Người xứ Nghệ

Thạch Quỳ - Người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao

 Thạch Quỳ là nhà thơ rất nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và chóng vánh tìm ra ngay bản chất đối tượng. Anh làm thơ hoàn toàn bằng mẫn cảm thiên phú. Thơ Thạch Quỳ là thứ thơ có phần nhỉnh hơn mọi lý thuyết về thơ.

 
Có mùi mật trong hoa
Điều đó chú ong vàng cũng biết
Có hương thơm ẩn giữa sắc màu
Cái chuyện này, bướm tím biết từ lâu!
Nhưng bạn ạ! Hương trầm trong gỗ mục
Thì ong vàng, bướm tím có hay đâu...
                                                                                              
(Luận về hoa)

Khi làm thơ, Thạch Quỳ luôn tìm ra “Hương trầm trong gỗ mục”. Đấy là tài năng, và cũng là thi pháp nổi trội của anh. Bạn đọc có thể lấy điều ấy làm chìa khóa giúp tiến sâu vào địa hạt thơ ca Thạch Quỳ để khám phá và hiểu biết.

Thạch Quỳ đã cho in 7 tập thơ nhưng người không có khái niệm về hai tiếng “tập thơ”, thường lấy đơn vị bài làm thước đo bản vị cao thấp thơ mình.
*

Thơ Thạch Quỳ là một thứ thơ bản ngã nguyên chất. Nhà thơ luôn luôn tìm cách nói về mình và nhân danh mình để viết. Anh bảo “Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten - Vừa phát sóng, vừa tự mình rỉ sét”. Nhà thơ ráo riết đi tìm cái tôi bị đời đánh cắp, đánh tráo, đồng hóa giữa một cuộc sống chẳng êm ả chút nào, bao giờ cũng gập ghềnh đầy tai biến. Là người có khí phách và cá tính mạnh, Thạch Quỳ đã hứng chịu nhiều tai bay vạ gió “Từng đối mặt với bạo tàn chết chóc - Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn - Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết - Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn”(Tôi). Thạch Quỳ từng sống trong tâm trạng “Anh đã đi như người trong mộng - Anh đã bơi như người trong sóng”, và lâm vào tình huống không mấy sáng sủa “anh đã khô kiệt cùng đá sỏi - anh đã kêu kiệt cùng tiếng gọi - anh đã mơ cạn kiệt giấc mơ” (Cuối cùng vẫn một mình em). Không còn cách nào khác, trời thấp nhà thơ buộc phải đi còm “Len lỏi giữa thiên thần, yêu quái - Lẽo đẽo bóng mình dị dạng sau chân...” (Đêm vườn rừng). Một sự giằng xé nội tâm quyết liệt, ảo giác dày đặc bủa vây Thạch Quỳ “Bàng hoàng giữa một ngày - Mình sống hay chẳng sống?” (Không đề), thi nhân cảm thấy mình rất đơn chiếc “Nghìn năm rồi biển hát - Một bài ca chán nhàm - Tôi nghìn năm trước biển - Dấu chân còn lang thang” (Viết trước biển). Giữa mênh mông tuyết trắng rợn ngợp không bến bờ ở xứ người, anh thấy mình chỉ là một “chấm nhỏ giữa bốn bề hư vô” (Tuyết). Từ những chiêm nghiệm vật vã đau đớn đó, Thạch Quỳ đã nhận ra “hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm”. Và giữa đời thường, nhà thơ khác thường này cũng có lúc bế tắc “Rồi dẫm chân tại chỗ - Tôi quẩn theo bóng mình”, buông xuôi tay chán ngán “Tôi chẳng còn chính tôi - Thơ nối dài chi nữa” (Thư). Nhà thơ tự thấy mình là một người thừa giữa nhân thế:

Điều tôi nói chừng Chúa Trời chưa biết
Phật chưa nghe và Trời cứ làm thinh
Tôi nhỏ nhoi tồn tại chính mình
Nhân danh một chính mình tồn tại
                                       
(Tự khúc mùa xuân)

Đó là sự “mềm yếu” tinh thần cao cả duy nhất của Thạch Quỳ
.
Lỗi lầm chủ yếu và lớn nhất của Thạch Quỳ là có khá nhiều lỗi nhỏ. Thạch Quỳ làm chủ ý chí và thành tâm làm kẻ nô bộc cho lương tâm của anh. Người có lương tâm trong sạch giúp định hướng cho cuộc đời vào con đường ngay thẳng tươi sáng và có thể chịu đựng được những thử thách nghiệt ngã.

