Khách mời văn hóa

Người Nghệ, làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”?

Lời Tòa Soạn:Để tự tin bước vào thế giới mới, thời đại mới là điều không dễ, mỗi người và cả cộng đồng đều phải tự nhìn lại mình, kiểm tra lại hành trang để biết được thừa thiếu, cái gì đã có cái gì cần bổ sung. Tiếp theo cuộc trao đổi lần trước, bàn tròn kỳ này sẽ cùng nhau trao đổi xung quanh câu hỏi: Người Nghệ, làm gì để trở thành công dân toàn cầu?

Nhà báo Phan Văn Thắng:  Cũng tại diễn đàn này, kỳ trước, chúng ta đã bàn vể những phẩm chất, tính cách đã và đang có của người . Trong bảng giá trị phẩm chất và những hệ thống những tính cách đặc trưng đó có nhiều điều rất tốt đẹp và có cả những điều chúng ta vẫn thấy là hạn chế. Và hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện về người Nghệ. Nhưng là người Nghệ cho tương lai, của tương lai.  Chúng tôi đang nghĩ, liệu rằng để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển, thì người Nghệ cần phải có những phẩm chất quan trọng nào?

Nhà báo Hồ Bất Khuất:Theo tôi, những người Nghệ đã trưởng thành, về đại thể, tính cách, phẩm chất đã được hình thành. Tuy nhiên, những cái này không phải là bất biến, mà chúng sẽ được bổ sung, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, với đòi hỏi của thời cuộc. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển, người Nghệ cần phát huy những phẩm chất tích cực của mình như: năng động, sáng tạo, chịu khó, chăm chỉ, mộc mạc, chân thành, tự giác… Khi người Nghệ thể hiện được những phẩm chất này trong cuộc sống, anh ta sẽ làm chủ được tình thế. Sống như vậy, dù có thành đạt hay không thành đạt (dưới con mắt đánh giá của những người khác) thì anh ta vẫn có một vị trí xứng đáng trong thế giới hội nhập; anh ta có thể sống ung dung, tự tại với mức sống vật chất tối thiểu nhưng với những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ:Để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển thì trước hết phải dựa trên nền tảng của sự ổn định bền vững. Không thể khác đi được. Phát triển mà lộn xộn thì cũng như đắp đê bằng rác thải. Hội nhập mà lộn xộn thì cũng như mở ngõ đón củi rều vào vườn mùa lụt. Vậy, ổn định là rất quan trọng. Muốn ổn định thì tiên quyết là phải thượng tôn pháp luật. Thượng tôn pháp luật tối thiểu gồm các phương diện: mọi người phải biết pháp luật, mọi người phải thực hành theo pháp luật, mọi người phải yêu cầu người khác thực hành theo pháp luật, mọi người phải đấu tranh với bất cứ người nào, tổ chức nào không tuân thủ pháp luật, mọi người tham gia ý kiến, trí tuệ để hoàn chỉnh pháp luật. Phải có năm cái đó. Không ai được đứng trên và ngoài pháp luật. Tính cách người Nghệ cứng cỏi, trượng nghĩa, khí khái là một lợi thế nhưng phải thêm một yếu tố quan trọng là hiểu biết pháp luật. Dự thảo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Nghệ An vừa rồi có mỗi ý "tuân thủ pháp luật" rất nhỏ, nằm trong tràng giang đại hải ý khác là chưa nhấn mạnh giải pháp "thượng tôn pháp luật". Người tự do hành động nhất là người vững về luật pháp. Xây dựng một xã hội pháp quyền, cần nhất là điều này.Trong một thời gian hạn định, có chương trình đặc biệt ưu tiên dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông, cần huy động các nhà nghiên cứu giáo dục góp ý để chương trình khả thi nhất, có hiệu quả và tạo đột biến.

Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:Con người hòa nhập thời đại phải là con người dân chủ, khoa học và văn hóa. Người Nghệ hay người đâu cũng cần đáp ứng những yêu cầu đó.

