những giọng cười đi mượn
            Sớm muộn gì cũng phải trả người ta
            Muối đã mặn xin đừng pha nước mắt
            Mồ hồi sẽ lọc mình tinh khiết
            Và nụ cười trở lại sáng bờ môi
                                    (Những viên lá lẻ - Trầm tích)

Tình yêu của mẹ dành cho anh không bao giờ già. Trái tim của mẹ đã là trường học dũng cảm dẫn dắt tuổi thơ. Hình bóng mẹ luôn thổn thức sống trong tâm tưởng anh, trên môi anh tên mẹ chính là tên của vị thần hộ mệnh.

            Mẹ là trầm tích của làng quê hoa trái
            Cất trữ mọi giấc mơ rồi có mặt trên đời
            Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến
            Xanh mát màu trời đượm ấm hương quê
            Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ
            Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng
            Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng
            Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang.
                                    (Những viên đá lẻ - Trầm tích)

Khi nửa đời nhìn lại mình, đối chứng với bao người khác, đặc biệt với người đã khuất, Hoàng Trần Cương xem những ngày anh sống bây giờ “kể như là lãi”. Anh bảo: “Tư bản của mỗi người chính là vận may của họ - Tư bản của riêng con - Là cuộc sống mẹ cho - Những đồng vốn bằng xương cha da mẹ”.

Và cuối cùng, đọng lại trong hồn nhà thơ là bức tượng đài Người Mẹ tạc bằng nghĩa tình thắm đỏ:

            Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa
            Nuôi tôi giữa nước và trời
                        (Cật tre - Trầm tích)

Hoàng Trần Cương không hướng về số lượng sự kiện khi phản ánh, mà hướng theo chiều hướng sự kiện tìm tòi tiêu biểu. Các sự kiện chỉ làm nhiệm vụ bắc dàn cho bầu bí suy tưởng xum xuê bò lan ra. Là một kế toán trưởng, Hoàng Trần Cương cân đo đong đếm cuộc đời rất chính xác, tạo ra được những bất ngờ kỳ thú. Những câu thơ so le miên man, hoang dại chạy lúp xúp trên những dòng kẻ đứt nối của thời gian hoài niệm. Dưới ngòi bút của anh cái gì cũng sáng tỏ. Những lời độc thoại ngổn ngang tâm sự của thi nhân đã đem vào thơ cả một niềm hưng phấn trong sạch.

Anh đóng nhiều vai, nhập vai khéo: lúc là trẻ con “nhảy cò cò với cỏ”, lúc là một lão nông tri điền, lúc lại là bà, mẹ, cha, người lính, nhà quản lý, một cán bộ về hưu, nhân viên kế toán...

Anh yêu cái đẹp, cái thật, cái tốt đến nồng cháy, ghét cái dối trá, cái ác, cái xấu đến sâu sắc. Anh yêu mình, yêu những gì trong mình mà người khác có thể yêu được.

Hoàng Trần Cương viết hồi ký bằng thơ. Nhớ lại dĩ vãng để làm gì? - Dĩ vãng chỉ còn là dĩ vãng hắt hiu, ngồi luyến tiếc quá khứ thì chỉ là một gã khờ bệnh hoạn. Ai chỉ chăm chắm sống cho hôm nay sẽ làm hỏng ngày mai của mình. Còn người sẵn sàng hy sinh hiện tại chỉ ngồi mơ mộng hướng tới ngày mai là một kẻ giơ tay bắt gió hoang tưởng. Với Hoàng Trần Cương, cuộc sống không phải là chuỗi ngày buồn nản đã trôi qua, mà là những mảng đời sướng khổ buồn vui còn tươi nguyên in đậm trong trí nhớ. Quá khứ còn sống trong hiện tại, còn tương lai chính là hiện tại đang đi vào bằng một ngõ khác. Hoàng Trần Cương không tán dương quá khứ, anh hồi ức lại quá khứ là để sáng tỏ hiện tại. Anh vừa mỉm cười vừa tách mình ra khỏi quá khứ. Quá khứ khổ đau là lực đẩy, đẩy anh về phía tương lai. Nhận rõ cái gì là tức thời, cái gì là muôn thuở, Hoàng Trần Cương lấy lửa từ quá khứ chứ không lấy tro tàn. Anh tràn đầy hy vọng sống cho hôm nay bằng cái vốn liếng sẵn có của ngày qua, và tầm nhìn xa trông rộng của ngày mai. Anh không tiến vào tương lai bằng cách đi giật lùi. Đằng sau dĩ vãng, nhà thơ ngả mũ chào; trước tương lai, con người công dân trong anh đang xắn tay áo lên.

