Khách mời văn hóa
Hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa
Lời tòa soạn: Chiến tranh Việt Nam (1955 – 1975) đã kết thúc hơn 40 năm nhưng hậu quả để lại vẫn còn rất nặng nề trên mọi lĩnh vực, nhất là phương diện văn hóa. Hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn là nhu cầu cấp thiết, kể cả trên lĩnh vực văn hóa. Cả nước mấy chục triệu người suột mấy chục năm nay đã nỗ lực thực hiện công cuộc đó nhưng không phải lúc nào, ở đâu cũng đem lại kết quả như mong muốn... Nhân 42 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, VHNA đã có cuộc trao đổi về vấn đề này, trân trọng giới thiệu cũng bạn đọc.
Phan Văn Thắng [Tạp chí VHNA]: Lâu nay ở VN đã và đang nói rất nhiều đến hòa giải, hòa hợp dân tộc và nổi lên như một vấn đề, một nhu cầu vừa cấp bách vừa cơ bản dài lâu của quốc gia dân tộc. Thực ra vấn đề này không phải chỉ có ở VN, và cũng không phải bây giờ mới xuất hiện. Sau mỗi biến cố lịch sử quan trọng của bất kỳ quốc gia – dân tộc nào thì cũng đều xuất hiện nhu cầu này. Tùy vào tính chất mức độ phân hóa, phân ly sau các biến cố mà nhu cầu nhiệm vụ hòa giải hòa hợp đặt ra với các quốc gia - dân tộc khác nhau. Ở VN, suốt hơn 70 năm qua, đặc biệt là từ sau sự kiện 30.4.1975, vấn đề này được đặt ra như một nhu cầu tất yếu, cơ bản làm nền tảng để ổn định và phát triển đất nước, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa… Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng tôi muốn chúng ta sẽ chủ yếu trao đổi vê hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa.
Theo các anh, sau sự kiện 30.4.1975, nhu cầu hòa giải, hòa hợp về văn hóa đã xuất hiện và lộ diện như thế nào? Tại sao phải thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc về văn hóa?
Inrasara [Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa]: Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là, nhu cầu hòa giải, hòa hợp về văn hóa đã xuất hiện khi nào? Trước hết, khi đất nước mở cửa, nhu cầu hiểu biết phía “khác” là cần thiết, để mở ra thế giới bên ngoài, trong đó có bộ phận văn hóa miền Nam trong giai đoạn chiến tranh.
Tiếp đến là khi thế hệ sinh sau 1975 lớn lên, họ muốn biết về thế hệ cha ông họ, trong đó có 20 năm diễn ra cuộc chiến, cuộc chiến mà thế hệ ấy đổ bao nhiêu máu và nước mắt mới có được một đât nước thống nhất như hôm nay.
Thêm nữa, thời hậu hiện đại, sinh viên và trí thức trẻ chằng những muốn biết thế giới, mà còn muốn mở rộng hiểu biết về chính mình – về bản thân tổ quốc Việt Nam. Tại sao ta có được đất nước hình cong chữ S? Thánh địa Mỹ Sơn, rồi các khu tháp Chàm trải dọc giải đất miền Trung kia là của ai? Dân tộc Cham từ đâu? Và khi Champa tan rã để nhập vào Đại Việt, người Cham đã nghĩ gì?
Cuối cùng, khi đất nước Việt Nam mang nguy cơ lớn về an nình, nhất là khi Biển Đông đang làm nóng từ hơn thập niên qua, thì nhu cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc càng trở nên cấp bách hơn bao giờ.
Xin kể một câu chuyện nhỏ. Cuối năm 1976, khi tất cả anh em Fulro Chàm” đã trở về, trong một buổi nói chuyện, Trưởng ty Công an Tỉnh Thuận Hải, có phát biểu một câu đáng ghi lại: “Người đã về, súng đã về, nhưng quan trong hơn cả là: lòng người phải về. Vấn đề chúng ta hôm nay là “lòng người” về”. Và ông ra lệnh thả tất cả: không bỏ tù, không học tập cải tạo.
Giới hạn trong phạm vi sự kiện này, tôi thấy đây chính là “quyền lực mềm” để thu phục nhân tâm. Vận dụng quyền lực kia, câu hỏi hôm nay là, chúng ta đã làm được gì trong hơn 40 năm qua, chỉ xét ở khía cạnh văn hóa?
Đỗ Minh Tuấn [Nhà thơ, đạo diễn điện ảnh]: Tôi cho rằng ý tưởng và đường lối hoà hợp hoà giải về văn hoá đã xuất hiện ngay trong ngày 30-4, khi các vị lãnh đạo thời ấy lệnh cho phát bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Việc làm đó xuất phát từ mục tiêu hoà hợp về tâm hồn, về văn hoá trong bối cảnh sự chia rẽ về chính trị không thể một sớm một chiều là có thể xoá bỏ. Khi nền tảng văn hoá trong tâm hồn con người hoà vào làm một thì lúc nó những khác biệt về chính trị mới dần dần được hoà giải. Bài hát đó vàng lên như một thông điệp về hoà hợp và hoà giải, làm lắng dịu bao lo âu sợ hãi của đồng bào.Tiếc rằng sau đó chính sách cải tạo đã được thực thi theo cách chưa tương thích với thông điệp “Nối vòng tay lớn” đó. Và cho đến bây giờ sau hơn bốn thập kỷ, do không coi trọng nguyên tắc hoà hợp dân tộc trong văn hoá, không có nguyên tắc quản lý văn hoá nhất quán, xuyên suốt nên đã cấm bài hát Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn. Việc làm đó không chỉ xúc phạm đến các cựu lãnh đạo Đảng đã yêu cầu phát sóng bài hát Nối vòng tay lớn vào dịp 30-4, mà còn xúc phạm hàng triệu người Việt đã mang trong tim cảm xúc hoà hợp nhân bản của bài hát đó. Mong rằng các nhà quản lý đừng tiếp tục lên gân nguyên tắc để chứng tỏ tầm quan trọng của mình kiểu đó, đừng đem các thủ tục hành chính mới vẽ ra sau này để hoạnh hoẹ đòi cấm đoán chuyện này việc khác mà nhiều điều đã trở nên thiêng liêng, trở thành máu thịt của người Việt Nam như những giá trị mang tính hoà hợp dân tộc về văn hoá.
