Khách mời văn hóa

GS Trần Ngọc Vương: Thời này, không phải thời của văn chương

Lời Tòa Soạn: Văn hóa, văn chương luôn là vấn đề được cộng đồng quan tâm, nhất là mỗi dịp Xuân về Tết đến. Văn hóa, văn chương gắn liền với đời sống xã hội, gắn liền với hành trình của Đất nước, với  vui buồn sướng khổ của Nhân dân. Giàu chưa chắc đã có một cuộc sống tinh thần, văn chương và văn hóa phong phú, có bản sắc.Nghèo rất có thể không bị trộn lẫn vào ai và vẫn có những thành tựu văn hóa nghệ thuật sánh vai với thiên hạ. Nhân dịp Tết đến, năm mới về, VHNA đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với GS Trần Ngọc Vương đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

GS Trần Ngọc Vương

        Thảo Nguyên: Chào ông! Lại thêm một năm nữa đi qua. Tôi xin hỏi thật nhé, ông có vui khi bước sang năm mới? Vì sao vậy?

        GS Trần Ngọc Vương: Nói một cách không ước lệ, thì thật ra không vui lắm. Vào dịp cuối năm, có ba sự kiện gây ám ảnh tâm trí tôi. Thứ nhất, việc nóng lên từng ngày của quá trình quân sự hóa ở Biển Đông đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Việt Nam. Thứ hai, tuy không mới nhưng đến bây giờ mới bắt đầu hé lộ những sự thật, đó là vụ án Thủ Thiêm - một vụ án cưỡng đoạt gây chấn động và thậm chí ngỡ ngàng cho dư luận thời gian qua. Như thế chứng tỏ người ta không coi nhân dân và dư luận là gì. Và cũng ở Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, cũng đã hé lộ những câu chuyện không bình thường, không vui trong những ngay áp Tết. Chuyện thật sự không vui thứ ba là tình trạng tai nạn giao thông trên phạm vi cả nước (phản ánh tình trạng quản lý giao thông nói riêng, đào tạo lái xe nói chung) là báo động đỏ. Không lâm vào tình trạng chiến tranh , lại vào dịp đón xuân, ăn Tết, mà ước tính cả nước có đến cả sư đoàn những người chủ yếu trong độ tuổi lao động trong vòng một tháng đã phải “hy sinh” một cách oan nghiệt. Tôi có vui được không khi một bức tranh toàn cảnh là như vậy. Người đã có tuổi không nên xui người khác lạc quan tếu, chỉ nên lưu ý người khác “hãy hành xử thận trọng và bình tĩnh hơn”.

        Thảo Nguyên: Làm nghề nghiên cứu văn chương, ông thấy thời này có phải là thời của văn chương không?

        GS Trần Ngọc Vương: Thời này không phải thời của văn chương, không đủ trầm lắng để đau, không còn đủ hào hùng để “hứng”.

        Không phải bây giờ mà từ rất sớm (có lẽ phải ba mươi năm trước, khi mới bước chân vào nghề trên dưới một chục năm), tôi đã thảng thốt thức nhận rằng dường như văn chương bắt đầu đến thời “bạc”, nói rõ hơn là đã đến lúc bị bạc bẽo, cả người sáng tác lẫn người nghiên cứu đều như vậy. Lúc bấy giờ, dấu hiệu đầu tiên giúp tôi đưa ra lời cảnh báo đối với phụ huynh và thí sinh ở ngưỡng cửa thi đại học, chọn nghề cho mình là sự hững hờ khá nhanh chóng của “sĩ tử” đối với các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn nói chung, đối với ngành văn học nói riêng. Đó cũng là thời điểm nhen nhóm lên cái tâm thế hội nhập để hy vọng sớm được đón cơn gió lạ kinh tế thị trường. Trước hết, chính người lớn, từ “cộng đồng của những người lớn” đã nảy sinh ra tâm thế này, một tâm thế thực dụng ở tầm thấp, tôi vẫn nói “thời của những tâm hồn bò sát” khiến họ không chuẩn bị cho những người “non dại” bước vào đời những sự cân nhắc lựa chọn nghiêm túc và quyết liệt. Văn chương hoặc gây ảo tưởng “rơi rớt” hoặc bị rẻ rúng kể từ thời điểm đó. Là thầy giáo, lúc bấy giờ đã trải qua hơn chục năm vừa dạy học vừa cầm bút sáng tạo, tôi thảng thốt nhận ra tình trạng xuống giá, mất giá của sáng tạo văn chương - rõ ràng hơn hết so với các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác.

