Khách mời văn hóa

“Mẫu số chung” cho hòa giải, hòa hợp dân tộc

LỜI TÒA SOẠN: Trong thế kỷ XX, Việt Nam là một trong những đất nước phải gánh chịu nhiều cuộc tranh nhất. Đây là địa bàn chính trị quân sự mà tất cả các cường quốc  thế giới đều can dự, hoặc trực tiếp hay gián tiếp, mức độ này, mức độ khác. Các cuộc chiến tranh đã không chỉ tàn phá đất - nước  mà còn phá vỡ các kết cấu cộng đồng dân tộc làm cho lòng người ly tán và hận thù. Ngày 30.4.1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc nhưng vết đau lòng của dân tộc thì vẫn còn âm ỉ tận bây giờ. Hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn đang là nhu cầu vừa cấp bách, thiết thực vừa cơ bản lâu dài của người Việt Nam. Nhân kỷ niệm 42 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước và 127 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, VHNA đã có cuộc trao đổi với GS Mạch Quang Thắng đến từ học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hòa giải, hòa hợp dân tộc tiếp cận từ quan điểm và kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phan Văn Thắng: Trong lịch sử hiện đại, phải trải qua các biến cố lịch sử nặng nề, người VN luôn có nhu cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc. Vấn đề này, cho đến hiện nay vẫn nổi lên như một nhu cầu vừa căn bản vừa bức thiết để đất nước ổn định và phát triển. Theo giáo sư, hòa giải, hòa hợp hiện nay là ai hòa giải hay hòa hợp với ai, lực lượng nào, quan điểm nào? Hay nói cách khác là những bộ phận, những lực lựơng, những cộng đồng nào có như cầu và cần phải thực hiện hòa gỉai, hòa hợp dân tộc?

 

Mạch Quang Thắng: Xét đến cùng, từ thâm tâm, bất cứ lực lượng nào, bất cứ cá nhân nào, hễ là người Việt Nam thì đều muốn có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ai mà chẳng thích sự “hòa” cơ chứ. Nhưng, cái “muốn” này lại xuất phát từ những cái tâm khác nhau. Và, vì từ những cái tâm khác nhau ấy mà thực tế nó diễn ra rất phức tạp, nhiều khi sự hòa giải, hòa hợp dân tộc không thành công. Cho đến nay, hơn 40 năm chiến tranh - mà người bên này gọi là chống Mỹ, cứu nước, người bên kia gọi là nội chiến - đã qua đi rồi, nhưng rất tiếc là âm hưởng thù hận giữa hai bên vẫn cứ chát chúa trong đầu con người Việt Nam chúng ta.

Đầu tiên là khác nhau về ý thức hệ. Khổ thế! Dù không muốn nói đến đến vấn đề này nhưng tôi vẫn phải nói, vì nó là sự thực cứ diễn ra trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Thứ hai là, từ đó mới dẫn đến chuyện hòa giải, hòa hợp để làm gì. Anh với tôi, lực lượng này với lực lượng nọ có cùng mục tiêu hòa giải, hòa hợp không. Thứ ba là, đã nói đến hòa giải, hòa hợp dân tộc thì có nghĩa là giữa lực lượng này với lực lượng nọ vốn bất hòa, thậm chí đối nghịch nhau, đã và đang là thực thể thù hận nhau. Lịch sử các cuộc chiến diễn ra ở Việt Nam thời cận -  hiện đại, oái oăm thay, nó làm cho sự đối nghịch, thù hận này tăng nặng thêm nhiều, chồng chất lên tâm lý của người Việt Nam nặng nề không bút nào tả xiết. Cộng với tình hình hiện nay, khi đời sống tinh thần ở Việt Nam cởi mở hơn, các luồng thông tin và giao lưu mạnh lên do sự phát triển của mạng internet, ý kiến của người dân Việt Nam đa chiều hơn, thì lại só sự kỳ thị lẫn nhau làm cho sự mong muốn hòa giải, hòa hợp dân tộc có thêm nhiều rào cản.

