Khách mời văn hóa

Có được bao nhiêu người để có thể gọi họ là nhà văn, là nhà nghệ sĩ?

Nhà thơ Thạch Quỳ                 Nguồn: WWW.lethieunhon.vn

 Lời tòa soạn: Nhận thức về xã hội luôn là công việc của giới văn nghệ sĩ, trí thức. Nhận thức đúng sẽ có tình cảm đúng, ứng xử và hành động đúng. Và các chính khách/đảng, các nhà quản trị xã hội cũng rất cần biết nhận thức về xã hội và thái độ của giới trí thức, văn nghệ sĩ để điều chỉnh nhận thức và các chính sách của mình.

Với hy vọng đóng góp, VHNA giới thiệu cuộc trao đổi giữa nhà báo Phan Văn Thắng với nhà thơ Thạch Quỳ cùng bạn đọc.

Phan Văn Thắng: Chào nhà thơ Thạch Quỳ. Tôi vừa đọc trên facebook của anh và rất quan tâm đến stt của anh khảo sát về trạng thái tình cảm của người Việt Nam ta hiện nay. Nguyên văn là:

“Theo bạn thì trạng thái tình cảm nào là đang phổ biến nhất và đang ám ảnh nhất trong mỗi con người Việt Nam hiện nay:

- Kính phục

- Yêu mến

- Ghét bỏ

- Lo lắng

- Sợ hãi

Trạng thái tình cảm nào nổi bật nhất, phổ biến nhất, có số lượng người đông nhất? (Yêu cầu chỉ nói một cái thôi)!”

Tôi nghĩ đây là một khảo sát xã hội học thú vị. và tôi cũng xin phép bắt đầu cuộc trò chuyện với anh bằng nội dung anh test bạn đọc.

Trong 5 trạng thái tình cảm nói trên, anh sẽ chọn “bấm nút” nào?

Thạch Quỳ: Trước hết, tôi phải nói rõ hơn tí chút về câu hỏi này. Tôi hỏi bạn đọc để biết tình cảm của người Việt Nam ta hiện nay cái gì là nổi bật nhất, phổ biến nhất trong 5 trạng thái nêu trên. Chữ tình cảm mà tôi dùng ở đây là để chỉ trạng thái tình cảm của con người đối với cuộc sống hôm nay, kể cả tình cảm riêng tư và  tình cảm trong các mối quan hệ giao tiếp xã hội. Tôi chỉ muốn biết về nỗi vui buồn có thật ở trong lòng người, tức là muốn biết đời sống tình thần, tình cảm của mọi người ra sao, chứ không phải hỏi về tình cảm của nhân dân đối với một đối tượng cụ thể nào. Ta thống nhất với nhau như vậy để khỏi có sự hiểu nhầm.

Anh hỏi tôi là trong 5 trạng thái tình cảm nói trên thì cá nhân tôi sẽ chọn tình cảm nào?

Tôi là người cầm bút. Lẽ đương nhiên, có khi ngòi bút của tôi cũng phải viết những vấn đề mang tính chất phản biện xã hội. Nhưng xã hội ta, kể tất cả mọi người, nói chung là chưa quen với các ý kiến có tính phản biện. Người ta thích khen, thích các ý kiến đồng thuận. Thói quen ấy lâu năm, lưu cữu quá rồi, có thể nói nó đã thành một quan niệm ăn sâu vào tiềm thức mọi người, nay gặp phải một ý kiến không đồng thuận, không khen mình, trái với ý mình thì rất dễ coi là người có ý kiến phản biện đó là người có ý xấu, là có ác ý,  rồi phản ứng lại rất dữ dội. Đôi khi những ý kiến mang tính phản biện còn có thể bị một số người chụp mũ, đẩy lên thành quan điểm, thành lập trường, thành luân điệu này nọ, rất đáng sợ. Tôi nghĩ, sự sợ hãi theo kiểu đó không phải là không có ở trong tâm trạng của những người cầm bút. Trong tầng lớp trí thức, nói rộng ra là trong những người có tư duy và có ý kiến mang tính chất phản biện thì ít nhiều đều có sự sợ hãi đối với các phản ứng có tính chụp mũ đó. Tôi cũng không nằm ngoài tâm trạng ấy.

Tuy nhiên, đã là người cầm bút thì ai cũng phải tự phấn đấu cho ngòi bút của mình trung thực và có bản lĩnh, không để cho những sự sợ hãi vô cớ làm ảnh hưởng đến trang viết của mình. Sự sợ hãi là có trong tâm lý các nhà văn, nhưng các nhà văn có thể phấn đấu khắc phục được, để luôn làm chủ cây bút của mình.

Theo sự khảo sát ở trên thì trạng thái tâm lý, tình cảm chung của mọi người hiện nay cũng khá phức tạp, nhưng nổi trội hơn cả vẫn là có sự lo lắng. Tôi cũng vậy, tâm lý, tâm trạng thường xuyên choán chỗ ở trong tôi thường vẫn là sự lo lắng, rất đồng cảm với mọi người.

Phan Văn Thắng: Xin nhà thơ nói cụ thể hơn. Nhà thơ lo lắng những điều gì và vì sao lại như vậy?

 Thạch Quỳ: Người ta sinh ra ở đời không thể không có sự lo lắng.

