Văn hoá học đường

Để học sinh thực sự trưởng thành

Không lâu sau khi đọc bài phát biểu cảm động của một em học sinh trường THPT Phan Bội Châu (Tp. Vinh, Nghệ An) trong lễ trưởng thành, tôi lại thấy báo chí rầm rộ nhiều luồng ý kiến về hành động ném bột màu vào cổng trường của các học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh). Người ta cứ tranh luận hành động đó phản cảm hay không rồi phỏng vấn thầy hiệu trưởng mà không hiểu sao rất ít bài đi sâu tìm hiểu, lắng nghe ý kiến từ phía học sinh (Tất nhiên cũng có một vài bài viết trích dẫn đôi dòng ghi rằng một học sinh chia sẻ thế này, một số em cho rằng thế khác nhưng khá mờ nhạt.) Điều đó khiến tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa có thói quen lắng nghe ý kiến, cảm xúc của người trẻ.Nếu không lắng nghe thì làm sao thấu hiểu và đánh giá đúng được vấn đề?

Cũng từ đó tôi nghĩ về câu chuyện trưởng thành và cái lễ gọi là tri ân – trưởng thành trong các trường học hiện nay bởi suy cho cùng đó cũng là một cách tạo điều kiện cho các em được bộc lộ ý kiến, cảm xúc của mình.Thời chúng tôi không có những buổi lễ như thế.Thời chúng tôi chỉ có những buổi liên hoan cuối cấp, những cuốn lưu bút, những món quà lưu niệm nho nhỏ tặng nhau và tặng giáo viên. Đơn giản thế mà cảm xúc, mà nhớ mãi. Ngày nay, với điều kiện kinh tế ngày một phát triển, sự lan tỏa thông tin nhanh chóng, trong trường học có nhiều hoạt động, nghi lễ hơn. Đó cũng là điều đáng mừng mà nhiều lúc khiến những người thế hệ chúng tôi cảm thấy thiệt thòi.Thế nhưng cũng đáng tiếc thay, ở nhiều trường học, hình thức đã và đang dần chiếm chỗ nội dung.Một số nơi, các em coi đây cũng như bao lễ khác trong năm học, không thực sự háo hức tham dự còn trường thì làm theo tâm lý cho có, cho bằng trường khác.Trong khi đó, một số trường lại tổ chức tốn kém từ lễ trưởng thành đến Prom cuối khóa mà dần quên đi ý nghĩa thực sự của mỗi việc làm.

Hơn thế nữa, tại sao Tiểu học, THCS cũng tổ chức lễ trưởng thành, cũng phải chiễm chệ mang áo mũ cử nhân rồi chụp lấy một tấm ảnh làm kỷ yếu?Chúng ta đã bao giờ quay lại hỏi các em ở độ tuổi đó xem liệu các em có thích làm như thế không, có thực sự hiểu ý nghĩa của từ trưởng thành?Hôm nay, cháu gái tôi vừa trở về sau buổi chụp ảnh cuối cấp Tiểu học như thế với lời than vãn phải làm thế này, thế khác.Có lẽ nó cũng không mong có thêm một lần như thế.

Đối với các học sinh cuối cấp THPT, một lễ trưởng thành – tri ân được tổ chức bài bản là rất tốt vì đó là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của các em. Một hoạt động đầy nhân văn như vậy cũng nên được khuyến khích tổ chức bởi thực chất, giáo dục về nhân cách, đạo đức cho các em trong trường học quan trọng không kém gì tri thức.Không cần phải cầu kỳ, hoành tráng, độc đáo để được báo chí đưa lên ca ngợi, thể hiện mình so với các trường khác; điều quan trọng là nội dung của buổi lễ. Đặc biệt hơn, để có một buổi tri ân, trưởng thành thực sự cảm xúc thì cần cả một quá trình suốt 3 năm gắn bó giữa thầy, cô giáo với học sinh, giữa học sinh với học sinh. Nghĩa là chúng ta phải gieo mầm nhân ái, sự gắn bó và tình cảm thầy trò ấy trong các em mỗi ngày chứ không chỉ một ngày.Buổi lễ trưởng thành sẽ là lúc gợi nhắcnhững kỷ niệm, để các em không quên trách nhiệm của bản thân, không quên công lao và tình cảm của thầy cô. Nếu một trường học mà ở đó giáo viên cư xử bất công, học sinh bắt nạt lẫn nhau thì có lẽ buổi lễ tổ chức hoành tráng đến đâu cũng không có ý nghĩa gì, mang lại cảm xúc gì. Có chăng đó là lúc các em thở phào nhẹ nhõm: “Ơn trời đã thoát khỏi trường này.”

Về những hình ảnh mà dư luận cho là phản cảm như: học sinh ôm hôn nhau, chụp các bức ảnh với tư thế các em gọi là “bá đạo” trong lễ trưởng thành, thiết nghĩ, trách nhiệm không chỉ của riêng các em. Một trong những điều thiếu nhất từ trước tới nay của chúng ta, trong trường học cũng như trong gia đình và ngoài xã hội là lắng nghe ý kiến của người trẻ để hiểu rõ nhu cầu, tâm sinh lý của các em.Đã bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi vì sao các học sinh lại có tâm lý như được giải thoát, vui mừng hết sức và tìm ra nhiều trò như một cách giải  tỏa khi kết thúc mỗi kỳ thi, mỗi cấp học hay chưa? Nếu muốn các em có đủ hành trang để trưởng thành thì rất mong các thầy cô trong suốt thời gian gắn bó hãy lắng nghe học sinh nhiều hơn để có phương pháp giáo dục phù hợp.

Quan trọng hơn hết thảy mọi nghi lễ hình thức là quá trình giáo dục, chuẩn bị hành trang cho các học sinh THPT.Đó là định hướng lựa chọn nghề nghiệp, là giáo dục tâm lý, kỹ năng sống và những kiến thức cơ bản về xã hội cho các em. Hiện nay chúng ta đang rất yếu về điều này tại các trường THPT thế nên học sinh rất hoang mang về lựa chọn trường ĐH nào; nên học nghề hay vào Đại học,…Lắm em đến khi chọn xong trường đại học, học và ra trường rồi mới cảm thấy thực sự hối hận và tiếc đã không định hướng đúng. Có lẽ, đó mới là điều chúng ta nên nghĩ về nhiều hơn mỗi dịp quyết định tổ chức lễ trưởng thành trong các trường học chứ không phải là làm gì để có được một buổi lễ hoành tráng hơn trường khác.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434619

Hôm nay

2239

Hôm qua

2310

Tuần này

21269

Tháng này

211667

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434619