Khách mời văn hóa

Ai là công chức tinh hoa?

Vừa rồi, trong một trả lời phỏng vấn của báo An ninhThế giới, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Quốc hội có đề cập đến khái niệm Công chức tinh hoa. Ông Dũng nói: “Phải khơi gợi những giá trị đứt gãy, kiến tạo đội ngũ tinh hoa thực chất” (An ninh Thế giới ngày 25/2/2019). Và: “... có thể nói rằng, vấn đề số 1, vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta bây giờ chính là sự thiếu vắng của một đội ngũ công chức tinh hoa”.

Để bạn đọc Văn hóaNghệ An hiểu rõ hơn về khái niệm Công chức tinh hoa, chúng tôi giới thiệu nội dung cuộc trao đổi giữa nhà báo Phan Văn Thắng với PGS.TS Phạm Quang Long nguyên PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Trần Xuân Hoài (bút danh Trần Gia Ninh), nguyên Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và GS. TS Trần Ngọc Vương đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS,TS Phạm Quang Long                      TS Trần Xuân Hoài            GS.TS Trần Ngọc Vương

Phan Văn Thắng:Theo các ông, công chức là gì?

Phạm Quang Long:Khái niệm công chức đã được xác định trongLuật cán bộ, Công chức. Ở đây, tôi không nói về khái niệm này theo quy định của Luật vì như thế là thừa mà nói về người công chức trong tinh thần thực tiễn, ai cũng thấy, ai cũng hiểu vì ở đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn không ít người không phân biệt được công chức và viên chức, thậm chí, cả công việc của họ. Theo nghĩa đơn giản nhất thì công chức là những người có một trình độ nghiệp vụ nào đó (được coi là tinh thông ở cấp được đào tạo), được nhà nước sử dụng đúng những hạng, ngạch công chức, được hưởng lương theo chức trách được phân công ở một cơ quan nhà nước hay một tổ chức chính trị - xã hội, chịu trách nhiệm công vụ và nếu làm tốt, được khen thưởng (nâng bậc lương, đề bạt sớm và các hình thức vinh danh khác), nếu làm sai thì tùy theo mức độ nặng nhẹ bị xem xét kỷ luật, nhẹ thì phê bình, nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo, chậm lên lương; nặng thì bị hạ lương, đuổi việc hoặc truy tố theo quy định của pháp luật. Như vậy, công chức phải là người tinh thông nghiệp vụ, làm đúng nghiệp vụ, phải là chuyên gia về lĩnh vực mình đảm nhiệm và được trả lương xứng đáng với công việc được giao. Và đánh giá công chức là đánh giá chất lượng công việc hoàn thành.

Tôi chưa đọc bài của ông Nguyễn Sĩ Dũng nên không rõ ông Dũng dùng khái niệm công chức tinh hoa theo nghĩa nào nhưng theo cách hiểu của tôi thì khái niệm công chức tinh hoa chắc ông Dũng dùng để chỉ những người ưu tú nhất thuộc giới công chức. Với tôi, không có công chức tinh hoa tương ứng với trí thức tinh hoa dù tính từ tinh hoa trong công chức tinh hoa vẫn chỉ thành phần ưu tú nhất của giới công chức, họ thạo việc nhất, giỏi nhất. Công chức giỏi cũng vẫn là công chức, là người thừa hành, là người thực thi những nhiệm vụ cụ thể. Thầy tôi, cũng là một người Nghệ, lâu rồi có phàn nàn là ở ta ít công chức thực thụ mà nhiều lại quá. Chữ lại được dùng với dụng ý chê bai, chỉ loại người tuy danh là công chức nhưng tâm thế thì mang nặng tính phụng sự người thủ trưởng trực tiếp như một kiểu nô bộc tâm phúc chứ không phải là người công chức có ý thức về công việc một cách trách nhiệm và giàu lòng tự tôn, trách nhiệm công dân và tinh thần phục vụ do được hưởng lương. Người lại chỉ nghĩ việc đón ý, cốt làm vừa lòng cấp trên mà không nghĩ đến việc làm của thủ trưởng và của mình đúng hay sai với chức trách công vụ.