Nhà báo Trần Quang Đại: Có thể có một câu trả lời “đúng trong mọi trường hợp”, không chỉ với người Nghệ, mà với tất cả các vùng, miền khác, hay các quốc gia, dân tộc khác.  Khái niệm “tương lai” cũng cần được xác định tương đối cụ thể, có thể là vài chục, hay vài trăm năm tới. Trên một nền tảng chung có tính chất lý thuyết, phẩm chất quan trọng nhất của con người, hay người Nghệ, cần thiết cho tương lai, ngoài ba trụ cột truyền thống “Sức khỏe – Tri thức – Đạo đức”, cần bổ sung thêm “Kỹ năng”, đặc biệt là kỹ năng hội nhập, hòa nhập hay thích ứng, đối với môi trường, cuộc sống, hoàn cảnh sống của cá nhân đó.

Người Nghệ, vốn sinh ra trong một môi trường không nhiều thuận lợi về thiên nhiên, thời tiết, hoàn cảnh sống, nên khả năng chịu đựng cao, thích ứng tốt, luôn có khả năng và khát vọng chinh phục các trở ngại để tồn tại, phát triển. Tôi đặc biệt chú ý tới các phẩm chất có tính đặc trưng của người Nghệ như ý chí kiên cường, sức sống mạnh mẽ, đức hi sinh, những phẩm chất của con người sinh ra ở những vùng khắc nghiệt.

Nhà báo Phan Văn Thắng: Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, liệu người Nghệ có thể giữ được những phẩm chất riêng của mình hay không? Nhất là những người sống xa quê hương?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Phong cách riêng của con người một vùng miền vừa bền vững lại vừa khả biến. Không có gì là nhất thành bất biến cả. Tôi rất ngạc nhiên là cộng đồng người Quảng Bình ở Thái Lan lại hát hò khoan Lệ Thuỷ rất nhiều, trong lúc đó xây dựng phong trào cho người tại chỗ lại rất khó khăn. Cho nên, phẩm chất riêng nhiều khi không phụ thuộc vào tại chỗ hay ở xa. Nguyễn Duy viết: "Có gì lạ quá đi thôi / Khi gần thì mất, xa xôi lại còn". Cái quan trọng là ý thức về quê hương. Cái ý thức này giữ được thì phẩm chất tốt đẹp kia giữ được cho dù toàn cầu hoá đến đâu chăng nữa. Khi chúng tôi đi ra, nhiều khi đã mang tiếng "người Nghệ" nên cũng muốn sống sao cho xứng đáng. Những gì là phong cách riêng thực ra muốn làm mờ đi cũng khó lắm, có điều là nó sẽ chuyển sang một chất lượng mới thôi.

Nhà báo Hồ Bất Khuất:Những tính cách cơ bản của người Nghệ hầu như là bẩm sinh nên chúng không dễ dàng bị mai một. Tuy nhiên, dưới tác động của hoàn cảnh, một số phẩm chất sẽ bị “pha loãng”. Ví dụ, một số người Nghệ sống lâu ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí minh sẽ không còn sự mộc mạc như những người ở hai bên bờ sông Lam.Điều này sẽ được hạn chế nếu ở những nơi đó, những người cũng quê thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhau. Trong đời sống hiện nay có khái niệm “sốc văn hóa”. Điều này thường xẩy ra khi con người có cách ứng xử không phù hợp do không hiểu phong tục, tập quán, thói quen của những người ở vùng khác. Ví dụ, phần lớn người nước ngoài không bao giờ bắt tay giữa cửa (một người trong phòng, một người ngoài phòng); một số người ở các nước Nam Á lắc đầu là đồng ý, gật đầu là phản đối… Biết điều này để đừng tức giận khi một người từ chối bắt tay mình hay “vui vẻ phản đối” ý kiến đúng đắn của mình. Khi sống ở châu Âu, châu Mỹ, chúng ta đừng bao giờ nói chuyện ăn thịt chó, thịt chim bồ câu! Chúng ta nên tránh những cú “sốc văn hóa” bằng cách cứ giữ lấy những đặc tính của mình nhưng cần phải hiểu khi nào thì thể hiện, khi nào thì giấu kín.

