Những góc nhìn Văn hoá

Thế ứng đối văn hóa của Đại Việt qua hành trạng và tâm thức của quý tộc thời Trần (phần I)

Sáu năm sau ngày quyét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, tuy công việc đất nước còn nhiều ngổn ngang nhưng tuân theo chỉ dụ của Lê Thái Tông (1434-1442), quan Nhập nội hành khiển, Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi (1380-1442) đã có thể bình tâm trong 10 ngày viết xong tác phẩm bất hủ Dư địa chí. Trong tác phẩm đó, về thế ứng đối văn hóa của Đại Việt với các quốc gia láng giềng khu vực, Nguyễn Trãi đã đưa ra một khuyến cáo rất đáng chú ý: “Người trong nước không bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước”(1).

Ý thức sâu sắc về những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, Nguyễn Trãi đã mô tả cụ thể đồng thời giải thích rõ thêm về một số biểu hiện và đặc tính văn hóa của các nước láng giềng. Theo ông: “Vô là lời cấm chỉ. Tiếng Ngô nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong cổ như tiếng chim quẹt; nhưng đều không được bắt chước để loạn tiếng nói nước nhà. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu ở trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy không phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường, nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn vào người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm lấy khăn che đùi mà để lộ hình thể. Người Xiêm La, người Chân Lạp lấy vải bọc tay và gối như bó thây chết. Các tục ấy không nên theo để làm loạn phong tục”(2).

Năm thế kỷ sau, trong phần Mấy lời của người dịch Việt sử lược, một tác phẩm được coi là viết vào cuối thời Trần (1225 - 1400), có thể là năm 1377, GS Trần Quốc Vượng từng đưa ra nhận xét: “Dưới thời Trần, ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo còn rất mạnh, Nho giáo tuy đã phát triển, song chưa chiếm được ưu thế tuyệt đối như từ đời Lê trở về sau. Vì thế, ta thấy sách Việt sử lược - không bị nhà Lê sửa đổi theo tinh thần Nho giáo - đã chép rất nhiều chuyện hoang đường như chuyện rồng hiện, voi trắng, sẻ trắng, rùa sáu chân, cau chín buồng, lúa chín bông cùng những chuyện mê tín dị đoan... Vì thế, Việt sử lược ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn giúp cho chúng ta hiểu thêm về đời sống tin thần của nhân dân ta thời Lý, Trần”(3).

Hai quan niệm giữa hai thời đại khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về tâm thức văn hóa và thế ứng đối văn hóa của dân tộc ta trong lịch sử. Có thể thấy, vào thời Trần đặc biệt là giai đoạn nửa sau TK XIV, trải qua thời Hồ đến triều Lê sơ là thời kỳ mà cùng với dân tộc, nền văn hóa Đại Việt phải đối chọi với nhiều thách thức gay gắt từ môi trường chính trị và văn hóa khu vực. Do sự vận động nội tại cũng như những tác động ngoại sinh, văn hóa Đại Việt thời Trần có sự chuyển hóa mạnh trong cơ tầng, cấu trúc cũng như biểu hiện và hành vi văn hóa. Sự chuyển hóa đó được thể hiện rõ nhất ở các thành tố bên trên, tức những lớp văn hóa thượng tầng. Với tư cách là giai cấp lãnh đạo đất nước, giới quý tộc Trần (Trần elite) là những người luôn thấu hiểu vị thế của đất nước đồng thời cũng có nhiều điều kiện và cơ hội nhất để đón nhận, xử lý nguồn thông tin đa dạng, đa chiều thẩm thấu và dội đến từ các xã hội bên ngoài.

Bằng cách nhìn nhận đó, bài viết tập trung khảo cứu cách thức ứng đối văn hóa của vương triều Trần, một triều đại lớn trong lịch sử dân tộc, qua bốn nhân vật tiêu biểu: Trần Nhân Tông - Phật hoàng đồng thời là Minh vương kết tụ những giá trị của triều đại, thời đại; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - một đại quý tộc và là anh hùng dân tộc; Trần Nhật Duật - danh tướng văn võ song toàn, có tầm nhìn hướng ngoại và năng lực ứng đối văn hóa mạnh mẽ; và Trần Khánh Dư - võ tướng tài danh, người có tư duy kinh tế thương nghiệp điển hình nhất của thời Trần. Kế thừa những di sản truyền thống, triều đại này đã sáng tạo ra một cách thức ứng đối văn hóa độc đáo, giàu bản lĩnh thể hiện tư tưởng, lợi ích của dòng họ, giai cấp, vương triều nhưng cũng hòa nhập đồng thời là ước nguyện chung của dân tộc. Coi giới quý tộc Trần là đối tượng trung tâm của sự khảo cứu, tâm thế cùng hành trạng của họ luôn được đặt trong sự xem xét, phân tích tổng hòa của những nhân tố nêu trên(4).