Tôi già rồi, mọi sự hay dở của đời mình coi như đã định, không thể khác, vì thế, tôi không có gì phải lo lắng nhiều cho riêng bản thân mình nữa! Nhưng tôi không được thanh thản, không được an tâm khi nghĩ đến tương lai của con cháu, và cũng không phải là không có sự bất an khi nghĩ gì đến các hoàn cảnh của xã  hội hôm nay và cả mai sau nữa… Anh nghĩ xem, con cháu chúng ta hiện đang gặp phải những khó khăn gì? Học hành, nghề nghiệp, và chúng đang phải sống trong một xã hội mà kỷ cương, pháp luật đang được thực thi như thế nào? Xã hội chúng ta đã tạo ra được sự công minh, công bằng để ổn định tâm lý cho thế hệ trẻ, giúp cho thế hệ trẻ yên tâm, tin tưởng để vững bước trên con đường phấn đấu lập thân, lập nghiệp của họ chưa? Hay là xã hội cứ  tiếp tục có sự ngấm ngầm bên trong nhằm mục đích bênh vực nhóm người này, kỳ thị nhóm người kia? Chẳng lẽ hiện tượng “con vua thì lại làm vua/con lão sãi chùa thì quét lá đa” sẽ vẫn cứ tiếp tục lặp lại như cả nghìn năm phong kiến trước đây sao?  Hay là cứ phải xoay, phải chạy, phải thậm thụt mua bán cửa trước, cửa sau thì mới kiếm được một chỗ đứng chân? Xã hội hiện nay người giàu thì quá giàu, người nghèo thì quá nghèo. Người nghèo lấy gì mà xoay, mà chạy, lấy gì để mà giúp đỡ cho con cháu mình có một công việc, một chỗ làm? Anh bảo không lo sao được? Bình an, vô tư, thanh thản sao được!

 Phan Văn Thắng: Anh có lo lắng đến con đường đi của nước?

Thạch Quỳ: Nói chuyện này thì hơi to tát. Nhưng nước thì gắn với dân. Dân thì gắn với nước. Nước có thịnh thì dân mới giàu, mới có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Vì thế mà nỗi lo gia đình, cá nhân, không thể tách rời khỏi nỗi lo dân nước.

Người xưa có câu: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nghĩa là: Việc quốc gia hay dở, kẻ thất phu cũng phải có trách nhiệm. Kẻ thất phu còn biết nghĩ về dân, nước huống hồ là một công dân bình thường như chúng ta.

Nguyễn Trãi ngày xưa, khi còn nằm trong lều cỏ ở Đông Quan thường vẫn ngâm 2 câu thơ: “Quân thân chưa báo, lòng canh cánh/Hai chữ mơ màng việc quốc gia”.

Do vậy,  nếu tôi nói là tôi có lo lắng về những chuyện xa xôi đó thì hẳn là, cũng không có gì có thể gọi là người huyênh hoang hoặc thiếu khiêm tốn. Tôi biết rất rõ phận mình là hạt cát, dù mình có lo lắng về chuyện đó thì cũng chẳng làm được gì. Nhưng tôi vẫn cứ lo. Anh hỏi tôi về con đường đi của đất nước ư? Ông Lỗ Tấn bảo: “Trái đất làm gì có đường, con người đi như thế nào thì sẽ có con đường như thế ấy”.

 Nếu anh hỏi cụ thể trong nỗi lo lắng chung ấy, tôi quan tâm điều gì nhất thì tôi cũng sẽ nói rõ.

Nước ta có hơn 90 triệu dân. Về dân số, nước ta không phải là một nước nhỏ. Tôi mong muốn một ngày nào đó, chúng ta có chính sách lựa chọn những người giỏi giang, hiền tài, đức độ, có tầm hiểu biết sâu rộng về chính trị, kinh tế, văn hóa, có ý thức sáng tạo và biết xử lý công việc cho ngang tầm với thời ta sống để đứng ra mà điều hành đất nước. Tôi tin là trong 90 triệu dân Việt Nam không phải là quá hiếm, không phải là không thể có những con người như thế. Nhưng hiện nay, theo nhận xét chung của nhiều người thì đang có một số quan chức ở cấp này, cấp khác, trình độ, kiến thức và sự hiểu biết chưa được như thế. Họ đang bị nhân dân phàn nàn, thậm chí trong số họ không ít kẻ đang lợi dụng chức quyền đê có tham ô, tham nhũng, không chỉ trộm cắp của cải của dân, của nước mà còn nhiều thói hư tật xấu khác nữa. Một số người có cương vị xã hội rất cao nhưng đầu óc họ chỉ quanh quẩn trong việc xoay xở kiếm chác tiền bạc, của cải vật chất tầm thường, rất thiếu tầm tư duy, làm việc nước nhưng hình như họ rất ít để tâm vào công việc của dân, nước. Tôi mong muốn hệ thống cán bộ của chúng ta tốt hơn. Muốn vậy, tôi nghĩ là phải làm sao đó, hoặc là phải đặt lại thang giá trị, hoặc là phải thay đổi nhận thức về con người, thay đổi quan niệm trong việc đề bạt và tuyển dụng cán bộ. Theo lời dạy của Bác Hồ thì “Đảng không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của nhân dân, đất nước”. “Việc gì tốt cho dân thì khó mấy cũng làm, việc không lợi cho dân thì dễ mấy cũng tránh”. Vì thế, tôi nghĩ  rằng, nên có chính sách minh bạch để có thể tìm người giỏi giang đức độ ở trong 90 triệu dân, chứ không phải chỉ dùng người trong một nhóm nhỏ như lâu nay. Vấn đề là quan niệm thế nào, chính sách  thế nào mà thôi!