Tôi đã cảm nhận được một cách trực tiếp cái khó như thế nào về sự cảm thông, về nỗi u uất của người Việt Nam với nhau khi đến Mỹ hai lần (năm 2005 và 2012). Một buổi chiều nắng vàng nhạt ở quận Cam ở San Phranxiscô những năm ấy, tôi đã rầu lòng khi nghe những người gốc Việt ở đó trách mắng một số người Việt Nam từ Hà Nội mới sang vì những lý do rất ất ơ.

Những bộ phận, những lực lượng, những cộng đồng nào có nhu cầu và cần phải thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc ư? Tôi cho là tất cả, chứ không riêng một lực lượng, một cộng đồng nào.

 

Phan Văn Thắng: Vì sao?

 

Mạch Quang Thắng: Vì các lực lượng, các cộng đồng, kể cả ở trong nước và ở nước ngoài đều có lợi ích riêng khác nhau. Trong những cái khác nhau đó, chắc chắn có những lợi ích xung đột, dù ít dù nhiều, hoặc nhẹ hoặc gay gắt. Nhưng, xã hội muốn phát triển, đất nước Việt Nam muốn trở thành một đất nước cường thịnh thì phải nhằm vào lợi ích tối cao chung của cả dân tộc mà kích hoạt sức mạnh lên. Cho nên, cần có sự quy tụ, mà một trong những biện pháp lớn nhất là phải hòa giải, hòa hợp dân tộc.

 

Phan Văn Thắng: Trở lại ịch sử, tôi thấy, ít nhất từ 1945, Chủ tịch Hồ Chí Chí Minh cũng đã phải thực hiện hòa giải giữa các đảng phái để tiến tới hòa hợp các lực lượng dân tộc khác nhau trong quá trình xây dựng nhà nước và khối đoàn kết dân tộc. Giáo sư có thể cho biết quan điểm và kinh nghiệm thực hành hòa giải, hòa hợp dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945 – 1946?

 

Mạch Quang Thắng: Trước hết, Hồ Chí Minh tìm ra “mẫu số chung” đã. Không dễ đâu. Vì nhiều người vẫn cứ vướng vào cái ý thức hệ. Hồ Chí Minh nhìn thấy “mẫu số chung” giữa từng cá nhân đơn lẻ, tìm thấy “mẫu số chung” giữa các giai tầng, tìm thấy “mẫu số chung” giữa các lực lượng chính trị khác nhau. “Mẫu số chung” lúc đó là: độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hai là, từ đó mới đi đến tập hợp lực lượng để thực hiện cho độc lập, tự do. Ai và lực lượng nào, dù biểu hiện khát khao ý chí độc lập, tự do đậm - nhạt khác nhau, đều có thể góp sức hành động vì cái đó. Khi đứng cùng một “mẫu số chung” để hành động thì phải xóa bỏ hiềm khích, mâu thuẫn, thậm chí là xóa bỏ hận thù. Vì thế mới cần tới hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Ba là, tạo ra các hình thức tổ chức hòa giải, hòa hợp dân tộc cho tương thích với hoàn cảnh cụ thể của từng lúc và từng nơi. Có hình thức mặt trận dân tộc thống nhất (lúc này là Mặt trận Việt Minh, rồi Liên Việt). Trên cao nhất của hành pháp là Chính phủ liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm có cả lực lượng cộng sản, có cả các lực lượng chính trị đối lập với cộng sản, như Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách); có cả một số cá nhân không thuộc đảng phải nào, thậm chí có cả những người không đảng phái nhưng không ưa cộng sản (điển hình là Huỳnh Thúc Kháng); có cả cựu hoàng Bảo Đại mà ngày 30-8-1945 vừa mới đọc chiếu thoái vị, trao ấn kiếm – hai vật tượng trưng cho chế độ quân chủ phong kiến – cho đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Hà Nội vừa mới vào Huế.

