Văn hoá học đường

Biên chế giáo viên và đổi mới giáo dục

Tác giả những dòng này, đã suốt đời nghiên cứu về giáo dục ở Bỉ, xin có vài phản ứng nhân đọc ba bài báo trên mạng hôm nay:

Nghị quyết 29: ‘Đưa khỏi ngành những giáo viên không đáp ứng được đổi mới’

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170609/dua-khoi-nganh-nhung-giao-vien-khong-dap-ung-duoc-doi-moi/1328928.html

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Các sở cũng nhất trí bỏ biên chế

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-phung-xuan-nha-cac-so-deu-nhat-tri-bo-bien-che-377500.html

Làm lãnh đạo cấp dưới thì phải tuân lệnh cấp trên

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tuyen-sinh-lop-10-lam-lanh-dao-cap-duoi-thi-phai-tuan-lenh-cap-tren-377025.html

Ở Bỉ, có những thời điểm vì ngân sách khó khăn, vài bộ trưởng giáo dục cũng đã đưa ra những chính sách để giảm thiểu tài trợ cho giáo dục nhưng chúng tôi có một khẩu hiệu rất ngắn gọn “Nếu giáo dục tốn nhiều tiền quá thì chúng ta thử để mọi người ngu dốt xem sao” – Si l’éducation est trop chère, essayons l’ignorance – . Kết quả, ngân sách giáo dục Bỉ có khi bị cắt xén thật, nhưng đó là ngân sách cuối cùng bị cắt xén và bị cắt xén ít nhất. Hiện giáo dục phổ thông của Bỉ được xếp thứ nhì theo báo cáo INNOCENTI của UNICEF – bảng xếp hạng các hệ thống trường học tốt cho trẻ – Hà Lan đứng đầu bảng này.

https://hocthenao.vn/2016/10/17/chi-tieu-nghien-cuu-mot-he-thong-truong-hoc-tot-cho-tre-nguyen-huynh-mai/

hay ở đây:

http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/the-nao-la-mot-he-thong-truong-hoc-tot-cho-tre

Điều đó không có nghĩa là chỉ cần có tiền thì giáo dục sẽ tốt. Nhưng hạn chế chi tiêu cho giáo dục là một vấn đề cần cân nhắc.

Giáo dục tốt thì tiền đồ khoa học kỹ thuật sẽ tốt. Phát triển đẫt nước rất cần đội ngũ thợ có tay nghề, thầy có tri thức để sánh vai với quốc tế.

Trẻ được dạy thành người thì an ninh xã hội sẽ khá hơn, giảm được ngân sách cho nhà tù, cho công an, …

Cho tất cả mọi xã hội, nếu có hai lĩnh vực mà nhà nước cần ưu tiên đầu tư là giáo dục và y khoa. Để hai lĩnh vực này vào tay thị trường thì không khác nào “giao trứng cho ác”. Bảo hiểm sức khoẻ cho dân tình cho mọi tầng lớp, giáo dục bắt buộc cho mọi trẻ, … là đường hướng hiện tại trên toàn cầu.

Riêng về giáo dục, vấn đề đào tạo giáo viên là một vấn đề trọng tâm. Trong đó bao gồm việc đào tạo thường xuyên nữa.

Từ nhiều năm nay nhiều người than phiền về giáo viên nhưng có lẻ chưa ai nghiên cứu xem các giáo viên được đào tạo như thế nào và tại sao họ không áp dụng những tiến bộ về phương pháp sư phạm hay về tâm lý nhi đổng.

Mặt khác cả hệ thống giáo dục chương trình, thi cữ, và xã hội nữa, … đặt trên hai vai các giáo viên đầy những ràng buộc từ chấm điểm xếp hạng đến thi đua, … làm cho nhiểu giáo viên không còn chỗ cho sáng tạo hay thích ứng với học trò. Cái dập khuôn hình như là mẫu mực được chờ đợi.

