Những góc nhìn Văn hoá

Thơ tượng trưng và thơ siêu thực (Qua cảm nhận của Chế Lan Viên về thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê)

Về thơ tượng trưng và thơ siêu thực từ Đổi mới đến nay đã có nhiều người bàn đến. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày những ý kiến của Chế Lan Viên liên quan đến thi pháp thơ tượng trưng và siêu thực qua hai bài tựa Tuyển tập Hàn Mặc Tử (Nxb Văn học, 1987) và Thơ Bích Khê (Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1988). Dù xuất hiện đã nhiều năm, những ý kiến của ông ngoài giá trị học thuật còn có ý nghĩa thời sự trước xu hướng “thơ hiện đại” gây nhiều tranh cãi hiện nay.

Trước hết, phải khẳng định những ý kiến của Chế Lan Viên về Hàn Mặc Tử và Bích Khê vào thời điểm 1987-1988 là những bằng chứng tiêu biểu cho sự đổi mới ý thức nghệ thuật trong đời sống văn học nước ta. Song hoàn toàn không có gì được gọi là “phản tỉnh” trong ý thức nhà thơ. Ngay từ khi thơ Hàn Mặc Tử góp mặt vào phong trào Thơ mới, Chế Lan Viên đã nói quả quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hà Mặc Tử”1. Vào những năm sáu mươi cùa thế kỷ trước, khi Xuân Diệu nêu quan điểm thơ phải “chân chân chân, thật thật thật” thì Chế Lan Viên đã yêu cầu thơ ngoài “Chân chân chân”còn phải “ảo ảo ảo” nữa!. Chỉ có điều, khi “lịch sử đi những bước khổng lồ” thì “cái tinh tế cỏ hoa tạm thời chưa nghĩ đến”. Trong xu thế chung đổi mới tư duy nghệ thuật của cả nền văn học, Chế Lan Viên đã kịp nói lên rất sớm những suy tư, cảm nhận nhiều năm của mình về những nhà thơ tài hoa, bạc mệnh (lại là các thi hữu thân thiết của ông) từng một thời bị những đánh giá bất công. Có nhiều lý do để dẫn đến điều đó, nhưng Chế Lan Viên đặc biệt nói đến chứng vô cảm.Nó đã làm ta “bịt tai, cứng lòng lại, ít nghe cái ngọn gió sầu vô hạn thổi ở bên ngoài căn phòng ta ở. Trong gió ấy ví không có vần đề xã hội thì cũng có số phận con người” (Lời tựa Tuyển tập Hàn Mặc Tử). Với hai bài tựa cho thơ Bích Khê và Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên đã chiêu tuyết, minh oan và làm “bừng sáng lên nhiều câu thơ, bài thơ của họ”, đặt lại vị trí xứng đáng cho các nhà thơ này trong lịch sử thơ ca dân tộc. Nhiều ý kiến nhận định, đánh giá của ông được giới nghiên cứu văn học tán đồng và trích lại nhiều lần trong các công trình nghiên cứu về Thơ mới (1932 - 1945) nói chung và hai nhà thơ này nói riêng. Sau đây chúng tôi xin đi vào một số vấn đề.

1. Cách hiều thơ siêu thực của Chế Lan Viên

Trong bài tựa Tuyển tập Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên đã viết: “Tuy hai chữ ấy (siêu thực) từ châu Âu của Brơtông nhưng từ xa xưa đã có yếu tố ấy ở phương Đông. Người Trung Quốc gọi là Kỳ. Tân là mới thì chưa đủ, sau Tân là Kỳ (lạ). Thí dụ, Lý Bạch viết: “Tóc trắng ba ngàn trượng”…Khi Nguyễn Du miêu tả ma:“Dấu giày từng bước in rêu ràng rành”...Tương An quận công tả tiếng đàn:“Bốn dây ứa máu Tỳ bà”...Thì đều là siêu cả. Mà nào ta có mất thực đi đâu. “Ta được nó một cách khác”(Sđd, tr.32).Nhà thơ chỉ rõ yếu tố siêu thực đã có ở nhiều tác phẩm trong kho tàng văn học nhân loại và “yếu tố siêu thực đã làm cho hiện thực sung mãn hơn” (Sđd, tr 32).

 Không định nghĩa trực tiếp theo kiểu từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học, Chế Lan Viên đã thông qua các câu thơ cụ thể làm cho người đọc hiểu một cách sinh động “siêu thực” là gì. Ở một chỗ khác,Nhà thơ đãđịnh nghĩasiêu thực theo cách của ông: “Nhưng siêu thực là gì? - là romantiste jusqu’au bout (lãng mạn đến tận cùng). Valêry có nói đến con đường nhận thức bằng mơ. Dùng mơ mà tiếp cận thực tế” (Sđd, tr.34).

