Khách mời văn hóa

Lâm Quang Mỹ: Thế giới đa chiều nhưng vẫn có những mối liên hệ mật thiết và tinh tế

 Tiến sĩ – nhà thơ Lâm Quang Mỹ(LQM) sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo gió Lào cát trắng. Ông đã vượt qua những gian khổ thăng trầm để học hành thành đạt. Hiện ông đang sống và làm việc ở Ba Lan và là hội viên hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Ba Lan. Từ năm 2003, khi bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống văn chương sôi động, đến nay, ông đã có hơn 600 buổi đọc thơ tại các khu an dưỡng, trư­ờng học, thư­ viện, nhà văn hóa các cấp từ địa phương đến trung ­ương ở Ba Lan và một số nư­ớc châu Âu khác như­ Tiệp, Ukraina, Lithuani, Ý, Anh. Ông đã đoạt các giải thưởng thơ của Ba Lan trong đó có giải thưởng về thơ và hoạt động văn học của ủy ban UNESCO Ba Lan năm 2006. Thơ ông đã được dịch ra các thứ tiếng: Ba Lan, Anh, Ukraina, Luthiani, Tiệp. Năm 2005, ông được chính quyền  Krasne, quê hương của đại thi hào Z. Krasinski công nhận là Công dân Danh dự. Ông đã xuất bản bốn tập thơ, trong đó có Tuyển tập thơ cổ điển Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX bằng tiếng Ba Lan. Ông luôn trăn trở tại sao văn  học Việt Nam chư­a đư­ợc tỏa sáng, chư­a đ­ược thế giới biết đến nhiều?  Đầu năm 2010, ông về nước dự “Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài” và đã được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

 Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 TTN: Thưa nhà thơ Lâm Quang Mỹ, ông có thể bộc bạch đôi điều về việc sáng tác đầu đời của mình?

  LQM: (Ông cười tươi rồi nhìn xa xăm)  Tâm tư về “chiếc nôi sáng tác” đầu đời luôn canh cánh trong lòng khó giãi bày được. Nhưng có thể nói: Đó là niềm đam mê bẩm sinh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TTN: Ngặt nghèo cái nghiệp văn chương, thế mà ông đã dấn thân vào sự nghiệp này từ thủa thiếu thời, hẳn ông còn nhớ những bài thơ “măng sữa” đó?

LQM: Nhớ chứ, đó là những bài tôi viết từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường, thủa còn khao khát chờ quà mẹ chợ về: Cái chảo quê rang bằng lửa gió Lào/Tấm phản gỗ nóng quăn vỏ đỗ/ Đòn gánh bỏng vai tan buổi chợ/ Mồ hôi lưng áo Mẹ khô giòn/ Giếng làng chắt,  một nửa gầu là cát/ Phần đục mẹ uống rồi/ Phần trong để cho con  (Mẹ và Quê).Hay bài“Hoàng hôn”, tôi viết sau buổi lao động XHCN- gặt lúa cùng các bạn học sinh trong lớp:Mặt trời trăng trối với ráng hồng/ Dòng nước xanh sẫm lại/ Nỗi nhớ trào thinh không/ Bên rừng kia tiếng ai vọng lên tha thiết/ Như chất đầy cả thế kỷ chờ mong/…Lũ cò trắng sải cánh bay uể oải/ Xa mờ đần giữa thế giới màu than/ Và gượng gạo núi bò thấp xuống/ Im lặng trùm lên/ Chờ đêm tan…

 

TTN: Thưa nhà thơ, là một tiến sĩ vật lý nghiên cứu về những vấn đề mang tính khoa học tự nhiên, mà vẫn đam mê sáng tác thơ. Vậy thơ đối với ông có phải chỉ là việc “ngoại tình” không?

 

 LQM: (Cười) Vật lý đối với tôi là một nghề còn Thơ là nghiệp. Với “Nàng Thơ”, thiên hạ muôn đời ai chẳng “ngoại tình”! Riêng vật lý, nó là một thế giới đầy bí ẩn nhưng lại gần gũi với cuộc sống, có lẽ nó có những không gian riêng tiềm ẩn dành cho Thơ! Trong một số bài, vô hình trung, tôi đã dành không gian vật lý cho thơ. Tôi đang sống trong không gian ba chiều/ Sao vẫn thấy đời mình quá chật/ Rồi một ngày bỗng thấy lòng bát ngát/ Thêm một chiều thăm thẳm của tình yêu! (Bốn chiều). Thực ra, thế giới đa chiều này vẫn có những mối liên hệ tinh tế, mật thiết. Vấn đề là ta có phát hiện ra nó không? Bởi cuộc sống là sự giao thoa muôn màu muôn vẻ: Mây xám về đâu chim mỏi cánh/ Bóng nhỏ liêu xiêu chiều ven sông/ Trời thu không tiếc cơn gió lạnh/ Ơi những lá vàng có đau không?!...(Lữ thứ).