Giáo viên là sản phẩm của các trường sư phạm. Nếu giáo viên không thích ứng được với đổi mới giáo dục thì lỗi phần lớn là ở cơ cấu không biết chuẩn bị khả năng co giản hay không biết tái đào tạo giáo viên. Đào thải các giáo viên trong trường hợp này được gọi là “chém phần ngọn chứ không chém phần gốc”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bảo rằng các cấp cũng nhất trí với giảm biên chế là một tuyên bố đúng nhưng các cấp nhất trí với cấp trên vì ta vẫn tập trung dân chủ mà.

Cũng vấn đề tập trung. Học trò thì trăm em trăm mẫu khác nhau. Có em thích vân có em thích toán. Có em hướng nội có em hướng ngoại. Thế nên với robot thì có thể dùng đường hướng tập trung còn với học trò thì không.

Một tự do tối thiểu cho các cấp quản lý cũng như các trường học rất là cần thiết. Sau hơn bốn mươi năm quản lý kiểu bao cấp, bây giờ nếu muốn dừng bao cấp có lẻ cũng phải làm sao đề cao ý thức bổn phận và trách nhiệm của từng người từng đơn vị.

Về biên chế, trong một xã hội lao xao thì biên chế là một bảo đảm an toàn.

Ở Bỉ, khi một ai đó mất việc làm thì được lương thất nghiệp. Dĩ nhiên có một số người “chuyên môn thất nghiệp” vì lười đi làm, vì dù sao thì cũng được lương mà …Nhưng đó chỉ là một nhóm tỉ lệ rất nhỏ trên tổng số người thất nghiệp vì đi làm còn cho những lợi ích tinh thần và lợi ích xã hội thành ra không ai thích mất việc để…ăn bám xã hội.

Trở về với biên chế của nhà giáo xứ ta, phải nói trước nhất hiện các giáo viên, trong biên chế hay không, chỉ có một mức lương không đủ sống. Nhưng ít nhất là biên chế cho một an bình tinh thần, không sợ cái bất định đến từ hiệu trưởng, các đồng nghiệp hay sở giáo dục, … hầu có thể an tâm làm việc và lo lắng cho học trò.

Một thí dụ song song, bên tôi, khi một trẻ bỏ ăn hay có vấn đề về tâm thần, các bác sĩ săn sóc bé, trước nhất, dĩ nhiên rồi nhưng đồng thời tìm hiểu xem cha mẹ bé có vấn đề gì hay không. Nguồn cội bệnh của trẻ có thể là do cha mẹ.

Ở đây, ta cần lo cho thầy để thầy làm tròn trách nhiệm với học trò.

Dĩ nhiên, cũng sẽ có, hay đang có, một số con sâu làm rầu nồi canh, lợi dụng “biên chế” để thừa hưởng quyền lợi mà quên nghĩa vụ. Nhưng chả nhẻ vì một số con sâu mà đem đi đổ cả nồi canh hay sao? Tức là bỏ hết biên chế cho tất cả mọi người ?

Vài người đã lên tiếng: bỏ biên chế, tạo bất ổn đã đành rồi mà còn có thể làm tăng thêm hối lộ chạy việc vì cứ mỗi lần gia hạn hợp đồng là lại phải lo phong bì.

Trường học không là một ốc đảo. Muốn đổi mới giáo dục cũng cần đổi mới toàn xã hội. Xin đừng dùng phương thức bỏ biên chế như một phương tiện giảm thiểu ngân sách giáo dục. Trái lại có lẻ cần đầu tư nhiều hơn cho đào tạo giáo viên và quan tâm nhiều hơn đến điều kiện sống và làm việc của những người đảm trọng trách chuẩn bị cho tương lai xứ sở.

Xin lặp lại “Nếu giáo dục tốn nhiều tiền quá thì ta cứ thử sự dốt nát xem sao”.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434809

Hôm nay

280

Hôm qua

2349

Tuần này

21459

Tháng này

211857

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434809