Diễn đàn

Ca trù - một "mảnh hồn dân tộc" đang thiếu chỗ đứng trong nhịp sống hiện đại

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ, chúng ta đã có những di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận, như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Hát xoan, Ca trù,...Nếu như, ở các địa phương, trong dịp lễ hội, các loại hình văn hóa tiêu biểu vẫn còn được dàn dựng, biểu diễn thì Ca trù dường như đang dần mất dạng trong nhịp sống hối hả hôm nay.

Hat ca trù

Tự hào về một loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo

Có thể nói, trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, không một thể loại âm nhạc nào lại có tính đa diện như nghệ thuật Ca trù. Theo dòng chảy của thời gian, tùy từng không gian văn hóa hay chức năng xã hội mà loại hình nghệ thuật này từng sở hữu nhiều tên gọi với những ý nghĩa khác nhau, như: hát ả đào, hát Ca trù, hát cửa quyền, hát nhà trò, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát ca công… Các địa phương được ví như cái nôi của Ca trù trải dài khắp trên 16 tỉnh thành phía Bắc, tiêu biểu như: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Hát Ca trù, theo sách “Việt Nam Ca trù biên khảo”, các tác giả cho rằng, ở cửa đền ngày xưa thường có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù, làm bằng mảnh tre ghi mức tiền với giá trị mỗi thẻ, dùng để thưởng cho ả đào thay tiền mặt. Khi hát, quan viên thi lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng “chát”, bên chiêng đánh một tiếng chiêng rồi thưởng cho một cái trù. Đến sáng, đào kép cứ theo trù thưởng mà tính tiền, ví dụ được 50 trù mà giá trị mỗi trù ấn định là hai tiền kẽm thì làng phải trả cho quan viên 10 quan tiền. Vì thế, hát ả đào còn được gọi là Ca trù, nghĩa là hát thẻ.

Cùng với phương thức biểu diễn, lối hát trong nghệ thuật Ca trù cũng cho thấy tính đa dạng và giàu có về phong cách của nó. Có thể kể ra đây một số lối hát tiêu biểu, như:Hát cửa quyền (hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ca trù trong các nghi thức của cung đình thời phong kiến); Hát cửa đình (hình thức sinh hoạt nghệ thuật Ca trù phục vụ cho nghi thức tế lễ thần thánh ở các đình trong đền làng); Hát nhà trò (một hình thức của hát cửa đình, bên cạnh âm nhạc bao giờ cũng có sự kết hợp của nghệ thuật múa và một số trò diễn mang tính sân khấu. Người ta gọi đó là “bỏ bộ”. Ả đào miệng hát, tay múa uốn éo, vừa hát vừa làm trò nên gọi là hát nhà trò); Hát nhà tơ (hình thức biểu diễn trong ty quan, phục vụ nhu cầu giải trí trong môi trường các nhà quan lại); Hát cô đầu (tên gọi xuất hiện muộn hơn cả, tỏ ý tán tụng bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng những món tiền đầu nên gọi là “cô đầu”); Hát ca công (tên gọi xuất hiện cuối thời nhà Lê, là danh từ được dùng để chỉ các nghệ sỹ chốn giáo phường. Theo đó, hát ca công hàm ý là âm nhạc giáo phường).

Tuy nhiên, tên gọi Ca trù thể hiện rõ nhất tính thương mại của một loại hình nghệ thuật, tức loại hình này đã đạt tầm nghệ thuật cao để trở thành một giá trị hàng hóa trong đời sống xã hội. Và dù tồn tại ở tên gọi nào, loại hình nghệ thuật này cũng là một bộ phận hết sức có giá trị của nền văn hóa dân gian.

 

Chỗ đứng nào cho Ca trù trong nhịp sống hiện đại?