Đấy là chuyện đối nội.

Còn chuyện đối ngoại. Như mọi người khác, tôi cũng có rất nhiều lo ngại.

Biển Việt Nam từ xưa tới nay, nhất là ở thời đang có sự lệ thuộc vào Pháp, Mỹ, có nước nào nói là họ có dính phần vào đó để cạnh tranh với ta và trên thực tế, họ có dám lên tiếng để đòi hỏi gì đâu? Từ năm 1975 đến nay, chúng ta bị mất đảo, bị mất biển, bị đe dọa lấn chiếm bằng cái đường lưỡi bò tự vẽ. Cái âm mưu bành trướng ra Biển Đông, ra Thái Bình Dương của nước lớn thì đã rõ. Trong đất liền, biên giới của chúng ta cũng đâu có được bình yên và nguyên vẹn như xưa? Rõ ràng là, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia của chúng ta, đã và đang bị đe dọa. Chúng ta muốn hòa bình, muốn ổn định để làm ăn sinh sống. Nhưng biên giới, biển đảo và lãnh thổ của chúng ta đang bị lấn chiếm và luôn nằm trong âm mưu sẽ lấn chiếm thì nền hòa bình và ổn định ấy có bền vững, có lâu dài được không? Điều đó không thể không làm cho chúng ta lo lắng. Đã thế, một số chính sách trong việc đối ngoại với nước lớn cũng có những điều đang làm chúng ta cảm thấy bất an. Thời cụ Nguyễn Du sống thì cụ viết là “Ngổn ngang trăm mối bên lòng”. Thời ta sống thì phải nói là “Bên lòng đang chất chồng trăm mối” thì đúng hơn!

 Phan Văn Thắng: Là nhà văn, anh nghĩ gì về văn hóa, về đời sống văn chương của nước nhà hiện nay? Anh có lo lắng về nó không?

Thạch Quỳ: Báo chí chính thống của ta, phải công nhận là, so với trước đây thì mỗi ngày một ít người đọc hơn. Sách vở, văn chương cũng trong tình hình như vậy. Điều này có nguyên nhân khách quan là chúng ta đang ở trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin. Người ta có nhiều cách để tiếp cận thông tin chứ không còn là chỉ một việc đọc sách hay đọc báo như trước. Do con người được tiếp cận thông tin đa chiều nên cái hay, cái dở cũng phát sinh ra từ đó. Tôi nghĩ là cái hay nhiều hơn cái dở. Nói chung là việc tiếp thu và ứng xử với văn hóa đa chiều luôn phụ thuộc vào cái nền văn hóa cơ bản trong vốn sống của mỗi người. Tầng lớp người có vốn văn hóa quá thấp thì dễ bị ảnh hưởng của những sự nhố nhăng, bạo lực, thấp hèn. Tầng lớp có văn hóa cao hơn thì tự biết làm giàu vốn văn hóa, quan niệm về văn hóa của mình một cách đa dạng đa chiều hơn.

Nói chung, thực trạng xã hội ra sao thì nó biểu hiện ra ở cách thức ứng xử văn hóa như vậy.

Nhưng có 2 điều đáng lo.

Một là, về văn hóa quan chức. Ta thấy một số quan chức ứng xử với nhân dân chưa ở tầm văn hóa cao. Bệnh nói dối chưa khắc phục được. Thậm chí có một số quan chức khi trả lời các câu hỏi của dân hay khi phát biểu trong các hội nghị có nhiều lời nói rất ngô nghê, rất thô kệch, có khi trái với lẽ phải. Một số người nói liều, cố nói để bênh vực và che dấu lợi ích cá nhân, lợi ích cánh hẩu của nhóm của mình. Nói chung, có không ít những lời phát ngôn của các quan chức đang là biểu hiện của một tầng văn hóa rất thấp. Quan chức của ta hiện nay, có thể có trình độ chuyên môn, trình độ chính trị ở một mức nào đó nhưng, về văn hóa, có một số người, đang có nhiều biểu hiện rất đáng chê trách. Họ không đọc hoặc rất ít đọc sách. Họ không tiếp xúc với những cuốn sách có giá trị văn hóa đỉnh cao của nhân loại nên không nâng cao được tầm văn hóa của bản thân mình. Cái yếu nhất của một số quan chức của ta, theo tôi, chính là trình độ văn hóa không cao. Nếu quan chức mà xuất phát từ một tầm văn hóa thấp thì khó lòng mà nói đến chuyện lãnh đạo toàn dân để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh. Bản thân mình là người lãnh đạo mà chưa có văn hóa cao, chưa tiếp thu được tinh hoa của nền văn minh thế giới thì làm sao mà lãnh đạo nhân dân xây dựng được một xã hội văn minh?

Hai là. Vấn đề văn hóa luật pháp.