1. Thời đại, nhân vật và thế ứng đối với phương Bắc

Trong lịch sử của các dân tộc phương Đông, TK XIII là thế kỷ lớn với nhiều biến động. Vào thời kỳ này, lịch sử đã sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng, võ tướng tài danh. Với Đại Việt, cũng xuất hiện nhiều nhân vật văn võ song toàn, có tầm nhìn sâu rộng. Trong số những con người đó, có thể kể đến các đấng minh vương đứng đầu triều Trần, mà điển hình là Trần Thái Tông (1226-1257), Trần Thánh Tông (1257-1278), Trần Nhân Tông (1278-1293); các danh tướng, trí thức tiêu biểu như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Trần Khắc Chung, Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài, Chu Văn An... Công danh và tên tuổi của họ đã khắc họa những dấu ấn sâu đậm trong hành trình phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc.

Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất, đến cuối TK XIII, dân tộc Đại Việt lại phải hai lần đứng dậy chống lại âm mưu thôn tính, xâm lược của phương Bắc. Trong bối cảnh đó, Trần Nhân Tông đã nổi lên như một vị vua anh hùng của dân tộc. Là con của Thánh Tông Trần Hoảng, lên ngôi năm 1278, với tư cách là người đứng đầu vương triều, Nhân Tông đã trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nguyên năm 1285 và 1288 đem lại sự nghiệp toàn thắng cho dân tộc. Trên phương diện tôn giáo, ông chính là người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm. Được vua cha và Tuệ Trung Thượng sĩ trực tiếp truyền dạy Phật pháp, rất mộ đạo từ khi còn ở ngôi, vua Nhân Tông đã có tâm thế của một nhà tu hành và truyền giáo. Toàn thư viết: “(Đức vua) được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn... Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”(5). Sách Tam tổ thực lục cũng có nhận xét: “Điều Ngự thánh tính thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách, thông suốt cả nội điển (Phật học) lẫn ngoại điển, thường mời các vị Thiền khách tới cùng giảng Thiền học. Điều Ngự cũng tìm tới tham khảo Tuệ Trung Thượng sĩ và do đó thâm nhập được cốt tủy của Thiền học, cho nên thường lấy tư cách đệ tử để đối đãi với Tuệ Trung”(6).

Sau khi xuất gia năm 1299, ông là người có ý thức mạnh mẽ trong việc xây dựng và củng cố một giáo hội thống nhất. Tuy về tu ở chùa Yên Tử nhưng Nhân Tông vẫn thường xuyên đến nhiều chùa để thuyết pháp. Theo Tam tổ thực lục thì Trúc Lâm đã “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ các dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện”(7). Rõ ràng, Nhân Tông muốn sử dụng những nguyên tắc của Phật giáo làm cơ sở xây dựng thiết chế chính trị và đạo đức xã hội. Ở ông, dù thời gian nào trong cuộc đời cũng thật khó mà có thể phân định giữa tâm thế tôn giáo và hành trạng xã hội, giữa việc đời với việc đạo. Ngay cả khi xuất gia, trong sắc màu tôn giáo và tấm áo cà sa của Phật giáo, Trúc Lâm đệ nhất tổ vẫn luôn trăn trở trước những công việc của đất nước. Là người có biệt tài tổ chức, sự chuyển giao quyền lực êm thấm cho con Trần Anh Tông/vương quyền (1293-1314) và hơn thế là giáo hội cho sư Pháp Loa/thần quyền (1284-1330) để nhà sư trẻ tuổi, tài danh này trở thành tổ thứ hai của phái Trúc Lâm đã thể hiện tầm nhìn của ông vì sự phát triển tiếp nối, ổn định của Phật giáo và đất nước.

Vốn là thế tử, trở thành người đứng đầu thể chế 14 năm (1278-1293) rồi đảm đương cương vị Thái thượng hoàng 5 năm (1293-1299) và cuối cùng được tôn vinh là Trúc Lâm đệ nhất tổ 8 năm (1299-1307), Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà quân sự chiến lược, ông không chỉ là người giữ ngôi vị cao nhất của họ Trần mà còn là người đứng đầu đất nước, không chỉ là nhà yêu nước mà còn là người có tư duy chính trị tầm cỡ khu vực. Trên phương diện tôn giáo, ông vừa là nhà tu hành có tri thức uyên bác vừa đóng vai trò của người khai sáng đồng thời là thủ lĩnh tôn giáo. Trần Nhân Tông là minh chứng của sự hòa quyện giữa chính trị và tôn giáo một cách tự nhiên, không thể có sự phân định rõ rệt. Có thể coi xu thế nhất thể hóa này là một bước chuyển, thể hiện sức sống mạnh mẽ và sự phát triển về ý thức chính trị, ý niệm về vương quyền của giới quý tộc Trần. Do vậy, mọi tâm thế, hành trạng của ông đều có nhiều ảnh hưởng đến tâm thức dân tộc thời đại bấy giờ(8). Tuy nhiên, với việc về Yên Tử tu luyện, chính Trúc Lâm đã hướng tư duy chính trị của giới cầm quyền Thăng Long cũng như tình cảm tôn giáo của dân tộc về với vùng địa - chiến lược Đông Bắc. Cuộc thiên di đó không chỉ mở rộng tầm văn hóa của chính quyền Thăng Long với các trung tâm Phật giáo Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vân Đồn... mà còn tạo nên một không gian đối thoại giữa các nền văn hóa, thúc đẩy sự hội nhập của Đại Việt với các quốc gia khu vực.

