Cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương với Văn hóa Nghệ An sẽ được tiếp tục với câu chuyện về quá trình đàm phán về Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) mà ông Lương là người trong cuộc với trách nhiệm trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam.
Cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương với Văn hóa Nghệ An sẽ được tiếp tục với câu chuyện về quá trình đàm phán về Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) mà ông Lương là người trong cuộc với trách nhiệm trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam.
Con đường đi đến BTA và ý nghĩa của nó với sự chuyển động phát triển của Việt Nam như thế nào? Hy vọng nội dung câu chuyện sẽ phần nào đó đáp ứng được sự quan tâm của bạn đọc.
Phan Văn Thắng: Thưa ông, chúng ta đã trao đổi với nhau về luật chơi trong nền kinh tế thế giới hiện đại, với ý nghĩa là thế giới đã là một sân chơi chung. Hôm nay chúng tôi muốn ông nói cụ thể hơn, ta đã đi vào sân chơi chung đó như thế nào, hay đã đàm phán thế nào để được vào sân chơi chung đó?
Nguyễn Đình Lương: Hai đoàn đàm phán Việt Nam và Hoa kỳ gặp nhau mấy vòng đầu chủ yếu là để phía Hoa Kỳ nêu câu hỏi, có hàng trăm câu hỏi. Phía Việt Nam giới thiệu hiện trạng nền kinh tế Việt Nam, giới thiệu hệ thống luật lệ quản lý về điều hành nền kinh tế Việt Nam. Nghe xong Đoàn Hoa Kỳ hoang mang và thấy sợ.
Khác với thế giới, khác với Hoa Kỳ, ở Việt Nam lúc đó, cái gì cũng của Nhà nước và chỉ có Nhà nước. Nhà nước quản lý, Nhà nước kinh doanh…
Phan Văn Thắng: Rõ ràng Việt Nam không giống ai. Ta là Ta. Mỹ là Mỹ! Rồi sau đó thế nào thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Lúc đó lãnh đạo bảo tôi: Ông Lương chuẩn bị một bản dự thảo Hiệp định trao cho phía Mỹ, để ta chủ động trong đàm phán.
Trước đây đàm phán với Liên Xô và Đông Âu XHCN, tôi là một chuyên gia văn bản Hiệp định, nhưng hôm nay, với Mỹ chắc chắn là chơi kiểu khác, kiểu gì tôi chưa biết. Vả lại ở ta lúc đó, mỗi người một ý, thiên về chính trị nhiều hơn, tôi không thể "tóm" được, mà đưa hết những ý muốn đó vào phương án đàm phán thì tôi sẽ "chết tắc" trên bàn đàm phán. Tôi đành đề nghị phía Hoa Kỳ chuẩn bị dự thảo Hiệp định.
Phan Văn Thắng: Làm vậy, liệu có là trao quyền chủ động cho phía Hoa Kỳ? Làm vậy, ông không sợ lãnh đạo phê bình ạ?
Nguyễn Đình Lương: Trong trường hợp này, rõ ràng là trao quyền chủ động cho Hoa Kỳ, khi mà ta chưa có khả năng chủ động. Người Mỹ, với những sức mạnh ghê gớm của mình, họ quen áp đặt trong đàm phán. Giàu mạnh như Nhật Bản, Châu Âu cũng “ngán” Mỹ về khoản này.
Nhưng là nước lớn, họ cần giữ thể diện trên trường quốc tế, người Mỹ cũng đàng hoàng, khi thấy các đối tác đúng, có lý, thì họ chấp nhận.
Cứ để cho phía Mỹ nêu hết điều họ muốn rồi ta đàm phán. Luật chơi trong đàm phán là khi đàm phán chưa kết thúc thì chưa có điều gì được coi là “chốt” cả.
Việt Nam đã có kinh nghiệm phong phú qua đàm phán Paris. Riêng tôi, tôi cũng đã có những trải nghiệm qua nhiều năm đàm phán kinh tế với các nước.
Điều quan trọng là mình phải biết làm cho đúng, mình phải xác định trách nhiệm trước dân tộc, trước lịch sử. Không nhất thiết phải nhìn vào mắt lãnh đạo để tìm lời nói và hành động cho mình.