Trần Gia Ninh:Công chức hiểu một cách đơn giản là những người được chọn lựa (Tất nhiên, ở nước ta cần một câu hỏi đi cùng là: Ai chọn lựa?) để thực hành công vụ là quản lý và điều hành của một cộng đồng dân cư, (ở đây ta hiểu là dân cư một quốc gia), và được cộng đồng (bằng đóng thuế) trả thù lao. Tuy nhiên trên thực tế thì không đơn giản như vậy. Ví dụ ở nước ta có Luật Cán bộ, Công chức 22/2008/QH12[i], đã ghi rõ:

Điều 4. Cán bộ, công chức

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Nghĩa là ta có hai hệ thống đều do thuế của dân nuôi: Một là Cán bộ, hai là Công chức. Và, hệ thống thứ nhất dường như là có chức năng tuyển chọn và lãnh đạo hệ thống thứ hai, gọi là công chức, để thực hiện quản lý và điều hành đất nước.

Như vậy, nói về nhóm công chức tinh hoa chung thì rất dễ, nhưng nói rõ về công chức tinh hoa ở Việt Nam thì quả thật không đơn giản vì có hai hệ thống như vậy thì cần nói đến nhóm thực thi công vụ (công chức) hay là nhóm tuyển chọn và lãnh đạo công chức (cán bộ), hay là cả hai?

Trần Ngọc Vương:Theo nghĩa mặt chữ thì người công chức là người đảm nhiệm những chức vụ công.Thế nào là chức vụ công? Có hai khái niệm cơ bản ở đây cần phải phân biệt thật rạch ròi về mặt nguyên tắc, chính quyền (các cấp) và xã hội. Xã hội là những cộng đồng, những tập hợp người hay nhóm người  theo những mối liên hệ liên kết tự nguyện còn ngược lại chính quyền là những liên kết có tổ chức và mang tính bắt buộc của kết cấu tầng bậc, phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Những mối quan hệ xã hội vì vậy, về nguyên tắc không mang tính cưỡng bức, duy ý chí, có kết cấu ít nhiều lỏng lẻo và tự do. Chính quyền được kết cấu theo lối tầng bậc (hierrarchie’) tòng thuộc, được chỉ huy và bị chỉ huy. Chính quyền vì thế mang tính bắt buộc, mang tính cưỡng chế cao, tính cưỡng chế đó thể hiện ra bằng luật pháp và các hình thức luật pháp cao thấp khác nhau. Trong các học thuyết về chính trị từ xưa đến nay những nội dung chủ yếu thường tập trung giải quyết và phân biệt rạch ròi giữa tính xã hội và tính chính thể là vì lý do đó.

Như đã nói công chức là người đảm nhiệm những vị trí mang tính quản lý, phục vụ cho công việc tổ chức quản lý, cai trị xã hội của chính quyền nên đặc điểm nổi bật đầu tiên là tính chất “phục vụ chế độ chính trị”. Họ có thể là bản thân chính quyền hay trong những trường hợp rộng hơn là những người đại diện cho chính quyền. Trong chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa khi vua là kẻ đại diện cho quyền lực cao nhất và quyền lực đó được giải thích bằng sự ủy nhiệm thiêng liêng của đấng tối cao là trời, là thượng đế thì tất cả bộ máy cầm quyền thực thi sự cai trị đó (hệ thống triều quan các cấp, từ triều đình cho đến quan huyện là những vị “trưởng quan” còn bộ máy đông đảo những người giúp việc đồ sộ khác ở tất cả các cấp thì đều là “lại”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì quan là cấp trưởng, là “cán bộ chủ chốt”, là trưởng các bộ ban ngành (ở trung ương) còn sở ban ngành (ở cấp tỉnh hoặc cấp huyện) là những bộ phận “giúp việc” không đưa ra quyết định cuối cùng và vì vậy cũng không chịu trách nhiệm cuối cùng về các quyết định đó. Ngoài ra, “lại” còn là những người cố vấn, tư vấn, bàn bạc (“tham mưu”) để các trưởng quan ra quyết định.