Linh Nga Niek Dam [Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo]:Sau 1975, VN có quá nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế nên có một thời gian dài không mấy ai quan tâm tới sự đổi thay theo hướng thụt lùi. Đến khi văn hóa được quan tâm thì cũng đã phải qua vài chục năm mất rồi. Ví dụ như đánh đổ đồng cả văn hóa truyền thống Tây Nguyên chúng tôi vào “ mê tín dị đoan”, đến khi muốn phục hồi thì gần như quá muộn. Văn hóa Tây Nguyên đã bị mất gần hết theo sự ồ ạt chuyển đổi tín ngưỡng để khỏi bị coi là “ mê tín”, là “ lạc hậu” rồi còn đâu. Việc bất bình đẳng về văn hóa vẫn diễn ra từ trước đến nay, theo tôi, có thể không do ý thức hệ, mà do sự thiếu hiểu biết . Đến tôi còn không dám nhận mình hiểu hết về văn hóa dân gian Tây Nguyên nữa là người miền xuôi. Tuy nhiên có còn hơn không, thời điểm nào thì việc thấu hiểu để hòa hợp văn hóa cũng vẫn là điều cần và nên làm.
Phan Văn Thắng: Đây không phải là lần đầu tiên VN phải đối mặt với nhiệm vụ hòa giải, hòa hợp dân tộc. Trong lịch sử, tôi nghĩ, khi quốc gia Đại Việt mở rộng lãnh thổ về phương Nam, hẳn là cũng phải thực hiện hòa giải, hòa hợp với văn hóa Cham. Rồi để có một thế quân bình tam giáo đồng nguyên Nho - Phật - Lão, chắc chắn cũng là một thực hành hòa giải, hòa hợp không đơn giản và nhanh chóng. Rồi đến đầu thế kỷ XX, Nho/cựu học và Tân học cũng là một hóa/hòa giải để có sự hòa hợp.
Vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc hậu chiến tranh Việt nam thực ra đã được các bên quan tâm khi chiến tranh chưa kết thúc. Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền nam VN và cả nội các Dương Văn Minh của chế độ Sài gòn cũ cũng như lực lượng thứ ba ở miền nam hồi đó đã đề cập. Và có lẽ vì thế chăng mà không có bất cứ một cuộc “tắm máu” trả thù nào ở Sài Gòn khi quân giải phóng tiến vào. Sau chiến tranh, nhu cầu hòa giải hòa hợp càng trở nên cấp thiết hơn khi trong thực tiễn cuộc sống có những sự việc diễn biến không ngờ, bất thường. Về phương diện văn hóa, sau chiến tranh chúng ta cũng có những ứng xử bất bình thường, có những trường hợp quá mức không cần thiết.
Nhìn lại lịch sử để nhận thức hiện tại, theo anh chị thì công cuộc hòa giải hòa hợp lần này có gì khác và giống trước đây? Cái giống, và cái khác cơ bản nhất là gì?
Đỗ Minh Tuấn: Khi còn ở Viện Triết cuối thập kỷ 70, tôi cũng đã có điều kiện đọc hàng ngàn cuốn sách và số báo của chế độ Sài Gòn cũ được chuyển ra lưu trữ ở TV Khoa học xã hội. Tuy là sách đọc theo chế độ nghiên cứu, nhưng nó cũng giúp những trí thức nghiên cứu khoa học cơ bản như tôi giác ngộ được nhiều chiều kích và giá trị, thấy ở đó những giá trị nhân bản và khoa học có thể đem đến cho mình tầm nhìn mới, tư duy về nhân loại và cảm hứng sáng tác hướng đến sự cảm thông với thân phận con người, vượt qua tư duy xung đột ý thức hệ với cảm hứng về cuộc chiến tranh giải phóng và nghĩa vụ công dân. Nhìn lại, tôi thấy việc lưu trữ những sách báo thời chế độ VNCH cho các trí thức nghiên cứu từ sau giải phóng đã là một hành vi tạo tiền đề cho sự hoà hợp hoà giải về văn hoá bên cạnh các chính sách hoà hợp hoà giải khác. Nhưng hiện nay, khi kết cấu và các mối quan hệ mới đã được thiết lập, cả đối nội lẫn đối ngoại, nên nội dung hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng đã có nhiều điểm khác trước. Nếu trước đây, chủ yếu là bên thắng và bên thua thì bây giờ lại có vấn đề người giàu kẻ nghèo, vấn đề nhận thức và thái độ của các nhóm xã hội khác nhau khác nhau về mọi chuyện của đất nước từ quyền lợi của người dân đến chủ quyền quốc gia, từ biển Đông đến Formosa, từ đất đai đến tham nhũng.... Hoà giải hòa hợp lúc này còn là công việc phải làm với nhân dân lao động nghèo đói, đau khổ và bất trắc trong nước chứ không phải với người Việt hải ngoại như từ trước đến nay. Cái khác là chỗ đó.
Inrasara: Nhìn lại lịch sử, tôi thấy xung đột trong lòng Việt Nam hiện đại so với xung đột trước đó trong lịch sử, có những khác biệt lớn. Về biên độ, cấp độ và hệ quả của nó, nên việc hòa giải và hòa hợp cần đến một hiểu biết rộng rãi và sâu sắc hơn, biện pháp đặc thù, cần nhiều thời gian và sự kiên trì hơn mới có thể giải quyết được rốt ráo vấn đề.
