Cuộc sống quanh ta

Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh đối với cán bộ chính quyền cơ sở

Trong bộ máy quản lý hành chính, chính quyền cơ sở là cấp thấp nhất, nhưng là cấp có tầm quan trọng đặc biệt; là nơi thực tiễn diễn ra sôi động, phong phú hàng ngày; nơi trực tiếp biến mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, đồng thời là nơi kiểm nghiệm tính đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính sách đó. Bởi thế, suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng bộ máy chính quyền các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ chính quyền cơ sở.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với việc giải quyết hàng loạt vấn đề nóng bỏng nhằm bảo vệ nền độc lập mới giành được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian, tâm sức chỉ đạo việc xây dựng, củng cố chính quyền các cấp. Dưới bút danh Chiến Thắng, Người đã viết một loạt bài đăng tải trên Báo Cứu Quốc, đề cập đến bản chất, chức năng của chính quyền; chỉnh đốn đạo đức tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Đến hôm nay, sau hơn nữa thế kỷ, những vấn đề đó vẫn còn mang ý nghĩa lý luận và thực triển sâu sắc

Nêu lên bản chất của chế độ mới và nguyên tắc hoạt động của bộ máy chính quyền cách mạng, trong các bài “Chính phủ là công bộc của dân” (Báo Cứu Quốc, số 69, ngày 17/10/1945), “Thư gửi uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (Báo Cứu Quốc, số 69, ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác công việc chung cho dân chứ không để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới chính quyền thống trị của Pháp, Nhật” [1]. Đấy là bản chất cách mạng thể hiện tính ưu việt của chế độ mới. Bởi vậy, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc, mục đích của bộ máy chính quyền và thái độ đạo đức, lề lối làm việc của cán bộ các cấp trong chế độ mới phải là vì dân, là công bộc của dân. Điều Người quan tâm trăn trở là làm sao và bằng cách nào để chính quyền các cấp thực sự là chính quyền của dân, phấn đấu mưu cầu tự do, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân: “ngày nay, chúng ta xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thi độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” 2. Độc lập, tự do của nước nhà với hạnh phúc tự do của mỗi người phải là một thể thống nhất, và đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ đó mang ý nghĩa trọn vẹn cả về tinh thần và vật chất, cũng là mục đích cao nhất mà Người yêu cầu chính quyền các cấp phải phấn đấu thực hiện.

Với các tầng lớp nhân dân, Người nhắc nhở phải chứng tỏ tinh thần và sức mạnh của người làm chủ đất nước, thiết thực góp sức vào công cuộc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ, ra sức xây dựng chính quyền vững mạnh. Đồng thời, Người cho rằng, trong việc xây dựng, cũng cố chính quyền các cấp- mà trước hết là chính quyền phường, xã phải khắc phục khuynh hướng hẹp hòi, cục bộ, bè cánh gây mất đoàn kết nội bộ. Đối với những người trong bộ máy chính quyền mắc khuyết điểm nhỏ, Người mong đồng bào nên có thái độ khoan dung, độ lượng, giải quyết trên tinh thần dân chủ, kỷ cương, đoàn kết; tránh tình trạng trọng kích động bạo lực, thù hằn cá nhân…

Lường trước và thấy rõ những vấn đề sẽ nãy sinh trong bộ máy chính quyền cơ sở và để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực đang diễn ra ở trong một số địa phương. Trong các bài “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/9/1945), “Thiếu óc tổ chức- một khuyết điểm lớn trong uỷ ban nhân dân” (Báo Cứu Quốc, số 58, ngày 4/10/1945), “Thư gửi uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (Báo Cứu Quốc, số 69, ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết và nêu ra 6 căn bệnh cần đề phòng và chữa trị: 1) “trái phép”, trị người vì tư thù tư oán. 2) “cậy thế”, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. 3) “hủ hoá”, tham ô lãng phí của công. 4) “tư túng”, kéo bè, kéo cánh đưa người trong họ, người thân vào tổ chức chính quyền, loại bỏ người tài đức. 5) “chia rẽ”, gây mâu thuẩn nội bộ, làm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. 6) “kiêu ngạo”, coi khinh nhân dân, vác mặt làm quan cách mạng… Người yêu cầu cán bộ “ai không phạm những lỗi lầm trên thì nên tránh xa và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên thì gắng sức sửa chữa nếu không thì Chính phủ sẽ không khoan hồng”1; đồng thời nghiêm khắc nhắc nhở cán bộ phải hết sức thận trọng trong việc chi dùng công quỹ, tránh tình trạng tổ chức ăn uống linh đình, lấy của công dùng vào việc riêng hoặc chi dùng của công không công khai dân chủ, gây bè kéo cánh, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để khắc phục những căn bệnh trong nội bộ chính quyền cơ sở, thì nhân tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu là khâu cán bộ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong các bài “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích” (Báo Cứu Quốc, số 51, ngày 26/9/1945), “Sao cho được lòng dân” (Báo Cứu Quốc, số 65, ngày 12/10/1945), Người giành trọn nội dung cả hai bài viết để uốn nắn, chỉnh đốn đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Theo Người, để có được đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng được những đòi hỏi về phẩm chất, năng lực của những “công bộc” thì việc lựa chọn cán bộ vào các ủy ban nhân dân ở các địa phương là vấn đề đặc biệt quan trọng. Hồ Chí Minh chỉ rõ tiêu chí lựa chọn của cán bộ công chức phải là “những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các ủy ban đó” 1.