Khi lương tâm bảo thì phải tuân lệnh. Sống, đừng để lương tri khiển trách và chớ trốn chạy sự quở mắng của tục nhân. Trước pháp đình của nhân cách, chẳng có ai làm chứng trung thực bằng lương tâm. Nó là vị quan tòa thiếu tư cách pháp nhân nhưng lại thừa đạo hạnh. Lương tâm chính trực và tỉnh táo luôn minh chứng cho anh tất cả, tốt hơn mọi lời tụng ca hay xỏ xiên xằng bậy.

Thạch Quỳ đến với nghề văn thật gian nan. Nhà thơ đã từng kể về công việc làm thơ của anh: “Khoảng 15 năm, tôi phải sáng tác trong phòng ngủ tập thể. Lúc 11 giờ đêm họ tắt đèn đi ngủ, tôi dùng bút chì để ghi chừng, viết mò trong bóng tối. Tôi thức thâu đêm, từ đó thành thói quen. Viết văn, làm thơ trái với nghề chính nên phải vụng trộm, giấu lén và luôn bị khích bác. Nhưng lòng say mê đã thắng. Tôi luôn luôn hướng tới những cuộc cách mạng, những vụ bùng nổ trong tâm hồn con người để đến với cái đẹp” (Tự bạch). Thạch Quỳ rất dễ thơ, thấy bất cứ cái gì, điều gì, anh đều nhanh nhẹn nghĩ ra một cái gì đó khác người để viết: thuốc lá, tim, đàn tế trời, hồ Kẻ Gỗ, đền Cuông, khó ngủ, khói, tôi... Anh ưa cười. Phiếm luận của anh toàn giọng bỡn cợt chòng ghẹo buông tuồng nhưng mà đau, ánh lên chất thông minh quái quỷ.

Với thơ, Thạch Quỳ có những hình ảnh ví von thật đạt “Trung liên quây như chảo mật đang sôi”; những nhận xét tinh vi “Đỉnh sừng nhô hai hạt nếp trắng tinh” (Trâu đi), “Dưới cao vợi sao dày như nếp nổ” (Tiễn em trai đi vào, tiễn em gái đi ra). Nhà thơ như một lão nông, quan sát kỹ không bỏ sót đến cả “Bọt trứng vàng gốc lúa, bùn sâu nằm sủi tăm”; những hình ảnh về chiến tranh gây ấn tượng “Có thành phố nào như thành phố này không - Chưa thấy nhà cao chói lọi sắc hồng - Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn” (Gạch vụn thành Vinh). Thạch Quỳ dựng được những thi tứ rút ra từ trong khoảnh khắc hiếm hoi “Những con bê - bom xẻ đôi bò mẹ - Vẫn ngậm nguyên núm vú nhay hoài” (Tâm sự thần sấm sét...), và “Những hàm răng xích xe tăng - Đang nhai nghiến ruộng vườn trong lửa đỏ”. Nói về cái khốc liệt của thiên nhiên ở một vùng quê, anh tả gió Lào nóng bỏng “Cây trâm bầu gió nhổ rồi - quẳng lên cả rễ ngang trời mà quay” giữa hối hả âm thanh “Tiếng đa đa kêu vỡ đá gầy”. Anh có những câu “độc” “Chiêm bao gặp mộ mình không cỏ mọc - Riêng điều này là nỗi sợ của tôi” (Bên lề cỏ Uýtman). Thơ Thạch Quỳ có nhiều câu rắn đanh chứa chất tục ngữ “Giọt mưa gom hạt bụi hóa phù sa” (Gom nhặt trên bãi bom B.52), bên những câu dân dã đầy kỷ niệm tuổi thơ “Trẻ chăn trâu cổ quấn dây thừng - Nhảy và hát khúc đồng dao cúng quắng” (Ghi chép ở đền Khai Long). Nhà thơ hay đặt những câu hỏi oái oăm làm người đọc chau mày sau đó mới vỡ ra nhiều lẽ “Nghìn năm mưa đã từng mưa - Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?” (Lời nghìn năm). Bằng cảm quan lịch sử và văn hóa cao, Thạch Quỳ có sự nhìn nhận để thể tất nhân tình trước bi kịch nước mất nhà tan của cha con An Dương Vương - Mỵ Châu “Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi - Nước mắt ướt đầm yên ngựa - Chỉ có đất với trời và cỏ - Hiểu đường đi của giọt máu người” (Qua đền Cuông ghi chuyện cũ). Thạch Quỳ nghe từ màu sắc, nhìn từ âm thanh “Lặng im trên cát con sò - Nằm nghe sắc tím đổi mùa trên lưng” (Làng cát). Tâm hồn nghệ sĩ đó luôn lay động, tỉnh thức, thâu tóm được cả trời biển trong một ngấn sóng trên bức tường bất động “Với Lan Châu ngấn sóng ánh trên tường - Luôn luôn động theo nhịp trời, nhịp biển”. Thạch Quỳ hào hoa với Huế “Xao xác cả trưa hè trong phượng chói” (Huế), cảm được “Thuyền đêm nằm đợi bóng trăng hoang” (Thôn Vỹ), hiểu được “một trăng suông nhạt chòng chành đáy sông”, thương được “Cái chân ai bước giữa vòng nam ai” (Đêm sông Hương).

