Khách mời văn hóa

Ngành giáo dục có nên làm “thí điểm”?

“Để đất nước Việt Nam hùng cường”, có lẽ là một trong những chủ đề hay nhất, cần nhất mà báo chí  đặt ra bây giờ… Trước hết, xin cảm ơn VHNA đã cho tôi và rất nhiều tác giả khác có dịp, có nơi để tỏ bày điều trăn trở mà cha ông xưa, chúng ta nay – cứ mãi lận đận kiếm tìm…

Nói như thế để thấy rằng đã là câu hỏi hay thì khi nào cũng khó trả lời, nhất là dạng câu hỏi liên quan đến vận số của giống nòi. Hơn nữa, đó cũng là loại hình của một “bài toán” mà nghiệm của nó không thể có được trong vài ba năm, thậm chí, hàng chục năm. Chính vì nan đề ấy, tôi xin chỉ luận bàn một chuyện rất nhỏ thôi: Có nên đem giống nòi, thế hệ trẻ ra để làm cái gọi là “thí điểm” hay không?

Báo chí hôm nay loan tin cách đánh vần mới để dạy cho trẻ lớp 1 đã được THÍ ĐIỂM ở 49/63 tỉnh thành, có nghĩa là 800.000 trẻ lớp 1 đã và đang được dạy hoàn toàn khác với cha,ông hàng trăm năm nay (https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dung-sach-chua-chuan-day-cho-800000-hoc-sinh-20180830221207742.htm).

Tôi đọc mà không dám tin vào mắt mình, cho dù tự rất lâu rồi, ngành giáo dục nước nhà luôn đi tiên phong trong việc lấy con người để làm  đối tượng … thí nghiệm(?!)

Rõ ràng, cách nghĩ suy trên đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng!

Một người cha hay người mẹ có thể dạy con cái sai nhiều lần. Hàng chục hay hàng trăm bậc phụ huynh cũng có thể sai vài ba lần trong cách hướng dẫn điều hay, lẽ phải cho trẻ. Thế nhưng, một nhà nước (trong trường hợp này là cơ quan chủ quản – Bộ GD-ĐT) không được phép, không có quyền dạy sai!

Xin quý vị có trách nhiệm hãy bình tĩnh bởi, bản chất, từ nguyên của thí điểm (hay thí nghiệm) có nghĩa là người thực hành nó chưa rõ đúng hay sai, thành công hay sẽ bị thất bại. Ô hay, tại sao một nền giáo dục lại có thể phiêu lưu đến mức - tư duy theo cung cách lạ lùng: Cứ làm tới, nếu dạy sai thì… sửa?

Giả sử các quý vị có trách nhiệm không đồng ý với “quy chụp” của tôi thì hãy trả lời câu hỏi này: Đã chắc chắn là “đúng” sao lại dụng từ “thí điểm”; và, nếu không hề sai, sao lại có chuyện 14 tỉnh, thành khác có quyền, đương nhiên không áp dụng chương trình “cải cách” phát âm tiếng Việt?...

Câu hỏi liên quan đến cạn nghĩ, ngắn nhìn, chông chênh bước và hì hục chạy của cái gọi là “đổi thay” rất phản khoa học ấy có nhiều lắm… Tôi xin bàn về một vài hệ lụy vềtầm, tâmtrí của một “thí điểm” không thể chấp nhận.

Thứ nhất, tiếng Việt từ hàng trăm năm nay, được cả gần 100 triệu người (trừ 0,8 triệu đang bị thầy, cô dạy khác) đã tạo dựng nên cả một di sản bền vững, sang trong, đẹp đẽ, can cớ gì phải thay đổi tận gốc – đó là chưa nói chuyện mà báo chí đã nêu, đó là dùng sách chưa chuẩn để đào tạo con người! “Chưa chuẩn” là một uyển ngữ mà nói trắng ra cho tròn nghĩa, chính xác từ là: Sách giáo khoa sai, tại sao lại đem cái sai đi dạy cho trẻ nít, bởi chúng, chưa bao giờ, không bao giờ bị ai đó coi là chuột bạch để thí nghiệm theo cách nào tùy thích.

