Diễn đàn

Góp thêm quan điểm về bản “lý lịch kháng chiến” của Bình Định vương Lê Lợi

Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) và thắng lợi cuối cùng của nó lâu nay vẫn được xem là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc. Thành công của cuộc khởi nghĩa, đương nhiên là “gắn rất chặt” với vai trò, tài năng cùng nhãn quan chính trị, quân sự kiệt xuất của vị thủ lĩnh tài ba: Bình Định vương Lê Lợi.

 

Tượng vua Lê Thái tổ (Lê Lợi)

Về “động cơ” phất cờ khởi nghĩa của Bình Định vương, theo Văn bia Vĩnh Lăng là: “Do căm phẫn quân giặc tàn bạo ức hiếp”. Vĩnh Lăng Bia cho biết thêm: “Năm Mậu Tuất (1418) khởi nghĩa dấy binh ở đồn Lạc Thủy”. Ở góc độ sử liệu học, có thể xem bia Vĩnh Lăng là nguồn tư liệu tuyệt đối tin cậy dưới các khía cạnh: mức độ bảo lưu thông tin (khắc trên đá), “thời điểm” (được biên soạn ngay sau khi Lê Thái Tổ qua đời), “tác giả” - Quan nội hầu Nguyễn Trãi (trí thức lớn đương thời đồng thời là một trong những bề tôi rất gần gũi, thân cận với Bình Định vương). Bởi vậy, có thể nói, Văn bia Vĩnh Lăng là sử liệu gốc, giữ vai trò như một “tư liệu quy chiếu” cho các sử liệu đời sau cũng như giới nghiên cứu đương đại khi tìm hiểu về gia thế, xuất thân và đặc biệt là xuất phát điểm của Lê Lợi trong công cuộc “Bình Ngô công đức tày trời” cách ngày nay hơn 6 thế kỷ.

Nhân sự kiện Cao Tự Thanh công bố công trình Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa - Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo (Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020), trong đó có những thông tin rất đáng chú ý về “lý lịch kháng chiến” của Bình Định vương Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo, xin góp một vài ý kiến về chủ đề này.

Minh sử là một trong những bộ chính sử về nhà Minh nhưng “được nhà Thanh biên soạn”. Năm Thuận Trị thứ hai (1645), Hoàng đế nhà Thanh ban chiếu thành lập Minh sử quán; đến năm Khang Hy thứ 18 (1679) bắt đầu biên soạn; năm Ung Chính thứ 13 (1735) hoàn thành; đến năm Càn Long thứ tư (1739) cho khắc in do lần lượt Trương Ngọc Thư, Vương Hồng Tự, Trương Đình Ngọc làm Tổng tài. Minh sử có tất cả 332 quyển, gồm các phần: Bản kỷ (24 quyển), Chí (75 quyển), Biểu (13 quyển), Liệt truyện (220 quyển) và 4 quyển Mục lục; ghi chép về lịch sử nhà Minh từ năm 1368 (thời điểm Chu Nguyên Chương kiến quốc) đến năm 1644 (Minh Tư tông tự tử)(1).

Theo Minh sử, “người Giao Châu vốn thích làm loạn”, trong khoảng thời gian trấn thủ Giao Châu (1416), Phong Thành hầu Lý Bân đã đàn áp rất nhiều cuộc “làm phản” của Nguyễn Trinh, Lê Hạch, Phan Cường, Nguyễn Khả Luận, Nguyễn Chiêu, Trần Hung, Nguyễn Nghĩ, Phạm Bá Cao, Vũ Vạn, Trần Dĩ Luận… “nhưng kẻ làm phản vẫn không ngớt nổi dậy. Tuần kiểm Nga Lạc Lê Lợi, Xa Tam - con Tri huyện Tứ Mang cũ Xa Cẩm, Tri phủ Nghệ An Phan Liêu, Thiên hộ châu Nam Linh Trần Thuận Khánh, Bách hộ nha Nghệ An Trần Dực Thành cũng thừa cơ làm loạn…”. Trong số các hoạt động quân sự này, Minh sử đặc biệt chú ý tới Lê Lợi, thông tin về ông được chép khá cụ thể, chi tiết:

