Khách mời văn hóa

LISA STENMARK: Giáo dục khai phóng giúp người học định hình được mình

       

Tiến sĩ Lisa Stenmark

LTS: Tiến sĩ Lisa Stenmark giảng dạy nghiên cứu khoa học nhân văn và nghiên cứu so sánh tôn giáo tại Đại học San Jose, Hoa Kỳ. Bà không chỉ tích cực hoạt động trong các tổ chức American Academy of Religion và Arendt Circle mà còn là một học giả Fulbright tại Việt Nam năm 2017 và có nhiều hoạt động khoa học tại Việt Nam. Gần đây nhất, bà thực hiện một số seminar về Hannah Arendt ở TP. Hồ Chí Minh, và một seminar khác cũng về Arendt tại Viện Triết học ở Hà Nội.

Cách đây mấy hôm, tại thành phố ven biển Nha Trang, Tiến sĩ Lisa Stenmar và Trần Ngọc Diên Khánh - Đại học Thái Bình Dương đã có cuộc trò chuyện khá thú vị vềGiáo dục Khai phóng. VHNA trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những nội dung chính của cuộc trò chuyện này.

Trần Ngọc Diên Khánh: Bà có thể cho biết Giáo dục Khai phóng là gì?

Lisa Stenmark: Như chúng ta đã từng nói nhiều lần trước đây, Giáo dục Khai phóng hướng đến đào tạo con người thông hiểu nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là một lĩnh vực. Nó không phải là triết lý giáo dục chỉ dạy con người ta biết làm một việc cụ thể, chẳng hạn như người thợ máy chỉ biết sửa máy, bạn học sửa máy tính chỉ biết mỗi việc sửa máy tính theo kiểu học một nghề này thôi, hoặc bạn học trở thành kĩ sư thì tất cả việc bạn học chỉ tập trung một lĩnh vực kĩ thuật. Tôi được biết ở Việt Nam hiện nay, đa số sinh viên học ngành nào thì cũng chỉ tập trung học một ngành đơn lẻ thôi. Giáo dục Khai phóng với triết lý đào tạo nhiều lĩnh vực khác tích hợp với lĩnh vực chuyên sâu mà sinh viên theo học, qua đó người học sẽ có kiến thức sâu và rộng.

Các trường đại học ở Mỹ theo mô hình Giáo dục Khai phóng thường có xu hướng là trường đại học có quy mô sinh viên nhỏ, số lượng sinh viên ở mỗi lớp cũng giới hạn, đôi khi chỉ là 20 sinh viên, và sinh viên tiếp cận rất gần gũi với giảng viên, giảng viên sẽ đưa ra nhiều tình huống, hoạt động trong lớp và sinh viên sẽ thảo luận vấn đề. Trong khi đó, các trường khác không theo mô hình Giáo dục Khai phóng, số lượng sinh viên đôi khi lên đến vài trămbạn trong một lớp, nên dường như sinh viên không có cơ hội để trao đổi với giảng viên trong suốt giờ giảng. Trong môi trường Giáo dục Khai phóng, sinh viên học cách tư duy sáng tạo, theo nhiều hướng khác nhau trước một vấn đề đặt ra. Người học theo triết lý Giáo dục Khai phóng sẽ trở nên những công dân sáng tạo hơn dù sau này có làm công việc gì, thì cũng sẽ rất sáng tạo. Dù người học theo học kinh doanh, luật, sư phạm hay ngành nào đấy họ sẽ làm việc tốt hơn vì có cách nghĩ sáng tạo hơn.

Trần Ngọc Diên Khánh: Thế thì tại Mỹ hiện nay, có phải 100% các trường đều theo mô hình Giáo dục Khai phóng?

Lisa Stenmark: Ở Mỹ thật ra chúng tôi vẫn có các trường đạo tạo nghề vẫn không theo mô hình Giáo dục Khai phóng.

Trần Ngọc Diên Khánh: Trường của bà đang giảng dạy - San Jose State University có theo triết lý Giáo dục Khai phóng hay không?

Lisa Stenmark: Trường tôi hiện đang đào tạo người học theo triết lý Giáo dục Khai phóng. Tuy nhiên San Jose State University không có các lớp với số lượng sinh viên ít kiểu như các trường Đại học được tổ chức theo mô hình Giáo dục Khai phóng. Tuy nhiên, chúng tôi đôi khi vẫn tổ chức những lớp học có số lượng sinh viên hạn chế. Dù quy mô lớp học thế nào thì chúng tôi vẫn theo triết lý Khai phóng đó là sinh viên vẫn phải nắm vững và rộng những kiến thức chung nền tảng. Ngay cả nếu bạn là sinh viên ngành kĩ thuật, bạn vẫn phải học Lịch sử, Khoa học Nhân văn, Khoa học Xã hội, Triết học. Ngay cả khi bạn là sinh viên chuyên ngành Văn học bạn cũng được học các môn Khoa học Tự nhiên, Toán học. Như vậy, dù bạn học chuyên ngành gì đi nữa, bạn phải học những môn học thuộc các lĩnh vực khác với chuyên ngành bạn đang theo đuổi.