Có một số điều khoản được ghi trong Hiến Pháp nhưng không được thực thi, hoặc thực thi nó dưới những thông tư nghị định có phần đang sai khác với nội dung cơ bản của các điều khoản gốc đã được ghi trong Hiến Pháp. Theo lẽ thường thì Hiến Pháp là pháp lệnh quốc gia, tất cả mọi người, không kể quan hay dân đều phải thực hiện nghiêm chỉnh. Không một tổ chức tôn giáo, đoàn thể, phường hội, hay một tổ chức chính trị nào được phép coi mình là ngoại lệ. Nếu nói về văn hóa luật pháp thì vấn đề đầu tiên phải nói chính là chuyện đó. Ý thức tôn trọng Hiến Pháp, tôn trọng Luật pháp quốc gia là ý thức cao nhất trong khái niệm về văn hóa luật pháp.

Ở nước ta, việc vận dụng Hiến Pháp và Luật pháp có khi, có lúc chưa hoàn toàn nghiêm cẩn. Nếu có hiện tượng cùng một tội trạng, nhưng quan có lỗi thì tòa án xử khác, dân có lỗi thì tòa xử khác, thậm chí quan to thì xử khác với quan nhỏ… tất cả những sự đó đều là những sự bất minh, đều là những sự không nghiêm chỉnh trong việc thực thi pháp luật. Nếu trong hành pháp đang có những điều bất minh, đang có những thiếu nghiêm chỉnh như vậy thì không thể nói là chúng ta đã có sự ứng xử tốt với văn hóa luật pháp.

Nói thật thì văn hóa luật pháp hiện tại của chúng ta đang có nhiều điều rất rối rắm, rất đáng lo ngại.  

Ngoài ra, còn vấn đề lễ hội, vấn đề tôn giáo, vấn đề bạo lực, vấn đề ứng xử trong nội bộ nhân dân… Biết bao nhiêu vấn đề về văn hóa đang rất đáng phải lo ngại?

Tôi và anh không thể trò chuyện với nhau ngắn gọn trong một vài câu hỏi đáp, chuyện văn hóa hiện nay đang có những gì đáng lo ngại thì, nếu có thể, sau này,  chúng ta sẽ trao đổi những vấn đề thật cụ thể…

 Phan Văn Thắng: Tất nhiên rồi. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có trao đổi kĩ càng hơn với anh về văn hóa.

 Thưa anh, có nhiều người nói hiện thực hôm nay chính là thời buổi của văn chương, nghệ thuật, là không gian của sáng tạo tiểu thuyết vì cuộc sống có quá nhiều chất liệu cho các tài năng nghệ thuật để sáng tạo. Còn anh thì sao, anh nghĩ gì ?

 Thạch Quỳ: Quả thực cuộc sống bây giờ đang để lại trong lòng chúng ta “Ngổn ngang trăm mối”. Chúng ta đang sống trong một hiện thực cuộc sống đa dạng, phong phú, phức tạp hơn thời của cụ Nguyễn Du rất nhiều. Hôm trước, một đồng chí phóng viên ở báo Nhân Dân cũng hỏi tôi câu hỏi tương tự: Vì sao cuộc sống đa dạng, phong phú như thế mà các nhà văn chưa viết được những tác phẩm lớn? Những tác phẩm “Ngang tầm thời đại”?

Trước hết, chúng ta phải có một ý niệm như thế nào là một tác phẩm lớn, như thế nào là tác phẩm “ngang tầm thời đại”? Theo tôi nghĩ thì tác phẩm lớn phải do người lớn viết ra. Người nhỏ, hay trẻ con thì chắc hẳn là không thể viết ra được tác phẩm lớn! Cũng vậy, tác phẩm “ngang tầm thời đại” thì phải do người có hiểu biết “ngang tầm thời đại” thì mới viết ra được. Điều này sẽ cho ta câu hỏi ngược lại: Các nhà văn của ta có đã ai tự thấy mình thực sự đã là một người lớn trong sáng tạo văn chương? Ai tự thấy mình đã có đủ hiểu biết để có thể nói hiểu biết của mình là đã “Ngang tầm thời đại”? Nếu chưa có nhà văn nào mà sự tích lũy kiến thức và tài năng của mình đủ lớn, đủ để “Ngang tầm thời đại” thì đương nhiên là chúng ta chưa thể có những tác phẩm như vậy. Tôi cho rằng nguyên nhân chính để chúng ta chưa có tác phẩm lớn, tác phẩm “Ngang tàm thời đại” là vì chúng ta chưa có những nhà văn làm được việc ấy. Viết văn là việc khó khăn, không phải cứ muốn viết là viết được. Không phải thời đại nào cũng có thể xuất hiện những nhà văn lớn. Xem trong toàn bộ lịch sử và lịch sử văn học của nước ta thì đủ rõ. Cả nghìn năm lịch sử đi qua, nói cho khắt khe, thì thử hỏi, cả nền văn học Việt Nam  của chúng ta đã có được mấy nhà văn lớn? Theo quan niệm riêng của cá nhân tôi thì tác giả lớn của nền văn học chúng ta trong quá khứ không đủ để đếm trên đầu năm ngón tay. Vậy thì, với 70 năm cách mạng vô sản và chính quyền dân chủ nhân dân, nền văn học của chúng ta chưa có nhà văn lớn, tác phẩm lớn thì cũng không có gì lạ. Nguyên nhân chính vẫn là ở nhà văn.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nếu coi những tác phẩm như Chí Phèo của Nam Cao, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chị Dậu của Ngô Tất Tố… là những tác phẩm lớn thì nền văn học của chúng ta hiện nay không thiếu những tác phẩm có giá trị như thế, hoặc hơn thế. Nếu coi Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Tản Đà, Tú Xương, Nguyễn Khuyến… là những nhà thơ nhà văn lớn trong nền văn học dân tộc thì tôi trộm nghĩ, nền văn học và thơ ca hiện đại của chúng ta cũng không phải là không có những tác giả ngang tầm.

