Khách mời văn hóa

Cần sự chung tay của cả cộng đồng để xây dựng văn hóa giao thông

Nhân dịp tổng kết tháng ATGT với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của Thanh, thiếu nhi và cộng đồng”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An về vấn đề xây dựng văn hoá giao thông cho cộng đồng và những giải pháp bảo đảm ATGT. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.

 

Thưa ông, chủ đề của Tháng ATGT năm nay là “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của Thanh, thiếu nhi và cộng đồng”. Ông có nhận xét gì về chủ đề đó và xin cho biết quan niệm của mình về "văn hóa giao thông"?                    

 Theo tôi, đây là một chủ đề có ý nghĩa sâu sắc. Vì vấn đề cơ bản nhất, có tính nền tảng để bảo đảm trật tự ATGT bền vững là văn hóa giao thông. Cái gốc và mục tiêu của văn hoá giao thông là tính nhân văn, là tinh thần vì con người, vì sự an toàn của cả cộng đồng. Tôi cũng đồng tình với quan niệm: Văn hoá giao thông là thước đo chuẩn mực đạo đức của người tham gia giao thông. Thanh thiếu nhi là lực lượng tham gia giao thông đông đảo và là thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, việc hướng đến đối tượng này để tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa.  

Văn hóa là hệ thống những hành vi ứng xử của con người đã kết tinh thành truyền thống, bản sắc, chuẩn mực. Văn hóa giao thông, hiểu một cách đơn giản nhất qua nội dung "Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông". Cụ thể hơn mọi người khi tham gia giao thông có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng, biết tôn trọng và nhường nhịn, biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Văn hóa giao thông là cách ứng xử chuẩn mực, văn minh lịch sự, thân thiện khi tham gia giao thông, phù hợp với bản sắc văn hóa, đạo lí dân tộc Việt Nam: nhân nghĩa, trên kính dưới nhường, coi tính mạng và sức khoẻ con người là quí giá hơn tất cả. Ca dao có câu: “Đi đâu mà vội mà vàng - Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây” hay “Con ơi mẹ dặn câu này – Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Văn hoá giao thông vừa cao xa, trừu tượng, lại cụ thể, gần gũi như vậy.

Ông có thể nêu khái quát những kết quả của Tháng ATGT năm 2010?

 Thực hiện Kế hoạch 241/UBATGTQG ngày 02/8/2010 của Uỷ ban ATGT Quốc gia về hoạt động Tháng ATGT năm 2010, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 271/KH-ATGT ngày 26/8/2010; đồng thời ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông. Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành, thị, các cấp, các ngành tăng cường huy động các lực lượng đồng loạt tổ chức lễ ra quân phát động Tháng ATGT và tập trung triển khai quyết liệt nội dung kế hoạch số 271 của UBND tỉnh. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Tháng ATGT trên địa bàn. Kết thúc đợt cao điểm thực hiện Tháng ATGT, tình hình tai nạn giao thông giảm mạnh, vượt xa chỉ tiêu đặt ra (giảm từ 15% - 20 %) trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:

Từ ngày 01/9/2010 đến ngày 30/9/2010 toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 4 người, so với cùng kỳ năm 2009 giảm 11 vụ = 47,82%, giảm 12 người chết = 46,15%; giảm 9 người bị thương = 69,23%.    

 9 tháng đầu năm 2010 trên toàn tỉnh xẩy ra 141 vụ tai nạn giao thông, làm chết 155 người và bị thương 82 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 37 vụ = 20,78%, giảm 36 người chết = 18,84% và tăng 4 người bị thương = 5,20%.   12 địa phương không xẩy ra tai nạn giao thông trong Tháng ATGT là: Yên Thành, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, TX Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong, Thành Chương, TX. Cửa Lò. 04 địa phương có tai nạn giao trong Tháng ATGT giảm so với cùng kỳ năm trước: Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳ Hợp. 03 địa phương có tai nạn giao thông tăng trong Tháng ATGT là Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Không xẩy ra tai nạn giao thông đường thuỷ. 

Kết quả quan trọng của Tháng ATGT năm nay là đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật về giao thông, xây dựng văn hoá giao thông trong thanh thiếu nhi và cộng đồng.