Về biên độ, xung đột không còn giới hạn ở phạm vi Việt Nam, mà mang tính ý thức hệ toàn cầu: một bên là thế giới Cộng sản và bên kia là thế giới Tư bản; về cấp độ, dù thời gian không phải là dài chỉ trong khoảng 20 năm (1955-1975), nhưng nó gay gắt và khốc liệt, mang tính đối kháng địch-ta cao hơn; do đó, nó để lại hậu quả to lớn hơn gấp nhiều lần các xung đột từng xảy ra trước đó: sự phân hóa sâu rộng hơn, qua sự cố hơn 2 triệu người Việt Nam đi lưu vong, là điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu công cuộc hòa giải hòa hợp phải sâu sắc hơn, rộng rãi, toàn diện và triệt để hơn; và do đó, khó khăn hơn, dài lâu hơn.
Linh Nga Niek Dam:Tôi đồng ý rằng trong lịch sử Việt Nam đã từng có những cuộc hòa giải hòa hợp về giữa văn hóa miền xuôi đất Việt với Chăm Pa, với Trung Hoa…. Nhưng các cuộc hòa giải đó ở vào thời quá vãng đã xa lắm rồi. Còn vài chục năm trở lại đây đối với văn hóa Tây Nguyên chúng tôi, điều ấy thật khó khăn. Sự áp đặt quá nhiều làm mai mootjk quá nhiều quá nặng nề đối với văn hóa Tây Nguyên. Đến khi Unesco công nhận toàn bộ “ Không gian văn hóa Tây Nguyên” là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại thì chúng ta đổ bao nhiêu tiền của vào để cứu vãn cũng không được nữa rồi. Điều này xuất phát từ sự nhìn nhận bất bình đẳng về VĂN MINH NƯƠNG RẪY của các dân tộc thiểu số miền núi mà ra; Chỉ thấy văn hóa đồng bằng là ưu việt nên mới có tình trạng như thế. Liệu chúng ta bàn đây có thay đổi được điều ấy không?
Phan Văn Thắng: Câu hỏi của chị quả thực là khó quá. Nhưng tôi nghĩ, khi mà tất cả mọi người cùng nhận thức ra điều đó thì cũng chính là bắt đầu cho một công cuộc hòa giải, hòa hợp văn hóa trong tương lai. Thưa các anh chị, theo các anh chị thì mục tiêu và nhiệm vụ hòa giải, hòa hợp về văn hóa lần này là gì?
Inrasara: Hòa giải và hòa hợp với tất cả mọi bộ phận dân tộc, thiểu số và đa số, Bắc và Nam, trước và sau 1975, trong và ngoài nước, để tất cả hướng về tổ quốc Việt Nam thống nhất và tiến bộ. Đó phải xuất phát từ tinh thần phi tâm hóa (de-centring) hậu hiện đại, mà tình yêu và quyền lợi Tổ quốc cần được đặt lên hàng đầu.
Sau 44 năm chia cắt, người Đức đã làm được, để sau 25 năm hầu như không còn dấu vết về sự khác biệt giữa Đông và Tây Đức: Quyền lực mềm của tinh thần dân chủ đã thu phục được lòng người phía từng đối nghịch.
Người Mỹ, sau 4 năm trải qua nội chiến thảm khốc không kém ta, khi miền Nam bị đánh bại, miền Bắc vẫn làm được, để sau đó Hoa Kì nổi lên thành một nước giàu mạnh hàng đầu thế giới. Tinh thần bình đẳng màu da đã chiến thắng sự phân chủng: Quyền lực mềm lần nữa chiến thắng.
Việt Nam không phải không có gương sáng: Lòng nhân, thứ quyền lực mềm cao hơn mọi quyền lực mềm các loại, là lối hành xử của Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông. Nhà vua đã sai đốt cả hòm biểu xin hàng của những kẻ phản trắc, để mắt đừng thấy, tai đừng phải nghe, lòng chớ phải giận!
Hòa giải, hòa hợp về chính trị còn được, tại sao về văn hóa ta không thể?
Linh Nga Niek Dam:Tôi nghĩ là phải hướng đến làm sao để mọi người dân Việt Nam đều hiểu biết giá trị văn hóa cả miền xuôi lẫn miền ngược mà mình có. Không chỉ qua hệ thống trường học mà quan trọng nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng
Gần đây các đài truyền hình có nhiều chương trình giới thiệu văn hóa phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng, ẩm thực… các dân tộc khắp 3 miền, đó là một hướng đi đúng đắn, nên tiếp tục triển khai sâu và rộng, chứ đừng làm hời hợt. Các phương tiện thông tin khác cũng nên hưởng ứng, nhưng đừng giới thiệu dưới dạng “ bí ẩn, bật mí..” giật gân, câu khách, mà là những nét đẹp, nét độc đáo . Tất nhiên phải có sự thấu hiểu qua tìm hiểu kỹ càng, “cưỡi ngựa xem hoa” như các “phóng viên máy lạnh”rồi phán thì chẳng khác gì “ bêu xấu”. Điều này các cơ quan thông tấn địa phương có vẻ làm tốt hơn TW, vì sự cận kề chăng?.
Phan Văn Thắng: Nhận xét của chị là có lý. Chắc là vì các nhà đài trung ương bận lo việc lớn nên có lúc họ không nắm được cái cụ thể của văn hóa các vùng miền, các tộc người.
