Khách mời văn hóa

Vô cảm và hèn nhát làm xấu xí xã hội và ngăn cản sự phát triển

Lời tòa soạn: Vô cảm và hèn nhát luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Đó là một lực ản vô cùng nặng nề đối với cái tốt đẹp, cái cao cả và là phản giá trị nhân văn. Tại sao vậy và làm gì để giả thiểu tối đa tình trạng này luôn là một câu hỏi khó. Sau đây là một cách tiếp cận vấn đề này của PGS.TS La Khắc Hòa đến từ Đại học sư phạm Hà Nội trong một trao đổi gần đây của ông với VHNA.

Phan Văn Thắng:Thưa ông, lâu nay trong dư luận xã hội, kể cả trong văn kiện của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức, đoàn thể, vẫn thường nói đến tình trạng vô cảm của người Việt hiện nay. Tuy nhiên, hình như không mấy ai dám nói rằng trong xã hội hiện nay có rất nhiều người hèn, hèn nhát, thậm chí hèn hạ. Còn ông, ông thấy người ta bây giờ có lám kẻ vô cảm và hèn không?

 La Khắc Hòa: Đúng là báo chí đã nói rất nhiều về tình trạng vô cảm của người Việt. Còn nhớ năm 2012, một lần đọc báo điện tử “VnExprss.net”, tôi bắt gặp con số thống kê do hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố, theo đó “Việt Nam là một trong những nước ít cảm xúc nhất thế giới”. Sau này, tôi thường xuyên bắt gặp các bài báo ví như: Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm, Suy nghĩ về lối sống vô cảm của thanh niên hiện nay, Tình trạng vô cảm trước dân bắt đầu lan ra,Báo động tình trạng vô cảm trong xã hội hiện nay: Chuyện không của riêng ai, Vô cảm – cái chết từ trong tâm hồn,Sự vô cảm khi thành thói quen, sẽ biến chúng ta thành những kẻ ácDư luận xã hội bàn về cái hèn và sự hèn nhát quả có ít hơn, nhưng không phải đó là đề tài bỏ trắng, chưa ai đụng tới. Cách đây không lâu, Phạm Xuân Nguyên nói về “Cái hèn của người cầm bút”. Thậm chí, có người còn nói về “sự hèn mạt của báo chí”. Lùi xa hơn nữa, hồi phong trào “đổi mới” diễn ra rầm rộ, trên tuần báo “V3nghệ” (số 49 & 50, Ngày 5/12/1987),  Nguyễn Minh Châu cho đăng bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa. Ông viết: “Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn <…>? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng”. Nhưng đâu chỉ nhà văn mới hèn! Mỗi chúng ta, cả tôi lẫn anh thử nghĩ mà xem, những người có lương tri, ai chả phải hèn: hèn để được sống yên ổn, tệ nữa là để giữ lấy miếng ăn!

Phan Văn Thắng:Vô cảm, hèn nhát, theo ông, cơ bản là vấn đề đạo đức hay là vấn đề văn hóa, nói cách khác là ông tiếp cận nó, nhận diện nó theo hướng nào? Vì sao?

La Khắc Hòa: Tôi thấy trên báo chí hiện nay, người ta xem sự vô cảm và thói hèn nhát chủ yếu là vấn đề đạo đức. Tôi không xem hai phạm trù ấy thuần túy là vấn đề đạo đức hay vấn đề văn hóa như thế. Bởi vì tôi luôn phân biệt tình trạng vô cảm và hèn nhát như vấn đề thời sự nổi lên trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay với vô cảm và hèn nhát như những phạm trù khoa học. Chắc chắn sự vô cảm của kẻ ích kỉ, vô đạo đức khác với sự vô cảm của người mắc chứng trầm cảm, lãnh cảm. Bệnh vô cảm của loại người thứ nhất cần được chữa trị bằng sự phê phán nghiêm khắc của xã hội. Chứng vô cảm của loại người thứ hai cần chữa trị bằng các liệu pháp y học và tâm lí. Với phạm trù “hèn nhát” cũng vậy.