Cũng như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Tú Xương..., Thạch Quỳ luôn thấm thía cái sự nghèo của mình. Nghèo thì hèn. Giàu có quá là ăn cắp nhưng cùng khốn quá là bởi bị đánh cắp. Luân lý trọng lợi hủy hoại vẻ đẹp của tâm hồn, vô hiệu hóa nhân đức, bêu riếu lịch sử và treo một chiếc gương tối tăm cho lớp trẻ. Ai đó cùng than nghèo khó sống, giàu khó chết. Người nghèo thường sống rất tử tế. Đừng khinh nghèo, chớ cậy giàu. Người Anh bảo “Nghèo không phải là điều xấu hổ nhưng xấu hổ vì nghèo mới là nghèo”. Thạch Quỳ có hai câu thơ vẽ chân dung mình rất Nghệ: “Cái nghèo đội nón cời và nhón chân đi từng bước - Cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi” (Cái nghèo). Anh chỉ tên vạch mặt cái nghèo “Mày núp trong vừng trán mẹ răn reo - Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ - Mày luồn qua trăm ngàn mối chỉ - Để nằm trong mảnh vá áo con ta”, “Đêm ta ngủ thì mày hóa kiến - Bò nôn nao trong ruột đói của ta”. Anh thảng thốt phát hiện ra “cái nghèo có nọc - Đốt cha ông từ thuở chẳng chăn màn”, “cái nghèo xơ trên bộ cánh làm sang - Cái nghèo xác lại nằm trơ đáy đĩa” (Cái nghèo). Sách Luận ngữ dạy “Nghèo không oán mới khó, giàu không kiêu còn dễ”. Nghèo túng nhưng vẫn chơi sang “Nhà thơ nuôi họa mi - Hót xanh trời trứng sáo”, vẫn lãng mạn “Tôi chờ ai nữa? Mùa thu rộng - Gió thả bên trời lá liễu bay” (Mây trắng mùa thu), vẫn cốt cách phong lưu “Mơ một lần quẫy đạp - Ngập chìm trong sóng xanh” (Cỏ), vẫn trẻ trung phơi phới “Cỏ đừng già cỏ nhé - Dù tuổi thơ qua rồi - Đất giữ gìn cho cỏ - Cỏ giữ gìn cho tôi” (Cỏ), vẫn hây hây lồng lộng hồi sinh khi nhìn ngắm:

Con chim hót nhả hạt cây
Tiếng chim xanh ở trong tay người trồng
Qua bạch đàn đã đến thông
Thấy cây đang độ đuôi công múa xòe
Thấy cây thắp nến bốn bề
Rưng rưng nghìn búp hướng về trời cao
Mùa xuân thả nắng chiêm bao
Thả mưa bụi phấn bay vào rừng thông
Mùa xuân thả nắng mật ong
Cho cây lá nhọn đứng hong nhựa vàng

Lá thông là thực hay mơ
Nửa buông như chỉ nửa mờ như mây.

                                          (Lục bát về thông)

May thay, cái nghèo là nguồn năng lượng kích thích sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ vẫn                        cứ mộng du giữa đời thực đang chực giơ nanh vuốt “Cỏ biếc, bờ xanh, đường sá rộng - Mình tôi lạc giữa ngõ ra vào” (Mây trắng mùa thu), vẫn thủy chung với thơ “thỉnh thoảng nàng thơ ghé đến - Rồi lướt đi, không biết đã về đâu...” (Gửi em); vẫn phấp phỏng với người tình bé nhỏ:

Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước
Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy
Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc
Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về.

