Những góc nhìn Văn hoá

Bùi Giáng - Quê nhà và cuộc đời

 

 

Đất hoa khóc vĩnh biệt người.

Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu.

 

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926, người làng Thanh Châu (nay thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Duy Châu là một xã vùng tây Duy Xuyên; trù phú, thơ mộng và thanh bình, nằm ở bờ nam sông Thu. Quê nhà của ông có một địa danh nổi tiếng là đập Vĩnh Trinh. Trong hòa bình, đập này chứa nước ngọt, cung cấp nước tưới tiêu cho ruộng đồng, góp phần làm nên những đồng xanh, ruộng vàng lý tưởng. Trong chiến tranh, nơi này đã từng chứng kiến cái chết của hàng chục thường dân vô tội bị nghi ngờ, bị sát hại.

Làng Thanh Châu là một làng giáp giới giữa vùng bình nguyên và vùng trung du. Huyện Duy Xuyên nằm dọc theo bờ nam sông Thu, địa thế rất lạ: Phía đông của quốc lộ là vùng cận duyên, phía tây là vùng cận sơn. Huyện được xếp vào loại hình bán sơn địa. Cũng như đất Quảng Nam, huyện Duy Xuyên cơ bản còn nghèo nhưng mấy trăm năm qua vẫn sản sinh những con người tài giỏi, kiệt xuất. Bùi Giáng là một trong những con người tài giỏi, kiệt xuất ấy.

Thời thơ ấu, Bùi Giáng từng tự hào về khung cảnh tươi đẹp của quê nhà mình. Trong một bút ký, Bùi Giáng viết: “Làng tôi xưa có nhiều cỏ mọc. Cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn thiêu nướng khổng lồ”.

(Ngày tháng ngao du).

Thân phụ của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thân mẫu là bà Huỳnh (Hoàng) Thị Hai. Ông Thuyên là một người giàu có trong làng, có hai đời vợ. Người vợ thứ nhất họ Phạm, con gái của ông Phạm Tuấn - một trong năm người học giỏi, đỗ đại khoa được xưng tụng là Ngũ phụng tề phi (Năm con phụng cùng bay lên) của đất Quảng Nam. Bà này sinh được một gái và hai trai.

Ông Thuyên đi một bước nữa, cưới bà Huỳnh Thị Hai - tên thời con gái gọi là Kiền. Bà Kiền là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng - em ruột của cụ Hoàng Diệu. Về vai vế, bà Kiền gọi cụ Hoàng Diệu là ông bác nội. Dòng họ Hoàng kiến cơ lập nghiệp trên đất Quảng Nam, lâu ngày âm đọc Hoàng bị Nam - hóa ra thành âm Huỳnh.

Bà Huỳnh Thị Hai sống với ông Thuyên sinh được chín người con; hai gái bảy trai. Ông Bùi Giáng là con trai đầu của bà (sinh sau một người chị gái đầu lòng). Tính cả từ trên xuống, Bùi Giáng là người con thứ năm trong gia đình có cả thảy mười hai người con. Theo cách gọi của Nam bộ, ông Bùi Giáng là thứ sáu. Vì vậy, ông tự nhận mình là Sáu Giáng. Tính ông hài hước, muốn giữ âm vị Quảng Nam rặt ròng nên thêm một chữ O vào trong tên mình, thành ra anh Sáu Gioáng!

  • Ủa, phải anh Sáu Gioáng đó không?
  • Còn cô có phải cô Bông năm nào?

Thuở ấy, làng Thanh Châu không có trường lớp, Bùi Giáng phải sang học tại trường Bảo An (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Lớn lên, ông ra Huế, học bậc trung học tại trường Thuận Hóa. Ông đậu bằng Diplôme (trung học) năm 1945. Cũng năm ấy, ông lập gia đình.

Hôn nhân ngày trước của người Quảng Nam ít có tình trạng trai gái tìm hiểu, thương yêu nhau trước rồi mới cưới nhau mà thường là do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài qui ước đó. Thế nhưng, tất cả những người anh em trong gia đình Bùi Giáng đều công nhận rằng vợ của ông là một phụ nữ trẻ nết na, xinh đẹp. Bùi Giáng rất thương yêu vợ. Bà qua đời năm 1948 vì một cơn bạo bệnh, khi mới hai mươi mốt tuổi.

Gần như không ai trong gia đình còn nhớ rõ hoặc muốn nhắc đến tên thật của người vợ Bùi Giáng. Một thân tộc cho biết bà tên là Vạn Ninh.