Một thời kỳ dài cùng với những biến cố và thăng trầm lịch sử, có thể thấy, nghệ thuật Ca trù đã thâm nhập sâu rộng và toàn diện ở nhiều môi trường với nhiều hình thức biểu diễn khác nhau. Từ trong cung đình vua chúa ra đến đền làng, đôi lúc có mặt ở cả ty quan và thăng hoa chốn sân khấu. Nhưng, có thể thấy, mảnh đất phổ biến và quen thuộc nhất của loại hình nghệ thuật này là ở các giáo phường, trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo mỗi dịp lễ hội của cộng đồng, làng xã.

Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đang sống trong một không gian văn hóa mới và luôn đau đáu với một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc có nguy cơ thất truyền. Nguyên nhân của mối lo ngại này xuất phát từ cả lý do chủ quan và khách quan. Lớp nghệ nhân cuối cùng, những người nắm giữ hiểu biết và ngọn lửa đam mê Ca trù phần thì không còn nữa, phần còn lại đang ở độ tuổi “cửu thập cổ lai”. Bên cạnh đó, nghệ thuật dân gian nói chung, trong đó điển hình là Ca trù đang bị mai một dần trong trí nhớ, thói quen thường thức nghệ thuật của đông đảo các thế hệ trước những giá trị văn hóa và loại hình giải trí mới. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng chưa có một động thái tích cực và chiến lược cụ thể cho việc phục dựng, tôn tạo để thiết lập chỗ đứng mới cho Ca trù trong thế giới văn hóa giải trí. Và vì thế, chúng ta đã và đang tự đánh mất dần và một ngày sẽ mất hẳn một phần kí ức của dân tộc, một nét văn hóa hết sức độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Hiện một số địa phương đã có những nỗ lực để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trong đó, tỉnh Nghệ An cũng có một vài huyện như Diễn Châu, Yên Thành có CLB Ca trù là địa chỉ sinh hoạt cho những người vẫn còn đam mê, nhiệt huyết với loại hình ca hát độc đáo này. CLB Ca trù của huyện Diễn Châu gặt hái khá nhiều thành tích trong các cuộc liên hoan toàn quốc. Tuy nhiên sự ảnh hưởng, lan tỏa của nghệ thuật Ca trù trong đời sống người dân Nghệ An hôm nay, nhất là lớp trẻ rất mờ nhạt.

Ca trù có sự giao thoa rộng lớn, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, mang tư tưởng, triết lý của người Việt hết sức sâu sắc và tự hào được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.        Trước một loại hình nghệ thuật quý giá, độc đáo như vậy, hi vọng các cấp, các ngành sẽ có những giải pháp đắc lực hơn nữa để bảo tồn và phát huy được nghệ thuật Ca trù ngang tầm với vị thế và giá trị của nó.

Còn mỗi người dân, trong nhịp sống hối hả hôm nay, nên nghe Ca trù để tâm hồn mình tĩnh lại, để tưởng nhớ những giá trị tinh hoa trong văn hóa người Việt một thời, để cảm thấy tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt. Từ đó, thêm yêu quý và biết trân trọng những con người đầy tâm huyết và lòng nhiệt thành với nghệ thuật truyền thống, trong những bộn bề của cuộc sống hiện đại này, giữ gìn ngọn lửa Ca trù cho các thế hệ mai sau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Thị An (1999), Ca trù qua một số truyền thuyết, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1.

[2]. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1994), Việt Nam Ca trù biên khảo, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh. 

[3]. Phan Thư Hiền (2008), Nguyễn Công Trứ với hát Ca trù, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[4]. Nguyễn Đức Mậu (2008), Hát nói Nguyễn Công Trứ (chuyên luận và tinh tuyển), Nhà xuất bản Nghệ An, Vinh.

[5]. Lê Minh Quốc (2002), Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.

[6].Viện Âm nhạc (2008), Hát Ca trù người Việt, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, Bộ VH-TT-DL, Học viện quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434771

Hôm nay

242

Hôm qua

2349

Tuần này

21421

Tháng này

211819

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434771