Khách mời văn hóa

Phải tôn trọng sự thật lịch sử để ứng xử với các di sản văn hoá

 Cuộc sống ngày càng hối hả hơn, thời  gian ngày càng chạy nhanh hơn, thế giới ngày càng phẳng hơn. Đời sống xã hội muôn mặt ngày càng đa diện, phong phú,  và có phần phức tạp hơn. Thế mạnh đang dần thuộc về những người nắm giữ thông tin. Có thông tin sẽ có nhận thức và xử lý tối ưu các tình huống của cuộc sống ngày càng bận bịu hơn của mọi người. Với mong muốn làm bạn với mọi người, VHNA xin ra mắt chuyên đề mới: Khách mời tạp chí. Tại đây, VHNA sẽ đối thoại với những người quan tâm, có am hiểu nhiều hoặc liên quan nhiều đến các vấn đề, sự kiện, các nhân vật thuộc các lĩnh vực văn hóa,  thông tin, thể thao và du lịch, không chỉ ở trong tỉnh mà ở phạm vi cả nước.  
VHNA mong nhận được sự quan tâm, cổ vũ của các vị khách quý, của đông đảo bạn đọc để Khách Mời Tạp Chí ngày càng đông hơn, để các cuộc đối thoại của chúng ta ngày càng có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, đặng đem lại cho bạn đọc nhiều thông tin, nhiều cách tiếp cận, và để có một cáI nhìn chân thực, khách quan nhất về cuộc sống.
Vị khách đầu tiên của chúng tôi là ông Cao Đăng Vĩnh- Giám đốc sở VHTT&DL Nghệ An, và câu chuyện của chúng tôi trao đổi kỳ này là hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh ta. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Phóng viên: Trong nhiều  năm qua, trên phạm vi tỉnh Nghệ An, cũng như khắp cả nước, nhà nước, các cấp chính quyền và nhân dân  rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Nhờ đó, nhiều di sản van hóa, vật thể và phi vật thể, đã được bảo vệ, bảo tồn. Một số di sản nhờ đó mà được phục hồi, thậm chí có thể nói là được hồi sinh. Ông có nhận xét gì về hoạt động này ở Nghệ An trong thời gian vừa qua?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Tôi đồng ý với ý kiến của anh. Tuy nhiên cũng cần nói rõ thêm là, từ thực tiễn ở Nghệ An cho thấy, chúng ta đã làm được rất nhiều cho sự tồn tại của kho tàng di sản văn hóa. Điều này không chỉ có giá trị, có ý nghĩa với bản thân các di sản mà nó tác động sâu sắc nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội, thậm chí là cả đời sống chính trị của địa phương. Hoạt động bảo tồn di sản, tự bản thân nó đã có nhiều mối liên hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai, với nhiều thành phần xã hội, nhiều chủ thể, nhiều thực thể văn hóa. Mặt khác, để làm được công việc này, yêu cầu phải liên quan đến nhiều bộ môn khoa học, nhiều ngành nghề, phụ thuộc vào nhiều yếu tố và chịu sự điều chỉnh của nhiều chế tài, từ nghiên cứu khoa học cho đến đất đai, tài chính…Bởi vậy mà công việc này ngổn ngang rất nhiều cái khó, không chỉ khó về khoa học, về chuyên môn thuần túy mà khó cả chuyện tiền bạc, công sá, đền bù, giải tỏa đất đai…Anh có thể hình dung xem, để phục chế được một cái tam quan thôi cũng đã phải đầy đủ thủ tục đất đai, rồi nguồn kinh phí, rồi nghiên cứu xem diện mạo hồi xưa nó như thế nào, cao thấp ra làm sao, có khắc chữ gì không, xây bằng gì, rồi bây giờ mình phải cố gắng làm lại cho thật đúng với nguyên bản, mà nhiều khi cái nguyên bản ấy không còn nữa. Khó là thế. Nhưng chưa đủ. Còn phải qua rất nhiều thủ tục hành chính và chuyên môn khác  nữa mới làm được!
 
