Người xứ Nghệ

Xây dựng văn hóa con người xứ Nghệ - nhìn từ truyền thống và những thách thức của yêu cầu hội nhập, phát triển

1. Xứ Nghệ (theo nghĩa từ trước đến nay bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) không chỉ là vùng đất phên dậu của nước Việt trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng mà còn là một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa. Từ lâu đời, người Nghệ đã vun đắp cho mình một nền văn hóa bản địa độc đáo, đủ sức đề kháng với tất cả các yếu tố văn hóa bị xem là xa lạ, ngoại lai, độc hại. Những mặt tích cực và cả tiêu cực trong văn hóa và bản sắc con người xứ Nghệ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, từ Phan Huy Chú (thế kỷ XVIII), Bùi Dương Lịch (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX), Đặng Thai Mai, Phan Ngọc, Ninh Viết Giao, Phạm Đức Dương, Thái Kim Đỉnh, Lê Bá Hán…(thế kỷ XX). Bùi Dương Lịch (tác giả Nghệ An ký) đã từng nhận định: Xứ Nghệ tuy “đất xấu dân nghèo” nhưng “dân đều vui vẻ công việc, sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ”; “do đất xấu dân nghèo nên chịu khổ, nhẫn nại, cần cù, kiệm ước đã quen nề nếp. Kẻ sĩ không chuộng hoa phấn, yên cảnh bần hàn. Người các trấn thường cười là hủ lậu”[1].Giáo sư Đặng Thai Mai có ý kiến tổng kết sâu sắc về tính cách người Nghệ: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, và tằn tiện đến..."cá gỗ!”[2]. Giáo sư Phan Ngọc nhận xét: “Người Nghệ rạch ròi đến mức khô khan, cực đoan đến mức bảo thủ. Biểu hiện bên ngoài của văn hóa ấy là gàn. Xét về mặt thao tác luận, gàn là theo mô hình trong óc, coi mô hình trong óc hơn thực tế”[3]. Giáo sư Phong Lê nói rõ hơn về tính “gàn” của người Nghệ: “Anh đồ Nghệ với hình ảnh con cá gỗ cũng là biểu hiện cho tinh thần hiếu học, cũng là biểu hiện của tính gàn. Tôi nghĩ tính gàn không phải là một cái gì đó xấu xa, nó là một cá tính đặc trưng của người Nghệ, đó là cái ngông của kẻ sĩ, của người có học. Người Nghệ ngông, gàn nhưng lại được nhiều người quý mến vì họ cũng là người sống thẳng thắn, khẳng khái và nhiều khi cũng hào phóng, không hay tính toán lợi ích cho bản thân”[4]. Giáo sưVũ Ngọc Khánh, trong một công trình nghiên cứu khái quát có “ba nhân vật trong một con người” và “bốn đặc điểm của con người Nghệ”; Ba nhân vật đó là: một kẻ bình dân khốn chạc, một người chữ nghĩa văn chương và một chiến sĩ tiên phong cách mạng; Còn bốn phẩm chất là: (1) Có lý tưởng trong tâm hồn; (2) Sự trung kiên trong bản chất; (3) Sự khắc khổ trong sinh hoạt; (4) Sự cứng cỏi trong giao lưu[5].