Tác giả và Tiến sĩ Lisa Stenmark

Trần Ngọc Diên Khánh: Thế thì tại San Jose State University, cụ thể là giảng viên phải thực hiện những nhiệm vụ gì ở đấy?

Lisa Stenmark: Mỗi giảng viên theo quy định đều phải giảng dạy một số lớp nhất định. Đôi khi có giảng viên dạy ít lớp hơn vì họ cần thời gian nghiên cứu hoặc thực hiện một dự án đặc biệt nào đó. Dường như trường đại học nào cũng sẽ yêu cầu giảng viên phải giảng dạy một số lớp nhất định, đồng thời lại yêu cầu giảng viên nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với đại học nghiên cứu, đôi khi giảng viên chỉ phải dạy một hai lớp, còn lại thời gian dành cho nghiên cứu, và những học viên cao học hay nghiên cứu sinh sẽ đảm nhận việc đứng lớp. Trong khi đó, đại học theo mô hình Giáo dục Khai phóng thì lại yêu cầu giảng viên phải dạy gần như toàn thời gian của mình và có nghiên cứu nhưng rất ít. Hầu hết các trường đại học Mỹ đều cân nhắc cân đối giữa khối lượng công việc nghiên cứu và giảng dạy. Các Khoa đều phải có những kết quả nghiên cứu được công bố và đồng thời lại phải có những phản hồi đánh giá chất lượng giảng dạy từ sinh viên.

Trần Ngọc Diên Khánh: Giáo dục Khai phóng có phải bắt nguồn từ Mỹ không thưa Bà?

Lisa Stenmark: Nguồn gốc của Giáo dục Khai phóng xuất phát từ ý niệm của người Hi Lạp và La Mã. Những người La Mã cho rằng để trở thành một công dân thích ứng được với những biến đổi của xã hội, công dân cần có những tiêu chí đáp ứng được, công dân đó phải có những kiến thức nhất định về một số lĩnh vực. Và quan điểm đó đã lan tỏa khắp châu Âu từ thời Trung cổ, và sau đó quan điểm này du nhập sang Mỹ. Vấn đề là tại sao nhà nước luôn quan tâm về giáo dục, tại sao là công dân cần phải có nền giáo dục tốt? Có phải giáo dục chỉ gói gọn trong một mục đích cung cấp cho con người một công việc và kiếm tiền, mà bỏ qua sự quan tâm phục vụ cộng đồng? Một công dân chỉ quan tâm đi làm kiếm tiền mà không nghĩ đến cộng đồng có phải là một công dân tốt hay không? Giáo dục Khai phóng giúp người học định hình được mình, có thể có cuộc sống đầy ý nghĩa cho bản thân nhưng đồng thời phục vụ, có ích cho cộng đồng và xã hội. Một người biết quan tâm đến những người hàng xóm của mình, luôn là một người tốt hơn những người tốt bình thường khác.

Trần Ngọc Diên Khánh: Bà có thể nói đôi điều về giáo dục Việt Nam hiện nay không?

Lisa Stenmark: Tôi cho rằng giáo dục ở Việt Nam nên hướng đến đào tạo những con người không những có ích cho bản thân mà còn có ích cho cộng đồng và xã hội. Đào tạo những con người có tư duy phản biện (critical thinking), có khả năng nhìn một vấn đề ở nhiều góc cạnh khác, nhiều phương diện khác nhau. Trước một câu hỏi, không phải chỉ có một phương án trả lời duy nhất. Bản thân tôi rất thích đưa phim ảnh vào giảng dạy hoặc đưa những tiểu thuyết vào cho sinh viên đọc, có những câu chuyện tôi đã dạy 20 năm, nhưng tôi vẫn có cảm hứng vô tận vì mỗi lần tôi dạy là mỗi lần sinh viên đưa ra những quan điểm mà trước nay tôi chưa một lần nghe qua hay từng gặp, dường như có những ý kiến của sinh viên làm tôi bất ngờ và thốt lên “Thế mà tôi đã không nghĩ theo hướng đấy”.

