"Đưa một cuộc trưng bày rất nghiệp dư vào một tòa nhà bảo tàng mang tính hiện đại nhất, thì đó là một sự coi thường chất lượng của bảo tàng ở thế kỷ 21" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng dân tộc học VN phát biểu.
"Đưa một cuộc trưng bày rất nghiệp dư vào một tòa nhà bảo tàng mang tính hiện đại nhất, thì đó là một sự coi thường chất lượng của bảo tàng ở thế kỷ 21" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng dân tộc học VN phát biểu.
Mang danh văn hóa nhưng lại "phản" văn hóa
Bệnh hình thức có rất nhiều biểu hiện, nhưng tôi chỉ nói câu chuyện về di sản ở Hà Nội thôi, những chuyện nhãn tiền.
Dịp Đại lễ, Hà Nội cố gắng khánh thành Bảo tàng Hà Nội - điều mong đợi hàng mấy chục năm nay của người dân Thủ đô. Buồn thay, đó chỉ là sự khánh thành "giả tạo", không thực chất. Nó đơn giản chỉ là xây xong, lễ khánh thành cái tòa nhà để làm bảo tàng Hà Nội chứ chưa phải là khánh thành Bảo tàng Hà Nội.
Người dân đã đổ đến xem đông như trẩy hội. Chưa bao giờ có bảo tàng nào trong dịp một lễ khánh thành mà người dân lại nô nức đến vậy. Nhưng điều đọng lại trong lòng họ khi đi ra khỏi lễ khánh thành lại là những ấn tượng kém, xấu về một công trình vừa xây dựng.
Nước vẫn đang chảy từ trên mái xuống tòng tòng, chắc không phải là mái dột nhưng cũng không biết từ đâu.
Về nội dung, những đồ vật trưng bày ở bảo tàng cũng cho thấy nỗ lực khỏa lấp một không gian mà đã không được chuẩn bị kịp.
Chúng ta nên hiểu: Cả Hà Nội này phải là một không gian trưng bày. Hoặc cả khu phố cổ - trung tâm Hà Nội phải là một không gian trưng bày.
Cái gì đặt ở đâu cần phải có sơ đồ, thiết kế một cách hợp lý. Chắc người ta cũng có thiết kế nhưng lại không tính đến hiệu quả của nó mà chỉ để tâm đến cờ đèn kèn trống. |
Lẽ ra, trước tình hình đó Ban tổ chức phải nói cho người dân hiểu rằng: Vì không kịp chuẩn bị nội dung của bảo tàng nên tạm lấp vào đó những cổ vật Thăng Long của những nhà sưu tầm tư nhân.
Rõ ràng đó không phải là một cuộc trưng bày bảo tàng mang tính chuyên nghiệp, dù là triển lãm nhất thời. Đưa một cuộc trưng bày quá nghiệp dư vào một tòa nhà bảo tàng mang tính hiện đại nhất, thì đó là một sự quá coi thường chất lượng của một bảo tàng ở thế kỷ 21.
Nhiều pa-nô, câu chữ không đạt yêu cầu, thậm chí còn đá nhau. Những cái đó mang danh văn hóa nhưng lại là phản văn hóa, vì nó không những lộn xộn mà còn tạo ra những nhận thức sai lầm về sự tôn trọng văn hóa. Đó là điều tối kỵ đối với những người làm công tác gìn giữ và phát huy các di sản.
Đó không chỉ là bài học lớn cho Hà Nội, cũng là bài học lớn cho cả nước về câu chuyện chạy theo thành tích, khánh thành vỏ công trình cho kịp ngày kỷ niệm lớn.
Nếu chúng ta nói rõ ràng với người dân rằng: Đây là lễ khánh thành một tòa nhà sẽ trở thành một bảo tàng trong tương lai, thì người dân sẽ rất thú vị. Nhưng nói là khánh thành Bảo tàng Hà Nội với những hiện vật trưng bày về Hà Nội như vậy, sẽ mang một tiếng xấu cho Bảo tàng rằng: Hà Nội chỉ đạt đến một trình độ thế thôi, công tác bảo tàng cũng chỉ có vậy mà thôi.
