Khách mời văn hóa

Yêu thế giới như nó hiện tồn… (Trò chuyện giữa TS Trương Hồng Quang và doanh nhân Vũ Minh Anh)

Lời tòa soạn: Chuyên mục “Sống chung với Corona - Podcast tiếng Việt từ Berlin” số 8 của TS Trương Hồng Quang (Berlin, Đức) đã giới thiệu tới khán thính giả cuộc phỏng vấn doanh nhân Vũ Minh Anh (là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty Du lịch Terraverde có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh sự danh dự của Mexico tại thành phố Hồ Chí Minh) về những thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra đối hoạt động du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của Việt Nam cũng như thế giới; đối chiếu sự khác nhau giữa châu Á và châu Âu trong cách xử lý tình hình; mối quan hệ Đức - Việt cũng như nhiều vấn đề xã hội khác đặt ra trong bối cảnh hiện này dưới cái nhìn triết học. VHNA xin văn bản hóa lại cuộc trao đổi trên để gửi tới bạn đọc. Quý độc giả có thể trực tiếp nghe lại (bản gốc) cuộc trò chuyện trên trang Blog Trương Hồng Quang. 

TS. Trương Hồng Quang                                                                Doanh nhân Vũ Minh Anh 

Trương Hồng Quang: Xin chào anh Vũ Minh Anh. Cảm ơn anh đã vui lòng nhận lời tham gia cuộc trò chuyện này. Thưa anh, trước hết nếu được, xin anh giới thiệu đôi nét về công ty anh sáng lập, về ý nghĩa của tên gọi rất hay “Terraverde”. Tiếp theo, hẳn khán giả rất quan tâm muốn biết duyên cớ nào khiến cho một doanh nhân Đức gốc Việt hiện đang làm việc tại Việt Nam lại được bổ nhiệm là Lãnh sự danh dự của Mexico?

Vũ Minh Anh: Xin kính chào TS Trương Hồng Quang và quý khán thính giả. Xin giới thiệu qua, Minh Anh là một người Đức gốc Việt, qua Đức từ lúc 11 tuổi. Có một cái duyên nào đó đã dẫn Minh Anh về Việt Nam cách đây 15 năm. Và cũng là một cái duyên rất tình cờ khiến Minh Anh thành lập một công ty du lịch, dù trước đó chưa hoạt động trong lĩnh vực này. Ban đầu, khi thành lập công ty, nhà nước Việt Nam yêu cầu có một cái tên dịch ra được tiếng Việt. Minh Anh đã kiếm một cái tên phản ánh phần nào triết lý của công ty là du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Và có một cái tên mà ý nghĩa trong tiếng Việt là “đất xanh”. “Terraverde” là một thương hiệu tiếng Latinh, gần gũi với tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha… nên cũng có sự hấp dẫn nhất định với người nước ngoài là khách hàng chính của công ty. Còn việc làm lãnh sự danh dự thì có lẽ đó cũng là một cái duyên, bởi từ hồi nhỏ Minh Anh đã muốn làm ngoại giao, rồi mục đích đó bị phai nhạt dần trong cuộc sống, công việc hàng ngày. Tuy nhiên, khi đã về Việt Nam, cách đây 3 năm, qua sự giới thiệu của một nhà ngoại giao Đức, bà Đại sứ Mexico đã tìm đến và gửi lời mời làm lãnh sự danh dự. Vai trò của lãnh sự danh dự là người đại diện cho Mexico, cho Đại sứ quán Mexico tại thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho công dân của Mexico cũng như xúc tiến thương mại, văn hóa và du lịch.

Trương Hồng QuangAnh vừa chia sẻ, anh rời Việt Nam lúc 11 tuổi, tức là khoảng năm 1986. Có một sự tình cờ là vào mùa hè năm 1986, tôi cũng rời Việt Nam và quay trở lại Đức (lúc đó là Cộng hòa Dân chủ Đức). Còn cái đích của cậu bé 11 tuổi Vũ Minh Anh lúc đấy lại là Hamburg, thuộc Cộng hòa Liên bang Đức. Hai con đường đi của chúng ta - một người từ miền Nam sang Tây Đức (cũ), một người thì từ Hà Nội sang Đông Berlin - có thể nói rất tiêu biểu cho những con đường di dân của hai nửa cộng đồng Việt Nam ở Đức. Đó là một câu chuyện rất dài mà chúng ta không thể nói hết trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, nếu có thể đưa ra một vài nét chấm phá, anh có thể chia sẻ về quê hương của anh ở Việt Nam trước khi ra đi, những chặng chính của anh ở Đức cho đến khi trở về lập nghiệp tại Việt Nam?

