Người xứ Nghệ

"Cầu đã bắc rồi, phà ở đâu?"

Chọn nghề

Sinh năm 1942, từ nhỏ, Nguyễn Đăng Chế được gia đình cho học hành đầy đủ. Năm 1961, tốt nghiệp phổ thông, ông ra Hà Nội học tiếp. Yêu thích văn thơ, nhưng ông lại chọn học trường giao thông vận tải. “Gia đình tôi có truyền thống yêu thích thơ ca. Ông nội tôi là nho sĩ Nguyễn Thế Mỹ, ông tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và làm nhiều thơ ca. Cha tôi là Nguyễn Đăng Khầm, là một nghệ sĩ, từng công tác tại Ty Văn hóa, là một người rất say mê với thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật. Tôi và các anh em từ nhỏ cũng được thừa hưởng những tố chất nghệ sĩ, và hiện nay mấy anh em vẫn tham gia hoạt động văn học. Nhưng lúc đó, với chúng tôi, thơ ca là sự yêu thích, mà không có định hướng sẽ theo một nghề liên quan. Tôi lựa chọn học giao thông vận tải vì mong muốn được đi  nhiều, được tham gia mở những con đường mới. Và hơn nữa, trong hoàn cảnh chiến tranh, học giao thông sẽ có nhiều điều kiện tham gia và đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Sau này, khi mọi việc ổn định hơn, tôi mới trở lại với sở thích thơ ca, dù nó luôn là một phần trong tôi qua từng giai đoạn”, ông Chế chia sẻ. Năm 1964, tốt nghiệp và được phân công về công tác tại Ty Giao thông Vận tải Nghệ An, tham gia vào đội khảo sát thiết kế đường bộ đi tìm và mở các con đường đi lên vùng biên giới Việt-Lào. Năm 1966, ông được giao làm đội trưởng đội khảo sát đường sông. Đến năm 1968, thời điểm giặc Mỹ điên cuồng đánh phá, thả nhiều bom đạn xuống khu vực sông Lam nhằm ngăn chặn tuyến giao thông bắc - nam, Nguyễn Đăng Chế được cử làm đại đội trưởng đại đội rà phá bom từ trường dọc sông Lam từ Bến Thủy lên đến Nam Đàn. Cuối năm 1968, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ dừng lại, ông quay về công tác tại văn phòng Ty. Đến giữa năm 1969, Nguyễn Đăng Chế được lãnh đạo Ty Giao thông Vận tải cử ra làm Trưởng phà Bến Thủy, một điểm nút giao thông quan trọng lúc bấy giờ. Cũng từ đó, tuổi thanh xuân của ông gắn với những ngày tháng bão lửa của “cửa tử” này.