                                           (Đợi em ngày giáp tết)

Vẫn yêu một tình yêu “dan díu” say đắm run lên như thuở ban đầu, mặc cho “nhỡ bước chân qua”, mặc cho “Em quay lại, đã trắng mùa trên tay...” (Bước xuân), phó cho quy luật của trái tim nổi loạn:

Có một nửa đang đi tìm một nửa
Như vầng trăng ngoài cửa, phía trời xa...
Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau
Một khẽ chạm tay rung toàn thân thể
Và bởi vậy, tình yêu trần thế
Đủ để thánh thần mơ ước trên cao

                                                 (Không đề)

Đã thế, người vẫn cứ cao giọng lý sự:

Cuối ngày tôi sót lại em
Cuối em, sót lại trong đêm ánh đèn
Giấc mơ mở lối cái nhìn
Ta khép mắt, thấu thị miền không ta.

                                                    (Đêm)

Thạch Quỳ còn ráo hoảnh tự bào chữa đổ riệt cho tất cả chỉ là do “Muốn thoát khỏi tình yêu - Thoát tình yêu chẳng dễ” (Không đề) để trốn tránh trách nhiệm.

Là nhà thơ phải đãi quặng tìm vàng, Thạch Quỳ viết về cái lao tâm khổ tứ của mình khi hóa thân “Viết, viết, rồi lại viết - Vắt kiệt cả máu mình - Tình yêu đặt lên giấy - Tâm hồn thì trống trênh” (Nhà thơ). Lao động nghệ thuật của nhà thơ là thế đấy, gian nan như kẻ vượt cạn, như người đàn bà đẻ mà không có con trong bụng để rặn “Tôi gọi hồn về trong những câu thơ - Giam ngục tối con chữ - Hồn ơi, hồn hãy ở tù - Để xác tôi yên giấc ngủ”. Trong trạng thái cô độc âm thầm trọn vẹn theo nhau như cái bóng, cùng mái đầu bạc chắn ngang cuộc đời, chỉ có điều là “Thân thể không tan thành khói được” (Bài ca thuốc lá), trái tim nhạy cảm Thạch Quỳ “Đều đặn đập bảy mươi lần một phút - Xâu thời gian thành chuỗi hóa đời anh” (Trái tim). Tim nhà thơ mềm nhưng rắn, nó chẳng bao giờ lãng quên nhân thế trong ngực lớn bồi hồi của anh “Trái tim nói những điều hệ trọng - Cả những điều ta tưởng rất vu vơ” (Trái tim). Khi bóng chiều chạng vạng phủ lên tuổi tác, Thạch Quỳ tổng kết nửa phần đời của mình:

Nửa ngửng đầu ngóng tìm cái Đẹp
Nửa cúi đầu xoay tìm cái ăn
Nửa lụy yêu ma, nửa lụy thánh thần
Còn một mái tóc đốm bạc
                                                
(Nửa phần đời)