Thưa ông, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông có thể nhận định về những tồn tại, yếu kém trong việc bảo đảm trật tự ATGT và giáo dục văn hóa giao thông cho cộng đồng?

Mặc dù tình hình tai nạn giao thông đã giảm mạnh trên cả ba tiêu chí, nhưng con số 155 người chết và 82 người bị thương, trung bình mỗi tháng trên địa bàn tỉnh xẩy ra 15 vụ tai nạn trong vòng 9 tháng qua khiến chúng ta chưa thể yên tâm. Thiệt hại về tính mạng con người là vô cùng đau xót, không thể bù đắp được. Con số đó là lời cảnh báo sâu sắc để chúng ta không thể tự bằng lòng về tình hình giao thông hiện nay.

Một số địa phương phát động lễ ra quân thực hiện Tháng ATGT còn chậm so với yêu cầu của tỉnh; một số nơi chỉ đạo chưa quyết liệt, công tác tuyên truyền chưa tập trung sâu vào chủ đề “Văn hoá giao thông”.

Tình trạng người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, xe khách phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, chở quá số người quy định đang có dấu hiệu gia tăng. Một số nơi vẫn còn tồn tại tình trạng họp chợ, bày bán hàng hóa trên lòng đường, vỉa hè. Tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông sau giải tỏa vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.

Một số địa phương có tai nạn giao thông trong Tháng ATGT tăng so với cùng kỳ năm trước. Đường ngang dân sinh qua đường sắt còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ý thức chấp hành luật giao thông của của người dân có được cải thiện, song chưa có chuyển biến mang tính đột phá.

Thưa ông, nguyên nhân của những tồn tại yếu kém đó do đâu?

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém ở một số địa phương nói trên trong Tháng ATGT vừa qua bao gồm yếu tố khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, trong Tháng ATGT trên địa bàn tỉnh diễn ra một số hoạt động chính trị - văn hoá - xã hội như: Kỷ niệm ngày Quốc khánh 02/9, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu…nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến trên các tuyến đường, tình hình TTATGT diễn biến phức tạp. Chất lượng đường sá còn nhiều bất cập, các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông. Về chủ quan, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, văn hóa giao thông của một bộ phận người dân chưa được nâng cao. Thói quen tuỳ tiện của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông là lực cản lớn trên tiến trình xây dựng văn hoá giao thông cho cộng đồng.  Sự vào cuộc của một số địa phương chưa quyết liệt, đồng bộ, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền đơn điệu, việc xử lí các hành vi vi phạm chưa kiên quyết, triệt để.

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để khắc phục những tồn tại, yếu kém đó?

Tăng cường trật tự ATGT không thể làm theo kiểu chiến dịch, xây dựng văn hoá giao thông không thể là chuyện ngày một ngày hai. Chúng tôi xác định phương châm cần quyết liệt, đồng bộ, kiên trì, kết hợp tuyên truyền và xử lí, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cần đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm cho thấy địa phương nào quan tâm, có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thì tình hình chuyển biến tích cực rõ rệt. Các ban ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội cần phối hợp đều tay. Văn hoá giao thông cho mọi người, vì mọi người, vì vậy, cần có sự chung tay của cả cộng đồng để xây dựng.

Để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục văn hóa giao thông cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, giải pháp quan trọng nhất là gì, thưa ông?

Từ tri thức, sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật giao thông dẫn tới hành động chấp hành tự giác, từ thường xuyên rèn tập thành nếp nghĩ, nếp ứng xử, đó là quá trình hình thành văn hoá giao thông trong mỗi cá nhân và cộng đồng. Vì vậy, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông cho người dân. Xây dựng nếp nghĩ, nếp hành động tự giác chấp hành luật giao thông thay vì đối phó, lách luật. Đa dạng hoá các mô hình tuyên truyền sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống, tâm sinh lí mỗi lứa tuổi, mỗi tầng lớp. Ví dụ, hoạt động giao lưu của BCH tỉnh Đoàn và trường Cao đẳng Nghề Kĩ thuật Việt – Đức hay Hội thi “Tìm hiểu ATGT cho học sinh THPT” năm 2010 do Sở GD-ĐT phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức là những mô hình, cách làm có sức thu hút lớn cần triển khai nhân rộng.          