Về chủ nghĩa siêu thực, Chế Lan Viêncó quan điểm rất rõ ràng: “Siêu thực của châu Âu là chủ nghĩa siêu thực. Ta không chấp nhận chủ nghĩa… Hơn nữa siêu thực của châu Âu là siêu thực vì bộ óc” (Sđd, tr. 34).

Trước một vấn đề phức tạp như chủ nghĩa siêu thực, nhà thơ đã có cách giải thích thật giản dị. Đó là cách làm lý luận của một nhà thơ hơnlànhà lý luận, nghiên cứu văn học, miễn tinh thần của nó không sai. Có nhiều cách nhận thức như Chế Lan Viênđãnói và đây là một cách theo quan niệm chân lý vốn bao giờ cũng đơn giản.

Thái độ của Chế Lan Viên đối với chủ nghĩa siêu thực là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Thuở Điêu tàn, Chế Lan Viên rất thích các nhà thơ siêu thực Pháp và thơ của chàng thi sĩ mười bảy tuổi này đã đi khá xa vào lãnh địa của chủ nghĩa siêu thực. (Sau này ông đã viết: “Đi xa về hóa chậm /Biết bao là nhiêu khê”).Khi đã trở thành nhà thơ cách mạng, siêu thực đối với Chế Lan Viên chỉ còn là yếu tố sáng tạo, là phương tiện, thủ pháp sáng tạo. Ông không coi nó là chủ nghĩa, là mục đích. Nhưng ông cho rằng, việc kinh qua chủ nghĩa siêu thực có một ý nghĩa không nhỏ:“Xưa Aragông, Êluya là các ông tổ siêu thực. Giờ đây, các vị là nguyên soái của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng là một thứ hiện thực đã đi qua siêu thực còn mang trên mình những đốm lân tinh rực rỡ của nó. Hấp dẫn nhờ vậy” (Sđd, tr.31). Cũng có thể nói như vậy về Chế Lan Viên2. Không có thời kỳ siêu thực (đúng hơn là lãng mạn - siêu thực) trước Cách mạng,Chế Lan Viên sẽ tư duy thơ kiểu khác chứ không có những câu thơ tinh tế như thế này:

“Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua

còn để tâm hồn nằm đọng lại.

Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra

thành bể và thôi không trở lại làm trời”

(Cành phong lan bể)

2. Về thơ Hàn Mặc Tử

Chế Lan Viên khẳng định: “Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ siêu thực. Tượng trưng càng không. Chủ yếu anh vẫn là nhà thơ lãng mạn sử dụng các yếu tố siêu thực ở độ đậm đặc” (Sđđ, tr.32-33). Từ Hàn Mặc Tử về trước không có ai. Sau anh từ nay về sau dễ lại càng không có ai siêu thực”. Rất đáng chú ý là lý giải của Chế Lan Viên vì sao Việt Nam ít thơ siêu thực. Ông cho rằng hoàn cảnh đất nước bắt buộc người Việt Nam phải tỉnh thức, “thiếp mơ đi một chút là nguy khốn”.

Chế Lan Viên đánh giá rất cao Hàn Mặc Tử: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mạc Tử như ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi lòa chói rực rỡ của mình” (Sđd, tr.33). Theo ông, Hàn Mặc Tử siêu thực chỉ vì “bị xô vào giữa trận bão, cơn giông, đám cháy, giữa chết chóc, cô đơn máu lệ nên còn cách nào hơn?. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử là thế giới mơ:“Dùng                                                                                                  mơ mà tiếp cận thực tế”. Đó còn là thế giới của sáng tạo, phân thân, ảo giác… Bằng sự đồng điệu, bằng tài năng thẩm thơ, phân tích thơ tinh tế, ông giành lại từng câu thơ của Hàn từng bị xem là điên loạn, hư vô. Chế Lan Viên nói đến cáchđọc thơ siêu thực: “Khi ý thức tôi còn chưa hiểu nên do dự, thắc mắc, xua đuổi, chối từ thì quỷ quái chưa, tiềm thức tôi đã cảm được và chấp nhận, thông qua. Mấy ai hiểu hết Ranhbô, Lôtrêamông, thơ các thi sĩ Thiền tông, thế mà các thế kỷ đã thông qua. Ta cảm nhận được. Có nhiều cách nhận thức chứ” (Sđd, tr.25). Chế Lan Viên đã cảnh báo chúng ta cái thói quen bất cập là chỉ đọc bằng sự hiểu (thường gắn với thơ truyền thống). Đối với thơ hiện đại phải có cách đọc khác, cảm đi trước hiểu.