                Bốn là, việc thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc vốn là vấn đề rất khó, phức tạp, tế nhị, khó mà có thể đồng thuận 100% hoặc nếu có đồng thuận thì không dễ  dàng trong chủ trương và quyết sách chung của các lực lượng chính trị hồi 1945-1946. Vậy thì, phải cần đến vai trò của cá nhân nào đó có đủ cái uy để đứng ra làm việc này. Hồ Chí Minh chính là cá nhân ấy. Tạo hóa đã đặt vào vai cụ Hồ trọng trách ấy. Chỉ có cụ Hồ lúc bấy giờ mới cầm chịch được sự hòa giải, hòa hợp dân tộc lúc này. Chẳng cần họp hành bàn bạc gì hết trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Mà nếu có bàn thì chưa chắc Hồ Chí Minh đã nhận được đa số ý kiến ủng hộ. Hồ Chí Minh cứ thế làm thôi. Ai có cùng “mẫu số chung” mà lại là người tiêu biểu nữa thì tập hợp vào. Cái mà hiện nay, chúng ta hay nhấn mạnh phát huy vai trò của cá nhân người đứng đầu (chưa thành công trong thực tế) thì Hồ Chí Minh đã sử dụng thành công từ những năm này rồi.

Thì đấy, chúng ta thấy rõ: cả lực lượng Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh…những người lưu vong bên Trung Quốc giờ theo chân quân Tưởng Giới Thạch về Việt Nam. Hồ Chí Minh dành cho các lực lượng chính trị đối lập và các cá nhân yêu nước không cộng sản khác 70 ghế mà không phải qua Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Một số người trong Đảng Cộng sản Đông Dương phản đối nhưng Hồ Chí Minh vẫn cứ làm. Rồi Hồ Chí Minh mời cả một loạt các vị không cộng sản khác ra gánh việc nước: thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Tố; những trí thức, đại trí thức của chế độ cũ không phải là cộng sản làm bộ trưởng của Chính phủ năm 1946 như Chủ bút báo Tiếng dân - Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Huyên (Bộ Giáo dục), Phan Anh (bộ Quốc phòng),Trần Đăng Khoa (Bộ Giao thông công chính), Hoàng Tích Trí (Bộ Y tế), Vũ Đình Hòe (Bộ Tư pháp), Ngô Tấn Nhơn (Bộ Canh nông), Chu Bá Phượng (Bộ Cứu tế), Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật (Bộ Không bộ)…Hồ Chí Minh còn mời cả ông bác sĩ Trần Duy Hưng, một người chưa am tường gì về chính trị và công việc hành chính gì cả, làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Hàng loạt những người không cộng sản lúc đầu còn ngỡ ngàng pha chút mặc cảm nhưng rồi đều vui vẻ đi theo Hồ Chí Minh và nhận nhiệm vụ phục vụ đất nước thông qua thể chế chính trị mới.

Hòa giải, hòa hợp dân tộc là ở đấy chứ đâu. So với bây giờ thì Hồ Chí Minh làm những cái việc hệ trọng ấy (tức là công tác cán bộ) là sai quy trình hết. Nhưng, đáp số trong thực tế lại là đúng vì nó quy tụ được trí tuệ, sức mạnh của cả toàn dân tộc, xóa đi hận thù, mặc cảm. Tổ quốc là Tổ quốc chung, ai cũng phải ghé vai vào mà gánh vác công việc, mà làm cho hùng cường lên.

 

Phan Văn Thắng: Sau  ký kết Hiệp định Giơnevơ về chiến tranh Đông dương, 1954, ở Việt nam, một lần nữa vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc lại nổi lên như một tiền đề cho tất cả các vấn đề chính trị của đất nước. Thế nhưng, cuộc chiến tranh Việt Nam/Đông dương lần thứ hai vẫn không tránh khỏi. Chúng ta, tại thời điểm này, có thể lý giải, gỉai  thích vấn đề này như thế nào?

