Văn hóa và đời sống
Văn hóa - nền tảng của sự phát triển đất nước
Vũ điệu Khăn Piêu. Ảnh Trang Đoan
MỌI VIỆC ĐỀU DO NGƯỜI LÀM RA. CON NGƯỜI LÀ QUẢ TIM ĐÍCH THỰC, VỪA LÀ ĐỘNG LỰC VỪA LÀ MỤC TIÊU CỦA VĂN HÓA. MỤC ĐÍCH, TRỌNG TÂM, ĐỘNG CƠ CỦA PHÁT TRIỂN PHẢI TÌM TRONG VĂN HÓA, TỨC TÌM Ở CON NGƯỜI. VÌ VẬY, VĂN HÓA KHÔNG CHỈ LÀ NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI MÀ LÀ NỀN TẢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Những nhận thức phiến diện, lệch lạc, méo mó
Câu chuyện “Văn hóa và phát triển” không mới, đã bàn nhiều, nói kỹ, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn có sự thống nhất về nhận thức và hành động, chưa hiểu thấu và làm đúng. Có nhiều lý do như: Chưa nhận thức đúng khái niệm “văn hóa” và “phát triển”; nhận thức đúng mà làm không đúng; quy văn hóa vào những lĩnh vực cụ thể mà chưa bàn nhiều tới vai trò của văn hóa; mô tả sự phát triển, mà chưa xác lập được giá trị hay ý nghĩa của sự phát triển; lẫn lộn văn hóa với văn minh, đi đến đồng nhất văn minh với phát triển; chưa làm rõ được mức sống và chất lượng sống; nói tăng trưởng thường nghiêng về kinh tế mà ít quan tâm đến tăng trưởng giá trị con người; chia cắt sự phát triển xã hội thành những mặt tách rời nhau một cách siêu hình; quan niệm cứ kinh tế tăng trưởng là kéo theo sự phát triển và tự nó sẽ giúp giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội; coi văn hóa là cái đuôi của sự phát triển; v.v...
Tóm lại, những nhận thức lệch lạc, phiến diện, méo mó nêu trên làm cho yếu tố văn hóa bị gạt ra bên lề của sự phát triển. Hậu quả tất yếu là dẫn đến một sự phát triển phiến diện, méo mó, không bền vững, phải trả giá đắt về xã hội và môi trường.Cá nhân con người giàu lên nhưng không có lý tưởng, nhân cách bị tha hóa. Tăng trưởng kinh tế nhưng xã hội bị đảo lộn về lối sống, lâm vào khủng hoảng bởi đạo đức, niềm tin, tình nghĩa, nhân phẩm bị bào mòn, giảm sút nghiêm trọng. Mà đây lại chính là những yếu tố quan trọng nhất tác động trở lại làm cho kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển.
Loài người đối diện với những “nghịch lý” của sự phát triển hay còn gọi là “phát triển xấu”. Một số học giả phương Tây nhận thức rằng: “Những tiến bộ về kinh tế làm tăng mức sống nhưng đôi khi lại làm rối loạn cuộc sống con người và môi trường. Không phải cứ của cải tăng lên là cuộc sống gia đình, hôn nhân, lối sống, lao động… sẽ chỉ có tốt đẹp lên. Tiến bộ kỹ thuật góp phần làm cuộc sống dễ dàng, có khi lại là nguyên nhân của nhiều rối loạn xã hội nghiêm trọng”.
Văn hóa- nền tảng của sự phát triển đất nước
Chúng ta thường nói đời sống xã hội có hai mặt: vật chất và tinh thần. Kinh tế là nền tảng vật chất, văn hóa là nền tảng tinh thần. Nói như vậy là đúng nhưng chưa dủ, chưa thật sự khoa học, chưa phản ánh được sự phát triển của đời sống thực tiễn.
Hiện nay, nói văn hóa và phát triển cần phải nhận thức văn hóa gắn với phát triển, luôn hiện diện trong mỗi bước phát triển và là nền tảng của sự phát triển. UNESCO cho rằng trọng tâm, mục đích và động cơ của phát triển phải được tìm trong văn hóa.
