Cuộc sống quanh ta

Về chuyến đi công tác tại Pháp của giáo sư Trần Đức Thảo (Từ tháng 3.1991 đến tháng 4 năm 1993)

Chúng tôi đọc bài viết “Với Trần Đức Thảo, một chút duyên nợ” của ông Nguyễn Ngọc Giao với cả sự xúc động và trân trọng tình cảm của ông đối với Giáo sư Trần Đức Thảo. Những thông tin từ bài viết, có điều chúng tôi biết rõ và cũng có điều chưa biết, nhưng tin rằng đó là sự thật, nếu đứng về phía ông để xem xét và suy ngẫm.

Những tư liệu để viết bài này chúng tôi căn cứ vào sự tiếp xúc, làm việc trực tiếp với Giáo sư Trần Đức Thảo, căn cứ vào tài liệu gốc mà Giáo sư Trần Đức Thảo giao cho chúng tôi giữ, căn cứ vào các tài liệu của Trần Đức Thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp gửi về cho chúng tôi sau khi Trần Đức Thảo qua đời, căn cứ vào những tài liệu Trần Đức Thảo gửi cho chúng tôi qua nhà thơ Huy Cận.

Giáo sư Trần Đức Thảo trước lúc đi Pháp mấy tháng đã cho chúng tôi biết Georges Boudarel mấy lần gửi thư cho ông Trần Bạch Đằng đề nghị bố trí cho gặp Trần Đức Thảo để tổ chức Hội thảo về vấn đề Nhân văn-Giai phẩm. Trước đó, Boudarel đã gặp một số nhà khoa học công tác ở Ủy ban khoa học Xã hội Việt Nam để đề nghị làm việc đó nhưng không có kết quả. Trần Đức Thảo đã đọc các bài viết của Boudarel về vấn đề Nhân văn-Giai phẩm, ông có nhận xét: các bài viết đó không đúng sự thật và có ý đồ chia rẽ đội ngũ trí thức Việt Nam. Mặc dù trước đó khi chưa thống nhất nước nhà, Trần Đức Thảo có quen biết Boudarel, khi Boudarel là cộng tác viên của Ủy ban Văn hóa đối ngoại Việt Nam. Trần Đức Thảo cho chúng tôi biết, ngay thời điểm ấy, giữa Boudarel và Trần Đức Thảo đã có những quan điểm bất đồng về vấn đề Nhân văn-Giai phẩm. Boudarel thì cho rằng đây đơn thuần là vấn đề chính trị. Nhưng Trần Đức Thảo lại cho rằng nếu có những sai lầm về chính trị thì đó là hậu quả của một lối tư duy triết học siêu hình, bắt nguồn từ Stalin-Fedoseyev (Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô thời Stalin). Trần Đức Thảo đã trao đổi toàn bộ sự việc trên đây với ông Phạm Văn Đồng và ông Nguyễn Văn Linh. Khi được tin Boudarel tập hợp một số nhà trí thức Pháp và trí thức Việt kiều tại Pháp để tổ chức hội thảo về vấn đề Nhân văn-Giai phẩm với ý đồ chống lại nhà nước Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng có trao đổi vối Trần Đức Thảo tại TP. Hồ Chí Minh rằng, Trần Đức Thảo cần có ý kiến về vấn đề này, bởi chỉ ông mới có đầy đủ uy tín để làm việc đó với trí thức Pháp, nhất là trí thức có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Pháp. Ông Phạm Văn Đồng gợi ý Trần Đức Thảo nên sang Pháp để làm việc đó. Trần Đức Thảo nhận lời nhưng ông cũng đề nghị nhân tiện cho ông lưu lại một thời gian ngắn tại Pháp để bổ sung một số tư liệu khoa học và viết nốt mấy tác phẩm mà ông đã có đề cương, về đề tài biện chứng học. Những đề tài này trước đó Trần Đức Thảo cũng đã trao đổi với ông Phạm Văn Đồng. Nội dung sự việc trên được ông Phạm Văn Đồng báo cáo với ông Nguyễn Văn Linh. Ông Nguyễn Văn Linh đồng ý bố trí cho Trần Đức Thảo đi Pháp. Thực hiện sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Linh, ngày 28-1-1991, ông Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, ký Công văn số 624-CV/TƯ cử Giáo sư Trần Đức Thảo sang Pháp để nghiên cứu khoa học. Công văn ấy của Ban Bí thư được gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng tại TP. Hồ Chí Minh. T78, Cơ quan Tài chính Quản trị của Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh đã mời Trần Đức Thảo đến để nhận quyết định trên và chuẩn bị hành trang cho Trần Đức Thảo đi Pháp, cấp kinh phí cho ông ở lại Pháp một thời gian ngắn, tôi nhớ không rõ, hình như là 6 tháng. Ông Phạm Văn Đồng, theo đề nghị của Trần Đức Thảo, đã gửi một số tài liệu để Trần Đức Thảo nghiên cứu. Rất cẩn thận trong việc mang các tài liệu, các tác phẩm của chính mình khi sang Pháp, Trần Đức Thảo đã có thư (ngày 6-3-1991) gửi ông Nguyễn Văn Linh đề nghị cho công an đi theo ông ra sân bay để không bị cản trở khi mang các tài liệu đó. Cơ quan ngoại vụ đã làm đúng theo đề nghị của Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo ở lại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp được một năm, ông thấy thời gian đi quá dự định nên có viết thư báo cáo với Ban Bí thư, đề nghị Đại sứ quán cho ông vay một số tiền để ông hoàn thành việc nghiên cứu khoa học, và ông sẽ hoàn lại số tiền đó cho Đại sứ quán bằng cách in tác phẩm của ông rồi nhờ bà con Việt kiều bán. Sở dĩ nói Trần Đức Thảo đã kéo dài thời gian ở lại Pháp vì khi ông đến Paris thì trước đó ít lâu Boudarel đã qua đời. Trước lúc đi Pháp, Trần Đức Thảo cũng biết Bộ Quốc phòng Pháp đã khởi kiện Boudarel, vì trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Boudarel là hàng binh, đã cộng tác với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc cai quản tù binh Pháp. Phân tích sự việc đó liên hệ với việc Boudarel gợi lại vấn đề Nhân văn-Giai phẩm, Trần Đức Thảo cho rằng Boudarel trở mặt.

Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Ngọc Giao có nhắc đến việc ông và bà con Việt kiều tại Nhà Việt Nam xuất bản tác phẩm Stalin (I). Nhân đây tôi nói thêm một vài ý sau: Trần Đức Thảo rất quan tâm và rất công phu trong việc viết tác phẩm này, bởi lẽ ông cho rằng tư tưởng siêu hình của Stalin đã làm cho chủ nghĩa Mác đi chệch hướng và đưa đến những sai lầm trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô một cách toàn diện từ kinh tế đến chính trị, đến văn hóa, đặc biệt là chính sách đối với con người. Trần Đức Thảo không phân tích về động cơ chính trị của Stalin. Ông quan tâm đến sai lầm trong nhận thức triết học của Stalin, đó là dung tục hóa chủ nghĩa Mác, đến mức rơi vào tư duy siêu hình, biến chủ nghĩa Mác trở thành công cụ chính trị đơn thuần, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của nó. Hơn thế, tư tưởng siêu hình này đã thu hẹp giá trị của chủ nghĩa Mác, không nhận thức được chủ nghĩa Mác có ý nghĩa toàn diện về lịch sử, về xã hội, về triết học. Phê phán Stalin, Trần Đức Thảo nhằm phục hồi giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác để phát triển chủ nghĩa Mác đúng hướng. Sau khi viết tác phẩm bằng tiếng Pháp (cả phần I và phần II), Trần Đức Thảo đã phỏng dịch tác phẩm Stalin ra tiếng Việt. Ông được Giáo sư Trần Văn Giàu bố trí để ông thuyết trình tác phẩm ấy trong Hội thảo thu thập ý kiến của các giới giáo dục và văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh (9/1988). Tuyệt đại bộ phận trí thức Việt Nam hết sức hoan nghên đón nhận công trình nghiên cứu khoa học này của ông, không chỉ lớp trí thức trẻ tuổi mà cả những trí thức cao tuổi, nhất là trí thức công tác tại các trường đại học. Sau cuộc thuyết trình này, ông đã được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học khác mời đến trình bày về tác phẩm ấy. Tôi kể lại điều trên đây để nói rằng Trần Đức Thảo rất cảm ơn ông Nguyễn Ngọc Giao và Nhà Việt Nam đã xuất bản tác phẩm Stalin I. Trần Đức Thảo đã cho chúng tôi xem thư từ liên lạc giữa ông Nguyễn Ngọc Giao với ông, trong đó có cả nội dung thanh toán tiền nhuận bút. Trần Đức Thảo cho chúng tôi biết phải cố gắng lắm ông Nguyễn Ngọc Giao mới thực hiện được việc đó. Có điều Trần Đức Thảo không đồng ý với ông Nguyễn Ngọc Giao là ở trang bìa cuối nói Trần Đức Thảo tham gia viết báo Nhân văn và hiểu đó là thái độ chính trị của Trần Đức Thảo. Không phải như thế, trước sau Trần Đức Thảo vẫn khẳng định việc tham gia viết báo Nhân văn là xuất phát từ nhận thức triết học. Điều ấy Trần Đức Thảo đã có văn bản gửi Trung ương (ngày 20-1-1989). Việc sau khi xuất bản tác phẩm Stalin I, Trần Đức Thảo ít liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Giao, như ông Giao nói, thực hư thế nào tôi không rõ nguyên nhân. Nhưng về phía Trần Đức Thảo, chúng tôi khẳng định rằng, Trần Đức Thảo rất quý trọng Nguyễn Ngọc Giao, không chỉ vì ông Giao đã xuất bản Stalin I, mà vì như Trần Đức Thảo nói với chúng tôi rằng, ông Giao đã khắc phục mọi khó khăn để xuất bản Stalin I, chứng tỏ ông Giao đã đồng cảm với Trần Đức Thảo về một vấn đề khoa học triết học có tầm quan trọng rộng lớn.