Phan văn Thắng: Rồi diễn tiến sau đó như thế nào, thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Ngày 12/4/1997, Đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội, trao cho chúng tôi dự thảo một "Hiệp định tổng thể" gồm các chương: "Thương mại hàng hóa; Quyền Sở hữu trí tuệ, Phát triển quan hệ đầu tư, Thương mại dịch vụ… Đó là dự thảo Hiệp định thương mại song phương đầu tiên phía Hoa Kỳ thiết kế trên nguyên tắc và chuẩn mực WTO. Những Hiệp định Hoa Kỳ ký trước đó với các nước chưa theo WTO, vì khi đó chưa có WTO.
Phan Văn Thắng: Cảm giác đầu tiên của ông khi xem bản dự thảo đó?
Nguyễn Đình Lương: Mang về nhà ngồi đọc, đọc xong, tôi thấy choáng. Những điều nêu ra trong bản dự thảo phần lớn là xa lạ với chúng tôi, nó hoàn toàn mới mẻ, thậm chí có cả những khái niệm, nhiều từ ngữ chưa có trong tiếng Việt.
Phan Văn Thắng: Nhưng các ông đã không chịu thua? Các ông xử lý thế nào?
Nguyễn Đình Lương: Việc đầu tiên là chia nhau ra để nghiên cứu, chuẩn bị. Chương "Phát triển quan hệ đầu tư" do nhóm đầu tư của anh Đinh Văn Ân, Vụ trưởng Vụ pháp luật đầu tư, Bộ Kế hoạch đầu tư (anh Ân hiện nay là trợ lý Tổng Bí thư) chuẩn bị. Chương Quyền sở hữu trí tuệ: Phần sở hữu công nghiệp do anh Phạm Đình Chướng, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ chịu trách nhiệm. Phần bản quyền tác giả do anh Đỗ Khắc Chiến, quyền Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thông tin chuẩn bị. Phần thuế xuất nhập khẩu trong chương Thương mại hàng hóa do anh Hà Huy Tuấn, Vụ trưởng Bộ Tài chính (anh Tuấn hiện là Phó chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia) chuẩn bị. Phần tổng hợp phương án chung và phần thương mại hàng hóa,….. do Trưởng đoàn đàm phán và nhóm Thương mại chịu trách nhiệm. Trưởng đoàn đàm phán tổng hợp báo cáo cấp trên.
Phan Văn Thắng: Nhưng lúc đó các ông chưa hiểu luật chơi tư bản?
Nguyễn Đình Lương: Khi đó ở Hà Nội đã có nhiều giáo sư kinh tế, nhưng họ chỉ chuyên sâu kinh tế XHCN, kinh tế kế hoạch, không ai giúp được chúng tôi. Tôi tìm gặp GS.TS Nguyễn Xuân Oánh. Cụ Nguyễn Xuân Oánh tốt nghiệp bằng tiến sĩ kinh tế ở Đại học Harvard những năm 50. Cụ đã làm việc ở Ngân hàng thế giới, về nước cụ làm Thống đốc Ngân hàng rồi Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của chính quyền Sài Gòn và đã từng làm Quyền Thủ tướng.
Sau giải phóng 1975, cụ và phu nhân, bà Thẩm Thúy Hằng "Nữ hoàng sắc đẹp" ở lại phục vụ đất nước. Cụ từng làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cụ lúc đó là Đại biểu Quốc hội CHXHCN Việt Nam, Ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ rất thương tôi, tôi rất quý cụ. Những lần ra Hà Nội làm việc, cụ thường ghé vào tôi ở Bộ Thương mại. Ông con đàm đạo về những vấn đề kinh tế quốc tế.
Lúc này, gặp khó, tôi đến tìm cụ…. Đọc xong bản dự thảo Hiệp định của Hoa Kỳ, cụ bảo: khó, rất khó. Những vấn đề ở đây mới có từ ngày ra đời Tổ chức Thương mại thế giới WTO mà cụ chưa có thời gian cập nhật. Cụ khuyên tôi phải đi tìm tư vấn quốc tế.