Văn hóa gắn liền với phát triển với ý nghĩa văn hóa là toàn bộ sáng tạo và phát minh của con người, cấu thành một hệ thống các giá trị. Phát triển là sự hoàn thiện không ngừng những giá trị của con người; là trạng thái cho phép con người thỏa mãn chất lượng sống, bao gồm đời sống vật chất và tinh thần.
Văn hóa và phát triển: hai tuy không phải là một nhưng thống nhất. Không có văn hóa thì không có phát triển. Phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội. Văn hóa không chỉ là động lực, mục tiêu của phát triển, đồng hành trong phát triển mà còn nằm ngay bên trong của sự phát triển. Văn hóa ở trong kinh tế, trong chính trị và các lĩnh vực khác. Sự phát triển của xã hội loài người luôn luôn có dấu ấn khai sáng của văn hóa.
Phát triểnphải bao gồm các nhân tố kinh tế và phi kinh tế. Phi kinh tế là các giá trị đạo đức, văn hóa, nhân cách, lý tưởng, niềm tin, phẩm giá của con người. Con người là “quả tim đích thực của nền văn hóa”; là nguồn lực và mục đích của phát triển. Thiếu nền tảng văn hóa, không có sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: kinh tế bền vững, xã hội bền vững, môi trường bền vững. Ba trụ cột đó đều liên quan đến văn hóa.
Để kinh tế bền vững phải có một mô hình tăng trưởng xuất phát từ văn hóa và bằng tố chất văn hóa, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao “đức, trí, thể, mỹ”. Bằng nguồn tài nguyên quý nhất, vốn quý nhất là con người, chúng ta có thể làm chủ được khoa học và công nghệ, tạo ra sức mạnh tác động vào hoạt động kinh tế.
Muốn biết một đất nước phát triển bền vững hay không, không phải nhìn vào tăng trưởng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, vào số dân hay đầu tư của nước ngoài, mà hãy nhìn hiện tại dân tộc đó đang đối xử với con người và văn hóa ra sao; dân tộc đó đang làm giáo dục và tiềm ẩn nguồn tài nguyên con người như thế nào.
Phát triển bền vững còn được cân đo bằng những vấn đề xã hội như an sinh xã hội, ổn định xã hội, trật tự xã hội, công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, dân chủ và niềm tin. Một xã hội tốt bao hàm nhiều hệ thống, trong đó giới lãnh đạo giành được sự tin tưởng và đồng thuận của nhiều người, sẽ tạo nên sự bền vững. Lòng dân và sự ủng hộ của người dân cho giới lãnh đạo sẽ tạo ra thành công và bền vững của bất kỳ xã hội nào. Niềm tin của dân chúng là một phạm trù thuộc văn hóa chính trị, một tố chất văn hóa bền vững và trường tồn. Sự thiếu thốn và nghèo khổ về vật chất không đáng lo ngại bằng sự hẫng hụt, thiếu thốn và mất mát về niềm tin. Lòng dân không yên thì xã hội rối loạn. Xét đến cùng, xã hội bền vững là dựa trên và lấy sự bền vững niềm tin của nhân dân làm thước đo. Mất niềm tin là mất tất cả.
Phát triển bền vững gắn với môi trường tự nhiên bền vững. Con người tồn tại trong môi trường tự nhiên. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là một mặt cơ bản của văn hóa. Con người sinh ra từ tự nhiên, là sản phẩm của tự nhiên, cần có tự nhiên để tồn tại, cùng phát triển trong môi trường tự nhiên. Nếu môi trường tự nhiên thiếu không khí để hít thở, nước để uống, thức ăn để dùng thì sẽ gây ra bệnh tật và ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Trong thế ứng xử của con người với tự nhiên, nếu coi thiên nhiên là thù địch và do vậy cần phải chinh phục, thống trị, biến đổi tự nhiên thì đó là thái độ phi văn hóa. Không thể dùng văn minh công nghiệp chinh phục, can thiệp thô bạo, phá phách thiên nhiên, dẫn đến có hại cho con người và phát triển bền vững. Phải có cách tổ chức xã hội của con người, tạo nên một môi trường mới, có sức tác động trở lại môi trường tự nhiên theo hướng bổ khuyết cho tự nhiên, hòa đồng với tự nhiên thì đó là thái độ ứng xử văn hóa. Môi trường tự nhiên bị tàn sát thì đó là dấu hiệu của một xã hội suy vong.