Vừa nãy anh Inrasara có nói xung đột văn hóa nửa sau thế kỷ XX là 20 năm, từ 1955 đến 1975. Điều đó không sai, nhưng tôi nghĩ là chưa đầy đủ. Tôi nghĩ là sau 1975 ở nước ta vẫn tiếp tục có xung đột về văn hóa mặc dù có thể hiểu nó là hệ hay là hậu quả của 20 năm chiến tranh. Anh Đỗ Minh Tuấn có nói chuyện anh được may mắn đọc sách ở thư viện khoa học xã hội ở Hà Nội và xem đó như một biểu hiện của hòa giải, hòa hợp về văn hóa. Điều đó cũng đúng nhưng trên phạm vi rộng lớn của cả nước, và nhận thức chung của xã hội, thì chắc chắn là chưa được như thế.
Trở lại câu chuyện, thưa các anh chị, nội dung hòa giải, hòa hợp trên bình diện giá trị cần được xem xét và xác định như thế nào?
Đỗ Minh Tuấn: Nội dung hoà giải hoà hợp về văn hoá trên bình diện giá trị cần“phi tâm hoá” và“hậu hiện đại hoá”đúng như anh Insara đã nói.Phi tâm hoá trước hết là không lấy giá trị của một phía làm cốt lõi, là thống soái để hoà hợp với giá trị của những thực thể khác. Tinh thần hậu hiện đại cũng bao hàm sự phi tâm hoá, giải cấu trúc loại văn hoá lấy một giá trị làm trung tâm (như lấy Nam giới làm trung tâm, sinh ra thái độ trọng Nam khinh nữ). Hoà hợp về văn hoá trong người Việt là phải đặt tất cả trong một cấu trúc phi trung tâm hoá đó là cấu trúc dựa trên các giá trị chung, không độc quyền của thực thể nào, không loại trừ ai mang dòng máu Việt. Những giá trị nền tảng làm nên cấu trúc phi trung tâm hoá của hoà giải, hoà hợp dân tộc chính là giá trị của dân tộc Việt Nam, lịch sử phát triển khai sáng những giá trị mang tầm nhân loại như rìu đá và kỹ thuật trồng lúa nước; văn hoá hài hoá lưỡng cực (có vợ có chồng, có làng có nước, có trên có dưới, có người có ta, tôn giáo đồng nguyên); văn hoá kính thờ tổ tiên và văn hoá tâm linh với các biểu tượng Tổ tiên truyền lại; văn hoá nhân ái vị tha, không chấp hình tướng, nhìn nhau mà sống, chị ngã em nâng, thương người như thể thương thân; văn hoá độc lập dân tộc với lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của tổ tiên như tấm gương soi chung cho con cháu các thứ hạng của muôn đời; và cuối cùng là văn hoá phát triển và hội nhập, cả người của chế độ cũ và chế độ mới đều bình đẳng và có trách nhiệm chung như nhau trước trước thế giới.
Inrasara: Hiện tại khi thế giới đã trở thành làng toàn cầu (global village), một cá nhân có thể có 2-3 quốc tịch, thì việc cư trú trên một lãnh thổ địa lí quốc gia nào đó không còn là yếu tố quan trọng nữa. Các cá nhân cùng chia sẻ chung với nhau một số giá trị nhất định, mới có thể làm nên một cộng đồng cố kết.
Ví dụ là sinh linh mang dòng máu Việt, dù bạn mang quốc tịch công dân Pháp, làm việc cả đời ở Mỹ, xác định được mình là người Việt – ngoài việc đấu tranh cho quyền lợi dân tộc khi quyề lợi đó bị đe dọa - bạn còn biết đến biết đến và cùng chia sẻ các giá trị tinh thần chung như: Đền Hùng và Giỗ tổ Hùng Vương, biết giá trị văn hóa của Thánh mẫu Thiên-Y-A-Na cùng Văn miếu Quốc Tử giám, tôn trọng các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Quang Trung, biết thưởng thức văn chương Truyện Kiều, Nguyễn Trãi, và trên hết – yêu tiếng Việt. Vân vân…
Ta cứ thử nhắm mắt mà tưởng tượng, sau khi làm cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc, về ca múa nhạc, ta sẽ trình diễn cho thế giới thấy Quan Họ Bắc Ninh với dân ca Cham, hát Then Tày, Vọng cổ Nam Bộ, Hát Bài Chòi miền Trung cùng vô số điệu múa độc đáo của các dân tộc. Phong phú xiết bao!
Về văn chương, ta có văn học xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc, văn học miền Nam năm 1954-1975, văn học người Việt hải ngoại, và cả sáng tác của người Việt viết bằng ngoại ngữ nữa. Không thật giàu sang sao?
Khi đã chấp nhận văn học cổ điển các dân tộc, ta sẽ có bộ Văn học sử Việt Nam đồ sộ, không thua kém nền văn học lớn nào bất kì.
Phan Văn Thắng: Về phương diện giá trị, trong công cuộc hòa giải, hòa hợp lần này, tôi nghĩ là không khác những lần trước trong lịch sử. Có nghĩa là cùng hướng tới và chia sẻ những giá trị chung nhưng vẫn tôn trọng giá trị và sự khác biệt, hay là bản sắc riêng của các cộng đồng văn hóa. Vậy giá trị chung đó là gì? Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoan dung….Tôi nghĩ là ngay bây giờ đây, ở Việt nam, không chỉ là hòa giải, hòa hợp theo tập quán của hệ quy chiếu ý thức hệ, nhất là các vấn đề văn hóa hậu chiến mà còn có cả những vấn đề tồn dư lâu dài của lịch sử ví dụ như văn hóa giữa các tộc người, giữa các cộng đồng cư dân có tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, giữa các vùng miền… nhằm tạo ra sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ và tiếp nhận để tạo nên những giá trị chung của quốc gia dân tộc. Quan điểm của các anh chị về về vấn đề này như thế nào ạ?
