Người xứ Nghệ
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những người thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, là bậc cách mạng tiền bối, là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất. Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vĩnh Yên, nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh, mất ngày 28/8/1941 tại Sài Gòn. Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi (hi sinh năm 31 tuổi) nhưng Nguyễn Thị Minh Khai đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) - nhà cách mạng tiêu biểu của Việt Nam
Trước hết, Nguyễn Thị Minh Khai có những đóng góp quan trọng trong thời kỳ vận động thành lập Đảng.
Giữa những năm hai mươi của thế kỷ trước, trong thời kỳ tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chuyển từ nước Nga về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người tiến hành tổ chức các lớp đào tạo cán bộ nòng cốt để từ đó chuẩn bị cho sự ra đời của chính Đảng Mác -xít ở Việt Nam. Thời kỳ này ở trong nước, phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi. Như ở Trung Kỳ, Việt Nam cách mạng Đảng ra đời, tích cực tuyên truyền, giáo dục, tập hợp, đoàn kết các lực lượng tiến bộ, yêu nước để đánh Pháp và bè lũ tay sai. Tại Vinh (Nghệ An), ở các trường học, việc tuyên truyền, vận động học sinh tham gia các hoạt động yêu nước diễn ra mạnh mẽ. Lúc bấy giờ, Nguyễn Thị Minh Khai đang học ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây Nguyễn Thị Minh Khai được thầy giáo Trần Phú và một số thầy giáo khác dạy dỗ, dìu dắt, giác ngộ cách mạng và sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước. Từ năm 16 tuổi (1926), Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những người đi đầu trong phong trào đấu tranh tại Vinh và vùng phụ cận. Đồng chí ở trong Ban vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tiếp đó ở trong Ban tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, lễ mít tinh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Một năm sau, đồng chí lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai xin gia nhập Việt Nam cách mạng Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng ta. Tiếp đó, Nguyễn Thị Minh Khai được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ, được phân công phụ trách ba lĩnh vực công tác: thứ nhất là tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia cách mạng; thứ hai là huấn luyện đảng viên khu vực Bến Thủy, Trường Thi, Nghi Lộc, Thanh Chương; Thứ ba là tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng. Nguyễn Thị Minh Khai đã hoạt động tích cực, tận tụy, đi sâu đi sát với quần chúng nên đã giáo dục, tuyên truyền, vận động được nhiều quần chúng tham gia phong trào yêu nước. Dần dần, số lượng quần chúng tích cực ngày càng tăng, phong trào đấu tranh của nhân dân lao động (trong đó có nhiều phụ nữ) ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ, trong số đó có một số phụ nữ như Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhuận, v.v… sau này trở thành cán bộ cốt cán của cách mạng. Lúc đó Nguyễn Thị Minh Khai chỉ mới 17 tuổi (1927).
Những tháng đầu năm 1928, tình hình cách mạng có nhiều biến chuyển tốt. Phong trào đấu tranh của công nhân vùng Vinh - Bến Thủy ngày càng sôi nổi, đầy khí thế. Nguyễn Thị Minh Khai cùng với các đồng chí trong Việt Nam cách mạng Đảng tổ chức nhiều buổi diễn thuyết, nói chuyện, trao đổi, tuyên truyền về chủ trương, đường lối, mục đích… của cách mạng cho đông đảo công nhân. Đồng chí cũng tích cực phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục những thành phần cốt cán để dần dần kết nạp họ vào Việt Nam cách mạng Đảng. Không những thế, Nguyễn Thị Minh Khai còn tích cực đến với nông dân vùng lân cận Vinh (Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu,…) đi sát, đi sâu vào cuộc sống của họ, qua đó tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của họ, vận động thành lập tổ chức Nông hội. Những hoạt động đó của Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong Việt Nam cách mạng Đảng đã góp phần quan trọng và chủ yếu làm cho cuộc vận động cách mạng của Đảng có những bước tiến mới và làm cho phong trào cách mạng ở Vinh và vùng phụ cận ngày càng mạnh lên. Đến đây có thể khẳng định rằng những hoạt động nói trên của Nguyễn Thị Minh Khai là những bước chuẩn bị rất quan trọng trong giai đoạn xây dựng các tổ chức quần chúng, xây dựng hệ thống cơ sở Đảng, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương sau này, góp phần vào việc hợp nhất các tổ chức Đảng thành lập chính Đảng duy nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh cách mạng; không những thế, đã đào tạo được nhiều cán bộ cho Đảng, những người này sẽ là lực lượng nòng cốt của Đảng. Như vậy, Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những lớp đảng viên đầu tiên của Đảng đã có những đóng góp quan trọng và hiệu quả trong thời kỳ vận động thành lập Đảng.
Và ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện lịch sử này có đóng góp không nhỏ của Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí đã tận tụy, nhiệt tình, có nhiều công lao trong việc vận động cách mạng tiến tới thành lập Đảng.