Vũ Minh Anh: Vâng, tiểu sử của tôi nói lên một thời gian, không gian lịch sử nhất định, với những chặng mốc lịch sử lúc đấy. 1986 là năm bắt đầu chính sách Đổi Mới, lúc đó, tôi là một cậu bé mới 11 tuổi, sống ở làng Công giáo Kẻ Sặt, Hố Nai, Đồng Nai (bố mẹ tôi là người Công giáo ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 1954). Không gian cuộc sống của tôi chỉ vỏn vẹn trong cái làng đó mà thôi, mỗi năm được một hai lần lên Sài Gòn chơi thăm bà con. Theo phong trào di dân lúc đấy, sau nhiều lần ra đi từ Sài Gòn (có lẽ là lần thứ 9), tôi được một tàu nhân đạo của Đức là tàu Cap Anamur II cứu. Thay vì mang thuyền nhân về các đảo và các trại tị nạn - lúc này các trại tị nạn đã đóng cửa - tàu Cap Anamur II với đóng góp rất lớn của Tiến sỹ Rupert Neudeck đã đưa chúng tôi về Đức. Sau ba tháng lênh đênh trên biển Nam Hải, TS. Neudeck và Ủy ban Cap Anamur đã thương lượng với các tiểu bang ở Đức để nhận tất cả các thuyền nhân, tức hơn 300 người. Vào ngày 05/9, tàu Cap Anamur II đã đến cảng Hamburg, chúng tôi được chia về các trại tỵ nạn tạm thời, sau đó về các tiểu bang. Tôi và em gái ruột, nhỏ hơn tôi một tuổi, được một cặp vợ chồng Đức, sau khi xem tin tức trên chương trình truyền trình “Heute Journal”, nhận làm con nuôi. Sau 6 năm thì chúng tôi đoàn tụ với gia đình tại Đức. Trong thời gian từ năm 1986 đến 1995, tôi làm tú tài, lớn lên như một thanh thiếu niên Đức.

Trương Hồng Quang: Hồi đó anh sống tại vùng Hamburg hay ở bang khác?

Vũ Minh Anh: Ở một bang khác ạ. Bố nuôi tôi là một chính khách Đức, ông được bầu làm thị trưởng ở một tỉnh thuộc bang Rheinland-Pfalz, ở Hunsrück. Đó chính là nơi tôi lớn lên và làm tú tài. 

Trương Hồng Quang: Trong cuộc nói chuyện ngày hôm qua, anh có kể với tôi là sau đó anh học đại học ở Marburg, ngành khoa học chính trị?

Vũ Minh Anh: Vâng, đam mê về ngoại giao nên Minh Anh bắt đầu học đại học ở Marburg với môn chính là khoa học chính trị và kinh tế đối ngoại, như một sự sửa soạn để sau này xin vào làm ngành ngoại giao Đức. Tuy nhiên, điều đó cũng phần nào phản ánh sở thích chung của Minh Anh, thích tìm hiểu nhiều ngành nghề, môn học khác nhau. Khoa học chính trị, cũng như kinh tế quốc dân là những ngành học rất bao quát, bao gồm cả lịch sử, triết học, các học thuyết kinh tế, chính trị…

Trương Hồng Quang: Vâng, tôi thấy phần lớn người Việt Nam, kẻ cả trong thế hệ thứ hai, theo học các ngành kinh tế, kỹ thuật hay y khoa, nhưng theo chuyên ngành khoa học xã hội - nhân văn thì rất hiếm, nên đây là chi tiết rất thú vị đối với tôi. Sau đó, anh có sang nước khác và học thêm một thời gian ở đó nữa phải không ạ?

Vũ Minh Anh: Vâng, lúc học đại học ở Marburg tôi đã đặt mục đích làm sao có cơ hội qua Bắc Mỹ học một thời gian, vì khi đó khoa học chính trị cũng như Quan hệ quốc tế đang rất thịnh hành ở đây. Sau khi nhận được học bổng, Minh Anh qua Canada học, và vì đam mê với hệ thống đại học ở Bắc Mỹ nên có dự định ở lại và định cư tại đây luôn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính là nhà nước Đức yêu cầu về lại Đức để sau này đi quân dịch nên tôi trở lại và lấy bằng ở Marburg.

Trương Hồng Quang: Anh quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp khi nào ạ?

Vũ Minh Anh: Vâng, cuối năm 2004. Sau khi học đại học ở Marburg, Minh Anh sang Áo hành nghề hai ba năm tại một công ty tư vấn, sau đó tiếp tục công việc ở Canada, tại Phòng thương mại Đức ở Toronto. Cuối năm 2004, tôi về Việt Nam chơi, tìm hiểu cơ hội làm ăn và quyết định ở lại luôn. Giữa năm 2005 thì thành lập công ty Terraverde, đến nay là đã 15 năm rồi.  

Trương Hồng Quang: Vâng, cảm ơn anh. Lần đầu tiên tôi được biết anh Vũ Minh Anh là qua một bài báo trên tờ nhật báo “taz” của Đức, số ra ngày 19/3/2020. Bài báo của ký giả Sven Hansen với đầu đề “In Quarantäne nach Absage in Berlin” (tạm dịch là “Bị cách ly sau khi bị khước từ/hủy lịch ở Berlin”). Sau khi được một người bạn chung là một nhà báo Đức gốc Việt giới thiệu với Vũ Minh Anh, được đọc Facebook cá nhân anh thì tôi mới biết đấy chính là những câu chuyện mà anh đã kể lại trên đó, lúc đầu bằng tiếng Anh, và về sau đó có một người bạn đã dịch sang tiếng Việt. Anh có thể chia sẻ lại với người nghe Việt ngữ những trải nghiệm rất đặc biệt này của anh, mà theo cái giật tít rất hấp dẫn trong bài báo của ký giả Sven Hansen là “một doanh nhân Đức - Việt hoạt động trong ngành du lịch đã chứng kiến các biện pháp cưỡng chế chống Corana virus ở châu Á và châu Âu khác nhau như thế nào?”