Inrasara: Đây là vấn đề rộng lớn động cập đến nhiều khía cạnh.
1.Việt Nam hợp nhất từ hai quốc gia lớn: Đại Việt và Champa. Việt Nam hình thành từ hai nền văn minh: Đại Việt và Champa, cùng vài nền văn minh khác: Óc Eo, Cát Tiên, Thủy Chân Lạp.
2.Việt Nam có 54 dân tộc với 54 nền văn hóa bản địa khác nhau. Tạm phân làm 4 vùng chính: Văn hóa các dân tộc phía Bắc, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Cham, và văn hóa Tây Nam Bộ. Tiếp nhận văn hóa lớn,
3.Việt Nam sở hữu đến 3 dòng văn hóa Đông phương: Đông phương Trung Quốc (Khổng, Lão), còn qua Champa: có Đông phương Ấn Độ (Phật giáo và Ấn giáo), với Đông phương Hồi giáo. Do đó, hòa giải, hòa hợp được những sự khác biệt ấy không phải chuyện dễ, nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Hiều biết, tôn trọng từ đó bổ sung cho nhau là rất quan trọng.
Ví dụ, nếu người Việt mạnh về đất liền, thì dân tộc Cham ưu thế lớn về biển. Hải sử và văn hóa biển Cham làm đầy lịch sử Việt Nam, cũng như văn học Cham bổ khuyết cho sự thiếu vắng sử thi [viết] của văn học đa dân tộc Việt Nam vậy.
Không tiếp nhận, không hiểu biết về giá trị ở phần “ngoại vi” ấy, chẳng những chỉ thiệt cho riêng dân tộc Cham và các dân tộc thiểu số khác trên đất nước Việt Nam, mà còn thiệt thòi lớn cho cả đất nước Việt Nam.
Đỗ Minh Tuấn: Archie Roosevelt đã nói về hậu quả ghê gớm của xung đột sắc tộc như sau:” Phần lớn lịch sử Nga liên quan đến cuộc xung đột giữa người Slavơ và các dân tộc gốc Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo các đường biên giới từ thời nhà nước Nga mới thành lập hơn một ngàn năm về trước. Cuộc đối đầu kéo dài hàng thiên niên kỷ giữa người Slavơ với những nước láng giềng phương đông này cung cấp chìa khóa để chúng ta hiểu được cả lịch sử lẫn tính cách Nga. Để hiểu được thực tế nước Nga ngày nay chúng ta bắt buộc phải có những ý niệm về nhóm dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã khiến nước Nga phải bận tâm từ hàng thế kỷ trước”[1]. Việt Nam có một nền văn hoá dung hoà, lưỡng hợp mang bản chất khoan dung lớn nên việc xử lý các xung đột tôn giáo, sắc tộc từ ngàn năm trước đến nay đều rất tốt. Thời phong kiến chúng ta xây dựng được quan hệ Tam giáo đồng nguyên nên không có chiến tranh tôn giáo như các cuộc Thánh chiến, Thập tự chính trên thế giới. Thời hiện đại Việt Nam cũng không có xung đột lớn và kéo dài giữa Lương và Giáo, giữa Đạo và Đời. Với tình cảm, văn hoá và uy tín của Hồ Chí Minh và thế hệ lãnh đạo đầu tiên, vùng các dân tộc thiểu số đã trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nhưng sau chiến thắng 1975, quan hệ vùng miền và quan hệ với các dân tộc thiểu số có nhiều nơi bị chi phối sâu sắc và mãnh liệt như một vết thương kéo dài mấy chục năm, cứ tưởng sắp lành lại tấy lên do những ứng xử không xứng tầm, cường điệu các nguyên tắc cứng nhắc mang tính thực dụng, tầm gần, con số, chỉ số nọ kia mà huỷ hoại trầm trọng nền tảng văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với di sản đã thấm sâu trong tâm thức ngàn đời. Có thể nói trong quá trình hát triển hiện nay đã có diễn ra tình trạng phá hoại và cướp đoạt về văn hoá và môi trường văn hoá ngàn đời cho những mục tiêu thực dụng ngắn tầm. Nếu quá trình hoà hợp các dân tộc và các tôn giáo ngày xưa ảnh hưởng tốt tính cách Việt theo hướng gia tăng sự cởi mở và sự khoan dung thì ngày nay, ở rất nhiều nơi, chỉ tăng thêm sự tuỳ tiện văn hoá, hạ cấp văn hoá và làm tiêu biến, tổn thương nhiều giá trị văn hoá truyền thống.
Linh Nga Niek Dam:Đi dạy lớp năng khiếu, các cháu hỏi “ Thưa cô tại sao trong lịch sử Việt Nam không hề có trang nào về sử Tây Nguyên?” . Đem điều này hỏi một nhà sử học nổi tiếng, ông ấy buông một câu “ Biết gì đâu mà nói”. Có lẽ thế thật??? Cả trong văn hóa cũng vậy. Chúng ta thường nói “VN có 54 dân tộc anh em”, trong đó chỉ có 1 dân tộc đa số, còn lại 53 dân tộc thiểu số. Mỗi tộc người một đặc trưng văn hóa riêng, mới làm nên tổng thể văn hóa VN . Chúng ta cũng lại thường nói “ Việt Nam có một nền văn minh lúa nước vô cùng rực rỡ và độc đáo” . Vâng, nhưng lại chỉ có 04 dân tộc sinh sống ở đồng bằng canh tác lúa nước, còn 51 tộc người khác chỉ chuyên canh lúa rẫy. Vậy phải chăng nên nói thêm cho công bằng rằng “ tồn tại song song là nền văn minh lúa rẫy cũng độc đáo và đặc sắc không kém”. Hoặc là nói “ Việt Nam có hai nền văn minh lúa nước và văn minh nương rẫy tồn tại song song và đều vô cùng độc đáo?”. Đấy, cái sự khác nhau nó rõ ràng như thế, vậy mà SGK từ lớp 1 cho đến lớp 12, thậm chí cả bậc đại học nữa, tỷ lệ văn hóa các dân tộc thiểu số là bao nhiêu phần trăm? Hay chỉ toàn văn hóa Kinh và nước ngoài thôi? Tôi không phản đối cái hay, vẻ đẹp của văn hóa Việt từ trước đến nay vẫn được tôn vinh, cũng không phản đối những tinh hoa trí tuệ quốc tế mình phải học. Nhưng tỷ lệ ra sao? và tôi muốn có sự công bằng. Chí ít cũng nên để người Việt Nam hiểu đúng về văn hóa Việt Nam chứ. Điều này chưa bao giờ và chưa có ai nói đến.