Người ta kháo nhau ở đâu đó rằng Thạch Quỳ sống ngông, thơ ngông (!?), lãnh đạo không ưa, và những người sống an phận dễ ngán? Tại sao lại không ngông được khi trần trụi giữa đời mọi giá trị đều bị đảo ngược. Một Tú Xương mới tất yếu phải được mọc ra là lẽ đương nhiên, có gì phải phàn nàn, cay cú. Chính Thạch Quỳ đã tự thú để bảo vệ mình “Có gì như có lỗi - Mà có lỗi gì đâu” (Cò). Giữa một xã hội “Người mang hình đá - Đá mang hình người” (Tảng đá hình người), anh kinh hồn nhận ra cái gì cũng lai từ con gà, hạt gạo, đến cả “Thơ phú thị truờng dần lai kinh tế - Nửa hồn ta lai nửa hồn mình”. Sống trong một thế giới rối ren bị xáo trộn “Cái mất đi hú gọi không về - Cái còn lại trơ mòn sỏi đá”, Thạch Quỳ đau cái đau của người mất sạch gia tài văn hóa. Sự nghiệp Thạch Quỳ bò như rùa, còn cái nghèo thì luôn bá vai bá cổ nhà thơ. Xưa nay “nghệ nhân nan phú” (nghệ sĩ khó mà giàu). Chìm nổi là vận hạn của tài tử. Anh hoa phát tiết thường là tai vạ mà miệng là cửa ra của họa phúc. Nhiều người thương thành phúc, lắm kẻ ghét thành họa. Không một hạnh phúc nào là không chứa tai ương, không vinh quang nào lên đến tột đỉnh mà lại không bị tai ách quật nhào. Người mạnh thăng hoa trong bất hạnh, kẻ yếu lụi tàn trong vận may. Thành thử, thơ Thạch Quỳ chứa biểu tượng không phải hai mà nhiều mặt là một tất yếu của nghệ thuật. Cái ưu thế này bỗng chốc trở thành cái thất thế của Thạch Quỳ, lỗi đâu phải ở nhà thơ mà lỗi tại người nhận thông tin có tên là Đố-Ky-Ấu-Trĩ. Bởi thế, cái án “Ngục văn tự” vẫn còn là chuyện kể dài dài đeo đẳng hành tội các kẻ sĩ chân chính tồn tại hàng nghìn năm tới nay. “Là người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao”, Thạch Quỳ chán nản quả quyết khẳng định “Cuộc đời tôi thật nhất vẫn là mơ...”. Anh nói vậy mà đâu phải vậy! Từ khởi thủy, con người hình thành cách sống, bài học vỡ lòng đầu tiên là tính lạc quan. Cái lôi cuốn nhất trong đam mê cá nhân là hy vọng. Nó vực ta dậy, nuôi dưỡng, xuýt xoa cùng ta những cay đắng mùi đời. Hy vọng thường chen lấn nằm ngay cả trong tuyệt vọng. Phẩm tiết của người có tâm hồn lớn là luôn hy vọng, đẩy lùi sự tuyệt vọng. Thật là bất hạnh và khốn khổ cho ai đó chẳng biết ngày mai mình phải làm gì. Với họ, hy vọng là giấc kê vàng của kẻ điên rồ khi thức giấc. Ở đâu có cuộc sống, ở đó có hy vọng. Chớ ảo vọng vào ai đó, đừng vọng tưởng vào một cái gì quá sức. Kỳ vọng thái quá chỉ tạo ra sự gạt gẫm mình, bắt ta phải trả giá. Trên trường đời, nếu chẳng may sa chân rơi xuống vực thẳm thì tuyệt vọng sẽ nhân đôi lên sức mạnh của chúng ta nếu biết cách chế ngự nó. Tuyệt vọng là bà đỡ của kẻ cố cùng. Và rồi, hy vọng sẽ làm cho vết thương thành da, hy vọng xua đuổi mọi sự khốn quẫn. Còn sống còn hy vọng. Có hy vọng, có tất cả. Biết nhìn thẳng vào tương lai thì sẽ không bị hối hận bởi quá khứ. Nhà thơ hãy kỳ vọng ở chính mình!
Thạch Quỳ vẫn hy vọng trong đợi chờ “Nửa phần đời chong mắt đèn xó tối - Nửa phần đời khép mắt ngóng ngày lên” (Nửa phần đời). Giằng co giữa cơm áo và thơ, thi nhân vẫn chưa mất niềm tin ở quy luật sống:

Nghìn năm biết có còn không
Hoa trên đá, phấn trên thông ghẹo người...
Tháng năm lần lữa đắp bồi
Lặng im để cỏ nói lời nghìn năm.

                                                        (Lời nghìn năm)

