Khách mời văn hóa

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Chủ nghĩa bình quân là một đặc điểm của Văn nghệ thời bao cấp

Phan Văn Thắng:Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, hình như ông đã đến với điện ảnh một cách tình cờ, ngẫu nhiên ? Vậy, làm sao ông có thể yêu và cống hiến cho điện ảnh được nhiều đến thế ?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Xin cải chính ngay: Tôi cống hiến cho điện ảnh không nhiều như bạn nói. Cụ thể là số lượng phim mà tôi đã làm, chỉ hơn một chục phim truyện và vài phim tài liệu. Như thế là rất ít. Bởi ở tuổi tôi với gần 50 năm trong nghề nếu ở nước ngoài người ta có thể làm ba bốn chục phim có khi là 50 phim.

Phan Văn Thắng:Trong câu chuyện về thành tựu hay cống hiến nghệ thuật, tôi lại nghĩ nhiều hơn về giá trị, tầm giá trị của các tác phẩm và ảnh hưởng của nó với nghệ thuật và đời sống hơn là số lượng tác phẩm.Vậy tại sao ông lại làm ít như vậy so với các đồng nghiệp ở nước ngoài ?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Tôi bắt đầu làm phim chậm. Khi đã ngoài 30 tuổi. Hơn nữa các phim tôi làm đều trong thời kỳ bao cấp. Hồi đó phim thì ít mà các đạo diễn thì đông, mỗi người làm xong một phim phải sắp hàng chờ từ 3 đến 5 năm năm mới đến lượt mình làm tiếp phim sau. Nhà nước không thể cấp kinh phí cho một người làm hết phim này đến phim khác liên tục được.

Phan Văn Thắng: Dù anh làm phim tốt ? Phim có chất lượng ?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Đúng. Dù anh làm phim tốt cũng vẫn phải sắp hàng chờ. Cái ưu việt của văn nghệ thời bao cấp là công bằng với mọi người, ai cũng như ai. Được làm phim là một quyền lợi, phải chia sẻ đồng đều cho mọi người.

Phan Văn Thắng: Kể cả những người làm phim không hay?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Hễ đã được công nhận là đạo diễn trong biên chế nhà nước thì ai cũng như ai, đều được đối xử bình đẳng như nhau, cứ 3 năm là lên một bậc lương không phân biệt người làm phim hay, hay không hay.

Phan Văn Thắng: Vậy làm sao khuyến khích được những người làm ra những bộ phim tốt ?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Chủ nghĩa bình quân là một đặc điểm của Văn nghệ thời bao cấp.Điều đó thể hiện ngay trong chế độ nhuận bút do Nhànước quy định. Đạo diễn làm phim đầu tay hay đạo diễn làm phim lâu năm, có giải thưởng trong và ngoài nước đều nhận một mức nhuận bút như nhau. Rất công bằng!

Phan Văn Thắng: Tôi biết, không chỉ trong văn nghệ mà chủ nghĩa bình quân có mặt ở hầu hết các lĩnh vực như là một nguyên tắc cơ bản của và để quản trị xã hội hồi bao cấp. Thưa ông, với tư cách đạo diễn, ông đã đi từ phim tài liệu đến phim truyện. Sao lại có sự thay đổi này?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh:Thoạt đầu tôi thích làm đạo diễn phim tài liệu vì rất yêu lĩnh vực này. Nhưng khi đến Xưởng phim Tài liệu xin việc thì người ta từ chối với lý do tôi không có bằng đạo diễn, lại không phải đảng viên. Ông cán bộ phòng tổ chức giải thích cho tôi: Phim tài liệu là tờ báo chính luận bằng hình ảnh của Đảng nên không thể có chuyện đạo diễn lại không phải là đảng viên. Từ đó tôi mới nhận ra rằng phim tài liệu quan trọng hơn phim truyện. Phim truyện không đòi hỏi ngặt nghèo như vậy nên tôi đầu quân sang lĩnh vực phim truyện, thoạt đầu xin làm trợ lý đạo diễn.