Phan Văn Thắng: Thưa nhà thơ Inrasara, tôi được biết anh gần đây có tham gia thảo luận về văn nghệ hai miền Nam – Bắc từ 1954-1975. Đây chắc chắn là một nội dung quan trọng trong quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc về văn hóa. Quan điểm cơ bản của anh về vấn đề này là gì?
Inrasara: Chắc chắn như thế. Văn học biểu hiện đầy đủ nhất tâm hồn một dân tộc, hơn nữa tâm hồn ấy được thể hiện qua hình thức đặc thù nhất: ngôn ngữ. Thế nên, văn học là một nội dung quan trọng trong quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc về văn hóa.
Nói về văn học Bắc - Nam giai đoạn 1954-1975, khi đất nước chia cắt, văn học vẫn tiếp tục hành trình nhọc nhằn của mình. Mỗi miền mỗi cách khác nhau, mỗi tác giả/ nhóm tác giả mỗi giọng điệu khác nhau, tất cả tạo nên hợp xướng làm nên sự phong nhiêu của tiếng Việt và văn học Việt Nam. Cắt bỏ đi một bộ phận nào bất kì, tức là tự làm nghèo đi chính mình. Mà văn chương được xem là thể loại nghệ thuật thể hiện trọn vẹn nhất tâm hồn một dân tộc, thế nên văn chương không chỉ mang khả tính hóa giải và hòa giải sự phân hóa dân tộc, mà còn đóng góp lớn vào việc làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc.
Non nửa thế kỉ nhìn lại, văn học miền Nam, trong đó có thể loại thơ ca, đã gây ảnh hưởng không nhỏ vào tiến trình văn học Việt Nam ở giai đoạn sau đó.
Tồn tại trong một thời gian ngắn (1954-1975), thơ miền Nam đã mở ra nhiều trào lưu sôi động và vô cùng lí thú: Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ, vân vân, không thiếu bất kì thứ gì. Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là những sáng tạo nghệ thuật.
Cho dù các phong trào kia sớm bị dở dang do thời cuộc, nhưng chúng để lại không ít dấu vết trên sáng tác của những người đi sau đó, đậm nổi nhất là ở thời kì Đổi mới.
Văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954-1975 cũng phát triển vô cùng phong phú. Có lối viết truyền thống lẫn trào lưu sáng tác chống lại truyền thống với những tên tuổi làm nên diện mạo riêng của văn học miền Nam.
Về nghiên cứu và phê bình thì hầu như tất cả trào lưu phê bình mới trên thế giới đều được tiếp nhận và vận dụng. Ở đó không ít tác giả đã đi những bước tiên phong. Tư tưởng của các tác giả này đã để lại không ít dấu ấn ở thế hệ tiếp nối. Điều đó khẳng định giá trị của nền văn học từng bị xem là “ngoại vi” này.
Cắt bỏ nó, hay từ chối nó, chẳng những ta đánh mất một bộ phận văn học quan trọng trong giai đoạn lịch sử dân tộc, mà còn thể hiện tâm phân biệt đối xử, làm trở ngại cho chính sự hòa giải hòa hợp dân tộc.
Phan Văn Thắng:
Theo tôi được biết, văn học – nghệ thuật miền nam trước 1975 cũng có sự góp mặt và đóng góp của các văn nhân từ miền bắc vào như Thanh Tâm Tuyền, Phạm Duy, Vũ Bằng…Họ đã mang cả gốc gác và vốn liếng văn hóa của miền bắc vào để đóng góp vào văn học – nghệ thuật miền Nam.
Việt Nam hiện có khoảng gần bốn triệu đồng bào định cư ở nước ngoài. Đây là một bộ phận không hề nhỏ với tư cách đồng chủ thể văn hóa Việt. Các anh chị nhận xét gì về vai trò văn hóa của họ trong hơn 40 năm qua, và xa hơn đó nữa, của các thế hệ người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ đầu tk XX đến trước năm 1975.
Linh Nga Niek Dam:Tôi học âm nhạc, nên biết rằng hơn 40 năm qua, đã có rất nhiều thế hệ người làm nghệ thuật Việt Nam, trong đó có âm nhạc, được đào tạo thành danh ở nước ngoài. Chỉ nguyên lực lượng đó thôi, nếu thu hút được họ về nước, dù chỉ là để biểu diễn hàng năm, cũng đã nâng cao vị thế âm nhạc Việt Nam lắm rồi. Huống gì nếu họ ở lại với vai trò giảng dạy thì lo gì Việt Nam không có “ thần đồng âm nhạc” ? Vấn đề là họ sẽ sống và làm việc ra sao? Trong bối cảnh, điều kiện nào ? Hay cũng lại phải đôn đáo lo kiếm sống? Đấy mới chỉ là 1 mặt thôi nhé. Còn bao nhiêu vấn đề khác về văn hóa Việt ở hải ngoại nữa, hình như cứ né tránh, không muốn công nhận, tiếp nhận??? May là gần đây cũng có nhiều nghệ sỹ trở về hoạt động nghệ thuật trong nước, nhưng là tự phát, tự bơi thôi…
Tôi có điều băn khoăn, sao hơn 40 năm rồi mà lòng dân vẫn đâu đó có lúc chưa yên!? Đồng bào dân tộc thiểu số từng tin và theo cách mạng đến hy sinh hết cả trí lực lẫn của cải nghèo nàn của mình để cùng thực hiện giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà nay bà con cũng không còn tin là sao?