Phóng viên: Vậy có phải những cái khó đó nên dẫn đến những yếu kém, sai phạm trong công tác bảo tồn, tôn tạo vừa qua?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Điều đó là có thật. Tất nhiên không phải là tất cả, chỉ là một phần thôi. Nếu đó là lý do khách quan thì còn có những lý do chủ quan dẫn đến những yếu kém, sai lầm, sai phạm trong hoạt động bảo tồn tôn tạo di tích. Mà lý do chủ quan là rất quan trọng, nó không chỉ dẫn đến sai sót, sai phạm mà còn bộc lộ phẩm chất, năng lực của những con người, những tập thể làm công việc này. Hãy nhìn từ dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đền Cuông thì rõ. Tiền không thiếu, đất đai giải tỏa, đền bù không có gì vướng mắc, thế nhưng hậu quả thì nặng nề. Rõ ràng ở đây đã bộc lộ những vấn đề về phẩm chất và năng lực của đội ngũ những người làm công tác này.
 
Phóng viên: Ông có ý kiến gì không khi có người cho rằng lâu nay chúng ta chỉ mới chú trọng đến các di tích, những cái mà mọi người trông thấy dược, còn di sản văn hóa phi vật thể thì ít được chú ý hơn?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Tôi không đồng tình với ý kiến đó. Nói vậy nghe có vẻ hơi thiếu thiện chí với những người trực tiếp hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, kể cả là tham mưu cho tỉnh quản lý theo luật về lĩnh vực này.
Điều này, tuy nhiên, theo tôi cũng là dễ hiểu, một khi ai đó chưa quan tâm để tìm hiểu nhiều về hoạt động của ngành chúng tôi. Nếu quan tâm và tìm hiểu nhiều, tôi tin chắc là sẽ không có ý kiến đó. Đối với chúng tôi, di sản văn hóa nào, vật thể hay phi vật thể, hữu thể hay vô thể, cũng là hiện thân của lịch sử, là sản phẩm chưng cất từ mồ hôi, máu và nước mắt của ông cha. Trong nhiều năm liền, chúng tôi, và những người tiền nhiệm của chúng tôi, đã rất cố gắng để nghiên cứu, bảo tồn, làm sống lại và hiển hiện, thăng hoa trong cuộc sống đương đại của cộng đồng. Chắc các anh thấy, nếu khoảng 15 năm trở về trước, không thể có các lễ hội đông vui và giàu ý nghĩa văn hóa và nhân văn như những năm gần đây. Rồi hàng loạt cá giá trị văn hóa dân gia khác, từ hò vè, ví dặm, chuyện kể, tuồng, chèo cổ đã được sưu tầm, nghiên cứu, văn bản hóa và xuất bản. Rồi phong trào đưa dân ca vào trường học, tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng đã có kết quả khá khả quan… Tôi xin khẳng định ý kiến trên là chưa có cơ sở đảm bảo.
 
Phóng viên: Là người chịu trách nhiệm chính về các công việc của ngành, trong đó có lĩnh vực di sản, ông có tự định cho mình một nguyên tắc làm việc?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Thực ra là có nhưng những nguyên tắc này không phải là do mình định ra mà là do chế tài luật pháp, do những nguyên lý, nguyên tắc khoa học định ra.
 
Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Đó là, thứ nhất, phải theo luật, dựa vào luật để làm việc. Cụ thể nhất ở đây là luật di sản văn hóa. Thứ hai, phải tôn trọng sự thật lịch sử để ứng xử với các di sản và với các công việc, với các mối liên hệ liên quan trong hoạt động ở lĩnh vực này.
Nếu dựa vào đó mà làm việc, theo kinh nghiệm của bản thân cho thấy, sẽ dễ dàng hơn trong giải quyết công việc.
 
Phóng viên: Ông có hay gặp những trường hợp rắc rối hay “tế nhị” trong khi làm công tác này?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Tôi đã có gặp và cũng được nghe nói lại khá nhiều trường hợp cần phải tỉnh táo, phải dựa vào các nguyên tắc như tôi vừa nói để giải quyết.
 
