Là huyện miền núi vùng cao, Tương Dương hội tụ đầy đủ các dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất Nghệ An: Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng (thuộc Thổ), riêng tộc người Ơ Đu cả Việt Nam chỉ có ở Tương Dương.
Là huyện miền núi vùng cao, Tương Dương hội tụ đầy đủ các dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất Nghệ An: Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng (thuộc Thổ), riêng tộc người Ơ Đu cả Việt Nam chỉ có ở Tương Dương.
Trong những năm qua, sự giao lưu văn hóa ở đây diễn ra khá mạnh mẽ, nhất là khi người miền xuôi lên đây sinh sống, công tác ngày càng nhiều. Cùng với quá trình CNH, hệ thống các trạm truyền thanh, truyền hình được mở rộng (12 xã có trạm truyền thanh, 4 xã có trạm truyền hình), đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo đời sống văn hoá của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đồng thời tạo cho Tương Dương có một nền văn hóa đa dạng về bản sắc, từ các điệu hát, múa, nghề thủ công, cho đến các tập tục ma chay, cưới xin, kiến trúc nhà ở, trang phục, món ăn...và những thế mạnh trong các môn thể thao dân tộc như: ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ...Tuy nhiên, sự đa dạng về văn hóa tộc người cũng tạo ra cho Tương Dương không ít khó khăn trong việc xây dựng đời sống văn hóa thể thao, khi mỗi dân tộc có địa bàn cư trú, có tập tục, quan niệm về tổ chức xã hội khác nhau. Hơn nữa, tác động của giao lưu văn hoá giữa người miền núi với người miền xuôi, cũng như của quá trình CNH với sự xuất hiện nhiều nhà máy thuỷ điện (lớn nhất là thuỷ điện Bản Vẽ khiến 32 bản thuộc huyện Tương Dương ở khu vực lòng hồ phải di dời về nơi ở mới) đã tạo ra sự xáo trộn nhất định trong đời sống văn hoá của người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Bá Vin (Trưởng phòng VHTT-TT huyện) cho biết: Xác định được tầm quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, thể thao dựa trên đặc thù của địa phương, ngành VHTT-TT huyện đã xây dựng "Đề án phát triển đời sống văn hóa huyện Tương Dương giai đoạn 2000-2010", trong đó quan tâm khảo sát, bảo lưu vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, môn thể thao các dân tộc. Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao có ý nghĩa khơi dậy tình yêu làng bản, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân đã được tổ chức, như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương; Liên hoan gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; liên hoan nghệ thuật quần chúng... Qua đó, vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ: Lăm, Khắp, Nhuôn, Xuối, Khắc luống, Cồng chiêng của người Thái; Tơm, Tex của người Khơ Mú; Cự xia, Lù tẩu, Sua lồng, Sua trà của người Mông; Đu đu điềng điềng, Tập tình tập tang, Khai khai rế của người Tày Poọng. Đồng thời các môn dân thể thao dân tộc như: Ném còn, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Đua thuyền, Chận bò, Tò lẻ...đã được bảo tồn và phát huy.
Bên cạnh đó, nhằm lưu giữ giá trị văn hóa các dân tộc của huyện, đến nay, nhiều lễ hội dân gian đã được khôi phục: lễ hội chọi bò của người Mông ở xã Tam Hợp; đám cưới cổ của người Thái ở bản Chắn, xã Thạch Giám; lễ hội Xăng Khan (lễ công nhận các thầy mo) của người Thái tại bản Chà Luân, xã Luân Mai. Đồng thời, nhiều lớp dạy làm và thổi khèn bè; dạy học chữ Thái Lai Pao đã được mở ở các xã Tam Thái, Yên Hòa, TT Hòa Bình; dạy tiếng Ơ Đu tại bản Văng Môn (xã Nga My). Huyện còn có 1 câu lạc bộ văn học nghệ thuật với ấn phẩm Mường Xủng đã thể hiện được vai trò của mình trong việc khảo cứu văn hóa và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật của các dân tộc. Đây thực sự là những nền tảng quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, thể thao ở Tương Dương. Bởi, một khi người dân hiểu rõ về dân tộc mình, về những giá trị văn hóa truyền thống có từ lâu đời thì sẽ giúp họ có ý thức giữ gìn và xây dựng đời sống văn hóa dựa trên những bản sắc truyền thống đó.
Ngoài ra, phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến dựa trên đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc cũng đã được tiến hành một cách sâu rộng, tính đến nay, toàn huyện đã có 35 làng, bản, khối được công nhận xuất sắc; 85 làng bản đạt tiên tiến. Nếp sống văn hóa mới trong việc cưới xin, tang lễ đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tổ chức gọn nhẹ, không ăn uống linh đình mà vẫn đảm bảo giữ được những giá trị truyền thống riêng có của mỗi dân tộc.