Phan Văn Thắng: Thế rồi các ông phải đi tìm tư vấn quốc tế? Ở thời đó, Việt Nam chưa quen sử dụng tư vấn quốc tế?
Nguyễn Đình Lương:Cứ đi tìm hiểu xem thiên hạ họ làm thế nào đã. Tôi bay qua Bắc Kinh để học kinh nghiệm. Điều tôi cần biết về việc họ đang đàm phán với Mỹ thì họ chỉ nói chung chung, vì cuộc đàm phán lúc đó còn bế tắc, còn bí mật. Tôi bay qua Moskva, gặp bạn bè cũ. Nga đang khó cả về đường lối. Tôi bay qua Warsava, các bạn Ba Lan thoải mái nói luôn: Ba Lan coi Hiệp định thương mại với Mỹ là cái hộ chiếu Ba Lan phải có để vào EU và NATO, cho nên không phải đàm phán gì nhiều (Ba Lan và Mỹ ký từ 1994).
Tôi bay qua Budapest, ông bạn tôi lúc đó đảm nhận chức Trợ lý Bộ trưởng kinh tế, ông ấy bảo tôi: Ở Bộ kinh tế Hungari có một số chuyên gia giỏi về kinh tế quốc tế. Ông Lương về nước xin một cái công hàm chính phủ Việt Nam, qua đây tôi giải quyết cho một khoản viện trợ vài ba trăm ngàn đô, để cử các chuyên gia này sang giúp ông.
Tôi mừng quá, về nhà báo cáo, chính phủ đồng ý ngay. Nhưng chỉ mấy hôm sau, chính phủ Đảng dân chủ Hungari của ông bạn tôi bị lật đổ. Thế là tắc.
Phan Văn Thắng: Quả là vất vả! Việt Nam lúc đó, không những không sử dụng tư vấn tư bản mà cũng không có tiền để thuê tư vấn tư bản, rồi ông xử lý vấn đề này thế nào thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Chúng tôi xác định tự mình giải quyết vấn đề của mình. Chúng tôi mạnh dạn xin chính phủ cho phép sử dụng tư vấn Hoa Kỳ ở một vài nội dung khó, mới.
Người hỗ trợ chúng tôi lúc này là bà Ginny Foote. Bà Foote là một luật sư, một phụ nữ xinh xắn, hiền hòa, tận tụy. Gần như cả đời bà gắn bó với Việt Nam, gắn bó với quá trình phục hồi và phát triển quan hệ Mỹ - Việt. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, bà có quan hệ với giới chức và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bà đã phối hợp tổ chức cho nhiều đoàn, kể cả đoàn cấp cao Việt Nam thăm Hoa Kỳ, hay các đoàn của Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Với những công lao đóng góp, chính phủ Việt Nam đã tặng bà Huy chương Hữu nghị. Với cuộc đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, bà đặc biệt quan tâm, bà sẵn sàng làm bất cứ việc gì để giúp cuộc đàm phán thành công.
Bằng tiền quyên góp của các tập đoàn Mỹ đang muốn làm ăn ở Việt Nam như tập đoàn Citibank, Boing…, bà đã mời một số chuyên gia Mỹ sang Việt Nam tư vấn cho chúng tôi vài vấn đề. Đặc biệt, bà cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin quan trọng như nội dung cuộc đàm phán và cam kết của Trung Quốc trong cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về việc Trung Quốc gia nhập WTO, cung cấp cho chúng tôi bản cam kết WTO của một số nước có hoàn cảnh giống Việt Nam như Bungari, Rumani và một số nước Châu Phi… Bà và tôi có quan hệ bạn bè tốt, rất hiểu nhau nên dễ làm việc.
Phan Văn Thắng: Xin ông kể tiếp những chuyện xảy ra sau đó?
Nguyễn Đình Lương: Phải thật hiểu, phải nắm được luật chơi WTO, tìm hiều cam kết của các nước, trước hết những nước có hoàn cảnh tương tự, trình độ phát triển tương tự khi họ gia nhập WTO. Đối chiếu với hệ thống luật lệ Việt Nam, xem chỗ nào khớp, chỗ nào lệch, chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu… để rồi giải quyết các vấn đề theo nguyên tắc của ta, quan điểm của ta.