Vũ Minh Anh: Đầu tiên, tuy là một người Đức gốc Việt đã sống và làm việc ở Việt Nam 15 năm nay nhưng tôi cảm nhận nhận thức và tư duy của mình khá giống người Đức. Suốt tháng Một và tháng Hai, khi tháp tùng các đoàn du khách người Thụy Sĩ, người Đức, tôi ít khi dùng khẩu trang lắm. Dù lúc đó trong nước mọi người đã khá thận trọng nhưng vì khách không đeo khẩu trang và bản thân cũng không xem đó là một vấn đề quá quan trọng nên tôi không sử dụng. Khi từ Đức về tôi cũng cảm thấy có lẽ Việt Nam mình đang làm quá, không cần thiết và nhận thức của người Đức có lẽ đúng hơn trong vấn đề này, nghĩa là không có gì quá nghiêm trọng. Nhưng khi về đến Việt Nam…

Trương Hồng Quang: Nếu được, anh có thể anh kể qua một chút cho những người không đọc bài báo được biết. Có phải anh định sang dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Berlin, và hội chợ đó đã bị hủy đúng không ạ?

Vũ Minh Anh: Vâng, hội chợ ITB là hội chợ du lịch lớn nhất thế giới. Mọi công ty du lịch trong đó có Terraverde tham dự hàng năm. Trước khi đi, tôi cũng đã tìm hiểu và phân vân không biết họ có tổ chức hay không và luôn được xác nhận rằng hội chợ sẽ được tổ chức. Tôi qua Đức với tâm thế sẽ tham dự hội chợ này và còn ở lại cả tháng để thăm các đối tác trong ngành du lịch. Khi hội chợ du lịch ở Berlin bị hủy thì tôi vẫn đến Berlin thăm gia đình, bạn bè, đối tác ở đây. Sau đó, tôi bay về Việt Nam trong chuyến bay cuối cùng vì sợ bị kẹt lại tại Đức. Đó là lí do vì sao Minh Anh bay về Việt Nam trong lúc đấy, tức là vào giữa tháng 3.

Trương Hồng Quang: Tôi nhớ không nhầm thì theo bài báo của tờ “taz”, ngày 15/3 anh hạ cánh ở sân bay thành phố Hồ Chí Minh. Điều gì đã xảy ra tiếp theo trong ngày hôm ấy? Đầu tiên anh dự kiến như thế nào sau khi hạ cánh, và sau đó có một chuyện bất ngờ đã xảy ra phải không ạ?

Vũ Minh Anh: Khi đến sân bay ở Frankfurt, chưa khi nào tôi chứng kiến sự vắng lạnh ở một sân bay quốc tế như hôm đó. Trên máy bay cũng rất vắng. Khi đáp xuống thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết sẽ cách ly. Sau một khoảng thời gian hoảng loạn ban đầu thì tất cả các hành khách hôm đấy được đưa đến khu cách ly ở bệnh viện dã chiến Củ Chi. Chúng tôi được cách ly trong vòng 2 tuần ở đó.

Trương Hồng Quang: Anh có kể là đoàn hôm đấy không chỉ có người Việt mà còn có người đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Anh có thể kể lại phản ứng của mọi người đã diễn như thế nào trong hai tuần cách ly đó?

Vũ Minh Anh: Vâng, thành phần cách ly là tất cả những người đa quốc gia, già, trẻ, lớn, bé đầy đủ cả, phần đông là các du học sinh Việt Nam trở về lánh nạn. Trong đó cũng có vài doanh nhân người Anh, người Đức. Mọi người được cách ly chung trong một khu quân đội ở Củ Chi. Đầu tiên, mọi người cảm thấy bỡ ngỡ, sau đó thì tâm trạng rất là lẫn lộn. Riêng tôi thì nhớ lại thời trước đây, lúc đi vượt biên. Cái tâm trạng của tôi lúc đó là mình về lại một khu cách ly, nhưng lại không mất đi quan hệ và sự tương tác với xã hội bên ngoài, thông qua Internet. Và có một không gian tĩnh tại để tôi có thể nói lên những cảm nghĩ của mình lúc đấy.

Trương Hồng Quang: Trong hai tuần cách ly ở đó chắc anh đã có những quan sát và nhận thấy sự khác nhau trong ứng xử giữa châu Á và châu Âu trước đại dịch?

Vũ Minh Anh: Anh Quang cho phép tôi nói dài hơn một chút về vấn đề này. Có hai trải nghiệm tôi phần nào muốn so sánh với nhau. Đầu tiên, một trong những trải nghiệm khi tôi đi vượt biên là cái trải nghiệm con người có thể trở thành con vật khi gặp khó khăn. Tôi đã chứng kiến cảnh những người lớn giành ăn với trẻ em, khi họ cảm thấy họ phải tồn tại vì miếng ăn.

Trương Hồng Quang: Trên con thuyền anh từng đi ạ?

