Cuộc sống quanh ta

Giải pháp cho thị trường mỹ thuật Việt Nam*

Hội họa Việt nam hiện đại có thể được tính từ dấu mốc của sự ra đời trường Cao Đẵng Mỹ thuật Đông dương(1925) hoặc có ý kiến sớm hơn nếu tính theo tác phẩm Bình Văn được cho là của Lê Văn Miến1. Nhưng không như các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có nền hội họa từ lâu đời, ngoại trừ một vài tranh vẽ chân dung để thờ cơ bản theo lối trượng trưng,ước lệ. Xét suốt chiều dài văn hóa, lịch sử dân tộc thì việc treo, tranh, bày tượng vắng bóng trong nội thất ngôi nhà Việt, cho dù bất kể là gia tầng nào. Từ luận cứ đó, nên nhà phê bình lý luận Nguyễn Quân cho rằng trong từ vựng tiếng Việt trước đây không có khái niệm thị trường nghệ thuật, nhà sưu tập, người môi giới, bộ sưu tập hay bảo tàng nghệ thuật.

Có lẽ với xuất phát điểm như thế mà cho đến mãi năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, chúng ta cũng chỉ ghi nhận được mỗi hai nhà sưu tập từ hai miền là: Đức Minh(Hà Nội) và Nguyễn Xuân Oánh(Tp.HCM). Hai ông được xem như thế hệ thứ nhất và thứ hai của giới sưu tập mỹ thuật cho dù Việt Nam, dù lúc bấy giờ đã có ba trường chuyên đào tạo mỹ thuật, ngoài Cao đẵng Mỹ thuật Đông dương(ĐH Mỹ thuật Việt Nam) còn có trường vẽ Gia định(ĐH Mỹ thuật Tp.HCM) và Cao đẵng mỹ thuật Huế(ĐH nghệ thuật Huế). Tất nhiên có nhiều người khác, sau này cũng được gọi là nhà sưu tập, nhưng chủ yếu là xuất phát từ tình yêu nghệ thuật dẫn đến thân quen thân nhiều nghệ sĩ nên họ có cơ duyên sưu tập được tác phẩm với nhiều nguyên do ngoài việc mua bán tiền bạc như các ông: Cà Phê Lâm(nhà bán cà phê), Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Văn Bổng...Và cho đến thời điểm hiện nay(2015) số lượng nhà sưu tập đúng nghĩa nếu kể thêm cũng chưa bằng số ngón tay trên lòng một bàn tay.Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng thị trường mỹ thuật Việt Nam manh nha xuất hiện khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, khi các tác phẩm mỹ thuật bắt đầu được giới thiệu trong các triển lãm đấu xảo quốc tế. Tuy nhiên, thị trường mỹ thuật Việt Nam lúc này vẫn phát triển manh mún, thiếu tính chất chuyên nghiệp và bị gián đoạn do hoàn cảnh lịch sử. Qúa trình hình thành và phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam có 3 cột mốc nổi bật: Khởi đầu từ khi có trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương năm 1925; tiếp đến hoạt động rời rạc trong suốt 3 thập kỷ từ năm 1954 đến 1975; và phát triển nở rộ vào thời kỳ đất nước đổi mới năm 1986 kéo dài cho đến nay, trong đó có khoảng từ 10 đến 15 năm được xem là đỉnh điểm (khoảng từ 1986 đến 2000, hoặc bắt đầu và kết thúc muộn hơn một chút), những năm sau này có xu hướng chững lại vì nhiều nguyên nhân.