Trong thơ Hoàng Trần Cương quá khứ, hiện lại, tương lai hòa quyện đan vào nhau trong một chỉnh thể tạo nên bức tranh thời gian và không gian mênh mông, một thứ thời gian và không gian của tâm tưởng, nỗi niềm, khát vọng.

Khi tình đã chín, trí đủ đằm thì thủ pháp cất cánh. Hoàng Trần Cương có chất thi sĩ bẩm sinh, có ý thức tu dưỡng nghề nghiệp, đã định hình phong cách riêng, vừa hùng tráng vừa bi thiết. Bằng những chữ nhặt từ nơi bắt ốc mò cua tinh chế nên, ngôn ngữ thơ Hoàng Trần Cương mang mùi hương đất đai, cây trái, ao vườn, nắng lửa, mưa dồn, bão góp, lảnh lót tiếng mẹ đẻ ầu ơ vọng về từ miền thơ ấu xa xăm. Chất thơ của anh đậm đà trong từng chi tiết bình thường, lặn cả vào trong sỏi đá. Nhà thơ đã say sưa kể cho mọi người nghe về sự phức tạp và cái đẹp của cuộc đời. Hoàng Trần Cương chú ý nâng niu cả đến những cái nhỏ nhặt, những linh hồn bé nhỏ, gắng giảm bớt khổ đau, tăng niềm vui sống cho mọi người. Anh chuyện trò thật đằm thắm, lắng đọng tình người, tình đời, những trải nghiệm phong phú, những đúc rút tinh thông. Người đọc rung cảm phập phồng theo từng vận tiết nơi trái tim sinh nở của thi nhân. Từ trong rơm rạ, nước đọng bùn lầy, Hoàng Trần Cương đã bật lên những cảm hứng đầy thi vị thành những tâm khúc nỗi niềm.
Trầm tích là sự lắng đọng vật chất như phù sa, các thứ quặng mỏ, lắng kết cả những thứ của cải phi vật thể như ngôn ngữ, phong tục, lịch sử, văn hóa, đạo đức, phẩm tiết…Trầm tích với 19 chương đã được tác giả khai thác như nhà địa chất bóc tách từng vỉa các địa tầng để lộ những châu báu trong lòng đất. Nó là một trường ca bề thế, một dàn hợp xướng đồ sộ, được dàn âm phối khí nhịp nhàng, ăn ý. Cái nội lực giao hưởng này đã làm cho thiên trường ca thành công chuyển tải được khối dung lượng lớn những điều công dân Hoàng Trần Cương muốn thổ lộ.
Trầm tích là một trường ca thành công. Phép làm thơ trường thiên phải như sóng dậy, đợt này trùng điệp với đợt sau. Người giỏi thơ thường chỉ nêu ý mà không vạch tên, dẫn lý thông, nói việc trôi, tả cảnh vi diệu. Trầm tích có chi tiết đắt, cốt vững, bút pháp tung hoành, câu thơ vừa êm ái vừa gân guốc, thực và ảo xoắn xuýt lấy nhau.