        Thảo Nguyên: Vì sao vậy?

        GS Trần Ngọc Vương: Muốn sáng tạo những danh tác mang giá trị cộng đồng và bền vững qua thời gian, người ta phải có một sự chuẩn bị, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, gom góp và nuôi lớn những cảm hứng, cảm xúc chủ đạo. Thường thì, trừ các thiên tài được trời phú cho những quan năng đặc biệt, những kiệt tác của sáng tạo tinh thần thường được hun đúc, nghiền ngẫm trong những suy tư và cảm nhận đầy vật vã, đớn đau. Nó cũng chưng cất được những phẩm tính mang tính xã hội, tính cộng đồng mà cá nhân người sáng tạo là một thành viên. Vừa bước ra khỏi không gian thời chiến, một cuộc chiến trường kỳ hàng thế kỷ và khốc liệt, bầm dập, tất cả, từ cộng đồng cho đến các cá nhân riêng lẻ, chưa kịp sực tỉnh nhận ra trạng thái tinh thần mà mình đang lâm vào. Nói theo cách để động viên và tự an ủi, thì chúng ta đang ở trong “sinh quyển” của một thời đại lớn lao bậc nhất trong lịch sử bốn nghìn năm, nhưng cái sinh quyển ấy lại chưa được chuẩn bị bồi bổ để những dưỡng chất trần gian hứa hẹn một mùa màng sáng tạo, hay nói theo ngôn ngữ của nông nghiệp là chưa đủ thuần thục, thâm canh để mong một mùa bội thu lớn tiếp theo. Nếu về mặt chính trị, người ta đang ngất ngây về những hào quang chiến thắng, về những kỳ tích “huy hoàng và tráng lệ” bậc nhất trong lịch sử dân tộc, thì về mặt nhiệm vụ chuẩn bị cho sự đúc kết và kỹ năng của những kiến tạo mới, như quy luật của việc “sáng tạo lớn” những giá trị đòi hỏi phải làm. “Không tự ngắm mình anh chẳng hay đâu hỡi chàng dũng sĩ, Cả năm châu chân lý đang nhìn theo”. Và chàng dũng sĩ ấy cứ bị ám ảnh bởi cái bổn phận không tiền khoáng hậu là “lịch sử chọn ta làm điểm tựa” nên người ta cứ ngỡ rằng chắc chắn là chàng Thạch Sanh phải được cưới công chúa và lên ngôi báu, an hưởng cảnh thái bình. Cả đến từng cá nhân lẫn các cấp độ cộng đồng từ nhỏ đến lớn, không mấy ai kịp thảng thốt nhận ra rằng cuộc sống vốn là “miên miên bất tức” (liên tục không ngừng nghỉ), nói theo triết ngôn nghiệt ngã của Kinh Dịch: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Vũ trụ vận hành một cách vô tình, người quân tử biết lo xa cũng phải rắn rỏi theo). Kéo dài mãi một tâm lý tự thỏa mãn, hay nói như những người trẻ hiện nay là “tự sướng”, những “người lớn” đã thiếu tỉnh táo để có thể dùng đến sự trầm tư trước ngổn ngang, trong khi thế giới cứ việc đua tốc độ thật nhanh và không ngừng nghỉ liên tục sáng tạo đổi mới.

        Chưa kịp ngấm sướng mà cũng chưa kịp ngấm để đau!