 

Mạch Quang Thắng: Mỗi người đều có thể lý giải theo cách khác nhau. Tôi thì thấy rằng, có hai lý do chính mà lúc này không tài nào mà hòa giải, hòa hợp dân tộc được. Kết cục là chiến tranh nổ ra.

Lý do thứ nhất, Hiệp định Giơnevơ định ra thời hạn 2 năm để sau đó hai miền Nam - Bắc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý chờ sau 2 năm đó, nhưng thực tế không thành. Phía Mỹ và Việt Nam quốc gia (năm 1955 đổi thành Việt Nam Cộng hòa) không muốn tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đương nhiên, bên này tố cáo bên kia vi phạm Hiệp định Giơnevơ, và ngược lại. Tức là một bên thì muốn, còn một bên thì không. Hai đường thẳng song song không gặp nhau được ở một điểm nào cả.

Lý do thứ hai, việc chia cắt đất nước Việt Nam, và kèm theo đó là sự ly tán lòng người, tức là chiều ngược của véctơ lực hòa giải, hòa hợp dân tộc, là ý đồ của một loạt nước lớn mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị kẹt vào đó, không thể nào thoát ra nổi. Đây thuộc về số phận của dân tộc Việt Nam.

 

Phan Văn Thắng: Chúng tôi muốn giáo sư cho biết về quan điểm, thái độ và cách xử lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này hồi đó?

 

Mạch Quang Thắng: Tôi thấy Hồ Chí Minh có ý chờ cho 2 năm chia cắt đất nước theo Hiệp định Giơnevơ qua đi. Trong lúc chờ thì cố gắng xây dựng miền Bắc, rồi làm ngoại giao, trong đó có cả liên lạc bằng nhiều cách khác nhau với Việt Nam Cộng hòa, để có cái gì đó mà nói chuyện với nhau, giao lưu kinh tế, rồi đi đến tổng tuyển cử. Nhưng, thật éo le, dần dần việc tổng tuyển cử cứ vời vợi xa như những câu hò man mác yêu thương khắc khoải ở bến bờ Hiền Lương sông Bến Hải, Quảng Trị.

Vì chủ trương chờ như thế cho nên trước sự đàn áp của Việt Nam Cộng hòa đối với những người yêu nước miền Nam một cách khốc liệt từ năm 1954 đến năm 1959, có người trách móc Trung ương hữu khuynh. Biết làm sao được. Hồ Chí Minh cũng bị kẹt trong cái thế như vậy. Hòa giải, hòa hợp dân tộc, ngay từ đầu, đã là giá trị không hiện hữu giữa hai chế độ chính trị khác nhau, nó đẩy lòng người Việt Nam dạt sang hai bên càng ngày càng xa ngái.

 

Phan Văn Thắng: Theo tôi được biết, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết dân tộc là một ưu tiên trong hành động cách mạng, và đó cũng là một mục tiêu của cách mạng. Lần lại lịch sử, từ khi hợp nhất các tổ chức cộng sản đến khi qua đời, năm 1969, quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa giải, hòa hợp dân tộc là gì?

 

Mạch Quang Thắng: Tôi thì thấy rằng, đoàn kết toàn dân tộc đúng là ưu tiên trong nghĩ suy và hành động của Hồ Chí Minh, nhưng đó không phải là mục tiêu của cách mạng. Mục tiêu cách mạng của Hồ Chí Minh có thể “gói” vào ba giải phóng: Giải phóng dân tộc – Giải phóng xã hội – Giải phóng con người. Cái giải phóng này làm tiền đề cho cái giải phóng kia, cái giải phóng kia củng cố thành quả của cái giải phóng trước; và cái đích cao nhất, cái đích cuối cùng là giải phóng con người – con người thoát được mọi sự áp bức, bất công, con người được phát triển toàn diện, sống ở vương quốc tất yếu tự do, của ấm no, hạnh phúc.