Nhà báo Trần Quang Đại:Người Nghệ, hàng nghìn năm qua, đã tích lũy cho mình một đời sống văn hóa, tinh thần sâu sắc, có bản sắc riêng. Đây là những nhân tố để trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, người Nghệ vẫn không bị “hòa tan”, vẫn lưu giữ được “chất Nghệ” trong tâm hồn, tính cách, ứng xử. 

Nếu phân tích kỹ trường hợp Hồ Chí Minh, sẽ thấy được quá trình hội nhập của người Nghệ đối với quốc tế, cũng như các vùng miền khác. Từ Nghệ An, đi sang nhiều nước trên thế giới, Hồ Chí Minh đã thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm nhiều nghề để hoạt động cách mạng, hoạt động khoảng 30 năm ở nhiều quốc gia, châu lục, và trong rất nhiều môi trường, hoàn cảnh, tiếp xúc với nhiều người, nhiều đẳng cấp thuộc các dân tộc khác nhau. Về Việt Nam từ 1941, Hồ Chí Minh chủ yếu sống và làm việc tại Hà Nội, thuộc vùng văn hóa khác. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn giữ chất giọng nói của người xứ Nghệ, vẫn là một người Nghệ  “rất Nghệ”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít người Nghệ sống trong môi trường khác, đặc biệt là vùng văn hóa khác, quốc gia khác, đã hòa nhập tuyệt đối/hòa tan vào đời sống của vùng, miền/môi trường đó. Đây là trường hợp của những người trẻ, vốn “gốc Nghệ” chưa thực sự bền vững, sâu sắc.  Họ thay đổi hoàn toàn, đầu tiên từ giọng nói, sau đó là cách ứng xử, quan niệm sống. Đây cũng là một xu thế tất yếu, họ phải hòa nhập như thế để tồn tại.

Dĩ nhiên, trong cộng đồng người Nghệ xa quê hương, có một xu hướng ngược lại, đó là tìm cách bảo lưu những nét tính cách, văn hóa truyền thống xứ sở. Một số biểu hiện như thành lập các hội đồng hương với nhiều hoạt động phong phú; các hoạt động hướng về quê hương, tổ tiên, nguồn cội của cộng đồng người Việt muôn phương. Tôi tin rằng, dù cho “vật đổi sao dời” thì vẫn còn đó một cộng đồng Nghệ và một hình thái tính cách/nhân cách Nghệ. Vì văn hóa, bên cạnh xu hướng hội nhập, thì có xu hướng bảo thủ.

Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:Nếu nói những phẩm chất riêng của người Nghệ là sống Nghĩa-Tình, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng hay bảo thủ, thậm chí bộc trực đến gàn dở… thì cũng cần xem xét lại, phải giữ cái hay, kiềm chế cái dở. Tôi gặp nhiều người Nghệ sống ở nước ngoài, châu Âu hay châu Mỹ, họ đều rất yêu quê hương, thương nhớ đến cháy lòng, nhưng ít người thực sự muốn về hẳn quê hương để sống. Không phải họ khước từ tính cách người Nghệ, mà họ lo sợ sự thiếu dân chủ, cục bộ và đối diện với cái gàn cố hữu. Họ sẵn sang đầu tư cho quê hương, nhưng họ không muốn về hẳn. Đó là một thực tế mà người Nghệ cần có những thay đổi cho phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Ngay cả chúng tôi, sống xa quê nhưng ở trong nước, ai cũng đau đáu với quê, nhưng vẫn vấp phải những chướng ngại mặc cảm trong quan hệ công việc và giao tiếp. Tôi vẫn không hiểu vì sao lại thế. Nhưng tình cảm thì quả là không đâu sánh được.

