Văn hoá học đường

Tôi đã được học cho mình

Chuyện Bộ Giáo dục bỏ phân loại bằng tốt nghiệp đại học khá giỏi, bỏ ghi hình thức đào tạo chính quy hay tại chức đã làm cho mọi người lo ngại có thể cào bằng chất lượng, đánh đồng giỏi dốt như nhau. Chuyện này làm tôi nhớ lại thời đi học đại học của mình. Và ở đây, xin được góp câu chuyện đi học đại học của tôi để mọi người đối chiếu, bàn luận.

Thời còn học Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi không bao giờ quan tâm đến chuyện thầy cô chấm cho mình được điểm cao hay không. Mà cái tôi quan tâm nhất, là chuyện tôi có hiểu thấu được vấn đề thầy cô đã truyền đạt cho tôi hay không.

Đó là yêu cầu tôi tự đặt ra cho mình. Còn chuyện điểm thi, tôi chả bận tâm, dĩ nhiên cũng luôn chú ý mình rằng phải đủ 5 điểm để khỏi bị trượt là được.

Tôi làm bài thi, thì luôn xác định rõ rằng bài làm chỉ cần phải đảm bảo được 5 điểm theo yêu cầu của giáo trình đã dạy. Còn ngoài ra, 5 điểm còn lại, tôi tự cho mình được quyền tự do sáng tạo phát triển những ý tưởng của mình. Phần điểm này thì thầy cô chấm tôi được bao nhiêu điểm thì chấm, vì đó là phần tự do nên tôi cũng không đặt nặng vấn đề phải được bao nhiêu điểm, mà cái quan trọng là tôi được thử sức sáng tạo của mình. Nó có thể được thầy cô chấp nhận, mà cũng có thể là không được, tùy theo quan điểm của họ. Nhưng tôi nghĩ  không sao, vì dù sao tôi cũng đã có 5 điểm chống trượt rồi. 

Thực tình mà nói, đúng là tôi không biết thì phải đi học, thế nhưng tôi lại học với con mắt hoài nghi, chất vấn với những gì được học. Với mỗi lời giảng trong giáo trình hay của thầy cô trên lớp, tôi luôn đánh 1 dấu hỏi vào đấy là: liệu điều đó có đúng không? Nếu thật là đúng, thì nó đúng như thế nào? 

Và khi đối diện với bất cứ lời thuyết giảng của bất kỳ ai cũng thế, dù người đó có vị thế lớn đến đâu thì tôi cũng chưa tiếp thu ngay, mà dừng lại trải nghiệm xem sự đúng đắn của nó đến đâu đã!

Nếu nhận thấy đúng hoàn toàn thì tôi mới tiếp thu. Còn nếu thấy còn có góc độ nào chưa đúng, thì tôi mạnh dạn chỉnh sửa lại, dù tôi biết có thể các thầy cô sẽ không đồng tình ý kiến của tôi và sẽ gạt đi. Nhưng tôi nghĩ cái quan trọng là trí óc mình nó được hoạt động sáng tạo, thế là ổn. 

Và tất nhiên, tôi học theo cách không đúng ý của các thầy cô và giáo trình như thế thì không thể có chuyện được điểm cao, bằng giỏi được. Điểm của tôi chỉ ở mức trung bình khá, và bằng của tôi cũng vậy. Nhưng bù lại, tôi được lật lại vấn đề, kiểm nghiệm nó, và tự do sáng tạo theo ý tưởng của mình.

Bởi tôi quan niệm, mình đi học không phải là để làm 1 con rô bốt trí tuệ nhân tạo, hay làm 1 cái máy photocopy thông minh, thầy cô đưa kiến thức vào bộ não mình thế nào thì mình cho kiến thức ra y như thế. 

Tôi nghĩ, nếu mà phải học như vậy, thì thà để cho con rô bốt và cái máy photocopy làm còn tốt hơn con người như tôi. Bởi với những cỗ máy ấy, thì sự sao chép lại kiến thức là sao y bản chính, không bị "tam sao thất bản" như qua bộ não con người của tôi.

Nhưng tôi vẫn luôn ý thức rằng mình là một con người chứ đâu phải cái máy. Con người thì phải có đặc trưng của con người, là khả năng sáng tạo của trí óc. Cho nên mình học không thể "học giỏi" theo kiểu cái máy photocopy được. Thà "học dốt" theo kiểu con người, thì dù sao tôi vẫn còn là con người được sáng tạo, dù những sáng tạo của tôi nó có thể không có mấy giá trị.

Tôi nghĩ kiến thức qua bộ não con người của tôi, thì nó phải được nhân lên, hoặc ít nhất, là điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hơn, bởi vốn dĩ thực tế luôn thay đổi thì kiến thức có những cái cũng phải thay đổi. 

Và tôi quan niệm kiến thức thực ra không phải là thứ sẵn có trên trời rơi xuống người ta chỉ việc đi nhặt (đi học) nó, mà kiến thức nó là sự trải nghiệm thực tế của con người với thế giới xung quanh, từ đó mà người ta rút ra những kinh nghiệm, đúc kết nó lại thành kiến thức. Thử hỏi, xã hội loài người nếu ai cũng chỉ chăm chăm đi học kiến thức từ người khác, thì cả nhân loại lấy đâu ra kiến thức có sẵn để mà học? Cho nên tôi nghĩ, tại sao tôi lại không thể tự trải nghiệm thực tế, đúc kết lại thành kiến thức cho mình chứ nhỉ?

Và sở dĩ tôi học như vậy, là bởi vì tôi xác định mình học là để đi làm sau này, chứ không phải học để đi thi cho đạt điểm cao, để có cái bằng giỏi. Với tôi, tôi không cần bằng giỏi, vì thực ra bằng giỏi cũng chỉ là đánh giá chủ quan của người này với người khác, do đó nó có thể giao động tùy theo cái gu đánh giá của từng người đánh giá đó. Cho nên, bằng cấp với tôi chỉ là để có theo yêu cầu của cơ chế là được, còn cái tôi cần nhất là khả năng làm việc của mình đến đâu, có làm được những việc khó sau này phát sinh ngoài sách vở đào tạo đã đề cập hay không?

Tôi xác định công việc sau này thiên biến vạn hóa phức tạp hơn nhiều những cái đã được đề cập đến trong sách vở, cho nên tôi phải học theo cách chủ động phát triển khả năng giải quyết được các vấn đề mới, chứ không thể học theo kiểu cái máy photocopy một cách bị động được.

Cũng may mắn cho tôi, các thầy cô Trường Đại học Luật Hà Nội mà tôi được học là những nhà sư phạm tuyệt vời, họ hiểu tôi và tôn trọng những ý tưởng của tôi. 

Và bây giờ sau khi đã tốt nghiệp ra trường rồi, mặc dù không được các thầy cô chấm cho điểm cao, bằng giỏi, nhưng tôi vẫn vô cùng biết ơn họ và cũng không hề cảm thấy nuối tiếc về cách học của mình. Tôi đã được tự do phát triển tối đa những khả năng con người của mình, đó mới là điều quan trọng nhất, làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc nhất với thời sinh viên của mình. Tôi đã được học cho mình, chứ không phải học cho người khác, đó thực sự là một niềm hạnh phúc nơi chốn học đường với tôi.

 

                     

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444947

Hôm nay

2286

Hôm qua

2270

Tuần này

2556

Tháng này

220121

Tháng qua

112676

Tất cả

114444947