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nói đến thắng lợi của giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước là nhờ sức mạnh văn hóa, nhờ con người. Mọi việc đều do người làm ra. Bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhiều lần Hồ Chí Minh nói đến sự thành bại của cách mạng chủ chốt là do con người có thấm nhuần các giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn hay không. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.
Hơn 30 năm qua, trong tiến trình đổi mới đất nước, quan điểm của Đảng ta về tính tất yếu và bản chất đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa là sự đúc kết những vấn đề có tính quy luật trong sự phát triển của xã hội loài người, phù hợp với nhiều quan điểm trên thế giới. Trong tác phẩm Những điều tự phê bình, Juquin viết: “Nhìn một cách sơ lược trong xã hội Hy Lạp cổ đại, tính nổi bật là chính trị, trong xã hội trung cổ, tính nổi bật là tôn giáo. Trong xã hội tư bản tính nổi bật là kinh tế. Phải chăng có thể khái niệm chủ nghĩa xã hội là sự kéo dài của tính nổi bật kinh tế đó? Hay đúng hơn là nó phải đáp ứng một tính hợp lý khác? Tính nổi bật của xã hội xã hội chủ nghĩa không còn là kinh tế, mà là văn hóa”[i].
Triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung năm 2019 tổ chức tại Nghệ An. Ảnh Ngọc Mai
Trong lý thuyết phát triển hiện đại, quan niệm chung về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, coi mục tiêu phát triển phải là nâng cao chất lượng cuộc sống con người với bảo đảm sao cho hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa mức sống cao với lối sống và nếp sống đẹp cho toàn xã hội, cho hôm nay và cho cả mai sau. Vấn đề đặt ra là để đạt được mục tiêu đó thì phải làm cái gì và làm như thế nào?
Sự phát triển bền vững cần “hai chân”. Sự phát triển cao về kinh tế, về cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học và công nghệ là tiêu chí đánh giá chất lượng hiện đại của xã hội. Còn văn hóa, xã hội, môi trường tự nhiên, nhân cách và phẩm giá con người là tiêu chí đánh giá chất lượng tiến bộcủa xã hội. Đó chính là triết lý phát triển xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phát triển vừa mang tính nhân loại - quy luật chung, vừa hết sức đặc thù. Theo nguyên lý phát triển mácxít thì tiến trình phát triển xã hội vận động theo hướng cùng chiều với tiến bộ xã hội, mà tiêu chuẩn hàng đầu chung nhất của tiến bộ xã hội là giá trị nhân văn. Một lý thuyết phát triển hợp lý phải là một lý thuyết mà trong đó nó phản ánh đầy đủ các yêu cầu tiến bộ xã hội. Tức là có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển lực lượng sản xuất với sự phát triển của quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; bảo đảm sự thống nhất giữa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người, trong đó con người là tiêu chuẩn khách quan và cao cả của việc đánh giá trình độ phát triển xã hội hay đúng hơn là của tiến bộ xã hội.
Hình thái xã hội xã hội chủ nghĩa có tiêu chí quan trọng là tạo ra khả năng cho sự phát triển nhân cách, cho sự sáng tạo và phát triển năng lực sẵn có của con người; khả năng nâng cao năng lực, phẩm giá và phát triển toàn diện con người, giải phóng con người khỏi mọi sự nô dịch, tha hóa. Đó phải là một xã hội văn hóa, “một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” như C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định.
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xét trên bất kỳ phương diện nào thì trong chiều sâu bản chất của nó là một chủ nghĩa nhân văn đích thực, một hình thái phát triển của văn hóa, một đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Do đó, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải gắn với văn hóa hơn bất kỳ một hình thái xã hội nào khác. Ngược lại, chỉ có đứng trên đỉnh cao của văn hóa, chủ nghĩa xã hội mới có thể phát triển hợp quy luật, thuận chiều với tiến trình phát triển của các nền văn minh nhân loại.
[i] GS Lê Quang Thiêm (chủ biên): Văn hóa với sự phát triển của xã hội Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.75.
tin tức liên quan
Videos
Cái nhìn khác về xếp hạng đại học và công bố quốc tế
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522413
2270
2290
21187
220352
121009
114522413