Trong quá trình sáng tạo, ý nghĩa của trực giác nghệ thuật chỉ phát sáng lên khi những tiền tố tư tưởng được người nghệ sĩ đẩy lên hàng đầu. Nhiệm vụ của nhà thơ đâu phải chỉ tái hiện hiện thực thế giới mà điều trọng yếu là phải biểu hiện khát vọng của con người. Thơ phải hướng dẫn con người sống tốt đẹp hơn. Để làm cho thơ mình có thần khí, Hoàng Trần Cương không biểu hiện những gì đã qua, anh đang làm cho cái ấy sống lại và tiếp diễn. Hoàng Trần Cương không phản ánh sự thật trần trụi mà phản ánh một cái gì đó giống như sự thật. Cuộc sống sẽ chuyển hóa tiếp làm nó mất hẳn đi cái chất nguyên thủy tự nhiên để lột xác thành chân lý nghệ thuật. Trong thi phẩm của mình, các hình tượng của Hoàng Trần Chương đều mới mẻ, độc đáo, mỗi hình tượng đều sống đời sống riêng của nó. Nhà thơ hiểu nhiều biết rộng, cảm sâu đạt đến thâm độ lý tính và sự bặt thiệp từng trải.

Trầm tích có kết cấu tự sự giản đơn nhằm biểu đạt quá trình thanh lọc tâm hồn nhà thơ. Hoàng Trần Cương đã đưa ra như một giá trị cao hơn, khái quát hơn cái mà tự nhiên chưa hề có trong bản thân các thi liệu. Thơ anh đã chuyển tải được thế giới chân thật của tinh thần, một thứ hiện thực cao nhất của tồn tại. Chúng ta sửng sốt bởi tính chân thực, hồn nhiên, chuẩn xác như nó đã diễn ra đúng như thế trong đời. Đọc Hoàng Trần Cương ta không tìm thấy mà ta nhận thấy. Nhà thơ đã nâng cao được chất bác học, tính hiện đại trong thơ.

Trầm tích không hiến cho ta một điều gì thật kinh động. Tác giả biết cách giãi bày sự vật, sự kiện như nó chưa bao giờ được nói tới trước kia, đã nhìn sáng rõ hơn người thường tiếng vọng của nhân thế.

Bên cạnh những điểm mạnh trên, Hoàng Trần Cương còn vướng phải một vài khiếm khuyết. Thỉnh thoảng nhà thơ còn để cho tình cảm của mình dắt đi, cuốn theo nên các thao tác tư duy thơ có chỗ rối. Anh miên man say nên giọng kể có khi sa đà, tứ bị dàn trải, phân bố không cân xứng, quên chỗ dừng, trùng lặp hoặc dùng thái quá các thi liệu: Hoàng hôn (“Tấp hoàng hôn đóng nhấm cuối chiều” - “Mây trắng tuôn về loãng hoàng hôn”), chiều, trăng, nắng - [Câu thơ khá hay “Đêm âm thầm vùi nắng vào trăng” nhưng môtíp này có khác chi “Nong kén vàng rủ nắng vào đêm”, có khác chi “Để nắng lặn vào mắt trong...”. Hình ảnh đẹp rất Nghệ “nắng ra nàng” đã dùng ở Trầm tích rồi thì Đỉnh vua chớ dùng lại nữa].

Hoàng Trần Cương còn để lại những câu thơ khắc chạm nhưng gia công hơi quá tay:

            Đâu chỉ lỡ một chuyến đò đánh chìm duyên đôi lứa
            Trái tim trẫm mình trong máu đỏ tươi
                                    (Sấp ngửa bàn tay)

Anh đã dụng công nhưng vẫn chưa vượt khỏi hơi hướm của thơ tiền chiến:

            Áo ai chợt sẫm màu thương nhớ
            Mượn bóng hoàng hôn trốn bóng mình...
                                    (Manh áo hoàng hôn)

*
Plutác viết rằng “Tình yêu cổ xưa nhất tình yêu cuộc sống. Và bài thơ hay nhất chính là bài thơ của sự sống”.

Với một tay nghề già dặn, thơ Hoàng Trần Cương là thứ phù sa kết đọng mang nét tổng kết cuộc đời sau những năm tháng vật lộn gian nan. Như một tấm gương lồi, nhà thơ đã phản ánh được những vấn đề chân thật và bản chất nhất có tính đặc thù của thời đại ta đang sống. Soi vào dòng thơ Hoàng Trần Cương ta thấy bóng dáng mình thấp thoáng nổi chìm. Nhà thơ đã cảnh báo: sống đâu phải dễ, phải kiên cường lắm mới mong sống sót ở đời.

