Khách mời văn hóa

Đào tạo năng lực phải là đào tạo cho những con người cụ thể,…

GS.TS.NGDN Trần Đình sử. Nguồn ảnh internet

LTS: Tư tưởng chuyển hướng đào tạo năng lực, khắc phục khuynh hướng coi trọng truyền thụ kiến thức/kĩ năng một chiều đã được đông đảo giáo viên trong cả nước hưởng ứng, chương trình mới đã ban bố, sách giáo khoa mới sắp xuất bản, cả xã hội đang trông chờ những thay đổi trong nền giáo dục nước nhà. Trong sự nghiệp này, môn Ngữ văn có vai trò rất quan trọng. Bởi giữa môn Văn học là nhân học với giáo dục là dạy người có mối liên hệ vô cùng sâu sắc. Dạy môn Ngữ văn  như thế nào để đáp ứng mô hình giáo dục phát triển năng lực hay nói cách khác cần đổi mới phương pháp dạy văn như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay từ các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, sinh viên sư phạm ngành Văn. Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND Trần Đình Sử về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa Giáo sư, trước khi nói về đổi mới phương pháp dạy học nói chung, dạy Văn nói riêng, chúng ta hãy bắt đầu từ quan niệm giáo dục. Xin Giáo sư cho biết quan niệm giáo dục truyền thống và hiện hành?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Giáo dục truyền thống hiểu giáo dục, tức dạy học là truyền thụ tri thức và kĩ năng cho người học là một quan niệm rất lâu đời. Dùng lời của Hàn Dũ tức là “truyền đạo, dạy nghề, giải hoặc” (Sư thuyết). Giải hoặc ở đây cũng nhằm truyền đạo, không nhằm phát triển năng lực con người. Tri thức là hiểu biết phổ thông đã được kiểm nghiệm của từng lĩnh vực, còn kĩ năng là năng lực nắm bắt và vận dụng tri thức phổ thông ấy vào thực tế. Giáo dục, như vậy chẳng khác gì huấn luyện, tức là có kế hoạch, theo từng bước để có được một khả năng nào đó.

PV: Theo Giáo sư, hạn chế, lạc hậu của giáo dục truyền thống là gì?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Trong giáo dục truyền thống, giáo dục và huấn luyện (nhiều khi là luyện như luyện thi) lẫn vào nhau, thậm chí biến giáo dục thành huấn luyện, luyện, tập huấn, làm mất đi nội hàm giáo dục… Huấn luyện cái gì thì chỉ làm được cái đó. Không thể làm được cái khác. Đó là hạn chế của lối dạy trường chuyên, chỉ nhằm đi thi quốc gia, quốc tế, giống như luyện gà nòi, chỉ chuyên làm một việc, không phải đào tạo con người toàn diện. Cách dạy đó đào tạo được người giống như thầy, theo gương thầy, mà ít khi có được người làm tốt hơn thầy, làm khác thầy. Nhưng trong giáo dục, người xưa nói “thủ pháp hồ thượng, cẩn đắc kì trung; thủ pháp kì trung, cẩn đắc kì hạ” nghĩa là học pháp của người bậc trên thì chỉ được bậc trung, học pháp với kẻ bậc trung thì chỉ được bậc dưới. Cứ thế thì không cần nói đến việc thủ pháp của kẻ yếu kém thì sẽ thành loại người nào nữa. Đó là cách đào tạo theo lối bắt chước người đi trước. Giáo dục truyền thống chỉ chú trọng đào tạo cái tôi đóng vai. Vai thần dân, vai con, vai trò, vai xã hội. Mọi xưng hô đều là cháu, con, em, anh, chị, chú, bác… tức là xưng hô theo vai. Giáo dục đó kìm nén con người tự chủ trong khuôn phép, hạn chế cái tôi tự chủ. Học sinh đóng vai học sinh, luôn phải khuôn phép, phải ngoan ngoãn lắng nghe thầy, chỉ thầy là đúng, học trò thường sai, cãi lại thầy là hỗn, làm ngược thầy là vô đạo… Truyền thống đó khiến học trò đó không dám thắc mắc, không dám hỏi lại… Truyền thống đó khiến cho đến nay trong nhà trường học sinh chủ yếu là người trả lời câu hỏi chứ không mấy khi nêu câu hỏi đối với thầy. Đó chưa phải là cách đào tạo những con người chủ thể, biết chủ động, tự do, sáng tạo.