Bên cạnh đó, trong các hoạt động xã hội hết sức phong phú, sau khi xuất gia, Trần Nhân Tông cũng dành nhiều mối quan tâm đến vùng biên viễn phía Nam. Trúc Lâm từng đến tận Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Bình) lập am Tri Kiến và năm 1301 đã thực hiện một chuyến vân du sang Chămpa thăm kinh đô Vijaya của vua Chiêm là Chế Mân. Chuyến đi kéo dài 7 tháng, rời Yên Tử tháng 3 đến tháng 11 mới trở về nước. Là người xuất gia nhưng tâm của Nhân Tông chưa thể định. Hẳn là Thiền tổ Trúc Lâm vẫn canh cánh với nhiều việc đại sự quốc gia cũng như mối nguy đất nước (9).

Hành trạng đó của Nhân Tông được xem xét trong bối cảnh hiểm họa từ phương Bắc vẫn là mối đe dọa lớn của Đại Việt. Mặc dù chịu thất bại trong ba cuộc xâm lược nhưng nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ ý định thôn tính và liên tục gây sức ép về chính trị, ngoại giao đối với nước ta. Năm 1291, tức 3 năm sau thất bại quân sự lần thứ ba, quan thượng thư Bộ Lễ nhà Nguyên là Trương Lập Đạo (hiệu Hiển Khánh) vẫn gửi thư cho vua Trần đe dọa: “Hơn 400 châu ở đất Giang Nam, không đương nổi một mũi nhọn của xứ Trung Nguyên, vả lại An Nam so với Giang Nam, bên nào đông đúc hơn? Vậy làm thế nào mà chống cùng thượng quốc? Năm nay cùng đánh, sang năm cùng đánh, hôm nay chết một số, ngày mai chết một số, nhân dân tiểu quốc được bao nhiêu, có đủ mà cung cấp số lính không? Như vậy, không thể ỷ lại vào số đông người được”(10). Do vậy, phải sớm quy phục nhà Nguyên và như vậy mới “hợp với đạo trời”! Năm 1293, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1260 - 1295) vẫn cho lập An Nam hành tỉnh để “đợi lệnh tiến đánh”. Phải đến khi Thế Tổ chết, nhà Nguyên mới chịu bãi binh.

Để cải thiện quan hệ với Trung Quốc đồng thời khẳng định vị thế chính trị trong nước cũng như với các quốc gia khu vực, năm 1295 triều Trần cử sứ giả xin phong tước nhưng triều Nguyên không chấp nhận, chỉ cho kinh Đại Tạng và yêu cầu cứ ba năm một lần tiến cống (11). Đọc An Nam chí lược chúng ta thấy trong thời gian 1260-1336 nhà Nguyên đã nhiều lần gửi chiếu thư sang nước ta. Ngoài việc trách cứ vua Trần không chịu sang chầu và coi đó là căn nguyên dẫn đến chiến tranh, trong các văn bản ngoại giao đó, nếu đọc kỹ cũng thấy rằng càng về sau mối quan hệ với Chămpa càng được đề cập thường xuyên trong các văn bản mà nhà Nguyên gửi sang Đại Việt. Theo đó, triều Nguyên ngày càng tỏ ra bênh vực các hành động xâm lấn của Chămpa đối với lãnh thổ phía Nam nước ta. Cũng trong bức thư trên, Trương Lập Đạo khuyên vua Trần nên bỏ Tống, theo Nguyên để “hưởng phúc ngàn năm” đồng thời ngầm đe dọa: “Ngày sau các nước duyên hải, dầu có xảy ra sự xâm lấn bờ cõi, nhưng ai dám động chạm tới nước An Nam?”(12).