Những nguyên tắc, quy định của WTO lúc đó như: nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, nguyên tắc kinh tế mở, nguyên tắc luật pháp phải minh bạch công khai, phải đồng bộ, thống nhất, dễ hiểu, dễ thực thi.v.v.. là hoàn toàn khác lạ với cách tiếp cận của luật pháp Việt Nam lúc bấy giờ - Luật pháp để quản lý, điều hành một nền kinh tế bao cấp, khép kín và phân biệt đối xử.
Chấp nhận luật chơi WTO, chúng ta phải làm mới, bổ sung sửa đổi, hệ thống luật pháp hiện hành, cả về dân sự, hình sự, kinh tế, Sở hữu trí tuệ….
Nhận thức được rằng, đây là cơ hội để rời khỏi kinh tế bao cấp, rời khỏi tình trạng trì trệ, bùng nhùng trong kinh tế. Đoàn đàm phán quyết tâm hành động, quyết tâm thực hiện thành công cuộc đàm phán này.
Phan Văn Thắng: Đoàn đàm phán của ta đã tìm ra được giải pháp và thiết kế được phương án như thế nào để trình cấp trên xét?
Nguyễn Đình Lương: Khi nắm chưa chắc luật chơi, chưa thiết kế được phương án đàm phán theo ý muốn, chúng tôi đưa phương án cao, thật cao. Ví dụ tại vòng 5 ở Washington, chúng tôi đưa phương án 2020 nghĩa là tất cả phải đến năm 2020 Việt Nam mới đáp ứng được những chuẩn mực của WTO.
Đó chỉ là phương án để "câu giờ" khi chưa sẵn sàng và để "chọc" cho phía Hoa Kỳ phản ứng. Sự phản ứng gay gắt từ phía Hoa Kỳ lúc đó giúp chúng tôi hiểu sâu hơn ý đồ, mục tiêu của họ, hiểu thêm những vấn đề gì là nguyên tắc phải chấp nhận, những vấn đề gì có thể đàm phán. Và cũng quan trọng là qua sự phản ứng gay gắt từ phía Hoa Kỳ, các cấp, các ngành Việt Nam hiểu được cái khó của cuộc đàm phán, bởi có nhiều nơi chưa muốn chấp nhận chuẩn mực WTO.
Phan Văn Thắng : Và đến lúc nào Đoàn ta đưa ra được phương án đàm phán của Việt Nam?
Nguyễn Đình Lương. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã lên được phương án đàm phán và giải trình phương án để cấp trên chấp thuận.
Ngày 16/5/1998, vòng đàm phán thứ 8 tiến hành tại Washington. Trước đó, qua Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, chúng tôi đã gửi bản dự thảo phương án của Việt Nam
Trong bản sự thảo đó, so với bản dự thảo của Hoa Kỳ, có nhiều sự thay đổi. Có điều khoản phải xóa đi viết lại như điều khoản về "Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại" thuộc chương Phát triển quan hệ đầu tư. Thậm chí toàn bộ chương "Thương mại dịch vụ" thiết kế mới, thay đổi cách tiếp cận. Mỹ đề xuất là mở cửa hoàn toàn mọi lĩnh vực dịch vụ, cái gì không chơi được thì bảo lưu qua đàm phán. Ta đổi sang cách tiếp cận của Việt Nam: chơi cái gì cam kết cái đó, chơi đến đâu cam kết đến đó. Cái gì chưa cam kết là chưa chơi. Cách tiếp cận này phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.
Sáng ngày 16/5/1998 cuộc đàm phán bắt đầu. Nhìn sang bàn phía Hoa Kỳ, ngoài ông Peter Peterson, Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội về dự, có một loạt quan chức quan trọng của Hoa Kỳ, đó là Đại sứ Hoa Kỳ ở WTO, là các Trưởng đàm phán của Hoa Kỳ ở các lĩnh vực SHTT, đầu tư, dịch vụ…
Buổi đàm phán bắt đầu từ câu phát biểu của ông Joe Damond - Trưởng đoàn Hoa Kỳ: "Chúng tôi quá ngạc nhiên về sự tiến bộ của đoàn Việt Nam, được đàm phán với một đối tác như các ông chúng tôi thấy sung sướng". Hoa Kỳ chấp nhận lấy dự thảo của Việt Nam để đàm phán tiếp.