Nếu cứ theo đà này, vẫn giữ kiểu làm cũ, chắc chắn các trưng bày tiếp theo của bảo tàng sẽ vô cùng nguy hiểm, vì tạo cho người ta thoái quen cứ làm tùy tiện như vậy vẫn được chấp nhận. Miễn sao có thể đưa ra công chúng trong những dịp đặc biệt mà không quan tâm đến chất lượng, không cần biết sản phẩm của anh là gì, đưa vào đó những hiện vật nào, giá trị và thông điệp của nó là gì.
Bảo tàng Hà Nội khó xây dựng một thương hiệu có uy tín ngay từ đầu, vì thế.
Hoàng thành Thăng Long cũng được cố gắng đưa vào trưng bày, cả ở khu khai quật khảo cổ lẫn Hoàng thành, mà không tính toán đầy đủ đến chất lượng. Cho nên bên cạnh những cổ vật mới được khai quật lên trong mấy năm vừa rồi - một số trong đó được các nhà bảo tàng học và kiến trúc sư nội thất người Pháp thiết kế trưng bày rất đẹp với tủ kính, giá đỡ hiện vật được thiết kế chuyên dụng, ánh sáng, đồ họa đạt chuẩn quốc tế, thì lại lẫn lộn với những trưng bày đồ cổ khác một cách tùy tiện.
Người xem và người làm công tác di sản cũng hiểu rằng Ban Quản lý di tích này chịu sức ép rất lớn trong dịp Đại lễ. Phải thừa nhận rằng họ cũng đã cố gắng, nhưng ở đây cần có sự lựa chọn khôn ngoan hơn: Ít mà tốt hay nhiều mà chất lượng kém để rồi đưa tới những thất vọng.
"Cái thanh lịch của Hà Nội ở đâu"
Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, giới di sản và giới văn hóa Hà Nội đã không biết tranh thủ một cơ hội ngàn vàng như thế để làm những cái nhỏ mà rất có ích cho xã hội, có ích cho Hà Nội. Tất cả những cái đó nhỡn tiền, và nằm trong lòng bàn tay chúng ta, vừa không tốn kém mà lại để lại những ấn tượng lâu dài trong lòng người.
Ngôi nhà ở Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, trước Đại lễ khoảng vài tháng tôi đã lên đó xem, nghĩ rằng người ta phải sửa sang và trưng bày cho tốt. Thế nhưng trong suốt 10 ngày Đại lễ, địa chỉ đó vắng như chùa Bà Đanh!
Đại lễ là kỷ niệm của Thủ đô, của đất nước, chứ đâu phải chỉ có những di sản về vua Lý Công Uẩn! Chỉ biết có Lý Công Uẩn là một cái rất là sai. Chúng ta nhân câu chuyện của Lý Công Uẩn để nói chuyện ngày nay mới là điều quan trọng.
Vì chúng ta quá tập trung vào vua Lý Công Uẩn và những gì thuộc về thời nhà Lý. Còn những di tích của Hà Nội 65 năm qua, 100 năm qua cũng rất tuyệt vời thì lại không được để ý đúng mức để mà nối tiếp những câu chuyện đó. Ngôi nhà nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập thì gần như bị bỏ hoang.
Công bằng mà nói cách đây vài tháng người ta cũng có làm lại một cuộc trưng bày, nhưng phải nói đó là cuộc trưng bày thuộc loại dưới mức bình thường: Một cái va-li mà Bác Hồ đi từ Pác Bó về, chả biết va-li thật hay giả, mà lại treo ở trên tường chứ không để vào tủ kính. Chủ đề trưng bày thì dàn trải quá không gian của ngôi nhà này.
Đầu tư cho trưng bày lại ít ỏi. Tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà phong phú như vậy mà gần như bị bỏ trống. Thủ pháp trưng bày hạn chế, như cách đây nửa thế kỉ. Người xem khó tìm chút hấp dẫn và xúc động.