Trong thế ứng đối với phương Bắc, tiếp thu kinh nghiệm của các triều Ngô (939-965), Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và Lý, nhà Trần đã thực thi một chính sách đối ngoại khiêm nhường, mềm dẻo nhưng kiên quyết giữ vững nguyên tắc về độc lập, chủ quyền dân tộc. Tuân thủ nguyên tắc đó, năm 1241, tức 16 năm sau khi nắm được vương quyền, để ổn định an ninh biên giới, vua Trần Thái Tông đã thân chinh cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình ở vùng biên giới phía Bắc. Sau thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, chắc hẳn nhận thấy khó có thể chinh phạt, đồng hóa được văn hóa Đại Việt nên năm 1261 nhà Nguyên đã sai sứ sang dụ: “Quan liêu sĩ thứ An Nam, phàm các việc mũ áo, lễ nhạc, phong tục đều căn cứ theo lệ cũ của nước mình, không phải thay đổi”(13). Nhưng điều chắc chắn là, đằng sau thủ thuật ngoại giao đó nhà Nguyên không hề từ bỏ âm mưu cưỡng chế văn hóa đối với nước ta nên năm 1278 khi tiếp sứ Nguyên, Trần Quang Khải từng tuyên bố: “Lễ phục của kinh đô phương Bắc trái với kiểu cách của tổ tiên chúng tôi” (14).

Cũng cần chú ý rằng, trong quan hệ với phương Bắc, cùng với nhà Nguyên, Đại Việt còn đồng thời phải ứng đối với thế lực Nam Tống. Trong thế suy vi, do để mất quyền lực vào tay nhà Nguyên, triều đình Tống phải chạy xuống phương Nam lập triều Nam Tống (1127-1279). Năm 1274, một nhóm quý tộc, tôn thất nhà Tống sợ quân Nguyên truy đuổi đã đem theo 30 chiếc thuyền chở theo vợ con, chất đầy của cải từ Giang Nam đến xin lưu trú. Mặc dù luôn hiểu tính chất phức tạp của vấn đề nhưng vua Trần không những đã cho phép dẫn họ về kinh đô Thăng Long mà còn cho an trí ở phường Nhai Tuân. Ở đó, họ được bày hàng vải lụa, dược phẩm, mở chợ buôn bán riêng. Nhưng 2 năm sau, khi Nguyên Thế Tổ đánh Giang Nam, sai sứ sang dụ nhà Trần điều dân, giúp quân... thì vua Trần Thánh Tông đều tìm cách từ chối (15). Hẳn là, trong phân tích chiến lược, chính quyền Thăng Long vẫn muốn sử dụng lực lượng này như một đối trọng nên không thể lập mối liên kết với quân Nguyên cũng như không thể can dự vào công việc nội bộ của một đế chế đang nuôi cuồng vọng xâm lược Đại Việt cùng nhiều quốc gia châu Á khác (16).

Trong ba cuộc kháng chiến, áp lực quân sự và chính trị đối với xã hội Đại Việt là rất lớn. Hơn bất cứ một tầng lớp xã hội nào, giới quý tộc cao cấp nhà Trần là những người phải gánh chịu thường xuyên và mạnh mẽ nhất những sức ép từ bên ngoài. Năm 1281, nhà Nguyên sai Sài Xuân đem 1.000 quân đưa Trần Di Ái về nước với âm mưu tạo phản, mở đường cho quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhưng vừa qua cửa ải, quân Nguyên đã bị phục binh tiến đánh, Trần Di Ái bỏ chạy nhưng Sài Xuân vẫn được “mời” về Thăng Long. Toàn thư viết rõ: “Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu, gọt tóc mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về Xuân ra cửa tiễn ông”(17). Sau cuộc “đụng độ văn hóa” đó, dường như thái độ của sứ Nguyên đã có sự thay đổi nên lúc về nước, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã làm bài thơ tiễn rất tao nhã: “Vị thẩm hà thời trung đổ diện, Ân cần ác thủ tự huyên lương” (Chưa biết ngày nào gặp lại lần nữa, để ân cần nắm tay nhau hàn huyên).

Hiểu rõ âm mưu của nhà Nguyên, trước hành động ngạo mạn, vô lễ của sứ giả một nước sắp đưa quân sang xâm lược, hai vị tướng nổi danh nhà Trần vẫn giữ thái độ ung dung, bình thản để phân tích và lựa chọn cách ứng đối phù hợp. Điều chắc chắn là, thắng lợi của Đại Việt trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất đã củng cố niềm tin của hai vị danh tướng về sức mạnh dân tộc. Trách nhiệm mà tổ quốc giao phó đang đến gần khiến họ càng thêm vững tâm, bền chí. Hành trạng đó thể hiện cách ứng xử giàu bản lĩnh cùng chiều sâu văn hóa của hai danh tướng. Trong đó, Hưng Đạo Vương đã “hóa thân” thành một tu sĩ và dùng ngay sức mạnh văn hóa của Trung Hoa để đối kháng với sứ Nguyên. Điều quan trọng là, các biện pháp ngoại giao chính là phép thử để giới quý tộc Trần hiểu rõ hơn âm mưu của nhà Nguyên, đồng thời qua đó cũng có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng. Viết về tài danh của Trần Hưng Đạo, Toàn thư đánh giá: “Đời Trung Hưng lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc phương Bắc. Chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên” (18). Điều đáng chú ý là, chịu ảnh hưởng nhân cách, phẩm chất đặc biệt và trong vòng văn hóa của ông, hầu hết các võ tướng, gia thần... những người đi theo Hưng Đạo Vương đều đã trở thành nhân vật tài danh một thuở. Chính sử triều Lê nhận xét: “Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự” (19).

Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, bản lĩnh văn hóa của giới quý tộc Đại Việt còn được thể hiện ở hành động vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự, quấn lấy đầu của Toa Đô để bày tỏ “sự tiếc thương” về “lòng trung” của viên tướng giặc. Ông cũng là người khoản đãi rượu ngay trên thuyền rồng hai bại tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ khi vừa bị bắt. Thật khó có thể cho rằng hành trạng đó của Nhân Tông là thể hiện tâm thế Phật giáo, Nho giáo, cách hành xử của một minh vương hay xuất phát từ truyền thống khoan dung văn hóa của dân tộc Đại Việt, mà ông là đại diện tiêu biểu nhất. Ẩn sau hành trạng đó, hẳn Nhân Tông muốn giáo dục tướng sĩ về lòng trung thành, về tình nhân ái trong quan hệ vua tôi cũng như thể hiện sự thấu hiểu của ông về những gian khổ, hy sinh của tướng sĩ cùng lòng dân trăm họ.

Để chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai và thứ ba, cùng với việc rèn tập binh sĩ, sửa soạn vũ khí, tích trữ quân lương... nhà Trần cũng chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến tranh lớn rất chu đáo. Có thể thấy tinh thần đó trong nhiều tác phẩm thời Trần nhưng tiêu biểu nhất là Binh gia diệu lý yếu lược (Hịch tướng sĩ). Trong áng thiên cổ hùng văn đó, Hưng Đạo Vương đã khích lệ tinh thần tướng sĩ về chủ nghĩa yêu nước bằng những lập luận chặt chẽ nhưng rất đa dạng trong diễn tả và trạng huống ngôn từ. Với những thủ pháp nghệ thuật tương phản đối đoạn, tương phản cách đoạn và cách điệp ý, điệp từ, điệp ngữ... điển hình của thể loại văn hịch, ông đã chỉ ra và gắn lợi ích của đất nước (vua) và giới quý tộc cao cấp (mà ông là người đối thoại) với các quý tộc, sĩ phu thuộc quyền cùng đông đảo những bề tôi bên dưới. Ngôn từ của bài hịch cũng cho thấy Đại vương là người có quyền lực rất lớn không chỉ đối với quân đội mà còn cả trong vương triều thời bấy giờ. Hưng Đạo Vương đã kết hợp hài hòa giữa lợi ích nhóm (bộ phận) với lợi ích chung của giới (đám đông). Nói cách khác, ông đã gắn lợi ích của giới quý tộc thân tộc với giới quý tộc sĩ phu cùng các nhóm xã hội khác để hướng đến những giá trị chung của cộng đồng dân tộc. Người thống lĩnh ba quân đã dùng chính sức mạnh văn hóa dân tộc để mở cuộc đối thoại với các tướng sĩ trên cả hai cơ tầng xã hội, văn hóa và đặt họ trước sự lựa chọn: hoặc là sự sống còn của dân tộc hoặc là sự mê đắm trong những thú vui trần thế. Các hiện tượng văn hóa mà ông đưa ra tập trung vào các trò chơi, thú tiêu khiển mà giới quý tộc thời Trần đều rất yêu thích. Với lời lẽ khẩn thiết nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, Hưng Đạo Vương đưa ra một chuỗi những dự báo, cảnh báo đồng thời đặt họ trước trách nhiệm dân tộc: “Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường thiết yến sứ ngụy mà không biết căm, hoặc lấy chọi gà làm vui, hoặc lấy đánh bạc làm thú... hoặc ham săn bắn mà bỏ việc đánh việc phòng, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh... Tiền của dẫu nhiều không mua được đầu giặc; chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết nhường nào!” (20).

