Khách mời văn hóa

Cần thành lập Ủy ban liêm chính học thuật

Lời Tòa Soạn:Xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc, trong đó có vấn nạn đạo văn.  Đạo văn không chỉ là một chỉ dấu xấu về đạo đức mà còn là vấn đề về pháp luật. Nhưng trên hết, nguy hiểm nhất, nó hủy hoại khát vọng và năng lực của cộng đồng sáng tạo, nó ngăn cản sự phát triển học thuật và nghệ thuật. Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi về vấn nạn này với TS Nguyễn Phúc Anh (Đại học Quốc gia HN) và nhà báo Kiều Mai Sơn (Hà Nội).

Vĩnh Khánh:Từ rất lâu rồi người ta đã nói đến đạo văn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. (Nếu tôi nhớ không nhầm, trong một bài báo, ông Ngô Tự Lập cũng đã viết rằng Plato là người đạo văn kinh khủng nhất). Vậy theo các anh, thế nào là đạo văn? Các biểu hiện, hay là các dạng thức của đạo văn?

Nguyễn Phúc Anh:Từ đạo văn (Plagiarism) có gốc Latin là plaga ban đầu có nghĩa là một cái lưới mà thợ săn dùng để săn bắt thú vật. Từ gốc ban đầu này, người ta có từ plagiarius để chỉ những kẻ “bắt cóc trẻ con.” Cho đến thế kỉ 18, ở châu Âu thì từplagiarius còn có nghĩa để chỉ những người ăn cắp ngôn từ của người khác. Từ đó, đạo văn được hiểu như là hành vi lấy cắp, tái chế ý tưởng, ngôn từ, tác phẩm của người khác như là của mình. Hành vi này được coi là hành vi vô đạo đức bắt đầu từ thời gian đó.

Như vậy Platonhay Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, dù có lấy, tái chế sử dụng ý tưởng, ngôn từ, tác phẩm của người khác, song vào thời gian đó, bối cảnh văn hoá đó, các ông không hề có ý niệm rằng hành vi của mình là “đạo văn”, và hành vi đó là “hành vi vô đạo đức”. Chính vì vậy, không thể áp đặt chuẩn mực của ngày nay vào cho họ.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta, những người sống và làm việc ở thời hiện đương đại có thể “đạo văn” vì chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức riêng với thế giới. Đạo văn trong xã hội của chúng ta cần phải bị lên án như một hành vi trộm cắp, vô đạo đức.

Hình thức của “đạo văn” hết sức đa đạng, theo đó phổ biến nhất là những dạng thức sau:

Viết

  • Dạng phổ biến nhất là người viết sử dụng toàn bộ hoặc một phần công trình của người khác làm của mình.
  • Dạng thứ hai là người viết “tự đạo văn”, ghép nối những phần viết trước đó, đã công bố của chính mình để xào xáo thành bài viết/nghiên cứu mới.
  • Dạng thứ ba là dạng ăn cắp rất tinh vi: ăn cắp ý tưởng, nội dung cơ bản bài viết, công trình của người khác và viết lại bằng ngôn ngữ của mình.
  • Dạng thứ tư là dịch từ tư liệu tiếng nước ngoài rồi xuất bản dưới tên của mình.

Ba dạng này là bốn dạng đạo văn phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam. Chúng tôi phát hiện ra rất nhiều trường hợp đạo văn như thế này.

Kiều Mai Sơn:Đầu tiên tôi phải nói với ông như thế này, nếu đem cặp kính hôm nay để soi vào người xưa mà không hiểu mã văn hóa của người xưa thì từ khúc xạ mà thành sai lạc. Tôi không cho rằng Platon đạo văn.Người xưa có thói quen tầm chương trích cú, và học theo lối “thuật nhi bất tác” (thuật lại chứ không sáng tạo). Đó là một quan điểm rõ ràng. Quan điểm này còn được bổ sung thêm ở một khía cạnh khác đó là “tín nhi hiếu cổ” (chỉ tin vào đạo lý của thời xưa). Tôi xin dẫn một ví dụ như sau: Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng tướng Trần Canh bài thơ: “Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà  mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi”. Tất nhiên ai thuộc thơ Đường thì đều biết rằng Vương Hàn (687 – 735) đời Đường đã viết bài “Lương Châu từ” nổi tiếng này: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/ Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.Chỉ cần thay vài chữ “bồ đào” bằng “hương tân”, thay câu cuối thì bài thơ vừa cỏ kính lại vừa hiện đại, đúng với không khí ra trận.Nếu nói Hồ Chí Minh đạo văn thì là cách nhìn phiến diện của ngày hôm nay theo kiểu “đẽo chân cho vừa giày” mà cố tình không hiểu đến lối “thuật nhi bất tác” của người xưa.