Điều đặc biệt trong xây dựng đời sống văn hóa, thể thao ở Tương Dương đó là việc huyện đã chọn xây dựng các bản điểm, xã điểm để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, từ kiến trúc nhà ở, phong tục cưới xin, tang ma, nghề thủ công, lễ hội... Đó là xây dựng bản Thái nguyên gốc (bản Can, xã Tam Thái), bản Khơ Mú nguyên gốc (bản Huồi Cụt, xã Yên Na), bản Mông nguyên gốc (bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền), bản Tày Poọng nguyên gốc (bản Phồng, xã Tam Hợp), bản Ơ Đu sống tập trung (bản Văng Môn, xã Nga My). Đồng thời, tại các xã cũng xây dựng từng bản điểm thiên về thể thao như bản Lủng (Tam Thái), câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở bản Phòng (Thạch Giám)...Việc xây dựng các xã điểm, bản điểm này còn giúp chính quyền địa phương nắm rõ được tình hình hoạt động, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị của từng dân tộc, ở từng địa bàn khác nhau, từ đó có một cái nhìn tổng thể, đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để xây dựng đời sống văn hóa, thể thao.
Chúng tôi ghé thăm bản Lủng (Tam Thái) đây là một trong những bản có phong trào thể thao phát triển mạnh nhất của xã Tam Thái nói riêng và của cả huyện Tương Dương nói chung, với các vận động viên Lô Văn Kiện, Lô Thị Din, Lô Thị Nga, Lô Văn Ba (bắn nỏ), Lộc Văn Thăm, Lô Văn Anh (đẩy gậy) luôn giành giải vàng về cho Tương Dương trong các giải đấu. Ông Lộc Văn Dậu (trưởng bản) không dấu được niềm tự hào về phong trào thể thao của bản, nhưng theo ông, có được điều này, phần là do thói quen, niềm đam mê với các môn thể thao dân tộc của người dân. Đồng thời cũng nhờ sự quan tâm đến thể thao phong trào của xã, của huyện, nhất là việc đưa các môn thể thao dân tộc vào các cuộc thi ở địa phương.
Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức được 7 lớp học nghề dệt thổ cẩm tại 7 bản: Khe Kiền (Lưu Kiền), Khe Ngậu (Xá Lượng), Khe Chi (Thạch Giám), bản Lả (Lượng Minh), bản Pủng (Yên Thắng), Xiêng Nứa (Yên Na), Cành Khỉn (Yên Hòa). Các lớp học này ngoài mục đích giúp người dân tận dụng được thời gian nhàn rỗi, có thêm thu nhập, còn giúp họ giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Được biết sắp tới, huyện sẽ mở các lớp học nghề đan lát của người Khơ Mú, nghề rèn của người Mông.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lương Bá Vin, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng đời sống văn hóa, thể thao ở Tương Dương là sự hạn chế về trình độ dân trí của người dân; sự khác biệt về phong tục tập quán của từng dân tộc. Đặc biệt là nguồn kinh phí để khơi dậy các lễ hội, để tổ chức các cuộc thi nghề truyền thống của mỗi dân tộc...
Chính vì thế, việc đề ra một phương hướng phù hợp, phát huy được bản sắc riêng có của mỗi dân tộc là điều được coi trọng hàng đầu. Trong đó, trước hết là phải bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc; sưu tầm các làn điệu dân ca, câu chuyện cổ của các dân tộc một cách cụ thể, chi tiết. Cần phát huy các giá trị văn hóa như: trang phục, lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà ở, nghề truyền thống: dệt thổ cẩm của người Thái, đan lát của người Khơ Mú và rèn của người Mông. Nhất là cần tập trung ưu tiên cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc Tày Poọng và Ơ Đu, những dân tộc chiếm số ít ở Tương Dương hiện nay. Đối với thể thao, cần phải có định hướng lâu dài cho việc phát triển các môn thể thao dân tộc được coi là thế mạnh, nhất là bắn nỏ, đẩy gậy, như thường xuyên tổ chức các cuộc thi để cọ xát, tuyển chọn vận động viên. Đồng thời, cần phải có những chế độ đãi ngộ hợp lý, cũng như nuôi dưỡng những vận động viên trẻ tiềm năng. Và việc xây dựng đời sống văn hóa, thể thao cần phải có sự chung tay từ nhiều cấp, ngành khác nhau trong việc hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ các lĩnh vực liên quan đến học nghề, học chữ... Có như vậy mới giúp Tương Dương xây dựng được một nền văn hóa, thể thao mang bản sắc riêng và cùng hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội.
224
2337
22072
218571
121356
114511698