Nhà báo Phan Văn Thắng:  Hiện nay, đang có xu hướng xây dựng những thế hệ công dân toàn cầu. Nếu chúng ta kiên định xây dựng con người xứ Nghệ với các đức tính riêng của mình thì người Nghệ có gặp khó khăn gì trong quá trình phát triển? Làm như vậy thì người Nghệ có tự tách mình ra khỏi dòng chảy chính của nhân loại trong quá trình toàn cầu hóa hay không?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Công dân toàn cầu chắc chắn phải dựa trên nền tảng công dân dân tộc. Còn rất rất lâu, các thực thể "quốc gia", "dân tộc" mới mất đi theo ảo tưởng "thế giới đại đồng" ấu trĩ ngày xưa. Nhân loại không có ý tưởng mọi người phải giống nhau hoàn toàn. Mà mỗi quê hương sẽ tạo nên một dân tộc, mỗi bản sắc văn hoá sẽ tạo nên bức tranh văn hoá thế giới đa dạng. Càng hội nhập, càng hiểu biết thế giới thì người ta càng muốn tự khẳng định cái đặc sắc phẩm chất của mình. Tôi là tôi, tôi không phải là anh. Nhân loại nhất định sẽ phát triển theo hướng đầy tự trọng đó cho mỗi con người. Rất lạ là, có nhiều người du học thành đạt nhiều ngành nghề lại hay lọ mọ các hiệu sách cũ, sưu tầm những cuốn sách cổ xưa, chúng tôi thường chạm nhau ở đó và say sưa trò chuyện cùng nhau. Ý thức về bản sắc sẽ phát triển song song với ý thức hội nhập. Dòng chảy tương lai sẽ là như vậy. Cầm đến nhà anh một chai rượu ngon tôi tự cất ngâm thì nó khoái hơn một chai rượu ngoại.

 Nhà nghiên cứu lịch sử Chu Trọng Huyến:Cư dân xứ Nghệ là một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Tổ tiên  họ đã có mặt trên địa bàn cư trú của mình từ buổi khai thiên, lập địa, luôn chịu cảnh hưng vong và không ngừng tận tâm góp sức bảo vệ giang sơn, giống nòi chung.

   Xứ Nghệ, với một khu vực phía bắc là khe Nước Lạnh, phía nam là Đèo Ngang, phía tây là Trường Sơn, phía đông là biển cả, có người cho nơi đây là  đất “Tứ tắc” nhưng cư dân xứ này có sức vươn tới cũng như tiếp đón, cầm chân những khách bạn gần xa. Trai tráng đến từ sông Lam- núi Hồng của đất Việt Thường  là đạo quân mạnh, tin cậy trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà (đầu thế kỷ I). Hoàng thân Trần Quốc Khang( thế kỷ XIII) vì lấy vợ là một thứ dân người Nghệ mà  bản thân và con cháu của ông đời đời không được làm quan tại triều. Sự trái ngược trong đối xử từ “bề trên” không thể làm suy giảm sức kiên cường của con người đã đứng trên đất này.

   Riêng về văn hóa, một phương diện quan trọng góp phần vào sự phát triển của quốc gia, từ thuở dùng hòn sỏi cọ lên đá, lấy cành cây vạch xuống đất, đoạn cầm bút lông, bút sắt rồi có máy chữ (dactilographie) cho đến vi tính (internet), con người trên đất này đều đã trải (và chắc có kẻ đã góp phần vào việc chế tác công cụ). Họ luôn vươn tới mọi trào lưu tiến hóa của nhân loại, tuy có khi hơi chậm nhưng mà chắc.

   Về sự xả thân và tiên phong, không kể những đóng góp từ thời mới bắt đầu dựng nước, rồi trải các triều đại phong kiến, mà chỉ tính từ buổi đầu khi thực dân Pháp mới sang thôn tính Việt Nam thì Nguyễn Trường Tộ là người đầu tiên xuất dương lo việc nước. Rồi đợt đầu du học sang Paris vào cuối thế kỷ XIX, gồm 3 người đi thì Nghệ Tĩnh có 2, là Lê Văn Miến và Hoàng Trọng Phu.