Còn ngày nay, đạo văn là ăn cắp lao động trí tuệ của người khác biến thành của mình mà không có bất cứ chú thích nào để người tiếp nhận thông tin biết đó là kế thừa hay “đứng trên vai người khổng lồ” như cách các tiền nhân vẫn nói. Đương nhiên xã hội càng hiện đại thì các biểu hiện hay dạng thức của đạo văn càng phong phú như anh Nguyễn Phúc Anh đã phân tích.

 

Vĩnh Khánh:Mấynăm nay, tình trạng đạo văn ở nước ta đang có vẻ trầm trọng hơn, phổ biến hơn, trở thành một vấn nạn học thuật, và cả văn chương nghệ thuật. Các anh có thể khái quát trình trạng này ở nước ta hiện nay.

 

Nguyễn Phúc Anh: Gần đây, áp lực phải công bố để có thể “tồn tại” và được nhận các loại tài trợ, nâng bậc lương, học hàm, học vị, cùng nhiều danh vọng khác đã khiến nhiều người phải đạo văn. Như ôngcó nói, nó đã trở thành một vấn nạn học thuật, đồng thời, cũng rất phổ biến ở cả văn chương nghệ thuật. Vấn nạn này ở lãnh vực học thuật là phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất.

“Đạo văn” trong lãnh vực học thuật của Việt Nam có lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của khoa học hiện đại Việt Nam. Ban đầu, những vụ “đạo văn” xảy ra hết sức hồn nhiên, khi những nhà khoa học thời kỳ đầu của Việt Nam thiếu thông tin và sách vở, họ buộc phải dịch kiến thức từ những sách tiếng nước ngoài ra và hồn nhiên xuất bản dưới tên của mình, thiếu hẳn những chuẩn mực cơ bản về trích dẫn. Về sau, đặc biệt trong các viện Nghiên cứu, trường Đại học ở miền Bắc Việt Nam, tình trạng đạo văn, ăn cắp nghiên cứu trở nên hết sức trầm trọng. Nhiều nhà nghiên cứu lão thành thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, được nhà nước đài thọ kinh phí, đã tiến hành dịch, và viết nhiều công trình làm “tài liệu tham khảo” nội bộ. Dần dần những nhà nghiên cứu này lần lượt qua đời do tuổi cao sức yếu, thế hệ học trò của họ có những tài liệu “nội bộ” này và ngang nhiên xuất bản dưới tên của mình. Tôi biết rất nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu của Việt Nam “thành danh” nhờ ăn cắp công sức của tiền nhân như vậy.

Thời kì gần đây, việc đạo văn xảy ra ở quy mô lớn, với nhiều chiêu trò khác nhau. Báo chí cũng nói đến nhiều.

 

Vĩnh Khánh:Tôi cũng có biết điều đó, nhất là gần đây rộ lên rất nhiều vụ rất đình đám, “nổi tiếng” nhất là vụ GS.TS Nguyễn Đức Tồn, đến mức lãnh đạo Chính phủ cũng đã phải có ý kiến về hướng giải quyết, cả hội đồng chuyên môn xét phong học hàm cũng đã phải bó tay, và chờ tòa phán xử.Và cách đây hơn 10 năm, cũng đã có trường hợp hai nhà nghiên cứu khá nổi tiếng phải dắt nhau ra tòa vì văn bản Truyện Kiều...

 