Cuộc đàm phát từ đó đi vào đàm phán thực chất, đi vào đàm phán các lộ trình mở cửa.
Thật vui, khi này, ở đây, trong cuộc đàm phán này, chúng tôi đã là những đối tác bằng vai phải lứa được các đối tác Hoa Kỳ tôn trọng, thực sự tôn trọng.
Đến ngày 25/7/1999 vòng thứ 9 diễn ra tại Hà Nội đàm phán cơ bản xong, còn một số chi tiết phải tiếp tục xử lý.
Tại đây. Ông Joe Damond - Trưởng đoàn Hoa Kỳ và tôi - Trưởng đoàn Việt Nam ký văn bản "Thỏa thuận về nguyên tắc Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ".
Phan Văn Thắng: Tháng 7/1999 hai bên ký Thỏa thuận về nguyên tắc, tại sao lại phải tới tháng 7/2000 Hiệp định mới được ký kết? Nghe nới Việt Nam và Hoa Kỳ đã định ký Hiệp định này tại Hội nghị APEC, ở Auckland, New Zealand tháng 11/1999 sao lại không ký được? Lý do gì thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Cuối tháng 8/1999 Đoàn chúng tôi bay qua Washington đàm phán vòng 10 để hoàn tất văn bản và kết luận một số vấn đề chưa thống nhất. Trong cuộc đó, phía Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam chấp nhận ký tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Auckland, New Zealand, có quốc tế đông đủ chứng kiến, có lãnh đạo cấp cao hai nước dự. Nếu Việt Nam chấp nhận ký tại Auckland, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết tại chỗ.
Về nước, chúng tôi báo cáo tình hình, lãnh đạo nhất trí cho ký tại APEC, Auckland.
Trước ngày APEC sắp họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, để cho chắc ăn bay sang Hà Nội đôn đốc việc này.
Một câu nói ngoại giao nào đó không chuẩn. Hà Nội bỏ cuộc, thôi không ký.
Buồn hơn nữa là nhân việc bỏ không ký nhiều nơi tranh thủ đóng góp thêm ý kiến, nêu nhiều vấn đề phức tạp, khó xử cho cuộc đàm phán.
Phan Văn Thắng: Họa vô đơn chí! Lý do Việt Nam bỏ cuộc là gì thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Như tôi đã nói. Cái bóng ý thức hệ còn treo trên đầu. Người Việt, người Mỹ kiên quyết không tin nhau cho dù đã nói đi nói lại là sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Một cuộc chiến tranh quá khốc liệt, nỗi đau chiến tranh quá lớn mà người Mỹ để lại trong lòng xã hội Việt Nam.
Sa chân thì đỡ lại, sa miệng đỡ không lại. Khi hờn giận nổi lên thì đủ thứ suy diễn…
Phan Văn Thắng: Câu chuyện của ông làm tôi hồi hộp quá. Xin ông kể tiếp, sau đó ta phải làm gì?
Nguyễn Đình Lương: Chúng tôi phải giải trình lại cho rõ. Bản thân tôi đã phải viết ba tập giải trình đến cả trăm trang, giải thích tiếp vấn đề của các cơ quan thắc mắc, chưa hiểu. Gửi giải trình xong, không thấy ai nói lại gì cả!
Coi im lặng là đồng ý, chúng tôi lại làm tờ trình xin đàm phán tiếp.
Sau khi được sự chấp thuận của cấp trên, với tư cách Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, tôi gửi thư mời Đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội để kết thúc đàm phán.
Phan Văn Thắng: Phản ứng của phía Hoa Kỳ về thư mời của ông thế nào thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Im luôn. Không trả lời. Không No. Không Yes.