“(Lê) Lợi lúc đầu làm quan với Trần Quý Khoáng, tới chức Kim Ngô tướng quân; sau theo về đường chính (tức làm quan cho nhà Minh), được dùng làm Tuần Kiểm huyện Nga Lộc phủ Thanh Hóa, uất ức bất đắc chí, đến lúc đại quân rút về bèn làm phản, tiếm xưng là Bình Định vương, lấy em là (Lê) Thạch làm Tướng quốc, cùng bè đảng là bọn Đoàn Mãng, Phạm Liễu, Phạm Án thả quân cướp bóc. Quan quân thảo phạt, bắt sống bọn Án. Lợi chạy trốn; lâu sau lại ra chiếm cứ sách Hà Lam cướp bóc. Các tướng Phan Chính, Sư Hựu tới tiễu phạt, bắt được bọn tướng quân ngụy là Nguyễn Cố Lập, Lợi trốn qua Lão Qua. Đến khi bọn Chính rút quân, Lợi lén ra giết Tuần kiểm Ngọc Cục…(2).

Bỏ qua sự sai lệch về tên người, địa danh; độ “vênh” về nhãn quan chính trị cũng là điều có thể hiểu được (Minh sử gọi các cuộc kháng chiến/nổi dậy của người Việt là “làm loạn”, “tạo phản”…); điều cần lưu ý chính là hai thông tin:

1. “(Lê) Lợi lúc đầu làm quan với Trần Quý Khoáng, tới chức Kim Ngô tướng quân- phong trào “phục Trần” do Trần Quý Khoáng lãnh đạo tới năm 1414 mới thất bại, tức Lê Lợi đã theo phò vị hậu duệ nhà Trần từ trước mốc thời gian này và được tin tưởng, trọng dụng(được phong chức Kim Ngô tướng quân).

2. “Sau theo về đường chính, được dùng làm Tuần Kiểm huyện Nga Lộc phủ Thanh Hóa” - thông tin này khẳng định việc Lê Lợi từng “cộng tác” với chính quyền nhà Minh.

Theo Cao Tự Thanh, hai thông tin nói trên nằm trong số những sự việc “không được nhiều người Việt Nam biết tới”. Nhà nghiên cứu họ Cao nhấn mạnh: Trước khi phất ngọn cờ Bình Định vương, Lê Lợi “từng tham gia phong trào Trùng Quang, về sau hàng người Minh, nhận chức Tuần kiểm Nga Lộc trong chính quyền đô hộ, thậm chí còn khá thân thiết với Trung quan Sơn Thọ”. Tác giả cho đây là một “tì vết” trong “lý lịch kháng chiến” của Bình Định vương. Và bởi là “tì vết” nên các sử gia Việt Nam từ thời Lê trở đi “cho dù có biết cũng phải lờ đi(3).

Nhận định này là có cơ sở nếu căn cứ vào một số thư tịch sau đây. Cần nói thêm là đa số các bộ sử, chí đều rất thống nhất ở nội dung này nên chúng tôi chỉ dẫn một số tư liệu điển hình:

1. Đại Việt sử ký toàn thư: Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt nhân dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề. Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.

Trước đó, bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở Châu Hóa cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.

…Mậu Tuất (1418), mùa Xuân, tháng Giêng, ngày Canh Thân, Vua (tức Lê Lợi) khởi binh ở Lam Sơn(4).

2. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép: Bấy giờ là thời kỳ họ Hồ cướp ngôi vua nhà Trần, Hoàng đế ở quê hương đọc sách và nghiên cứu binh pháp, giữ mình chờ thời vận. Đến khi nước Tàu dẫn quân sang đánh, bắt họ Hồ đem về kinh đô Kim Lăng, rồi chia nước Nam ta thành từng Quận từng Huyện. Hoàng đế ngầm có chí khôi phục non sông, ngài hạ mình tôn người hiền, tung tiền của nuôi binh sĩ, chiêu nạp những người mắc lỗi trốn lánh, được nhiều người quy phục.

Vua Hưng Khánh và vua Trùng Quang nối tiếp khởi binh chống quân Tàu, lấy danh nghĩa là khôi phục ngôi vua nhà Trần, được rất nhiều người hưởng ứng. Nhưng Hoàng đế biết rõ thời thế, cho là tất không thành công. Bởi thế ngài không dự, và hết sức ẩn kín hình tích, không lộ tiếng tăm.

Từ khi người Minh đô hộ nước ta… dù người Minh đem quân tước cũng không dụ được, lấy thế lực cũng không hiếp được, nhưng nhận thấy thế quân địch đang mạnh, nên ngài càng ẩn trong bóng tối, không dám khinh động, thường đem bảo vật năn nỉ hối lộ cho bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ và Mã Kỳ, những mong được khỏi nạn, để nuôi thêm sức lực và chờ đợi thời cơ.