Inrasara: Nguyên sự thể non bốn triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã là một giá trị lớn rồi, ở đó không ít người đã làm nên giá trị văn hóa tinh thần thực sự. Cả thế hệ di cư trước 1975, như Hoàng Xuân Hãn, Lê Thành Khôi, hay sau này như Tạ Chí Đại Trường, đóng góp của họ để thế giới hiểu về văn hóa và lịch sử Việt Nam là rất lớn.
Một Ngô Bảo Châu về lĩnh vực toán học, hay một Nguyễn Thanh Việt trong thế giới văn chương, họ làm nên hãnh diện cho đất nước và con người Việt Nam, dù họ đang sống ở nước ngoài, và đã có quốc tịch Pháp, hay Hoa Kì.
Tại sao không! Khi họ còn nhận mình là người Việt Nam, còn viết bằng tiếng Việt hay bằng tâm cảm Việt Nam, hướng đến độc giả Việt Nam [và cả thế giới – đương nhiên].
Nếu ta không phân biệt đối xử, nếu ta tạo điều kiện tốt về cuộc sống và việc làm, nhất là khi ta đã có hành lang pháp lí thuận lợi, họ sẵn sàng trở về cộng tác, làm cuộc hòa giải hòa hợp quan trọng. Tôi nghĩ là vậy.
Đỗ Minh Tuấn: Từ đầu thập kỷ 90 tôi đã có nhiều liển hệ và giao lưu với trí thức, văn nghệ sỹ Việt Nam hải ngoại. Năm 1989 nhân việc 4 LHP lớn ở Pháp là Cannes, Nantes, Belfort và Mà ảnh Tự do của Pháp mời hai phim Ngọn đèn trong mơ và Dịch cười của tôi tham dự, Nhà văn hoá Việt Nam lúc đó do anh Bạch Thái Quốc làm Giám đốc theo chủ trương chung của các anh chị Ban lãnh đạo Hội người VN tại Pháp là các anh Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hải Hạc, Huỳnh Chiều Dương…đã mời tôi thăm Pháp hai tháng và tổ chức đưa tôi đến các LHP quốc tế trên, giúp về phiên dịch và các giao tiếp với những đạo diễn hàng đầu thế giới. Sau đó, năm 1994 tôi lại được Trung Tâm Văn hoá Pháp Việt do bà Lâm Ngọc Bình làm giám đốc mời sang triển lãm tranh 2 tháng. Năm 2002, Trung tâm Wiliam Joiner thuộc Đại học Massachusettes cấp học bổng cho tôi sang nghiên cứu 6 tháng về văn hoá người Việt hải ngoại. Trong thời gian gần một năm ở Pháp và Mỹ, tôi đã tiếp xúc, tìm kiểu, lắng nghe và đối thoại với bà con Việt Kiều và các trí thức văn nghệ sỹ hải ngoại. Sau này khi về nước tôi cũng tiếp tục liên hệ nhận được nhiều thư từ và tác phẩm từ các anh chị hải ngoại gửi về. Trong thập kỷ 90 tôi dường như là đầu mối kết nối với các văn nghệ sỹ hải ngoại và các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu, Thơ (Mỹ), Việt (Australia). Sau đó là các cuộc tranh luận về thơ Con cóc với Nguyễn Hưng Quốc trên tạp chí Văn học (Mỹ) và các bài viết cộng tác với tạp chí Việt (Austakia). Nhà phê bình Đặng Tiến và anh Đỗ Kh. ở Paris, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Khế Iêm ở Mỹ thường xuyên gửi các tạp chí, bài viết từ báo chí hải ngoại về cho tôi. Năm 1996, tôi và anh Mai Quốc Liên đã lấy giấy phép in bộ trường thiên tiểu thuyết (4 tập) Sông Côn Mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, gây xúc động lớn cho độc giả trong nước. Sau đó, anh Dương Tất Thắng chủ nhà sách Tri thức cũng đã xin giấy phép in sách của nhà sử học Tạ chí Đại Trường (VK Mỹ) và bộ sách cũng nhận được dư luận đánh giá rất cao. Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất về sự hoà hợp văn hoá là bộ phim “Vua bãi rác” của tôi chiếu tại rạp San Jose, bà con Việt Kiều mua vé xem kín rạp có gần 40 người hết chỗ phải quay về, đã làm nhiều người cười, khóc và ngạc nhiên sao nhà nước lại bỏ tiền cho tôi làm bộ phim về thực tế cuộc sống nghèo khổ của nhân dân như thế, sao Hà Nội cho dựng một bãi rác bên sông Hồng để quay phim “bôi xấu” mình như thế. Hành trình hàng chục năm quan hệ mật thiết với giới trí thức văn nghệ sý hải ngoại và tìm mọi cách đưa các tác phẩm hải ngoại về trong nước đã cho tôi thấy rõ văn hoá, văn nghệ của người Việt hải ngoại là sự nối dài, vang vọng và biến tấu của những giá trị nguồn cội, là sự mở rộng và năng cấp những giá trị này với kỹ năng và góc nhìn thời đại. Yếu tố nhân bản lớn hơn yếu tố chính trị đã đem đến cho nền văn học hải ngoại những chiều kích mới, những cách nhìn phóng khoáng và nghiệt ngã dễ dàng chia sẻ cùng nhân loại. Trong khi đó, tâm hồn người Việt hải ngoại vẫn có thể rung động sâu xa với những tác phẩm trong nước như phim Vua bãi rác của tôi.