Thứ hai, cải cách chữ viết (trong đó có cách phát âm) là một vấn đề hệ trọng, không thể tùy tiện trao vào tay một vài cá nhân cho dẫu một vài vị lãnh đạo tin là họ có tài(?!) Đây là điều nhất thiết phải được cân nhắc cẩn trọng, phải được đại đa số trí thức chấp nhận, thậm chí, phải qua trưng cầu dân ý. Tại sao Bộ GD-ĐT dám bất chấp rất nhiều phản biện không đồng tình, coi mọi góp ý như như tiếng dê kêu khi bị làm thịt, cứ mắm môi lại mà “giết” bằng chết ngôn từ - bản sắc văn hóa của nước nhà, tổ tiên, cha ông từ hàng trăm năm?...

Thứ ba, tại sao nước ta cứ hay bày ra “cải cách”(?) là câu hỏi nhức nhối từ nhiều thập kỷ nay. Các nước khác, giàu và mạnh, họ có soạn ra nhiều loại hình cải cách, trong đó có chuyện cải cách toàn bộ cách phát âm tiếng mẹ đẻ như ta hay không? Nếu không, trả lời tiếp câu hỏi là sao ta cứ một mình một ngựa, một lối đi riêng biệt khác với toàn thể loài người? Chẳng lẽ cứ rúc đầu vào bụi rậm mới là tài năng, dũng cảm, quật cường? Dĩ nhiên, trừ phi trong bụi rậm với vô vàn chằng chịt dây nhợ, gai góc đó có… nhiều tiền!

Thứ tư, nguyên tắc nền tảng của văn hóa quốc gia, dân tộc, dẫu thời nào cũng vậy, phải là - đảm bảo tính thống nhất. Không thể có chuyện tỉnh này dạy chữ K phải phát âm là “cờ”, tỉnh nọ lại là “ca”. Chia nhỏ văn hóa, xé vụn tính duy nhất, tạo ra sự khác biệt vùng, miền, địa phương – chẳng khác gì đang nuôi cấy mầm mống phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Thậm chí, nếu thêm chút gia vị có tên là “chính trị” thì đó là cách tạo nên đa nguyên – một từ mà “các thế lực thù địch” rất ưa dùng!

Trên đây là ba hệ lụy – vấn đề - câu hỏi mà người viết bài này đặt ra để trả lời một trong không ít lời giả cho câu hỏi: Làm thế nào để đất nước hùng cường?

Theo tôi, điều tiên quyết là, phải chấm dứt vĩnh viễn mọi ý đồ đem cả dân tộc – trong trường hợp này là thế hệ đầu tiên của chương trình giáo dục hệ 12 năm – ra làm thí điểm, cho dù “thí điểm” đó được gọi bằng mỹ từ gì, có nội dung “tốt đẹp” đến mức nào!

Cải cách giáo dục phải được thực hiện kiên quyết, đồng bộ và, Nhà nước, phải bảo đảm rằng thay đổi đó là tốt nhất, đúng nhất trong mọi điều hay, lẽ phải trên đời. Bất cứ thay đổi nào trong giáo dục, đều phải coi là pháp lệnh, chứ không thể nào cứ “thí điểm” hết lần này đến lần khác…

Làm thế nào có thể trở thành một dân tộc hùng cường khi cứ đi theo lối mòn “xem hồi sau sẽ rõ”? Lần giở lại lịch sử văn minh nhân loại sẽ thấy rõ sự thật này: Trong thời điểm lịch sử đó, thuộc hệ tư tưởng đó, những người đương thời vững tin rằng cách thức giáo dục đó là hợp lý nhất, đúng đắn nhất. Chỉ mãi sau này, khi thời thế, thể chế thay đổi, những nhà giáo dục mới áp dụng cách thức khác, theo nguyên tắc (đúng) khác. Tuy nhiên, không có một “trường phái” giáo dục nào lại có ý định “thí điểm” để thay đổi cả một nền văn hóa nhằm đảo lộn bản sắc, truyền thống của dân tộc mình.

Chắc chắn, trong lịch sử, không có một nhà nước nào lại đem cả một nền giáo dục ra để làm “thí điểm”! Đó, là con đường ngắn nhất, để hủy hoại cả một nền văn hóa. Và, nếu một khi văn hóa, đạo đức bị lầm lạc thì con người không còn là con người nữa, theo đúng nghĩa của từ này!

1.9.2018

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443503

Hôm nay

261

Hôm qua

2333

Tuần này

21316

Tháng này

218677

Tháng qua

112676

Tất cả

114443503