        Thảo Nguyên: Vừa rồi ông có nghe thông tin nhà thơ Hữu Thỉnh thông báo là nhà nước vẫn nuôi văn nghệ sỹ? Ông có vui không?

        GS Trần Ngọc Vương: Nói lại với câu hỏi nền tảng mang tính triết học về bản chất của sáng tạo nghệ thuật đã nhé!

        Ở từng cá nhân rồi đến các cộng đồng, nghệ thuật vốn không được nảy sinh từ việc thỏa mãn nhu cầu mang tính “bản năng gốc” của tồn tại sinh học. Nó sinh ra do cái cơ chế “Chẹt chân thì há miệng” , “No cơm ấm cật thì dậm giật tay chân”! Nó vốn là sự biểu đạt của những trạng thái mang tính tinh thần, chứ không phải sinh ra từ nhu cầu đáp ứng những nhu cầu vật chất trực tiếp, nói khác đi, nó đáp ứng những nhu cầu thứ sinh chứ không phải những nhu cầu nguyên sinh. Một trong những vị thần “chủ quản” sớm nhất, biểu tượng cho hoạt động văn nghệ của thần thoại cổ đại Hy Lạp là thần rượu nho - thần Dionisos, vị thần đầu tiên dạy cho con người khiêu vũ. Triết gia cổ đại Trung Hoa là Lão Tử viết trong Đạo đức kinh “nhận định” về đấng sáng tạo của muôn loài muôn vật là “thiên địa” rằng “Thiên địa bất nhân, dĩ vận vật vi sô cẩu” - trời đất không nhân, làm vạn vật thành chó rơm cả- ngay từ đầu, hoạt động “tạo lập nên muôn loài” của “Tạo hóa” vốn dĩ là những “sản phẩm thô”! Hiền triết cổ đại khác  thì nhận định rằng “Phú quý sinh lễ nghĩa”, lễ nghĩa là cái đến sau, cần có phú quý trước đã!Cho nên, K.Marx mới viết rằng cùng với lao động và dần dà con người mới hình thành nên ý thức sáng tạo theo quy luật của cái đẹp,tức là sáng tạo nghệ thuật!

        Vậy nên, khi cả xã hội, cả các cộng đồng lớn nhỏ, còn đang bị lôi cuốn vào cơn lốc của sự sinh tồn, từ kiếm sống đến làm giàu, từ việc phải lần hồi từng bữa đến khát khao trở nên đại gia tỷ phú đô la, dòng chảy của năng lượng xã hội, dù muốn dù không, không thể là thời điểm “trào ngược”, nhà nước chưa thể đáp ứng cái nhu cầu “cung cấp protein để nuôi nốt ruồi duyên”.

        Cho đến nay, ngân sách nhà nước nào trên thế giới đồ sộ như nước Mỹ, họ (người Mỹ) cũng chưa bao giờ chính thức bỏ ra dù chỉ là một ngân khoản nhỏ, với tư cách chính phủ liên bang, để nuôi lớn các thứ hội, cho dẫu là vẫn cần thiết. Anh Hữu Thỉnh nên chăng đề nghị với Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội để làm cho chính danh các hội nghề nghiệp trong tổ chức của mình quyền được đưa vào “cơ chế” hành nghề cho các hội viên bằng những danh xưng nghề nghiệp trước đã! Bởi cho đến nay, danh xưng “nghệ sĩ” lẫn danh xưng “nhà văn nhà thơ” vẫn chưa bao giờ được tính vào ngạch, dù ở khối “hành chính sự nghiệp” hay khối “lao động sản xuất”. Không vào cơ chế thì làm sao “hạch toán kinh tế”, làm sao “kiểm toán”. Mà ngoài quy trình đó, chỉ còn cách, nếu muốn tiêu tiền, chỉ có cầu cạnh chút “lộc rơi lộc vãi”, “ăn mày cửa Thánh” “cửa Phật”. Tôi tin là với niềm kiêu hãnh bẩm sinh ngút trời của mình, đám “chúng sinh bất trị” của anh Thỉnh sẽ cảm thấy rất bị xúc phạm khi được anh thông báo rằng chúng ta được nuôi, cho dù hãy ở trong tình trạng “vô nghề nghiệp”. May là tôi không đứng vào trong đám chúng sinh ấy!