Vũ Minh Anh: Vâng, trên thuyền, trên con tàu Cap Anamur, khi chúng tôi đã được vớt lên đó. Đó là một hành trình dài và không biết khi nào kết thúc, cũng giống như hành trình chống chọi với Virus Corona lúc này. Tương lai, quá khứ bị tách rời, và mình không thể biết khi nào tương lai nó sẽ khác, hay chỉ là sự nối tiếp của hiện tại bây giờ. Một khi có đại dịch hay sự cố xảy ra thì con người sẽ bộc lộ những điều tích cực và tiêu cực nhất của mình. Lúc đó, tôi đã cảm nhận người ta sẵn sàng giành nhau một miếng ăn, đạo đức cũng như những giá trị con người, ngày hôm nay nhìn lại, tôi thấy nó chỉ như một cái veneer, một lớp tráng rất mỏng trên mặt phẳng tương tác, đối xử giữa con người và con người mà thôi. Nhưng khi vào khu cách ly hôm nay thì trải nghiệm của tôi tích cực hơn. Tôi cảm nhận được một bầu không khí và một năng lượng rất tích cực của những người bị cách ly trong lúc đấy, nhất là của các vị lớn tuổi, phần đông là các cô, các chú người Bắc. Tôi cảm nhận được một sự hoan hỉ nào đấy. Có lẽ nó làm họ nhớ lại thời bao cấp, thời của tình thương, của sự mến thương, tình làng nước, tình đồng đội v.v... Tuy là trong một giai đoạn, một hoàn cảnh bất đắc dĩ, tôi gọi là stage of exception, nhưng con người lại phát huy được tinh thần và một năng lượng, một energy rất tích cực. Tôi xem đó là một hiện tượng khá lạ ở Việt Nam, ngoài những trường hợp như bóng đá v.v... vốn mang đến một năng lượng rất lớn, nhất là với giới trẻ trong xã hội Việt Nam. Đây là một trong những ngoại lệ mà tôi đã cảm nhận được trong lúc bị cách ly.

Trương Hồng Quang: Cảm ơn anh với chia sẻ thú vị này. Trong những chia sẻ của anh trên Facebook, anh đưa ra nhận định rằng thông qua những trải nghiệm đó thế giới dường như khác so với cái cơ chế lưỡng phân mà chúng ta vẫn minh định từ trước đến giờ: đây là dân chủ - kia là chuyên chế, đây là phương Đông - kia là phương Tây, rồi nước giàu - nước nghèo… Dường như bây giờ, dù ở đây hay ở đâu đó, đã có một cái mà anh gọi “common sense”, một thứ lương thức, nó khiến chúng ta thay đổi cách nhìn về thế giới trong tương lai. Tất nhiên, nếu chúng ta quan sát lại những diễn biến trong giai đoạn vừa qua cho đến nay thì lúc đầu cũng có những hoài nghi đến cả từ hai bên. Châu Á cũng như Việt Nam đánh giá cho rằng phía Đức hay châu Âu rất chủ quan trong phòng chống dịch. Ngược lại, về phía châu Âu, phương Tây cũng có những đánh giá tiêu cực khác. Dần dần, theo cảm nhận của tôi, ít nhất là trong quan hệ giữa Đức - Việt Nam, đã gia tăng chiều hướng cảm thông, rồi ngạc nhiên, theo một nghĩa tích cực. Ở đây chẳng hạn có một phần đóng góp không nhỏ từ các sáng kiến của cộng đồng Việt Nam ở Đức. Chắc anh cũng theo dõi cộng đồng mình đã có các hoạt động như trao tặng thức ăn, may khẩu trang,… tạo ra sự kết giao rất tốt với xã hội sở tại và người dân ở đây. Anh đánh giá thế nào về những khác biệt, cũng như những liên kết mới đang hình thành như thế này? Liệu chúng sẽ có ý nghĩa nào, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cái cách nhìn nhận của thế giới về nhau trong giai đoạn hậu khủng hoảng?

Vũ Minh Anh: Vâng, như cảm nghĩ tôi đã chia sẻ ngay lúc bị cách ly là có một cái gì rất mới đang xảy ra với chúng ta, mà chúng ta chưa biết nó là gì. Sau đó, đọc những bài báo của các nhà phân tích chuyên nghiệp, của những trí thức trên toàn thế giới thì họ cũng đưa ra một giả định là chúng ta đang ở trong một giai đoạn gọi là “Paradigmenwechsel”.

Trương Hồng Quang: Có thể dịch là “thay đổi về hệ hình.”

Vũ Minh Anh: Vâng, một cái gì đó mới đang thành hình. Là sự chuyển hóa từ một con sâu thành con bướm, chứ không phải chuyển từ version (phiên bản) 1 cho đến version 2. Nó có một cái gì đó mang tính chất căn bản hơn rất nhiều. Có lẽ bây giờ mình cảm thấy nó cụ thể hơn nhiều. Trong nhận thức đầu tiên của tôi thì tôi nghĩ nó thể hiện một xu hướng chung, là phương Tây đang bắt đầu chuyển mình từ tư duy của Descartes, của Newton, từ việc sử dụng một triết lý, một thế giới quan mà bây giờ đã từ từ được toàn cầu hóa, được châu Á hóa, gọi là Asianization. Cái hệ hình mới này bao gồm cả thế giới quan của người châu Á, cách nhìn, cách hành xử của người châu Á và sự học hỏi cần thiết từ phía phương Tây, chứ không phải ngược lại. Trong 100 năm vừa rồi phương Tây đã mang lại văn minh cho thế giới. Bây giờ đang là lúc trỗi dậy của châu Á, và đại dịch này đang làm nhanh hơn và làm ngắn lại cái giai đoạn, cái quá trình này. 