Người trưởng phà trẻ tuổi

Trước khi Nguyễn Đăng Chế về đây, phà Bến Thủy đã là một đơn vị anh hùng. Ban đầu, đây là Đại đội công binh Bến Thủy do quân đội quản lý. Thực chất, đây là lực lượng hợp thành của 3 đơn vị là đại đội pháo binh Hoàng Mai, đại đội pháo binh Nam Đàn và đại đội công binh Bến Thủy. Đến năm 1967, đơn vị này được chuyển qua cho Ty Giao thông quản lý. Năm 1968, Phà Bến Thủy được phong đơn vị anh hùng LLVTND. Chuyển một đơn vị thiện chiến như vậy từ quân đội sang cho bên giao thông quản lý là một vấn đề chẳng dễ dàng. Giao cho ai trách nhiệm về quản lý đơn vị này là một vấn đề mà lãnh đạo Ty Giao thông phải suy nghĩ nhiều. Sau nhiều cuộc thảo luận, Trưởng Ty Lê Viết Cống đã có quyết định táo bạo là giao cho Nguyễn Đăng Chế về làm Trưởng phà Bến Thủy. Là một quyết định táo bạo bởi lúc đó, Nguyễn Đăng Chế mới 27 tuổi, dù có mấy năm tham gia giao thông nhưng ông không phải xuất thân từ quân đội, trong khi lực lượng cốt cán của phà chủ yếu là từ quân nhân chuyển qua. “Khi tôi chuyển qua, trong đơn vị toàn những người lão luyện, đầy kinh nghiệm, và có người đã được phong anh hùng. Làm sao để mọi người chấp nhận và đoàn kết cùng làm việc là một vấn đề nan giải. Ngày đó, một khi trên giao nhiệm vụ thì chỉ cố gắng chấp hành chứ không có việc từ chối hay lựa chọn. Vậy nên chỉ tự bảo mình là cố gắng làm tốt nhiệm vụ. Phải dũng cảm đi đầu thì người khác mới phục, mới tập hợp được mọi người”. Ông Chế kể lại. Ông Nguyễn Ngọc Long, một đồng đội đã sát cánh bên ông nhiều năm ở phà chia sẻ: “Lúc anh Chế về, không phải ai cũng phục, nhất là những người đã có nhiều năm làm việc ở phà, đã vượt qua nhiều gian khổ hy sinh cùng với phà. Nhưng rồi với tính cách trung thực, thẳn thắn, nói là làm, thấy nguy hiểm thì đi lên phía trước, anh Chế đã làm cho mọi người yêu mến và nể phục. Vào thời điểm đó, người ta không sợ cái oai của thủ trưởng, nhưng ghi nhận và nể phục tinh thần dũng cảm, dám hy sinh và luôn sát cánh với mọi người. Anh Chế làm được điều đó nên nhanh chóng tập hợp được anh em đoàn kết lại để hoàn thành nhiệm vụ”.

Phà Bến Thủy lúc đó có khoảng 200 người, chủ yếu là quê Nghệ An, Hà Tĩnh và một số ở Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa… Cả đơn vị được chia làm nhiều tổ với các nhiệm vụ khác nhau và làm việc theo ca. Ban Quản lý gồm trưởng phà Nguyễn Đăng Chế và 2 phó là Nguyễn Hữu Tùng và Nguyễn Văn Liên. Lúc Mỹ bắn phá ác liệt nhất, đơn vị được tăng cường thêm khoảng 100 người nữa để bổ sung, thay thế cho những người bị thương và hy sinh. Năm 1972, Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, Phà Bến Thủy trở thành một trong những điểm bị bắn phá ác liệt nhằm ngăn chặn các đoàn xe chi viện vào chiến trường miền Nam. Máy bay địch liên tục oanh tạc nên toàn bộ phải chuyển hoạt động từ ngày sang đêm. Các tổ cũng phải đào hầm trong núi Quyết để sinh hoạt, thay ca nhau làm việc và đào hào từ chân núi ra đến bến phà. Để sơ tán và ngụy trang những con phà to lớn là điều không dễ; phải kéo các phà về dọc bờ sông, lấy các cây nứa, mét kết lại thành bè quanh phà rồi rải cỏ lên, giống như bờ sông để ngụy trang, hoàng hôn thì kéo phà ra rạng sáng thì kéo phà về. Mọi công việc ở mọi vị trí đều luôn cận kề nguy hiểm. Nguyễn Đăng Chế là trưởng phà, hàng ngày phải tham gia hầu hết các việc của đơn vị, vừa xử lý các vấn đề, vừa đi khảo sát để nắm tình hình. Có lần trúng bom bị thương ở chân, nhiều người bảo phải vào bệnh viện để điều trị nhưng ông nhất quyết không chịu. “Dưới làn bom đạn như vậy, ai cũng có thể bị thương. Nếu cứ bị thương mà nghỉ nhiệm vụ thì sẽ không đủ người để làm. Mình là thủ trưởng thì càng phải làm gương để giữ vững tinh thần cho mọi người. Phải dũng cảm đi đầu và không ngại hy sinh thì mới làm cho người khác tin tưởng để tiếp tục nhiệm vụ”. Lúc đó, ông luôn suy nghĩ vậy.