        Chuyện các thể chế chính trị, các nhà cầm quyền ở mọi thời đại biết rất rõ và không ngừng nỗ lực khai thác những phương diện, những thành tựu của văn học nghệ thuật để duy trì, củng cố và hoàn thiện quyền lực của mình là điều phổ biến. Từ đó hình thành nên một bộ phận “văn nghệ phục vụ” và những nghệ sĩ công bộc.Nền chính trị nào không biết khai thác sức mạnh ấy thì chỉ có thể là nền chính trị dại dột. Nhưng nền văn nghệ phục vụ cho các thể chế chính trị chỉ là một bộ phận của nền văn nghệ nói chung. Văn nghệ sĩ chính thống nếu vẫn luôn chờ đợi được nuôi dưỡng, bú mớm thì khó có thể trưởng thành thành những “đại thụ độc lập” được, sẽ khó sản sinh ra những tác phẩm có tính sáng tạo, tính nghệ thuật cao được cả cộng đồng ái mộ, tự hào. 

        Thảo Nguyên: Là chuyên gia nghiên cứu văn học Việt Nam cổ trung đại, ông thấy quan niệm văn chương của người Việt ta thời trước, cứ lấy mốc 1945 trở về trước đi, có gì khác với chúng ta bây giờ không?

        GS Trần Ngọc Vương: Quan điểm chính thống của Đảng và nhà nước ta hiện nay, “văn nghệ phục vụ chính trị”, theo tôi, không phải là một tư tưởng Mác-xít nguyên thủy mà là một quan điểm chính thức được công nhận như một quan điểm của ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa kể từ “Tọa đàm văn nghệ Diên An” cách đây hơn bảy mươi năm. Có thể nói, quan điểm này thực chất là một sự “tái sinh” của quan niệm “văn dĩ tải đạo” nhằm “đôn nhân luân, hậu phong tục, di dưỡng tính tình” chính thống thời trung - cận đại, gắn liền với sự hình thành và quá trình thịnh - suy của các triều đại phong kiến. Nhưng mặt khác, vẫn luôn tồn tại một quan niệm khác về văn chương nghệ thuật, gắn với bản chất và nhu cầu sáng tạo vốn có của loài người. Chính vì vậy mà ngay cả trong những thời kỳ mà quan niệm “văn dĩ tải đạo” thống trị thì vẫn có những con người - đặc biệt là những ai bị/được thiên nhiên ban tặng cho một cách khá hào phóng thứ mầm độc dược liều cao được gọi tên là “năng khiếu” và bị “ám ảnh” với khát vọng bất tử - dấn thân trên con đường sáng tạo nghệ thuật, bất chấp phải khổ công và đầu tư tài lực nhiều đến đâu đi nữa. Quan điểm thứ hai này phát triển đặc biệt mạnh, có thể nói là trở thành dòng chủ lưu và gặt hái được những thành tựu rực rỡ nhất là vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX và giai đoạn 1932-1945.

        Thảo Nguyên: Và có gì khác nhau về nhận thức vị trí, trách nhiệm xã hội của văn chương? Của những người làm văn chương?