Thạch Quỳ rất thích ngao du với văn nhân tài tử và trong lúc chơi anh đã rút ra được phần cốt tủy trong văn nghiệp và tính cách của họ. Với tiền nhân, Thạch Quỳ mộ đạo Nguyễn Du “Cụ đi tìm chân kinh - ở thứ kinh không chữ” (Viết bên mộ Nguyễn Du). Với bạn văn cùng thời, anh ưa chất lãng tử chịu chơi ở Nguyễn Trọng Tạo “Tản mạn một thời - Một thời tản mạn - Dấu giày cát bụi - Lấm đầy thủy tinh” (Tặng Nguyễn Trọng Tạo). Anh khâm phục sự cần mẫn miệt mài viết, viết và viết ở Ông Văn Tùng “Dù ảo thuật với văn chương, kiêng kỵ - Thì nhà văn vẫn là kẻ xuyên tường” (Nhà văn và bốn bức tường). Với Nguyễn Duy anh yêu cái mộc mạc đến là dân dã ở nhà thơ này “Giả say, thơ phú ậm ừ - Thật say, ngã cái đứ đừ bờ ao” (Rượu làng vang). Với Võ Văn Trực, anh nghĩ tiếp đào sâu tới cái kiếp người với nghiệp chữ của tác giả Nghĩa địa làng nổi tiếng “Mai ta thành bụi - Biết tên là gì - Đám tro chữ nghĩa - đen trời âm ty - Mai thơ thành bụi - Biết tên là gì - Đám tro chữ nghĩa - Mang hồn đam mê” (Bụi)… Đùa cùng bạn bè, bao giờ Thách Quỳ cũng cất giọng ba lơn cười hóm dễ nghe, nhưng với người đã khuất như nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh, giọng thơ của anh lại chùng xuống ngậm ngùi thành kính trước người đồng thanh tương ứng “Bây giờ gió rối trong màu cỏ - Tôi rối tóc mình trước bạn tôi”, “Cỏ xanh tròn nấm mộ - Yên lặng bóng chiều rơi” (Nghĩa trang chiều).
Thạch Quỳ thực sự là nhà thơ thứ thiệt của làng quê. Sau Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, cùng Ngô Văn Phú với Trần Đăng Khoa. Thạch Quỳ đang góp phần hoàn chỉnh bức tranh quê ở phương diện tả trực tiếp công việc nông tang nặng nhọc cày cấy, gieo trỉa, gặt hái giữa mù mịt thiên tai hạn hán, lụt lội, bão tố hoành hành khắc nghiệt... Đây là đất quê hương Đô Lương của nhà thơ “Đào đất lên nơi nào cũng đỏ - Đập đá ra có ánh lửa ngời”; nơi đó “Hạt cát biết mọc cánh bay - Làm mưa trên mái, suốt ngày mưa khô” (Làng cát); nhưng chốn ấy có những nàng thôn nữ xinh đẹp duyên dáng, đảm đang nổi danh gái Phường Lường “xắn quần ngang gối giục trâu cày” giỏi lội bùn cấy lúa và cả “Ghẹo khách qua đường mượn câu hát dặm - Che nón cười gương mặt đỏ như say”; nơi đó có những sản vật quý “Vải mật Thanh Lưu chín mọng đầu cành”, có những địa danh Khả Lưu thời Lê Lợi dàn quân huyết chiến cùng giặc Trương Phụ, có danh thắng “Vực Cóc đây thăm thẳm một hang trời - Bè nứa chui vào ngỡ đi về xứ khác - Nhớ lúa Ba Ra mỉm miệng cười - Trắng xóa muôn nghìn thác bạc” (Đất Đô Lương). Là thầy giáo dạy toán học, Thạch Quỳ tả tiếng chim tuyệt đối chính xác, anh lắng nghe bằng cả tâm hồn: “Tiếng dú dị trầm đều như đất thở”, “Tiếng gà gáy cong như vòi hái”, “Tiếng vàng anh tròn như đồng tiền - Gieo tít tận trời cao gieo xuống”, khi lại là “Tiếng vàng anh vàng lựng trái xoan...”,Con cú rúc sôi tròn như thắng mật”, “Nghe cu đất hót tròn vo hạt đỗ”, “Chiền chiện hót thơm lừng mao lúa”, “Chèo bẻo hót xanh trời trên ngọn mít”..., khi quan sát anh huy động tất cả các giác quan “Tiếng chim chiền chiện không tan vào im lặng”, “Tiếng chim len trong lá hé mắt nhìn...”,Con mách khách nhảy cành cam qua cành khế”, “Tiếng con chim kẹt võng nhớ lời bà”, “Con chim hét kêu đêm mẹ ra đóng cửa - Con quạ kêu ngày bà lo đàn gà toi - Tiếng chào mào ríu rít những trưa vui”. “Lúa chín sẫm trên lưng con cu vày hót xù lông cổ - Nắng lên rồi, tu hú gọi bâng khuâng”, “Buổi cày trưa bìm bịp gọi trong lùm”, “Tiếng khướu đất hót từ cái mỏ khum khum”,”Con sáo hót làm đầu ta ngoái lại”, “Bọn giết người không thể hiểu tiếng chim đâu - Ta lấy tiếng chim làm mật lệnh”... Những lúc ấy, ta thấy Thạch Quỳ có miệng ngậm và tai mở. Nghe tiếng hàng trăm loài chim hót chộn rộn mà phân biệt được rạch ròi tinh tế đến vậy để rồi hạ được một nhận xét có tầm khái quát cao “Giữa cuộc đời lẫn lộn cả buồn vui - Tiếng chim cũng tiếng lành tiếng dữ” (Tiếng chim). Phải là người gắn bó sống nhiều ở làng quê, say mê máu thịt, để tâm quan sát kỹ Thạch Quỳ mới viết có chiều sâu và thi vị đến thế. Cái biết quyết định cái thấy, cái hay của Thạch Quỳ thuộc về vốn sống, kinh nghiệm, tài năng, tấm lòng nhân hậu của anh. Trực giác thi ca của Thạch Quỳ thường nảy nở bên trong tiềm thức.