Sau này, khi mọi việc xong xuôi, tôi hỏi, tại sao khi đó phía Hoa Kỳ không trả lời. Các bạn Mỹ cho tôi biết: Chuyện xảy ra ở Hà Nội trước APEC là một cú sốc mạnh đối với Hoa Kỳ. Đoàn đàm phán Hoa Kỳ được lệnh cấm không được bàn bất cứ điều gì với Việt Nam. Họ cho rằng ở thời điểm hiện tại, với tình hình hiện tại, hai bên không thể gặp nhau.
Phan Văn Thắng: Rồi sau đó Hiệp định lại ký được vào tháng 7/2000. Yếu tố nào, những cuộc vận động nào đưa tới sự kiện này thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Số là sau đó, ở Hà Nội, đầu năm 2000, có một số cán bộ được luân chuyển, thay đổi một số bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ thương mại. Đây là luân chuyển bình thường, là công việc nội bộ, Đảng ta vẫn triển khai đều đều để bồi dưỡng cán bộ.
Nhưng, sau này, các bạn Mỹ nói lại với tôi rằng: phía Hoa Kỳ coi sự luân chuyển cán bộ đó, đưa một nhà ngoại giao về làm Bộ trưởng Bộ trương mại là sự thay đổi thái độ của Việt Nam đối với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và qua tìm hiểu bằng những con đường không chính thức phía Hoa Kỳ biết Việt Nam sẵn sàng ký.
Nhưng để cho chắc ăn, người Mỹ tính bài mời Bộ trưởng Việt Nam sang Washington để ký, với ý tứ là Bộ trưởng Việt Nam sang Washington thì phải ký, không thể về tay không, về tay không là một scandal ngoại giao lớn. Và thế là, tại Washington, ngày 13/7/2000, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được hai Bộ trưởng ký kết sau khi hai Trưởng đoàn đàm phán, ông Joe Damond và tôi, phải ký mỗi người gần 600 chữ ký vào từng trang của Hiệp định, cả văn bản tiếng Việt và văn bản tiếng Anh.
Sau những năm tháng cùng vất vả, ông Joe Damond và tôi nể trọng nhau, tin nhau. Điều đó cũng giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề nhẹ nhàng hơn.
Sau đó để cho Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cũng còn là một “cuộc chiến” gian nan. Câu chuyện quan hệ Việt - Mỹ chưa thể là câu chuyện đơn giản. Nhưng ta có Đảng lãnh đạo. Hiệp định đã được phê chuẩn với Nghị quyết "NĐ48/2001-QH về sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ".
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 10 (2001-2005) phải xây mới, bổ sung, sửa đổi 137 dự án luật trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội đưa kinh tế Việt Nam rời khỏi đường ray bao cấp, tiến vào kinh tế thị trường.
Phan Văn Thắng: Nghe chuyện của ông, thấy các ông vất vả quá, chắc là ông hạnh phúc khi làm được một việc có ích cho đời. Cảm giác của ông lúc ký Hiệp định và hôm nay thế nào thưa ông?
Nguyễn Đình Lương: Lúc Hiệp định ký, cảm giác của tôi đơn giản là cảm giác của một ông thợ cày, cày xong thửa ruộng, ngồi lên bờ, rít điếu thuốc lào, nhả khói lên trời.
Khi chúng tôi bắt đầu cuộc đàm phán, hàng ngày đi làm qua phố thấy người thất nghiệp đứng đường nhiều quá, tôi cứ mơ làm sao để giảm bớt. Nay sau 18 năm Hiệp định vào hiệu lực, cảnh đó vẫn còn nhưng đã bớt đi rất nhiều, kinh tế đất nước phát triển nhanh, và đang hội nhập ngày càng sâu vào thế giới. Tôi rất vui…
Phan Văn Thắng: Xin cảm ơn ông.
Độc giả VHNA, có lẽ còn muốn ông kể tiếp những câu chuyện về hội nhập của đất nước. VHNA mong được cùng ông tiếp tục câu chuyện.
……………………
Kỳ sau: CPTPP và EVFTA sẽ đưa Việt Nam vào sâu trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
2149
2291
22113
219011
121009
114521072