   Phan Đình Phùng bị triều Nguyễn đuổi quan lại là người tiên phong nhất trong phong trào Cần vương. Dựng cờ, chọn căn cứ, tập hợp xong bộ máy chỉ huy rồi ông đi ra Bắc dò la tình hình. Nhiều sử gia nói : không có chuyến đi của ông thì không có phong trào nông dân Yên Thế về sau. Xuất dương của Phan Bội Châu, xuất dương của Nguyễn Ái Quốc, mỗi nẻo đường một nỗi cô đơn, rồi có lúc phải chịu “riêng lẻ” trong sự nghiệp. Tuy nhiên, Phan Bội Châu cả quyết:“ Tam hộ do tồn, Sở vị vong”; Nguyễn Ái Quốc giữ vững ngọn cờ dân tộc trong trào lưu Quốc tế cộng sản (1932-1939), Cao Lục khổ biết mấy trong việc tìm giống mới cho cây lúa để xây dựng tốt hợp tác xã nông nghiệp…Cũng   như gần đây, chuyện với câu nói vui: “Ba ông đồ Nghệ đưa Việt Nam vào WTO”. Phải có thời gian, phải mất nhiều năm trời với bao tâm lực. Mọi nẻo đường đi đến cái mới mà có ích đều cô đơn, nhọc nhằn. Hoàng Ngọc Hiến, một nhà nghiên cứu nổi tiếng người Nghệ sau khi nhắc đến câu nói của A.Einstein:“Mọi sáng tạo đều xuất phát từ cá nhân” thì viết: “Rồi hậu thế có thể chê chúng ta đủ điều nhưng không một ai có thể chê chúng ta buồn tẻ”. Rất  đông, rất nhiều thành viên trong cộng đồng người Nghệ hiện nay, cá nhân họ đang phải chịu sự “buồn tẻ” như vậy. Vấn đề là xã hội có biết đến họ, giúp họ một cơ chế để cùng đóng góp vào việc “xây dựng những thế hệ công dân hoàn cầu” như điều “Tạp chí văn hóa” đề ra. Có kẻ sáng chế, có người ứng dụng. Đó là những con người của hoàn cầu theo như ta hiểu hiện nay. Không ai có đủ trong mình tất cả những yếu tố là “người hoàn cầu” nhưng ở từng cá  nhân ấy, người ta có thể nhận biết, sẽ có kẻ trực hoặc gián tiếp có chung phần sáng tạo với mình, hay là tiếp nhận đúng cách sự sáng tạo ấy.

Lịch sử đã chỉ ra: con người xứ Nghệ có đủ các yếu tố để gánh vác sứ mạng của mọi thời đại, mà yêu cầu trước mắt là “xây dựng những thế hệ công dân hoàn cầu”.

Nhà báo Trần Quang Đại:Trong Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An “Về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển” nêu mục tiêu: “Xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thời đại, thấm nhuần tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa Xứ Nghệ”. Tuy nhiên, đọc kỹ nội dung của Nghị quyết, vấn đề “bản sắc văn hóa xứ Nghệ” trong phương diện con người chưa được thể hiện rõ nét. Các phẩm chất của “con người văn hóa xứ Nghệ” mà Nghị quyết 05 nêu ra gồm: “yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước, cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, có ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống mộc mạc, giản dị, trung thực, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tuân thủ pháp luật, tôn trọng kỷ cương, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, dân tộc”. Thực chất, đây là những phẩm chất tốt đẹp chung của con người Việt Nam, không riêng gì của Nghệ An

Tôi nghĩ, sẽ rất là buồn, và chán, nếu không nói là thảm họa (về phương diện văn hóa) nếu tất cả mọi người trên thế giới này, không còn những nét tính cách đặc thù riêng của các vùng miền.

Nhà báo Phan Văn Thắng:Vậy đâu là “tính cách Nghệ” để có Con Người Nghệ của hôm nay, và ngày mai?

Nhà báo Trần Quang Đại:Điều này, như tôi nói, là trong Nghị quyết chưa nói rõ, chưa xác định rõ được đặc thù cần có trong bảng giá trị Người Nghệ mà NQ đề cập.

Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:Tôi cho rằng, thực ra người Nghệ không chỉ “liều mình” mà có sự nhạy cảm thích cái mới nhờ bản tính cực đoan thông minh không chịu bó mình. Những nhân sĩ ngày xưa từng phá rào, từng đội sớ canh tân có không ít người Nghệ. Hai doanh nhân “đại gia” nổi tiếng trong thời hội nhập này cũng là hai người Nghệ, Lê Thanh Thản (Diễn Châu) và Vũ Nhật Vượng (Can Lộc). Điều đó chứng tỏ người Nghệ cũng rất có tài và thức thời. Nhưng họ vẫn mang tính cách của người Nghệ, không bị “thế giới hóa”.

Nhà báo Phan Văn Thắng:Nhân ý kiến anh tạo, tôi xin nói thêm một ý, liệu Bị thế giới hóa hay Được thế giới hóa? Bị có nghĩa là chúng ta thụ động, phải chấp nhận cái mà mình không có nhu cầu, cái mà mình không thích. Trong trường hợp của này, tôi nghĩ trở thành công dân toàn cầu là mục tiêu, là cái chúng ta hướng đến chú không phải là là một hậu quả.

Để trở thành công dân toàn cầu, nói cách khác là để hội nhập với thế giới hôm nay, thế giới ngày mai, người Nghệ chúng ta vẫn có những cái khó hơn thiên hạ. Đó là bản tính bảo thủ, bản tính gàn. Bản tính này như hòn đá ngăn cách quá trình giao tiếp và hòa đồng với thế giới ngoài Nghệ, nhất là ngoài Việt. Thứ hai, cái ngông ngênh, ngang tàng thái quá sẽ là tiền đề cho tính vô kỷ luật của người NGhệ. Đây là điều vô cùng tệ hại với chúng ta troing quá trình hòa nhập sâu vào thế giới toàn cầu hóa.

Nhà báo Hồ Bất Khuất:Trước hết, chúng ta phải xác định với nhau: Thế nào là công dân toàn cầu (global citizen)? Để trở thành công dân toàn cầu, cần những phẩm chất kỹ năng gì? Cách đây mấy năm, nhóm phóng viên của VTV3 đi tìm nhân vật cho chương trình truyền hình “Công dân toàn cầu”. Họ đến Bệnh viện mắt quốc tế Việt – Nga (Cầu Giấy, Hà Nội); sau một hồi quan sát, tìm hiểu, trưởng nhóm hỏi một cô gái trẻ: “Em là người nước nào?”. Cô gái trẻ đáp: “Em là người Việt Nam. Tại sao chị lại hỏi vậy?”. “À, vì chị thấy em khi thì nói tiếng Việt, lúc lại nói tiếng Anh, rồi lại nói cả tiếng Nga; mà em nói 3 thứ tiếng đó lưu loát như nhau nên chị không dám đoán quốc tịch của em”. “Em là người Nghệ “xịn” đấy (bố em người Quỳnh Lưu, mẹ em người Vinh) nhưng em sinh ở Moskva, học Tiểu học và Trung học cơ sở ở trường Nga, học Trung học phổ thông ở Mỹ nên em nói mấy thứ tiếng đó không có khó khăn gì. Em đang nghỉ hè nên ra đây giúp mọi người thôi, em đi làm từ thiện ấy mà”. Họ làm quen với nhau và cô gái đó tham gia chương trình “Công dân toàn cầu”. Tôi chỉ nói thêm là hiện nay cô gái đó đã tốt nghiệp đại học Francisco (Mỹ) và hiện tại làm việc tại Thung lũng Silicon. Vậy chúng ta có thể hiểu, để trở thành công dân toàn cầu, trước hết phải biết ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh. Sau đó là phải có bằng cấp và trình độ tương ứng với bằng cấp đó. Có sự mạnh dạn, tự tin để có thể làm việc được ở nhiều quốc gia khác nhau. Tầng lớp công dân toàn cầu được hình thành khi những tổ chức quốc tế, những công ty đa quốc gia được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Họ là những người mang đến cho thế giới sự phát triển năng động trong kinh tế, sự phong phú, đa dạng trong văn hóa. Người Nghệ có những phẩm chất này không?Có. Bằng chứng là người Nghệ học ngoại ngữ không tồi (người Nghệ chiếm một số lượng đáng kể trong số giáo viên của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội – nay là Trường Đại học Hà Nội). Tiếp theo, người Nghệ học các ngành nghề khác cũng khá. Mạnh dạn, linh hoạt, tự tin, thích xê dịch, chuyển dời, khám phá, có khả năng sống xa nhà, xa quê cũng là những thứ mà người Nghệ khá nổi trội.Vì vậy có thể kết luận là người Nghệ không gặp nhiều khó khăn trong việc trở thành công dân toàn cầu. Còn chuyện “chúng ta kiên định xây dựng con người xứ Nghệ với các đức tính riêng của mình” cũng không gây cản trở; vì nguyên tắc của công dân toàn cầu là chiêu nạp thêm, làm giàu thêm đặc tính,kiến thức, kỹ năng, phông văn hóa…chứ không loại trừ thứ gì cả. Vì vậy, người Nghệ giữ nguyên những đặc tính của mình, mà vẫn có thể trở thành công dân toàn cầu.