Tiếng chim rót làm mầm cây mở uống
Sắc màu xanh, tiếng hót cũng xanh
Tiếng chim treo trên quả chín rung cành
Che suốt đường em đi cùng anh...

                                                  (Tiếng chim)

Nhà thơ làm thơ gieo bằng các con chữ chung. Người thưởng lãm thơ phải lấy cái thâm tình nồng hậu của riêng mình tự tâm đắc để thấu triệt cái lẽ ở chỗ tác giả nói thầm, lúc ấy ta mới mong mở được cánh cửa để nhìn vào một thế giới mới bên trong - cái mà Lục Giả thời xưa tâm niệm “Ẩn chi tắc đạo, bố chi tắc vi thi” (Ẩn bên trong là đạo, bày ra bên ngoài là thơ). Thơ hình thành từ những trận bão lòng. Các bài thơ hay dường như ra đời một cách ngẫu nhiên, bất ngờ như tình yêu bỗng dưng xuất hiện, nhắm tới một đối tượng xác định và một mục đích nhất định.

Không phải ai tu cũng đắc đạo cả. Thi sĩ là con ong. Phải biết chọn hoa để làm mật, không cẩn trọng dễ thành ra mật đắng. Thạch Quỳ đã nhập cõi bằng tâm đức và số phận của mình. Thành thử đọc thơ không dễ. Thiếu một cặp mắt tinh khi đọc sẽ vùi dập nỗi khổ tâm của người viết. Tìm ra chỗ khúc mắc mới tỏ được nỗi tâm huyết của nhà thơ. Ngôn ngữ là cái bóng của hành động, việc làm, nó lột tính cách thi nhân. Giữa giấy trắng mực đen, chữ nghĩa quyết định sự sống còn của tác giả. Rõ ràng là thực tiễn của thi ca Thạch Quỳ đã ứng với điều chăm bẵm của nhà thơ “Bản chất cái đẹp có các phẩm chất của nó. Một cách hồn nhiên nhất, như không hiểu biết, nghệ sĩ luôn sáng tạo để phát triển cái đã có, đã nhận thức. Nghệ sĩ phải cao hơn những lời tán tụng, sự hâm mộ và cả sự tán thưởng của công chúng” (Tự bạch).
*

Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long cho rằng “Người làm thơ có thể giàu có ở vạn bài nhưng có khi lại nghèo ở một chữ”. Thơ Thạch Quỳ có những điểm yếu nhất định về cấu tứ, thi pháp, ngôn ngữ. Chúng ta có thể dễ dàng nhặt ra được những hạt sạn nhỏ ngay cả trong bài thơ hay như Tiếng chim: - Từ đồng nghĩa khác âm còn thiếu nên hay lặp: “Chỉ biết tiếng bom gầm không át được - Tiếng chim nằm trong trái tim người đi.”
Chữ “trái tim” đã dùng hai lần ở trên, nên thay vào đây bằng từ tương đương “lồng ngực” hợp lý hơn.

- Thừa chữ: “Anh bạn Lào nhớ con chim trên váy xanh thêu chỉ của Bunmi”. Câu thơ này hơi bị “Lào” hóa và thừa hai chữ “chỉ” và “của”, đã thêu dĩ nhiên phải bằng chỉ, trong văn cảnh không phải của Bunmi thì của ai vào đây. Thử chữa lại: “Anh bạn Lào nhớ con chim thêu trên váy xanh Bunmi”, có Việt hơn không?

Sắn đã gieo xong, đỗ đã tỉa”. Hạt mới gieo, sắn trồng bằng hom (thân cây) thì gieo thế nào được. Tỉa là cắt bớt cành. Tiếng Nghệ nói gieo là trỉa. Câu thơ nên chỉnh lại “Sắn đã trồng xong, đỗ đã trỉa”.

Tiếng chim rót và mầm cây mở uống”. Giữa chữ “” và chữ “làm” tiếng nào đạt hiệu quả nghệ thuật hơn? Chữ “” ngăn giữa phân đôi hai phạm trù độc lập, còn chữ “làm” biến nó thành cặp phạm trù hô ứng.