Trương Hồng Quang: Thưa anh, công ty Terraverde của anh hoạt động trên lĩnh vực du lịch. Theo như tôi hiểu công ty anh hoạt động với triết lý tìm ra những hướng đi khác so với du lịch đại trà, thân thiện hơn với môi trường, với sinh thái, với văn hóa và lịch sử bản địa. Nhưng dù sao thì lĩnh vực của anh cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch hiện tại. Anh hình dung như thế nào về hướng đi, giải pháp cụ thể trong tương lai cho lĩnh vực kinh doanh của mình? Ở đây tôi muốn trích lại một ý tưởng của triết gia Martin Heidegger mà anh đã chia sẻ trên Facebook cách đây không lâu. Heidegger viết câu này vào năm 1938. Tôi xin tạm dịch ra tiếng Việt như thế này: “Tôi tin rằng sẽ phải có một thời đại của sự cô đơn bao phủ lên thế giới, trước khi nó (thế giới) có thể lấy lại cho mình một luồng sinh khí mới để sáng tạo, để trả lại cho sự vật cái sức mạnh bản chất của nó.” Câu nói này của Heidegger có ý nghĩa thế nào đối với anh, thứ nhất là trong tư cách một doanh nhân - người sẽ phải tìm ra một vision, một tầm nhìn mới cho hoạt động trong tương lai của mình - và thứ hai, trong tư cách cá nhân?

Vũ Minh Anh: Vâng, tôi học ở Marburg và vô tình đây cũng là nơi ông triết gia nổi tiếng Martin Heidegger và bà triết gia Hannah Arendt - một cặp tình nhân lúc đấy - đã dạy, học và có nhiều hoạt động tại đây. Nhưng phải sau này, từ mấy năm gần đây, tôi mới bắt đầu quan tâm tới bản thể học, hình tượng học. Đây là hai xu hướng, hai trường phái triết học, tuy nhiên đều mang tính cách cụ thể, liên quan đến cuộc sống và bản thể con người. Câu hỏi ở đây là: Con người là ai? Chúng ta sống như thế nào? Vai trò của con người ra sao? Như thế nào là “Mensch-Sein”, là bản thể của con người? Điều này luôn luôn ảnh hưởng đến triết lý du lịch của Minh Anh và của công ty, trong việc hiện thực hóa nó. Một ví dụ cụ thể là đối với Heidegger, đối với bản thể học thì ngôn ngữ và dialogue, sự đàm thoại, sự tương tác với nhau là căn nguyên vì sao chúng ta là con người, làm nên sự khác biệt giữa con người và những động vật khác. Heidegger nói: “Die Sprache ist das Haus des Seins” (Ngôn ngữ là tòa nhà của bản thể).

Trương Hồng Quang: Vâng, hay nói theo cách dịch của một người bạn của tôi, của GS Trương Đăng Dung: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu thể.”

Vũ Minh Anh: Vâng, vậy thì trải nghiệm du lịch nếu mang tính triết học thì nó phải như thế nào? Chúng ta có thể tạo ra sản phẩm du lịch mang tính chuyển hóa, gọi là “Transformative Travel”, hay không? Chúng tôi đã cố gắng tạo nên trải nghiệm đó qua sự tương tác, gặp gỡ, chẳng hạn với các “Moritzburger”[1], với cả những người thường dân để chia sẻ trải nghiệm cuộc sống của họ ở Việt Nam như thế nào. Nghĩa là du lịch không chỉ đơn thuần để tham quan những di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, mà một trong những điểm chính là sự gặp gỡ và chia sẻ với mọi người trong mọi thành phần xã hội. Đó là một trong những trụ cột của du lịch mà theo quan điểm của Minh Anh là du lịch ngoại giao, du lịch luôn mang tính cách tương tác, giao thoa văn hóa giữa người lạ và người địa phương. Minh Anh thì luôn coi mình là một người lạ. Ở Đức thì xem mình không phải người Đức, về Việt Nam thì cũng xem mình không phải là người Việt, tư duy của một “Grenzgänger”, một người đứng giữa biên giới. Tư duy đó phản ánh phần nào trong công việc của mình lúc này.

Trương Hồng Quang: Vâng, tôi hiểu trong một mô hình du lịch như vậy anh tổ chức các cuộc đối thoại với một chiều sâu nhất định. Đó là một sản phẩm đặc thù, khác với những luồng du lịch đại trà. Về kinh tế, có lẽ nó chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong thị trường du lịch chung. Với mô hình như vậy, trong quá khứ, anh có thành công hay không, có thể tự khẳng định được không? Đặc biệt, sau sự chuyển đổi rất lớn đối với nền công nghiệp du lịch nói chung, gây ra bởi đại dịch, anh sẽ có những thay đổi nào, để có thể đi tiếp theo hướng này?