Vậy là, người sẽ được gọi là cán bộ chủ chốt, thủ trưởng của các cơ quan chính quyền hay nhân danh chính quyền sẽ là những người mà ở đây tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng gọi là công chức tinh hoa. Đấy là cách hiểu của tôi, còn anh Nguyễn Sĩ Dũng có hiểu đúng thế hay không thì không biết.

Phan văn Thắng:Công chức tinh hoa là gì?

Trần Gia Ninh:Trước hết là cần làm rõ khái niệm nhóm tinh hoa (elite group)

Tinh hoa (elite) có định nghĩa thống nhất, hầu như được chấp nhận trên thế giới. Đó là ứng với mỗi loại hình (hay lĩnh vực hoạt động) cộng đồng, có những con người hoặc tổ chức được xem là tốt nhất, mạnh nhất so với những người, những tổ chức khác trong cùng loại hình (lĩnh vực) cộng đồng đó (those people or organizations that are considered the best or most powerful compared to others of a similar type). Vì rằng xã hội bao gồm nhiều nhóm cộng đồng, cho nên có nhiều nhóm tinh hoa khác nhau, ví dụ như nhóm Tinh hoa về chính trị (the political elite), nhóm tinh hoa trí thức (the intellectual elite), nhóm tinh hoa cầm quyền có học thức (the educated ruling elite), nhóm tinh hoa tài chính kinh doanh (the corporate/financial elite)… Tất cả các nhóm tinh hoa đó hợp lại thành tinh hoa của cả xã hội, của một đất nước.

Phạm Quang Long:  Trí thức tinh hoa thuộc loại chân tài, hơn người, tư tưởng và nhân cách của họ có ảnh hưởng đến xã hội, vượt ra ngoài giới hạn công việc cụ thể, có tính chất dẫn đạo cho một giai đoạn phát triển của xã hội. Về tri thức, người được coi là tinh hoa của giới trí thức thường đứng ở đỉnh cao tri thức trong lĩnh vực họ hoạt động nhưng về mặt trí tuệ, tư tưởng, tinh thần, đạo đức, nhân cách… họ vượt lên trên những người cùng thời, đi trước thời đại mình. Ví như ở Nguyễn Trãi tư tưởng Nhân Nghĩa là đỉnh cao tư tưởng ở thời đại ông (việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, bậc quân vương phải đề cao nhân nghĩa, đạo trị nước phải hiểu được chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân, ăn gạo, đền ơn kẻ cấy cày, nên thợ, nên thầy nhờ có học, nên ăn, nên mặc bởi hay làm), ở Trần Quốc Tuấn là nỗi đau đáu nghĩ về kế sách giữ nước cũng bắt đầu từ dân, làm cho dân giàu thì nước mới mạnh (khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc), ở Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc, người dân được sống hạnh phúc trên đất nước mình (Tổ quốc trên hết, Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, không có gì quý hơn độc lập, tự do). Những trí thức lớn ấy tiêu biểu cho dân tộc mình, đất nước mình ở thời đại họ sống, họ vượt lên rất xa những giới hạn của thời đại mà sau này, càng lùi xa, càng thấy tư tưởng của họ đúng đắn. Tư tưởng, trí tuệ của họ dẫn đạo cho xã hội không chỉ thời họ sống mà còn cho lâu dài. Vì vậy, không nên vì không thể so sánh công chức tinh hoa với trí thức tinh hoa. Hai đối tượng ấy không tương đồng dù có nhiều điều gần nhau.