Sự “đóng băng” quá sớm của thị trường mỹ thuật và đang bộc lộ khung cảnh trái ngược với thị trường khu vực và quốc tế đang phát triển sôi động nên tại Hội thảo xây dựng chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam(4/12/2014-Hà Nội) do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm phối hợp với đại sứ quán Đan Mạch tổ chức nhiều tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chỉ ra nguyên nhân, thực trạng của thị trường Việt Nam và đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp  cơ bản tạo thành một "Hệ sinh thái học nghệ thuật"(Art ecosystem) trong đó có sự hổ tương, tương tác qua lại các thành phần giữa hai tác nhân công và tư để thị trường mỹ thuật VN phát triển bền vững. Tác nhân tư cơ bản gồm: nghệ sĩ, nhà sưu tập, chuyên gia, nhà phê bình, nhà báo, người dịch sách, viết sử ...Tác nhân công gồm: bảo tàng, hội chợ, sàn đấu giá, đại học, địa phương, công chúng.... Thành tố nào cũng cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ, nhưng quan trọng, căn bản nhất chính là chính sách quốc gia. Các chuyên gia từ Đan Mạch và Hàn Quốc cũng cho rằng chính phủ không nên bảo trợ nghệ thuật bằng ngân sách nhà nước(thực chất là thuế của người dân và doanh nghiệp). Đó không phải là phương sách tốt nhất, mà thay vào đó, chính phủ sử dụng công cụ thuế và các chuẩn tắc mỹ thuật cộng đồng để kích thích thị trường mỹ thuật. Ngoài việc quảng bá thương hiệu, xây dựng đẵng cấp văn hóa, văn minh doanh nghiệp các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, bảo trợ cho nghệ thuật sẽ được ưu đãi về thuế. Thuế sẽ từ mức cao xuống mức thấp hơn, tùy vào mức độ đóng góp. Chi phí đầu tư cho nghệ thuật được xem là phí sản xuất, không tính thuế. Ngược lại, nhà nước hưởng lợi từ việc tiết kiệm ngân sách chi cho bảo trợ nghệ thuật dưới dạng tài trợ cho nghệ sĩ sáng tác theo các mức A,B,C và các trại sáng tác, thực tế xuân thu nhị kỳ của hội Mỹ thuật. Ngoài ra chính phủ còn hưởng lợi từ việc thu thuế các dịch vụ nghệ thuật, mua bán tác phẩm nghệ thuật. Tại Đan Mạch thuế VAT bán tranh là 25%! Xây dựng các công trình kiến trúc công cộng phục vụ cộng đồng như sân bay, nhà ga, trung tâm hội nghị... đều có quy định về tỷ lệ phần trăm trên vốn xây dựng cơ bản dành cho trưng bày tác phẩm nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng. Ví dụ: tiêu chí đánh giá khách sạn từ loại I lên loại V có một phần phụ thuộc vào hàm lượng đầu tư cho mỹ thuật tại những có sở đó. Làm được điều này, chính phủ sẽ phát huy được mọi nguồn lực trong xa hội đầu tư, bảo trợ cho nghệ thuật. Việc xã hội hóa mới đi vào thực chất, không còn kêu gọi chung chung, phiếm chỉ như hiện nay. Những khó khăn trở ngại khác sẽ trở nên thứ yếu và có thể khắc phụ nhanh chóng. Hàn Quốc hiện nay, bên cạnh các bảo tàng công còn có 110 bảo tàng tư nhân, và có khoảng 400 tập đoàn, doanh nghiệp có quỹ hoạt động cho nghệ thuật, thậm chí là còn có ngân hàng mỹ thuật. Ở Thái Lan, giới mỹ thuật có nhiều sân chơi quy mô toàn quốc, ngoài triển lãm  mỹ thuật quốc gia do trường đại học mỹ thuật Silpakorn đầu mối thực hiện hằng năm, còn có các tập đoàn tài chính bảo trợ  như  ngân hàng Bangkok, ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan,  hãng Toshiba, hãng Panasonic…Ngân hàng Thái Lan xem tác phẩm nghệ thuật cũng có giá trị lưu giữ và sinh lời như các đồ vật có giá trị khác. Một câu hỏi đặt ra tại sao Hàn Quốc có nhiều bảo tàng tư nhân và các quỹ bão trợ nghệ thuật hay tại sao các hãng Toshiba, Panasonic cũng làm ăn tại Việt Nam mà họ không tổ chức triển lãm cho giới mỹ thuật chúng ta? Câu trả lời là, với bản chất vị lợi của các doanh nhân, khi bảo trợ cho nghệ thuật cuả họ phải hưởng lợi từ các hoạt động đó(trực tiếp hoặc gián tiếp) bằng các chính sách thuế ưu đãi của nhà nước.

Trong nước hay quốc tế gì cũng vậy, sự bảo trợ cho nghệ thuật của các doanh nghiệp hẵn nhiên trước tiên là sự yêu thích, một phần của xây dựng thương hiệu, nhưng ngoài ra còn là trách nhiệm phải trả lại, bù đắp cho xã hội giá trị văn hóa, tinh thần khi họ có giá trị thặng dư từ sức lao động, chất xám xã hội và tài nguyên,khoáng sản đất nước. Vấn đề là chính phủ với tư cách là nhà bảo trợ đặc biệt, dùng chính sách thuế và thiết lập các chuẩn tắc mỹ thuật cộng cộng để tạo luật và sân"chơi" cho các thành phần kinh tế tham gia. Đây quả là một khái niệm còn quá mới mẽ trong tư duy kinh tế, văn hóa, nghệ thuật của chúng ta. Nhưng, nếu chúng ta có tư duy đột phá từ chính sách công và giải pháp đúng, đồng bộ cho từng thành tố của tác nhân công-tư thì chắc chắn thị trường mỹ thuật sẽ hanh thông và phát triển trở lại. Và lúc đó mỹ thuật sẽ trở thành phân số, động lực phát triển kinh tế đất nước, là nhân tố chính trong nên công nghiệp sáng tạo mà các quốc gia phát triển đang thực hiện thành công. Ngoài ra khi thị trường mỹ thuật phát triển sẽ tạo ra các hoạt động mỹ thuật sôi động, đa dạng sẽ làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và góp phẩn ổn định xã hội. Vì nghệ thuật thúc đẫy và duy trì lương tâm, khơi gợi tính thiện và là biểu hiện sinh động tinh thần sáng tạo của mỗi vùng miền, địa phương, đất nước.

.............................................................................................

[1]Nguồn http://www.baomoi.com/; http://mythuathaiphong.blogspot.com/.Mới đây, Nguyên Đình Đăng đã chứng minh thuyết phục rằng TP Bình Văn không phải của Lê Văn Miến(https://nguyendinhdang.wordpress.com/tag/le-van-mien/)

.........................

(*): Tham luận Hội thảo Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội đương đại. Nà Nội , 30.7.2015

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441779

Hôm nay

2179

Hôm qua

2317

Tuần này

21683

Tháng này

216953

Tháng qua

112676

Tất cả

114441779