Phan Văn Thắng: Với nghề điện ảnh, ông hoàn toàn tự học hay có được qua trường lớp nào ?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Tôi chưa một ngày ngồi trong lớp học, nghe giáo sư giảng bài về nghề đạo diễn phim. Chưa một lần làm bài tập, thi cử về điện ảnh và dĩ nhiên chưa bao giờ có một tấm bằng chứng nhận về cái nghề này. Nhưng như câu ngạn ngữ xưa từng nói : Không thầy đố mầy làm nên . Tôi có rất nhiều thầy. Đó là các nhà văn trong và ngoài nước, là đạo diễn của các bộ phim hay ở trong và ngoài nước, đó là kho tàng ca dao tục ngữ Việt nam v.v….Tôi cũng có được đi thực tập ngắn ngày ở Bulgari và ở Pháp gọi là cưỡi ngựa xem hoa vì chẳng được giao nhiệm vụ gì cụ thể trong một đoàn làm phim mà chỉ đi nhìn người ta làm.

Phan Văn Thắng: Chắc chắn với cả cuộc đời làm điện ảnh, ông đã xem và tham khảo rất nhiều phim, dòng phim, nhiều nền điện ảnh khác nhau. Nền điện ảnh nào gây ấn tượng mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất đến ông?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Vâng. Hồi trẻ tôi xem nhiều phim lắm. Nhưng không phải bạ gì xem nấy mà xem có chọn lọc. Tôi chỉ chọn xem những phim nào hợp với cái quan điểm thẩm mỹ của mình, hợp với khả năng của mình và cảm thấy có thể học hỏi để làm được những phim như thế. Tôi có thể kể những nền điện ảnh có ảnh hưởng đến tôi nhất đó là điện ảnh Ý (giai đoạn Tân hiện thực), điện ảnh Pháp (giai đoạn Làn sóng mới) điện ảnh Xô viết (thời kỳ Chống sùng bái cá nhân) điện ảnh Nhật những năm 60 ,70 v.v…điện ảnh Ba lan, điện ảnh Bulgari khi còn trong phe XHCN.

Phan Văn Thắng: Với ông, điện ảnh Xô Viết và điện ảnh Mỹ khác nhau cơ bản chỗ nào?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Điện ảnh Xô Viết không có tính chất thương mại, trong lúc điện ảnh Mỹ mang tính thương mại rõ rệt. Điện ảnh Xô Viết quan niệm phim ảnh là sản phẩm của sáng tạo nghệ thuât. Trong lúc điện ảnh Mỹ quan niệm phim ảnh là hàng hóa như bao thứ hàng hóa khác lưu hành trên thị trường.

Phan Văn Thắng: Ông học được gì từ các nền điện ảnh đó?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Mỗi nền điện ảnh có cái hay của nó. Đạo diễn thế hệ tôi thấy gần gũi với điện ảnh Xô Viết hơn, còn các đạo diễn trẻ bây giờ gần gũi với điện ảnh Mỹ. Nhưng theo khuynh hướng nào cũng đều phải có những phim hay.

Phan Văn Thắng:Thưa ông, nếu nghiên cứu lịch sử điện ảnh VN, chúng ta có thể phân kỳ lịch sử và các dòng tác phẩm… như thế nào  ạ?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh:Theo tôi có thể tạm chia ra làm 3 giai đoạn : Giai đoạn từ khi thành lập năm 1953 trên Việt Bắc cho đến trước ngày Thống nhất đất nước năm 1975. Giai đoạn từ 1975 đến 1986 trước Đổi mới. Và, giai đoạn từ 1986 cho đến nay khi xã hội VN bước vào nền kinh tế thị trường.