Tuy nhiên, tất cả mọi thành viên  gia đình đều quí yêu bà. Ông Bùi Luân - em ruột Bùi Giáng, tỏ bày lòng quí mến của mình với người chị dâu, viết: “… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong kí ức tôi… Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản”.

Cưới vợ cho Bùi Giáng xong, ông Thuyên bà Hai cho đôi vợ chồng mới một khu vườn đẹp, trồng nhiều cau ở làng Trung Phước để hai vợ chồng lên đó lập nghiệp. Trung Phước là một thung lũng trù phú ven sông Thu, kế cận mỏ than Nông Sơn, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Nơi đây được phù sa sông Thu ưu đãi bồi lấp, thành ra hẳn một làng chuyên trồng vườn cây ăn trái. Chính Trung Phước đã góp phần tạo nên một thương cảng Hội An phồn thịnh trong thời các chúa Nguyễn. Hàng hóa từ miền cao tập kết về tới đây rồi thương lái mới mua và chở thuyền xuôi sông Thu về cửa Đại Chiêm.

Người Quảng Nam có câu ca dao hình dung sự buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa miền nguồn và miền xuôi:

Ai về nhắn với nậu nguồn,

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Làng Trung Phước cách làng Thanh Châu trên dưới ba chục cây số. Từ Thanh Châu, người ta có thể đi đường bộ hoặc đường thủy ngược sông Thu lên Trung Phước. Có lẽ cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số”.

Người vợ qua đời khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng. Anh Bùi Giáng lúc bấy giờ đang ở Quảng Ngãi, Bình Định hay Phú Yên gì đó; nghe phong thanh anh đang đi học. Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng - anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”.

Từ sau khi lập gia đình, Bùi Giáng vẫn rong chơi khắp Khu 5 qua những tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Sau khi vợ mất, ông lại càng rong chơi nhiều hơn. Năm 1950, Liên khu 5 (vùng giải phóng của Mặt trận Việt Minh) tổ chức kì thi “Tú tài đặc biệt”. Nó đặc biệt ở chỗ đề thi kỳ này do Liên khu 4 gửi vào, thi xong bài gửi ra Liên khu 4 chấm. Bùi Giáng dự thi và đậu tú tài 2 ban văn chương của kì thi này.

Ngày đó, người đậu tú tài rất hiếm. Đáng lẽ, người ta đậu tú tài xong là đã đi xin việc làm, an tâm hưởng lương bổng rồi. Bùi Giáng vẫn mong được học thêm nữa. Ông lên đường ra Hà Tĩnh, tiếp tục ghi danh vào đại học. Do hoàn cảnh chiến tranh, Bùi Giáng không thể đi bằng xe đò theo quốc lộ 1. Ông phải đi đường mòn trên núi từ Quảng Nam ra tới Hà Tĩnh; thời gian hết một tháng rưỡi.

Trong ngày khai giảng năm học, sau khi nghe hiệu trưởng đọc diễn văn, Bùi Giáng bỏ ngay chuyện học hành, theo con đường mòn cũ đi trong một tháng rưỡi nữa để quay về… Quảng Nam. Ông không giải thích lí do vì sao ông chán nản và từ bỏ con đường đại học đó. Từ đó - nghĩa là từ cuối năm 1950, Bùi Giáng thực hiện sự nghiệp lớn của mình “Mười lăm năm chăn dê trên núi đồi Trung Việt”.

Tôi xin nói rõ một chút về thời gian và nơi chốn. Nói “mười lăm năm” chỉ là một cách nói diễn tả thời gian lâu dài, cho phù hợp với điển tích Tô Vũ chăn dê trong sử sách Trung Quốc. Thực sự, Bùi Giáng chỉ chăn dê… hai năm, từ 1950 đến năm 1952. Nói là “núi đồi Trung Việt” cũng chỉ là một cách nói chứ thực sự vùng chăn thả bầy dê của Bùi Giáng chỉ kéo dài từ Trung Phước lên hướng thượng nguồn sông Thu, tới vùng đèo Le của huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Và dẫu Bùi Giáng có viết “Anh lùa bò về đồi sim trái chín/Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim” nhưng ông cũng chưa bao giờ chăn bò, chỉ chăn dê mà thôi! Điều này được em ruột của ông là Bùi Luân xác nhận. Cho hay, nhà thơ lãng mạn thì hay tưởng tượng nhiều điều kỳ thú. Những bài viết về Bùi Giáng trước đây hay nói ông đi chăn bò là không đúng sự thật.