Và cũng lại không có một tuyên truyền nào về sự trưng bày ở địa chỉ này, vậy thì ai đi xem?
Ngôi nhà ở 90 phố Thợ Nhuộm nơi đồng chí Trần Phú viết Cương lĩnh cũng như vậy. Và cả ngôi nhà ở số 5D Hàm Long nơi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập cũng đóng im ỉm. Hơn nữa 2 di tích nổi tiếng này đều bị chiếm dụng, (bởi chính các cơ quan văn hóa).
Nhà 5D Hàm Long thì Bảo tàng Hà Nội lấy làm một trụ sở của mình suốt bao nhiêu năm nay. Nhà nước lấy tòa nhà đó làm di tích chứ có phải để làm cơ quan đâu. Ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm thì toàn bộ tầng 2 và tầng 3 do Ban Quản lý di tích ở Hà Nội chiếm dụng.
Lẽ ra cả 3 địa chỉ này đều trở thành những bảo tàng tuyệt vời của Hà Nội nếu chúng ta biết làm.
Ngôi nhà nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn là một ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô- đại tư sản Việt Nam. Chúng ta có thể phục dựng toàn bộ cuộc sống và sự buôn bán của nhà đại tư sản đó vào thời điểm năm 1945 như thế nào. Người ta có thể đến xem để hiểu Bác viết Tuyên ngôn Độc lập như thế nào trong một khung cảnh, không gian của một gia đình tư sản. Hiểu được nếp sống của người Việt Nam, người Hà Nội giữa thế kỷ 20 ở phố cổ Hà Nội ra sao.
Cho nên trưng bày ở đây không phải chỉ có Bác mà còn phải có cả những con người và cuộc sống của gia chủ trong căn nhà đó nữa. Làm được điều này thì tòa nhà đó có khác gì nhà của Victor Hugo hay Vonte ... mà bao nhiêu du khách đến xem.
Thế nhưng, ở ngôi nhà đó người ta lại kể toàn bộ sự nghiệp của Bác, đi Pác Bó như thế nào rồi Cách mạng ra sao, rồi kháng chiến chống Mỹ chống Pháp... Ai cần xem những câu chuyện đó ở đây?
Người ta cần câu chuyện về cuộc sống về một gia đình tư sản ở Việt Nam trước và trong năm 1945, và câu chuyện về Bác Hồ trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Người xem cần biết tại sao nhà tư sản ấy lại đùm bọc và cưu mang cách mạng. Thế là đủ. Họ sẽ xúc động.
Đâu phải người ta đến đây để "đọc sách" về toàn bộ lịch sử Cách mạng Việt Nam từ những năm 1930 đến nay. Chúng ta đâu chỉ tự hào về Hồ Chủ tịch ngồi viết Tuyên ngôn Độc lập mà còn tự hào về văn hóa của người Hà Nội. Cũng như những ngôi nhà lịch sử ở châu Âu, người ta cũng phục dựng và tự hào về những câu chuyện ở đó.
Còn ngôi nhà nơi Trần Phú viết Cương lĩnh ở dưới hầm, trong căn buồng của một ông làm bếp, người ta chỉ chú ý trưng bày riêng ở căn hầm đó thôi. Mà thực tế, bây giờ, ngay cả cái hầm đó cũng trở thành nơi để xe máy hàng ngày của cán bộ Ban Quản lý di tích. Đó là một sự xúc phạm lịch sử.
Tôi cũng cố gắng ra Bờ Hồ để thưởng thức, xem không khí người dân Hà Nội là như thế nào trong những ngày Đại lễ, nhưng không thể chịu nổi phải đi về ngay. Bởi vì đinh tai nhức óc. Đã là âm nhạc, tiếng trống tiếng đàn thì phải thể hiện cái hay cái đẹp của nó, chứ không phải cứ gõ càng to càng tốt.
Các góc của Bờ Hồ cứ đá nhau tất cả mọi thứ, còn đâu mà thưởng thức được nữa. Đâu phải cứ càng nhiều âm thanh trong những chỗ đó là vui, là tăng cường cái gọi là Hội đâu.