Nhà báo Phan Văn Thắng: Để xây dựng con người xứ Nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển trong tương lai với những phẩm chất mà chúng ta nêu ra ở đầu câu chuyện thì cần phải có những điều kiện nào? Và chúng ta phải làm những gì để có được các thế hệ người Nghệ hội nhập và phát triển?

Nhà Báo Trần Quang Đại:  Đây là một bài toán không đơn giản. Nói tính cách người xứ Nghệ, là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, nhưng có liên quan mật thiết tới nhiều lĩnh vực khác như kinh tế - xã hội-môi trường. Tất cả đều vận hành theo quy luật. Trong thời đại toàn cầu hóa, sẽ có xu hướng đồng hóa các nền văn hóa. Trong sự vận động nội tại của nó, văn hóa có hai xu hướng song song, là vừa hội nhập, tiếp thu các ảnh hưởng của các nền văn hóa khác; đồng thời, vừa có xu hướng bảo thủ, bảo lưu các bản sắc của mình. Nền văn hóa nào có bản sắc độc đáo, có chiều sâu, cộng với một nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc, thì sẽ có sức sống lâu bền. Ngược lại, nền văn hóa nào tích lũy và sáng tạo chưa đủ bề dày, chiều sâu, chưa đủ sức đề kháng thì sẽ bị đồng hóa.

Đã là quy luật thì không thể dùng các giải pháp có tính chất hành chính để điều chỉnh. Đối với Nhà nước, chỉ có một nguyên tắc chung, là quản lý xã hội theo pháp luật; sử dụng pháp luật để xây dựng xã hội văn minh.

Trở lại vấn đề tính cách Nghệ, tin rằng, với những đặc trưng ưu việt, bên cạnh những tồn tại, hạn chế, tính cách Nghệ sẽ có sức sống bất tử với thời gian; như đóa hoa khoe hương sắc riêng giữa rừng hoa tính cách dân tộc và quốc tế.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ:Từ khi nhân loại có cái gọi là "nhà nước" thì một điều rõ ràng là: thể chế nào nhân dân ấy. Đó là chức năng và giá trị của nhà nước. Vậy, điều kiện tiên quyết là ở thể chế. Cần phải có đề tài nghiên cứu một cách khoa học nhất hiệu quả của thể chế các nước chủ nghĩa xã hội trước đây và hiện còn, tìm ra những cái được và cái chưa được, cái ưu việt và cái khó khăn, thế lực thù địch và thế lực tự diễn biến. Từ đó rút ra bài học thiết thân, đúng đắn, cái gì chưa đúng, không đúng thì phải thay đổi các thiết chế, các thể chế. Chúng ta từng làm như vậy để tồn tại và đang tiếp tục làm như vậy để phát triển. Điều kiện đó không phải không có nhưng chưa biến nó thành kế hoạch, hành động được. Điều kiện cần là ở đó.

Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:Trước tiên phải đổi mới giáo dục bằng nền giáo dục tiên tiến nhất mà thế giới đang có. Phải nhận thức sâu sắc những đức tính tốt đẹp của người Nghệ của xứ “đất học” và đất “địa linh nhân kiệt”. Và đặc biệt là phát huy tính dân chủ cho xã hội, nhằm tôn trọng nhân tài đích đang kể cả họ không phải là người Nghệ. Có như thế, đất Nghệ mới hòa nhập và phát triển được tốt đẹp.

