Diễn đàn
Tìm hiểu những ý tưởng của học giả Cao Xuân Hạo qua bài "Chữ Tây hay chữ Hán, thứ chữ nào hơn?"
Mấy ngày qua, khi chữ quốc ngữ trở thành đề tài bàn luận trên các mạng xã hội, các vị Anh Vũ và Lại Nguyên Ân đăng lại bài viết của học giả Cao Xuân Hạo xuất hiện đã lâu trên số 14, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay năm 1994.
Học giả Cao Xuân Hạo khá nổi tiếng trong và ngoài nước, đã đào tạo nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học, có rất nhiều công trình tầm cỡ về ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt. Công trình của ông cũng như những điều ông giảng dạy là những điều do suy nghĩ cá nhân mà ra, không sao chép của ai. Đặc biệt ông nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt chỉ dựa vào cấu trúc nội tại của tiếng Việt, không dựa vào bất kỳ khuôn mẫu nào của ngữ pháp nước ngoài, như ngữ pháp tiếng Pháp chẳng hạn.
Ông là một nhà ngôn ngữ học sâu sắc và độc đáo, do vậy mà hiểu được những ý tưởng của ông không phải chuyện dễ dàng. Bản thân tôi ngưỡng mộ ông đồng thời có nhiều băn khoăn về những ý tưởng của ông. Chẳng hạn trong tác phẩm “Phonologie et linéarité” (Âm vị học và sự tuyến tính- 320 trang) viết bằng tiếng Pháp, ông cho rằng khó mà định ra được âm vị trong tiếng Việt khi tổ hợp âm trong mỗi âm tiết quyện vào nhau, không thể tách rời. Từ “đèn” chẳng hạn, các âm đờ, e, nờ và thanh huyền quyện vào nhau, âm này gắn với âm kia trong một sự cố kết chặt chẽ. Trong bài viết đăng ở Kiến thức ngày nay, ông cho rằng người Việt không tư duy ngôn ngữ qua các âm vị mà là theo kiểu “nhận diện mạo tổng thể” theo khái niệm Gestalt trong tâm lí học hiện đại. Nói cách khác, nười Việt không đánh vần hay xướng âm khi nói mà phát ra tức khắc những âm tiết có nghĩa. Cũng y như người Hoa chỉ thấy và suy nghĩ trên chữ viết chứ không nghĩ về âm. Tôi băn khoăn nhận thấy thực tế trong đời sống thường ngày ta vẫn cảm nhận các phụ âm rõ nét khi ta dùng từ láy: phụ âm “lờ” trong lạ lùng, lấp lánh, phụ âm “đờ” trong đu đưa, đùn đẩy, phụ âm “tờ” trong tử tế, to tát…Trong khi chơi chữ bằng nói lái: tiền đâu/đầu tiên (hoán đổi vị trí thanh). Trong cách “iếc hóa”: anh Đa anh điếc, đi chợ đi chiếc, bà Nhan bà Nhiếc….Về nguyên âm ta cảm nhận rõ cặp ê/a gây cảm giác về một sự việc dai dẳng: ê-a, lê-la, bê-tha, rề rà, xuê-xoa. Trong tiếng Việt các từ tượng thanh khá nhiều và khi phát âm những từ này, ngườii nói nhất định phải tư duy về âm: lanh canh, đùng đoàng, lách cách, lao xao, cúc-cu, rung rinh, lụp bụp , meo meo, ro ro, khò khò…
Trong bài “Chữ Tây hay chữ Hán, thứ chữ nào hơn?” học giả Cao Xuân Hạo cho rằng việc nước ta bỏ chữ Hán mà dùng chữ quốc ngữ theo kiểu ABC là điều cần thiết về mặt lịch sử nhưng không hay về mặt văn hóa. Theo ông, hiện nay tình hình đó không sửa chữa được nữa nhưng có thể vớt vát bằng cách dạy lại chữ Hán trong nhà trường. Cũng theo cách nhìn của học giả Cao Xuân Hạo, chữ viết kiểu ABC chỉ thích hợp cho các ngôn ngữ Châu Âu, khi các âm tố riêng lẻ vẫn có tư cách hình vị, tức là mang nghĩa. Chẳng hạn từ một âm tiết “shla” tiếng Nga, ta có ‘sh” nghĩa là “đi”, “l” chỉ thì quá khứ, “a” chỉ giống cái (Cô ta. Bà ấy đã ra đi). Vậy là người châu Âu, với ngôn ngữ biến hình của họ, tư duy đến từng