Khi nói đến tác phẩm lớn, tác phẩm văn học “Ngang tầm thời đại” là chúng ta mong muốn nền văn học Việt Nam phải sản sinh ra được những nhà thơ, nhà văn, những tác phẩm văn học có tầm cỡ, xứng danh đứng sóng hàng với các tác phẩm văn học lớn của thế giới. Yêu cầu đó rất cao. Việc chưa thực hiện được nó là bình thường.

Trở lại vấn đề: Đúng là hiện thực cuộc sống hôm nay trên đất nước ta rất phong phú, rất đa dạng, đa chiều, có thể nói là thừa đủ để làm phông, làm nền, làm chỗ dựa cho các tác phẩm lớn ra đời. Một số người nghĩ rằng, ta đang thiếu tự do sáng tác nên các nhà văn, các nhà nghệ sĩ chưa có thể làm ra được các tác phẩm lớn. Riêng tôi thì tôi không nghĩ như vậy. Chẳng có ai cầm lấy bút của nhà văn để điều khiển nhà văn, bắt nhà văn phải viết thế này hay phải viết thế kia. Giả sử dù có ai muốn vậy thì bản lĩnh của nhà văn vẫn là cái chính, cái chủ yếu để nhà văn tự điều khiển lấy ngòi bút của mình. Nhà văn hãy viết tác phẩm như ý muốn của anh, như tài năng của trời đất đã phú cho anh, tác phẩm không in được ở nhà xuất bản này thì anh đem in ở nhà xuất bản khác. Nhà văn, nếu không viết được tác phẩm lớn là do nhà văn,  chỉ có vậy thôi. Nếu ngà văn không gắng hơn được nữa, thì chỉ còn cách là hãy chấp nhận lấy cái cận trên của giới hạn của bản thân mình, không thể đổ lỗi cho ai cả!

Với hiện thực hôm nay, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục nuôi hy vọng về sự xuất hiện của các tác phẩm lớn, có tầm cỡ. Nhưng vẫn là hy vọng.

Phan Văn Thắng: Theo tôi quan sát thì hình như chưa bao giờ mà văn nhân nước ta lại hay gièm pha, kèn cựa nhau như bây giờ. Nó làm cho hình ảnh văn nhân nhỏ bé đi trong cộng đồng xã hội.  Anh có nhận thấy, cảm thấy điều đó không?

Thạch Quỳ: Ở đâu cũng vậy thôi, của ba loài, ngài ba đấng mà! Không thể có cái khái quát chung, nhưng thường thì nhà văn nhỏ, cũng khó có cái tính nết của một nhà văn lớn. Ở nước ta thì các nhà văn, các nghệ sĩ được tổ chức thành các hội: Hội địa phương, Hội trung ương. Hội chuyên ngành… Thành viên của các hội đó thường được gọi là nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ. Tuy nhiên, cái tiêu chí để kết nạp một người viết văn, làm thơ vào các hội đó thì nhiều khi cũng không hoàn toàn có những căn cứ, những chuẩn mực cụ thể, tuyệt đối. Bởi thế nên hai tiếng nhà văn, nhà thơ cũng chỉ là một loại danh xưng cho tiện gọi vậy thôi, không có gì gọi là chính xác cả. Nếu những “nhà văn”, “nhà thơ” tùy hứng đó có kèn cựa lẫn nhau trong việc bầu bán hay việc chia chác chút quyền lợi nhỏ nhoi nào đó do nhà nước ưu đãi thì cũng là điều khó tránh. Những việc gièm pha, kèn cựa… như anh nói, nếu có xẩy ra với những con người ấy thì hẳn cũng không có gì là lạ. Đối với các nhà văn chỉ chăm lo công việc của mình, cặm cụi một đời vì văn học thì họ không có thời gian, hoặc rất ít thời gian để quan tâm đến các việc đó. Một số cách hành xử nhỏ mọn như gièm pha, kèn cựa của một số người như anh nói, quả là cũng có làm mang tiếng các nhà văn thật. Nhưng nếu tìm hiểu vấn đề sâu hơn thì tôi thấy, các nhà văn thực thụ, các tác giả văn học chân chính không mấy ai sa vào những việc vụn vặt đó đâu. Nhưng khổ nỗi, nhà văn chuyên tâm cho công việc thì ít, các loại nhà văn, nhà nghệ sĩ pha tạp ấy thì lại đông, nhất là ở các hội văn học chuyên ngành, các hội văn học ở các địa phương.

Tuy vậy, tôi tin rằng, bạn đọc và nhân dân họ biết phân biệt, họ không nhầm lẫn đâu. Họ biết đâu là nhà văn chân chính, đâu là sự pha tạp của ở trong giới văn chương. Tôi cho rằng, sự phức tạp đó cũng không có gì đáng phải quá suy nghĩ đối với một nhà văn.

