Văn hóa và đời sống

Chúng ta không được phép lãng quên!

   

Ảnh Xuân Thủy

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng đâu đó trên khắp đất nước này nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng năm, vào những ngày kỷ niệm như Thống nhất đất nước (30/4), ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7),…chúng ta lại có dịp để nhìn lại quá khứ, nhắc nhớ nhiều hơn về những mất mát, hy sinh của bao thế hệ ông, cha. Nhắc đến không phải để khơi lại vết thương, để nuôi những hận thù mà là để hiểu rõ hơn cái giá của hòa bình và nỗi đau chiến tranh. Nhắc đến để mỗi cá nhân hôm nay và mai sau thấy được trách nhiệm của mình với đất nước và những người đi trước.

Theo thống kê, cả nước có trên 9 triệu người có công với cách mạng. Trong đó có khoảng 1,2 triệu liệt sỹ, 800.000 thương binh, hơn 117 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Dù công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, huy động tối đa nguồn lực để thực hiện nhưng cho đến nay hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ vẫn chưa được tìm thấy hoặc chưa xác định được danh tính. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn gia đình vẫn còn đó nỗi đau. Nhìn xa hơn vào chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng ta biết có hàng triệu, hàng triệu người đã ngã xuống cho bình yên hôm nay. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết: “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.” Có thể nói, trên khắp dải đất hình chữ S này, dưới mỗi tấc đất, lòng sông hay biển cả đều có máu xương, linh hồn của hàng triệu người đã ngã xuống vì tự do, độc lập của dân tộc. Chính vì vậy, hôm nay đây chúng ta phải luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng những gì mình đang có. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống tri ân tốt đẹp bao đời của dân tộc. Truyền thống ấy vốn dĩ vẫn âm thầm chảy trong đời sống hàng ngày, qua các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, qua những câu ca dao, tục ngữ bà, mẹ vẫn dạy. Đó là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,… Đáng tiếc rằng, tinh thần ấy ngày càng có dấu hiệu mai một, biến tướng đi trong đời sống hiện đại. Một bộ phận người trẻ thì thờ ơ, lãng quên lịch sử; một bộ phận lợi dụng tâm linh để tìm kiếm lợi nhuận; một bộ phận u mê, mê tín dị đoan; một bộ phận chạy theo những chương trình kỷ niệm mang tính hình thức;…mà quên đi những ý nghĩa, giá trị thực chất.  

Để những hy sinh của bao thế hệ không trở thành vô nghĩa; để những tuổi xuân mãi mãi vùi chôn trong lòng đất được yên lòng, chúng ta hôm nay phải sống sao cho ra sống. Có lẽ, ở một thế giới nào đó, điều họ cần nhìn thấy không phải là những lời ca, điệu nhạc, những tượng đài hàng nghìn tỷ,… mà là những gì ta làm được để xây dựng đất nước hôm nay và mai sau. Họ có yên lòng không khi biết bao người có công vẫn còn sống trong khó khăn hay chưa được hưởng chế độ? Họ có yên lòng không khi thân thể bao đồng đội vẫn nằm lại đâu đó trên núi đồi, trong lòng sông, biển cả và người thân vẫn mòn mỏi tìm kiếm, đợi chờ? Họ có yên lòng không khi đất nước vẫn còn biết bao bất công, tiêu cực; bao kẻ lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng, chỉ biết vơ vét cho bản thân mà quên đi trách nhiệm với Dân, với Nước? Họ có yên lòng không khi biển Đông dậy sóng, khi tuổi trẻ thờ ơ và lãng quên lịch sử?...

Những ngày lễ kỷ niệm, những lời ca điệu múa là cần thiết để giáo dục cho hôm nay về lịch sử, để nhắc mỗi người không được phép lãng quên quá khứ nhưng cần hơn nữa là hành động thiết thực để bảo vệ và dựng xây đất nước. Cách tri ân tốt nhất là làm tốt bổn phận, trách nhiệm của mình trong hiện tại và tương lai. Phải làm sao để tinh thần độc lập, tự chủ luôn được phát huy; để đất nước phát triển vững chắc; để mỗi người dân trên nước Việt luôn được sống trong ấm no, yên bình thực sự và luôn tự hào với hai tiếng Việt Nam. Tinh thần ấy cần thấm vào mỗi cá nhân hàng ngày, hàng giờ chứ không phải chỉ được gợi nhớ trong một ngày, một tháng nào đó.

Chúng ta phải luôn nhớ mỗi tấc đất của quê hương xứ sở đều thấm bao máu xương, mồ hôi, nước mắt và khát vọng hòa bình, độc lập của ông cha. Chúng ta không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức, hội nhóm nào vì lợi ích riêng mà chà đạp lên những giá trị và ước vọng bao đời của dân tộc. Hãy đem hết tâm sức mình mà phụng sự cho quê hương, đất nước; hãy sống sao cho ra sống để không hổ thẹn với anh linh người đã khuất. Đó là những điều ta không bao giờ được phép lãng quên! 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443762

Hôm nay

213

Hôm qua

2307

Tuần này

21575

Tháng này

218936

Tháng qua

112676

Tất cả

114443762