Văn hóa và đời sống

Hạnh phúc không thể tìm thấy nếu không có đạo đức!

Hạnh phúc là gì? Làm sao để có được hạnh phúc? Đó có lẽ là câu hỏi thường trực trong mỗi người và không mấy ai trả lời được thấu đáo. Người ta vẫn miệt mài tìm nó, thậm chí tìm kiếm ngay cả khi chưa tự định hình được nó là gì và lắm khi cho đến cuối cuộc đời vẫn chưa thể chạm tay vào hạnh phúc. Nói như vậy không có nghĩa hạnh phúc là một điều gì đó viển vông, xa vời và rất khó có được. Hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta biết lắng lại để nghe, để cảm nhận và nắm bắt những điều bình dị nhất. Với mỗi người, hạnh phúc được nhìn nhận một cách khác nhau. Người tìm thấy nó trong sự xa hoa, đủ đầy, sự nghiệp công danh rạng rỡ; kẻ lại tìm thấy trong cuộc sống thảnh thơi, an nhàn, khoẻ mạnh… Song, dù khác thế nào đi nữa thì hẳn cũng có những điều kiện chung, cơ bản để tìm thấy hạnh phúc. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, hạnh phúc là khi ta biết sống trọn vẹn với phút giây hiện tại, biết buông bỏ những điều không cần thiết; biết yêu thương, sẻ chia; biết tự lựa chọn, quyết định và cả đấu tranh để có được nó;… Tuy nhiên, dù có bao nhiêu bài học đi nữa, chúng ta, bằng trí tuệ, trái tim của mình, cũng sẽ phải tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Hạnh phúc của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo nên hạnh phúc của cộng đồng nhưng mặt khác, mỗi người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống trong một quốc gia hạnh phúc. Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói, hạnh phúc đích thực, lâu bền chỉ tìm thấy trong sự bình an. Sự bình an ấy không dễ gì có được nếu chúng ta phải sống trong một đất nước mà ở đó xã hội còn đầy rẫy bất công, còn chiến tranh, bạo loạn, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh hay tham nhũng, hà khắc,... Vậy thế nào là một quốc gia hạnh phúc? Điều gì tạo nên quốc gia hạnh phúc?

Khác một chút với hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc quốc gia có những tiêu chí để đánh giá, dù chắn chắn điều này cũng chỉ mang tính tương đối. Theo đó, các chỉ số bao gồm thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, tình trạng tham nhũng, sự rộng lượng/hào phóng. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải thiện trên bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc của thế giới cũng như trong mắt bạn bè quốc tế. Năm 2019, chúng ta xếp thứ 94/156 quốc gia, tăng một bậc so với năm 2018. Việt Nam cũng được lựa chọn là một trong những quốc gia đáng sống khi có một môi trường chính trị ổn định, hòa bình; người dân cởi mở, thân thiện; chính phủ tạo điều kiện với nhiều ưu đãi,… Dù vậy, phải thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều điều phải làm để chúng ta trở thành một đất nước thực sự hạnh phúc. Muốn làm được điều đó, tất nhiên phải tập trung phát triển kinh tế để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, giàu có chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc. Trong quá trình phát triển đó, chúng ta phải đảm bảo được sự công bằng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần cải thiện hơn các dịch vụ cộng đồng, cơ sở y tế, chất lượng giáo dục. Chúng ta phải tôn trọng quyền tự do của mỗi công dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, nhất là những người yếu thế. Đặc biệt, Nhà nước cần tập trung xử lý các tiêu cực, đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ để không còn tình trạng hạch sách, nhũng nhiễu dân, để dân thấy họ được tôn trọng.

Việt Nam là một quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa, có nền tảng tinh thần tốt đẹp với nhiều truyền thống quý báu. Duy trì, phát huy những giá trị này chính là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc, nhất là khi xã hội đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp đạo đức đáng báo động như hiện nay. Chỉ khi chúng ta biết gìn giữ các giá trị văn hóa; biết yêu thương, biết sẻ chia, rộng lượng, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cộng đồng thì mới có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình và tạo nên một xã hội hạnh phúc.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ John Adams đã từng nhận định: “Hạnh phúc, dù trong chế độ chuyên quyền hay dân chủ, dù trong sự nô lệ hay tự do, không bao giờ có thể tìm thấy mà không có đức hạnh.” Đạo đức sẽ giúp giữ vững những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Một xã hội hạnh phúc cần những công dân có đạo đức và cần cả những vị quan có đạo đức. Đó phải là những lãnh đạo hết lòng vì dân, không vụ lợi; phải có cái tâm sáng và luôn nghĩ cho lợi ích của tổ quốc, dân tộc. Điều đó không tự nhiên đến hay dễ dàng có được. Nó đòi hỏi sự lựa chọn sáng suốt của mỗi công dân và cả sự lên tiếng, đấu tránh khi cần để đảm bảo những người đứng trong hàng ngũ lãnh đạo phải là người thực sự xứng đáng.

Hạnh phúc không thể tìm thấy nếu không có đạo đức!

                                                                                           

 

.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434818

Hôm nay

289

Hôm qua

2349

Tuần này

21468

Tháng này

211866

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434818