Trần Ngọc Vương:Trí thức theo cách nghĩ cách hiểu của tôi là đại diện cho trí  tuệ xã hội và những hoạt động sáng tạo tinh thần xã hội. Cần phải nói rằng trong lịch sử chính quyền và những người đại diện cho trí tuệ và hoạt động sáng tạo tinh thần này luôn luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau, thường thì một bộ phận quan trọng của trí thức sẽ là “đội hậu bị” của lực lượng công chức nói trên. Nhưng trí thức và công chức vẫn cứ là hai thực thể xã hội không thể và không bao giờ được đồng nhất hóa với nhau. Trong  trường hợp tốt nhất, “lý tưởng” nhất thì đội ngũ công chức được bổ sung bằng lực lượng tinh hoa của trí thức (có thể tìm hiểu sâu về khoa cử ngày xưa)  nhưng dù là tối đa hóa, lực lượng công chức cũng không bao giờ “thâu tóm” được toàn bộ giới tinh hoa của trí thức bởi ngoài việc làm hay không làm quan, người trí thức còn có những chức năng, bổn phận xã hội khác những khát vọng và ham muốn sáng tạo tinh thần khác. Đặc điểm hàng đầu của tầng lớp trí thức tinh hoa là hướng tới khám phá và sáng tạo ở những miền không bao giờ là thuộc đối tượng quản lý và cai trị của các cấp chính quyền, bởi mục tiêu lý tưởng của các loại hình chính quyền là cai trị và điều khiển được những gì xảy ra trong “thế giới của mình”, trong thiên hạ của mình còn khát vọng muôn thuở của tầng lớp trí thức tinh hoa là hướng tới những giá trị chưa có hoặc còn quá hiếm hoi giữa cái thế giới đó, thiên hạ đó!

Phan Văn Thắng:Công chức tinh hoa khác trí thức tinh hoa chỗ nào?

Trần Gia Ninh:Công chức tinh hoa thường được hiểu là những người thuộc nhóm tinh hoa chính trị hoặc nhóm cầm quyền có học thức. Nên nhớ là tinh hoa chính trị không nhất thiết phải là trí thức hoặc là cầm quyền có học thức. Khá nhiều đến với chính trị, quyền lực có thể là do đảo chính, truyền ngôi, kế thừa, mua bán hoặc cầm đầu các nhóm bạo lực, quân phiệt, tài phiệt… và những người tốt nhất trong đó, bao gồm cả những thành phần tinh hoa trí thức, tài chính kinh doanh… tạo nên nhóm chính trị tinh hoa. Nhóm cầm quyền có học thức là những người được qua đào tạo, nhưng không phải tất cả họ là có học thức và tinh hoa của nhóm này là những người có học thực sự, có tài năng và một số có thể xuất thân là những tinh hoa trí thức. Nhóm tinh hoa trí thức là những người có hiểu biết chuyên môn cao và sâu, đa ngành và chuyên ngành, do được đào tạo hoặc tự đào tạo không ngừng mà có. Họ tự trọng và độc lập trong tư duy và hành động, tôn trọng phẩm giá và có tinh thần xây dựng, dấn thân vì cộng đồng và chia sẻ với cộng đồng. Họ có thể thuộc mọi nhóm xã hội như chính trị, quyền lực, kinh tế, kinh doanh, giáo dục, khoa học… miễn là họ không đánh mất những phẩm chất của trí thức.

Phan Văn Thắng:Các ông nghĩ gì về vai trò xã hội của trí thức tinh hoa và công chức tinh hoa?

Trần Gia Ninh:Như đã nói ở trên, nhóm Tinh hoa chính trị có vai trò quyết định trong việc định hướng và điều hành phát triển xã hội. Nhóm này mà kém cỏi thì thảm họa cho xã hội. Về lý thuyết, nếu nhóm Tinh hoa quyền lực có học thức đồng thời hoặc nắm đa số trong nhóm tinh hoa chính trị thì có thể hạn chế được thảm họa (với giả thiết rằng nhóm này gần như là công chức tinh hoa). Còn nếu nhóm trí thức tinh hoa lại giữ vai trò quyết định trong nhóm Công chức tinh hoa thì xã hội sẽ phát triển theo con đường sáng sủa hơn, dù nhanh hay là chậm, với giả thiết rằng nhóm tinh hoa trí thức không từ bỏ phẩm chất trí thức của mình dưới áp lực chính trị.

Lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế ở VN thì khác đấy. Chúng ta có hai hệ thống như Luật Cán bộ, Công chức quy định, là hệ thống cán bộ và hệ thống công chức, đều được dân nuôi giống như nhau. Và cả hai hệ thống này đều không rõ ràng là được lựa chọn như thế nào, có phải là do dân lựa chọn hay không, bầu cử hình thức hay bầu cử dân chủ, và trật tự hệ thống là như thế nào. Vì vậy, ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng về vai trò của Công chức tinh hoa ở VN hiện nay quả là khó mà bình luận cho rạch ròi được.