Nhà báo Hồ Bất Khuất:Tôi có thể nêu những điều kiện lý tưởng (ít khi có được trong thực tế): Trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương phải là những con người học hành nghiêm chỉnh,có hiểu biết, có tấm lòng với quê hương và có sự nhạy bén nhất định. Đã làm lãnh đạo thì không được hẹp hòi, bảo thủ và tuyệt đối không được nhầm tưởng! Hiện nay một số lãnh đạo trên thực tế là có nhận thức hạn chế, tỏ ra bảo thủ, trì trệ nhưng lại nhầm tưởng đang đi tiên phong. Điều này rất nguy hại. Thứ hai, phải có định hướng rõ ràng hơn nữa trong giáo dục. Với người Nghệ, chuyện học không phải thúc giục nhiều nhưng cần nắn lại mục đích, động cơ học tập một chút: học để biết – tốt rồi; học để làm – cũng ổn; học để thành đạt – rất tốt; còn học để làm người nghĩa khí – có vẻ chưa ổn lắm.Cái tinh thần, cái chất kẻ sĩ (trong những trường hợp cần thiết được nâng lên thành nhân sĩ, chí sĩ) hình như hiện nay chưa được các nhà trường (từ phổ thông đến đại học) quan tâm, khuyến khích. Thứ ba,người Nghệ trong sinh hoạt cộng đồng (từ dòng họ, thôn làng đến cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh) cần cải thiện văn hóa tranh luận của mình; nghĩa là người Nghệ cần cởi mở hơn, thẳng thắn hơn, ôn hòa, bình tĩnh hơn trong việc trao đổi ý kiến, quan điểm, cách đánh giá các vấn đề.Không được cậy quyền, cậy thế; không được nhân danh điều nọ, điều kia để áp đặt ý kiến. Nếu khi trao đổi mà thống nhất với nhau được là rất tốt. Còn không thống nhất được thì nên tôn trọng nhau, cho nhau bảo lưu ý kiến, chờ thực tế cuộc sống trả lời. Phải làm được như vậy chúng ta mới đoàn kết và tạo ra sức mạnh. Thứ tư, người Nghệ phải có quan niệm mở, phải có sự cầu thị để đón nhận những cái mới trong thế giới hội nhập.Cần có sự phản biện, sự phê phán khi tiếp cận với một cái gì đó mới mẻ. Đây chính là những điều mà người Nghệ chúng ta có vẻ hơi kém hơn với những người ở vùng, miền khác. Vì vậy cần thường xuyên nhắc nhau điều thứ tư này để các thế hệ người Nghệ hội nhập với thế giới một cách thanh thản, tự tin.

Nhà báo Phan Văn Thắng: Theo tôi, để hòa nhập tốt thì trước tiên và tốt nhất là chúng ta phải xác định chúng ta bước vào đâu để làm gì, để trở thành cái gì? Cha ông ta có câu “nhập gia tùy tục”. Ta nên học câu đó, phương châm sống đó. Chúng ta bước vào ngôi nhà chung của thế giới thì chúng ta phải biết và học cách chấp nhận những giá trị phổ quát của nhân loại. Đó là dân chủ, là tự do, là bình đẳng, là nhân văn…Chúng ta phải thừa nhận và tôn trọng những phẩm chất, những chuẩn mực giá trị ấy, phải rèn luyện để có những phẩm chất ấy. Và tất nhiên, trước đó, chúng ta phải có những nền tảng tri  thức khác, kể cả ngoại ngữ và khả năng giao tiếp như anh Hồ Bất Khuất đã nói.

Tôi nghĩ là câu chuyện sẽ còn dài vì đây cũng là một điều cốt tử của văn hóa xứ mình trong tương lai. Hy vọng chúng ta và nhiều người khác sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này trong nhiều dịp khác./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528778

Hôm nay

2159

Hôm qua

2275

Tuần này

21051

Tháng này

215474

Tháng qua

0

Tất cả

114528778