 

TTN: Nhiều người có nhận xét là thơ Lâm Quang Mỹ hằn những dấu ấn riêng về “con đò, bến nước, chân quê…” Ông có những suy nghĩ gì về nhận xét này?

 

LQM: Tôi ở Ba Lan hơn 20 năm nay, và đã không ít những đêm tôi giật mình thổn thức nhớ quê, nơi núm ruột đầu đời cha tôi đã chôn nó trên bãi ruộng mặn mòi cát biển không nguôi tiếng sóng:Nửa đêm choàng thức dậy/ ào ào gió bốn bề/ Dường như trong bão tố/ Tiếng gọi từ miền quê/ Những tiếng như mờ xa/ Những tiếng như thiết tha/ Tự ngàn xưa vọng tới/ Sâu thẳm đáy lòng ta…(Tiếng gọi).

 

TTN: Những bài thơ mà ông tâm đắc?

 

LQM: Đã là những đứa-con-tinh-thần mà mình sinh ra thì đứa nào mình cũng yêu quý, nhưng có lẽ những bài thơ luôn thức dậy trong lòng, chẳng hạn như : Có một lần/ Ta say/ Với tay/ Bắt trăng tròn đầy/ Bát rượu rơi/ Trăng vỡ…Có một lần/ Ta yêu/ Ngại/ Không dám nói một điều/ Chân bước đi xa/ Tình chôn chặt… (Trăng vỡ). Hay: ”Ta ở trong nhau những ngày trống vắng/ Nhớ buổi tiễn đưa, con đò trong nắng/ Cơn bão tan trong bảy sắc cầu vồng/ Đợi dấu chân ai cát dài mờ sông…”(Đợi)

 

TTN: Ở đất nước Ba Lan, điều gì đã “lay động” thơ ông?

 

LQM: Ba Lan có lẽ là một “cường quốc Nobel Văn chương”, vì một nước đất không rộng, người không đông mà họ đã đoạt tới bốn giải, trong đó có hai giải về thơ. Họ có bề dày lịch sử tranh đấu bảo vệ Tổ quốc và Tiếng Mẹ Đẻ như đất nước mình. Những người dân  Ba Lan cũng rất hồn hậu và rất đáng yêu. Đặc biệt, họ có sự cảm nhận khá sâu về minh triết phương Đông, nên tôi đã tìm thấy sự cộng hưởng trong cảm xúc để sáng tác và dịch thuật.

Ngoài ra, lòng yêu văn chương, và nếp sống văn hóa của Cộng đồng người Việt ở đây là một sự cổ vũ to lớn đối với những người cầm bút chúng tôi.

 

LQM: Ông đã có trên 20 năm học tập, nghiên cứu, công tác và sống ở nư­ớc ngoài, ông có nhận xét gì về hiện trạng văn học của Việt Nam ở nư­ớc ngoài?

 

LQM: Ở các n­ước khác, tôi chư­a dám có ý kiến khẳng định, như­ng riêng ở Ba Lan thì tôi có một nhận xét rất khách quan: Đó là văn học Việt Nam kể cả về số và chất l­ượng cho đến thời điểm này vẫn chư­a đủ điều kiện đến với bạn đọc Ba Lan như­ văn học ở các nư­ớc khác. Tuy từ lâu, đã có một số tác phẩm đ­ược trích dịch như­: Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Chí Minh,Tố Hữu, Đoàn Thị Điểm…Và gần đây có thêm Tuyển tập thơ Cổ điển Việt Nam do tôi và một nhà thơ Ba Lan chọn dịch đã đ­ược bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Sự hiện diện của các tác phẩm văn học Việt Nam là quý rồi như­ng thực tế vẫn còn “thòm thèm” đối với những ng­ười yêu văn học Việt Nam ở nước ngoài.

 

TTN: Để các tác phẩm văn học Việt Nam đến với bạn đọc trên thế giới nói chung và Ba Lan nói riêng, theo ông chúng ta cần phải làm gì?