Kiều Mai Sơn:Nếu để tôi khái quát thì không phải ở văn chương, nghệ thuật tình trạng đạo văn là có vẻ trầm trọng hơn đâu, mà chính là trong nghiên cứu khoa học. Đạo văn trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay giống như thúng úp voi. Con voi lù lù ra đấy nhưng rất nhiều người giả vờ như không thấy. Câu chuyện về vị giáo sư trong chuyên ngành Ngôn ngữ học đang ồn ào hiện nay mà ông nêu trên mới chỉ là một sự việc cụ thể.Còn nhiều những vị “kính thưa chưa bị lộ”. Rồi theo thời gian, những cá nhân và tập thể cũng sẽ hiện hình. Tôi xin kể một câu chuyện cụ thể.Năm 2015, tôi đã viết bài vạch ra việc đạo văn trong cuốn “Văn hóa dân gian người Bố Y ở Lào Cai”, tập 2, NXB Đại học Quốc gia HN (2015) do TS T.H.S chủ biên. Toàn bộ chương 7 mang tên “Âm nhạc, nhạc cụ dân gian dân tộc Bố Y” gồm 50 trang là sao chép nguyên từ 2 chương trong cuốn “Âm nhạc dân gian của người Bố Y”, tác giả Trần Quốc Việt, NXB Văn hóa Dân tộc (2010). Sau đó ông T.H.S đã phải có thư xin lỗi ông Trần Quốc Việt. Tiếp tục, tôi lại phát hiện ra ở tập 1 sách “Văn hóa dân gian người Bố Y ở Lào Cai”, ông T.H.S đã đạo văn những kết quả điền dã nghiên cứu đã công bố từ hàng chục năm trước của ông Chu Thái Sơn. Khi tôi ngồi trao đổi trực tiếp với TS T.H.S, lúc đó đã làm về làm Chánh Văn phòng một cơ quan ở 66 phố Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) thì ông ấy thốt ra rằng: Tại sao nhiều giáo sư, phó giáo sư khác cũng đạo văn mà tôi không phê phán, tôi cứ phê ông ấy? Tôi trả lời ông ấy là tôi chưa phát hiện ra các giáo sư, phó giáo sư khác cũng đạo văn, nếu phát hiện ra thì tôi cũng phê phán. “Với tư cách là một nhà khoa học, khi phát hiện ra các giáo sư, phó giáo sư khác đạo văn, tại sao ông không lên tiếng?”, tôi hỏi lại như vậy là ông T.H.S không trả lời.

 

Vĩnh Khánh:Theo anh, vấn nạn đạo văn ở lĩnh vực nào là nhiều nhất?

 

Kiều Mai Sơn:Tôi thấy rất giống truyện tiếu lâm như đã nói ở trên. Bằng những gì tôi đọc được thì đạo văn nhiều nhất là trong nghiên cứu khoa học.Mà khoa học xã hội và nhân văn lại nhiều “cá chép” nhất.Thạc sĩ khoa học đạo văn.Tiến sĩ khoa học đạo văn.Phó giáo sư đạo văn. Giáo sư đạo văn… Tôi chắc rằng nếu có một tổ chức quốc tế hay tổ chức phi chính phủ nào đó tiến hành điều tra xã hội học và nghiên cứu ở Việt Nam thì họ sẽ thấy môi trường khoa học ở nước ra đã sản sinh ra những ông nghè, ông cử rất giỏi “cá chép” với đủ hình thức, lung linh muôn hình vạn trạng từ nhà khoa học nghiên cứu ở các viện, giảng viên đại học, lãnh đạo ở các địa phương và cả ở những người tu hành. Hình thức đạo văn thì phong phú như anh Nguyễn Phúc Anh đã khái quát thành bốn dạng nói trên.

Mới đây, trên báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 18/5/2018, tôi đã viết bài “Đại đức T.N.T đạo văn” (viết tắt). Bài viết phản ánh nghiên cứu sinh T.V.T tức Đại đức T.N.T, đã sao chép rất nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học vào luận án thuộc chuyên ngành Lý luận văn học, đề tài “Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại” (do PGS.TS Lý Hoài Thu hướng dẫn). Nghiên cứu sinh không hề dẫn nguồn các công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Bích Hải (ĐHSP Huế), TS Chu Văn Sơn (ĐHSP Hà Nội), TS Tăng Tấn Lộc (ĐH Cần Thơ) và ThS Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học),… cùng nhiều người khác.Vậy mà, ngày 25/9/2017, Hội đồng khoa học Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội do PGS.TS Đoàn Đức Phương làm Chủ tịch đánh giá luận án đạt kết quả xuất sắc với 7/7 phiếu thông qua.

Hoặc như trường hợp ông T.H.L, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Bộ Công Thương, khi viết luận án “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Viện Nghiên cứu Thương mại và PGS.TS Nguyễn Xuân Quang, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cùng hướng dẫn. Ngày 2/3/2012, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đã bỏ phiếu tán thành với 7/7 phiếu, trong đó có 6 phiếu đánh giá xuất sắc. Thực tế thì ông T.H.L đã chép gần như nguyên vẹn những giải pháp của nghiên cứu sinh Phongtisouk Siphomthaviboun, người Lào, tác giả luận án “Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của CHDCND Lào đến năm 2020”, chuyên ngành Kinh tế và Quản lý Thương mại, được bảo vệ tại Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngày 24/9/2011.

