Văn hóa và đời sống
Cách mạng Tháng Tám 1945 và thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân
Trong bài viết nhan đề “Cách mạng Tháng Tám 1945 - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Cách mạng Tháng 8 - 1945 là sự kiện lịch sử CÓ MỘT KHÔNG HAI trên thế giới gắn liền với di sản vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những điểm nổi bật và đặc sắc của sự kiện này là: NÓ DIỄN RA TRONG THỜI GIAN NGẮN NHẤT TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC, TRONG MỘT KHÔNG GIAN RỘNG LỚN NHẤT, THU HÚT, LÔI KÉO ĐÔNG ĐẢO NHẤT QUẦN CHÚNG THAM GIA, ÍT TỐN KÉM VÀ ÍT HY SINH XƯƠNG MÁU NHẤT. CÁCH MẠNG THÁNG 8 ĐÃ CHO RA ĐỜI NHÀ NƯỚC CÔNG NÔNG - NHÀ NƯỚC KIỂU MỚI NHẤT Ở ĐÔNG NAM Á (1)
Đó là những nhận xét sâu sắc và xác đáng.
Như chúng ta đã biết, một trong những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng 8 là đã xóa bỏ được chế độ thực dân nửa phong kiến ở nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nói một cách khác, Cách mạng tháng 8 đã đạt được thành quả lớn nhất là đã xây dựng được Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở nước ta, một Nhà nước mang ba đặc trưng nổi bật: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bác Hồ từng nói rõ: “Việc gì có lợi cho dân thì Nhà nước làm, việc gì có hại cho dân thì tránh. Tất cả mọi việc mà Nhà nước làm chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 - trang 118).
Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Đảng, Bác Hồ đã tiến hành việc xây dựng, củng cố Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Người yêu cầu khi chọn người làm việc ở Ủy ban nhân dân các cấp, phải bảo đảm nghiêm túc bốn tiêu chuẩn: thứ nhất, đó phải là những người làm việc công tâm, trung thành; thứ hai “sốt sắng với quyền lợi dân chúng”; thứ ba, có năng lực làm việc; thứ tư, được đông đảo nhân dân tín nhiệm”. Và Người đã cảnh báo: “Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban nhân dân…”. Người cũng chỉ rõ: “Các Ủy ban nhân dân phải làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của nhân dân, phải tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Các Ủy ban nhân dân phải thận trọng hết sức trong việc chi dùng công quỹ, không được tùy ý tiêu tiền vào những việc hoang phí như ăn uống…. Các Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho nhân dân. Phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - trang 23). Người cũng nhắc nhở: “Những nhân viên của Ủy ban không được lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè kéo cánh, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - trang 22). Rõ ràng Người đã nhìn xa, trông rộng, thấy trước nhiều vấn đề. Bảy mươi lăm năm đã trôi qua mà những lời Người căn dặn đến hôm nay vẫn có giá trị thời sự nóng hổi.
Chỉ 52 ngày sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Bác đã viết bài báo “Sao cho được lòng dân?” đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 12/10/1945, nói về vai trò quan trọng của chính quyền địa phương ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện trực tiếp vấn đề dân chủ với nhân dân: “Dù khó đến mấy cũng phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ đến đời sống của nhân dân. Phải nhận đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người dân mang đơn đến. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, tất cả những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân thì phải được đặc biệt chú ý. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân thì phải đặt quyền lực của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Năm ngày sau, trên báo Cứu quốc, số ra ngày 17/10/1945, Bác lại viết bài “Thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp”, trong đó, Người chỉ rõ rằng bản chất cách mạng và dân chủ của chính quyền nhân dân, nguồn gốc sức mạnh của chính quyền nhân dân là ở sự gắn bó với nhân dân, hết lòng hết sức mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường. Vì vậy nên Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Không những thế, nhằm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Người cũng rất chú trọng đến việc phát huy tinh thần dân chủ để người dân tự mình có quyền lựa chọn bầu ra những người xứng đáng vào Ủy ban nhân dân các cấp, những người sẽ thay mặt mình nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Chỉ sau sự kiện mồng hai tháng chín 1945 một ngày, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời (3/9/1945), Bác đã đề xuất với Chính phủ nên tổ chức sớm cuộc bầu cử trong cả nước: “Tất cả mọi người dân Việt Nam, không kể trai hay gái, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo… đều có quyền ứng cử và bầu cử. Tổng tuyển cử là một dịp để toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Đấy là cuộc bầu cử tự do, bình đẳng, dân chủ, đoàn kết để nhân dân bầu ra Quốc hội, tiếp đó Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, do đó Chính phủ thật sự là Chính phủ của nhân dân (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - trang 133).
Trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, vì dân, do dân, có luận điểm rất quan trọng, đó là, theo Người, để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ thật sự của nhân dân, Người yêu cầu phải quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng hiến pháp và pháp luật: “Trước năm 1945, nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Từ nay, chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Trong hoàn cảnh Cách mạng Tháng Tám mới thành công, tình hình thù trong giặc ngoài đang rất căng thẳng, việc Quốc hội thông qua Hiến pháp ngày 9/11/1946 (chỉ 14 tháng sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi) được coi là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước công nông: “Hiến pháp là thành quả vẻ vang của Cách mạng được xây dựng trên các nguyên tắc: đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, thực hiện chủ trương chính quyền là của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - trang 113). Đúng như vậy. Mở đầu, Hiến pháp khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Trong Hiến pháp có đến 11 điều (từ điều 6 đến điều 16) quy định rõ các quyền lợi của công dân trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v… Những quy định đó thể hiện rõ ràng bản chất của Nhà nước công nông là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, những quy định ấy mang tính chất dân chủ, tính cách mạng sâu sắc.
Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến vấn đề trau dồi đạo đức, tư cách, phẩm chất, năng lực của những người làm việc trong các Ủy ban nhân dân. Người thường xuyên nhắc nhở các cán bộ Ủy ban nhân dân phải tích cực học tập, thường xuyên tự phê bình, tự rèn luyện, tự giáo dục bản thân mình để nêu gương sáng cho quần chúng nhân dân học tập và noi theo: “Phải luôn luôn nhớ rằng tất cả các cán bộ, nhân viên Chính phủ từ Trung ương đến địa phương đều là công bộc của dân. Dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân. Ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Không được lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Không được làm mất lòng tin của nhân dân và uy tín của Chính phủ” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 - trang 95).
Tóm lại, một trong những thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám 1945 là đã thiết lập được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một Nhà nước của dân, vì dân, do dân - 75 năm đã trôi qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, vì dân, do dân vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta vẫn kiên trì định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo, là Nhà nước chăm lo phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân” (Trích Nghị quyết Đại hội XII của Đảng). Lời khẳng định ấy là sự tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong chặng đường lịch sử mới./.
(1). Trích từ sách “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc - Nhà Xuất bản Sự thật, 1952.
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522582
2114
2325
21356
220521
121009
114522582