Tuy nhiên, các nhà văn chân chính, tuy rất tôn trọng và quý mến nhau nhưng không phải ai ai cũng khâm phục tài năng của nhau đâu. Điều này thuộc về chuyên môn, thuộc về gu thẩm mĩ, thuộc về quan niệm văn học nghệ thuật. Nó khác xa với sự gièm pha, kèn cựa của những kẻ nhỏ mọn, bất tài. Có lẽ phải phân biệt ra như thế để nhìn vần đề cho rõ hơn.

 Phan Văn Thắng: Anh nghĩ thế nào khi mà đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông, mà nghệ thuật ngày càng thưa, càng vắng, càng nhạt?

Thạch Quỳ: Có thật là đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông không? Mấy chữ “văn nghệ sĩ” này không xác định nội hàm cho nên anh thì nói rằng đội ngũ đó ngày một đông nhưng tôi thì không thấy thế. Anh cứ thử nghĩ xem, từ năm 1945 tới nay, riêng tỉnh ta thôi, có được bao nhiêu người xứng với cái danh ấy để chúng ta có thể gọi họ là nhà văn, là nhà nghệ sĩ? Rồi nhìn rộng ra cả nước cũng vậy. Cái mà anh đang gọi là ngày một đông lên đó là do chúng ta thành lập ra các hội từ trung ương đến địa phương rồi kết nạp họ vào trong các hội đó. Còn thực chất họ có là nhà văn, là nghệ sĩ hay không thì còn phải xem vào tác phẩm của họ. Thuở sơ khai, những người có chủ trương thành lập ra các hội là có ý muốn tập trung những người viết văn làm thơ, vẽ tranh, chụp ảnh… đó lại để có thêm một lực lượng viết văn, làm thơ, vẽ tranh, chụp ảnh nhằm mục đích tuyên truyền cho các chủ trương chính sách của nhà nước. Quả vậy, mấy chúc năm qua, đội ngũ “văn nghệ sĩ” ấy đã làm rất tốt công việc đó. Ngày nay, xã hội đã tiến bộ hơn, đã có sự phân công chuyên ngành khá rõ rệt. Người ta đã hiểu rằng văn học nghệ thuật chỉ có thể phục vụ cuộc sống bằng chính các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nền văn học Việt Nam phải có tác phẩm lớn, phải có những tác phẩm ngang tầm với các tác phẩm lớn của các nền văn học khác. Tuy rằng trong văn học nghệ thuật có yếu tố tuyên truyền nhưng tuyên truyền không phải là mục đích duy nhất của văn học. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối và các chính sách của Đảng, Chính phủ đã có cả hệ truyền thông, hệ tuyên giáo, các cơ quan đoàn thể khác đảm trách. Nhiệm vụ của văn học là văn học phải làm ra các tác phẩm có giá trị để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Khi quan niệm về nhiệm vụ của văn học đã tiến bộ hơn, đã có phần thay đổi mà chúng ta vẫn duy trì các tổ chức văn học theo cách cũ, kiểu cũ thì tôi nghĩ là không hợp lý. Tôi rất tôn trọng các tổ chức văn học do nhà nước lập ra, nhà nước cưu mang và giúp đỡ các nhà văn để nhà văn bớt khó khăn mà tập trung vào việc sáng tác. Nhưng hai tiếng “nhà văn”, nhà “nghệ sĩ” phải được quan niệm lại cho phù hợp với giai đoạn mới, yêu cầu mới đối với văn học nghệ thuật. Nếu cứ để nguyên như cũ, không có cải cách, cải tiến gì thì các tổ chức ấy dần dà sẽ bất cập với chính nhiệm vụ của chính nó. Thực tế hoạt động trong các hội văn học nghệ thuật hiện nay điều đó đã thấy rất rõ.

 Phan Văn Thắng: Anh nghĩ gì về đội ngũ trí thức hiện nay?

Thạch Quỳ: Như thế nào gọi là trí thức? Đây là một khái niệm rất khó xác định. Có phải cứ những người làm việc bằng trí óc thì ta gọi họ là trí thức không? Trong một quốc gia thì tôi quan tâm đến tầng lớp trí thức sáng tạo. Còn những người “làm bàn giấy”, có tính chất công vụ thì tôi nghĩ họ là những cán bộ mẫn cán, cần làm việc cho có quy củ, cho đúng phép tắc theo phận sự của mình là đủ.

Tôi rất khó tưởng tượng, nếu có một ai đó được gọi là trí thức, hoặc tự mình nhân danh là trí thức mà lại bằng chân như vại, không băn khoăn, không lo nghĩ gì về hiện tình đất nước, về thực trạng xã hội. Những người sống vô tư, vô cảm, không tư duy, không suy nghĩ gì cả thì sao có thể gọi là trí thức?

Tôi không rõ là những người có tri thức, có tư duy, có suy nghĩ, có sáng tạo, có đổi mới hiện nay đang giúp việc cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì có đóng góp được gì nhiều cho sự đổi mới, sự tiến bộ của xã hội hay không vì tôi không có sự tiếp xúc trực tiếp với họ nên không biết.