Trầm tích và tập thơ Quà tặng của của thế kỷ của Hoàng Trần Cương là những thi phẩm có giá trị được kết tinh bằng máu huyết của một thi nhân tạo nên khí cốt tầm vóc thi bá. Văn học Việt Nam hiện đại ghi thêm một tên tuổi mới sáng giá về trường ca :Hoàng Trần Cương, sau những Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Thanh Thảo, Thi Hoàng, trước những Nguyễn Vũ Tiềm… Tr
ầm tích  là bản trường ca về cuộc sống, bài ca về số phận con người mang ý nghĩa nhân văn bởi nó đã khêu gợi và truyền lửa cho ta hành động. Thơ Hoàng Trần Cương là quyển cách trí, là sách học làm người bằng thơ hướng cho con người một thế đi, dáng đứng.

Sau chiến tranh thơ ta đang có xu hướng khai thác đời tư và những mảnh đời vụn vặt, nhàn tản thì Hoàng Trần Cương đã dám xông thẳng vào những vấn đề thế sự gai góc nóng bỏng của xã hội hôm qua và hôm nay để hướng tới ngày mai tươi sáng với cái nhìn sắc bén, tổng lực cất lên tiếng nói mạnh bạo có trọng lượng, đầy ma lực nghệ thuật. Trầm tích là thiên trường ca có lẽ là hay nhất trong các trường ca hay của nửa cuối thế kỷ XX đầy giông bão, máu lửa.
Trầm tích của một đời đã trầm lắng hết kết xuống Trầm tích thành Trầm Nghệ ca độc đáo. Tác giả đã “tuốt xác ra mà thơ,…nó vật vã, tướp táp, thắt ngực buốt lòng” (Thanh Thảo). “Đây là một trường ca được viết bằng một thủ pháp nghệ thuật khúc chiết trong các cặp đối lập, nhưng đầy va đập giữa các ngôn từ, hình ảnh, lý trí, cảm xúc, với lối kết cầu đa tầng, đa thanh, đa nghĩa. Tác giả sử dụng đầy ắp các động từ, nhịp thơ sinh động, biến hóa và tạo được “ép phê” cực mạnh ở các cao trào phụ trong từng chương đoạn nhằm đẩy tới một cộng hưởng gần cuối tác phẩm (chương Đá đỏ). Hoàng Trần Cương đã tạo ra một thi pháp động rất đặc sắc trong thơ Việt cuối thế kỷ XX” (Nguyễn Trọng Tạo). “Trầm tích bởi 5 cái “rất”: rất Nghệ, rất thật, rất lính, rất riêng và rất giáo hưởng” (Nguyễn Thụy Kha). “Trầm tích thô tháp mà vẫn không thiếu tinh tế, nhạy cảm” (Đỗ Chu). “Tôi mê thơ Hoàng Trần Cương. Tác giả đã đi hết cỡ cái cá nhân mình trong tác phẩm” (Trung Trung Đỉnh). “Qua độ lắng của thời gian, thấy Trầm tích không bị phai nhạt” (Phạm Tiến Duật). Ra đời hơn chục năm, Trầm tích đã sống một đời sống khỏe mạnh tươi tốt “Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng thật lớn thế này. Tác giả Trầm tích là một thi sĩ đích thực, một nhà thơ lớn. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được như thế. Đọc ứa nước mắt. Đấy chính là thơ đích thực của quê hương Việt Nam nghèo khổ. Con người Việt Nam đích thực phải là con người miền Trung. Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra từng câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện ra được những chi tiết đắt giá. Trầm tích rõ ràng có không khí trường ca, nhất quán chất trường ca” (Hoàng Cầm). “Trầm tích là một bài thơ lớn chứa nhiều chục bài thơ nhỏ có giá về Cội nguồn, về Đất đai, về Hạt giống, về quặng lửa… “ (Hồ Phi Phục). Với Trầm tích, “anh Hoàng Trần Cương đã chọn hướng đi đúng. Viết trường ca là dấn thân vào phiêu lưu. Tác giả phải biết giữ người ta ngồi lại đọc qua hàng trăm trang thơ, hàng ngàn câu thơ. Về nghệ thuật trường ca, nên tạo ra “khoảng trống” đó nhằm tạo ra vùng liên tưởng, để bạn đọc cùng ta sáng tạo lại một lần nữa , mở ra những thế giới khác, tái sinh ý nghĩa” (Hữu Thỉnh) (1)
Trầm tích là như vậy đó! Tôi nghĩ, nếu có viết thêm 4 trường ca nữa như dự kiến thì rồi Hoàng Trần Cương cũng khó mà vượt qua được chính anh?  
Thoạt trông, cái mặt Hoàng Trần Cương ẩn tướng rất khó nhìn, nó khắc khổ, góc cạnh và bụi bặm. Đúng là hoa sen trong giếng ngọc! Là hậu duệ đời thứ29 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi, Hoàng Trần Cương mang trong mình dòng máu thơm tài hoa và tiếp tục làm rạng danh công đức cụ tổ của mình. Anh đã hai lần đoạt giải trạng nguyên về văn chương.