Như vậy, cùng với các thắng lợi quân sự, vương triều Trần còn giành được ưu thế trong cuộc chiến tranh tâm lý, văn hóa. Thấu hiểu tình cảm, ước nguyện của ba quân, Hưng Đạo Vương đã khơi dậy lòng tự trọng, tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của họ. Cũng như các danh tướng, quý tộc thời bấy giờ, ông là người sùng Phật (khi qua đời muốn được hỏa thiêu và hòa mình trong cát bụi) nhưng trong Hịch tướng sĩ, tư tưởng chi phối của tác phẩm lại chính là những luận đề, nguyên tắc Nho giáo. Quốc công tiết chế luôn có ý thức mạnh mẽ về lòng trung và đề cao tư tưởng trung quân. Ông đã khẳng định cùng tướng sĩ tinh thần quyết đánh, quyết thắng mà mục tiêu được xác định rõ ràng, cụ thể là: bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, phơi xác Vân Nam Vương ở Cảo Nhai! Điều đáng chú ý là, Hưng Đạo Vương đã dùng những minh chứng về lòng trung từ trong lịch sử Trung Hoa để giáo dục tướng sĩ, hun đúc tinh thần dân tộc và lòng căm thù giặc. Không phân lập và hiềm kỵ, lấy Đông Chu, Hán, Đường và cả một số tấm gương trung nghĩa thời Nguyên để đối chọi với Mông Thát, Hịch tướng sĩ là tác phẩm tiêu biểu phản ánh nhận thức văn hóa và bản lĩnh văn hóa của một thời đại. Trong ý nghĩa đó, văn hóa luôn có sự kết nối, các giá trị văn hóa là di sản chung của nhiều cộng đồng xã hội và tự thân các giá trị đó luôn mang tính phi biên giới.

Điều chắc chắn là, bài hịch đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tướng sĩ thời Trần. Điều đó cũng có nghĩa là, các điển tích, nhân vật mà Hưng Đạo Vương sử dụng như là những minh chứng tiêu biểu cho các luận đề tư tưởng của mình đều rất gần gũi và có thể (tương đối) dễ hiểu với đông đảo tướng sĩ (21). Từ đó, chúng ta có thể luận suy về tầm kiến văn, vốn văn hóa, giá trị biểu cảm cũng như nguồn lực tri thức của một thời đại. Kết quả là, “như ngọn gió mạnh, bài hịch đã làm bốc cháy trong lòng tướng sĩ ngọn lửa căm thù giặc và như tiếng trống trận, bài hịch đã giục giã họ xông lên đem thân đền nợ nước. Lịch sử và văn học dân tộc đời đời ghi lại kiệt tác đó”(22).

Trong bài hịch, một cấu trúc điển hình của văn phong chính luận đã được sử dụng. Cấu trúc đó được xây dựng theo nguyên tắc không gian một chiều bao gồm: quá khứ, hiện tại, tương lai nhưng lấy hiện tại làm trung tâm (23). Cấu trúc đó có xưa và nay, có khái quát và cụ thể, có lý luận và thực tiễn, giàu hình tượng nhưng cũng rất cô đọng, chặt chẽ về văn phong. Trên thực tế, các thú vui như âm nhạc, ca hát, chọi gà, săn bắn, cờ bạc, uống rượu... đã không thể làm suy nhụt ý chí Sát Thát của một đội quân yêu nước. Hơn thế, ở một khía cạnh nào đó, việc khơi gợi các trò chơi và giá trị văn hóa đó còn trở thành động lực cho cuộc chiến. Đến TK XIV, sau khi binh lửa qua đi, đất nước trở lại thanh bình, các tập tục, trò chơi dân gian lại được khôi phục. Toàn thư ghi rõ, thời vua Trần Anh Tông có viên độc bạ Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ, chơi cầu. Ông được nhà vua tin cẩn, giao cho dạy các thái tử nghề ấy. Trong ý nghĩa đó, lời tiên đoán của Trần Hưng Đạo về ngày toàn thắng của dân tộc, giới quý tộc, tướng sĩ có thể hưởng một cuộc sống yên vui, phú quý đã trở thành hiện thực (24).