 Nếu có ý thức tìm hiểu vấn đề một cách sâu sắc, ta sẽ thấy ở thời cổ đại, hèn nhát trước hết là đối tượng của triết học. Socrates là người đầu tiên có ý đồ tìm lời giải đáp cho câu hỏi: can đảm và hèn nhát là gì? Năm 2014, Chris Walsh cho xuất bản cuốn Lịch sử giản yếu về sự hèn nhát (Cowardice: A Brief History, Chris Walsh, Princeton University Press, 2014). Đọc cuốn sách tôi vỡ ra ba điều quan trọng. Thứ nhất, ở mỗi thời đại, nhân loại ứng xử với người hèn nhát và sự hèn nhát theo những cách hết sức khác nhau. Suốt nhiều thế kỉ, nhân loại ứng xử vô cùng nghiệt ngã với kẻ hèn nhát. Tử hình và nhục mạ là hai hình thức trừng phạt thường được dành cho họ. Nhưng càng về sau, nhân loại càng tỏ khoan dung hơn với loại người này. Không phải ngẫu nhiên, Joseph Ernest Renan(1823 – 1892), nhà triết học, nhà văn, nhà lịch sử học tôn giáo người Pháp từng để lại câu nói nổi tiếng: “Sự hèn nhát gần như bao giờ cũng được tưởng thưởng, còn sự can đảm là đức tính thường bị trừng phạt bằng cái chết”. Thứ hai, hèn nhát là một căn bệnh tâm lí. Thứ ba, hèn nhát là phạm trù diễn ngôn, là cái kiến tạo. Cho nên, Chris Walsh, tác giả cuốn sách tôi vừa nhắc tới ở trên, quả quyết: “Ngày nay, khái niệm hèn nhát trở thành khái niệm lỏng lẻo hơn bao giờ hết, đó là lý do tại sao nó dễ dàng bị sử dụng để thao túng hành vi của những người không thể phân biệt hèn nhát với quyết định không sử dụng vũ lực một cách khôn ngoan”. Mới đây, trên tạp chí AEON, Walsh còn cho đăng tiểu luận với nhan đề: “Xin đừng bạo dạn thái quá!”.

Ý tôi muốn nói, để có thái độ khách quan, khoa học trước hai phạm trù vô cảm và hèn nhát, cần tiếp cận vấn đề từ quan điểm tổng hợp và nghiên cứu chúng theo hướng đa ngành, liên ngành.

 Phan Văn Thắng: Vậy theo ông nhận thức, hành vi nào có thể nói là vô cảm?

La Khắc Hòa:  Tôi hiểu vô cảm là sự trơ lì của cảm giác và tình cảm. Kẻ vô cảm hoàn toàn thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi buồn, niềm vui và sự bất hạnh của tha nhân. Nhưng như tôi đã nói, cần phân biệt sự vô cảm như một căn bện tâm lí của người mắc chứng trầm cảm, lãnh cảm với sự vô cảm của loại người ích kỉ, vô đạo đức. Sự vô cảm của kẻ ích kỉ, vô đạo đức thường bộc lộ ra qua hai loại hành vi. Loại thứ nhất là hành vi tàn độc của những kẻ mất hết lương tâm trước tai họa và gây tai họa cho người khác. Vụ “hôi của” diễn ra tại thành Phố Hồ Chí Minh ngày 16/10/2013, khi anh Vũ Trường Chính bị 4 tên trộm móc túi tiền 50 triệu đồng’; vụ chị Phạm Thị Ngắn một phụ nữ nghèo ở Ea Kao, Buôn Ma Thuột đi mót cà phê bị Nguyễn Đình Sơn, nhân viên quản lý trang trại của Công ty TNHH Trường Ngọc thả cả một bầy chó hung hãn ra cắn xé cho tới chết là những thí dụ. Nhưng tiêu biểu hơn, có lẽ phải kể tới hành vi “ăn hết của dân không từ thứ gì”, từ việc ăn bớt tiền cứu trợ của đồng bào vùng bão lụt, cho tới việc cướp đất ở Thủ Thiêm, hay việc đám quan tham biển thủ, phung phí hàng nghìn tỉ từ quốc khố khi đất nước còn khó khăn, nhân dân còn đói khổ. Loại hành vi thứ hai là sự làm thinh, im lặng trước cái ác. Loại này rất khó nhận diện và hết sức nguy hiểm. Johann August Eberhard (1709 – 1809) từng nói: “Đừng sợ kẻ thù, vì cùng lắm là chúng giết ta. Đừng sợ bạn hữu, vì cùng lắm là họ phản bội ta. Nhưng phải biết sợ lũ vô cảm, chúng không giết người, không phản trắc, nhưng vì sự đồng lõa ngầm của chúng mà trên thế gian lúc nào cũng tôn tại việc giết người và sự phản trắc”.