Phạm Quang Long:Câu này tôi đã gián tiếp trả lời ở trên rồi. Ở đây chỉ nhắc lại một chuyện cũ mà tôi nghĩ nó rất tiêu biểu cho hai cách làm việc, hai kiểu tư duy giữa trí thức tinh hoa và công chức giỏi. Thời Tam Quốc có ông Bàng Thống là một trí thức lớn, thuộc loại tinh hoa. Người ta nói rằng ai có được trong tay hoặc là Khổng Minh, hoặc là Bàng Thống có thể bình định được thiên hạ. Lưu Bị không đủ trí lực để hiểu Bàng Thống nên đã không sử dụng ông đúng chỗ, chỉ cho ông làm chức Tri huyện một huyện nhỏ. Bàng Thống  thất vọng vì tầm nhìn của Lưu Bị nên ông ít đến công sở, chỉ hay uống rượu giải sầu. Chuyện đến tai Trương Phi, Trươmg Phi trách mắng Bàng Thống bỏ bê công việc. Trước mặt Trương Phi, Bàng Thống mắt đọc, tay phê các bản án chỉ trong một lúc đã giải quyết hết mọi việc. Lúc ấy Trương Phi mới hiểu Bàng Thống là người tài, không chỉ trí lực hơn người mà còn rất thạo việc. Từ đó người ta hay dùng thành ngữ Bàng Thống làm Tri huyện để chỉ những người tài bị giao công việc không xứng với tầm vóc trí tuệ của họ.

Trần Ngọc Vương:Vậy là tôi đã đưa ra một cách hình dung - có lẽ là ý kiến cá nhân của tôi và một số ít người nào đó thôi, rằng công chức tinh hoa là những người phục vụ tốt nhất cho mục tiêu và lý tưởng của chính quyền, của chế độ chính trị đương thời còn trí thức tinh hoa thì nhằm thỏa mãn và đáp ứng những khát vọng xã hội. Trí thức tinh hoa thì cần được tìm kiếm tự do và tạo điều kiện để có tự do, công chức tinh hoa thì cần được đòi hỏi và bắt buộc đáp ứng những mục tiêu mà chính quyền cần thực thi, cần hiện thực hóa.

Phan Văn Thắng:Công chức tinh hoa, trí thức tinh hoa, trong lịch sử Việt Nam có nhiều trường hợp song trùng, “hai trong một” không? Ai là người tiêu biểu nhất?

Phạm Quang Long:Tôi không nghiên cứu chuyện này nên không rõ. Về lý mà nói, trí thức tinh hoa thường suy nghĩ ở tầm vĩ mô còn công chức giỏi thường làm ở một lĩnh vực cụ thể, một việc cụ thể. Ngày xưa, các trí thức lớn của ta thường giữ vai trò trị quốc, quản trị đất nước, hay lo những việc về hình luật, hình pháp. Tôi ít thấy trong chính và dã sử nói nhiều chuyện này. Thường, các ông quan thạo việc mới chỉ dừng lại ở mức Tri phủ, Tri huyện, Tổng đốc… nghĩa là vẫn ở mức điều hành cụ thể. Sức đọc của tôi có hạn, tôi chỉ biết đến thế.

Trần Ngọc Vương:Những người tiêu biểu nhất  nói theo cách diễn đạt của hãng dầu gội đầu hiện nay là hai trong một, quả là cực hiếm và nếu có thì họ là những con người bi kịch, trường hợp tiêu biểu nhất mà tôi thấy và biết có lẽ là Nguyễn Trãi. Không ai mẫu mực hơn và cũng không ai bi kịch hơn xứng đáng đại diện hơn cho kiểu người hai trong một này.

Trần Gia Ninh:Tôi nghĩ có lẽ có trường hợp này  nhưng chắc không có nhiều lắm. Theo tôi có thể kể đến những tên tuổi như Tô Hiến Thành (đời Lý), Trần Nhật Duật (đời Trần), Nguyễn Trãi (đời Lê), Nguyễn Công Trứ (đời Nguyễn)…

Phan Văn Thắng:Các ông có bình luận gì về ý kiến của ông Dũng khi cho rằng “vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta bây giờ chính là sự thiếu vắng của một đội ngũ công chức tinh hoa”?