Ngày mồng 2 là ngày Canh Thân, tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), nhằm niên hiệu Vĩnh Lạc triều Minh thứ 16, Hoàng đế dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương(5).

3. Bia Vĩnh Lăng: Vua vâng theo nghiệp của ông cha, một lòng nghiêm cẩn. Tuy gặp thời loạn lớn mà chí càng thêm bền, ẩn giấu mình ở Lam Sơn làm nghề cày cấy. Vì căm giận bọn giặc tàn bạo nên vua càng chuyên tâm vào sách lược. Dốc hết của nhà để khoản đãi tân khách.

Năm Mậu Tuất, vua dấy nghĩa khởi binh đóng đồn trên Lạc Thủy, trước sau hơn mười trận đều mai phục dùng kì binh, tránh quân tinh nhuệ, thừa cơ lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh(6).

4. Ngay cả Lam Sơn thực lục, nguồn tư liệu mang tính “hồi ký chính trị” của chính Bình Định vương Lê Lợi cũng khẳng định: “Trẫm nối nghiệp cha anh, không dám bỏ hư hỏng sa sút, tuy gặp buổi đại loạn mà chí lại càng vững, cam chịu náu mình ở chốn núi rừng, làm việc cày cấy, lấy việc đọc thư sử làm vui. Lại vì căm giận lũ giặc cường bạo nên Trẫm chuyên tâm đọc sách thao lược. Trẫm dốc sạch của cải, đãi khách khứa rất hậu, đón mời người trốn tránh, thu nạp kẻ chống đối (nhà Minh), ngấm ngầm nuôi giấu những kẻ sỹ mưu trí. Tội ác của giặc đầy rẫy, thần và người đều căm giận (Đoạn tiếp theo nói về chính sách vơ vét tàn bạo, hà khắc của nhà Minh) “Chúng xảo quyệt đặt dinh này ấp nọ, xếp đặt nào quan nào tước, lừa bắt sỹ phu ta đưa về triều rồi đem họ đi an trí ở bất Bắc. Riêng trẫm vẫn giữ vững lòng xưa, không để quan tước dụ dỗ, không cho khí thế khuất phục, dù lũ giặc trăm mánh nghìn khóe, mà chí Trẫm vẫn rắn chắc không hề nao núng…(7).

Quãng thời gian Lê Lợi “giữ vững lòng xưa” kéo dài trong 4 năm, đến năm Mậu Tuất (1418) “tháng Tư mùng Chín, lúc ấy, giặc đem đại binh đánh ép Trẫm ở Lam Sơn, Trẫm bèn lui về đóng đồn ở Lạc Thủy (địa danh nay thuộc Hòa Bình), đặt mai phục để đợi(8).

Tóm lại, hệ thống sử thư Việt Nam thời quân chủ cho chúng ta hai thông tin:

- Trước khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi không tham gia phong trào kháng chiến của Trùng Quang đế, cũng không “cộng tác” với giặc Minh, “không để quan tước dụ dỗ”.

- Hoạt động quân sự của Lê Lợi chỉ chính thức bắt đầu từ năm 1418.

Đây là những thông tin hoàn toàn đối lập với những gì mà chính sử Trung Hoa ghi lại. Điều này khiến một số nhà nghiên cứu (như Cao Tự Thanh) đặt ra nghi ngờ: Khi biên chép sử Việt, những Nguyễn Trãi, Ngô Sỹ Liên, Lê Quý Đôn… không dám “mạo phạm”, vô tình hay cố ý đã lược bỏ chi tiết Lê Lợi từng làm quan cho chính quyền nhà Minh để dựng lên một chân dung Bình Định vương “không tì vết” (trước khi khởi nghĩa rất chăm nghề nông, chuyên tâm với sách vở, sẵn sàng “dốc sạch của cải, đãi khách khứa rất hậu”, trước sau luôn vững chí bền gan, “không để quan tước dụ dỗ”). Điều này đã kiểm chứng qua 4 nguồn thư tịch đã nêu. Thậm chí, nhiều công trình nghiên cứu đương đại khi phác dựng chân dung Bình Định vương Lê Lợi và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, (có thể là) do chỉ tiếp cận với các sử liệu nói trên nên đã bỏ qua chi tiết này.

