Những góc nhìn Văn hoá

Đặc điểm kẻ sĩ xứ Nghệ thời Nguyễn

                                                                                                          

Thầy đồ dạy trẻ ở thế kỷ XIX. Ảnh tư liệu

 Thời Nguyễn, xứ Nghệ vươn lên đứng đầu cả nước về thành tựu khoa bảng(1). Trong đội ngũ đông đảo kẻ sĩ thời Nguyễn, kẻ sĩ xứ Nghệ chiếm vị trí hết sức nổi bật. Có thể xem kẻ sĩ xứ Nghệ là hình ảnh thu nhỏ của kẻ sĩ Việt Nam về mọi phương diện. Tuy vậy, có thể nhận ra một số đặc điểm:

1. Xứ Nghệ là đất Nho học, là đất của thầy đồ và người nông dân sản xuất tự cung, tự cấp, ảnh hưởng của kinh tế hàng hóa và của thị dân rất thấp. Kẻ sĩ xứ Nghệ gắn bó mật thiết với làng xã sản xuất nông nghiệp. Nhà Nho xưa thường coi thường lao động chân tay và sức “trói gà không chặt”. Nhưng nhà Nho xứ Nghệ thường không như vậy! Sinh ra ở xứ sở thiên nhiên dữ dằn, anh học trò xứ Nghệ thường phải vừa học, vừa làm, nên yêu lao động chân tay. TS Nguyễn Xuân Ôn thuở hàn vi thường ra xứ Thanh cày bừa thuê để có tiền theo nghiệp sách đèn. Có giai thoại nói cố Bồ (Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du) lúc lẩn trốn triều Tây Sơn từng giỏi đan bồ, đan rổ, rá; Quan Đốc học Lê Thước ngày nghỉ về làng đi cày ruộng, v.v… nói lên thực tế đó.

Sự gần gũi chan hòa giữa nhà nông & kẻ sĩ xứ Nghệ đã được vị Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục khái quát: “Sĩ là do nông mà ra… Người ta lúc nhỏ đi học, đó là nông mà sĩ, lúc lớn lên đi làm quan, đó là sĩ mà nông, lúc già về hưu lại nông mà sĩ(1). La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp từng viết: Thế sự vô như độc dữ canh 無如讀與耕(Việc đời không gì bằng đọc sách và cày ruộng)(2).

 Nhờ gắn bó với nông dân, kẻ sĩ xứ Nghệ học được lời ăn tiếng nói của họ làm cho vốn ngôn ngữ ngày càng giàu thêm. Tiếng nói của người “trồng dâu, trồng gai”đã góp phần quan trọng giúp các nhà thơ xứ Nghệ từ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Hổ đến Đinh Nhật Thận, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu xây dựng nên các kiệt tác của mình. Học giả Thái Kim Đỉnh (1926-2017) nhận xét rất đúng: “Đỉnh cao của văn Nôm Việt Nam những thế kỷ sau Nguyễn Trãi là văn Nôm người Nghệ(3)

 Do thiên nhiên khắc nghiệt, kẻ sĩ bình dân xứ Nghệ phải tiết kiệm đến mức “cá gỗ”. Tiết kiệm trong sinh hoạt đã đành, trong học tập họ cũng chỉ chú trọng cái thiết thực. Không phải ngẫu nhiên mà có một tác phẩm quan trọng của Nguyễn Đức Đạt làCần kiệm vựng biên 勤儉彙編lấy “Cần” (chuyên cần) và “Kiệm” (tiết kiệm) làm hai nội dung chính. Dĩ nhiên cái học khoa cử khiến họ không thể thoát khỏi giáo lý Khổng - Mạnh, Trình - Chu, nhưng phương pháp học tập, đọc sách của họ đáng để ta chú ý. Trong tờ tấu dâng vua Quang Trung năm 1791, La Sơn phu tử có trình bày chủ trương của ông về việc học: “Học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm, hy vọng mới có nhân tài, nhà nước nhờ đó mà vững yên”. Trong bài Sơn cư tác (Viết khi ở núi)của ông từng có câu: Học phi dục tạp, tu tri bác/Thư bất đồ đa, duy quý tinh 学非欲雜須知/(Học đừng vụn vặt, nên biết suy rộng ra/Sách chẳng cần nhiều, nên chọn lấy cái tinh).(4)