 Truyền thống văn hóa và bản sắc vùng miền vừa là một sức mạnh nhưng đồng thời có lúc cũng là một lực cản trong xây dựng văn hóa và con người văn hóa của một vùng đất. Ngay ở thời điểm hiện tại, người ta vẫn nói đến những mặt hạn chế không nhỏ của tính cách Nghệ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương: tư tưởng bảo thủ, cố chấp, nhiều khi cứng nhắc, thiếu linh hoạt; tâm lý “dại bầy hơn khôn độc”; “ ăn truyền thống, sống tiềm năng”, “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh không sử dụng”…Nhưng không nên xem những đặc trưng mang tính chất địa - văn hóa như một định mệnh, không thể thay đổi. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, người Nghệ không còn quanh quẩn trong lũy tre làng. Khoảng cách hơn 300 km ra Hà Nội, hơn 1.000 km vào thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí sang các nước châu Âu, châu Mỹ không còn là quá xa xôi đối với nhiều người dân xứ Nghệ. Người Nghệ hiện nay cũng định cư ở nhiều vùng trên đất nước ta và ở nhiều nước trên thế giới. Đã hình thành những cộng đồng người Nghệ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, ở Liên bang Nga, Cộng hòa Séc... Trong sự tiếp biến, giao lưu văn hóa, bên cạnh những mặt bảo lưu, người Nghệ cũng tiếp thu nhanh nhạy nhiều ưu điểm trong văn hóa của các vùng miền khác. Nhiều nét bảo thủ nhất trong văn hóa xứ Nghệ cũng đã có thay đổi, nhất là lớp trẻ. Họ năng động, linh hoạt hơn, không còn “gàn” như tầng lớp đồ Nghệ xưa. Ngay giọng nói “nặng, trầm, đục” là một hạn chế trong giao lưu tiếp xúc cũng đã thay đổi nhiều (các em sinh viên ra Bắc hay vào Nam nhiều em đã thay đổi cách phát âm, không còn nói giọng Nghệ nữa).

2. Do tính chất địa lý, xứ Nghệ là một vùng giáp lưu, giao thoa (giáp lưu giữa ảnh hưởng hai luồng văn hóa khổng lồ là của Ấn Độ từ phía Nam lên và của Trung Hoa từ phía Bắc xuống; Giáp lưu sự chuyển cư của các tộc người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer từ dưới tràn lên và và các tộc người thuộc ngữ hệ Tày - Thái và Mông - Dao từ phía trên tràn xuống; Giáp lưu từ văn hóa hai miền của đất nước…). Vì thế, xứ Nghệ có nhiều lợi thế trong việc tiếp thu các mặt tích cực của nhiều vùng văn hóa. Nhưng những vùng giao thoa như thế thường khó khăn hơn trong việc lựa chọn, xác định liên kết vùng về văn hóa. Mà chúng ta biết, việc xác định liên kết vùng về văn hóa là điều rất quan trọng để xác định hướng đi cụ thể trong giao lưu, tạo ra các cộng đồng văn hóa. Trong một cuộc hội thảo khoa học ở Thanh Hóa năm 2014 mà tác giả có tham gia, một số nhà khoa học cho rằng căn cứ trên đặc trưng văn hóa, con người xứ Thanh, nên ưu tiên chọn hướng liên kết về kinh tế và văn hóa là hướng về phía Bắc đất nước và trên thực tế đã có nhiều biểu hiện như thế (chẳng hạn về kinh tế, du lịch, đào tạo, Thanh Hóa liên kết chặt chẽ với nhiều tỉnh phía Bắc; học sinh Thanh Hóa thường thích chọn các trường Đại học ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng chứ không phải là Đại học Vinh hay Đại học Huế). Theo chúng tôi, về văn hóa, xứ Nghệ gần gũi với văn hóa các tỉnh Bắc Trung Bộ, do đó sẽ hình thành mối liên kết tự nhiên với các tỉnh Bắc Trung Bộ và sau đó là các trung tâm phát triển ở miền Bắc. Sự liên kết vào phía Nam (các tỉnh Nam Trung Bộ và các vùng phát triển phía Nam) có khó khăn hơn do sự ngăn cách về địa lý, do đặc trưng văn hóa. Tuy nhiên, cần xác định trên một số lĩnh vực như du lịch (gắn kết với hành trình di sản miền Trung), về giáo dục đào tạo (để liên kết đào tạo, tạo đầu ra vững chắc cho nguồn nhân lực) thì lại rất cần liên kết mạnh mẽ với các tỉnh Nam Trung Bộ và phía Nam của đất nước. (Một điều đáng lưu ý là trong những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông hướng vào học Đại học hoặc tìm việc ở các tỉnh miền Nam ngày càng tăng lên).

3. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ hiện nay, nhiều mặt tốt đẹp mang tính chất hằng số trong phẩm chất của người Nghệ rất cần được phát huy. Trước hết là phẩm chất hiếu học. Trong lịch sử, mặc dù là vùng đất “viễn trấn” xa kinh đô, nhưng xứ Nghệ lại là vùng đất học. Theo thống kê của PGS Ninh Viết Giao, từ đời Trần đến hết đời Lê đã có gần 150 người đỗ đại khoa. Đến đời Nguyễn, trong 600 người đỗ chánh bảng và phó bảng, Nghệ Tĩnh đã chiếm đến 140 người[6]. Phát huy truyền thống đó, Nghệ An luôn nằm trong tốp đầu của nhiều kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, các kỳ thi đại học. Học sinh Nghệ An học tập ở nhiều trường Đại học luôn phát huy mặt mạnh của mình: ham học, ham hiểu biết, chịu khó, cần cù. Con em Nghệ Tĩnh những năm gần đây tiếp tục nhận nhiều HCV, HCBToán, Vật lý quốc tế, góp phần làm rạng danh đất học của ông đồ Nghệ xưa. Những doanh nhân xứ Nghệ như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Sữa TH True Milk Thái Thị Hương, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản… đang tạonên một hình ảnh mới về người Nghệ.

Sự cần cù, chịu khó, sự đoàn kết, gắn bó mang tính “đồng hương” cũng có nhiều khía cạnh tốt đẹp của nó. Do tính chất là vùng đất “viễn trấn”, phải thường xuyên chống thiên tai, chống ngoại xâm nên người Nghệ thường có mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ, trước hết là trong họ, ngoài làng “đi làng giữ họ, đi họ giữ anh em”. Truyền thống này làm cho người Nghệ dù đi xa đều có tâm lý hướng về quê hương, có mối quan hệ đồng hương (hội đồng hương Nghệ An có mặt ở nhiều tỉnh thành). Đây là một thuận lợi trong hợp tác đầu tư, thu hút người Nghệ các nơi góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cũng phải thấy rõ những nhược điểm trong tính cách người Nghệ để hạn chế, khắc phục. Chúng tôi đồng tình với ý kiếncủa giáo sư Phong Lê trên báo Nghệ An: “Cá tính của con người ở địa phương và vùng miền là một thứ không dễ gì bỏ được. Và càng không thể bỏ đối với cá tính của người Nghệ khi nó mang nhiều sự tốt đẹp như tinh thần hiếu học, chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ, dũng cảm, kiên cường… Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái, và mặt trái của người Nghệ là dễ cực đoan, dễ gây bè kết phái theo địa phương chủ nghĩa. Hội nhập là tham gia vào sân chơi lớn, phải chấp nhận luật chung, cái chung và như vậy thì phải điều hòa lại cái riêng của mình cho phù hợp. Chúng ta thể hiện cá tính của mình vừa phải để nhiều bên chấp nhận lẫn nhau. Nếu máy móc, cực đoan quá thì sẽ dễ tự cô lập mình giữa muôn người và lúc đó muốn làm việc gì cũng khó. Chúng ta phải nhận thức lại những đặc trưng, cá tính của người Nghệ, từ đó phát huy các mặt tích cực, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của nó để phát triển”[7].

 



Chú thích:

 

[1]Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Bản dịch của Nguyễn Thị Thảo, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1993, tr. 217, 223.

[2]  Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 37.

3Chuyển dẫn từ Ninh Viết Giao, Về văn hóa xứ Nghệ, tập 2, Nxb Nghệ An, 1996, tr. 21.

4 Phong Lê, Cần nhìn nhận đúng đặc trưng, cá tính của người Nghệ, http://baonghean.vn,cập nhật 4/6/2017.”

5 Vũ Ngọc Khánh, “Tìm nét riêng của Hà Tĩnh trong văn hóa xứ Nghệ, trong sách Văn hóa Hà Tĩnh (tác phẩm chọn lọc), Nxb Đại học Vinh, 2012, tr. 239.

6 Ninh Viết Giao, Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1996, tr. 23.

7 Cần nhìn nhận đúng đặc trưng, cá tính của người Nghệ, http://baonghean.vn,cập nhật 4/6/2017.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434833

Hôm nay

2104

Hôm qua

2349

Tuần này

21483

Tháng này

211881

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434833