Mới đây nhất là trường hợp một Tiến sĩ công tác tại một Viện thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khi biên soạn cuốn sách về thơ Đường cổ (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017) đã khiến chúng tôi rất bất ngờ. Anh Nguyễn Quang Duy, một bạn trẻ yêu thích Hán Nôm là người đầu tiên phát hiện tác giả này coppy các bản dịch nghĩa trên trang thivien.net. Anh Nguyễn Phúc Anh đã tiến hành thống kê chi tiết để có kết quả như sau: Trong số 222 bài thơ Đường được giới thiệu trong “Đường thi quốc âm cổ bản” thì có đến 197 bài sao chép phần dịch nghĩa đăng tải trên trang thivien.nettrước năm 2017 với tỷ lệ trùng lặp từ 41% đến 100%. Có 86 bài dịch nghĩa sao chép từ 90% trở lên, chỉ có 4 bài sao chép dưới 50%. Anh Nguyễn Phúc Anh đã phải thốt lên: “Đây là một con số khủng khiếp.Liệu lấy đến 90% đến 100% thành quả khảo cứu, phiên dịch của người khác có phải là “tham khảo”?

Những ví dụ tôi nêu trên, một số trường hợp cơ quan chủ quản đã vào cuộc thẩm tra để có kết luận cuối cùng;có trường hợp cơ quan chủ quản dù biết thông tin nhưng còn im lặng.Và chúng tôi những người làm báo cũng đang kiên trì chờ đợi họ vào cuộc.

 

Vĩnh Khánh:Thực ra thông tin về đạo văn là rất nhiều. Với từ khóa “đạo văn”, chỉ trong 0,32s đã có 900.000 kết quả.Theo các anh,môi trường nào dễ có nhiều hành vi đạo văn nhất? Vì sao?

 

Kiều Mai Sơn:Tôi xin nhắc lại rằng rất giống như truyện tiếu lâm khi mà môi trường khoa học lại dễ có nhiều hành vi đạo văn nhất. Còn tại sao ư? Người ta cứ ca tụng lâu đài khoa học cho nên bên trong lâu đài thỏa sức tung hoành. Có những công trình nghiên cứu thực sự là đống giấy đắp.Hay tôi lấy một ví dụ rất rõ để ông có thể kiểm chứng được. Ông hãy tìm đọc bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) biên soạn, có 2 loại, một loại là 15 tập đã in năm 2013 – 2014 và một loại là 9 tập với tên gọi Lịch sử phổ thông mới in năm 2018 thuộc danh mục Sách Nhà nước đặt hàng. Nhiều trang in thực ra đó là chép của người khác mà không hề chú thích.

 

Vĩnh Khánh:Hậu quả của nạn đạo văn là gì, đối với hoạt động sáng tạo?Đạo đức?Và, luật pháp?

 

Kiều Mai Sơn:Một sản phẩm sao chép của người khác thì đâu có gì sáng tạo, và đương nhiên nó vi phạm cả đạo đức lẫn pháp luật. Khi đã hoen ố về đạo đức, thui chột sức sáng tạo, thì đó là sản phẩm què quặt, gây ra những tác hại lớn đối với xã hội cùng sự phát triển đi lên của đất nước là điều ai cũng thấy thưa ông.

 

Vĩnh Khánh:Hình như ở ta chưa có đưa ra tòa vụ đạo văn nào cả ngoài vụ tranh chấp bản quyền giữa ông Đào Thái Tôn và ông Nguyễn Quảng Tuân?

 

Kiều Mai Sơn:Thời gian tới, có lẽ cũng có một sự việc tương tự được đưa ra tòa án thuộc ngành nghiên cứu Hán Nôm. Có vẻ như cả hai bên đều đã sẵn sàng tranh tụng tại tòa. Đây là sự việc của thì tương lai cho nên chưa biết thế nào.Riêng với cá nhân tôi thì tôi nghĩ rằng rất nực cười khi mà khoa học lại cần đến pháp đình.Nó làm cho tôi thấy quả thực là chuyện tiếu lâm hiện đại ngày càng phong phú khi mà Hội đồng khoa học cấp Bộ, ngành, Trung ương mà trả lời như mèo vờn chuột.