(Rút từ bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)

---------------------------
(*) Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh ngày 30-7-1948 tại xã Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994). Hội viên hội Nhà báo Việt Nam. Hội viên Hội Kế toán Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Đại học Tài chính - Kế toán, tháng 8-1970 Hoàng Trần Cương gia nhập quân đội chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, Lào và Tây Nam. Kết thúc chiến tranh 1975, nhà thơ ra quân chuyển ngành làm chuyên viên ngành kế toán kinh doanh, bộ Tài chính. Hiện nay là Phó tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Thời báo Tài chính. Mới nghỉ hưu.
Tác phẩm đã xuất bản:
Hạnh phúc hôm nay (Ký sự, in chung), Thanh Niên, 1971; Bầu trời Quảng Trị (Truyện ký, in chung), Thanh Niên, 1972; Dư âm (Truyện ngắn, in chung), Lao Động, 1976; Đường chân trời (Tập thơ, in chung), Trẻ, 1989; Dấu vết tháng ngày (Tập thơ) Hội Nhà văn,1991; Trầm tích (Trường ca), Hội Nhà văn 1996, 1999 ( Đã dịch sang Anh ngữ), Quà tặng của hành tinh (Tập thơ), Hội Nhà văn,1999.

Hoàng Trần Cương đã nhận các giải thưởng văn học:
- Giải A cuộc vận động viết về lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với ký sự
Hạnh phúc hôm nay.
- Giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ 1989-1990 với trường ca
Trầm tích và chùm thơ.
- Giải thưởng VHNT Bộ Quốc phòng (1994-1999)
trường ca Trầm tích.
- Giải thưởng Hồ Xuân Hương (5 năm một lần) của Hội VHNT Nghệ Tĩnh cho trường ca Trầm tích.
(1) Sau khi trường ca Trầm Tích ra đời, phát hành chính thức năm 1999, bài viết trên đây của chúng tôi được công bố trên tạp chí Sông Hương số 142 ra tháng 12-2000, tạp chí Nhà văn đăng lại trên số 2-2001, tác phẩm Trầm tích đoạt 4 giải thưởng quốc gia, đã gây một chấn động lớn trong công chúng bạn đọc và giới văn nghệ cả nước. Trong âm hưởng của tiếng vang đó, báo Văn Nghệ đã mở cuộc tọa đàm về Trầm tích ngày 3-10-2002 tại tòa soạn với rất đông văn nghệ sĩ tham dự. Các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã phát biểu tại chỗ khá sôi nổi, đánh giá cao Trầm tích. Để bạn đọc biết thêm thông tin, chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến quay quanh cơn địa chấn Trầm tích trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại cuối thế kỷ xx (Thái Doãn Hiểu)



 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521300

Hôm nay

274

Hôm qua

2303

Tuần này

274

Tháng này

219239

Tháng qua

121009

Tất cả

114521300