Cuộc sống quanh ta

Kinh tế ngầm (Phần cuối)

KINH TẾ NGẦM ĐỘC HẠI VÀ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG NÓ

Cuộc sống sẽ đi tới đâu? – Sẽ đi tới chỗ mà chúng ta dắt nó tới. Lịch sử dặm đường trường tồn đồng hành lâu dài cái cũ và cái mới, cái xây dựng và cái phá phách, cái thiện và cái ác v.v... như hai dòng đen đỏ chảy mãi trong huyết mạch con người.

Vấn đề là phủ định, là tồn tại và phát triển. Khái niệm kinh tế ngầm, với dạng thuật ngữ nào đó, có thể đã có trong từ điển hay đang tiến đến chỗ đó. Còn điều chắc chắn là nó hiện diện trong nền kinh tế như một thứ thuốc nổ tất yếu, tiềm tàng và nguy hiểm mà những ai quan tâm đến sự lành mạnh đều suy ngẫm và tự rút ra những nhận xét cho mình. Trong đấu tranh, người xưa đã từng có cái  nhìn khái quát: “biết người, biết mình, đánh đâu thắng đấy”.

Khi kiến thức tăng thì sự bộc lộ dốt nát cũng tăng – triết lý đó nhắc nhở sự hoàn chỉnh quản lý phải làm thường xuyên lâu dài. Kinh tế chính thống đổi mới phát triển thì kinh tế ngầm lập tức đổi mầu và tăng tốc. Nó cũng có trở ngại và cũng có thời cơ, nhưng bản chất độc hại của nó dù ở nước XHCN hay ở nước TBCN đều giống nhau. Do vậy sẽ xảy ra nhanh chóng việc “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” để phối hợp lực lượng, để trao đổi hàng hoá (kể cả những hàng hoá đặc biệt như bí mật Quốc gia, bôi nhọ danh nhân, miệt thị quá khứ...) và nhận làm đại lý, ký gửi đơn đặt hàng thực hiện các mưu đồ diễn biến hoà bình chống đối chế độ...
Nhân dân bao giờ cũng mong muốn bản chất tốt đẹp của Nhà nước nhanh chóng được thực hiện ở chỗ có việc làm, có kỷ cương và có tính văn hoá trong công việc điều hành xã hội. Cuộc đấu tranh chống kinh tế ngầm độc hại cần có quy trình vĩ mô kết hợp chặt chẽ với nhu cầu và khát vọng của quần chúng muốn được sống công bằng. Nhiều khi thực trạng tiêu cực không còn ở mức độ con sâu làm rầu nồi canh nữa, mà lúc nhúc cả lũ... Phải hạn chế những nguyên nhân phát sinh ra nó. Phải xử lý tính phức tạp hệ thống của nó để chống nó có hiệu quả. Phải gỡ bỏ những gốc gác của nó như gỡ bỏ những đầu sán xơ mít đã móc chặt vào dạ dày cuộc sống. Bài thuốc chữa bệnh nan y xã hội này phải thực hiện từ ba phía: Người bốc thuốc, Người bệnh và Lực lượng điều trị.
Nghị quyết chỉnh đốn Đảng và Chủ trương cải cách nền hành chính sẽ là bộ lọc nâng cao cái tốt, gạt bỏ cái xấu. Lực lượng cán bộ viên chức tin cậy và những người lao động lương thiện hiển nhiên luôn luôn đa số. Những động lực của cuộc đấu tranh là gì? Mọi hoạt động xã hội sẽ dồn về chỗ hài hoà lợi ích cho mọi đối tượng. Cách mạng không bao giờ xoá bỏ giai cấp bóc lột này để sinh ra một giai cấp bóc lột khác tồi tệ hơn. Pháp luật chỉ có một khái niệm đối tượng duy nhất là “công dân”. Pháp luật là những quy định tối thiểu cần thiết buộc mọi người phải tuân theo, song có nhiều hành vi không phạm luật mà vẫn là xấu, là tiêu cực. Đạo đức có thiên chức điều chỉnh những khoảng trống vắng đó. Đạo đức là sự tốt lành tối đa mà mọi người cần vươn tới. Xây dựng cách sống kết hợp pháp luật và đạo đức để loại trừ cách sống “trắng” bàng quan ích kỷ, để giữ vững sự ổn định và đấu tranh với mọi thế lực trì trệ. Người hành pháp có phần quyền và phần chức năng bổn phẩn, không được biến bổn phận thành quyền, không được làm rối tung lên những luật lệ vốn rất rõ ràng v.v... để gây phiền hà tham nhũng. Công dân không được lợi dụng dân chủ, để làm trái, để thực hiện những ý đồ có hại cho xã hội. Có phải vấn đề đọng lại bây giờ là làm như thế nào? hay biết rồi mà không chịu làm? Cuộc đấu tranh chống kinh tế ngầm độc hại mang tính tổng hợp và đồng bộ. Việc lập kế hoạch khái quát là cần thiết, tuy nhiên cái quyết định là phải khắc phục quan liêu, phải tác nghiệp tổng hợp thường xuyên giải quyết hàng loạt vấn đề cụ thể, hàng loạt vụ việc cụ thể một cách kiên quyết, lấy hiệu quả gây niềm tin, lấy niềm tin đẩy tiếp hiệu quả...
Nói cho cùng hầu hết những hoạt động kinh tế ngầm độc hại cuối cùng đều phải rơi vào sự trả giá: tử hình, nhà tù, sự khinh bỉ của xã hội, bố làm con phá v.v... Và cũng sẽ sai lầm nếu hẹp hòi nhầm lẫn cách nhìn để dẫn đến bình quân chủ nghĩa, dẫn đến trì trệ níu kéo công việc và gây tâm lý hoài nghi tất cả. Ngày trước, có ông quan phong kiến Đặng Huy Trứ đã sắp xếp được 104 kiểu hối lộ, trong đó có dăm ba kiểu, theo ông có thể nới tay. Như vậy, có sự giấp giới giữa luật pháp và đời thường, giữa cái tốt và cái chưa rõ, qua sự xen ngang của phong tục, của sự quan niệm. Không ai sống bằng nước lã, nhưng sự mưu cầu giàu sang chính đáng luôn luôn gắn bó với tâm hồn thanh thản. Xã hội có cái “barie” của xã hội, và mỗi người cũng phải tự hình dung ra cái “barie” của mình. Cách nhìn, cách đánh giá của đông đảo những người lương thiện bao giờ cũng là cái đòn cân tỉnh táo của trình độ văn hoá.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526185

Hôm nay

2134

Hôm qua

2318

Tuần này

2735

Tháng này

212881

Tháng qua

0

Tất cả

114526185