Trong tâm thế khoáng đạt và do có tầm kiến văn rộng lớn nên giới quý tộc Trần không chỉ yêu thích các sinh hoạt văn hóa truyền thống mà một số người còn rất thông hiểu phong tục, văn hóa các nước láng giềng trong khu vực. Theo Toàn thư, vua Trần Thánh Tông và anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang đều biết múa và hẳn là họ đã múa rất thành thạo các điệu theo phong cách của người Hồi (Hu, Hồi Hột) ở hoàng cung. Vào thời Trần, văn hóa Trung Đông hiện diện ở quốc gia Đại Việt là khá rõ. Như vậy, bằng cả những tác động từ phía Bắc (Trung Quốc) và cả phía Nam (Chămpa) văn hóa Tây Á đã dự nhập vào dòng văn hóa Việt. Tự thời bấy giờ, giới quan lại bắt đầu mặc áo choàng trắng trong các lễ hội và trang phục đen trong đám tang (25). Bên cạnh đó, qua con đường giao lưu kinh tế, văn hóa và cả những hệ quả nhiều mặt của chiến tranh, nhiều phong tục, tập quán của văn hóa Trung Hoa đã được truyền tải sang nước ta. Cũng theo Toàn thư thì phép phù thủy, đàn chay bắt đầu do đạo sĩ Hứa Tông Đạo truyền vào nước ta vào đầu TK XIV. Ngoài ra, dòng chảy văn hóa phương Bắc còn thấm đến xã hội Đại Việt qua các nhân vật như Trâu Canh tuy bị coi là người “không có hạnh kiểm” nhưng là một thầy thuốc giỏi, chuyên chữa bệnh cho hoàng triều; như Đinh Bàng Đức có tài leo dây, làm trò, ca múa. Sự tài khéo của ông được nhiều người trong nước bắt chước và cũng từ đó nước ta bắt đầu có trò múa leo dây. Thêm vào đó, trong khi đánh nhau với quân Toa Đô, quan quân nhà Trần còn bắt được Lý Nguyên Cát. Là một nghệ sĩ rất giỏi ca hát nên gia nô trẻ của các quý tộc đều đua theo học các điệu hát phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở truyện cổ. Trong các vở tuồng có nhiều lớp người tham gia, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay... khiến người xem rất xúc động. Nội dung các vở tuồng và cách diễn xướng tài khéo đến mức có thể chi phối được tình cảm của con người. Thời Trần, nhiều người mê tuồng đã học theo lối hát phương Bắc. Các tác giả Toàn thư cho rằng “nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy”(26).

Có thể nói đó chỉ là một số hiện tượng và giá trị văn hóa được lịch sử ghi lại trong xu thế vận động của văn hóa phương Bắc với phương Nam. Bên cạnh đó, sự ứng đối, giao thoa văn hóa của Đại Việt với phương Bắc còn được thực hiện và biểu hiện qua các hoạt động ngoại giao, các chuyến đi sứ, giao lưu giữa cư dân các vùng biên giới và chắc chắn có cả sự “giao thoa sinh học” khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt.

(Còn nữa)

_______________

1. Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập II, Nxb Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2001, tr.481. Thực ra, trước Nguyễn Trãi một số vua Trần đã có ý thức khá mạnh mẽ trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Thậm chí, đến cuối TK XIV, trong thế nước đã có nhiều biểu hiện suy yếu, nhưng năm 1374 Trần Duệ Tông vẫn “xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào”, Xem Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.158.

2. Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Sđd, tr.481. Cũng theo Nguyễn Trãi, do nước ta vẫn giữ được những yếu tố văn hóa truyền thống nên năm 1368, khi vua Trần Dụ Tông sai Doãn Thuấn Thuần sang cống sinh nhà Minh đã được Minh Thái Tổ tặng thơ và cho bốn chữ văn hiến chi bang. Điều đáng chú ý là, trong quan hệ bang giao khu vực chính quyền phong kiến Trung Hoa thường tiếp các sứ đoàn theo thứ tự: Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu, An Nam. Nhưng sau sự kiện đó, cũng theo Nguyễn Trãi, nhà Minh “lại nhấc sứ ta lên trên sứ Triều Tiên ba cấp; khi trở về, lại sai Ngưu Lượng đem Long Chương và ấn vàng cùng đi sang để khen thưởng nhà vua”, sđd, tr.482.

3. Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005, tr.9-10.

4. Khái niệm quý tộc ở đây được hiểu theo nghĩa rộng tức là không chỉ các hoàng thân, quốc thích của dòng họ và vương triều Trần mà còn có cả một số người “ngoại tộc”, có công lao, được giao trọng trách và có lợi ích gắn bó với vương triều. Trên thực tế họ là những người đã được/ bị quý tộc hóa có tư tưởng, khả năng kinh tế và sinh hoạt văn hóa như là những quý tộc thực sự. Khuynh hướng “giao hòa” giữa quý tộc với sĩ phu, cũng như giữa quý tộc với bình dân đã diễn ra rất mạnh mẽ vào TK XIV, mặc dù trên thực tế, ngay cả những vị quan tài giỏi, có cương vị cao trong triều cũng không dễ gì được coi ngang bằng với các thành viên trong hoàng tộc. Xem Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981; hay Viện Văn học, Nguyễn Trãi - Khí phách và tinh hoa của dân tộc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, tr.31-34.

5, 13, 15, 17, 18, 19, 20. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.44, 32, 40, 46, 47, 81, 83.

6. Xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992, tr.334.

7. Dẫn theo Hà Văn Tấn, Phật giáo từ Ngô đến Trần (TK X-XIV), sđd, tr.248.

8. Đánh giá về công lao của Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, Ngô Sĩ Liên: “Thánh Tông nối nghiệp Thái Tông, giữa chừng gặp tai họa giặc vào cướp, đã ủy nhiệm tướng thần cùng với Nhân Tông chung sức, cùng nhau vượt qua, khiến cho thiên hạ đã tan mà hợp, xã tắc đã nguy mà lại yên, suốt đời Trần không còn nạn xâm lược của giặc Hồ (chỉ quân Nguyên Mông - TG) nữa. Công lao ấy to lớn lắm”, Toàn thư, tr.67.

