Khách mời văn hóa
Xây dựng các chính sách dân tộc và phát triển miền núi: Công tác nghiên cứu khoa học phải được coi trọng và đi trước một bước
LTS: Tỉnh Nghệ An hiện có 39 tộc người đang sinh sống. Ngoài người Kinh còn có các dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu ở miền núi, như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Hmông, Ơ Đu và nhiều nhóm tộc người khác có số lượng ít mới di cư đến. Trong nhiều năm qua, vấn đề dân tộc và phát triển miền núi luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Nhiều chính sách dân tộc và phát triển miền núi ở các cấp độ khác nhau đã được ban hành và đưa vào thực hiện. Nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập cần được giải quyết. Để rõ hơn về tình hình xây dựng và thực hiện các chính sách dân tộc và phát triển miền núi ở Nghệ An hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
PV:Là một người từng làm lãnh đạo một huyện miền núi trong nhiều năm, nay lại trực tiếp quản lý Ban Dân tộc của tỉnh, ông đánh giá thế nào về việc ban hành và thực hiện các chính sách dân tộc cũng như các dự án phát triển vùng miền núi ở Nghệ An trong mấy năm qua?
Ông Lương Thanh Hải:Hiện nay, đời sống của đồng bào các DTTS ở miền núi Nghệ An đã được cải thiện nhiều. Đó là xu thế phát triển chung nhưng cũng phải khẳng định rằng, có được sự phát triển này phần lớn là nhờ vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển miền núi của Nhà nước ta. Miền núi Nghệ An còn nghèo, lại phức tạp. Đời sống của người dân nhiều vùng còn rất thấp. Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển miền núi trong những năm qua có nhiều thay đổi, đa phần có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân. Từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng các sản phẩm thiết yếu như muối, dầu hỏa, sách vở, công cụ sản xuất,… đến các chính sách hỗ trợ gián tiếp để phục vụ cuộc sống như trợ giá vận chuyển, thu mua sản phẩm địa phương, sau đó là cung cấp con giống, cây giống và gần đây là đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng,… Như vậy, trải qua các giai đoạn khác nhau, chính sách phát triển miền núi ngày thêm đa dạng, tác động mạnh mẽ hơn đến cuộc sống của người dân. Trong đó, Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135) triển khai từ năm 1998 là có nhiều ảnh hưởng tích cực nhất đến sự phát triển của các DTTS ở miền núi thông qua đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi căn bản bộ mặt miền núi. Hay ở cấp độ thấp hơn, như Quyết định 84/2006/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An về chính sách hỗ trợ bảo tồn phát triển văn hóa các DTTS Nghệ An lại thu được nhiều kết quả tích cực từ việc tổ chức các lớp học tiếng Thái, Hmông cho đồng bào, mở các lớp dạy sử dụng các nhạc cụ truyền thống dân tộc, các lớp đào tạo dân ca, dân vũ các tộc người, tổ chức hội diễn Văn nghệ các DTTS Nghệ An 5 năm/2 lần,… Nhìn chung, ở Nghệ An, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và phát triển miền núi được ban hành ngày càng đa dạng; việc thực hiện các chính sách cũng ngày càng bài bản hơn. Đây là những ưu điểm lớn trong việc ban hành và thực hiện các chính sách dân tộc cũng như các dự án phát triển vùng miền núi ở Nghệ An trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn mà nói, quá nhiều chính sách phát triển được ban hành chồng chéo lên nhau, nhiều cơ quan cùng quản lý làm cho việc thực hiện trở nên khó khăn, phức tạp hơn; Có nhiều chính sách đưa ra nhưng không thực hiện được vì còn thiếu nguồn tài chính; Quá trình thực hiện cũng nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập do trình độ cũng như nhận thức của cả người quản lý và người thực hiện chính sách còn hạn chế và sự phối hợp của các ngành chưa tốt.
PV:Chính sách dân tộc và dự án phát triển miền núi rất nhiều, và càng ngày càng có nhiều chính sách, dự án mới. Nhưng theo ông đánh giá thì tính hiệu quả của các chính sách, dự án hiện nay ở Nghệ An như thế nào? Những nguyên nhân nào tác động đến tính hiệu quả của các chính sách, dự án phát triển vùng dân tộc ở miền núi?