Vũ Minh Anh: Nếu nhìn lại 15 năm vừa rồi, dù trải qua nhiều khó khăn, thì Minh Anh vẫn dám mạn phép nói rằng mình đã có sự thành công nhất định. Thành công vì đã tập trung vào một thị trường ngạch, gọi là “being a specialist”. Đó là tư duy mà bên Đức gọi là “Stärke stärken”, nghĩa là mình tập trung vào điểm mạnh, sở thích của mình và mang lại sự khác biệt. Công ty Terraverde đã trở thành một thương hiệu đối với thị trường Đức, với các phái đoàn chính trị cao cấp, các tour đặc trưng cho các tờ báo như “Die Zeit” “taz”v.v… Vì nó có hàm lượng tri thức cao hơn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng là những trí thức, những người quan tâm tìm hiểu văn hóa một cách sâu xa hơn. Xin phép được nói là chúng tôi đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, nếu nói về tương lai, thì Minh Anh  nghĩ là chúng ta lại bắt đầu từ con số không. Thứ nhất, mọi công ty, ngành nghề đều đang gặp khó khăn cả, nhưng riêng ngành du lịch gặp khó khăn lớn nhất. Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn chung với các đồng nghiệp trong ngành. Song đây cũng là cơ hội để hình thành một thị trường mới. Ngoài những rủi ro, khó khăn mọi người đang gặp, chúng tôi cũng nhận định rằng thành công trong quá khứ không có nghĩa là chúng ta tiếp tục thành công trong tương lai. Tuy nhiên, nên xác định điểm mạnh của chúng ta là gì để tiếp tục bổ sung, xây dựng nhằm có chỗ đứng tốt hơn khi thị trường quay trở lại.

Trương Hồng Quang: Cảm ơn anh. Anh có chia sẻ với tôi là mấy ngày qua anh rất bận để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập của GBA (German Business Association), tức Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Qua công việc dịch thuật của mình, tôi cũng đã nhiều lần có cơ hội tiếp xúc với các doanh nhân Đức gốc Việt như anh Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc của Bosch Việt Nam trước đây và hiện đang làm việc cho Vingroup, hay anh Phạm Thái Lai, Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam… Và hôm nay tôi được trò chuyện với anh cũng là một doanh nhân Đức gốc Việt. Vậy, từ giác độ này, xin anh chia sẻ ý kiến, cảm nhận của anh về quan hệ hợp tác Đức - Việt và triển vọng của mối quan hệ này, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế - thương mại trong thời gian tới, căn cứ vào những trải nghiệm mà anh đã có với tư cách một doanh nhân Đức gốc Việt đang hoạt động trên thị trường Việt Nam.

Vũ Minh Anh: Thưa anh, thưa quý khán giả, những gì tôi nói ra không mang tính chê bai hay tính chỉ trích. Tuy nhiên theo quan sát của tôi trong 15 năm qua cũng như qua quá trình đồng hành với GBA, với khối doanh nghiệp Đức ở Việt Nam, cũng như với những người Việt Nam có gắn bó văn hóa với Đức, tôi cảm nhận là trên phương diện chính thức thì chúng ta đang có mối quan hệ mật thiết, mang tính chiến lược giữa hai nước, có nhiều triển vọng, nhiều tiềm năng, nhưng năng lực trong thực tế chưa đạt đến như vậy. Đầu tiên, tôi cảm thấy quan hệ giữa hai nước tuy có nhiều triển vọng nhưng vẫn chỉ hạn chế trong lĩnh vực kinh tế mà thôi. Với số lượng người Việt đã, đang được học tập, đào tạo, sinh sống ở Đức và về Việt Nam cũng có những địa vị, những vai trò nhất định trong xã hội như vậy thì sự ảnh hưởng của Đức đối với Việt Nam và ngược lại là chưa đáng kể. Mặc dù hiện cũng đã có những hành động, sự kiện rất tích cực, đáng hoan nghênh như vừa rồi của cộng đồng người Việt là hỗ trợ Đức may khẩu trang v.v... Dù đó là những hành động khiêm nhường, nhỏ bé, nhưng lại có ý nghĩa nhất định trong cái nhìn của người Đức. Điều mà tôi muốn nhắc đến ở đây là khi sự kiện Trịnh Xuân Thanh xảy ra, một trong những suy nghĩ của tôi có lúc đó là: À, thì ra mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức còn rất mong manh. Nó không có một chiều sâu như mối quan hệ Mỹ và Đức chẳng hạn, với những sự đan xen về nhân sự, về khoa học, về văn hóa, các hiệp hội, bạn bè hoạt động rất tích cực với nhau v.v..., để khi có những mâu thuẫn - chẳng hạn như trong họ hàng có những tranh cãi, xung khắc với nhau -  thì có thể hòa giải, hỗ trợ xây dựng lại mối quan hệ một cách bền vững, hay như người ta thường nói, “stress resistant ”, có khả năng chịu đựng áp lực. Trong những năm vừa qua, thực sự mà nói chúng ta chưa đầu tư đúng mức vào mối quan hệ văn hóa giữa hai nước. Ví dụ như tại sao cho đến hôm nay Việt Nam vẫn chưa có một Viện nghiên cứu về Đức chẳng hạn? Nghiên cứu ở đây không chỉ về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế Đức, mà còn tìm hiểu về mô hình chính trị, vai trò lịch sử của Đức, tư duy của người Đức trong hiện tại và tương lai. Đâu là những yếu tố thành công của họ? Họ có những vấn đề khó khăn nào về địa chính trị? Chúng ta có thể học hỏi gì từ những bài học của Đức, không chỉ về phát triển công nghệ và kinh tế, mà cả những bài học mà như trước đây Nhật Bản thời Minh Trị, cũng như Hàn Quốc sau này, đã học hỏi từ Đức rất nhiều.