 

LQM: Tôi thiết nghĩ là văn học dịch ra tiếng nước ngoài của nước ta hiện nay đang như­ một “đứa trẻ suy dinh dưỡng”, chư­a có sự chăm sóc chu đáo của người  mẹ để  nó khỏe mạnh và phát triển như­ yêu cầu thực tế!

 

TTN: Ông có thể cho biết cụ thể hơn đ­ược không?

 

LQM: Điều này, trên văn đàn đã có nhiều ý kiến, tôi chỉ muốn nói đôi lời tâm huyết­ thế này thôi. Có lẽ cái chính là chúng ta cần có đư­ờng lối chính sách thật cụ thể đối với văn học dịch, đặc biệt văn học dịch từ Tiếng Việt ra các thứ tiếng phổ biến trên thế giới; nhất là đối với đội ngũ dịch giả Việt Nam ở n­ước ngoài và cả những người n­ước ngoài biết Tiếng Việt và yêu văn chư­ơng Việt. Cũng xin nói thêm rằng, nhận thức văn học mà chỉ thông qua cảm tính về nhu cầu để chọn dịch tác phẩm thì thật buồn cư­ời. Nếu tôi không nhầm thì hiện nay có không ít tác phẩm có giá trị đáng để dịch còn bị bỏ sót, vì những hạt vàng trắc thư­ờng rụng trư­ớc khi gặt…

 

TTN: Trên trư­ờng Quốc tế các tác giả ở các n­ước, hàng năm vẫn “ẵm” đư­ợc các giải th­ưởng Nobel còn Việt Nam thì…Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

 

LQM: Tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn đạt giải thư­ởng Noben,  nhất là các tác phẩm thơ. Tôi hiểu ra rằng: Văn học Việt Nam bị thiệt thòi lớn là chưa đư­ợc thế giới biết đến nhiều vì lý do nào đó!?

 

TTN: Là một dịch giả, để tác phẩm văn học đ­ược dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài, theo ông cần phải có những yếu tố nào?

 

LQM: Có lẽ có hai yếu tố, một là dịch giả phải biết chọn và thật tâm đắc với tác phẩm mình dịch, còn giỏi mấy mà không thực sự tâm đắc thì cũng không chuyển tải nổi cái hồn của tác phẩm nhất là tác phẩm thơ, hai là phải có đường lối, chính sách và tổ chức thích hợp.

TTN: Ông có thể giới thiệu với bạn đọc đôi bài thơ dịch mà ông tâm đắc?

 

LQM: Đó là bài: “Tôi thấy những ngư­ời điên” của nhà thơ Ba Lan Tadeus Rurevicz, người nhiều lần đư­ợc đề nghị giải Nobel, như­ng có lẽ cái số ông không được nhận giải này! (cười): Tôi thấy những ng­ười điên đi trên biển/ Họ tin đến tận cùng rồi chìm xuống đáy sâu/ Và giờ đây họ đang níu kéo/ Con thuyền tôi - Nào vững chắc gì đâu/ Tôi cố xua những bàn tay ấy/ Những bàn tay như những nhánh cây khô/ Thật tàn bạo/Tôi đang xua đuổi/ Suốt tháng năm không ngừng lại bao giờ!…

 

TTN: Ấn tượng của ông về “Hội nghị  Quốc tế giới thiệu Văn Học Việt Nam ra nước ngoài” đầu năm vừa rồi như thế nào?

 

LQM: Thật đáng tiếc là một cuộc hội nghị có ý nghĩa như vậy mà mới được tổ chức lần thứ hai! Nhìn chung, bước đầu đã đạt được những mục tiêu đề ra, tuy nhiên, trong nội dung và chương trình còn có những điều cần bổ sung và sửa đổi như nhiều ý kiến đã phát biểu. Tôi tin rằng những hội nghị tới có thể sẽ khắc phục được để thành công hơn.

 

TTN: Sắp tới,  ông có gì mới trong sáng tác và dịch thuật?

LQM: Trước mắt, tôi sẽ ra mắt độc giả hai tập thơ song ngữ Ba Lan - Anh và Việt -Anh, sau đó là Tuyển tập Thơ Mới Việt Nam bằng tiếng Ba Lan.

 

TTN: Trân trọng cảm ơn nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Xin chúc ông dồi dào sức khỏe để thực hiện thành công những dự định của mình! 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528552

Hôm nay

2208

Hôm qua

2291

Tuần này

2825

Tháng này

215248

Tháng qua

0

Tất cả

114528552