 Nguyễn Du từng có thiện cảm với Phật giáo, nhưng cũng như các nhà Nho xứ Nghệ, ông chỉ học ở Phật giáo những cái gì tinh túy, thiết thực. Dường như thi hào không đi sâu vào giáo lý đạo Phật. Trong bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài, ông từng viết: Ngã độc Kim Cương thiên biến linh/Kỳ trung áo chỉ đa bất minh (Ta đọc kinh Kim cương hàng nghìn lượt/Nhưng những ý nghĩa sâu xa trong đó phần lớn ta không hiểu rõ)(5).

Trong Truyện Kiều & Văn chiêu hồn tính nhân dân trong tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Du chỉ gặp đạo Phật ở điểm xuất phát của nó: đó là mối đồng cảm sâu sắc đối với nỗi khổ của con người, là mối bất bình sâu xa đối với những dục vọng thấp hèn trong xã hội cũ.

Nhà tư tưởng nổi tiếng nửa sau thế kỷ XIX Nguyễn Đức Đạt thì khuyên học trò: “Kiến thức thì có hạn, sự lý thì vô cùng, học giả không quý ở biết hết, mà quý ở chỗ biết đến nơi đến chốn...”(6). Ông cũng có lúc tìm đến Phật giáo, nhưng dường như chỉ để tạm thời giải tỏa tâm hồn. Xin hãy đọc bài thơ Trú ngọa văn tự tăng thuyết kinh 晝臥聞寺僧説經(Ban ngày nằm nghe sư giảng kinh):

Quân tự lưu thần tụng niệm gian,

 Tham miên ngã khước yểm thiền quan.

Đồng tâm hựu hạ Như Lai chứng,

 Quân đắc siêu sinh ngã đắc nhàn

(Ông để hết tâm trí vào việc tụng niệm,

Tôi thì tham ngủ bèn đóng chặt cửa thiền lại.

 Cùng một lòng xin được Như Lai chứng giám cho,

Ông được siêu sinh, tôi được nhàn)(7)

       Điều kiện thiên nhiên, lịch sử văn hóa tạo cho người xứ Nghệ cốt cách “cứng đầu” (Nguyễn Ái Quốc). Nhiều quan lại thực dân trước đây cũng thừa nhận như vậy. Trong tác phẩm Nghệ An ký Bùi Dương Lịch viết: “Người Nghệ An… những người đang làm quan cũng đều lấy danh tiết làm trọng. Người nào quen thói mua rẻ, bán đắt, tranh lợi với dân thì bị dư luận đương thời khinh bỉ, suốt đời không thể ngóc lên được. Kẻ  sĩ phu chưa được hiển đạt, cũng đều lấy sự luồn lọt nhờ vả cửa quyền góp lượm của cải làm điều hổ thẹn”.(11) Vì tính cứng rắn, không chịu luồn lọt đó mà Nguyễn Công Trứ lận đận chốn quan trường, lúc lên đến Tổng đốc, lúc tụt xuống làm anh lính trơn. Vì tính cứng rắn đó mà Hoàng Phan Thái nổi dậy chống triều đình, mà Phan Đình Phùng khảng khái lên án Tôn Thất Thuyết tự ý phế lập Dục Đức, Hiệp Hòa. Nhưng cũng chính vì lấy danh tiết & nghĩa lớn làm trọng, dù bị Tôn Thất Thuyết đuổi về làng, nhưng khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở kháng chiến, ông lại sát cánh cùng Tôn Thất Thuyết tập hợp nghĩa quân chống Pháp. Giai thoại còn cho biết ông Nghè Đinh Nhật Thận dám dùng chữ nghĩa cãi lại vua Tự Đức và khi chữa bệnh cho Thái hậu Từ Dũ ông còn đòi phải được nhìn rõ mặt bà mới chịu kê đơn!