Trong Hội vẫn cần cái sự tĩnh. Có thể ở một không gian nào đó vui nhộn, nhưng ở không gian khác phải Tĩnh để cho người ta cảm nhận sâu sắc, ví dụ như ở trước tượng vua Lý Thái Tổ, trước cổng đền Ngọc Sơn.
Người ta cần được đi bộ quanh Hồ Gươm, thưởng thức vẻ đẹp lung linh của Tháp Rùa, cảm nhận vẻ đẹp của đèn chiếu xuống mặt hồ, người ta cần đến trước tượng đài Lý Thái Tổ để cảm nhận và suy nghĩ về Lý Thái Tổ ra sao. |
Họ chỉ khai thác Trần Phú viết luận cương ở dưới hầm và tưởng rằng đã là sự tôn vinh. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Đến đó chúng ta cần hiểu bối cảnh: Căn nhà đó là nhà của ai, gia chủ và những người ở đó sống như thế nào. Đó là nhà của một ông tư sản người Pháp. Ở đó chúng ta có thể và trước hết nên giới thiệu về cuộc sống của những người Pháp ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 ra sao.
Chắc hồ sơ kiến trúc và hồ sơ của gia chủ ngôi nhà còn được lưu trữ hoặc ở Việt Nam hoặc ở Pháp. Chúng ta phải bỏ công tìm kiếm. Chúng ta giới thiệu được cuộc sống của Trần Phú những ngày viết Cương lĩnh như thế nào, phục dựng toàn bộ khu nhà đó, kể cả khu nhà ngang, nhưng khu nhà ngang thì nay đã bị phá đi rồi. Thực tế mà nói đó là sự xâm phạm di tích. Tức là những người làm quản lý di tích mà lại xâm phạm, phá hoại di tích nhiều nhất
Hai ngôi nhà, 1 ngôi nhà có thể tái hiện cuộc sống của gia đình tư sản Việt Nam, 1 ngôi nhà của tư sản Pháp. Đó không phải chúng ta tôn vinh nhà tư sản Pháp, mà là chúng ta đặt ông Trần Phú trong bối cảnh của gia đình tư sản Pháp đó, và đặt văn hóa của Pháp trong văn hóa Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ngôi nhà ở 5D Hàm Long là nhà của người dân bình thường, cuộc sống của người dân bình thường những năm 30. Vậy chỉ qua 3 ngôi nhà đó thôi chúng ta có cả một bối cảnh của Hà Nội vào thế kỷ 20. Đó chính là lịch sử thực sự và sống động của Việt Nam.
Cách nhìn đó sẽ mở ra cho chúng ta rất nhiều. Đó sẽ là một tour du lịch hấp dẫn. Và chắc rằng, bao nhiêu người Pháp đến Hà Nội du lịch, từng ấy con người sẽ đến thăm các ngôi nhà đó. Như vậy sẽ mang lợi cho du lịch của Hà Nội đến mức độ nào.
Nay những người quản lý du lịch thường phàn nàn ở Hà Nội chỉ thăm thú 1 ngày là không biết còn nơi nào để thăm nữa. Trong khi những địa chỉ như thế là những ngôi nhà hốt ra tiền. Đó là những tòa nhà văn hóa của Hà Nội.
Trong dịp 1000 năm, tập trung cả mấy ngàn tỉ đồng xây Bảo tàng Hà Nội mà bỏ qua những ngôi nhà này, ngành văn hóa đã bỏ lỡ một cơ hội. Đó là điều rất đáng tiếc.
Cái thanh lịch của người Hà Nội nằm ở đấy, có chiều sâu và nguồn gốc của nó. Chứ đâu phải cứ suốt ngày cứ rả rích "cái thanh lịch của Hà Nội ở đâu" rồi đi tìm cái thanh lịch ở những điều chạy theo thành tích, khẩu hiệu.
Hoàng Hường (ghi)
2150
2297
21048
213194
0
114526498