Diễn đàn

Bùi Sĩ Tiêm và một bài học từ lịch sủ

Trong bài tấu nghị về giáo dục trình lên chúa Trịnh với nội dung đánh giá tình hình giáo dục đương thời nhằm đưa ra những giải pháp cứu vãn thực trạng yếu kém về giáo dục và đào tạo nhân tài, Ngô thì Nhậm đã có một đề nghị:

Thần kính xin theo lệ Chu Văn Trinh triều trước, cho đem ông Bùi Sĩ Tiêm vào tòng tự ở Văn miếu để làm rạng vẻ cho nền lý học của bản triều và khuyến khích sĩ phu trong thiên hạ”.

Vậy Bùi Sĩ Tiêm là ai và vì sao lại được đề cao như vậy?
Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam, Bùi Sĩ Tiêm sinh năm 1690, không rõ năm mất, người xã Kinh Lũ huyện Đông Quan, nay thuộc xã Đông Kinh huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. 18 tuổi đỗ thi Hương, 26 tuổi đỗ Hoàng giáp. Sau khi thi đỗ, bước đường hoạn lộ của ông luôn hanh thông, ngoài 40 tuổi thăng đến Thái thường tự khanh. Tháng 2 năm 1731, nhân việc Thái thượng hoàng Lê Dụ tông mất, chúa Trịnh Giang xuống dụ tỏ ý lo lắng đến nỗi gian nan của trăm họ, kêu gọi các bề tôi lớn nhỏ trong ngoài triều trình bày hết những điều cốt yếu thiết thực thích hợp với thời cuộc để chọn lựa thi hành. Dụ ban ra cuối tháng 5, đầu tháng 6 Bùi Sĩ Tiêm dâng tờ khải trình bày về 10 điều thiết yếu, cấp bách đối với thời cuộc:
 Điều thứ nhất: Ông thẳng thắn nêu lên mối nghi ngờ của dư luận về việc các chúa Trịnh ức hiếp vua Lê.
Điều thứ hai: Phê phán tệ tham nhũng hối lộ công khai ở triều đình.    
  Điều thứ ba: Lên án tệ nạn cường hào chiếm đoạt ruộng đất khiến cho dân chúng đói khổ phiêu bạt.
Điều thứ tư: Nêu lên sự phiền nhũng đối với dân chúng trong trong việc cung đốn phu phen binh dịch.
Điều thứ năm: Phê phán tệ nạn quan liêu “dân ít quan nhiều”.
Điều thứ sáu: Nói về năng lực của quan lại, đề nghị thanh lọc ra những kẻ tham ô nhũng nhiễu dân chúng, đuổi về.
 Điều thứ bảy: Phê phán lối học khoa cử, vô bổ đối với việc cai trị, đề nghị chấn hưng thực học để đào tạo nhân tài.
 Điều thứ tám: Làm rõ lệ xét xử để chấm dứt tệ nạn trong xét xử kiện tụng.
Điều thứ chín: Sự cần thiết phải cử các quan có trách nhiệm đi điều tra tình hình thực tế của dân chúng ở các địa phương.
 Điều thứ mười: Phê phán việc buông lỏng quản lý đối với người nước ngoài đến khai thác rừng và tài nguyên khoáng sản, lưu ý về âm mưu vơ vét sản vật và nhòm ngó đất nước của ngoại bang.
Những điều này cho đến nay dường như vẫn còn nguyên tính thời sự - lịch sử ít thay đổi hay lịch sử vẫn còn trầm tích và luôn luôn tái phát các bệnh tật của nó?!
 Nội dung 10 điều kể trên được Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên[1] chép lại đầy đủ. Trong 10 điều trên, điều thứ 10 dường như vẫn nóng hổi với hiện tại, chúng tôi xin trích dịch và đưa kèm nguyên văn chữ Hán dưới đây:
 “Nhà nước đối với người Khách[2] phương Bắc, xử trí có cách, cư trú có nơi, chưa từng buông thả cho ở lẫn với dân ta. Gần đây ở các trấn, người làm thuê trong các mỏ, những hộ lấy quế ở rừng núi, phần nhiều là người Khách nước ngoài. Họ liên kết tụ tập, chia nhau ra ở các nơi kể đến hàng ngàn vạn người. Có người làm khán thủ, có kẻ sung làm công dịch trong rừng sâu động vắng. Có người mở lò luyện để đúc tiền, có kẻ chiêu tập thợ để đúc súng, che chở cho những hộ trốn tránh, chứa chấp lũ trộm cướp. Có khi vì tranh đoạt mà bày trận đánh nhau, có khi chặn đường mà giết người cướp của. Cũng có kẻ đốt đuốc dấy binh mặc sức làm điều ác, cũng có người dựa vào rừng núi hiểm trở mà chống lại quan ty, hung hiểm đến vậy, pháp luật có lúc không ngăn chặn được.
Vả lại sản vật của núi rừng vốn dành cho quốc dụng, nhưng trong đó đóng thuế trăm phần không được một, mà hầu hết đều về tay lũ gặp may, còn lại phân tán vào tay bọn nước ngoài thì không biết bao nhiêu ức vạn mà kể. Huống nữa không phải là nòi giống ta bụng chúng tất nghĩ khác. Những bọn chợt đi chợt đến đó biết đâu chẳng mưu làm gián điệp? Bọn chia ở rải rác các nơi biết đâu chẳng có ý dòm ngó? Những cái đó không thể để cho lớn dần lên kẻo sẽ quan hệ đến quốc kế rất lớn vậy!