Cứng rắn, trọng tiết tháo, muốn giúp ích nước nhà, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đã dũng cảm trút hết tâm huyết của mình vào các bản điều trần: “Đang ở trong hoàn cảnh bị hiềm khích, chắc chắn đã ai tin ngay lời tôi nói nên phải kiên nhẫn đợi chờ, không dám đuổi theo tài lợi; đành cam chịu một cuộc sống nghèo khó để chứng minh cho lời nói của tôi là không vì một cái gì, không mong được một cái gì, không bị ai xui khiến, không có ý đồ gì khác mà vượt ra ngoài lẽ thường tình” (Tâm sự với Trần Tiễn Thành - Di thảo số 11). Tính cứng rắn vì đại nghĩa của Nguyễn Trường Tộ chính là cốt cách của kẻ sĩ xứ Nghệ nói chung: dũng cảm vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã; kiên cường trước mọi thứ cám dỗ và trước mọi thứ quyền lực, vì đại nghĩa của dân tộc thì một lòng son sắt thủy chung, sẵn sàng xả thân bất chấp nguy hiểm.

 Khí tiết cứng rắn của kẻ sĩ xứ Nghệ còn thể hiện qua thơ văn của họ. Danh sĩ Bắc Hà Ngô Thì Nhậm (1746-1802) từng nhận xét văn chương Phạm Nguyễn Du “như thuyền không lái, như ngựa bất kham, khí phách sắc sảo, lời lẽ hùng hồn(9). Sinh thời Nguyễn Công Trứ hầu như chỉ làm thơ Nôm và rất sở trường thể thơ dân tộc hát nói, một thể thơ tự do cho phép ông bộc lộ rõ nét tính cách ngang tàng “ngoài vòng cương tỏa” của mình bằng những câu thơ mạnh mẽ: Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc/Nợ tang bồng vay trả, trả vay/Chí làm trai Nam - Bắc - Đông - Tây/Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể…

 Khí tiết kẻ sĩ xứ Nghệ càng được bồi đắp thêm khi họ sống gần gũi với người lao động và được tắm gội thêm qua các phong trào đấu tranh liên tục chống áp bức, chống ngoại xâm.

 3. Mặt khác, gắn bó với người nông dân một nắng hai sương, với quê hương non xanh nước biếc, kẻ sĩ xứ Nghệ giàu lòng yêu thương con người, tha thiết yêu mến quê hương đất nước. Ông quan xứ Nghệ thường nổi tiếng thanh liêm, ông đồ xứ Nghệ nổi tiếng yêu mến học trò và được học trò kính trọng. Ở thế kỷ XIX, lòng ái quốc của kẻ sĩ xứ Nghệ còn gắn với lòng trung quân như các tấm gương Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã trung với các ông vua yêu nước. Họa vần một người bạn ra đầu thú, Phan Đình Phùng viết: Bách niên tông xã dư hoài nhiệt/Nhất phiến cô trung tặc đởm hàn  / (Lòng ta nung nấu vì tôn miếu xã tắc trăm năm/Một tấm lòng cô trung của ta đủ làm giặc khiếp sợ).(13) Nhưng với những ông vua đầu hàng, lòng ái quốc đã thoát khỏi sự trung quân mù quáng. Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, văn thân Nghệ Tĩnh có bài tấu bác bỏ từng điểm chiếu chỉ chủ hòa của Tự Đức, tự động liên lạc với văn thân Bắc Hà tổ chức chống Pháp. Dũng cảm hơn nữa, một số người đã đi theo ngọn cờ của các Tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai trong khởi nghĩa Giáp Tuất 1874:

                Dập dìu súng bắn cờ xiêu,

             Phen này quyết chống cả triều lẫn Tây.