Chuyến phà cảm tử

Cuối 1972 là thời gian giông bão nhất ở phà Bến Thủy. Xe vào chiến trường nhiều hơn. Bom đạn giặc bắn xuống tăng gấp bội. Lực lượng lại giảm đi vì bị thương và hy sinh. “Thời điểm khốc liệt nhất, đơn vị hy sinh mất 8 người trong 1 ngày. Đó là ngày 9/11/1972, có 2 chiến sĩ lái ca nô bị trúng bom từ trường mà hy sinh, 6 chiến sĩ đi làm nhiệm vụ về gần đến cửa hầm thì bị trúng bom. Mất mát, đau đớn. Nhưng còn đau đớn hơn khi mà đơn vị còn không thể làm được lễ truy điệu để chôn cất cho các đồng đội của mình. Chờ đến trời tối, anh em mới đưa thi thể 8 người đồng đội lên ghĩa trang. Vừa đào huyệt xong chưa kịp mai táng thì địch lại dội bom, mọi thứ lại tan tác hết và phải làm lại. Cả khi đã đưa được quan tài xuống huyệt mà bom đạn dữ quá khiến những người khác phải nằm rạp lên trên quan tài đồng đội để tránh. Đến giữa tháng 11/1972, phà không thể qua sông do quá nhiều bom từ trường. Các phương án thử nghiệm để phá bom đều thất bại. 5 ngày liên tục không một chuyến phà nào có thể qua sông. Lúc đó, chiến trường miền Nam đang khốc liệt. Nhu cầu chi viện từ Bắc vào trở nên cấp thiết. Nhiều tỉnh lo lắng, không thể ngồi yên. Đến mức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình là Nguyễn Tư Thoan đã gọi điện ra gặp Nguyễn Đăng Chế để hỏi tình hình phà Bến Thủy có thông được không, xe có vào được không? Ông Chế cùng các đồng đội cũng không thể ngồi yên. Ông đưa ra một phương án là sử dụng hai ca nô kéo một chiếc phà không tải cảm tử đi vòng trên sông chấp nhận hy sinh để kích nổ bom từ trường mở đường qua sông. Ông trình bày và xin ý kiến của Trưởng Ty Giao thông Lê Viết Cống. Ông Cống bảo sự việc quan trọng phải lên xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh. Tình thế bức bách, ông Nguyễn Sỹ Hòa chấp nhận phương án của ông kèm theo một câu hỏi: “Ai sẽ trực tiếp chỉ huy trên chuyến phà cảm tử này”. “Tôi”! Nguyễn Đăng Chế đã trả lời không một chút do dự. “Là thủ trưởng, tôi không thể đẩy sự hy sinh này cho người khác”.

Ngày 23/11/1972, Nguyễn Đăng Chế cùng 4 đồng đội của mình là phó phà Nguyễn Hữu Tùng (kiêm thợ máy), 2 người lái ca nô là ông Tiến và ông Trung, một người làm nhiệm vụ gắn xích trên phà là ông Hải. Ông Chế là người đứng đầu mũi phà làm hoa tiêu. Mọi người gọi đây là chuyến phà đi “bừa bom” trên sông Lam. Trước khi con phà cảm tử xuất bến, cả đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho 5 con người dũng cảm đó. “Chúng tôi cho phà vòng qua rồi vòng lại, hai vòng đầu tiên, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng được hơn nửa vòng thứ 3 thì hàng loạt bom phát nổ. Cả con phà bị hất tung lên… Đến khi tỉnh lại thì tôi đang ở trong bệnh viện. Và rất vui mừng khi biết cả 5 người dù bị thương nặng nhưng không ai phải hy sinh”. Chuyến phà cảm từ của các ông đã khai thông cho cả một tuyến đường vào chiến trường trong thời điểm ác liệt nhất.