PV: Vậy theo Giáo sư, quan niệm giáo dục mới khác với quan niệm giáo dục truyền thống ở những điểm nào?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Tôi nghĩ điểm khác nhau giữa quan niệm giáo dụcmới khác với quan niệm giáo dục truyền thống thể hiện ở mục tiêu giáo dục. Mục tiêu của giáo dục theo phương pháp mới là phải đào tạo ra những chủ thể mới, biết sáng tạo. Sáng tạo đây được hiểu là những người biết phá cái cũ, làm ra sản phẩm mới có giá trị và ý nghĩa nhân sinh. Điều quan trọng nhất của giáo dục là đào tạo cho thế hệ trẻ một hệ thống giá trị hiện đại về xã hội, con người, truyền cho họ cảm hứng về những giá trị đích thực của cuộc sống, biết phân biệt giá trị thực và giá trị giả, giá trị lâu dài và giá trị nhất thời. Có như thế họ mới trở thành chủ thể, có cái nhìn rộng mở và biết hành động tích cực. Hệ giá trị đích thực giống như linh hồn của con người. Thiếu hệ giá trị thì con người như thiếu linh hồn, thiếu động lực để học tập và rèn luyện. Mỗi con người thường có hai mặt. Một là cái tôi mang vai xã hội và cái tôi tự chủ, độc lập, riêng tư. Cái trước hình thành bằng lí tính và thói quen có cả vô thức cộng đồng, cái sau hình thành bằng tự chủ và trực giác, gồm cả vô thức cá nhân. Cầm bút tay trái, thuận tay trái, cầm vợt tay trái, thuộc cá nhân tự chủ, không nên ép. Buộc cầm tay phải lại đánh bóng không qua lưới hoặc không có uy lực. Mỗi người phải phát triển hài hòa cả hai mặt đó thì mới tư duy sáng tạo được.

PV: Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng phát triển năng lực cho người học. Xin Giáo sư cho biết cụ thể hơn về điều này?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Trong chương trình giáo dục mới, ngoài các phẩm chất chung và các năng lực chuyên môn cho học sinh, người thầy phải tăng cường giáo dục ý thức về giá trị và tinh thần tự chủ cho học sinh; phát huy, phát triển các năng lực tự chủ, tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh.

Các phẩm chất như chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm phải gắn với tính tự chủ. Kĩ năng cũng là một phương diện của năng lực, nhưng là năng lực thực hành do thầy truyền cho học sinh, như lối truyền nghề thủ công, thầy truyền cho trò, một thứ năng lực copy, còn thiếu hẳn tính sáng tạo, thiếu phần tổng hợp với các hoạt động khác. Không phải lúc nào cái tôi tự chủ riêng tư đều tốt và cái tôi phân vai đều xấu. Cái tôi tự chủ bành trướng có thể trở thành vị kỉ, tự ảo tưởng. Chỉ lo làm đúng vai thì suốt đời làm người công cụ. Không biết phân vai thì không biết vị trí của mình trong xã hội. Con người phải biết ý thức và lựa chọn hành vi thích hợp hài hòa cả hai mặt ấy phù hợp với các giá trị tiến bộ thì mới có thể sáng tạo ra cái mới cho xã hội. Nhưng trước mắt, cần khích lệ cái tôi tự chủ trong từng người học để họ trở thành những cái tôi làm chủ cuộc sống.

PV: Trong những năng lực chung nêu trên, theo Giáo sư, môn Ngữ văn sẽ giúp phát triển năng lực gì cho học sinh?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Văn học và môn Ngữ văn có một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nhân cách con người, tức con người có hệ giá trị tích cực. Riêng trong môn Ngữ văn, năng lực bao trùm là năng lực giao tiếp, bao gồm các năng lực nghe, nói, đọc, viết. Trên nền tảng các năng lực công cụ ấy, văn học tác động vào hình thành các tố chất của con người. Không nên vì môn Ngữ văn coi trọng nói, nghe, đọc, viết, mà coi nhẹ đặc trưng riêng của văn học. Con người hình thành và phát triển qua các giai đoạn, từ trực giác, bản năng, qua mô phỏng, thói quen, đến ý thức các vai và ý thức tự chủ về giá trị nhân văn, yêu nước, biết tôn trọng và yêu quý con người.

Quan sát quá trình đào tạo học sinh Việt Nam có thể thấy học sinh được giáo dục ý thức nhận vai quá sớm và dừng lại với các vai xã hội quá lâu. Bản năng, trực giác được phát triển lúc tuổi thơ. Thiếu đời sống tuổi thơ đầy đủ, năng lực trực giác yếu, ý thức tự chủ, chậm hình thành và do đó khả năng sáng tạo ít phát triển. Văn học là nghệ thuật giàu cảm tính, giàu tưởng tượng, giàu trực giác, nhiều ngẫu nhiên bất ngờ, con người trong văn học thường đi ra ngoài khuôn phép… có thể giúp phát triển năng lực trực giác, ý thức tự chủ cho con người.

