Những góc nhìn Văn hoá
“Hãy năng động vì chính tương lai của mình!”
Immanuel Kant có thể kể vanh vách từng tên gọi, từng nét chạm trổ trên những chiếc cầu nổi tiếng bắt ngang dòng sông Seine ở thủ đô Paris, nước Pháp trước sự kinh ngạc của bạn bè, vì ai cũng biết ông đại triết gia này suốt đời không đi ra khỏi thành phố nhỏ xíu ở nước Đức quê hương ông. Té ra, Kant chẳng có “thiên lý nhãn” hay tài thấu thị gì hết, mà chỉ du lịch… hàm thụ qua những quyển du ký đang nở rộ vào thời bấy giờ. Những phương tiện giao thông mới mẻ trong cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ nhất vào thế kỷ 18 đã kích thích óc tò mò, lòng ham hiểu biết, đã mở rộng tầm mắt, và, như ai cũng biết, đã đưa Âu châu đương thời bước vào Thế kỷ Ánh sáng, trở thành thế lực thống trị thế giới.
Ở phương Đông, ta không thể quên Đường Huyền Trang đã dày công ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trên con đường vạn dặm đến “Tây Trúc thỉnh kinh” thành bộ Đại Đường Tây Vực Ký bất hủ, trở thành kho tư liệu “đầu nguồn” về các nước Trung Á cuối thiên niên kỷ trước. Liễu Tông Nguyên, Tô Đông Pha, nhất là Vương An Thạch lưu lại những bài du ký hàm súc, vừa có giá trị văn chương, vừa bắt đầu đưa yếu tố “du thám” vào trong thói quen du sơn ngoạn thủy quen thuộc. Sang thế kỷ 20, bên cạnh sự bùng nổ của ngành “công nghiệp” du lịch, nhiều cuộc du hành không đơn thuần mang tính thưởng ngoạn hay hưởng thụ nữa mà mang theo trong hành lý những mối ưu tư văn hóa, xã hội, chính trị… Tôi không bao giờ hết kinh ngạc và thán phục thói quen của rất nhiều bạn trẻ Tây phương lên kế hoạch dài hạn để lần lượt đến thăm hàng mấy chục nước trong hàng chục năm trời, tìm hiểu kỹ lưỡng lịch sử, địa lý, văn hóa của từng vùng sẽ đến, nhất là thói quen ghi nhật ký, rồi viết lại và công bố những trải nghiệm và suy nghĩa của mình sau mỗi chuyến đi. Sống hơn nửa đời người ở nước ngoài, cũng được đi một số nơi, nhưng tôi vẫn cứ tự trách mình đã không học được thói quen đáng quý ấy, nên rút cục chẳng học hỏi được gì nhiều!
Hối tiếc thì đã muộn, vì thế càng thích thú và vui mừng được đọc những trang “du ký” của cô bạn trẻ Tôn Nữ Tường Vi. Tôi thấy mình như trẻ lại và cảm ơn Tường Vi đã… làm hộ những gì bản thân mình đã phí hoài tuổi xuân và bỏ lỡ bao cơ hội. Cô cho biết “tất cả chỉ bắt đầu bằng sự tò mò mà thôi”! Vâng, nếu không “tò mò” thì việc gì “phải” vác ba lô lên đường? Trái với tâm trạng uể oải, chán chường khá phổ biến hiện nay, Tường Vi thấy “bốn năm đại học (…) là quãng thời gian đầy màu sắc. Buồn vui đủ cả, nhưng vô cùng ý nghĩa. Tôi làm cái gì đó cho cộng đồng, nhưng đồng thời phải giữ lại sự riêng tư và tĩnh lặng cần thiết cho bản thân”. Cô thật sự biết tận hưởng những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ: “… tự lột xác nhanh chóng trong môi trường đại học, nơi nó được tự do lựa chọn và theo đuổi, nơi nó tìm ra cái gì là thế mạnh, là tiềm năng của mình mà không phải vật vã cùng mọi môn, nơi nó nhìn thấy những khả năng khác ngoài đúng hay sai, và nơi nó học từ cuộc đời những người khác”. Muốn “học từ cuộc đời những người khác” thì phải chủ động tìm cơ hội và tạo cơ hội cho chính mình bằng những chuyến đi. Chính chúng “đã giúp tôi tiếp xúc nhiều hơn với giới báo chí, trí thức nhiều ngành và thanh niên năng động cấp tiến ở khắp nơi. Nhờ mạng lưới mối quan hệ mà thế giới quan của tôi thay đổi rõ rệt”.