Trần Ngọc Diên Khánh: Hiện nay một số trường Đại học ở Việt Nam như Đại học Fulbright, Đại học Việt Nhật, Đại học Hoa Sen, Đại học Thái Bình Dương, v.v… có nhiều buổi Hội thảo, buổi nói chuyện về Giáo dục Khai phóng, theo bà thì Giáo dục Khai phóng sắp tới có tác động thế nào đến Giáo dục Đại học tại Việt Nam?

Lisa Stenmark: Đây là câu chuyện của chính các bạn, câu chuyện giáo dục phải do chính những người Việt Nam quyết định. Tôi cần phải nhắc lại là một người cần phải hiểu họ cần phải như thế nào để trở thành một thành viên tốt của xã hội, và là một công dân toàn cầu.

Trần Ngọc Diên Khánh: Bà đã có 2 buổi nói chuyện tại Đại học Thái Bình Dương, Nha Trang: hôm thứ 7 ngày 18/5/2019 với giảng viên và hôm thứ 2 ngày 20/5/2019 với hơn 250 sinh viên của trường. Bà có nhận xét gì về việc tiếp nhận triết lý Giáo dục Khai phóng của giảng viên và sinh viên của Đại học Thái Bình Dương?

Lisa Stenmark: Thông qua thảo luận và trao đổi, tôi có để ý thấy một số giảng viên cảm thấy bất an về Giáo dục Khai phóng. Thật ra điều này cũng có thể hiểu được vì đó là phản ứng bình thường trước cái mới. Chẳng hạn một số giảng viên sẽ phải dạy cái gì đó mới thì họ luôn e ngại. Tuy nhiên, tôi cũng thấy một số giảng viên rất hào hứng với hướng đi mới mà nhà trường đang theo đuổi vì thay đổi luôn có sự hứng khởi mà. Điều tôi thấy ấn tượng nhất là giảng viên của trường rất chăm chú và có sự tham gia rất tốt với nội dung buổi nói chuyện. Họ rất quan tâm làm cách nào để đào tạo sinh viên thành những người tốt hơn.

Đối với sinh viên thì ban đầu tôi thấy các bạn rất ngại ngùng, khi tôi hỏi một số bạn thì các bạn e ngại và không thực sự đưa ra câu trả lời đúng như những gì các bạn đang suy nghĩ. Nhiều bạn trả lời câu hỏi của tôi là “Làm sao để thành một người tốt” thì đa số trả lời “Em cần cố gắng học giỏi, chăm, ngoan”. Họ nghĩ rằng đó là câu trả lời tốt cho câu hỏi đó, thế nhưng nó không toát lên được tư duy phản biện. Thật ra sinh viên của tôi ở Mỹ, tôi cũng gặp nhiều bạn trả lời kiểu như vậy, đôi khi tôi hỏi lại thế thì ý chính thật sự của bạn là gì. Nhiều bạn quay ngược lại hỏi tôi, “Thế câu trả lời của câu hỏi này là gì?”, đương nhiên tôi sẽ bảo “Thế em nghĩ câu trả lời là gì?”. Giáo dục Khai phóng không chấp nhận việc lười suy nghĩ hay làm biếng suy nghĩ. Theo tôi, thì việc làm theo lối mòn có sẵn, làm theo những gì người khác bảo mình phải làm lúc nào cũng đơn giản hơn mà. Đôi khi dù suy nghĩ để tìm lời giải cũng không hề đơn giản chút nào nhưng bạn phải suy nghĩ, khi bạn suy nghĩ thấu đáo, bạn sẽ thay đổi hành vi.

Trần Ngọc Diên Khánh: Đối với sinh viên Đại học Thái Bình Dương, theo Bà, trong số các mảng kiến thức rộng cần có để trở thành con người toàn diện, có nên lựa chọn một vài lĩnh vực ưu tiên nào đó không?

Lisa Stenmark: Tôi nghĩ nên cho sinh viên tìm hiểu về hội họa và kiến trúc vì tôi thấy Việt Nam theo dòng lịch sử đã tiếp nhận sự ảnh hưởng các trường phái kiến trúc từ Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ… và cuối cùng đã tạo ra dấu ấn kiến trúc riêng rất Việt Nam mà không trộn lẫn với bất kì ai khác.

Trần Ngọc Diên Khánh: Cảm ơn bà về cuộc nói chuyện này. Chúc bà nhiều sức khỏe!

Lisa Stenmark: Không có chi. Hẹn gặp lại!

                                                                               Thực hiện: Trần Ngọc Diên Khánh

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528481

Hôm nay

2137

Hôm qua

2291

Tuần này

2754

Tháng này

215177

Tháng qua

0

Tất cả

114528481