9. Tháng 4-1289, trong dịp định công dẹp giặc Nguyên, vẫn còn có người chưa bằng lòng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã dụ rằng: “Nếu các khanh biết chắc giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ, Toàn thư, sđd, tr.64.

10, 12. Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr.123, 124.

11. Tháng Hai năm Ất Mùi (1295), sứ Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang nước ta, khi trở về vua Anh Tông cho nội viên ngoại lang là Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo cùng đi với mục tiêu thỉnh một bộ kinh Đại Tạng. Ấn bản sau được cất ở phủ Thiên Trường. Đến năm 1311, tức 3 năm sau Trúc Lâm tịch, Anh Tông ban chiếu tục san Đại Tạng kinh. Năm 1319 chính Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa đã kêu gọi tăng sĩ và cư sĩ hiến máu in một Đại Tạng kinh gồm trên 5.000 cuốn lưu tại chùa Quỳnh Lâm. Khi quân Minh xâm lược Đại Việt cùng với nhiều pho sách cổ, Đại Tạng kinh có thể đã bị thiêu hủy.

14. Toàn Việt thi lục, Hội Á châu, Paris, dẫn theo O.W.Wolters, Sự thịnh trị về văn hóa của Việt Nam TK XIV, trong Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nguyệt san Xưa & Nay - Nxb Trẻ, TP.HCM, 2001, tr.125. Tuy nhiên, đến tháng 6-1396, thời vua Trần Thuận Tông, theo đề nghị của Thiếu bảo Vương Nhữ Chu triều đình đã ban hành quy định mới về trang phục cho các quan văn võ. Theo đó, văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh đến lễ phục triều Trần.

16. John K.Fairbank - Edwin O.Reischauer - Albert M.Craig, East Asia, Tradition and Transformation, Harvard Uinversity, 1973, p.266.

21. Theo thống kê của chúng tôi, trong Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo Vương đã nêu tên 21 nhân vật. Trong đó, có 2 nhân vật huyền thoại là Bàng Mông, Hậu Nghệ; 4 nhân vật thời Xuân Thu là Do Vu - Chiêu Vương và Thân Khoái - Tề Trang công; 2 nhân vật thời Chiến Quốc: Dự Nhượng - Trí Bá (gián tiếp); 5 nhân vật thời Đường: Kính Đức - Thái Tông và Thế Sung, Cảo Khanh - Lộc Sơn; 6 nhân vật thời Nguyên: Vương Công Kiên - Nguyễn Văn Lập, Cốt Đãi Ngột Lang - Câu Ty Tư, Hốt Tất Liệt và Vân Nam Vương. Có những cặp nhân vật mang ý nghĩa giáo dục, nhưng cũng có những nhân vật là đối tượng lên án của bài hịch.

22. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông TK XIII, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970, tr.171.

23. Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Lý - Trần nhìn từ thể loại, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1996, tr.119. Có thể xem thêm các khảo cứu về tác phẩm Hịch tướng sĩ của các học giả Bùi Văn Nguyên, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Huệ Chi, Lê Trí Viễn...

24. Trong Hịch tướng sĩ Hưng Đạo Vương khẳng định: Sau khi có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, phơi xác Vân Nam Vương ở Cảo Nhai thì “chẳng những thái ấp của ta mãi mãi lưu truyền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời được hưởng; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng đựoc bách niên giai lão; chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ, mà ông cha các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm; chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà các ngươi trăm năm về sau tiếng thơm vẫn còn; chẳng những danh hiệu của ta lưu truyền mãi mãi, mà họ tên các ngươi cũng sử sách lưu thơm. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không?”, Toàn thư, sđd, tr.83.

25. Li Tana, A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), Feb. 2006, p.91.

26. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.141. Tuy nhiên, theo quan điểm của GS Trần Quốc Vượng và một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hóa thì “mốc ra đời của tuồng chèo phải sớm hơn hai đời Lý, Trần khá nhiều, và đến đời Lý, Trần thì hai bộ môn nghệ thuật đó không những đã đạt tới trình độ phát triển đáng kể mà còn trở thành một nét khá phổ biến trong đời sống tinh thần của dân tộc”. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr.428. Theo đó đặc điểm hóa trang của tuồng với lối kẻ mặt và đeo mặt nạ nhảy múa đã có từ rất sớm, từ thời Đinh khi điệu múa xuân phả có nguồn gốc từ vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa được biểu diễn ở Hoa Luw.

Nguồn: VHNT

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529481

Hôm nay

2224

Hôm qua

2304

Tuần này

21754

Tháng này

216177

Tháng qua

0

Tất cả

114529481