âm vị có chức năng hình vị. Còn ngưởi Việt, người Hoa, với ngôn ngữ đơn lập cũng như người Nhật với ngôn ngữ chắp dính, tư duy cho từng âm tiết theo kiiểu Gestalt, do đó cách viết kiểu ABC không phù hợp. Học giả đề xuất việc sử dụng chữ Hán thay cho ABC không phải qua cải biến thành chữ Nôm như cha ông ta đã làm, mà theo kiểu Nhật kanji (Hán tự). Ta sẽ viết câu chữ Hán nhưng ta đọc theo kiểu Việt. Thí dụ cụm từ “trên núi cao” tiếng Việt sẽ được ghi thành “thượng sơn cao”. Nếu trong văn bản ghi “cao sơn thượng” thì đó là văn bản Hán chứ không phải Việt. Học giả dẫn lời một nhà ngữ học uy tín nước ngoài cho rằng không riêng gì các nước châu Á mà toàn thế giới sẽ dùng chữ Hán làm văn tự toàn cầu trong tương lai không xa, khoảng hai ba mươi năm nữa, nhưng nước nào sẽ đọc theo cách nước ấy. Cụm từ “trên núi cao” tiếng Việt được ghi bằng hán tự “thượng sơn cao”, người Anh sẽ ghi “on a high mountain” bằng “thượng cao sơn”, người Pháp ghi ”sur une haute montagn“ bằng “thượng cao sơn” như ngươi Anh. Học giả cho rằng chữ Hán là động lực giúp các nước châu Á thành “rồng” như Đài Loan, Nhật, Singapore, Hồng Kông. Tôi tin rằng các nhà kinh tế sẽ nghĩ khác đi. Singapore dùng tiếng Anh làm tiếng chính thức quốc gia và Lý Quang Diệu đã có lần khuyên Đặng Tểu Bình cũng làm như vậy với Trung Quốc nếu muốn phát triển. Nhật, Đài Loan phát triển đâu phải do chữ Hán mà do Mỹ bảo trợ. Trung Quốc nếu không “đi đêm” với Mỹ từ sau 1971 và bình thường hóa quan hệ với đế quốc này năm 1978 thì làm sao lớn mạnh như ngày nay. Hãy hình dung sau Thế chiến II nếu Nhật thuộc vùng kiểm soát của Liên Xô hay Trung Quốc thì họ chỉ như Bắc Triều Tiên hiện nay mà thôi. Quan điểm cá nhân của tôi là chữ viết kiểu ABC là hệ quả của tư duy phân tích Hy-La, tư duy nền tảng của nghiên cứu khoa học. Ai cũng thấy Trung Quốc, Nhật phát triển sau khi tiếp xúc với phương Tây và nếu không có sự tếp xúc này, Trung Quốc vẫn lấy thời Nghiêu Thuấn làm chuẩn mực.
Một điểm cần lưu ý nữa là các nước dùng chữ Hán vẫn phải học hệ thống ABC để học các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh vật. Trong công nghệ thông tin, ngoài việc biết các từ tiếng Anh cần thiết, người Trung Quốc phải dùng hệ chữ viết la tinh hóa.
Những điều băn khoăn trên đây xuất phát từ cảm xúc cá nhân, không rõ có cơ sở hay không. Tôi bỗng thấy cần tha thiết đề nghị các khoa ngôn ngữ đại học, Viện ngôn ngữ học…làm những thí nghiệm nghiêm túc để xér xem ý tưởng của học giả Cao Xuân Hạo có cơ sở khoa học và thực tiễn hay không. Học giả Cao Xuân Hạo cho biết ở Mỹ người ta đã làm thí nghiệm rất thành công trong việc dạy các em khuyết tật về khả năng đọc học tiếng Anh bằng văn tự Hán. Còn ở ta, cần làm thí nghiệm trên một lớp bình thường nào đó cách học tiếng Việt bằng chữ Hán. Cuối cùng tôi nhất trí với học giả Cao Xuân Hạo là nhà trương phổ thông nên có một vài tiết chữ Hán cổ, nhằm cho văn hóa giữa các thế hệ không bị đứt gãy. Các khoa Văn, Sử ở các đại học cũng nên dành thời gian cho sinh viên học chữ Hán, coi như công cụ cần thiết trong việc tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống nước nhà qua hơn hai ngàn năm lịch sử.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528562
2218
2291
2835
215258
0
114528562