Vì yêu nước thương dân mà Nguyễn Trường Tộ dũng cảm xem thường vinh hoa, phú quý, đem tấm thân “hèn mọn” mà can ngăn việc trái, trình bày việc phải, không sợ uy quyền, bất chấp nguy hiểm đến tính mệnh! Vì yêu nước thương dân mà biết bao nhà Nho vừa dạy học vừa tham gia hoạt động cứu nước như Nguyễn Thức Tự, Vương Thúc Quý, Ngô Đức Kế… Còn biết bao kẻ sĩ xứ Nghệ lênh đênh góc bể, chân trời theo con đường cứu nước của nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu, biết bao trí thức Tây học theo ngọn cờ của lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc. Biết bao người trong số họ chết vinh còn hơn sống nhục, sẵn sàng hy sinh bản thân cho sự trường tồn của đất nước.

 4. Thế kỷ XIX người ta nói nhiều đến ông đồ xứ Nghệ. Ông đồ Nghệ hay chữ, và “càng dạy chữ càng nhiều” nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, ở đâu cũng được mến mộ. Những ông đồ Nghệ như Nguyễn Huy Oánh,  Phạm Nguyễn Du thời Lê; Đinh Nhật Thận, Đặng Nguyên Cẩn thời Nguyễn nổi tiếng về học vấn uyên bác. Thầy đồ Phan Bội Châu được người đương thời suy tôn là bậc hay chữ nhất nước Nam!

Các ông đồ Nghệ không chỉ hay chữ mà còn hay nghĩa. Có nghĩa của chữ và nghĩa ở ngoài chữ, nghĩa ở trong sách và nghĩa ở ngoài sách. Thầy đồ xứ Nghệ chú ý dạy chữ và còn chú ý hơn về việc dạy đạo làm người. Thầy Nguyễn Thức Tự (1841-1923) là một trong những thầy tiêu biểu nhất cho lối dạy hay nghĩa đó. Học trò xuất sắc bậc nhất của ông là Phan Bội Châu đã ca ngợi thầy: Kinh sư dị đắc/Nhân sư nan tầm 經師易得, 人師難尋 (11)(Thầy dạy kinh dễ gặp/Thầy dạy người khó tìm). Những ông đồ xứ Nghệ vừa được nhắc đến ở trên đều xứng đáng được ca ngợi như thầy Nguyễn Thức Tự.

 5. Kiên cường chống chọi trước thiên tai địch họa, trước cường quyền, kẻ sĩ xứ Nghệ vừa có chí đại trượng phu uy vũ bất năng khuất của Nho giáo, vừa mang truyền thống bất khuất của cha ông do môi trường sống tạo dựng. Nhưng cứng cỏi quá có lúc dẫn đến gàn bướng, cố chấp, nệ cổ. Phạm Nguyễn Du vì cố chấp, khư khư ôm mối cô trung mà thực chất là ngu trung, kịch liệt chống đối Tây Sơn. Một người học rộng, yêu nước thương dân như Nguyễn Thiếp mà cũng mãi đến lần thứ 4, khi trực tiếp hội kiến với Nguyễn Huệ ở Phù Thạch, mới chịu hợp tác với tân triều. Cái học Tống Nho quả có khiến kẻ sĩ xứ Nghệ bảo thủ thêm trên cơ sở cái gàn xứ Nghệ. Nửa sau thế kỷ XIX rồi mà Nam Sơn phu tử Nguyễn Đức Đạt (1824-1887) vẫn còn coi sách vở Khổng - Mạnh là “thiên kinh địa nghĩa”, phê phán cả Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Mượn oai hổ của vua Lê sau khi đã đánh thắng quân Minh, tha hồ muốn nói gì thì nói, nói gì chẳng được, nhưng mà nhập nhằng lắm, nhập nhằng thì bải hoải… Mắng gọi Tuyên Đức là giảo đồng thì khinh bạc lắm(12)

Cả 2 vị lãnh tụ Cần Vương xứ Nghệ Phan Đình Phùng và Nguyễn Xuân Ôn đều kiên quyết từ chối khoa học kỹ thuật phương Tây, từ chối canh tân đất nước. Nguyễn Xuân Ôn viết: Trần Lê tự cổ hưng bình quốc/Tằng hướng Dương nhân học kỹ vô?自古 興 平國, 洋 人學技? (Nhà Trần, nhà Lê ngày xưa đã làm cho nước hưng thịnh/Nào có từng học kỹ thuật với người Tây hay không?)(13) Phan Đình Phùng cũng lập luận: “Lúc đó nếu chúng ta học làm theo những nước như Nhật Bản thì sẽ bị coi là kẻ man di(14)