Cho nên quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh, từ khi hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930 đến khi về Trời năm 1969, cũng là ở chỗ nhằm vào ba giải phóng đó. Trong bề sâu của tư duy Hồ Chí Minh thì cộng sản ư, không cần biết; không cộng sản ư, không cần biết. Cái cần biết ở đây là cá nhân nào, lực lượng chính trị nào nếu tán thành có một nước Việt Nam cường thịnh, mở mày mở mặt với năm châu thì hãy hòa với nhau, hãy hợp thành với nhau, bỏ mọi thành kiến, xung đột lợi ích, từ cả lợi ích chính trị đến lợi ích kinh tế, văn hóa, v.v. Hãy thành thực bắt tay nhau một cách chân thành, thủy chung, vì lợi ích chung của dân tộc.

 

Phan Văn Thắng: Đảng ta ngay từ đầu đã nhận thức rất rõ nhiệm vụ hòa giải hòa hợp dân tộc. Kể cả trong chiến tranh chống Mỹ, từ năm 1972, khi chiến tranh đang độ khốc liệt nhất, TBT Lê Duẩn đã có thư gửi các tổ chức Đảng ở miền Nam đề cập đến nhiệm vụ hòa giải hòa hợp dân tộc sau chiến tranh. TRước 30. 4.1975, không chỉ có lực lượng cách mạng mới có chủ trương hoà giải hòa hợp dân tộc mà cả lực lượng thứ 3, giới trí thức nhân sỹ miền nam cũng kêu gọi hòa giải, hòa hợp. Và trên thực tế, hành động kết thúc chiến tranhcủa nội các Dương Văn Minh cũng có thể coi là hành động hòa giải. Thế nhưng, sau đó, người Việt Nam suốt hơn 4o năm nay vẫn phải căng mình lên với trách nhiệm hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ngừơi Việt Nam đã sai ở đâu, từ đâu mà chưa thể giải quyết được vấn đề này một cách rốt ráo, thưa giáo sư?

 

Mạch Quang Thắng:Tôi cũng đòng ý như nhận định của anh và thấy tiếc, băn khoăn như anh nói ở trên. Trước và sau 30-4-1975, hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự không thành. Lực lượng thứ ba cũng thế, nó bị những trận cuồng phong chiến sự và thời - thế và lực cuốn đi một cách nhanh chóng. Bệnh “kiêu ngạo cộng sản” (khái niệm của V.I.Lênin) khóa lại vấn đề này càng chặt thêm, đến nỗi chủ thể đưa ra quan điểm hòa giải, hòa hợp dân tộc đến lúc cũng quên luôn hoặc bất lực trước sự cuốn hút của tình thế. Một Sài Gòn hầu như còn vẹn nguyên qua bao trận chiến ác liệt. Nhưng, lòng người Việt Nam bị bầm dập, có lúc thật bi đát, với những đợt gói ghém áo quần vào các trại tập trung cải tạo của những người vốn là của Việt Nam Cộng hòa.

Ai cũng muốn hòa giải, hòa hợp dân tộc, nhưng rồi quá khó. Nay, chiến tranh qua đi lâu rồi. Nhiều cựu binh Pháp, nhất là nhiều cựu binh Mỹ, đã nhiều lần đến Việt Nam, trở lại thăm chiến trường xưa, thậm chí đến cái nơi mà mình và đồng đội của mình đã xả súng vào những dân thường vô tội trước đây, với tâm trạng lo sợ, đầy mặc cảm. Nhưng con người Việt Nam nói chung và người dân ở đó, kể cả những người có người thân bị giết chết năm nao, đầy bao dung, không thù, không hận, vẫn cứ bắt tay, nắm tay  những cựu binh Mỹ, cùng trò chuyện với họ như những người bạn lâu mới gặp nhau dưới bóng cây vườn, uống trà mạn trong nắng chiều hôm mà ngắm từng đàn cò trắng đang bay về tràm chim miệt vườn. Thông điệp đơn giản vậy thôi. Nhưng, giữa con người Việt Nam đối với nhau thì sao? Không được thế đâu. Sao mà khó thế! Nhịp cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc Việt Nam giữa những người trước đây khác chiến tuyến sao mà khó bắc vậy!