Cô đã “thay đổi” như thế nào? Từ một cô bé rụt rè như bao nữ sinh viên khác, khi… “đi lạc đến tận biên giới Thái Lan”, “được” hay “bị” tiếp xúc với đủ loại người, cô “mới học cách chấp nhận, tò mò về nhau và yêu mến những cái khác biệt đó. Bởi cái ta thấy chỉ là cái nhãn ta dán lên họ, hoặc chỉ là lớp lông nhím bên ngoài họ tỏ ra. Cái ta cần thực sự nhìn thấy thì lại nằm ở đâu đó sâu thẳm hơn trong tâm hồn, cần được chạm đến, cần được chia sẻ”. Từ những con người cụ thể đến những sự cố chính trị trên thế giới, như vụ tấn công ở Paris, Tường Vi nhận ra rằng “những tranh luận có chiều sâu và văn minh sẽ khiến ta hiểu nhau hơn, đi đến một nhận thức chung nào đó dù bằng những phương tiện khác nhau. Từ đó mà dân chủ được khai sinh trong mỗi người”.
Cách “đi” của Tường Vi cũng… lạ và khôn ngoan lắm! Đâu phải có thừa tiền và phương tiện để muốn đi là đi. Cô tìm những cơ hội - vốn vô vàn hiện nay trong bối cảnh… toàn cầu hóa - miễn ham thích và chịu khó một chút! Bao nhiêu chuyến đi xa của Tường Vi “đa phần không phải là “phượt” (trừ một lần ở biên giới Campuchia - Thái Lan và Ấn Độ) mà là “vừa đi vừa học như tại các hội nghị và tập huấn” ở nhiều nước khác nhau trên khắp các lục địa! Tường Vi chân thành giãi bày những trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc tìm kiếm những cơ hội như thế cho bạn bè. Khó nhưng không phải không thể “bắt chước” được, khi Tường Vi tự “đặt tiêu chuẩn thật cao khi đi”, với ý thức đáng quý khi có cơ may tham dự những hội nghị và tập huấn dành cho giới trẻ khắp nơi trên thế giới: “Đi những thứ đó là đi bằng thuế của thiên hạ từ rất nhiều nước, là mồ hôi nước mắt của dân, bất kể là dân nước nào, vì vậy tôi luôn học hết sức, mọi nơi. Tôi không coi đó là dịp du lịch để mà sểnh ra một chút là chơi và mua sắm như nhiều người… À, tất nhiên khi cần xõa thì tôi xõa điên cuồng, nhưng phải biết mục tiêu chính là gì”.
“Mục tiêu chính” chẳng gì khác ngoài việc cảm nhận thấm thía lời nhắc nhở của Martin Tan, người sáng lập Quỹ Halogen, được Tường Vi ghi lại: “Chúng ta có thêm nhiều mối quan hệ nhưng ít tình bạn, nhiều công việc nhưng ít thời gian, nhiều kiến thức nhưng ít thấu hiểu, nhiều cơ hội nhưng thiếu tập trung, nhiều sở thích nhưng ít đam mê”. Thế đấy, cải thiện một tình trạng, xây dựng một cách tiếp cận mới thì “hãy năng động lên, vì chính tương lai của mình!”.
Thật cảm khái khi nghĩ đến “tâm trạng” của Cao Bá Quát thuộc thế hệ những trí thức Việt Nam đầu tiên “xuất dương” và cơ hội cho thế hệ trẻ ngày nay:
Tân Gia* từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một màu bao la
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi
Không đi khắp bốn phương trời
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai
Và cả “gái” nữa chứ! Xin thêm: đây còn là một tập du ký rất có “văn”! Xin chia vui cùng cô chủ nhiệm “Câu lạc bộ lan tỏa”, một địa chỉ văn hóa trẻ mà tôi có vinh hạnh được tham dự đôi lần, và lần này, hân hoan viết mấy lời giới thiệu chân thành này.
tin tức liên quan
Videos
Tết đến, xuân về, cùng thưởng thức dòng câu đối “đặc biệt”
Thể loại phim
Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)
Những vấn đề về hòa hợp dân tộc sau cuộc chiến tranh Việt Nam
Thống kê truy cập
114529400
2143
2304
21673
216096
0
114529400