 

Vĩnh Khánh:Chúng ta thử phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo văn hiện nay?

 

Kiều Mai Sơn:Tôi không phân tích nguyên nhân vì đó là công việc các cơ quan nghiên cứu chuyên nghiệp mà nước ta có cả Viện Hàn lâm uy nghi ở thủ đô rồi. Tôi xin chia sẻ cùng ông rằng Nam Cao đã nói trong truyện ngắn Đôi mắt về trường hợpmột anh hàng cháo lòng được đưa lên làm chủ tịch uỷ ban khu phố.“Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm uỷ ban thế nào mà bắt nó làm uỷ ban?”.Nhiều vị làm công tác quản lý Nhà nước thò thêm chân sang ghế khoa học rồi cũng thạc sĩ, tiến sĩ. Chính các nhà khoa học đã làm sự sang trọng của khoa học giảm đi rất nhiều bởi đào tạo ra các thạc sĩ, tiến sĩ hạng này. Có lần, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi (Đại học Quốc gia HN) đã nói với tôi là ông không sợ bằng giả vì đến sắc phong làm giả hàng vài tram năm còn phát hiện được.Sợ nhất là bằng thật mà người giả. Tôi thì muốn triển khai cụ thể hơn ông Vũ Thế Khôi một chút: Tôi sợ nhất bằng cấp, học hàm, học vị tiến sĩ, giáo sư thật nhưng kiến thức giả.

 

Vĩnh Khánh:Vậy theo các anh có cách gì để giảm thiểu tình trạng đạo văn hiện nay?

 

Kiều Mai Sơn:Các cơ quan nghiên cứu hay trường Đại học như Đại học Quốc gia HN, Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh) đã có những quy định chặt chẽ về đạo văn. Song theotôi, về mặt quản lý Nhà nước, điều đầu tiên là cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp đạo văn mà báo chí và truyền thông phản ánh hiện nay. Đó cũng sẽ là sự răn đe về mặt pháp luật và đạo đức. Tiếp theo là việc công khai các bản luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu để những ai quan tâm đều có thể truy cập được thông qua internet. Công khai những trang viết của các nhà khoa học cùng với chế tài mạnh đủ sức răn đe mới có tác dụng giảm thiểu tình trạng đạo văn hiện nay.

 

Nguyễn Phúc Anh:Để giảm thiểu tình trạng đạo văn hiện nay thì thứ nhất, bản thân những nhà nghiên cứu, hội đồng khoa học, trường đại học, cơ quan nghiên cứu cần phải thay đổi thái độ với hành vi đạo văn trước. Nếu như những nhà nghiên cứu và các cơ quan nghiên cứu còn có thái độ dung túng, dễ dãi đối với nạn đạo văn, thì đạo văn còn đất phát triển.

Thứ hai, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Những người nằm trong các hội đồng chức danh, hội đồng khoa học cần phải là những nhà khoa học liêm chính, nghiêm cẩn. Giáo sư nằm trong hội đồng chức danh nhà nước leo lên được vị trí quản lý học thuật cao mà đạo văn thì đừng kì vọng những người ở dưới không làm bậy.

Thứ ba, cần thành lập những uỷ ban liêm chính học thuật ở các cơ quan nghiên cứu, những cơ quan này sẽ đóng vai trò nòng cốt, xem xét và xử lý những trường hợp đạo văn ở cấp cơ sở. Nực cười là chuyện một giáo sư đạo văn cũng phải phiền đến thủ tướng chính phủ trong khi chỉ cần 1 hội đồng cấp cơ sở độc lập thẩm tra là kết luận đã rõ ràng. Tiêu chí thế nào là đạo văn thì đã rõ, cứ áp đúng luật vào mà thẩm tra thôi. Đâu có khó để làm việc đó nếu thành viên của uỷ ban đó làm việc nghiêm túc. Khiếu kiện vượt cấp chỉ thực sự cần thiết khi các cấp cơ sở không đủ khả năng đưa ra kết luận cuối cùng.

Vĩnh Khánh:Cảm ơn các anh về cuộc trao đổi này. Hẹn gặp lại dịp khác, cũng về chủ đề này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114523618

Hôm nay

215

Hôm qua

2305

Tuần này

2320

Tháng này

221557

Tháng qua

121009

Tất cả

114523618