Nhưng cùng thời với hai vị lãnh tụ Cần Vương trên xứ Nghệ lại có nhà cải cách lớn Nguyễn Trường Tộ và ít lâu sau đó là Phan Bội Châu, một người sẵn sàng thay đổi chính kiến vì mục đích cứu dân, cứu nước. Đó là chưa nói đến lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người vẫn tự khai lý lịch của mình “xuất thân là nhà Nho”. Nhà Nghệ An học Ninh Viết Giao (1933-2017) đã nhận xét rất đúng về hiện tượng này: “Cũng như những nhân cách lớn ở Nghệ Tĩnh: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… và nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giá như Nguyễn Trường Tộ cứ ở Nghệ Tĩnh, quanh quẩn nơi núi Hồng sông Lam, thì dù có tài năng mấy, tâm huyết mấy với quê hương, dân tộc đi nữa, Nguyễn Trường Tộ vẫn là Nguyễn Trường Tộ với tầm vóc nơi thảo dã mà thôi… Phải vượt qua Nghệ Tĩnh, bôn ba đây đó trong nước, ngoài nước, tắm gội trong cái biển văn hóa hiện đại… để học tập tìm hiểu nghĩ suy và tiếp thu tinh hoa thì Nguyễn Trường Tộ mới có một cái nhìn mới, có những suy nghĩ lớn, những đề nghị cải cách lớn… như chúng ta đã thấy qua các điều trần”.(15)

 

 (1) Xin xem: Hồ Sĩ Hùy: Từ góc nhìn văn hóa xứ Nghệ, suy nghĩ thêm về đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 129, 4/2009, tr.2-4.

 (2), (4) Nguyễn Sĩ Cẩn:Thơ La Sơn phu tửNguyễn Thiếp,NXB Nghệ An,1998, tr.186.

(3) Thái Kim Đỉnh: Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ,NXB Nghệ An.1994, tr. 83.

(5) Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính: Nguyễn Du niên phổ & tác phẩm,NXB Văn hóa Thông tin. H.2001, tr. 896-897.Xem thêm: a/Cao Huy Đỉnh: Triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều in trong Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, NXB KHXH, 1971, tr.289; b/Huy Huyền (Hồ Sĩ Hùy), Mai Phương Ngọc: Ảnh hưởng của Phật giáo đối với giới trí thức phong kiến Đại Việt, Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An số 4/2019. 

(6) Dẫn lại theo Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từthế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng tám,T1,Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993, tr111.

(7) Dẫn theo: 26 bài thơ Nguyễn Đức Đạt trích trong Nam Sơn di thảo (Nghệ An toàn chí (Văn thơ xứ Nghệ thời trung đại), tập XVII, NXB Khoa học xã hội, 2013.)

(8) Bùi Dương Lịch Nghệ An ký,NXB KHXH. H.1993, tr. 222

(9) Từ trong di sản…NXB Tác phẩm mới. H.1981, tr.176; 70.

(10), (13), (14) Hợp tuyển thơ văn yêu nước Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX,NXB KHXH. H.1993

(14) Nhà giáo danh tiếng đất LamHồng, NXB Nghệ An.1996, tr.98.

(15) Dẫn lại theo Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm,NXB Văn hóa. H.1984. T1, tr.170 (Nguyên văn câu trong Bình Ngô đại cáo: Toại linh Tuyên Đức chi giảo đồng, độc binh vô yếm :Thằng nhãi con Tuyên Đức (hoàng đế nhà Minh) động binh không ngừng. HSH chú thêm)

(15) Ninh Viết Giao: Nguyễn Trường Tộ & tính cách của một trí thức Nghệ Tĩnhtrong cuốn Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, NXB Đà Nẵng,2000,tr.202.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522707

Hôm nay

2239

Hôm qua

2325

Tuần này

21481

Tháng này

220646

Tháng qua

121009

Tất cả

114522707