        GS Trần Ngọc Vương: Lịch sử thế giới đã cho thấy, và điều này đã được K. Marx chỉ ra, rằng có những giai đoạn cực thịnh của nghệ thuật không ăn nhập với sự thịnh vượng của chế độ chính trị và thậm chí trình độ phát triển sức sản xuất của một xã hội, mà nước Nga nửa cuối thế kỷ XIX là một ví dụ điển hình. Khi đó, sự tồn tại của nghệ thuật không phải là để phục vụ cho một ý thức hệ chính thống mà là một hình thức tự thể hiện bản chất của con người, để “phục vụ” xã hội loài người trong tính toàn vẹn của nó. Thứ nghệ thuật “tự giác” và “độc lập” này chỉ xuất hiện ở những tài năng đích thực, trong điều kiện người làm nghệ thuật có tự do. Trong một xã hội mà ngay cả các tỷ phú cũng còn chưa thoát khỏi tâm lý thực dụng “ăn chắc mặc bền” vốn là hệ quả của những ký ức chưa phai về những mùa giáp hạt thì sẽ khó có chỗ cho sự tồn tại của một quan niệm nghệ thuật như vậy.

        Thảo Nguyên: Bây giờ nói rộng ra hơn văn chương là văn hóa. Cái nhận thức, cách làm, cách ứng xử với văn hóa như hiện nay thì văn hóa là mục tiêu của vận động hay chỉ là phương tiện, là công cụ cho sự vận động của kinh tế, xã hội và chính trị?

        GS Trần Ngọc Vương:

        Xét cho cùng, văn hóa là những giá trị sống, mà những giá trị sống ở cá nhân hay ở cộng đồng luôn được thể hiện ra bằng những khuôn mẫu, những biểu tượng hằng xuyên, được cô đặc, kết tinh thành những đỉnh cao trong đời sống xã hội, cộng đồng.Không sáng tạo được những “công trình” bền vững thì không có cách gì chứng minh được từng tồn tại “ở đâu và bao giờ” một nền văn hóa thực thụ đã từng tồn tại. Có một trong những định nghĩa của văn hóa: “Văn hóa là những gì còn lại khi những thứ khác đã trôi đi” là vì như thế.

        Thảo Nguyên: Chúng ta không thể phủ nhận sự vận động và những thành tựu văn hóa mà đất nước ta đã có được trong mấy chục năm qua. Ông có thể quy nạp các thành tựu, thành tích đó thành các giá trị mà nền văn hóa của chúng ta trong mấy chục năm qua đã tạo lập được?

        GS Trần Ngọc Vương: Tôi chưa kịp ngẫm kỹ để có thể trả lời ngay  một cách thấu đáo, đầy đủ câu hỏi này! Nhưng nhìn chung, theo tôi, văn hóa Việt Nam hơn bảy mươi năm vừa qua, nhìn theo lối nhìn hồi cố, đi theo tinh thần “con rắn cắn đuôi”. Cứ loay hoay làm đi rồi làm lại rồi lại làm lại làm đi[...]

        Thảo Nguyên: Tôi muốn chúng ta trao đổi thêm về vai trò sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trong sự vận động văn hóa. Hình như lâu nay đã và đang có sự chững lại trong hoạt động sáng tạo của đội ngũ này?

        GS Trần Ngọc Vương: Những chỉ số của nền văn hóa chúng ta đóng góp vào cộng đồng nhân loại đang ở mức rất thấp.Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, người Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là có năng lực  sáng tạo phong phú. Lịch sử cũng đã chứng tỏ điều đó. Vấn đề là làm thế nào để phát huy được phẩm chất đó. Cần phải thay đổi rất nhiều, phải  cải cách thể chế để có một không gian thuận lợi cho phát huy trí tuệ, tài năng của người Việt, phải có văn hóa khuyến tài, trọng dụng người tài, đặc biệt phải nhấn mạnh vai trò nền tảng của nền giáo dục.

        Thảo Nguyên: Cảm ơn GS về cuộc trao đổi đầu năm này. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng, ở đây, tất cả là ý kiến, nhận thức của cá nhân, ông, và tôi. Hy vọng vấn đề này sẽ được nhiều người quan tâm và trao đổi, trong dịp đầu năm mới này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114506618

Hôm nay

277

Hôm qua

2296

Tuần này

21705

Tháng này

213491

Tháng qua

121356

Tất cả

114506618