Phan Văn Thắng:Theo dòng gọi là chính thống, Điện ảnh Việt Nam, trước và sau 1975, khác nhau chỗ nào? (xin lưu ý là chưa đề cập đến điện ảnh miền Nam VN từ 1954 – 1975).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh:Trước và sau 1975 điện ảnh VN cơ bản không có gì khác biệt lắm…. vẫn là nền điện ảnh được nhà nước bao cấp để phục vụ những nhiệm vụ chính trị là chủ yếu. Nhưng sau Đổi mới việc duyệt phim có thoáng hơn nên xuất hiện một số phim đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội được khán giả quan tâm. Cao trào đó kéo dài không lâu. Chỉ từ khi điện ảnh VN bước vào cơ chế thị trường thì có sự khác biệt rõ rệt. Đó là khuynh hướng thương mại trong điện ảnh trở nên áp đảo. Trong một bài phỏng vấn gần đây nhà Việt nam học Nga Anatoli Sokolov có nhận định: Có thể nói điện ảnh VN bây giờ là nền điện ảnh thương mại như các nền điện ảnh khác. Nói chung hiện tượng đó là bình thường, tự nhiên. Nhưng có sự mất mát: đó là cái phong cách mà vì nó khán giả của nhiều nước trên thế giới yêu mến và đánh giá cao Điện ảnh VN nay đã mất đi.

Phan Văn Thắng: Cái khác nhất của điện ảnh VN trước Đổi mới với một vài năm đầu Đổi mới là gì? Là câu chuyện đổi mới thẩm mỹ, là thay đổi quan niệm về nghệ thuật hay là sự đổi mới về tư duy chính trị - xã hội, về tư tưởng trong tác phẩm điện ảnh…?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Tôi nghĩ cơ bản là thay đổi trong nhận thức về chức năng của nghệ thuật. Sau đổi mới chức năng cảnh báo, phản ảnh những khoảng tối trong xã hội được đề nhấn mạnh hơn. Văn học thời kỳ đó cũng vậy.

Nhưng theo tôi cái quan trọng nhất trong một tác phẩm điện anh là tư tưởng và triết lý của bộ phim. Tư tưởng và triết lý đó phải đến được với người xem thông qua toàn bộ câu chuyện được kể bằng hình ảnh và âm thanh.

Phan Văn Thắng: Các tác phẩm xuất sắc nhất của ông hình như đều được làm trong giai đoạn này, những năm đầu Đổi mới? Ông thế lý giải về việc này?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh:  Tôi làm những phim do tự mình viết kịch bản như Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng 10 là trước Đổi mới. Đến phim Cô gái trên sông làm đúng vào thời kỳ Đổi mới nên việc thông qua hội đồng duyệt sau khi phim làm xong được thuận lợi. Tuy vậy không lâu sau nó bị phê phán, chấm dứt cho thời kỳ Đổi mới ngắn ngủi trong điện ảnh và trong văn học nghệ thuật nói chung.

Phan Văn Thắng: Cái gì đã làm nên một thế hệ các nghệ sỹ lớn cả về nghề và nhân cách thời kỳ những năm 1960 - 1980?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Thời nào có các nghệ sỹ của thời đó. Nếu có gì khác chăng thì thời trước áp lực đồng tiền không lớn. Người nghệ sỹ không quá lệ thuộc vào doanh thu của bộ phim sau khi làm xong.Thời đó ai cũng như ai, làm phim chỉ vì đam mê nghệ thuật, không ai nghĩ làm phim để làm giầu.

Phan Văn Thắng: Những đạo diễn, nghệ sỹ nào của điện ảnh Việt Nam tạo cho ông nhiều cảm xúc và kỷ niệm nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất với ông?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Những đạo diễn Việt nam để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất qua các tác phẩm của mình là Trần Vũ , Phạm Kỳ Nam và Nguyễn Hồng Sển. Tôi học hỏi ở họ rất nhiều.

Phan Văn Thắng: Ông có tìm hiểu nhiều về điện ảnh miền Nam trước 1975?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Trước 75 ở ngoài Bắc không ai được xem những phim này. Sau 75 các phim đó do Viện tư liệu phim quản lý. Chỉ những ai có nhiệm vụ tìm hiểu nó thì mới được phép xem. Tôi không phải thuộc diện đó.

Phan Văn Thắng: Quả là đáng tiếc về sự cứng nhắc, giáo điều này. Nguyên tắc là vậy nhưng tôi tin là có những lúc ngoài nguyên tắc, linh động… Và nhận xét của ông về dòng điện ảnh này?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Dòng điện ảnh đó đã chấm dứt cách đây đã hơn 40 năm rồi. Hãy để các nhà viết sử điện ảnh VN nhận định về nó.