Người nghiêm khắc yêu cầu cán bộ phải rèn luyện mình, chí công, vô tư đối với công việc, đặc biệt phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, làm những việc có lợi cho dân, không phạm những nguyên tắc tổ chức của bộ máy chính quyền, vào tự do dân chủ của nhân dân. Trả lời cho câu hỏi làm sao cho được lòng dân? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý” 2. Ngoài ra, cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có tỏ thái độ mềm dẻo, khôn khéo, chân tình, chí công, vô tư khi giải quyết những vấn đề phức tạp trong nội bộ.

Trong các bài “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân” (Báo Cứu quốc ngày 11 tháng 9- 1945), “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn của ủy ban nhân dân” (Báo Cứu quốc ngày 4 – 10-1945), “Tinh thần tự động trong các ủy ban nhân dân” (Báo Cứu quốc ngày 5 – 10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những hạn chế, tiêu cực đang diễn ra trong các ủy ban nhân dân như tình trạng lộn xộn, thiếu óc tổ chức, sử dụng cán bộ không hợp lý, bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả… Đề khắc phục những hạn chế đó, Người đã ký các sắc lệnh qui định cụ thể về vai trò, vị trí của chính quyền địa phương, cách thức tổ chức, cơ cấu nhân sự của các ủy ban nhân dân; phân biệt rõ mô tổ chức bộ máy và công tác quản lý ở đô thị với nông thôn… Đó là một mô hình tổ chức chính quyền gọn nhẹ, khoa học, các vị trí chức danh được xác định rõ ràng, bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước xuống đến cấp cơ sở.

Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ sau ngày đất n­ước giành được độc lập là cẩm nang hành động, lý luận dẫn đư­ờng hết sức quan trọng cho đội ngũ cán bộ các cấp và cũng là cơ sở lý luận đ­ược thực tiễn những năm đầu cách mạng tháng Tám thành công kiểm nghiệm, bổ sung để đến năm 1947, Ng­ười viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nổi tiếng . Như tên gọi của nó, mục đích của tác phẩm là nhằm sửa chữa những sai sót, lệch lạc, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, chấn chỉnh công tác đảng theo những chuẩn mực về tư cách của người đảng viên và những nguyên tắc, cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền các cấp…Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc chỉ ra hầu hết những khuyết điểm, những căn bệnh đã mắc hoặc chớm nãy sinh trong bộ máy chính quyền cách mạng; chỉ rõ nguyên nhân và cách khắc phục những biểu hiện tiêu cực đó; hướng dẫn cặn kẽ cách lựa chọn, sử dụng và đào tạo cán bộ….

Ngày nay, đọc lại những chỉ dẫn của Người về xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở, chúng ta càng thấm thía giá trị lý luận, thực tiễn của nó và khâm phục trước tầm nhìn rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sớm chỉ ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của đội ngũ cán bộ, đảng viên và bộ máy chính quyền với mong muốn xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân vững mạnh toàn diện. Và chỉ có như thế, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, đoàn thể mới đến được dân, để biến phong trào cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân, mới có thể động viên cao độ sức mạnh tiềm tàng của lòng yêu nước, yêu chế độ trong nhân dân vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chính quyền, vào việc tăng cường thực lực để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Và, cũng chỉ như thế, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh do Đảng đề ra mới có điều kiện triển khai sâu rộng trong cả nước.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng chính quyền cấp cơ sở vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Nhìn vào thực tế xã hội hiện nay, khi nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi mọi quan hệ xã hội đang chịu sự tác động nhiều chiều, chúng ta thấy rõ các căn bệnh thường gặp ở chính quyền cấp cơ sở mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, đã cảnh báo là không thể xem thường. ở nhiều nơi đã và đang xẩy ra hiện tượng vi phạm nguyên tắc dân chủ, tham ô, hối lộ, hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Trong công cuộc cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ  hiện nay, những quan điểm và chỉ dẫn về xây dựng chính quyền cơ sở của Người vẫn thực sự hữu ích trong việc nghiên cứu, thiết kế bộ máy ủy ban nhân dân các cấp, trong đó có cấp cơ sở; góp phần cảnh tỉnh, nhắc nhở cán bộ chính quyền cơ sở phải nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng để không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã có những cố gắng, những sáng tạo trong công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền, bao gồm trong đó chính quyền cấp cơ sở. Rõ ràng đó là một trong những nhân tố đảm bảo và tạo ra những thành tựu quan trọng của tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, an ninh- quốc phòng, văn hoá- xã hội. Và giờ đây, trong công cuộc cải cách hành chính và thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc nắm vững và vận dụng sáng tạo những quan điểm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lĩnh vực này chắc chắn là một đảm bảo mang ý nghĩa quyết định; đảm bảo bản chất và tính hiệu lực của hệ thống chính quyền cấp cơ sở ở trên quê hương của Người.
 



1, 2 Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1995, tr 56
 
1 Sđd, tr 58
1,2,3 Sdd, trang 22, 47-48
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525850

Hôm nay

2117

Hôm qua

2283

Tuần này

2400

Tháng này

212546

Tháng qua

0

Tất cả

114525850