Ngạn ngữ có câu: “Một trăm lời nói hay không bằng một việc làm tốt”. Nếu lời nói không đi đôi với việc làm, chỉ tuyên truyền suông thì sẽ không đạt hiệu quả. Vì vậy, để công tác tuyên có hiệu quả thiết thực, tạo được niềm tin cho cộng đồng và thế hệ trẻ cần đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, thực thi pháp luật về ATGT. Cần có những hành vi gương mẫu từ cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, CSGT; người lớn, các thầy cô giáo cần làm gương cho HSSV, cho thanh thiếu nhi. Đây chính là giải pháp quan trọng nhất để giáo dục văn hoá giao thông cho thế hệ trẻ. 

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nhà trường đối với mục tiêu giáo dục văn hóa giao thông cho HS - SV?

Chúng ta thường nói đến mô hình Gia đình - Nhà trường - Xã hội trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ. Không thể nói nhân tố nào quan trọng hơn nhưng theo tôi, mục tiêu của giáo dục là hình thành phẩm chất và năng lực công dân cho thế hệ trẻ, trong đó có yếu tố ý thức chấp hành pháp luật nói chung, chấp hành luật lệ giao thông nói riêng. Từ khi bước chân vào mẫu giáo đến khi cầm tấm bằng cử nhân để vào đời, mỗi người đã có xấp xỉ 20 năm ngồi trên ghế nhà trường. Trong hành trang của tuổi trẻ được nhà trường trang bị để vào đời, có kiến thức về văn hoá giao thông, đó là điều vô cùng quan trọng và quí giá. Giáo dục trong nhà trường có những đặc thù, ưu thế riêng như tính chuyên nghiệp, tính đồng bộ, tính khoa học. Do đó, theo tôi, trong thời gian tới Bộ GD – ĐT cần có môn học riêng về ATGT thay vì lồng ghép như hiện nay.

ATGT là một vấn đề cực kì quan trọng, nhất là trong tình hình tăng trưởng nóng của các phương tiện giao thông cá nhân và lưu lượng người tham gia giao thông. Ban ATGT tỉnh đã tính đến bài toán giao thông trong kế hoạch phát triển dài hạn của tỉnh như thế nào?

 Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, ANQP. Có thể hình dung lĩnh vực giao thông như một trận chiến, hay một ván cờ mà nếu chúng ta không có tầm nhìn xa trông rộng thì sẽ kém hiệu quả. Giao thông đang là một vấn đề nóng của quốc gia, Nghệ An cũng không ngoại lệ, tuy chưa căng thẳng như ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 30 nghìn xe ô tô, hơn 800 nghìn xe mô tô, trung bình mỗi tháng có hơn 400 ô tô, gần 7 nghìn xe mô tô đăng kí mới. Số phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp. Hiện Nghệ An có 6 tuyến quốc lộ dài 882 km, 20 tuyến tỉnh lộ dài 890,5 km, 14.375 km đường nông thôn, 1.132 km đường đô thị, 907,6 km đường sông, 2 cảng biển, 14 bến xe. Nhiều tuyến đường chật hẹp, xuống cấp, nhất là đường đô thị, đường nông thôn, một số phương tiện, bến bãi đường thuỷ chưa đảm bảo an toàn, hệ thống biển báo giao thông còn có những bất cập, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trước thực trạng đó, Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT đã tham mưu UNBD tỉnh ban hành Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2009 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Quyết định 60 là cơ sở để xác định quy mô, cấp hạng kỹ thuật và giải pháp kỹ thuật đảm bảo ATGT, cơ sở để quản lý nhà nước về GTVT trên địa bàn đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành GTVT trên cơ sở phù hợp với phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Với tầm nhìn và giải pháp của Quyết định 60, cùng với sự nỗ lực của Ban ATGT các cấp và toàn xã hội, chúng ta có thể hi vọng và tin tưởng vào một màu sắc tươi sáng hơn cho bức tranh giao thông của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528546

Hôm nay

2202

Hôm qua

2291

Tuần này

2819

Tháng này

215242

Tháng qua

0

Tất cả

114528546