Người Việt Nam mình đang có lỗi về vấn đề đại sự này. Lỗi từ nhiều phía, chứ đừng dồn lỗi cho riêng một phía đơn lẻ nào. Tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức, mọi lực lượng hãy hướng nội mà tìm, mà nghĩ suy, mà hành động. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Hãy tự mình nhận ra cái lỗi của mình. Nhận rồi thì phải kiên quyết sửa.

 

Phan Văn Thắng: Thưa giáo sư, nếu chúng ta không hoặc chưa khắc phục được tình trạng bất đồng hiện  nay, hậu quả đối với đất nước sẽ là gì?

 

Mạch Quang Thắng: Bất đồng thì có nhiều dạng bất đồng. Tôi thấy hiện nay nổi lên có bất đồng về chính kiến (quan điểm chính trị). Bất đồng là một dạng của không đồng thuận, là một dạng của không có sự hòa giải, hòa hợp dân tộc. Và như vậy thì khó mà nói đến đoàn kết toàn dân tộc. Mà cái kết cuối cùng, như trong suốt lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã đúc kết rồi, mất đoàn kết là mất tất cả. Lúc đó, chẳng còn gì để mà nói về đạt đến mục tiêu tốt đẹp gì hết cho từng cá nhân, cho từng cộng đồng và cho toàn dân tộc. Hiện nay, vấn đề giải quyết sự bất đồng ở Việt Nam chưa được tốt, chưa phù hợp. Kẻ thù với nhau mà còn có thể/và buộc phải ngồi với nhau mà thương lượng, rồi nhân nhượng đi đến ký kết thỏa thuận với nhau về điều này điều nọ được, cớ sao những người Việt Nam không phải là kẻ thù của nhau, chỉ là bất đồng với nhau mà không ngồi đối thoại với nhau được, là sao? Đồng bào (cùng một bọc của Mẹ Âu Cơ), nhưng khi có mâu thuẫn với nhau, thì cách tốt nhất là đối thoại với nhau, chứ sao lại dùng vũ lực? Hậu quả đã lớn và sẽ còn lớn hơn nữa về hòa giải, hòa hợp dân tộc nếu khi có biện pháp sai lầm.

 

Phan Văn Thắng: Đảng ta đã có NGhị quyết 36 về công tác người Việt ở nước ngoài và rất nhiều chính sách cụ thể để thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc. Thế nhưng mọi nổ lực vẫn còn chưa được như ý muốn. Vì sao vậy?

 