Phóng viên: Ông có thể đưa ra ví dụ?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Ví dụ thì nhiều. Tôi chỉ nói một ý thôi. Khoảng nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ở Nghệ Tĩnh có phong trào hợp tự. Một số đền, chùa, đình.. bị dỡ bỏ để làm các công trình phục vụ cho công cuộc hợp tác hóa, một số bị phá hủy. Một số đồ tế khí còn lại dồn về một đền chùa nào đó còn lại. Nay chúng ta chủ trương bảo tồn di sản, trong đó các di tích, thế là nảy sinh vấn đề và phải giải quyết. Nhiều lúc rất khó khăn vì nó liên quan đến quan điểm và ý chí của những người khác  nhau. Có nơi lập hồ sơ, có bằng rồi nhưng chưa trao được vì ở các địa phương kiện cáo nhau. Thậm chí có nơi trao bằng rồi lại phải thu hồi vì chưa thống nhất được với nhau về nội dung lịch sử các di tích. Trao bằng còn khó thế huống hồ là đầu tư để bảo tồn, tôn tạo.
 
Phóng viên: Quả thực là khó khăn phức tạp. Vậy các ông đã làm như thế nào để cho công việc được trôi chảy?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Phải theo các nguyên tắc, phải tuyên truyền và vận động cộng đồng. Và phải nhớ một điều rằng, không chỉ có ý chí là đủ mà phải có tiềm lực. Tiềm lực tri thức khoa học, tiềm lực kinh tế.
 
Phóng  viên: Hiện nay, riêng trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch là dự án lớn nhất từ trước dến nay trên địa bàn. Công việc triển khai được cũng đã khá nhiều. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến đánh giá khác nhau…
Ông Cao Đăng Vĩnh: Tôi xin nói là hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có khá nhiều di tích và điểm di tích về chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các di tích gắn liền với tuổi thơ của Người, chủ yếu ở Kim Liên và một điểm ở Thanh Chương. Còn lại là các di tích về hai lần Người về thăm quê. Hiện nay chúng ta đã lập hồ sơ xếp hạng được khoảng 10 di tích. Còn lại đã lập bia dẫn tích, có  một số đang làm hồ sơ để trình xếp hạng. Trong nhiều năm qua, nhìn chung, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương và ngành văn hóa rất quan tâm đến việc bảo vệ, bảo tồn các di tích này; nhiều dự án quan trọng đã và đang được thực hiện để không chỉ bảo tồn mà cái chính là phát huy giá trị tư tưởng, lịch sử của các di tích vào đời sống đương đại…và có tác dụng thiết thực.
 
Phóng viên: Nhưng xin ông trở lại với các ý kiến đánh giá về Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch…
Ông Cao Đăng Vĩnh: Đây là một dự án lớn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp bảo tồn di sản Hồ Chí Minh. Hơn nữa, còn gắn với phát triển kinh tế, gắn với du lịch. Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng và đã triển khai thực hiện được hơn 5 năm, một số dự án thành phần, chủ yếu là cơ sở hạ tầng, đã được hoàn thành, hiện đang thực hiện các dự án thành phần về tôn tạo các di tích. Theo tôi, dự án đã được xây dựng công phu, trong quá trình triển khai thực hiện vừa qua không có sai sót, sai phạm về mặt thủ tục…
 
Phóng viên: Vậy về phương diện chuyên môn?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, dù là đối với di tích nào thì cũng phải quan tâm hàng đầu đến các di tích. Đó mới là di sản, là cái gốc của mọi vấn đề.
Tôi có biết rằng có một số người cho rằng dự án Kim Liên đang thực hiện đang có xu hướng hiện đại hóa, đô thị hóa khu di tích. Nếu không cân nhắc cẩn thận sẽ dẫn di tích đi quá xa so với lịch sử vốn có của nó. Tôi thấy các ý kiến này có phần có cơ sở và chúng ta cần lắng nghe. Ví dụ, đường rộng quá, lại làm đường theo kiểu đô thị; Trồng cây thì chưa chọn loại cây trồng thích
hợp… Và đáng chú ý nhất là ý kiến cho rằng dự án chưa chú ý nhiều đến việc bảo tồn và tôn tạo các di tích gốc, đến các làng cổ  Kim  Liên và Hoàng Trù…
 