Ông Lương Thanh Hải:Qua quá trình công tác ở huyện Tương Dương cũng như khi về quản lý ở Ban Dân tộc tỉnh, tôi thấy rằng tính hiệu quả của các chính sách phát triển miền núi Nghệ An đang tăng lên theo thời gian. Nói vậy không phải khẳng định rằng, tất cả các chính sách, dự án đã đưa ra đều phát huy được hiệu quả tốt, mà phải nhìn nhận là có nhiều chính sách chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra. Nhưng tính hiệu quả của các chính sách đang có sự thay đổi tích cực theo thời gian. Trước đây, các chính sách đưa ra chưa thật sự cụ thể và gắn liền với biến đổi đời sống người dân. Nhưng nhiều năm qua, các chính sách lại gần gũi hơn, dù rằng vẫn còn nhiều chính sách chưa thiết thực lắm, nhưng nhìn chung là đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của sự phát triển. Tất nhiên, nếu nhìn theo chiều sâu thì chính sách nào cũng có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực, và có những bộ phận chịu tác động mạnh, cũng có bộ phận chịu tác động ít hơn. Nhưng xét trên góc độ tổng quan, tính hiệu quả đang được nâng lên.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các chính sách phát triển miền núi. Trước hết là tính khả thi, tính khoa học và tính thiết thực. Nếu thiếu những cái đó thì chắc chắn chính sách không có hiệu quả. Tiếp đó là trình độ và trách nhiệm của những người quản lý chính sách, họ là những người cầm cân nẩy mực nên cần phải có đủ trình độ cũng như trách nhiệm với công việc. Sau nữa là trình độ nguồn nhân lực của các địa phương khi tham gia vào thực hiện các chính sách dự án. Nếu đến cán bộ chính sách mà cũng không hiểu rõ được chính sách thì sao tuyên truyền được cho người dân, sao có thể thực hiện chính sách có hiệu quả được. Cũng phải kể đến một vấn đề quan trọng là nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách đó. Chính sách dân tộc và miền núi chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước. Có nhiều chính sách đưa ra nhưng không thực hiện được hoặc thực hiện được rất thấp do thiếu nguồn ngân sách. Và cuối cùng, đó là nhận thức của người dân. Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển. Tất nhiên, trình độ dân trí tăng dần và khó thay đổi đột biến được, mà các chính sách đưa ra cần phải xét theo sự phát triển của nền dân trí sao cho hợp lý. Tức là quay lại về tính khoa học và tính thiết thực của chính sách.
PV:Trong những năm qua, ông và Ban Dân tộc đã tham mưu cho tỉnh những chính sách, dự án phát triển nào liên quan đến các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An?
Ông Lương Thanh Hải: Trong quá trình công tác, Ban Dân tộc chủ yếu làm nhiệm vụ thực hiện các chính sách dân tộc do Đảng và Nhà nước đưa ra. Quan trọng như việc thực hiện các Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ban đã tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh xây dựng một số chính sách phù hợp với địa phương hơn để cụ thể hóa các chính sách từ Trung ương ban hành. Có thể kể đến một số chính sách đã ban hành như: Chính sách về định canh, định cư tập trung (Quyết định số 559/QĐ.UBND.TM ngày 27/02/2008 của UBND tỉnh); Điểm định canh, định cư xen ghép (Quyết định số 5562/QĐ-UBND-TM ngày 09/12/2008 của UBND tỉnh); Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng (Quyết định số 3102/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg),… Về cơ bản, dựa trên nội dung và tinh thần của các chính sách dân tộc, chính sách phát triển miền núi của Đảng và Nhà nước, Ban Dân tộc tỉnh một mặt thực hiện chính sách lớn, mặt khác xem xét với tình hình thực tiễn của miền núi Nghệ An để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách cụ thể hơn nhằm phù hợp hơn với cuộc sống của đồng bào. Trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện và kết quả mà Ban Dân tộc lại tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung hay thay thế các chính sách phát triển cho phù hợp với thực tiễn.
PV:Xin ông cho biết qui trình xây dựng và thực hiện một chính sách dân tộc hay dự án phát triển? Theo ông, qui trình mà chúng ta đang làm lâu nay đã phù hợp chưa?Nếu chưa thì cần điều chỉnh như thế nào?
Ông Lương Thanh Hải: Như trên tôi đã nói, việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc và phát triển miền núi như đã làm lâu nay là đang theo qui trình … từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương. Có nghĩa là từ chính sách chung của Đảng và Nhà nước Trung ương ban hành, trên cơ sở thực tiễn của địa phương mà Ban Dân tộc nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách cụ thể phù hợp với tình hình của tình nhà hơn. Từ thực tiễn ở Nghệ An, tôi thấy qui trình này chưa phù hợp, khoa học cho lắm. Bởi, các chính sách dân tộc và phát triển miền núi do trên xây dựng đưa về địa phương thực hiện dễ mang tính áp đặt do mỗi địa phương đều có tính đặc thù riêng. Nó cũng làm cho cán bộ địa phương bị thụ động, thiếu đi sự chủ động trong việc xử lý các tình huống trên thực tế. Mặt khác, theo quy trình từ trên xuống, nhiều chính sách phát triển miền núi của Đảng và Nhà nước thiếu tính thiết thực nên khi xuống đến địa phương thì không thu được nhiều hiệu quả. Tôi thấy rằng, cần phải làm sao đó để những người thực hiện chính sách cũng có thể chủ động có những ý kiến đóng góp vào việc xây dựng chính sách, tức là xây dựng chính sách từ dưới lên. Đồng thời, cần huy động nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng chính sách.