Trần Ngọc Vương:Ông Dũng nói đúng đấy nhưng thực thi điều mà ông mơ ước ấy thì quả là thiên nan vạn nan.

Trần Gia Ninh:Về lý thuyết chung thì không có ý kiến gì phải bàn. Về thực tế Việt Nam thì cần lưu ý đến việc VN có hai hệ thống là Cán bộ và Công chức như quy định trong luật. Mà hệ thống “Công chức” dù có tinh hoa đi chăng nữa nhưng hệ thống “Cán bộ” lại thiếu vắng tinh hoa thì cũng là vô nghĩa. Trên thực tế thì hệ thống Cán bộ, như khoản 1 điều 4 luật nói trên xác định, có thể lại chính là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội nhưng lại không chịu trách nhiệm cụ thể. Còn việc thừa hành lại do hệ thống công chức (khoản 2, điều 4) thực hiện và chịu trách nhiệm. Nếu may ra có việc làm đúng thì tạm ổn, nhưng nếu sai thì không sửa được vì không quy được trách nhiệm cho hệ “cán bộ” hay hệ “công chức”. Nên nhớ rằng tinh hoa thì cũng là con người, không thể không phạm sai lầm. Nhưng một hệ thống cầm quyền mà thiết kế không chuẩn, không phù hợp với quy luật phổ quát của xã hội, thì dù có tinh hoa đến mấy cũng hỏng!

Phạm Quang Long:Ông ấy làm việc hành chính nhiều, có lẽ ông ấy hiểu kỹ việc nên nói thế. Tôi có khoảng 30 năm làm quản lý cơ sở hành chính sự nghiệp công, tôi thấy quả thực mình thiếu nhiều công chức đúng nghĩa. Tôi cho rằng cái cần nhất của công chức là hiểu đúng chức trách chuyên môn của mình, phải thành chuyên gia, giỏi hơn cả thủ trưởng mới được. Thứ hai phải có bản lĩnh và ý thức trách nhiệm với công việc đủ để không bao giờ làm sai quy định, không đón ý để vừa lòng người có quyền, phải biết nói không khi thủ trưởng yêu cầu mình làm sai. Công chức làm tham mưu mà tham mưu kém, tham mưu sai thì hỏng việc đã đành mà còn là nguyên nhân đưa thủ trưởng đến chỗ vi phạm quy định, pháp luật. Tôi đánh giá yêu cầu năng lực chuyên môn là số một còn bản lĩnh và nhân cách là yếu tố quyết định để không gây ra sai sót, không là rào cản cho công việc. Tôi rất muốn đến một ngày nào đó trong hệ thống công chức của ta hết sạch các loạilại mà chỉ còn những công chức thực thụ, lúc ấy nền hành chính mới trong sạch và hiệu quả được.

Phan Văn Thắng:Tại sao có tình trạng này và trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, theo ông, cần làm như thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Phạm Quang Long:Ta có một bộ Luật Công chức, viên chức, có đủ mọi quy định ràng buộc, ngoài ra các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội còn đủ các quy định khác mà nếu làm đúng thế, ta sẽ có một nền hành chính tốt nhất thế giới. Nhưng giữa quy định với thực tiễn khác nhau quá xa. Người xưa nói rồi thầy nào, tớ ấy. Người đứng đầu chưa làm đúng chức trách người đứng đầu, còn làm đủ trò khuất tất thì nhân viên hư hỏng là chuyện khó tránh. Bây giờ, nói ít thôi, vận động ít thôi nhưng cần tuyển dụng cả thủ trưởng lẫn nhân viên theo đúng tinh thần thực tài, thượng tôn pháp luật. Mọi thứ đều minh bạch sẽ có giám sát hiệu quả công việc lãnh đạo và chỉ huy ngay. Như bây giờ là một mê hồn trận. Nói là người đứng đầu phải chịu mọi trách nhiệm nhưng người đứng đầu không được chọn giúp việc, không có quyền chọn nhân viên, không được đuổi việc nhân viên mà cả một hệ thống can thiệp vào việc điều hành, đánh giá công việc. Vậy nên có sự giả dối, dựa dẫm. Cái gọi là dân chủ nhưng là dân chủ đại diện, thực chất là không dân chủ, cũng gây khó dễ cho điều hành. Người giám sát cũng là mình hoặc người của mình (Mặt trận, các đoàn thể xã hội), mình đánh giá chính mình cho nên năm nào công chức cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc cả những việc thì không chạy. Thay đổi cơ chế lãnh đạo, đánh giá, phân phối sản phẩm, thưởng phạt nghiêm minh, chất lượng sẽ khác. Đây là cả đại vấn đề, không thể nói vài câu là xong được. Cái gốc không giải quyết được thì đừng hi vọng những sửa đổi, điều chỉnh sẽ có hiệu quả như mong muốn.