Trương Hồng Quang: Mặc dù chưa có một thiết chế như Viện nghiên cứu Đức như anh nói chẳng hạn, nhưng tôi phỏng đoán trong xã hội dân sự hay trong giới kinh doanh, đặc biệt ở các doanh nhân từ Đức trở về về Việt Nam, chắc cũng có những salon sinh hoạt, những đối thoại, trao đổi về những vấn đề như vậy đúng không ạ?

Vũ Minh Anh: Vâng, tuy mang tính chất cá nhân lẻ tẻ và chưa có một mô hình lớn nhưng những năm gần đây đã có những salon, những trao đổi, đàm thoại của giới doanh nghiệp Đức cũng như người Việt biết nói tiếng Đức hoặc quan tâm văn hóa Đức để giao lưu, chia sẻ về những đề tài nhất định. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó cần phải được nâng lên một tầm cao mới, được institutionalize (thể chế hóa). Tôi chỉ muốn nói lên một giả định, một mong muốn mà thôi. Theo tôi nghĩ, Việt Nam đang trong một giai đoạn đứng trước cơ hội rất lớn. Năm 1975, khi thống nhất đất nước, đó là một sự đổi mới về chính trị, thể chế. Năm 1986 là sự chuyển hóa về kinh tế. Và bây giờ, năm 2020, biết đâu đã đến lúc chúng ta có một sự chuyển hóa về văn hóa để có sự cởi mở nhất định, để quên đi những thành kiến, những “ideology” (ý thức hệ); để chúng ta cùng ngồi lại với nhau và có sự trao đổi thiết thực. Tôi phần nào bị ảnh hưởng bởi triết lý của bà Hannah Arendt, gọi là “Denken ohne Geländer”, tức là tư duy không cần tay vịn, không cần phải vịn vào bất cứ một học thuyết nào cả. Và đến với nhau bằng một tâm thế muốn học hỏi, muốn hiểu chúng ta đang sống trong xã hội nào và mô hình nào, đường đi nào là đường đi tốt nhất để chúng ta tiếp tục sau đại dịch này.   

Trương Hồng Quang: Vừa rồi anh có chia sẻ về sự kiện Trịnh Xuân Thanh xảy ra cách đây vài năm. Có thể nói đó là một cái stress test, một liều thử về mức khả năng chịu đựng áp lực rất lớn trong quan hệ giữa hai nước. Và tôi cũng đồng cảm với nhận định của anh là nó khiến cho chúng ta thấy mối quan hệ được gọi là chiến lược thực ra cũng rất mong manh như thế nào. Thế nhưng, mặt khác, tôi cũng xin bổ sung thêm dưới giác độ của tôi, một người lúc đó đang có mặt tại Đức. Trước hết xin chia sẻ thêm một chút về tác động của khủng hoảng này đối với nghề nghiệp của tôi với tư cách một phiên dịch viên, có lẽ còn lớn hơn cả tác động do khủng hoảng Corona gây ra hiện nay. Tất cả các hợp đồng dịch trên các lĩnh vực hợp tác phát triển, tất cả cả các các đoàn bị cắt hết v.v... Nhưng mặt khác, trong xã hội dân sự, trong quan hệ giữa người và người, giữa các tổ chức hoạt động ở Đức từ trước tới giờ với Việt Nam thì sự đối thoại vẫn diễn ra rất tốt đẹp, trên cả cấp các Chính quyền Bang. Tôi lấy ví dụ như Bang Thüringen, Bang Mecklenburg-Vorpommern, trong quá trình đang xảy ra khủng hoảng thì vẫn có các hoạt động xúc tiến để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ hiến Bang Thüringen, ông Bodo Ramelow, để góp phần giải tỏa các căng thẳng. Trước đó, theo tôi được biết, Nguyên Thủ hiến của Bang Hessen, ông Roland Koch, cũng đã tham dự những cuộc tham vấn riêng để cùng tìm các giải pháp. Ý tôi muốn nói là trong tầng sâu mối quan hệ Đức - Việt, với lịch sử rất đặc thù từ hơn nửa thế kỷ nay cả ở miền Đông lẫn miền Tây, rõ ràng đã có một căn cốt rất bền vững, và giờ đây có thêm sự kết nối với thượng tầng chính trị nữa thì sẽ tạo dựng nên một tương lai phát triển bền vững.