Tài nghệ của văn nhân theo tôi nghĩ là phải biết xóa bỏ không thương tiếc những cái cần xóa bỏ. Chỉ có như vậy, anh ta mới tiến lên được. Thơ là cái đẹp tối thượng của muôn loài. Là người trinh sát của thượng đế, Thạch Quỳ làm thơ là để đào thoát ra khỏi sự cô độc nhằm giải giới những ẩn ức của hồn mình. Thơ Thạch Quỳ có chỗ như trăng ngâm đáy nước, có chỗ như hoa chiếu trong gương, không dễ gì mà giải được. Anh cũng có những bài khó hiểu. Đọc Đêm miền rừng, xem tới xem lui, đến cả tôi cũng không hiểu được tác giả muốn nói gì (!?). Chúng tôi viết thư hỏi Thạch Quỳ. Anh giải thích: “Tôi học ông Nguyễn Du, nhưng học cái gì ? Học cái triết lý gốc. Ở chỗ, tôi quan niệm Truyện kiều là cái phòng thí nghiệm. Thí nghiệm gì? Đổ cái chất ấy vào ống nghiệm thì nó ra cái chất gì sau các phản ứng? Ông Nguyễn Du đã đổ cái chất vào ống nghiệm?
ng nghiệm đó là gì? Xin thưa: Cái chất ông Nguyễn Du đổ vào ống nghiệm đó là tinh hoa của trời đất, của tạo hóa, là đặc trưng kết lại thành cô Kiều. Cô Kiều đi qua ống nghiệm trở thành kẻ sống dở chết dở không hóa ma cũng chẳng còn cái hồn người. Tóm lại, thành cái dị dạng. Ông Nguyễn Du có khát vọng lớn là mong sao cho loài người có một cơ cấu xã hội cho hợp lẽ tự nhiên, đừng giết tinh hoa kết lại trong hai tiếng Con Người. Ông đã trố mắt khi thấy cô Kiều dị dạng tâm hồn, ông thét lên một khát vọng lớn ở tầm nhân văn, nhân bản, nhân đạo vô biên trong cái tập thơ như chỉ có mỹ cảm êm đềm “Mua vui cũng được một vài trống canh” mà ta thường gọi nôm na đơn giản là cái Truyện Kiều ấy. Bài Đêm miền rừng hoàn toàn là như thế. Nó nén cái triết lý Truyện Kiều lại trong từng ấy chữ theo nhận thức của tôi. Tôi viết nó bằng những động tác vũ điệu ma quái. Mong nó không dẫn dắt bạn đọc đi lạc vào khu rừng rậm đó”.
Nghe xong, đọc lại bài thơ, tôi lại càng tắc tị hơn, gọi dây nói cho tác giả:
- “Ông nói gì tôi chẳng hiểu mô tê chi cả”. Ở đầu dây ngoài Vinh, Thạch Quỳ hét toáng lên: “Vậy là hiểu quá rồi. Bác đã ngộ ra!”. Thế đấy, bạn đọc ai hiểu Đêm miền rừng, làm ơn làm phước xin giải mã giùm tôi.
*

Thơ Thạch Quỳ trầm bổng nhiều cung bậc như một cây đàn muôn điệu, luôn nhất quán ở tâm hồn, không nhất quán ở giọng điệu. Nghe Tiếng chim mà làm được sáu đoản khúc tài tình như vậy sức viết quả là sung túc và trường vốn. Nhìn đống gạch vụn đổ nát do chiến tranh hủy diệt ở thành Vinh nghĩ được xa gần là rất sâu.Từ Cái đường thẳng nằm t rong hình học của Ơclit nhảy sang Lôbasépxky khô không khốc đến cái chết của Galilê mà rút ra được bài học triết lý bổ ích cho cuộc đời, bộc trực được tâm tính con người như vậy là khá kỳ thú và tươi mát. Tình yêu mà lại tang tảng như Thơ viết ở Đàn Giao là rất nhộn. Những đề tài mòn nhẵn về làng cát, cỏ, cây thông, An Dương Vương - Mỵ Châu... mà nghĩ được riêng và đẩy được tới chốn vĩnh cửu như rứa là rất giỏi thơ... Phải chăng đấy là bằng chứng của sự đa dạng ở một phong cách đã định hình? Bạn đọc nên đọc toàn bộ thi phẩm Thạch Quỳ với 300 bài chứ không phải là hơn chục bài chúng tôi trích theo đây thì mới có thể kiểm chứng được nhận định này.

(Rút từ bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)
THÁI DOÃN HIỂU

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521388

Hôm nay

2162

Hôm qua

2303

Tuần này

2162

Tháng này

219327

Tháng qua

121009

Tất cả

114521388