Văn hóa và đời sống
90 năm - Sự phát triển nhận thức của Đảng về văn hóa
Ảnh: An Thư
Thành quả lớn nhất sau 90 năm ra đời là Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì và luôn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng từng bước trưởng thành, trong đó phải kể đến sự phát triển tư duy lý luận về văn hóa.
Thắng lợi của cách mạng và các cuộc kháng chiến chống xâm lược, có sự khai sáng về văn hóa
90 năm trước khi vừa ra đời, trong các văn kiện tại Hội nghị thành lập Đảng, Đảng ta đã bàn đến phổ thông giáo dục theo công nông hóa, thực hành giáo dục toàn dân. Từ đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, những vấn đề văn hóa được Đảng đặc biệt quan tâm. Ngay trong “đêm trước” của cuộc vận động vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân, Trung ương Đảng đã có Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Cách đặt vấn đề của Đề cương tuy ngắn gọn, nhưng khá rõ ràng, sâu sắc, toàn diện và có một tầm nhìn xa về văn hóa. Văn hóa được hiểu bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Đề cương bàn đến mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; cùng với kinh tế, chính trị, văn hóa là một mặt trận. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà Đảng còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được văn hóa, Đảng mới có ảnh hưởng trong dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Bàn về cách mạng văn hóa Việt Nam, Đề cương nói rõ cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị, tức là cách mạng văn hóa chỉ có thể hoàn thành khi cách mạng chính trị thành công. Trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, nền văn hóa mới Việt Nam có tính chất dân tộc với nội dung tân dân chủ với ba nguyên tắc là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đích cuối cùng đi tới là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, khi còn trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan niệm về văn hóa, bao gồm toàn bộ sáng tạo và phát minh của con người. Văn hóa có ý nghĩa giúp cho sự sinh tồn và mục đích cuộc sống của con người. Người có dự định xây dựng nền văn hóa dân tộc với 5 nội dung: tâm lý, luận lý, xã hội, chính trị, kinh tế.
Trước khi giành được chính quyền về tay nhân dân, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và dân tộc là “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập”. Trong bối cảnh nước sôi, lửa nóng như thế, Đảng và Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm đến văn hóa. Điều đó cho thấy trí tuệ và bản lĩnh của Đảng trong tầm nhìn về một nước Việt Nam mới từ Dân chủ Cộng hòa đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
Những quan điểm của Đảng và Bác Hồ về văn hóa trước Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được kế thừa và phát triển trong những hoàn cảnh mới, trở thành động lực và mục tiêu trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Thắng lợi của sự nghiệp chống Pháp và Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xét đến cùng với tất cả nghĩa rộng và chiếu sâu của văn hóa, thì đó là thắng lợi của văn hóa Việt Nam, mà lõi cốt, hạt nhân là con người. Cuối cùng, văn minh đã chiến thắng bạo tàn. Sức mạnh của con người Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh quân sự vũ trang của các loại kẻ thù.
Hơn 30 năm đổi mới - sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa
Đại hội VI (12-1986) mở đầu sự nghiệp đổi mới. Trong 10 năm với hai nhiệm kỳ Đại hội VI và VII, chúng ta chưa có nghị quyết chuyên đề về văn hóa, nhưng những nhận thức của Đảng trong một thập kỷ cho thấy Đổi mới là văn hóa. Văn hóa là đổi mới. Thái độ của Đảng là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật là một thái độ văn hóa. Sự đổi mới tư duy đó mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy đất nước từng bước đi lên, phát triển theo chiều hướng tiến bộ. Cương lĩnh 1991 đã định hình xã hội xã hội chủ nghĩa với 6 đặc trưng, trong đó có đặc trưng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, trong nhiều nhiệm vụ, biện pháp, phương hướng phải thực hiện, có một phương hướng về văn hóa. Đó là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đảng đã đề cập đến việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đảng nói đến xã hội dân chủ, văn minh với nội hàm lợi ích chân chính và phẩm giá con người, tri thức, đạo đức, thể lực, thẩm mỹ. Cách mạng là thay cũ đổi mới, nên phải chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và giá trị cao quý của loài người. Cương lĩnh 1991 là một dấu ấn trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, tạo cơ sở cho những bước phát triển lý luận tiếp theo về văn hóa.