Trong bài viết, ông Nguyễn Ngọc Giao có nói đến Trần Đức Thảo đã không nhận được sự hưởng ứng của của thính giả khi ông thuyết trình về Stalin. Về điểm này tôi có mấy ý sau. Một là, Trần Đức Thảo viết thì rất sâu sắc, rất uyên bác. Nhưng Trần Đức Thảo thuyết trình thì không hấp dẫn, không có sức thuyết phục. Tất cả học trò của Trần Đức Thảo ở Việt Nam đều có nhận xét như vậy. Hai là, những người đi nghe Trần Đức Thảo thuyết trình tại Pháp phần lớn hoặc là môn đệ của Louis Althusser hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Althusser, họ khó lòng có sự đồng cảm với Trần Đức Thảo vốn là người bác bỏ tư tưởng của Althusser về chủ nghĩa lý luận không có con người (con người nói chung) đưa đến hậu quả tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, gây nhiều đau khổ cho nhân dân các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhất là trong chính sách cải tạo nông nghiệp-nông thôn và cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Ba là, có nhiều người tuy phản đối Althusser, phản đối tư tưởng Stalin, nhưng lại ngộ nhận rằng tư tưởng Stalin và Althusser chính là chủ nghĩa Mác, cho nên họ đi đến phủ nhận, chống đối chủ nghĩa Mác. Trong lúc đó, Trần Đức Thảo đã bảo vệ và phát triển những giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác, và phát triển chủ nghĩa Mác lên một đỉnh cao mới: Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản.

Ông Nguyễn Ngọc Giao có nói đến bà con Việt kiều muốn Trần Đức Thảo chọn con đường tự do để có điều kiện tiếp tục sáng tạo khoa học, và như ông Giao nói, Trần Đức Thảo đã đồng ý nhưng chưa thực hiện được việc đó thì Trần Đức Thảo qua đời. Nhân đây chúng tôi muốn nói: nguyện vọng tha thiết của Trần Đức Thảo là muốn tìm chân lý khoa học để giải phóng con người, mà đặc biệt là muốn tìm con đường triết học để con người Việt Nam tự giải phóng. Vì lẽ đó Trần Đức Thảo luôn luôn tha thiết được sống và làm việc tại Việt Nam. Những ngày cuối đời, nhà thơ Huy Cận có hỏi Trần Đức Thảo: “Bao giờ anh về nước?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Nhất định phải về thôi”. Trần Đức Thảo nói với Huy Cận: “Tôi đã nói với anh Hồng Hà (Bí thư Trung ương Đảng) rằng không hẳn trở về nước thì mọi việc sẽ thuận lợi cho tôi, nhưng nhất định tôi phải về Việt Nam bởi vì tôi nhận thức rằng một cá nhân như tôi nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung có thua kém bất kỳ một dân tộc nào khác trên thế giới đâu. Chúng ta hoàn toàn có khả năng tự giải phóng để vươn tới tự do. Cuộc cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự kỳ diệu đó. Điều ấy tôi đã chiêm nghiệm rất kỹ trong lúc bị Nhà nước Pháp bắt bỏ tù (1945-1946) khi tôi phản đối thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương. Không có con đường nào khác, con người phải đấu tranh tự giải phóng để được làm người theo đúng ý nghĩa của nó. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tôi đến sự sáng tạo: hình thành tư tưởng tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng”. Khi kể lại với Huy Cận như trên, Trần Đức Thảo vỗ vai Huy Cận, đầy xúc động, ông nói: “Thơ anh hay không chỉ vì anh hiểu sự người, hiểu cuộc đời nhân thế, mà còn bởi vì anh hiểu sự sống, hiểu tự nhiên, hiểu vũ trụ”. Huy Cận nói lại với chúng tôi, khi nói điều trên Trần Đức Thảo nước mắt lưng tròng.