 PV: Văn học và môn Ngữ văn có làm tốt vai trò của mình hay không còn phụ thuộc vào phương pháp, phương tiện dạy học, phải vậy không thưa Giáo sư? Và xin Giáo sư cho biết phương pháp dạy môn Ngữ văn như thế nào là chuẩn?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Theo tôi, nếu phương pháp dạy học không chuẩn, sử dụng phương tiện dạy học không phù hợp có thể làm nghèo đi, làm thui chột đi cái hay vốn có của văn học. Chẳng hạn, nếu lạm dụng phương tiện nghe nhìn trong dạy văn sẽ làm cho trí tưởng tượng lười biếng, khiến cho văn học bớt đi sự lung linh.

Phương pháp dạy văn đích thực, theo tôi, phải làm cho học sinh tiếp xúc trực tiếp với bản thân văn học càng nhiều càng tốt. Học sinh phải nhớ được hình ảnh, ý thơ, câu chữ, cốt truyện, nhân vật, chi tiết, rồi tự mình suy nghĩ ý nghĩa của chúng, thông điệp mà chúng trao gửi cho muôn đời. Lạm dụng sự phân tích bình giảng trong dạy Văn của các thầy cô chỉ khiến cho học sinh thấy như đã hiểu rồi, không cần một cố gắng nào để hiểu văn thêm nữa, thế là bỏ phí một cơ hội để dạy học sinh đọc văn theo hướng đào tạo năng lực nắm bắt ý nghĩa, giá trị.

PV: Còn phía người học, cách học môn Ngữ văn tốt nhất là gì, thưa Giáo sư?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Tôi nghĩ, đọc nhiều văn bản chính là cách học văn tốt nhất. Năng lực không phải là kiến thức, mà là cái khả năng vận dụng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn của mỗi người, năng lực ấy phải được rèn luyện qua thực hành thực tiễn mới có được. Nhà ngữ học cho biết, để hiểu một câu, không nhất thiết phải hiểu từng chữ trong câu đó rồi mới hiểu, mà chỉ cần hiểu kiểu câu, nghe hiểu một hai từ then chốt hoặc ngữ điệu là hiểu ngay ý của câu nói. Như thế năng lực nghe hiểu vừa bằng vô thức vừa bằng hữu thức, và muốn thế người nghe hiểu phải trải qua rất nhiều lần giao tiếp lặp đi lặp lại để cho các kiểu câu và kiểu ngữ điệu nội hóa vào trong ý thức để hình thành năng lực nghe hiểu. Chính vì thế mà đào tạo năng lực đòi hỏi phải có nhiều hoạt động lặp đi lặp lại để học sinh hình thành kinh nghiệm.

PV: Theo Giáo sư, muốn đào tạo năng lực cho học sinh cần quan tâm tới những vấn đề gì? Tại sao?

GS.TS.NGND Trần Đình Sử: Vấn đề then chốt trong giáo dục là giáo dục về trí tuệ, đào tạo năng lực tư duy. Không nên đồng nhất kiến thức với trí tuệ. Thông báo tri thức chỉ giản đơn là thông báo, nhưng giúp học sinh phát hiện tri thức thì đó là việc làm của trí tuệ. Trí tuệ và năng lực tư duy sẽ là nhân tố chủ đạo trong khái niệm về năng lực trong mọi môn học. Như vậy, theo tôi, muốn đào tạo năng lực thì phải quan tâm bốn vấn đề. Một là tổ chức hoạt động (không phải diễn), hai là phát huy cá tính, ba là tạo hứng thú và bốn là khêu gợi trí tuệ. Coi nhẹ yếu tố nào đều khó có thể đạt đến hiệu quả đào tạo năng lực. Tại sao vậy?