Trần Gia Ninh:Làm gì thì cũng cần có người giỏi giang, tinh nghề, thạo nghiệp. Dân ta đã nói “Một người lo bằng một kho người làm”. Đó cũng là một cách hiểu về trách nhiệm của tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Tầng lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam không thiếu. Cái thiếu là xã hội này thiếu một cơ chế để người có khả năng lo cho muôn người lại không được làm cái việc lo đó, mà nhiều khi còn ngược lại. Đó là cái họa số một.

Thôi thì hãy giả sử nhờ một sự may mắn ngẫu nhiên nào đó của thời cuộc mà có được một nhóm công chức tinh hoa. Họ cũng là con người, cũng có thể phạm sai lầm, thoái hóa, biến chất. Nhưng một hệ thống xã hội được dựng lên theo một thiết kế sai, không có cơ chế độc lập với nhau để giám sát quyền lực, để sàng lọc, đề phòng, phát hiện và tự sửa sai thì dù có tinh hoa đến mấy cũng bó tay rồi dẫn đến tha hóa! Đó là cái họa thứ hai.

Nên nhớ lãnh đạo là một khái niệm trừu tượng. Cầm quyền là trách nhiệm cụ thể. Cho nên trong di chúc của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rõ “ Đảng ta là một Đảng cầm quyền…”. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại không hề viết Đảng ta là Đảng lãnh đạo hay viết là Đảng cầm quyền duy nhất vì có thể hồi đó còn có các đảng Xã hội và Dân chủ tham gia việc nước. Tôi nghĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù khi viết di chúc là trong thời chiến, đã rất sáng suốt khi vạch ra cho hậu thế trong thời bình cách tổ chức, xây dựng một chính quyền nước nhà một cách khoa học, hợp với quy luật và sự phát triển của xã hội. Vâỵ, lúc này chưa cần phải lý luận rối rắm, cao siêu, bắt chước mô hình này hay mô hình khác,  hãy học tập và làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thật sự để thay đổi thể chế tổ chức và điều hành đất nước thời bình như những năm đầu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1945 -1946 thì sẽ thu hút được tinh hoa của đất nước phụng sự cho hạnh phúc nhân dân. Nước ta sẽ cất cánh, phát triển nhanh, bền vững không kém chi các nước Đông Bắc Á có cùng nền văn hóa như chúng ta.

Trần Ngọc Vương:Khi đội ngũ công chức tinh hoa, theo kết quả của một cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất mà có đến 36% của tổng số những người tinh hoa đó lại không đồng ý kỷ luật một trong những thành viên mà nói gì thì nói là không thể coi là tinh hoa được thì việc giải quyết trên thực tế vấn đề chất lượng của đội ngũ công chức tinh hoa phải coi là một công việc nói theo một câu thơ của đại thi hào Lý Bạch  là “Y chu cha! nguy ôi cao thay! Đường Thục khó đi khó hơn đường lên trời.

Phan Văn Thắng:Cảm ơn các ông về cuộc trao đổi này nhưng theo tôi hiểu thì đây vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ, cần nhiều sự quan tâm và công sức nghiên cứu để làm sáng tỏ, trong thực tiễn cũng như lý luận vì nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, vấn đề khác. Hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm vấn đề này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441752

Hôm nay

2152

Hôm qua

2317

Tuần này

21656

Tháng này

216926

Tháng qua

112676

Tất cả

114441752