Phóng viên: Phải chăng tất cả những điều này đề xuất phát từ một quan niệm,  một ý tưởng?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Đương nhiên là vậy. ý tưởng gắn bảo tồn, tôn tạo di tích với phát triển du lịch là đúng đắn và cần thiết. Phát huy tác dụng của các di tích vào phát triển du lịch, biến di sản văn hoá thành tài nguyên, thành tiềm lực, thành động lực phát triển kinh tế là chính xác. Vấn đề chỉ là cách làm. Không nên và không thể làm bằng mọi giá. Mục tiêu số một vẫn là bảo vệ di sản văn hoá. Muốn khai thác, hay phát huy các di tích vào mục đích du lịch, theo tôi cần phải có những điều kiện nhất định, không gian/môi trường văn hoá phải đồng thời đáp ứng được yêu cầu là một không gian/môi trường  du lịch, rồi nhân viên của di tích phải có kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch chẳng hạn…
 
Phóng viên: Hiện nay ngành văn hoá - Thể thao – Du lịch đã được thành lập. Chắc chắn đó là một thuận lợi để các lĩnh vực này tác động tương hổ lẫn nhau và cùng phát triển. Trên địa bàn Nghệ An, ông thấy khả năng này như thế nào?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Nghệ An không nằm ngoài thuận lợi chung đó. Tuy nhiên để biến các yếu tố thuận lợi trở thành cơ hội cho hiện thực không hoàn toàn đơn giản. Rõ ràng là đa lĩnh vực có thể thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Thế nhưng, nếu bắt đầu từ thời điểm này, chúng ta phải tính đến rất nhiều yếu tố như là những điều kiện tiên quyết. Nguồn nhân lực chẳng hạn. Đơn giản là lúc nào thì tất cả các nhân viên di tích thành thạo ngoại ngữ, và các hướng dẫn viên du lịch am hiểu nhiều về văn hoá?
Nhưng cái quan trọng nhất là phải chăng  chúng ta cần hướng đến một quan niệm, nếu không nói là triết lý khai thác các giá trị văn hoá cho phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung, phù hợp với đặc điểm lịch sử, kinh tế, văn hoá, tâm lý và tính cách người Nghệ. Cần phải xây dựng được văn hoá du lịch mới hy vọng khai thác, hay phát huy, các di sản văn hoá vào phát triển du lịch có hiệu quả cao. Mà điều này, theo tôi cần phải có thời gian.
 
Phóng viên: Sắp tới kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, như thường lệ từ mấy năm nay, chúng ta lại tổ chức lễ hội Làng Sen. Bên cạnh những thành công, lễ hôI này vẫn có các ý kiến khác nhau về việc tổ chức. Ông có thẻ cho biết ý kiến của mình?
Ông Cao Đăng Vĩnh: Cũng như một số lễ hội khác mới hình thành ở tỉnh ta trong những năm gần đây, tôI thấy lễ hội làng Sen đã quy tụ được sự quan tâm và tham gia khá đông đảo các tầng lớp nhân dân, đáp ứng dược ở một mức độ nào đó nhu cầu tình cảm và tâm linh của nhân dân với Bác Hồ, và qua đó có hiệu quả thiết thực về phương diện xã hội, và văn hoá. Tất nhiên, bên cạnh mặt được, vẫn còn những vấn đề, những khía cạnh chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh để cho ngày càng hoàn thiện hơn. Ví như xác định thời gian, không gian, nền tảng tâm linh diễn trình của hội chẳng hạn…Cần phải công phu, có thời gian và sự tham gia của nhiều người mới có thể hy vọng sớm có một lễ hội như ý muốn. Trước mắt cần hướng tới năm 2010, năm kỷ niệm 120 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh để chúng ta không chỉ hoàn thành dự án tôn tạo khu di tích mà còn có một lễ hội khả dĩ xứng đáng với công ơn, tầm vóc của Người và đáp ứng được nhu cầu thể hiện tình cảm của đồng bào xứ Nghệ và cả nước, của bạn bè quốc tế đối với Người.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi cởi mở này.
                                                                    
 
 
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441717

Hôm nay

2117

Hôm qua

2317

Tuần này

21621

Tháng này

216891

Tháng qua

112676

Tất cả

114441717