Phan Văn Thắng: Để thực hiện hòa giải, hòa hợp thành công, theo các anh chị cần có những điều kiện nào? Điều kiện nào là tiên quyết? Cách thực hiện nên như thế nào? Lực lượng nào phải chủ động và trở thành trụ cột trong công cuộc khó khăn và phức tạp này? Vì sao?
Linh Nga Niek Dam:Theo tôi, chỉ có 4 chữ thôi “ Thấu hiểu , đồng thuận”. Điều tiên quyết không chỉ nằm ở tầm vĩ mô. Các nhà lãnh đạo cấp cao thấu hiểu và đưa ra được quyết sách thì lại lo không có người thực thi.
Sau nữa là sự thấu hiểu và đồng thuận của hai ngành chủ chốt văn hóa và giáo dục. Không hiểu thì người ta sẽ nói kiểu như “ còn bao nhiêu việc lớn hơn phải lo tới, kinh phí đâu, thì giờ đâu…”. Ở Việt Nam mình “ trên bảo dưới không nghe” là chuyện thường mà. Cứ như việc bảo tồn và phát huy không gian VH cồng chiêng Tây Nguyên ấy nhé. Có quyết định của HĐND, UBND rồi, hết nhiệm kỳ, hết hiệu lực vẫn chỉ giải ngân được ¼ kinh phí thì …làm gì được nhau nào?
Inrasara: Trí thức là lực lượng chủ đạo, phải là người đi đầu. Vì trí thức hiểu vấn đề sâu rộng hơn, đau đáu về thân phận dân tộc hơn.
Phía mạnh phải là bên chủ động. Điều kiện tiên quyết là biết nhân nhượng bên yếu thế. Tại sao? Bởi phía yếu không thể ngửa tay xin hòa giải hòa hợp được. Champa xưa, xung đột Bà-la-môn – Hồi giáo, vua Po Rome (1627-1651) đã hóa giải Hồi giáo thành Bà-ni (Hồi giáo bản địa), sau đó để hòa giải với Bà-la-môn, nhà vua này đòi hỏi bên Bà-la-môn [đông hơn, mạnh hơn] chủ động nhượng bộ rất nhiều, người Cham mới yên. Hôm nay, ta có chấp nhận nhượng bộ không? Và nhượng bộ thế nào?
Tôi nghĩ, một điều kiện cần là phải thành lập cơ quan để lo việc Hòa giải Hòa hợp dân tộc, với một diễn đàn mở.
Hàn Quốc có vấn đề của họ: đất nước đang chia cắt, họ thành lập Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tại sao chúng ta thì không? Và một tạp chí hay website của cơ quan này, để tất cả các bên cùng tham gia thảo luận mở gút vấn đề, tại sao không?
Đối xử phân biệt sẽ không dẫn tới đâu cả, chỉ có thể loại trừ nhau. Mở vòng tay đón nhận mọi giá trị, ta sẽ được thêm chứ không mất đi.
Dạy lịch sử Champa trong trường học, ta được đến ba cái lợi: Ta tránh được thái độ giấu giếm và thói quen giả dối không cần thiết; con em biết sự thật đúng đắn của lịch sử toàn vẹn của đất nước Việt Nam thống nhất, miễn cho họ tò mò đi tìm đọc các tài liệu ngoại vi gây bất lợi; người Cham biết Chính quyền thực tâm, từ đó bà con tin tưởng ta hơn.
Kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại về cộng tác xây dựng đất nước, tiền đã về, người cũng đã về, nhưng lòng người về chưa thì chưa chắc. Có chế độ đãi ngộ tốt thôi chưa đủ, vấn đề là anh chị em cần ta tôn trọng xứng đáng, nhất là tôn trọng về nhân quyền.
Đỗ Minh Tuấn: Nhìn ở tầm vĩ môthìsự nghiệp hoà hợp hoà giải về văn hoá cần xây dựng trên nền tảng các giá trị văn hoá tâm linh và triết lý về sự hoà hợp hoà đồng về văn hoá chứ không thể chỉ dừng lại ở chủ trương, nghị quyết hay chỉ thị mang tính khẩu hiệu cụ thể và thời đoạn. Các giá trị đó (đã nói ở trên) và triết lý đó với những nguyên tắc và giải pháp đặc thù phải được xây dựng bởi những chuyên gia văn hoá học có tâm huyết và có trình độ ở cả các bên. Trên cơ sở đó mới có thể ban hành và thực hiện các chủ trương và chỉ chính sách cụ thể một cách nhất quán, có kết quả bền vững. Với tất cả những trải nghiệm của mình cho tôi thấy sự hoà hợp văn hoá không thể thành công nếu chỉ ban hành các văn bản nghị quyết hay chỉ thị, mà phụ thuộc vào nhiết huyết, thiện chí và nỗ lực của những con người cụ thể. Muốn vậy phải tạo ra môi trường chung và nhiệt hứng chung cho công việc ấy. Bên cạnh đó, tầm nhìn của các lãnh đạo, ứng xử của báo chí có vai trò rất quyết định trong việc nhân lên hay dập tắt các kết quả hoà hợp hoà giải về văn hoá đó.
Phan Văn Thắng:Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc trao đổi thú vị, bổ ích nhưng không hề dễ dàng này. Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi thêm nhiều vấn đề khác.
tin tức liên quan
Videos
Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Thống kê truy cập
114503476
2198
2332
2946
220869
120308
114503476