3. Về thơ Bích Khê

Một năm sau khi có tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử, tuyển tập thơ Bích Khê đã ra đời (1988). Trong Lời tựa tập thơ này, Chế Lan Viên đánh giá cao tính chất duy tân ở thơ Bích Khê: “Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực, lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống trên tay. Khê thuộc loại thứ hai” (Sđd, tr.26). “Anh làm thơ chứ không bị thơ làm như Hàn Mặc Tử” (tr.15).Làm thơ bị thơ làm là cách chơi chữ thật thông minh và rất đúng với trường hợp hai nhà thơ này .

Cụ thể hơn, Chế Lan Viên chỉ ra những hình tượng thơ mang tính chất ám gợi trong Bích Khê như là biểu hiện của thơ tượng trưng:

“Nụ cười ai trắng như hoa lê

Trắng xóa bên kia vùng Phan Thiết”

Nụ cười không mang sắc hồng của môi mà lại mang sắc trắng của tình yêu trong trắng. Tình yêu không với được nơi xa kia trắng xóa một vùng” (tr.21). Kiểu hình tượng thơ này như vậy là rất khác với hình tượng thơ lãng mạn.

Một biểu hiện duy tân khác trong thơ Bích Khê là quan niệm thơ “tổng hợp”do ảnh hưởng của thơ Châu Âu lúc đó. Chế Lan Viên đã hình dung cái cách làm thơ của Bích Khê: “Thơ có thứ đơn chất và loại đa chất, có thứ là nguyên chất, có thứ là hợp chất, hóa chất kia. Khê thích biến hóa tổng hợp… trong cái lò bát quái thơ của anh… May thay không chỉ có thất bại, Khê đã có thành công” (tr.19-20). Hoài Thanh-Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam cũng đã ghi nhận: “Tôi đã gặp trong Tinh huyếtnhững câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”.

Tính chất hiện đại trong thơ Bích Khê được Chế Lan Viên chỉ ra ở chỗ đã sáng tạo ra một thế giới khác với thế giới hiện thực. Ông đánh giá cao hai bài Ngũ hành sơn của Bích Khê hơn bài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Vì Nguyễn Nhược Pháp tả một cảnh, kể một chuyện có thể có. Bích Khê tạo ra một điều khó có thể có và “Nguyễn Nhược Pháp dẫn bài thơ theo chiều dài một tuyến”. Mượn cách nói của Basơla, ông nói: “Chữ Bích Khê cũng phát huy hiệu lực cả ba tầng hơn chữ của Nguyễn Nhược Pháp” (tr.25). Nhà thơ đặc biệt nhấn mạnh chất nhạc đầy sáng tạo độc đáo của thơ Bích Khê là “cái đáng cho ta yêu Khê, bắt ta phải tìm đến anh”.

Có thể nói rằng, chưa và sẽ khó có ai về sau viết sâu sắc và hay được như Chế Lan Viên về thơ Bích Khê và Hàn Mặc Tử. Nhiều người cho rằng, Hoài Thanh “dè dặt, ngần ngại nữa” khi đánh giá hai nhà thơ có tài năng đặc biệt này. Xuân Diệu thì gần như đã bỉ báng Hàn Mặc Tử trên báo Ngày nay (7/8/1938)3. Cho hay, chuyện lấy lòng mình mà hiểu lòng người cũng khó lắm thay! Để kết thúc bài này xin dẫn mấy câu thơ của Chế Lan Viên trong Di cảo:

“Yêu cành hoa bên những vực sâu

Yêu hoa một phần, nhưng chính là yêu sự hái”

(Hái hoa)

Bởi vì “Lấy của Hàn Mặc Tử cuộc đời,anh đã cho thiên địa mới tinh khôi” (Cho và trả).

 

Chú thích

------------------

(1)Người mới, số 5 ra ngày 23/4/1940

(2)Chế Lan Viên cho rằng: “Xã hội ta rất cần có lý. Nhưng sẽ chết dở latêrít hóa xơ động mạch nếu chỉ có lý và lý thôi” (Sđd. tr. 33)

(3)Xem: Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học. H, 1988, tr. 201.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522375

Hôm nay

2232

Hôm qua

2290

Tuần này

21149

Tháng này

220314

Tháng qua

121009

Tất cả

114522375