Trên thực tế, cả hai sự kiện (Lê Lợi từng tham gia phong trào “phục Trần” của Trùng Quang đế và làm quan trong chính quyền nhà Minh) đã được chính các sử gia nhà Hậu Lê “nhận thức lại”. Chẳng biết có phải thời điểm Ngô Thì Sỹ biên soạn Đại Việt sử ký tiền biên,quyền lực và tầm ảnh hưởng của vua Lê đã giảm sút rất nhiều (?) hay do đã tham bác Minh sử cùng các thư tịch Trung Hoa mà bản “lý lịch kháng chiến” của vua Lê Thái Tổ đã được sử gia làng Tó (làng Tả Thanh Oai - Hà Nội) này “cập nhật” không ít nội dung mới (khá tương đồng với thông tin từ Minh sử), cụ thể như sau:

Mậu Tuất 1418, mùa Xuân, tháng Giêng, Lê Lợi người Thanh Hóa dấy binh ở Lam Sơn… trước đây theo vua Trùng Quang được giao chức Kim Ngô vệ tướng quân. Khi vua Trùng Quang thua, vua lui về Lam Sơn. Hoàng Phúc vời Vua đến trao cho chức thổ quan Tuần kiểm. Vương thấy quân Minh hà khắc, bạo ngược, Vương bèn nảy chí làm loạn, từng bảo mọi người rằng: Bậc trượng phu sinh ra ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, để lại tiếng thơm muôn đời, chứ đâu lại cứ hèn nhát cho người ta sai khiến. Bèn xướng xuất các bậc hào kiệt, giương cờ tụ nghĩa, tự lập làm vua(9).

Các thông tin: “Vương bèn nảy chí làm loạn, chứ đâu lại cứ hèn nhát cho người ta sai khiến” đã khẳng định sự việc Lê Lợi từng làm quan trong chính quyền đô hộ. Ở khía cạnh khác, không phải đến “Mậu Tuất 1418, mùa Xuân, tháng Giêng” Lê Lợi mới dấy binh. Hoạt động quân sự của Bình Định vương thực tế đã diễn ra từ nhiều năm trước. Năm 1418, có chăng chỉ là cột mốc đánh dấu sự độc lập chiến đấu trong vai trò thủ lĩnh của Khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi mà thôi.

Quan trọng hơn, dẫu là chủ nhân của cả hai sự kiện: từng theo Trùng Quang đế và có thời gian giữ chức Tuần kiểm trong chính quyền đô hộ thì hình ảnh, tầm vóc của vị Tổ trung hưng thứ hai của dân tộc cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng. Thậm chí, có thể nói, chính hai sự kiện này đã tô đậm thêm tinh thần yêu nước, nhãn quan chính trị kiệt xuất của vị hào trưởng đất Lam Sơn. Chuỗi sự kiện “theo rồi bỏ” Trung Quang đế, “tham gia rồi ly khai” khỏi chính quyền đô hộ chính là “thực tế để rút ra bài học”, là tiền đề để Lê Lợi nhận thức rõ: Cả hai khuynh hướng: “Khôi phục nhà Trần” và “thỏa hiệp với nhà Minh” đều không thể thành công trong bối cảnh đương thời.

 

1. Cao Tự Thanh - dịch và giới thiệu (2020), Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa (Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo), Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.162.

2. Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa (Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo), sách đã dẫn, tr.179-180.

3. Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa (Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử cảo), sách đã dẫn, tr.46.

4. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1272 - 1697), Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch (1985 - 1992), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.314-315.

5. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Bộ Văn Hóa - Giáo Dục và Thanh Niên - Saigon (1973), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội (1978), phiên bản điện tử của Công Đệ, Lê Bắc, tr.4.

6. Lam Sơn Vĩnh Lăng biatrong cuốn Văn bia Lê Sơ tuyển tập, Phạm Thị Thùy Vinh - Ch.b (2014), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.59.

7. Nguyễn Diên Niên (2006) - khảo chứng, Lam Sơn thực lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.188-189.

8. Lam Sơn thực lục, sách đã dẫn, tr.193.

9. Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Đại Việt sử ký tiền biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1997),  Bản kỷ, quyển X, Kỷ thuộc Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.549.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441307

Hôm nay

224

Hôm qua

2283

Tuần này

21211

Tháng này

216481

Tháng qua

112676

Tất cả

114441307