Sự tích lũy thực tiễn và kinh nghiệm mười năm từ khi đất nước đổi mới giúp Đảng ta có bước phát triển lý luận văn hóa trong nhiệm kỳ Đại hội VIII. Lần đầu tiên chúng ta có được một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phạm vi vấn đề văn hóa trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII được đề cập theo nghĩa rộng, quan trọng nhất là tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa, coi con người là hạt nhân, vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa. Một điểm cốt yếu trong phạm vi văn hóa là vấn đề tư tưởng, bởi lẽ hệ tư tưởng là cốt lõi của văn hóa, là định hướng cơ bản cho đời sống tinh thần của xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng trong xã hội có giai cấp, tư tưởng thống trị trong mỗi thời đại bao giờ cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị. Điểm nhấn này rất quan trọng, liên quan đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, vì trong điều kiện Đảng cầm quyền, tư tưởng của cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của toàn xã hội
Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mà “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.
Một điểm nhấn lần này khi nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, Đảng không nói lãnh đạo chung chung mà tập trung vào việc phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước như Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng chỉ rõ phải đặt mạnh việc giáo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Văn hóa đạo đức và lối sống trước hết phải được thể hiện trong mọi tổ chức Đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên, ở các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo. Giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Có chính sách trọng dụng người tài. Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng.
Những điều này liên quan đến việc đánh giá thực trạng và nguyên nhân thành tựu và yếu kém của văn hóa Việt Nam. Trong các văn kiện, Đảng ta nhìn thẳng vào sự thật sự thoái hóa, biến chất, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền, kể cả cán bộ cao cấp.
Cách nhìn và tầm nhìn của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội VIII, xét đến cùng là tiếp tục thực hiện chiến lược con người, chiến lược xây dựng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam. Đảng chú trọng việc huy động mọi nguồn lực, trước hết xây dựng văn hóa từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể. Bởi vì thành tựu và yếu kém của cách mạng Việt Nam liên quan đến con người Việt Nam tốt hay kém. Nhận thức này của Đảng mở ra một chiều cạnh mới trong nghiên cứu văn hóa, đó là văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa Đảng.
Một khía cạnh khác cũng rất có ý nghĩa, đó là nói văn hóa, Đảng ta không dừng lại ở nhận thức, hiểu thấu, cái bề ngoài, mà quan trọng là thực tiễn, tức là làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Đây là đòi hỏi cao nhất của văn hóa. Văn hóa không phải là cờ, đèn, kèn, trống, nhà văn hóa, công viên văn hóa, lễ hội văn hóa. Nhận thức phải biến thành niềm tin, thành lối sống, thành hành động, thành những giá trị thẩm thấu bên trong thì mới trở thành văn hóa.
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta tiến hành Đại hội XI và XII. Với Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, sợi chỉ đỏ về văn hóa được xác định vẫn là “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhưng nói rõ hơn thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nôi sinh quan trọng của phát triển.
Dưới ánh sáng Cương lĩnh 2011, Đảng có Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Những nội dung cơ bản của Nghị quyết này tiếp tục được đưa vào các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tư duy lý luận về văn hóa ở các văn kiện này có bước phát triển trên mấy khía cạnh chủ yếu sau: Một là, gắn văn hóa với con người trong một chỉnh thể bằng mệnh đề “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người”. Hai là, mục tiêu chung là “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Khẳng định lại “văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, lần này Đảng nhấn mạnh thêm “bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ba là, các văn kiện lần này bàn đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bốn là, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế với nội dung đề cập trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Đó là chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Kiến nghị đưa vào Văn kiện Đại hội XIII
Một là, cần khẳng định “Văn hóa là nền tảng, mục tiêu và là thước đo sự phát triển”, chứ không dừng lại “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của phát triển”. Bởi vì, xét đến cùng sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của phát triển.
Hai là, cần nói rõ “xây dựng văn hóa chính trị” chứ không chỉ là “văn hóa trong chính trị”. “Văn hóa chính trị” là cái đẹp, cái giá trị, cái lung linh tỏa sáng của chính trị, bao gồm hệ thống chính trị, tổ chức chính trị; cương lĩnh, đường lối, tư tưởng chính trị; con người chính trị (chính khách); hành vi chính trị của cán bộ, đảng viên trong tổ chức chính trị.
B.Đ.P
tin tức liên quan
Videos
Cái nhìn khác về xếp hạng đại học và công bố quốc tế
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522408
2265
2290
21182
220347
121009
114522408