Nhưng trong thời Nguyễn thì ông Nguyễn Trường Tộ là người có suy nghĩ, có đổi mới, có canh tân. Theo sử sách ghi lại thì các ý kiến tâm huyết của ông Nguyễn Trường Tộ không mấy khi lọt được vào vành tai của vua Tự Đức. Tuy vậy, lịch sử vẫn ghi nhận ông là một người dũng cảm, một người dám nói. Vì thế, tôi không coi sự hy vọng vào đội ngũ trí thức này là một sự hão huyền, đôi khi lịch sử cũng có thể giúp ta giữ được niềm tin vào đội ngũ trí thức. Nhưng đôi khi tôi lại nghĩ, có thể chúng ta đang ở trong cái cảnh “bè lim sào sậy”, đội ngũ trí thức thì bé nhỏ và có lẽ cũng không nhiều tài năng để góp phần mình vào mà chèo chống cái bè lim ấy.

Còn đội ngũ trí thức trong các ngành kinh tế, khoa học, y học, thì đôi lúc tôi thấy là cũng có những người có tài năng chuyên môn rất đáng khâm phục. Nhưng theo quy luật thì người tài cũng phải có người biết tài thì mới trọng dụng được. Người có quyền để sử dụng và trọng dụng nhân tài tất nhiên là thuộc vể cán bộ lãnh đạo, cán bộ đứng đầu các cơ quan của Đảng và nhà nước. Trình độ chung của cán bộ ta bây giờ đã thật giỏi trong việc sử dụng người tài hay chưa và cơ chế vận hành trong việc lựa chọn cán bộ đã thuận lợi hơn với các tài năng hay chưa thì đó là những điều đang còn phải nghĩ.

Nếu trí thức không có con đường rộng mở để tiến thân, để làm việc thì họ sẽ dẫm chân tại chỗ và dần dà sẽ bị phân hóa theo hoàn cảnh riêng tư của từng người. Có thể họ im lặng, giữ mình, không có ý kiến gì. Có thể họ chỉ có một thái độ sống là phục tùng, bất kể hay, dở, sai đúng. Có thể họ rất sợ những ý kiến phản biện nếu họ thấy phản biện chẳng ai nghe mà có khi lại còn chuốc họa vào thân. Đôi khi nhìn vào các cuộc hội thảo tôi rất buồn. Đa phần trí thức nói năng một chiều,  nói phi cả khoa học, phi sự thật, phi cả lẽ phải, chỉ còn mỗi việc là nhăm nhăm nói cho đúng ý muốn của người tổ chức ra cái hội thảo ấy. Có người còn nói, nếu tham luận của mình mà viết sai ý, khác ý với người chủ trì hội thảo thì lần sau họ sẽ không mời mình đến tham dự nữa! Và thế là mất một khoản thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống đang rất khó khăn cuả mình. Tôi cũng không rõ là trường hợp như vậy có phổ biến không nhưng trí thức của ta đôi lúc còn phải sống như vậy, làm “khoa học” như vậy đấy. Nếu diều đó là phổ biến thì chúng ta cũng có lý do để buồn tình cho đội ngũ trí thức ngày nay.

Đôi khi tôi tự hỏi: Thật sự thì chúng ta có còn khoa học nữa hay không? Có còn tư duy khoa học nữa hay không?

 Phan Văn Thắng: Thật là một câu hỏi quá khó, nhất là với những người có bằng cấp cao và các chính khách. Thưa anh, nghĩ về trí thức thì anh kính trọng, yêu mến hay lo lắng?

Thạch Quỳ: Nhân dân ta và riêng tôi cũng vậy, rất quý trọng những người trí thức có thực tài. Chỉ nói riêng về trí thức ở Nghệ An thôi, trước đây tôi có trực tiếp học toán với giáo sư Nguyễn Thúc Hào,  tôi có đọc và tìm hiểu tài năng, nhân cách và sự nghiệp của các giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Nguyễn Xiển… trong thâm tâm, tôi rất kính trọng họ. Tuy nhiên, số lượng các giáo sư, các nhà trí thức làm cho tôi thực sự kính trọng và yêu mến thì đáng tiếc là không có nhiều. Ngày nay tôi ít giao du nên cũng ít gặp được những người trí thức tương tự như thế. Ngược lại. tôi thường gặp những người gọi là trí thức nhưng mà tôi thấy chỉ là những người lanh lợi,  khôn ngoan  vặt vãnh, ít có cái chất, cái tầm của những người đại trí thức thời trước. Tôi nghĩ trời cấu tạo ra họ ở mức nào thì họ ở mức ấy, hoàn cảnh xã hội thế nào thì họ phải ứng xử thế ấy, không khác được. Trí thức lớn cũng hiếm hoi như nhà văn lớn, nghệ sĩ lớn, khó vậy, biết sao? Nếu nói về sự lo lắng băn khoăn thì tôi thường nghĩ về cung cách sử dụng người tài, sử dụng trí thức của nước ta hiện nay nhiều hơn.

 Phan Văn Thắng: Với quan chức đương thời? Với những người này, ngoài lo lắng, anh còn có trạng thái tình cảm nào khác không?