 Phan Văn Thắng: Và thế nào thì có thể coi là hèn? Hèn hạ và hèn nhát nó khác nhau chỗ nào? Nếu được ông cho một vài dẫn chứng.

La Khắc Hòa:  Theo tôi, hèn là con đẻ của sự “sợ hãi”, “tham lam” và “tàn ác”. Kẻ hèn là người không thể khắc chế, không thể vượt qua sự tàn ác, tham lam và sợ hãi khi anh ta rơi vào tình thế buộc phải khắc chế, phải vượt qua chúng. Con người có hai năng lực quan trọng: hành độngtư duy. Có người được tạo hóa sinh ra chỉ để hành động. Nhưng cũng có được sinh ra là để gánh vác công việc sản xuất tư tưởng.  Theo đó, tôi chia cái hèn thành 2 loại: hèn trong hành động và hèn trong tư duy. Hành động và tư duy không vượt qua được sự sợ hãi là hèn nhát, không chế ngự được sự tàn độc và sự tham lam là hèn hạ. Dù ở đâu, dù gây bao chết chóc tang thương thế nào, thì bọn khủng bố vẫn chỉ là lũ người hèn hạ. Hành vi hối lộ và ăn hối lộ của đám quan chức hiện nay là hành vi hèn hạ. Khom lưng qùy gối trước kẻ có quyền và có tiền, ăn hiếp kẻ cô thân yếu thế cũng là hành vi hèn hạ. Ra trận, chưa thấy kẻ địch đã đào ngũ là hình vi hèn nhát. Làm nhà khoa học mà không dám nghĩ, không dám nói cái mới, cái độc đáo, là nhà văn, nhà báo mà không dám viết sự thật, họ thực sự là những người hèn nhát.

Có hai điều xin lưu ý. Thứ nhất: người khôn ngoan, không liều mạng, chịu nhẫn nhịn việc nhỏ vì việc lớn không phải là kẻ hèn nhát. Hiểu theo nghĩa như thế, Lạn Tương Như trong Đông Chu liệt quốc không phải là người hèn nhát, Hàn Tín không phải là kẻ hèn hạ. Thứ hai: Vì nhân loại rất khinh ghét sự hèn nhát và hèn hạ, nên những kẻ hèn nhát và hèn hạ bao giờ cũng tìm cách che giấu bằng rất nhiều mặt nạ. Trong một công trình nghiên cứu mà tôi đã đọc, tác giả đã mô tả 8 loại mặt nạ mà người ta thường sử dụng để che đậy sự hèn nhát và hèn hạ như sau: 1. Làm ra vẻ nguyên tắc, 2. Hào phóng, 3. Gallan, 4. Ân cần, 5. Khiêm nhường và rụt dè, 6. Thân tyhiện, 7. Can đảm, 8. Vẻ đau khổ. Vì hai lẽ trên, việc nhận diện sự hèn nhát và hèn hạ không phải là việc giản đơn.

Phan Văn Thắng:Có vô cảm tập thể không, thưa ông?

La Khắc Hòa:  Tôi nghĩ là có! Ở Việt Nam, nếu không có vô cảm tập thể, thì chắc chắn chúng người ta đã không sống chung lâu như thế với tình tình trạng suy thóai đạo đức, môi trường ô nhiễm, cái ác ngày càng lộng hành. Mà không phải chỉ có đám đông dân chúng vô cảm đâu. Tôi thấy cả guồng máy xã hội hình như cũng đang vận hành theo nguyên tắc vô cảm. Thủ Thiêm là một trườn hợp điển hình. Nếu không vô cảm thì làm sao mà có chuyện các cơ quan công quyền nhũng nhiễu dân chúng, hoặc càng kêu gọi tinh giản biên chế, thì biên chế càng phình ra lớn hơn.

 Phan Văn Thắng: Và có cái hèn tập thể không thưa ông?