PV:Như trên ông đã nói, có quá nhiều chính sách, dự án phát triển miền núi được ban hành chồng chéo lên nhau làm cho việc thực hiện trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Lương Thanh Hải: Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách dân tộc được phân chia thành 13 nhóm chính sách và liên quan đến 16 Bộ, Ngành cấp Trung ương triển khai chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, cả nước có 96 chính sách được thể hiện qua 152 văn bản đang có hiệu lực chỉ đạo thực hiện. Trong đó, các chính sách dân tộc còn có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 70 văn bản của Trung ương, 12 văn bản của tỉnh (tính đến 30/6/2018) và liên quan trực tiếp đến 14 sở, ban, ngành chỉ đạo thực hiện. Thử hỏi, với một hệ thống chính sách dày đặc và chồng chéo như vậy, làm sao mà địa phương thực hiện đảm bảo minh bạch, hợp lý và hiệu quả cao được. Có những vấn đề, nội dung nằm trong diện tác động của nhiều chính sách, tức là sự chồng chéo các chính sách đến các các nội dung cụ thể. Mà quy định trong các chính sách này lại khác nhau nhiều nên nhiều khi cán bộ địa phương không biết xem xét và xử lý theo quy định của chính sách nào. Dù các chính sách được ban hành đều đưa ra những hướng dẫn thực hiện nhưng vào thực tiễn vẫn khó, nhất là việc làm sao cho người dân hiểu và thực hiện theo khi mà có quá nhiều chính sách liên quan với nhau. Bên cạnh đó, các chính sách cũng liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành khác nhau nên khi thực hiện nếu không phối hợp ăn ý thì cũng sẽ không đạt hiệu quả cao. Ví dụ như Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 đến nay vẫn chưa hiệu quả vì khi giao đất giao rừng chưa hợp lý và liên quan đến nhiều ban ngành khác nhau từ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Chính sách Xã hội,...
PV:Quay trở lại với vấn đề chính sách, dự án phát triển miền núi, muốn có hiệu quả thì đầu tiên cần phải có những chính sách, dự án phát triển hợp lý và có tính khả thi. Mà để đạt được những điều này, việc xây dựng chính sách, trước hết phải dựa trên các căn cứ khoa học. Và như vậy, trước khi các chính sách được xây dựng, phải tổ chức nghiên cứu khoa học. Ở Nghệ An hiện nay, ông thấy việc này đã được làm tốt chưa?
Ông Lương Thanh Hải: Theo kinh nghiệm trong công tác dân tộc của các quốc gia và sự chia sẻ của nhiều nhà nghiên cứu thì trong các chính sách phát triển, công tác nghiên cứu khoa học phải đi trước một bước và phải được quan tâm hàng đầu. Bởi, nghiên cứu khoa học sẽ giải quyết được các vấn đề: Thứ nhất, tiến hành khảo sát, tìm hiểu và mô tả các thực trạng phát triển nhằm phát hiện các vấn đề bất cập gây hạn chế cho quá trình phát triển hay tạo nên những nguy cơ gây xung đột xã hội. Thứ hai, đi sâu tìm hiểu, phân tích nguồn gốc của các vấn đề đó và nguyên nhân làm gia tăng các vấn đề đó cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến các vấn đề đó. Thứ ba, nghiên cứu những phương pháp xử lý đối chứng để đề xuất những chính sách, dự án tối ưu cho các nhà quản trị xã hội và hoạch định phát triển theo đuổi. Và cuối cùng, nghiên cứu đánh giá mức độ tác động đến các bên liên quan của dự án, dự đoán các hậu quả, hệ quả của dự án đối với cộng đồng nhằm tiếp tục tư vấn cho nhà quản lý nên tiếp tục dự án hay dừng dự án lại hay thay đổi sao cho hợp lý và hiệu quả. Về nguyên tắc là như vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, việc nghiên cứu khoa học trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển vẫn còn hạn chế. Trong quá trình xây dựng các chính sách, dự án phát triển miền núi, tỉnh cũng đã tiến hành xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Tuy nhiên, việc làm này chưa được nghiêm túc lắm, nhất là chưa gắn vai trò và vị trí của nhà khoa học với quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, chưa thu hút được các nhà khoa học vào cuộc. Chúng ta chưa có sự đầu tư công phu cho công tác nghiên cứu mà chủ yếu tổ chức các hội nghị để tranh thủ ý kiến đóng góp. Và không phải ý kiến nào của nhà khoa học cũng được nghe và vận dụng nghiêm túc. Điều đó làm cho các chính sách phát triển miền núi thường thiếu sự kiểm chứng, đối chứng, phản biện từ các nhà khoa học, thiếu tính khách quan.