Thạch Quỳ:  Quan chức thời nào thì cũng là người thừa hành công vụ ở thời đó. Nỗi lòng của họ ra sao thì đó là việc thường kín như bưng khó ai mà biết nổi. Vì thế nhà văn không dễ mà nhìn nhận bề ngoài rồi đánh giá quan chức một cách hời hợt theo cảm tính của mình. Tuy nhiên, với những quan chức tiến thân mình bằng cách mua ghế, giữ ghế rồi đục khoét của cải, tham ô, tham nhũng thì hẳn là bất cứ thời nào thì nhân đân cũng lên án, cũng ghét bỏ. Nếu quan chức mà tri thức kém cỏi, không đủ trình độ để đảm đang công việc thì người ta cũng rất bất bình và chán nản.  Tôi không khinh thị, không ghét bỏ gì đối với cá nhân quan các chức ấy nhưng tôi nghĩ nhiều về cái cơ chế đã nhấc những con người như thế để đặt vào những cái ghế ấy. Nếu một quan chức vừa kém trình độ, vừa tha hóa thành những kẻ tham ô, tham nhũng, chỉ biết tôn sùng vật chất, thì tất nhiên người ta không chỉ buồn cho cái cơ chế đã để ra những loại loại quan chức ấy, mà thật sự người ta cũng rất ghét bỏ, thậm chí là rất phẫn nộ đối với loại quan chức ấy nữa. Tôi nghĩ, tâm trạng của tôi đối với vấn đề này thì cũng như tâm trạng chung của mọi người đối với vấn đề đó thôi.

Phan Văn Thắng: Chúng ta có thể giải thích như thế nào về thực trạng không thể không ngán ngẩm về đội ngũ quan chức hiện nay mà trong đó có rất nhiểu người có bằng cấp cao?

 Thạch Quỳ: Chúng ta phải công nhận là trước đây, có một thời gian rất dài, chúng ta quan niệm con người hay dở, tốt, xấu là thuộc vào thành phần, vào lý lịch. Mới đây,  bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, một đại biểu của Quốc hội vẫn cho rằng: “Con cán bộ làm cán bộ là phúc lớn cho dân”. Hiện tượng “con quan thì lại được đề bạt để làm quan”,  cũng chỉ là một biến thể khác của chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa lý lịch.

 Chúng ta thường lựa chọn quan chức theo 2 tiêu chuẩn đức, tài chung chung,   không cụ thể,  rất co giãn, do đó vận dụng thế nào rồi cũng ổn, cũng đúng quy trình cả. Nếu việc lựa chọn cán bộ mà chưa đặt vấn đề tri thức, tài năng thực chất lên một cách đúng mức như giá trị vốn có của nó thì chúng ta chưa thể có đội ngũ quan chức như mong muốn. Ngày nay lại có thêm hiện tượng chạy chức, chạy quyền nên đội ngũ quan chức thật khó lòng mà đạt được các tiêu chuẩn như ý. Còn việc quan chức có bằng cấp cao ư? Bằng cấp nào vậy? Ai cấp ra các loại bằng cấp đó và các đương sự đi con đường nào để có bằng cấp cao ấy, không nói thì anh cũng đã biết rồi, thiết tưởng tôi cũng không phải nói gì thêm.

Phan Văn Thắng: Thưa anh, tôi rất muốn kéo dài câu chuyện của chúng ta nhưng rất tiếc là phải tạm dừng để đợi vào một ngày nào đó chúng ta sẽ tiếp tục. Trước khi tạm kết thúc, tôi xin hỏi anh thêm một câu. Rằng, nếu được phép 5 lần bấm chuông, tức là biểu thị 5 trạng thái tình cảm thì anh sẽ chọn những trạng thái nào khi nghĩ về đất nước, về văn chương hiện nay?

Thạch Quỳ: Buồn chán. Lo lắng. Chịu đựng. Chờ đợi. Chúi mũi vào công việc của mình.

 Tôi rất muốn được thanh thản, được an tâm khi nghĩ về mọi chuyện. Tôi cũng cho rằng, sống ở đời nếu tâm trạng của mình luôn ở trong trạng thái yêu mến cuộc sống,  kính trọng những con người tài năng, nhân cách và đức độ ở quanh mình thì đó là một hạnh phúc lớn của mình.

Nhưng nếu chưa được vậy thì bản thân ta cũng phải tập trung vào công việc của mình, biết làm sao khác?

Phan Văn Thắng: Để cho bạn đọc bớt phải tò mò, suy đoán, xin anh hãy cho một lời giải thích thật ngắn gọn về những “bấm nút” đó?

Thạch Quỳ: Tôi chỉ nói cảm giác thật của tôi và xem xét cảm giác của mọi người xung quanh đối với cuộc sống hiện tại. Tôi muốn viết trung thực với chính mình và tôi nghĩ đó cũng là cách tốt nhất để biểu thị sự tôn trọng đối với bạn đọc. Nhưng với bài viết này, nếu bạn đọc cảm thấy tôi viết không chính xác, còn có chỗ sai lạc hoặc nhầm lẫn, không như cảm nhận chung của tất cả mọi người thì biết đâu tôi lại vui mừng hơn! Bởi vì, nếu bài viết của tôi không nói đúng cảm nhận của các bạn thì cuộc sống hiện tại của chúng còn nhiều điều tốt đẹp hơn chăng?

Phan Văn Thắng: Cảm ơn ông. Tôi hy vọng là câu chuyện về văn hóa trong kì tới với ông sẽ thú vị và thiết thực hơn rất nhiều.

  

     

 

    

     

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441787

Hôm nay

2187

Hôm qua

2317

Tuần này

21691

Tháng này

216961

Tháng qua

112676

Tất cả

114441787