Chúng tôi viết mấy điều trên đây nhằm để một phương diện nào đó hiểu rõ được tại sao Trần Đức Thảo đã sang Pháp từ tháng 3 năm 1991 rồi qua đời tại Pháp vào ngày 24 tháng 4 năm 1993. Viết những điều này một lần nữa tôi muốn khẳng định: ông Nguyễn Ngọc Giao và Trần Đức Thảo rất quý trọng nhau.

Tôi muốn viết điều cuối cùng là để chia sẻ suy nghĩ với ông Nguyễn Ngọc Giao về một vấn đề mà tôi cũng băn khoăn như ông, thậm chí ở tôi có phần đau khổ vì rất thương Trần Đức Thảo. Đó là, Trần Đức Thảo có tâm sự nặng nề, gần như mặc cảm tâm thần: luôn luôn lo sợ bị theo dõi và bị kiểm thảo. Đúng thế, cuộc kiểm thảo ông về Nhân văn-Giai phẩm mà sau này trong báo cáo: “Về vấn đề Nhân văn” gửi Trung ương (ngày 20-1-1989), ông có nói rằng lối kiểm thảo như thế làm cho con người đánh mất lòng trung thực. Mà điều đó thì rất đáng sợ đối với một nhà khoa học. Ông cho rằng một trong những điều kinh khủng nhất của tư tưởng Mao Trạch Đông là đã sáng tạo ra cái gọi là tự kiểm thảo. Cần nói rõ, tự kiểm thảo hoàn toàn khác với phê bình và tự phê bình. Tự kiểm thảo là chính sách bạo lực truy bức tư tưởng, phối hợp bắt con người tự tẩy não, với việc tạo áp lực số đông tố cáo, tố khổ đã sát hại không biết bao nhiêu trí thức, cán bộ của Trung Quốc, trong đó có những nhân vật kỳ tài như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân, Bành Đức Hoài… Chính sách đó thật là kinh khủng, bởi vì nó dẫn con người đến con đường tự phủ nhận mình, tự bôi đen mình, thậm chí tự bịa đặt ra mọi điều để tự mình tiêu diệt mình. Có lẽ cả ở phương diện ấy, Trần Đức Thảo vẫn tư duy triết học. Trần Đức Thảo đã có lần nói với chúng tôi: “Nếu cứ tiếp tục kiểu đó không khéo mình cũng không dám nhận mình là người Việt Nam nữa, chứ đừng nói đền mình là một trí thức”. Trước sau Trần Đức Thảo rất thương người, tìm cách bảo vệ con người.

Đọc bài viết của ông Nguyễn Ngọc Giao, chúng tôi vừa quý trọng ông đã có tình cảm nồng hậu đối với Trần Đức Thảo, vừa nhận thức được rằng Trần Đức Thảo rất hạnh phúc bởi vì thiên tài lỗi lạc của ông được cuộc đời đón nhận. Nhưng có một điều mọi người cần thông cảm với Trần Đức Thảo là, ông luôn luôn đòi hỏi mình rất cao, nghiêm túc về tư duy triết học cho đến việc chọn lựa các hình thức ngôn từ để diễn đạt tư tưởng. Trần Đức Thảo không bao giờ tự vừa lòng với những gì mình đã công bố, bởi thế ông từng viết đi viết lại nhiều lần về một vấn đề, nếu không phát triển về nội dung thì cũng phát triển về hình thức diễn đạt. Có lẽ vì phong cách sáng tạo như vậy, nên trong cuộc đời, Trần Đức Thảo ít nhiều cảm thấy cô đơn. Bài viết của ông Nguyễn Ngọc Giao cho tôi thấy sự cô đơn ấy của Trần Đức Thảo bớt đi ít nhiều./.

 

TP. Hồ Chí Minh, 18/9/2011

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522442

Hôm nay

2299

Hôm qua

2290

Tuần này

21216

Tháng này

220381

Tháng qua

121009

Tất cả

114522442