La Khắc Hòa:  Tất nhiên, có vô cảm tập thể, thì cũng có cái hèn tập thể. Nguyễn Minh Châu chẳng đã nói tới cái hèn của nhà văn Việt Nam đó sao? Mà đâu phải chỉ giới cầm bút mới hèn! Tiếc là tôi không thể có điều kiện để điều tra, thống kê xem liệu giới cầm quyền, cầm tiền, cầm súng có can đảm hơn giới cầm bút không?.

 Phan Văn Thắng: Trong xã hội hiện nay, theo ông tầng lớp nào là vô cảm nhất, tầng lớp nào là hèn nhất?

La Khắc Hòa:  Tôi chưa thấy ở đâu tổ chức điều tra để đưa ra con số thống kê ngõ hầu có thể làm cơ sở để trả lời câu hỏi trên, nên không dám nói bừa. Nhưng căn cứ vào kết luận điều tra của hãng quốc tế Gallup mà tôi đã nhắc tới ở trên, thì ở tầng lớp nào số người vô cảm cũng chiếm đa số, giữ vị trí “thượng phong”.

Phan Văn Thắng:Hậu quả của sự vô cảm và sự hèn là gì?

La Khắc Hòa:  Ai trong chúng ta cũng có thể trả lời câu hỏi mà anh đặt ra. Sự xuống cấp của đạo đức, cái ác lên ngôi, lòng người chia rẽ, an ninh quốc gia bị đe dọa, theo tôi đó là hậu quả dễ thấy nhất của sự vô cảm và sự hèn nhát. 

Phan Văn Thắng: Trong muôn triệu sự hèn, theo ông cái hèn nào, hay là dạng hèn nào là đáng lên án, khinh bỉ nhất?

La Khắc Hòa:  Tôi thấy đáng khinh bỉ nhất là cái hèn hạ của bọn người dốt nát, tham lam, độc ác, dối trá tìm mọi cách luồn sâu, leo cao để có quyền, có tiền, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân.

Phan Văn Thắng: Người giàu có bớt vô cảm hơn người nghèo?  Và kẻ lắm quyền lực có hèn hơn người yếu thế?

La Khắc Hòa:  Muốn trả lời câu hỏi trên, cũng phải điều tra thống kê cẩn thận, không thể nói bừa. Nhưng nếu dựa vào sự mô tả của văn học và báo chí, thì ta có thể rút ra nhận xét: càng có quyền, càng lắm tiền người ta càng dễ trở thành kẻ vô cảm, hèn nhát, thậm chí hèn hạ.

 Phan Văn Thắng:Vì sao mà xã hội ta đang càng ngày có nhiều người vô cảm và hèn nhát, hèn hạ hơn ngày trước?

La Khắc Hòa:  Đọc một số công trình nghiên cứu của nước ngoài, tôi thấy người ta nói Trung Quốc, Nga và các nước Đông  Âu ngày nay tình hình có vẻ cũng giống như Việt Nam, nghĩa là ở họ cũng ngày càng có nhiều người vô cảm và hèn nhát. Những công trình nghiên cứu ấy thường chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất: Chiến tranh và chiến tranh kéo dài và đấu tranh tư tưởng diễn ra triền miên. Thứ hai: Sự vận hành của cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài khiến cho ý thức và sáng kiến cá nhân bị triệt tiêu. Thứ ba: Sự phát triển của kinh tế thị trường khuyến khích quan hệ “tiền trao cháo múc”, hủy diệt tình cảm và sự hào hiệp của con người.

 Phan Văn Thắng:Nếu xã hội giàu có hơn liệu sự vô cảm và hèn nhát có giảm bớt đi không?

La Khắc Hòa:  Không đâu, anh ơi! Sự giàu có vật chất đâu phải là điều kiện tối ưu  để kết nối tình người, làm cho con người trở thành hào hiệp, dũng cảm.

 Phan Văn Thắng:Vậy để cho con người sống tốt hơn, bớt hèn nhát, hèn hạ và vô cảm, theo ông, người Việt bây giờ phải làm gì?

La Khắc Hòa:  Tôi nghĩ con đường tốt nhất là mở rộng dân chủ, thực hiện “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như chủ trương của Phan Chu Trinh.

Phan Văn Thắng: Cảm ơn  ông về cuộc tra đổi này. Đúng là vô cảm và hèn nhát đang là một tác nhân làm xấu xí xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước.

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476