Thứ hai, Nguyễn Thị Minh Khai có những đóng góp tích cực, quan trọng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, khi đang học ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh), Nguyễn Thị Minh Khai đã tham gia Tổ nữ sinh yêu nước, vận động cá nữ sinh cùng nhau góp tiền mua vải may băng tang để đi dự Lễ truy điệu Phan Chu Trinh, ký vào Bản yêu sách đòi bọn Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu. Tiếp đó, đồng chí là người đầu tiên phụ trách việc tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia phong trào yêu nước. Nhờ sự nhiệt tình, khéo léo của Nguyễn thị Minh Khai mà nhiều chị em phụ nữ khu vực Vinh, Bến Thủy, Nghi Lộc, Hưng Nguyên được hiểu biết và giác ngộ, sau này trở thành phẩn tử tích cực, cán bộ cốt cán của Đảng.
Năm 25 tuổi (1935), Nguyễn Thị Minh Khai được cử tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ bảy. Nguyễn Thị Minh Khai đã đọc tham luận. Đây là lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế Cộng sản, một phụ nữ phương Đông, một phụ nữ Việt Nam cất tiếng nói dõng dạc tố cáo tội ác tàn bạo, dã mạn của bọn thực dân Pháp cướp nước, vạch trần chính sách xâm lược của chúng. Không những thế, đồng chí còn khẳng định một cách hùng hồn, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Đông Dương trong giai đoạn lịch sử mới:“Đặc biệt là trong thời kỳ cao trào cách mạng Đông Dương, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào phong trào đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui…” (Những tấm gương cộng sản - tập 1 - NXB Nghệ An - trang 85, 86). Đồng thời, đồng chí cũng nêu lên một số hạn chế của Đảng Cộng sản như chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc phát huy vai trò của phụ nữ, đến phong trào đấu tranh của phụ nữ, v.v…
Từ năm 1937, trong cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Nguyễn Thị Minh Khai thường xuyên quan tâm đến việc phát triển phong trào đấu tranh của chị em phụ nữ, đến vị trí, vai trò của người phụ nữ. Đồng chí đã viết sách giới thiệu với phụ nữ Sài Gòn – Chợ Lớn cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới, qua đó tuyên truyền, giáo dục việc nâng cao nhận thức cách mạng cho phụ nữ, nhờ đó mà thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí cũng kêu gọi chị em phụ nữ hãy tích cực đoàn kết với nam giới để lập ra các hội tương tế ái hữu. Đồng chí cũng đã viết nhiều bái bái đấu tranh bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng về giải phóng phụ nữ. Không những thế, Nguyễn Thị Minh Khai còn khẳng định sự gắn bó giữa phong trào đấu tranh của phụ nữ Việt Nam với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Đồng chí cũng lớn tiếng kêu gọi phụ nữ hãy tự cố gắng, nỗ lực vượt qua những rào cản của xã hội, những khó khăn để đứng lên tham gia gánh vác công việc của đất nước.
Thứ ba là đóng góp quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ.
Trong suốt cuộc đời cách mạng, dù phải hoạt động trong những điều kiện bọn giặc Pháp thường xuyên tăng cường các cuộc vay bắt, truy lùng nhưng Nguyễn Thị Minh Khai không hề run sợ. Đồng chí luôn luôn có bản lĩnh vững vàng, tài trí thông minh, có tài tùy cơ ứng biến để thoát khỏi sự theo dõi của địch.
Ngày 30/7/1940, khi đang hoạt động tại Sài Gòn, Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt. Dù bị tra tấn bằng mọi cực hình nhưng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn cương quyết không khai, vẫn giữ được ý chí cách mạng kiên cường, sắt thép của người chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, với dân. Trong tù đồng chí vẫn tích cực rèn luyện học tập.
Biết không khuất phục được người cộng sản, ngày 28/8/1941, địch đã đưa Nguyễn Thị Minh Khai đi xử bắn tại Sài Gòn. Trước pháp trường, chị đã dõng dạc tuyên bố: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được tự do mà chúng tôi làm cách mạng”.
Như vậy, cho đến tận phút cuối cùng, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn một lòng mong muốn Tổ quốc được tự do, độc lập, vẫn canh cánh bên lòng nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc. Nguyễn Thị Minh Khai là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ noi theo.
Bảy mươi chín năm đã trôi qua kể từ ngày Nguyễn Thị Minh Khai hi sinh nhưng tấm gương của đồng chí vẫn ngời sáng mãi.
tin tức liên quan
Videos
Chùa Diệc - Diệc cổ tự - Diệc cổ Tùng lâm
Luận bàn về văn hóa ứng xử
Từ “Vịnh” đến “Vinh”
Roy Medvedev: “Stalin từng mơ ước trở thành nhà văn”
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Thống kê truy cập
114520884
2252
2339
21925
218823
121009
114520884