Tháng 2 năm 2012 và tháng 5-2013, tôi đã làm hai chuyến đi điền dã về Quảng Nam để tìm hiểu đường dê, trong thơ Bùi Giáng. Tôi lên huyện Quế Sơn, qua đèo Le rồi theo sông Thu tìm về Phường Rạnh, Khe Rinh, Trung Phước. Vùng này nhiều đồi núi mơ màng, nhiều khe suối thơ mộng; đúng là vùng đất lí tưởng để chăn dê. 

Tháng 5 năm 1952, Bùi Giáng gửi đàn dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu ven sông Thu. Một lần nữa, ông say mê làm giấc mộng giang hồ. Ông ra Huế học lấy bằng tú tài tương đương (của nền giáo dục Pháp) vì bằng “tú tài đặc biệt” (trong vùng kháng chiến Việt Minh) ngày trước không dùng được! Rồi ông vào Sài Gòn, ghi danh học Đại học Văn khoa (Faculté des Lettres). Một lần nữa, nhìn danh sách các vị giáo sư, giảng viên, Bùi Giáng không… ưng cái bụng. Ông quyết định bỏ học.

Ở chừng mực nào đó, Bùi Giáng là một con người cao ngạo. Ông chê các vị giáo sư, giảng viên ở các trường đại học. Suy nghĩ đó là một suy nghĩ cực đoan; có thể không đúng, cũng có thể chưa đúng. Thế nhưng, Bùi Giáng là một anh Quảng Nam, thuộc hệ “Quảng Nam hay cãi”. Suy nghĩ đó của ông vẫn có giá trị tích cực bởi nhờ đó mà Bùi Giáng tìm ra hẳn một con đường đi riêng cho mình, không cần phải nô lệ vào bằng cấp, sách vở. Mà một đời cầm bút thì không có gì giá trị hơn khi tìm được cho mình một con đường độc đạo và độc đáo, để đi.

Ông bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật. Hiệu trưởng một số trường trung học tư thục ở Sài Gòn ngày ấy như Văn Hiến, Tân Thịnh, Vương Gia Cần nghe tiếng Bùi Giáng vừa làm thơ hay vừa giỏi lý luận, mời ông ra dạy môn văn. Dạy một thời gian, ông nghỉ hẳn vì cái đời dạy học đơn điệu và giáo điều quá.

Giáo trình văn lớp đệ tứ và đệ nhị - hai lớp đi thi ngày ấy, dạy về tác phẩm của các tác giả Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê… Bùi Giáng là một con người rất cực đoan. Ông yêu thi ca Nguyễn Du, Cao Bá Quát nhưng lại ghét thậm tệ thi ca Nguyễn Công Trứ.

Thông thường, ông vẫn vào lớp, nhìn qua cửa sổ và nói: “Trời hôm nay đẹp quá. Các em à, hôm nay chúng ta học qua thi ca Nguyễn Công Trứ. Nhưng tác giả này không có cái gì đáng học. Thôi, các em về đi”. Học sinh mà, nghe thấy cho về thì mừng rỡ rùng rùng tháo chạy. Mà trường tư thục, cha mẹ đóng tiền cho con để đi học đầy đủ chứ không phải là để ra về bất tử trong những giờ văn của thầy Bùi Giáng! Các trường thôi dám mời ông dạy. Bùi Giáng bỏ dạy, dành toàn bộ thời gian để… đi chơi và viết.

Những tác phẩm thơ của Bùi Giáng được in ra từ năm 1960 tại Sài Gòn. Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột Màu hoa trên ngàn - những tập thơ hay nhất của ông ra đời trong thời điểm này. Bản in cực đẹp trên giấy hoa tiên. Bên cạnh tên nhà xuất bản, còn ghi thêm dòng chữ Sài Gòn Trang Phượng Việt Nam, có lẽ là do Bùi Giáng đặt. Bùi Giáng thực sự nổi tiếng qua thơ từ năm ông 36 tuổi.

Bùi Giáng mất ngày 7 tháng 10 năm 1998 sau một cơn trọng bệnh của tuổi già. Quan tài ông được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3. Theo đề nghị của một số thân tộc họ Bùi, tôi và chị Kim Cương - diễn viên kịch nói và điện ảnh, đọc lời tưởng niệm tiễn ông. Căn bản là chúng tôi chỉ khóc Bùi Giáng, chứ có đọc được gì đâu?

Đất hoa khóc vĩnh biệt người.

Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu.

______________________________________________

*Nhà văn - báo Pháp luật TP. HCM

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521454

Hôm nay

2228

Hôm qua

2303

Tuần này

2228

Tháng này

219393

Tháng qua

121009

Tất cả

114521454