Phan Văn Thắng: Có lẽ ông là người cẩn thận hoặc là có nhiều kinh nghiệm.Mà ở ta không cẩn thận cũng không được.Tôi cũng biết vậy.Ông có thể cho một vài nhận xét về điện ảnh VN hiện nay?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Có thể nói điện ảnh VN hiện nay phát triển rất đúng quy luật. Xã hội nào thì có nền điện ảnh nấy. Xã hội VN bây giờ là xã hội của nền kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ … thì  điện ảnh cũng phải phát triển theo chiều hướng đó. Đó là quy luật tất yếu.

Phan Văn Thắng:Theo ông thì tài năng của giới nghệ sỹ điện ảnh nước ta hiện nay đã có đủ điều kiện và thời cơ để tỏa sáng chưa?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Tài năng trong giới điện ảnh VN lúc nào cũng có, nhưng chưa tỏa sáng nhiều. Tôi tin rằng rồi sẽ đến lúc họ tỏa sáng.

Phan Văn Thắng: Ở ta, tôi thấy hình như các nghệ sỹ sân khấu đang đồng thời là lực lượng chủ lực của màn ảnh, và màn hình. Có đúng vậy không và ông có bình luận gì về hiện tượng này?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Ở nhiều nước diễn viên sân khấu và điện ảnh được đào tạo chung , không phân biệt đâu là sân khấu đâu là điện ảnh. Ra trường họ có thể hoạt động trong cả 2 lĩnh vực sân khấu lẫn điện ảnh và đều hết sức chuyên nghiệp. Ở ta các diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp ít dần thay vào đó là các diễn viên nghiệp dư lấy từ ca sỹ, người mẫu v.v…Hiện tượng này chỉ diễn ra trong điện ảnh, trong lĩnh vực sân khấu không có chuyện đó. Không ai mời một cô người mẫu lên sân khấu đóng một vai diễn nào đó trong một vở kịch.

Phan văn Thắng: Đúng là chuyệnlạ có thật.Có lẽ đây làhiện tượng không bình thường cần nghiên cứu vì nó như là một chỉ số về nghệ thuật và trình độ phát triển của một nền điện ảnh. Ông có dự đoán như thế nào về tương lai gần của điện ảnh Việt Nam? Liệu điện ảnh nước ta có phát triển trên một lối đi riêng về nghệ thuật và/để có một nền điện ảnh có bản sắc riêng?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Điện ảnh VN sẽ phát triển giống các nền điện ảnh Đông Nam Á khác như Thái Lan , In dô nê sia , Phi lip pin , Mian ma , Cam pu chia v.v… Trong khu vực Asean thì ĐẢ VN không thua kém ai, bằng chứng là vừa qua phim Đảo ngụ cư của nữ đạo diến Hồng Ánh đoạt Giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Đông Nam Á tổ chức ở Ma lai sia.

Phan Văn Thắng:Thời điểm hiện tại, đâu là bí quyết để điện ảnh VN phát triển?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh:Thời nào cũng vậy thôi. Bí quyết là phải có phim hay. Mà cái này phụ thuộc vào từng cá nhân người nghệ sỹ.

Phan Văn Thắng: Đúng là vậy, nhưng tôi nghĩ, tài năng của nghệ sỹ cũng chỉ có thể thăng hoa trong những môi trường nghệ thuật, và môi trường xã hội thuận lợi.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Gần đây đọc trên báo thấy có cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo của các Hội văn học nghệ thuât T Ư.  Không biết vấn đề tạo môi trường nghệ thuật, và môi trường xã hội thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật có được đặt ra không? Hay lại vẫn cái điệp khúc đề nghị Nhà nước rót thêm kinh phí hoạt động cho các hội?

Phan Văn Thắng:Về cuộc gặp mặt này thì báo chí đã có đưa tin. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Thủ tướng đồng ý công nhận lại là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp rồi. Xin ông cứ yên tâm.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị hôm nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443312

Hôm nay

2203

Hôm qua

2305

Tuần này

21125

Tháng này

218486

Tháng qua

112676

Tất cả

114443312