Để kết thúc câu chuyện rất thú vị hôm nay, có lẽ tôi xin trở lại với Hannah Arendt - một nhân vật được chúng ta nhắc đến nhiều từ nãy đến giờ - với một ý tưởng của bà mà anh cũng đã dẫn trên Facebook của mình, mà tôi tạm dịch như sau: Điều khó khăn nhất là có được/giữ được tình yêu đối với thế giới (Amor Mundi), như nó đang tồn tại.Lúc nãy chúng ta vừa nhắc lại một ý của Martin Heidegger, một triết gia từng có lúc gần gũi với chế độ Quốc Xã của Đức. Và bây giờ là Hannah Arendt, một triết gia Đức gốc Do Thái, một nạn nhân của chế độ Quốc Xã. Chúng ta cũng biết Hannah Arendt từng là sinh viên của Martin Heidegger tại Marburg, và cũng từng là người tình của ông. Chính bà, sau khi Thế chiến II kết thúc, đã đứng ra bảo vệ cho Heidegger. Có một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong những ngày này, ở rất nhiều những buổi talkshow, phỏng vấn mà tôi theo dõi tại Đức, với các nhà xã hội học, các triết gia, kinh tế học v.v..., đó là câu hỏi: “Ông/bà lạc quan hay bi quan khi nhìn nhận về thế giới tương lai?” Tôi cũng muốn đặt lại câu hỏi đó với khách mời của chương trình ngày hôm nay, tất nhiên là với tất cả cái hàm ý trong câu nói của Hannah Arendt:“Làm sao có thể giữ/chăm sóc được tình yêu đối với thế giới, như nó đang hiện tồn”?

Vũ Minh Anh: Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của anh, Minh Anh xin phép được trình bày một vài ý tưởng như sau. Đầu tiên, đây là một hiện tượng thế giới, mang tính chất toàn cầu. Đại dịch này đã cho mọi người thấy sự trì trệ về hoạt động trên toàn thế giới, nước giàu cũng như nước nghèo đều bị ảnh hưởng cả. Tuy nhiên, trong mọi xã hội đều có ba thành phần. Thứ nhất là những người thấp cổ bé họng, những người đang phải đương đầu để sống còn, họ không có cơ hội để trình bày như chúng ta, để tư duy như chúng ta. Thành phần thứ hai là những người hưu trí và không có nhu cầu đi lại nhiều, cuộc sống của họ không bị ảnh hưởng nhiều so với trước đây. Thành phần thứ ba tạm gọi là những người đang phải mưu sống, đang phải tư duy. Có thể nói đây là thành phần trung lưu, được rất nhiều ưu ái, ân sủng mà trước đây được coi là bình thường, nhưng bây giờ đang bị hạn chế. Nhưng những cái hạn chế của chúng ta cũng nói lên chính những possibility (khả năng), những cơ hội, sự lựa chọn mà chúng ta có được. Điều đó phần nào phản ánh tư duy của Hannah Arendt trong lúc này. Bi quan hay lạc quan tùy thuộc vào cảm nhận của chúng ta. Đó là điều tôi nhận thấy từ triết học bản thể. Mình là người tạo nên những cảm xúc, cảm nhận của mình (you’re creator of your own possibility, your own feeling). Những ảnh hưởng từ bên ngoài phần nào chỉ phản ánh lại cảm nhận của chúng ta mà thôi. Trong sự ảnh hưởng của đại dịch mang tính toàn cầu như thế này, để tiếp theo ý tưởng của Hannah Arendt, chúng ta cần một tư duy toàn cầu, một tâm thế mới, một context, bối cảnh mới để giải quyết mọi vấn đề. Tôi lấy một ví dụ cụ thể. Vì sao trong những năm vừa qua chính phủ Đức bàn luận để tăng thêm một vài tỷ Euro trong đóng góp cho NATO hay cho chính sách xã hội đã là một khó khăn, mà chỉ vì đại dịch do Corona virus gây ra các đảng phái đã thống nhất với nhau, đồng thuận với nhau để đưa ra gói hỗ trợ tới mức nghìn tỷ Euro. Nó cho thấy những giải pháp ngoài sự tưởng tượng đã có thể được đưa ra. Như thế nghĩa là chúng ta có thể hình dung về một thế giới mới, nếu chúng ta có thể tin được vào những sự phỏng đoán gọi là “voraussagen”, dự đoán về tương lai. Tôi thì không tin vào những lời tiên tri đâu, vì trong quá khứ cho thấy những người phỏng đoán tương lai phần đông là sai. Tiếng Đức có câu “Es wird nie so heiß gegessen, wie es gekocht wird”, có nghĩa là ăn thì không bao giờ nóng như lúc nấu. Có lẽ mọi việc không đến nỗi kinh khủng như chúng ta nghĩ, nhưng ngược lại đây cũng là một cơ hội để tĩnh lại, tư duy lại về việc chúng ta muốn gì và chúng ta đang đứng ở đâu, trong khung trời của Đức cũng như của Việt Nam. Bây giờ là lúc để nhìn lại và ý thức hơn chúng ta đang làm gì, từ cá nhân, công ty cho tới quốc gia.

Trương Hồng Quang: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi rất thú vị, cởi mở và mang đến cho bản thân tôi nhiều cảm hứng, sự khích lệ. Chúc anh, gia đình và công ty bình an, tiếp tục có những sáng tạo và thành công mới. Hẹn gặp anh lần sau trong một cuộc gặp ngoài đời tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Berlin. Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã theo dõi cuộc trao đổi hôm nay.

Trang Đoan ghi

 


[1] Những người thuộc thế hệ các học sinh, sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử sang học tập ở CHDC Đức trước đây, từ cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước (Chú thích của biên tập)   

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487757

Hôm nay

2171

Hôm qua

2337

Tuần này

22111

Tháng này

215069

Tháng qua

120271

Tất cả

114487757