PV:Theo ông, tại sao chúng ta vẫn chưa thu hút được nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành vào việc nghiên cứu khoa học phục vụ các chính sách, dự án phát triển? Trong một dự án, chính sách phát triển miền núi, có nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ nó hay chưa?
Ông Lương Thanh Hải: Theo cảm nhận của tôi, thiếu kinh phí là nguyên nhân là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó thu hút các nhà khoa học đầu ngành tham gia nghiên cứu phục vụ xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển miền núi. Đương nhiên, bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác từ môi trường chuyên môn đến các chính sách thu hút tài lực cũng như thu hút các nguồn đầu tư từ các dự án nghiên cứu khoa học. Những điều đó làm cho Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu đầu ngành. Ngay cả nhiều nhà khoa học nổi tiếng là người Nghệ nhưng họ cũng rất ít về làm việc tại quê hương. Chúng ta ngày càng ít đi những nhà khoa học nghiên cứu về dân tộc học gắn bó, am hiểu đồng bào, từ đó thiếu những kiến nghị với Chính phủ, với các Bộ, Ngành cũng như địa phương để xây dựng các chính sách phù hợp.
Cần phải nhấn mạnh một điều là nhiều chính sách phát triển miền núi hiện nay thiếu nguồn kinh phí trầm trọng. Tức là khi xây dựng chính sách, người ta chưa tính hết tính khả thi của chính sách đó, nguồn lực để thực hiện chính sách đó. Theo số liệu theo dõi của Ban Dân tộc tỉnh thì trong mấy năm qua, chính sách được cấp kinh phí tương đối đầy đủ nhất là Chương trình 135, còn các chính sách khác, cao nhất cũng chỉ đạt 12%, có chính sách chỉ cấp được 0,5% nguồn kinh phí. Trong bối cảnh đó, chúng ta chưa thể bố trí nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học. Nếu có sự tham gia của các nhà nghiên cứu hay tổ chức hội thảo để lấy ý kiến thì chủ yếu là từ các nguồn khác bổ trợ.
PV:Để thực hiện các chính sách, dự án phát triển miền núi thì điều quan trọng là cần có một đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở (cấp xã, huyện) có năng lực. Ông đánh giá thế nào về năng lực của đội ngũ cán bộ ở miền núi hiện nay? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để các công việc có hiệu quả hơn?
Ông Lương Thanh Hải: Con người luôn là nhân tố quan trọng của mọi quá trình phát triển. Phát triển miền núi, xét cho cùng là phát triển con người đang sinh sống ở miền núi đó. Các chính sách có hiệu quả hay không là nhờ vào con người thực hiện và tiếp nhận. Nhưng cũng không tuyệt đối hóa vai trò của chất lượng nguồn nhân lực. Nó quan trọng nhưng cũng chỉ là một phần làm nên tính hiệu quả của chính sách phát triển. Theo tôi nhận thấy, trong mấy năm qua, trình độ đội ngũ cán bộ ở miền núi đã được nâng cao đáng kể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tại chỗ. Họ là người dân địa phương, được đào tạo về làm việc tại quê nhà sẽ có động lực để cống hiến hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ mà các chính sách phát triển miền núi đề ra thì chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương vẫn còn hạn chế. Có nhiều khi họ chưa hiểu hay hiểu chưa đầy đủ, chưa thể thuyết phục được người dân cùng đoàn kết thực hiện các chính sách đề ra. Nhiều vấn đề chưa giải quyết được thỏa đáng. Chưa kể còn có những cán bộ vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến xã hội. Đó là điều không tránh khỏi.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ không gì bằng phát triển giáo dục, tạo điều kiện để con em các dân tộc thiểu số được tiếp cận nền giáo dục phát triển. Sau khi họ được đào tạo rồi thì cần có những chính sách để thu hút họ về làm việc, xây dựng chính quê hương của họ. Vẫn còn nhiều trường hợp là con em đồng bào dân tộc tốt nghiệp đại học nhưng về quê vẫn thất nghiệp. Điều này làm cho người dân thiếu động lực để đầu tư vào học tập. Nếu coi con người, cụ thể là đồng bào DTTS là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện các chính sách phát triển miền núi, thì cần phải có những chính sách phát triển con người hợp lý.
Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ này!
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Lý thuyết Trò chơi và Kinh tế học (Kỳ 1)
Thống kê truy cập
114528478
2134
2291
2751
215174
0
114528478