Mạch Quang Thắng: Câu hỏi này phải được đặt ra cho tất cả: cho Đảng, Nhà nước ta, cho mỗi cá nhân, cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Không nên có ảo tưởng mọi cái sau khi có chủ trương là công việc cứ suôn sẻ, như cái đũa thần hễ vung lên là mọi việc đâu vào đấy. Cuộc sống vốn phong phú hơn nhiều điều chúng ta tưởng. Mong muốn là một chuyện, còn hành động nhiều khi là một chuyện khác. Có khi vấn đề không nằm ở trong nghị quyết, trong chính sách nào đó, mà lại nằm ở chỗ thái độ cụ thể của người làm visa, ở sự thiếu thiện cảm của anh hải quan sân bay, ở thái độ cau có của bất kỳ một nhân viên chức trách nào đó. Có khi nó lại nằm ở thái độ kỳ quặc của một số người nào đó khi người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ chính kiến đối với sự lãnh đạo, quản lý ở đất nước Việt Nam. Có khi nó lại nằm ở trong sâu thẳm của một số người xa xứ đầy mặc cảm, sặc sụa hận thù và ken dày tâm trạng chán chường. Thời gian có lúc như thang thuốc hàn gắn vết thương lên da non, nhưng buồn thay thời gian vừa qua đã không là như vậy, có kẻ cứ muốn khoét sâu thêm vết thương, chà xát những vết sẹo làm cho chúng tấy lại. Những vết thương lòng đã ăn sâu vào trí não của những người khốn khó - tất cả họ đều là nạn nhân của chiến tranh -  không có được những thứ thuốc hữu hiệu làm giảm đi, làm nhạt đi, làm hết đi những di chứng của quá khứ đau thương đang hiện hữu trong các nghĩa trang; trong các trại cải tạo trước đây, trong chuyến vượt biên mà toàn bộ tính mạng bị đem đánh cược vào những rủi ro nhân tai, thiên tai giữa đại dương mênh mông sóng nước…

Sự khác biệt chính kiến và cách ứng xử từ cả nhiều phía hiện nay chính là nguyên do chủ yếu nhất làm cho lòng người Việt Nam xa cách. Sự va đập của các nền văn hóa đã chế định vào cả cách hành xử của những người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài gốc Việt Nam (thế hệ 2 trở đi), làm cho bức tranh hòa giải, hòa hợp dân tộc bên cạnh mặt tốt thì còn bộc lộ nhiều điểm càng khó khăn hơn bởi sự tác động từ những giá trị về một loạt vấn đề chính trị - xã hội đã được định hình một cách khác nhau. Chẳng hạn, ở nước này, vấn đề nào đó là bình thường của cuộc bày tỏ tâm trạng xã hội do đó xuống đường sắn sàng biểu tình, giương biểu ngữ; nhưng ở nước khác thì người ta cho đó là xấu, là phạm pháp. Ở nước này, người dân có thể phê phán, thậm chí chửi thề, một vị chức sắc nào đó (ngay cả nguyên thủ quốc gia), và cho đó là việc thường ngày, thì ở nước khác coi đó là một sự xúc phạm, là hành vi vô văn hóa, thậm chí phạm pháp, vân vân và vân vân.

 

Phan Văn Thắng: Rõ ràng là Đảng, nhà nước và mọi người Việt Nam sẽ phải tiếp tục nỗ lực hòa giải hòa hợp. Theo giáo sư thì điều kiện tiên quyết để có thể đảm bảo hoàn thành hòa giải hòa hợp dân tộc hiện nay là gì?

 

Mạch Quang Thắng: Điều kiện tiên quyết là: Mọi hiềm khích, xung đột chính kiến, lợi ích phải được gạt bỏ; rồi quy tụ về một “mẫu số chung”: yêu nước, yêu một đất nước Việt Nam cường thịnh, và chung sức, chung lòng xây dựng nó.

 

Phan Văn Thắng: Và nền tảng cơ bản của hành trình hòa giải hòa hợp dân tộc của VN hiện nay, và trong tương lai là gì?

 

Mạch Quang Thắng: Nền tảng cơ bản, theo tôi, có hai yếu tố: một là, chính sách đúng đắn,  hành động đúng đắn của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam; hai là con người Việt Nam yêu nước thực lòng xóa bỏ mọi hiềm khích, xung đột chính kiến, lợi ích để đến với nhau. Hai trong một. Chỉ có như thế thì hòa giải, hòa hợp dân tộc mới thành công.

 

Phan Văn Thắng: Tôi nghĩ truyền thống văn hóa – đạo đức của người Việt cũng là yếu tố có ý nghĩa nền tảng để dẫn dắt mọi người Việt đến với nhau, đến với nhau một cách chân thành. Cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476