Vĩ thanh…

Từ giữa năm 1972, tập thể phà Bến Thủy được cấp trên chỉ thị làm hồ sơ để phong anh hùng lần 2 sau nhiều đóng góp to lớn. Trong tập thể anh hùng tất nhiên không thể thiếu các cá nhân anh hùng. Năm 1965, khi Mỹ đánh phá ác liệt làm cầu Hoàng Mai bị sập, cấp trên chỉ thị phà Bến Thủy ra chi viện. Nguyễn Trọng Tường cùng đồng đội đã dũng cảm đưa một con phà đi theo đường biển vào ban ngày, lướt qua trước mũi pháo của hạm đội Mỹ để kịp chi viện cho Hoàng Mai. Đây được coi là hành động cảm tử lúc đó. Năm 1966, ông Tường được phong anh hùng. Trong giai đoạn 1965-1968, phà Bến Thủy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì có sự dũng cảm của thợ máy Nguyễn Hữu Tùng. Hàng trăm lần ca nô bị trúng bom đạn hư hỏng đều do ông ngày đêm miệt mài sửa chữa để có phương tiện kéo phà. Năm 1968, ông Tùng được phong anh hùng vì những đóng góp to lớn và lặng thầm của mình. Năm 1972, phà Bến Thủy lại có những chiến công oanh liệt. Trong cuộc họp cơ quan tháng 10/1972, tất cả mọi người đã nhất trí đề cử ông Chế cho việc làm hồ sơ phong anh hùng. Chưa kịp làm hồ sơ thì chiến sự càng ác liệt hơn, bom đạn đổ xuống Bến Thủy càng nhiều hơn. Nhưng với chuyến phà cảm tử “bừa bom” trên sông Lam (tháng 11.1972) càng chứng tỏ ông hoàn toàn xứng đáng với niềm tin và sự tôn vinh của đồng đội. Ông lại được đề cử là người xứng đáng làm hồ sơ kê khai thành tích để phong anh hùng. Nguyễn Đăng Chế thấy ái ngại rồi ông từ chối làm bản kê khai thành tích vì nỗi đau mất đi nhiều đồng đội vẫn còn đó, vì cảm thấy còn có nhiều người hy sinh và đóng góp hơn mình…. “Anh Chế là vậy, trước bom đạn nguy hiểm, dù cận kề cái chết, anh không bao giờ rút lui. Tranh giành cái chết, tranh giành hiểm nguy với đồng đội thì thật gay gắt, nhưng khi nghĩ về lợi ích bản thân, khi nghĩ đến danh hiệu cho cá nhân mình thì anh lại ngại. Có lẽ anh sợ mình được lợi hơn đồng đội. Có lẽ anh sợ danh hiệu của mình không khỏa lấp, bù đắp được nỗi đau, hy sinh của anh em. Chỉ điều đó cũng đủ để công nhận, đó là một người anh hùng”. Ông Nguyễn Ngọc Long nhận định vậy.

Sau gần nửa năm nằm viện, tháng 5/1973 Nguyễn Đăng Chế quay lại phà làm nhiệm vụ. Cuối năm 1973, Phà Bến Thủy được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lần thứ hai. Nguyễn Đăng Chế, dù vết thương bình phục nhưng sức khỏe cũng kém đi nhiều. Năm 1974, ông rời Phà Bến Thủy về công tác tại văn phòng Ty Giao thông, rồi về công ty đường bộ 470 làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Câu chuyện anh hùng trong những ngày bão lửa cũng dần đi vào quên lãng. Ông Chế vẫn bình thản với đời và vẫn vẫn luôn nhớ về đồng đội, về những con phà của Bến Thủy những năm bom đạn:

 “Lẫm lũi bao năm vượt sông sâu

Đạn bom hủy diệt chẳng cúi đầu

Chiến công hiển hách còn ghi tạc…

                                                                                                                                                                    Cầu đã bắc rồi, phà ở đâu?”./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441147

Hôm nay

2147

Hôm qua

2287

Tuần này

21051

Tháng này

216321

Tháng qua

112676

Tất cả

114441147