Thứ nhất,nhìn lại hoạt động dạy học Ngữ văn trong thời gian qua, dễ dàng thấy rằng nhiều hoạt động đã bị coi nhẹ. Sự độc diễn của giáo viên đã chiếm hết hoạt động của HS. Nhưng thế nào là hoạt động trong môn Ngữ văn? Hoạt động ở các cấp học khác nhau. Giao tiếp, nói, viết, đọc ở tiểu học dễ dàng tổ chức sinh động. Học sinh càng lớn, các hoạt động sẽ đi vào cá thể hóa, khó tổ chức hơn. Ở đây, từng kiểu hoạt động cần được suy nghĩ thấu đáo. Hoạt động đóng vai, diễn kịch chỉ có mức độ, ở THCS không nên bị lạm dụng. Ở THPT cần thiên về các hoạt động trí tuệ như đối thoại, tập nghiên cứu, để học sinh trình bày thu hoạch, thảo luận. GV sẽ bớt diễn giảng mà thiên về tổ chức, hướng dẫn, kịp thời uốn nắn những cách suy diễn thô thiển, tùy tiện, điều hòa để học sinh yếu có cơ hội phát biểu. GV phải quan tâm từng em trong lớp. Trong các hoạt động học tập của HS hiện nay, khó nhất vẫn là khêu gợi làm sao cho HS biết nêu câu hỏi, mạnh dạn nêu những chỗ chưa hiểu, chưa rõ. Hỏi có khi sợ lòi dốt bị bạn cười. GV có cách kiểm tra để biết HS hiểu hay không hiểu. Làm sao để học sinh biết chia sẻ chỗ khó hiểu, không che giấu điều chưa hiểu để mạnh dạn hỏi. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh quan hệ thầy trò, tạo ra sự thân tình giữa thầy và trò để dễ dàng chia sẻ. Sử dụng phương tiện nghe nhìn một cách hợp lí. Không nên lạm dụng phương tiện nghe nhìn, bởi vì các hình ảnh minh họa sẽ ức chế trí tưởng tượng, cố định hóa một cách cảm thụ nào đó. Lạm dụng hình ảnh sẽ khiến đầu óc HS trì trệ, chẳng những yếu về tưởng tượng, mà nếu có thì cũng chỉ tưởng tượng theo tranh vẽ. Khi tổ chức cho học sinh hoạt động, kị nhất là tổ chức một cách hình thức, học sinh hoạt động như diễn kịch, thiếu đi yếu tố tâm hồn và trí tuệ. Nếu ở tiểu học diễn một chút thì được cái vui, nhưng càng lên lớp trên mà diễn thì thực chất là phản giáo dục.

Thứ hai, nguyên tắc phát huy cá tính chưa được phát triển trong nhà trường của ta. Giáo dục phải hướng đến từng cá nhân, làm cho mỗi cá nhân đều phát triển. Bản chất của dạy học tích cực là làm cho học sinh động não, bày tỏ cách hiểu của mình. Chấm bài, trả bài là tuân theo nguyên tắc cá thể hóa, giúp từng em tiến bộ. Nhưng ngày nay hình như việc chấm bài chỉ làm chung chung, qua loa. Cần tổ chức việc học làm văn sao cho hiệu quả hơn. Tổ chức phân công hoạt động học tập theo cá nhân và nhóm. Đối với các lớp lớn, nên tạo điều kiện cho HS phát huy tưởng tượng sáng tạo trong khi đọc hiểu, phân tích, thưởng thức tác phẩm thơ, truyện. Qua đó, tạo hứng thú cho học sinh và phát hiện những chỗ hiểu sai, hiểu nhầm để kịp thời uốn nắn nhẹ nhàng. Làm sao cho học sinh thấy việc nói sai để trao đổi cũng bình thường, trao đổi không sợ sai. Khuyến khích các em đọc mở rộng tham khảo các tài liệu ngoài SGK.

Thứ ba, sự hình thành năng lực gắn liền với hứng thú. Hứng thú là sự yêu thích trở thành nhu cầu, niềm đam mê và thu hút toàn bộ tâm trí. Khi một người không có hứng thú thì dù có hoạt động, người ấy vẫn không tham gia với toàn bộ tâm hồn mình, và do đó, hiệu quả hình thành năng lực không xảy ra. Vì thế, hứng thú là điều kiện để hình thành năng lực. Điều này đòi hỏi người thầy và toàn ngành phải nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân vì sao học sinh suy giảm hứng thú đối với bài học, môn học.

Thứ tư, việc khêu gợi trí tuệ cho học sinh có nhiều thuận lợi, do có nhiều sách bình giảng phân tích. GV gợi cho HS thấy sự hiểu khác nhau và GV chỉ nên khêu gợi, không giảng hết để HS tự tìm tòi. Trong việc nắm bắt cốt truyện, tìm hiểu biểu tượng, tư tưởng thái độ của tác giả có nhiều vấn đề để học sinh lớn tuổi, học sinh THPT làm việc. Và không nên chỉ tìm sâu vào tác phẩm, mà cần suy nghĩ về ý nghĩa nhân sinh của tác phẩm đối với người đọc, thái độ của HS đối với tác phẩm,…

Chuyển hướng đào tạo năng lực là một mục tiêu giáo dục mới đang đặt ra cho môn Ngữ văn, rất khác với giáo dục truyền thống. Đào tạo năng lực phải là đào tạo cho những con người cụ thể, sao cho sau mỗi bài học HS tự cảm thấy lớn lên, không chỉ có thêm tri thức, mà có thêm cả kinh nghiệm, động lực để đi vào bài học mới.

PV:Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!

Ngọc Mai thực hiện

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487789

Hôm nay

2203

Hôm qua

2337

Tuần này

22143

Tháng này

215101

Tháng qua

120271

Tất cả

114487789