Kính xin bỏ mối lợi nhỏ mà rộng mở cơ mưu sâu xa. Xem xưởng mỏ nào thổ sản còn ít, lệ thuế rất ít đều nên triệt bỏ. Còn xưởng mỏ nào thổ sản rất nhiều, lệ thuế đã thành mới cho khai thác như cũ. Nhưng phải sức cho quan cai quản chỉ cho chiêu mộ người bản quốc làm phu mỏ, còn người nước ngoài không được dung nạp cho làm nữa. Nếu làm trái thì Khán thủ phải luận tội chém đầu. Đối với các hộ bóc quế cũng chiếu theo lệ này mà làm. Còn nếu Khán thủ quế hộ là người Khách (TQ) đều nên đình bãi đuổi về...
Có lẽ đúng như nhận định của Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, do những ý kiến của ông trái ý người chấp chính và do nhiều quyền thần, yếu nhân không bằng lòng nên Bùi Sĩ Tiêm bị đoạt hết quan chức, đuổi về quê.  
May thay đến thời chúa Trịnh Doanh, do ý thức được những đề nghị của Bùi Sĩ Tiêm thực sự là quan trọng trong tình hình chính trị xã hội đương thời nên triều đình đã cho ban hành một số luật lệnh nhằm vãn hồi thiện chính, trong đó có những luật lệnh liên quan đến việc cư trú của người nước ngoài và lệ về khai thác mỏ cùng các khoản thuế liên quan đến vấn đề này. Đồng thời xét ông là người trung thực, dám nói, nên truy tặng ông hàm Tham chính Đại học sĩ, tước Trung tiết hầu và cấp cho ruộng thờ.
       Ngô Thì Nhậm cũng là một đại thần mẫn cán làm quan triều Lê sau Bùi Sĩ Tiêm vài chục năm. Khi tại chức, ông cũng đã từng nhiều lần đi giải quyết  các vấn đề liên quan đến khai thác mỏ ở vùng biên giới phía Bắc và cũng đã từng hết sức băn khoăn về việc khai thác mỏ của người Khách nên ông hiểu sâu sắc những điều Bùi Sĩ Tiêm trình tấu. Trong bài khải về việc giải quyết tình hình ở mỏ bạc Tống Tinh Thái Nguyên ông viết: “...Bọn Khách ở xưởng mỏ báo tin cho nhau, bênh vực lẫn nhau, triều đình có lệnh gì những kẻ ăn cánh với chúng ở Kinh thành đều đem sự việc báo trước, vì thế chúng khinh miệt quan trên, coi nhờn pháp luật, khi đầy túi vượt qua núi về Quảng Đông... thậm chí tiết lậu cả tình hình trong nước, làm nhũng nhiễu cả kế hoạch ngoài biên... Một dải biên giới phía bắc liền ngay với nội địa (Trung Quốc), thổ dân thì ít, quan trấn phủ đều vì lực lượng không đủ, che chỗ nọ giàn chỗ kia, tình hình ngoài biên đành phải đặt ngoài sự kiềm chế... Nay các châu huyện ven biên giới đều theo tục gióc tóc, còn bọn Khách thì tranh giành mối lợi rất tinh vi... mà việc giữ cho chặt chẽ chỗ trọng yếu nơi biên thành là rất lớn... Về sự việc sáu động[3] thì đã vậy rồi, song còn phải lo tới việc giữ gìn về tương lai”.
Qua những tấu khải trên của những trí thức có tâm huyết với đất nước, có thể nhận thấy âm mưu vơ vét tài nguyên khoáng sản và nhòm ngó đất nước ta của láng giềng là một âm mưu thường trực, và cũng đã từ lâu, những người có tâm huyết với quốc gia dân tộc luôn lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Lịch sử cho thấy sự việc liên quan đến an ninh quốc gia là không thể xem thường, không có các hành động cụ thể để ngăn chặn, không đặt quyền lợi của đất nước của dân tộc lên trên mà chỉ vì quyền lợi của một nhóm người là điều đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất. Lịch sử cũng cho thấy xưa nay những trí thức lớn luôn vì nước, và vì nước họ không biết sợ quyền uy. Vậy thì khi trí thức với tầm nhìn của mình lên tiếng là họ đã thực sự vì nước mà ngăn chặn những sai lầm của nhà cầm quyền.
Ngày xưa chưa có những phương tiện thông tin đại chúng nên những ý kiến kiểu Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Thì Nhậm dễ rơi vào tình trạng bị cô lập và nguy đến tính mạng, vậy mà vì nước - những trí thức hàng đầu đó vẫn lên tiếng. Thật đáng khâm phục thay!
 
 
 



[1] Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên. ký hiệu A1415, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm
[2] Danh từ thời xưa người nước ta dùng goi người Trung quốc.
[3] Sự kiện Mạc Đăng Dung dâng 6 động cho nhà Minh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528477

Hôm nay

2133

Hôm qua

2291

Tuần này

2750

Tháng này

215173

Tháng qua

0

Tất cả

114528477